22 January 2022

KỶ NIỆM ĐẸP TRÊN NÚI HOHER DARSBERG - Lê quang Thông

Xa xôi chi đó mà lầm

Phải hương hương bén, phải trầm trầm thơm

(Ca dao)

Tôi ở cách Heidelberg chừng 100km nhưng số lần ghé thăm tính trên đầu ngón tay. Thành phố đẹp, nhiều chổ đáng coi, nhiều lâu đài và phố xá nhà cửa dọc hai bờ sông Neckar thơ mộng. Tôi đã đi trên cây cầu cổ ngang dòng sông Neckar, đã đến lâu đài đổ nát nổi tiếng ở Heidelberg, do những lần dẫn bạn bè bà con từ Mỹ, Pháp, Việt Nam …qua thăm, để chụp hình ghi dấu một chuyến đi Đức.

Một vài chổ trong thành phố chúng tôi biết kiểu cưỡi ngựa xem hoa như thế, làm sao biết tới Hoher Darsberg, một ngọn núi cao chừng 350m, cách Heidelberg 20 km, nơi Julie và Quân chọn làm tiệc cưới.

Hoher Darsberg đáp ứng các yêu cầu của hai đứa. Trước hết gia đình Julie, ông bà ngoại, các cậu, dì, chú bác, anh chị em họ, đều ở quanh vùng Heidelberg. Nơi tổ chức có luôn khách sạn để ở lại đêm, vừa tiện cho tổ chức vui chơi qua đêm, vừa tiện cho quan khách, bà con, bạn bè ở xa. Chổ này rất đẹp, nằm trên đỉnh núi. Trời tháng Tư vẫn còn tuyết rãi rác đôi chổ, nhưng đường sá từ Heidelberg lên đây khô ráo.

Một chi tiết khác khiến Quân rất khoái khi chọn Hoher Darsberg. Nơi đây dân cầu thủ đá banh hay tổ chức cưới. Gần nhất là Tony Cross, tay chơi Trung vệ, nằm trong đội tuyển quốc gia Đức, thần tượng của Quân, hiện đá cho Real Madrid.

Quân là đứa con thứ hai, và út của chúng tôi. Khi đoàn tụ, tôi 34 và nhà tôi 32 tuổi, sẵn sàng có ít nhất 3 đứa con nữa, nhưng vì hai lần phụ đở đẻ trên tàu Cap Anamur làm tôi sợ hết hồn.

Lần đầu là một người đàn bà trẻ, người Miệt Thứ, cao ráo và chưa tới 20 tuổi, có mang con so. Lúc được vớt lên tàu, cô ta đã có bụng gần 8 tháng. Đi đứng lên xuống hầm tàu với cái bụng lặc lè đã rất khó khăn. Người chồng thường hay hỏi tôi ngủ đâu ban đêm, để khi vợ chuyển bụng tìm tôi cho dễ.

Ban đêm dưới hầm tàu rất nóng, nên tôi thường ngủ trên trần, trong các hốc, đế của các cần cẩu, vì tàu nguyên là một chiểc Container Schiff. Bề mặt của các đế này rộng như một cái giường. Chỉ có khi vào trong đế phải chui, lòn qua các ống, thanh sắt, phải cẩn thận dễ u đầu. Lúc tàu ở trong vịnh Thái lan, trời tháng 4,5 nóng bức, đây là nơi ngủ lý tưởng, như hồi thanh niên ngủ ngoài bãi những lần tắm biển Thuận an, Huế.

Nhưng người chồng không cần tìm chổ tôi ngủ. Một buổi chiều khoảng 5 giờ, anh ta dìu vợ mặt mày nhăn nhó lên bệnh xá. Tôi mở cửa để anh ta đưa vợ vào nằm và tin cho Bác sĩ, Y tá biết.

Đó là thời điểm bắt đầu một đêm chiến đấu của một ê kíp 4 người : Bà Bác sĩ, 2 cô Y tá, và tôi trong nhiệm vụ thông ngôn. Đến 6 giờ sáng mai thằng cu khóc oe oe chào đời, là lúc chúng tôi hoàn toàn kiệt sức, nằm lăn lóc trong bệnh xá và ngủ một giấc đến trưa. Một đêm dài, thằng nhỏ cứ ló ra rồi thụt vô không biết bao nhiêu lần. Tôi nhắc sản phụ lập đi lập lại các động thái nín thở, lấy hơi, rặn…mỗi khi Bác sĩ ra lệnh. Sản phụ đau, hai tay bám chặt lấy cổ tôi. Những vết móng tay bấm lủng da cổ, cả tuần sau mới lành và để dấu lại khá lâu.

Tôi có 2 đứa con nhưng chưa một lần thấy chuyện sinh nở. Sau lần nầy, tôi suy nghĩ nhiều về chuyện rồi đây đoàn thụ với vợ. Nên có thêm một hai đứa nữa chăng ? Đang phân vân thì một chị mang thai con rạ, người Vĩnh Long, chuyển bụng được người chồng dìu tới trước bệnh xá. Tôi vội vàng mở cửa, và dặn ông chồng đưa vào, tôi phải gọi ê kíp y tế. Chưa hết câu, chị ta đã đẻ oà ra trước cửa bệnh xá. Tôi run vì thấy nước, máu lai láng, may mà Bác sĩ và các Y tá xuống kịp.

Với ba năm một mình nuôi hai con ở Việt nam, nhà tôi đã khá mệt mỏi. Hai đứa thỏa thuận phải ngừa không sinh nữa, để tận hưởng cuộc đời bù lại thời gian khổ cực, xa cách. Bây giờ nghĩ lại nhiều lúc cũng thấy tiếc vì chỉ có hai đứa con, nếu như thêm được thằng Quần, thằng Quấn ...hay sau con Nhi chị nó có thêm con Nhì, con Nhí ...thì vui biết mấy.

Quân lúc qua Đức chưa đầy 5 tuổi, nó theo học Mẫu giáo cho tới khi xong Tú tài Đức thoải mái. Con chị nó lanh lợi, xã giao. Nó, ngược lại nói ít, quan sát nhiều. Lúc mới qua Đức thấy cái gì nó cũng hỏi. Nhiều câu không giải thích được phải khất với nó để tìm xem hoặc hỏi người chuyên môn liên quan. Lúc đó không phải như bây giờ “trăm năm trong cõi người ta, điều gì chưa biết thì tra Google“. Ví dụ nó thắc mắc vì sao xe nhỏ hai cái gạt nước quét cùng một chiều, mà ở xe lớn (xe vận tải, xe nhà binh) hai cái gạt nước lại cùng quét vô hay gạt ra hai phía hông xe, đối nhau.

Quân thích xe hơi và rành rõi từng loại, năm sản xuất, đặc tính và thời giá. Đam mê này có từ lúc Tiểu học. Lúc nhỏ nó đã chạy bằng miệng hằng giờ một chiếc xe nhỏ trên nền nhà, hay sáng sớm đã thấy cu cậu nằm ghiền một dãy xe đồ chơi sắp trên mặt bàn phòng khách.

Mỗi năm, Triển lãm Quốc tế xe hơi IAA ở Frankfurt, Quân đều có mặt. Giá vé vô cửa nguyên ngày rất cao. Quân mua bằng tiền túi. Số tiền hằng tuần trẻ con nhận được từ cha mẹ để tiêu vặt (ăn cây kem, mua Gummisbärchen...) được thằng nhỏ dành dụm để đi IAA, nhiều lúc thấy tội, nhưng đó là một lối giáo dục rất hay ở Đức.

Bởi vậy có năm nó với vài ba đứa bạn làm tờ báo trường, vào cửa với tư cách phóng viên, nhờ năn nỉ bằng những khuôn mặt thánh thiện, là một kỷ niệm rất đẹp của Quân. Nó có một hộp sưu tập đầy huy hiệu các loại xe, đã giữ rất lâu cho đến khi lớn chuyển qua các đam mê khác.

Một trong những đam mê hiện tại của Quân là Julie. Hai đứa sẽ làm lễ cưới vào tháng 4 tới đây. Mọi sự đã được hai đứa lo lắng. Chúng tôi lại như lần đám cưới con chị nó, đưa danh sách bạn bè chúng tôi sẽ mời và ăn mặc đẹp, ngoài ra không phải mó tay vào việc gì. Lần này lại không phải chuẩn bị nói lời khai mạc vì cha mẹ bên gái lo chuyện này theo như thông lệ ở Đức.

Tôi phải dành vài dòng về đứa con dâu tương lai. Julie đến với gia đình chúng tôi khi còn sinh viên. Julie hội nhập vào đời sống gia đình tôi tròn trịa. Từ thắp hương cúng lạy như Quân, mỗi lúc trong nhà có kỵ giỗ, cho đến ăn uống những món khó ăn ngay cho chính người Việt : mắm nêm. Julie thích được ăn nem nướng Huế chấm với nước chấm chế biến từ mắm nêm. Đối với Julie bún riêu, các loại bánh Huế, bún bò Huế, phở, hủ tiếu…không mấy xa lạ. Nhờ vậy mà lần Quân và Julie về Việt Nam thăm bà con nội ngoại, ai cũng thân thiện với cô đầm rành cầm đũa nầy.

Lúc đưa Julie về giới thiệu bạn gái với ba mẹ, Quân đã ra trường, đi làm và Julie còn hai năm mới xong Master về Kinh tế. Quân và Julie đã sống chung với nhau, và tôi với nhà tôi đều thấy đó là điều cần thiết. Phải chịu đựng được nhau trước khi lập gia đình với nhau, tức là gắn bó chịu đựng nhau suốt đời. Đối với xã hội Đức, đó là chuyện bình thường. Nhưng đối với nhiều người Việt, chuyện con cái sống chung với bạn mình trước khi cưới hỏi là điều quá cấp tiến, phải cấm kỵ, hoặc dấu diếm như một sự nhục nhã gia thế, nếu như con họ lỡ làm.

Julie là con gái đầu trong gia đình hai con một trai một gái của một cặp người Đức, hồi hương từ Kamückien, một Cộng hoà nằm trong Liên bang Nga, một biến dạng của UdSSR sau khi tan rã. Họ trở về Đức những năm cuối thập niên 70 trong đợt rất đông cộng đồng Đức ở dọc sông Volga và sông Don hồi hương. Họ hiện định cư quanh quẩn vùng sông Neckar thành phố Heidelberg.

Người Đức rời đất nước trong nhiều đợt qua Mỹ và Nga do nhiều nguyên nhân khác nhau : hoặc mất mùa khoai Tây, hoặc vì bị bách hại tôn giáo, hoặc xa hơn nữa do được biệt đãi về cấp phát đất đai canh tác từ một Hoàng hậu người Đức trong triều đại Sa hoàng.

Khác với những cộng đồng Đức ở Mỹ, Canada được sống tự do với tôn giáo, tập tục, ngôn ngữ...của mình, điển hình là người Amische, người Mormon, hay Mennonite...Dân Đức ở phía Đông bị đày đọa, đàn áp, ...qua các giai đoạn chiến tranh và thay đổi thể chế từ sau thời Sa hoàng cho đến cuối thế kỷ 20. Họ bị đày đi Sibirien. Họ bị trưng tập đất đai tài sản đã do tính siêng năng, cần cù của người Đức gây dựng nên.

Trong hoàn cảnh khắc nghiệt của chính trị và khí hậu, họ vẫn giữ gìn truyền thống, văn hoá Đức...nhiều điểm còn Đức hơn cả Đức trên quê hương. Bởi thế việc học hành của con em trong các gia đình hồi cư thường ít có vấn đề, nhờ tiếng Đức, trẻ con đã học từ bên Nga song song với việc học ở trường.

Ngày cưới là một ngày thứ bảy tuần đầu tháng Tư, bắt đầu bằng một nghi lễ tôn giáo ở nhà thờ Heiliggeistkirche ở Heidelberg. Nhà thờ ở ngay trung tâm thành phố, giữa quảng trường Marktplatz, đẹp, rộng và tấp nập người đi, hàng quán, như mọi thành phố truyền thống của Đức. Đây là một nhà thờ Tin lành cổ, kiến trúc nguy nga, mỹ thuật và nằm trong danh mục những nơi đáng thăm viếng ở Heidelberg.

Tin lành không bắt buộc vợ hay chồng khác tín ngưỡng phải học đạo và cãi đạo trong hôn phối. Ai giữ đạo nấy, và con cái có quyết định của riêng nó khi lớn khôn. Thanh niên nam nữ coi nhẹ tôn giáo. Có chăng hai lần phải cần đến tôn giáo khi vào đời. Một, khi đám cưới, cho nghi lễ đầy đủ, cho đẹp để chụp ảnh, quay phim. Hai là khi đi làm, phải khai mục tôn giáo để đóng thuế nhà thờ.

Quân và Julie đã gặp Cha chủ lễ hôn phối nhiều lần để bàn về tổ chức, nên buổi lễ rất trang nghiêm mà nhẹ nhàng. Phần ứng khẩu của Cha là một bài giảng hay, phải ngồi nghe lại cái USB mới hiểu hết tâm ý của người chủ chiên qua cách trình bày rõ ràng, dung hợp dị biệt về tôn giáo.

Tôi có ca ngợi Cha trực tiếp sau buổi lễ. Quân cho biết đã tin cho Cha, trò chuyện với Cha vài lần về ngày giờ, ý muốn của hai đứa về buổi lễ, thành phần tham dự. Cha biết đối tượng mà Cha hành lễ nên cùng với khung cảnh giáo đường trang trọng, nghi lễ nhẹ nhàng, ai cũng cảm nhận được đây là một thánh lễ hôn phối tuyệt vời. Riêng tôi phải lau mắt nhiều lần vì xúc động và sung sướng.

Không phải riêng tôi, mà hầu như mọi người hào hứng trao đổi với nhau rất lâu từng nhóm trên quảng trường trước nhà thờ. Tháng Tư trời chiều còn nắng nhẹ, rất đẹp. Ai cũng vui vẻ , hân hoan trò chuyện cho đến khi Quân và Julie lên chiếc Mustang Oldtimer trang trí xe hoa, lên Hoher Darsberg , thiên hạ mới chịu rời Heliggeistkirche.

Đoàn xe chạy chậm, trên đường dốc quanh co nhiều vòng lên đỉnh Hoher Darsberg. Hôtel đã bày trên khoảng sân tiếp tân với cổng chào trang trí đèn, hoa và bong bóng màu sắc rực rỡ. Trên sân, những chiếc bàn đứng quanh 5,7 người. Khách được mời rượu và tụ từng nhóm chuyện trò.

Chúng tôi đã gặp nhiều gia đình quen biết với gia đình Julie trong các dịp nướng thịt mùa hè, nên chào hỏi, chuyện trò nhau thân thiết. Nhưng loanh quanh vài ba bàn, lại phải trở về với các anh chị bạn bè người Việt. Họ ít quen với không khí tiếp tân nầy, thường túm tụm riêng nhóm người quen biết và ngại gợi chuyện hay trao đổi với người lạ.

Khi Julie và Quân bước qua cổng chào, một nghi lễ đón tiếp có bánh mỳ và muối theo phong tục người Nga rất xúc động. Dấu ấn của văn hoá vùng đất sông Volga và sông Don được gia đình Julie diễn tả trong nghi thức đón tiếp cô dâu chú rễ, rất ý nghĩa trong việc nhắc tới cội nguồn. Trong nắng chiều tháng Tư, buổi tiếp tân rộn ràng với cụng ly, chụp hình, trao quà tặng, thưởng thức những món ăn chơi nhẹ do nhà hàng bưng mời...kéo dài đến khi tắt nắng. Mọi người vào phòng tiệc.

Không có nghi lễ gì thêm. Nhà hàng đợi lời mở đầu của cha mẹ cô dâu xong, là dọn Suppe và các món khai vị. Nhưng Dimis , cậu em trai của Julie, người sắp xếp chương trình, đến gần tôi, cho biết có trục trặc nhỏ. Do hấp tấp, Valentina, mẹ Julie, quên mang tờ giấy đã soạn sẵn lời mở đầu ở nhà. Dimis hốt hoảng cầu cứu. Nhìn qua bàn nhà gái, Valentina, mẹ Julie đang theo dõi trao đổi giữa Dimis và tôi, đồng thời ra dấu xin cứu bồ. Tôi nói Dimis cứ giới thiệu tôi, cha chú rễ, sẽ thay mặt hai nhà khai mạc lễ cưới.

Tôi cũng quên tự giới thiệu, tôi là một tay chủ hôn, hoặc đại diện họ nhà trai hay họ nhà gái cho khoảng hơn chục đám cưới quanh vùng Frankfurt. Đầu tiên là trong vòng bạn bè quen biết gã con gái, hay cưới dâu cho con trai. Tôi, nguyên nhà giáo, được bạn bè tín nhiệm.

Đến năm 1989, khi bức tường ngăn chia Đông Tây Bá linh sụp đổ, người Việt đi lao động ở Đông Đức chạy qua Tây Đức rất nhiều. Phía các cô nhanh chóng gặp các anh tỵ nạn đang cần có vợ. Và ngược lại các cô muốn một sự ổn định về đời sống chính trị và kinh tế. Dân tỵ nạn thanh niên có chổ ở ổn định, có công ăn việc làm, có xe...đáp ứng đủ những mong muốn đó và cấp tốc đám cưới. Có tháng bốn đám cưới trong bốn cuối tuần.

Tôi phần lớn là Đại diện nhà gái do cha mẹ, anh chị hay do chính cậu trai yêu cầu...từ đi Standesamt làm hôn thú, cho đến lễ cưới trước đông đảo quan khách. Tôi đạo mạo, nghiêm túc khác anh cu Miễn, chủ tịch Hợp tác xã làm chủ hôn cho đám cưới anh Hào với chị Đóc Xấu như nhà văn Nguyễn quang Lập viết trong Xóm gái hoang. Vốn là nhà giáo nên chuyện nói dăm ba câu mở đầu buổi tiệc không phải là chuyện gì to tát lắm.

Đây là bài ghi lại qua USB thâu tiệc cưới. Bài nầy do tôi ứng khẩu, lấy ý từ chuyện đùa tháng Tư, thay cho Valentina, mẹ của cô dâu, vì quá nhiều việc trong ngày cưới của cô con gái đầu, bỏ quên đâu đó ở nhà bài nói đã chuẩn bị sẵn.

Liebe Freunde

Liebe Gäste

Ich bitte Sie um einige Minute mich zu hören. Nur einige Minute weil, es wirklich langweilig ist, wenn Sie dauernd zuhören müssen.

Ich will Sie nicht in einem so wunderschönen Abend wie heute zum schlafen bringen.

Ich will Ihnen nur kurz eine Liebesgeschichte erzählen :

Es war einmal in einer kleinen Stadt, names GORODOWIKOWSK, kommt ein Mädchen zur Welt.

GORODOWIKOWSK liegt in der Republik KALMÜCKIEN, gehört zur RUSSISCHEN FÖDERATION.

Dieses Mädchen kommt mit der Eltern nach DEUTSCHLAND, besuchte die Schule in LEIMEN. später studierte sie im Uni MAINZ. In dieser Zeit hat sie einen Junge getroffen.

Der Junge kommt aus HUÊ, eine Kaiserstadt in Mitte von VIET NAM. Der kommt auch mit den Eltern nach Deutschland, aufgewachsen, besuchte die Schule und studierte in FRANKFURT AM MAIN. Die beiden lernten sich an einem Abend durch ihre Freundin kennen.

Die Begegnung von beiden ist schon ein große Zufall. GORODOWIKOWSK ist 2600 km von hier entfern und HUÊ ist 5x noch zu weit. Aber für die beide zählt nicht die Distanz, auch nicht die enorme Unterschiede zwischen Herkunft, Kultur, Religion u.s.w. Für sie zählt nur eine : DIE LIEBE.

Liebe Freunde

Liebe Gäste

Die Liebe führt uns heute, den 8.April zusammen. Aber der Monat April klingelte immer noch im Ohr nach APRIL, APRIL. Sie können denken an eine erfundene Geschichte, was ich gerade erzählen habe.

Nein. Das ist nicht APRILSCHERZ, wie die Deutschen sagen. Das ist auch nicht UN POISSON D‘AVRIL wie die Franzosen nennen.

Das ist eine echte Geschichte weil, die beiden heute hier sind.

Das Mädchen von GORODOWIKOWSK ist JULIE, DIE BRAUT.

Der Junge von HUÊ ist QUÂN, DER BRÄUTIGAM.

Ihr Liebe verdient die Anerkennung von uns. Wir geben einen großen Applaus für JULIE und QUÂN.

Mit diesem Applaus möchte ich die Hochzeitsfeier öffnen und wünsche Euch einen angenehmen, amüsanten Abend.

Danke

Tạm dịch :

Các bạn thân mến,

Quý khách thân mến,

tôi xin phép quý vị vài phút lắng nghe tôi nói. Chỉ vài phút thôi vì thật buồn chán nếu như quý vị phải nghe tôi tràng giang đại hải. Tôi không muốn ru quý vị ngủ trong một buổi đẹp trời như chiều nay. Tôi xin kể ngắn gọn một chuyện tình.

Có một thời, trong một thành phố nhỏ có tên là GORODOWIKOWSK ra đời một bé gái. GORODOWIKOWSK ở Cộng hoà KALMÜCKIEN, thuộc Liên bang NGA. Cô bé này cùng với cha mẹ hồi hương về Đức, theo học Tiểu, Trung học ở LEIMEN, sau đó học Đại học MAINZ. Trong thời gian này cô bé gặp một chàng trai.

Chàng trai này sinh ra ở Huế, một thành phố vua chúa ở miền Trung Việt Nam. Cậu ta cũng theo cha mẹ đến Đức, học Mẫu giáo đến Đại học ở thành phố FRANKFURT AM MAIN. Cậu trai và cô bé quen nhau trong một dịp gặp gỡ tại nhà bạn.

Chuyện gặp gỡ của đôi trẻ đã là một sự kỳ diệu. GORODOWIEKOWSK cách đây 2600 km và HUẾ còn xa hơn gấp 5 lần. Nhưng mà đối với đôi trẻ khoảng cách không kể đến, cũng như bao điều khác biệt về nguồn gốc, văn hoá, tôn giáo v.v…Với cô cậu chỉ một điều duy nhất đáng kể : tình yêu.

Các bạn thân mến,

Quý quan khách thân mến,

Chính tình yêu đó đã dẫn dắt chúng ta đến đây hôm nay, ngày 8 tháng 4. Nhắc đến tháng Tư chúng ta lại nghe vang trong tai THÁNG TƯ, THÁNG TƯ và quý vị có thể nghĩ rằng câu chuyện tình tôi vừa kể là một câu chuyện bịa đặt, hư cấu.

Thưa không. Đó không phải là CHUYỆN ĐÙA THÁNG TƯ (Aprilscherz) như người Đức nói. Đó cũng không phải là CÁ THÁNG TƯ (Un poisson d‘avril) như người Pháp gọi. Đó là một câu chuyện thật vì hai nhân vật của câu chuyện tình này đang trước mặt quý vị hôm nay.

Cô bé từ GORODOWIKOWSK là JULIE, hôm nay là cô dâu.

Cậu trai từ HUẾ, là QUÂN, hôm nay là chú rễ.

Tình yêu của JULIE và QUÂN xứng đáng được nhận sự tán thưởng của chúng ta bằng một tràng pháo tay.

Với âm vang của tràng pháo tay này tôi xin tuyên bố khai mạc buổi tiệc cưới và cầu chúc quý vị một buổi chiều dễ chịu vui chơi thoải mái.

Xin cám ơn quý vị.

Tiếng vỗ tay lại vang ầm lên. Lần này có nhịp hẳn hoi, y như trống đệm cho một bài hát. Một vài cặp nhảy với nhau một cách hứng khởi. Có tiếng hát vang từ góc những bạn trẻ bà con bên nhà gái. Điệu hát là một khúc hùng ca rất Nga. Tiếng vỗ tay mạnh vào âm cuối nghe như tiếng đá ủng của kỵ binh Cô dắc sau động tác ngồi xuống đứng dậy trong điệu vũ.

Hát, nhảy tưởng kéo dài bất tận nếu Dimis không yêu cầu yên lặng vào bàn vì Suppe và các món khai vị đã đưa ra.

Từ góc phòng tiệc, bước ra một người đàn bà trung niên, cao ráo, đẹp lộng lẫy, tự giới thiệu là Cousine với mẹ Julie, là ca sĩ ở Kamückien. Cô ta giới thiệu bài hát và đoạn nhảy ngắn như một lời cám ơn tôi, người mở đầu buổi tiệc đã nhắc tới quê hương của họ qua câu chuyện tình của Julie và Quân. Riêng cô, cô xin tặng tôi một nụ hôn.

Phòng tiệc tưng bừng náo loạn vui vẻ khi tôi bước tới nhận món quà độc đáo này. Trong không khí đó, chúng tôi cảm thấy thân thiết với nhau. Vodka lại rót, thiên hạ lui tới với nhau chuyện trò. Tiếng dzô...dzô vang lên ở mọi góc và càng náo nhiệt hơn khi màn khiêu vũ bắt đầu.

Chúng tôi thấm mệt và lên phòng nghỉ ngơi. Đến 1 giờ sáng vẫn nghe tiếng nhạc rầm rầm, tôi trở xuống, thấy đám trẻ vẫn còn nhảy nhót say mê. Anh chị sui, trẻ hơn tôi cả mười tuổi, quần nhau trong một bản Tango.

Lại Vodka, lại nhảy, lại hét trong khi trò chuyện với nhau vì tiếng nhạc lớn quá...cứ thế cho đến 4 giờ sáng, thiên hạ mệt nhoài mới chịu đi ngủ.

Buổi sáng trên núi cao không khí thật trong lành. Đi một vòng đồi quanh Hôtel mới thấy công sức bỏ ra rất nhiều để làm đẹp cho những lối đi, những cụm nghỉ chân...mà điều đặc biệt là rất mỹ thuật, hoà cùng thiên nhiên, không hoa hoè, kịch cỡm, kiểu anh trọc phú khoe giàu.

Thiên hạ đã thức dậy, đứng từng nhóm trò chuyện trong sân. Hôtel cho biết đã dọn điểm tâm và chúng tôi vừa ăn sáng vừa ân cần mời ghé thăm nhau khi có dịp. Đám bạn bè của Julie và Quân xuống điểm tâm trễ hơn một chút vì ngủ nướng, vì lo cho con nhỏ,…bây giờ tụ họp nhau, cười đùa vui như ngày hội. Mấy cô mấy cậu đang còn độc thân, hay đã có đôi nhưng chưa làm đám cưới, chú ý đến bàn để đầy quảng cáo cho Hôtel về các dịch vụ...vì ghi nhận cách tổ chức rất hay, nhẹ nhàng ở đây.

Chúng tôi từ giã nhau, cầu chúc bình an trên đường về, và hẹn gặp nhau trong những dịp tới. Có lẽ còn rất nhiều dịp, vì lứa bạn bè của hai đứa vẫn còn nhiều bạn độc thân.

Nước Đức có một thành phố đẹp : Heildelberg.

Heildelberg có một ngọn núi đẹp: Hoher Darsberg.

Trên núi Hoher Darsberg, chúng tôi có một kỷ niệm đẹp : đám cưới của Julie và Quân.

Lê quang Thông

Frankfurt, Germany