03 February 2022

NGÀY XUÂN EM ĐI VỚI ANH - Hồ Thụy Mỹ Hạnh

Chồng yêu dấu của tôi vừa đi làm về tới cửa với một khúc ca quen thuộc: “…ra giêng anh cưới em…ra giêng anh cưới em…”. Tôi lên tiếng “Cưới liền bây giờ cơ, em không thích ra giêng đâu”. Chồng ngừng hát nhìn vào rổ đựng các thứ tôi vừa mua ở siêu thị về chuẩn bị cho tết. Chồng dặn “Em ơi! Nhớ làm đầu heo ngâm mắm, tôm chua, không có nó là thiếu hương vị tết đó nghen…”. Tôi hô thật to “Chính xác anh yêu. À! Mua mấy thùng bia hả anh?”. Chồng có vẻ hốt hoảng “Không! Không mua một lon nào, nhớ đó…” 

Người ta nói “Đồng vợ đồng chồng tát biển đông cũng cạn”. Ai nhìn vào cũng thấy chúng tôi là một cặp đôi như thế, chuyện bắt đầu như vầy nè…

OoO

Từ khi trở thành người có chút “máu mặt” trong giới giang hồ…à lộn, trong giới kinh doanh, chồng của tôi từ một người chỉ có chút hơi men là quên lối về, bắt đầu được chú ý đến bởi những người đồng vai vế, được mời tham gia các bữa nhậu để mở rộng ngoại giao, nên phải tập tành uống rượu để không bị yếm thế trước các tay… hảo hán đại trượng phu, vì “Nam vô tửu như kỳ vô phong”, chồng không thể bị các chiến hữu xem là cờ rũ, dẫu biết phong quá thì rách kỳ! Đến khi chồng đủ sức kề vai, sát cánh trên từng cây số với các “chiến hữu”. Thì cũng từ đó chồng đi sớm về khuya bất kể giờ giấc. Đang nghỉ ngơi mà có cuộc gọi từ một “chiến hữu” nào đó là cũng bật dậy…ra đi! Tiền chồng mang về cho tôi không hao hụt nhiều nên tôi không lấy làm phàn nàn, bởi tôi hiểu rằng có nhậu mới ký được nhiều hợp đồng làm ăn, có nhậu mới mở rộng xã giao, xong việc lại phải nhậu để mừng, rồi thì nhậu tiếp để kiếm mối làm ăn mới. Thời buổi mà cái gì cũng phải có cái vụ cụng ly thì công việc mới trôi chảy, muốn làm gì cũng phải thiết đãi, rồi trong bàn tiệc khi đã mở rộng bao tử để đón nhận các món ngon vật lạ, thì tâm tư tình cảm tự nhiên dạt dào tình thương mến thương. Tôi đành để cho dòng rượu chảy vào tấm thân mỗi ngày mỗi gầy đi của chồng yêu.

Từ một người quán xuyến trông coi việc nội trợ, tôi kiêm luôn nghề chỉ điểm khi có ai đến nhà muốn gặp gấp chồng, “Ảnh đang ở nhà hàng Cây Sung…” hoặc “Ảnh đang ở nhà hàng Cây Me…”. Gặp khách quan trọng tôi phải đích thân đi rước chồng về. Có đến mới có hiểu, không ai dễ dàng thoát khỏi cuộc nhậu, giống như người chiến binh đang xung trận thì chỉ có tiến chứ không được rút lui, vì như thế là đồng nghĩa với thua trận. Nhiều lần đến ngồi đợi chồng về, chứng kiến họ đối xử với nhau, tôi mới thấy ân tình họ truyền cho nhau thật mãnh liệt. Họ có thể lôi hết những gì cất giấu trong tim gan phèo phổi ra cho nhau thấy, biến người ít nói thành người huyên thuyên, biến người ù lì trở nên hoạt bát, họ thân tình cởi mở, rượu  biến họ thành người dễ dãi sẵn sàng chia sẻ nỗi buồn của bạn nhậu sang cho mình, họ cảm thông, đau khổ như chính chuyện của mình, làm cho tình nghĩa tuôn chảy tràn trề lai láng như mưa không kịp thoát nước. Rượu cũng giải tỏa nỗi sầu nhanh chóng (Từ đó tôi cũng hiểu tại sao khi thất tình, nhiều người đã “đâm đầu” vô rượu!)

   Rượu cũng khiến nhiều người trở thành nhà hùng biện, như hiểu hết mọi sự trên đời. Rượu khiến họ cảm thấy mình thành một quý ông trước con mắt của các “chiến hữu” vì không ở đâu thường nhận được sự tán dương như trong bàn nhậu. (Cũng có người tính nóng nảy khi rượu vào mà gặp sự không hài lòng, thì rượu giúp họ trở thành “anh hùng” coi trời bằng vung chả sợ gì sất, đã thế thì bàn dân thiên hạ cũng là cái thá gì, nên họ sẵn sàng xông vào đối phương để thể hiện sức mạnh như có thể bóp nát đối thủ trong bàn tay, dễ dàng như Trần Quốc Toản bóp nát quả cam. May sao nhóm bạn của chồng không có ai có tính ngang ngược, họ rất biết nhường nhau, người nào cũng thảo ăn, có chút mồi để nhâm nhi được với rượu là họ í ới gọi nhau ngay, ít ai chịu nhấm một mình. 

Có đến chứng kiến mới biết là các quý ông này rất ghét bị các bà làm phiền. Những bà vợ hay cằn nhằn, ngăn cản, không cho chồng tham gia bữa nhậu hoặc gọi chồng về giữa chừng thường bị lên án vì phá đám (Dĩ nhiên là chê sau lưng các bà). Còn các ông chồng nào tuân lệnh ra về thì lập tức được phong cho danh hiệu “sợ dzợ” rất là mất mặt bầu cua. Không có người phụ nữ nào trên đời muốn đức ông chồng của mình rớt vô hũ hèm. Tôi cũng thế, nhưng đồng thời cũng không muốn chồng yêu của mình bị xem thường dù trên lãnh vực…nhậu. Tôi cũng không muốn mình mang tiếng không biết điều, không biết giữ sĩ diện cho chồng. Bởi thế tôi chỉ còn cách là giả vờ ủng hộ, rồi tìm cách mà can! Chưa nghĩ ra phương án nào tốt nhất để chồng tâm phục, khẩu phục, thì “may sao” một ngày kia lá gan của chồng bị trục trặc phải đến bệnh viện, bác sĩ phán rằng do rượu mà ra. Một chứng bệnh mà đa số các đệ tử của Lưu Linh đều  mắc phải! Cơ hội đã đến, tôi làm ra vẻ thương cảm:

-Bây giờ rượu một bên và bệnh một bên rồi, anh phải làm sao cho vẹn đôi đường đây!!! Chọn chữa bệnh thì mất rượu, mà chọn rượu thì…lỡ anh có bề gì thì mẹ con em làm sao sống nổi…huhuhuuu….

Nước mắt tôi đầm đìa, thê thiết hơn cả tuồng cải lương đến hồi ly biệt. Chồng phải dỗ dành tôi:

-Anh sẽ cai rượu để chữa bệnh, anh sẽ khoẻ mạnh mà sống bên em trọn đời, đừng lo lắng. Anh sẽ tránh không gặp những bạn nhậu nữa…

Mở cờ trong bụng nhưng tôi làm ra vẻ thấu hiểu:

-Làm như thế bạn nhậu của anh sẽ cho là tại em ngăn cản anh, họ sẽ nghĩ rằng anh quý cái thân hơn quý bạn nhậu. Anh phải làm sao cho họ tự tránh anh kìa…

-Tụi anh đã thề có uống cùng uống, có ăn cùng ăn nên họ không bao giờ tự tránh anh…

-…thôi đành! Vậy thì anh cứ tham gia! Đừng bỏ qua các cuộc vui đó, nhưng phải cho em cùng đi để chia cay, xẻ đắng với anh…

Tôi trở thành người kề vai sát cánh với chồng trong các bữa chén anh, chén tôi cùng các chiến hữu của chồng. Mới đầu sự có mặt của tôi càng tăng phần sôi nổi. Chồng của tôi biết mình phải hạn chế rượu vì bệnh, nên yếm thế nép sang một bên nhường cho tôi cụng ly cứu bồ! Mỗi lần anh khó xử khi phải từ chối một ly từ “bạn hiền” đang cố ép là có…tôi! Phụ nữ mà nốc cạn ly bia thì cứ y như rằng nhận được tràng pháo tay thán phục khiến tinh thần ta bừng bừng khí thế.

Bài hát “The Cup of Life” trong World Cup từ năm một ngàn chín trăm lâu lắc “…go go go ale ale ale…”, qua Việt Nam thành “…Dzô…dzô …dzô… à lề a lế à lê…”, chuyển sang dân nhậu thì chỉ còn… “Dz…ô….ô..dzô!” rất hào hứng. Tiếp theo tiếng hô đồng thanh của cả nhóm, là động tác cụng các ly vào nhau cái chát, xong mạnh ai nấy ngữa cổ nóc cạn ly ra vẻ hào sảng lắm, sau đó cầm chiếc ly dốc ngược xuống với vẻ mặt đắc thắng. Không ở đâu cho ta cảm giác được “ngưỡng mộ” bằng trong bàn … nhậu! Chả trách sao “hào khí” cứ ngút trời! Hòa trong tiếng muỗng gõ vào chén nhịp nhàng là tiếng hát “Một trăm em ơi! Chiều nay một trăm phần trăm…”. Tôi vui vẻ phụ họa “Một chăm anh ơi chiều nay một chăm phần chăm…”. Tôi chỉ “cứu” vài ly là bắt đầu (giả vờ) say! Mà đã say thì quậy…tới bến! Không ai nỡ nặng lời với phụ nữ, nên tôi làm chủ tình hình không mấy khó khăn.

 R…i…ê…t…riết! Chồng yêu chán, cả các “chiến hữu” của chồng cũng phiền. Tôi không cản chồng đi nhậu, nhưng chồng không chịu đi vì tôi luôn đòi tháp tùng “Anh ở đâu thì em đó”. Còn các “chiến hữu” thì hết dám rủ chồng yêu vì biết chắc chắn có tôi kè kè theo. Mà khi có mặt, tôi chỉ “lỳ mấy lam” là …say, “quậy” tan hàng ngũ. Ai cũng nghĩ tôi sắp thành bợm nhậu chính hiệu, hơn nữa lại là một người nhậu xấu tính, nên tôi bị tẩy chay (ảnh hưởng sang chồng yêu) là điều dễ hiểu.

 Khi “tỉnh táo”, tôi luôn là người phụ nữ biết điều, bạn của chồng khi đến thăm lâu đài tình ái của chúng tôi giờ chỉ để uống trà và chuyện trò thật…tao nhã! Họ không yêu cầu có bia rượu vì có thứ đó thì đừng hòng ngăn được tôi tham gia, mà khi có tôi thì kết cuộc ra sao…ai cũng biết rồi!.

Thỉnh thoảng tôi thử ý chồng “Sao lóng rày không ai rủ anh đi nhậu? Hay là anh mời họ đến nhà chúng ta…”. Chồng chép miệng như tiếc nuối một khung trời dĩ vãng, nhưng rồi nói:

-Trần Tế Xương nói “Một trà, một rượu, một đàn bà. Ba thứ lăng nhăng nó phá ta. Chừa được thứ nào hay thứ ấy. Có chăng chừa rượu với chừa trà ”, tiên sinh đã chừa ngay hai thứ không do dự để chỉ chọn cái vế sau là “đàn bà”, thật là đáng mặt…đàn ông! Lẽ nào anh không giống người xưa!

oOo

Ngày Xuân, ngày tết không kể những món bánh, mức, thịt, chả, củ kiệu. Các loại nước ngọt chứa chì, chứa kẽm cũng không ăn thua miễn đủ màu đẹp mắt. Nhà ai cũng lo dự trữ từ sớm vài thùng bia, để đãi khách và cũng là để “chiến đấu” với những bạn bè đã cùng nhau chia ngọt xẻ bùi trong những bữa nhậu.Từ ngày chồng xa rời các tiệc rượu vì tôi! Trong nhà cũng vắng đi các thứ nước có cồn, vì trước mặt chồng, tôi vẫn không quên thể hiện rằng tôi rất muốn “Dzô chăm phần chăm…” khi thấy nó. Chồng bắt đầu phải lo canh giữ tôi vì không muốn tai tiếng có một người vợ  khoái bia, rượu suốt ngày say xỉn. Thế nhưng tôi vẫn luôn “thăm dò”:

-Tết đến, nhà ai cũng tất niên, tha hồ mà nhậu. Ai mời anh đi tiệc nhớ em với nhé. Ngày xuân mà, em sẽ đi với anh, vợ chồng mình hợp sức “tác chiến” nhé.

Chồng có vẻ bối rối:

-Ồ…nhiều người mời chứ, nhưng anh phải từ chối ngay vì…anh là bệnh nhân mà em!

Tôi giữ được chồng khỏi các cuộc nhậu mà không hề tốn một câu cằn nhằn, mà cũng không bị ai trách giận. Thành công như vậy tôi phải truyền kinh nghiệm cho các chị, em. Cứ làm được như thế thì các nhà máy bia, rượu không chừng sập tiệm tới nơi.

Hồ Thụy Mỹ Hạnh