30 June 2022

CHUYẾN CHẶT CỦI CUỐI CÙNG - Nguyễn Văn Tới

Năm đó, khi đất nước bước vào giai đoạn đói khổ ghê gớm chưa từng thấy, một thời kỳ khốn nạn nhất trong mọi thời kỳ vì những người cộng sản lên nắm chính quyền; họ chỉ được dạy căm thù và giết chóc, chẳng có một chút kiến thức nào về kinh tế để lèo lái đất nước, rủi thay họ lại là phe chiến thắng trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Vừa mới may mắn chiếm được miền Nam, chính quyền cộng sản ở trung ương vẫn còn lúng túng không biết điều hành đất nước ra sao; ở thành phố thì họ tha hồ cướp bóc và chuyên chở tài sản từ Nam ra bắc, ở làng quê, những anh nông dân cả đời chân lấm tay bùn, mới hôm qua còn đi làm thuê làm mướn, nay nhảy lên nắm chính quyền, lại càng ngu ngơ hơn. Ở trên dạy làm sao, họ theo làm vậy và khi thừa hành thì làm theo cảm tính của một anh nông dân không có học.

Thằng Xiểng và tôi vừa là anh em họ cô cậu ruột vừa là đôi bạn thân, chúng tôi hay đi chơi chung với nhau, uống cà phê, nghe nhạc, và cả đi tán gái cùng làng ở cuối sân nhà thờ vào những ngày trăng sáng. Cả hai đứa chúng tôi vừa tròn 17 tuổi. Gia đình tôi từ ngoài miền Trung chạy loạn về cái làng quê điêu tàn này vì không biết phải sống ở đâu trong buổi giao thời hoang mang. Ba má tôi đã nếm mùi cộng sản từ trước năm 1954, phải di cư vào miền Nam, ông bà tin rằng chỉ có chạy về miền quê làm ruộng rẫy, may ra mới không phải chết đói, và thêm nữa, ở đây có vài người bà con ruột thịt bên má tôi.

Trong đám anh em họ của tôi, còn có thằng Sông, con ông bác, anh ruột của má tôi; vì vai vế họ hàng, tôi phải kêu nó là anh và kêu thằng Xiểng, con ông cậu ruột, là em. Ba đứa chúng tôi sinh cùng một năm, cùng một tuổi, nên dễ làm bạn với nhau hơn. Ngày đó còn trẻ nên chúng tôi chẳng bao giờ phân biệt hơn thua, giàu nghèo hay định kiến tạo tỉnh thành, mày nhà quê. Nhưng tôi thích chơi với thằng Xiểng hơn vì nó hiền lành, nhường nhịn, và thẳng tính, trong khi thằng Sông thì cáu kỉnh, ghim gút và hay giận dỗi, có chuyện gì không thích cứ lầm lì không nói ra.

Cuộc sống cả nước cơ cực lầm than. Đất đai, ruộng vườn ở vùng sông ngòi nước lợ như làng tôi bị vào hợp tác xã, năm đó mất mùa nặng vì ở trên không biết thổ nhưỡng địa phương ra sao, cứ bắt phải tuyệt đối theo lệnh trung ương đắp đê ngăn nước mặn; còn ở dưới, tuy biết sai, nhưng không dám cãi “nghị quyết của đảng” từ trên đưa xuống. Một đất nước điều hành bởi người không hiểu biết và bởi nghị quyết chứ không phải bởi luật lệ và kiến thức chuyên môn, thì sớm muộn gì cũng dẫn đến suy vong.

Người dân quê chúng tôi phải chèo xuồng đi vào rừng Sác dùng tất cả những dụng cụ tự rèn được như dao phãng và con dao quắm, hoặc rựa để phát quang rừng Sác lấy đất đai làm ruộng thêm. Lúc đó mạnh ai nấy làm, gia đình nào đông con thì phá nhiều, hưởng nhiều. Làn sóng người đi tìm đất ngày càng đi sâu và đi xa hơn. Thằng Xiểng và tôi thường đi làm chung với nhau, chúng tôi thuộc lòng các con sông rạch trong vùng và sông Lòng Tàu như trong lòng bàn tay. Chúng tôi càng thân nhau, quý mến nhau như hai anh em ruột.

Rồi đất cũng hết vì càng đi xa, nước càng mặn muối vì gần với biển hơn. Chúng tôi bàn nhau nên mua một chiếc ghe lớn hơn có thể chở được ít nhất là 12 đến 15 thước củi; chúng tôi sẽ đi chặt củi Đước hay củi Mắm ở rừng Sác đem về bán ở Sài Gòn. Năm đó chúng tôi vừa tròn 18 tuổi mà đã phải lo bươn chải làm ăn nuôi gia đình. Cả hai gia đình hùn nhau, gom góp, vay mượn, mới mua được một chiếc ghe kiểu Cần Thơ, thằng Xiểng và tôi mướn thêm một thằng bạn quen tên Thân Văn Liệu, đi theo phụ chặt củi Đước. Mỗi chuyến đi chặt củi mất một tuần. Ba đứa vừa chặt, vừa khuân vác ra ghe phải mất 4 ngày mới được 12 thước củi, thay nhau chèo tay thâu đêm suốt sáng mất một ngày về Sài Gòn để bán, rồi gần một ngày theo con nước ròng thả xuôi về nhà, nghỉ ngơi một ngày rồi lại tiếp tục đi làm chuyến khác.

Cuộc đời cơ cực, sướng khổ có nhau như vậy nên chúng tôi càng gắn bó và thân thiết nhau hơn. Nghề chặt củi Đước và củi Mắm không phải là một công việc dễ dàng gì dù chúng tôi đang ở cái tuổi sung sức nhất của người thanh niên. Ăn uống kham khổ, chỉ cá khô nướng, muối mè, mắm tôm mắm ruốc kho lèo tèo vài miếng thịt ba rọi, hoặc vài hũ chao ăn với cơm mà phải làm quần quật như trâu cả ngày. Bây giờ nghĩ lại mới thấy sức người kinh khủng thật, không hiểu sao ngày đó tôi có thể làm được những công việc quá sức của mình. 

Rừng Sác là loại rừng ngập mặn chỉ thích hợp cho những loại cây có khả năng giữ và bồi đắp đất và cũng là loại đất sình bùn mềm và nhão. Trong rừng có nhiều loại cây khác như cây Da, Sú, Bần, hay Dừa Nước mọc xen kẽ nhau, nhất là cây Đước, rễ của nó mọc đan xen vào nhau dầy hơn mạng nhện, có như vậy nó mới giữ được đất bồi không bị sói mòn trôi theo ra biển.

Rừng Đước và giàn rễ tua tủa đan xen vào nhau để giữ đất bồi, là nơi cư ngụ của các loài thủy sinh.
Trước khi chặt nguyên cây Đước cao cả chục mét, chúng tôi phải chặt hết những cái rễ tua tủa xung quanh nó, sau đó hạ nguyên cây xuống, rồi chặt thành từng khúc 8 tấc (80 cm). Dùng dây leo tết thành sợi thừng, chúng tôi quàng quanh bó củi lớn gấp 4 lần kích cỡ một người, đưa nó lên vai, chân không giày nhưng phải lựa đường bước qua những rễ cây chằng chịt khắp nơi, thỉnh thoảng lại bước hụt chân vào chỗ bùn lỏng, bị sình lầy ngập tới háng, phải lăn bó củi xuống, lóp ngóp bò ra khỏi chỗ đất sụt, lấy hết sức kéo bó củi lên chỗ đất cứng hơn, vác lại lên vai rồi đi tiếp ra bờ con rạch chỗ ghe đậu. 

Nhiều người đi chặt củi như mình nên càng ngày chúng tôi phải đi bộ xa hơn vào bên trong mới mong có củi để mà chặt. Cuộc sống ngày một khó khăn hơn. Bây giờ nghĩ lại mới thấy mình vô tình góp tay tàn phá cả một vùng rộng lớn môi trường sinh thái ngập mặn với đủ các loài thủy sinh khác nhau đang sống ở đó; đặc biệt cây Đước là loại cây gỗ cứng, than của nó cháy đượm lâu, nó cũng giúp giữ cho đất khỏi bị lở và cũng là nơi các loại tôm, cua, ốc bám vào thân cây sinh sống, một loại cây có nhiều lợi ích mà lúc đó chỉ lo cái bao tử của mình, đâu có hay. Thời đói khổ, con người phải làm bất cứ cái gì để sống còn mà không hề nghĩ đến hậu quả sẽ ra sao.

Ban ngày, chúng tôi chăm chỉ và cần cù làm việc như những con rái cá, ban đêm, những làn gió nhẹ từ mặt sông thổi mơn man làm tươi mát cái thân xác mệt nhoài; chúng tôi chèo thuyền trên những sông rạch chằng chéo đan vào nhau như một màng nhện. Những đêm chở củi về Sài Gòn, cánh buồm no gió ngoài biển thổi vào đưa con nước lên, chúng tôi gác cả hai mái chèo, tay tôi cầm cần lái điều khiển con thuyền khẳm mấp mé nước. Thằng Liệu nhóm bếp nấu nước trà, thằng Xiểng lấy thuốc ra vấn hút, nó mồi lửa và đưa cho tôi điếu thuốc rê cháy đỏ; ánh lửa điếu thuốc lập lòe soi sáng ba khuôn mặt khắc khổ của chúng tôi. Con thuyền cứ thế trôi đi trong thinh lặng của đêm hòa lẫn với âm thanh róc rách của nước vỗ nhẹ hai bên mạn thuyền, cùng với màu ánh trăng bàng bạc trải dài trên sông nước mênh mông. Tinh thể muối tạo thành một vệt dài những đốm sáng lấp lánh như lân tinh vụn vỡ, rẽ ra hai bên, trôi nhanh về phía sau, rồi tan trong bọt nước xuôi theo đằng lái ghe. Những giây phút ấy, tôi sững sờ, lặng im chiêm ngưỡng bức tranh tuyệt tác của thiên nhiên sông nước, tạm quên đi những nhọc nhằn của  kiếp lầm than. 

Lần đó, sau khi bán xong 12 thước củi Đước ở bến Thị Nghè, chúng tôi đi vào chợ mua thêm thực phẩm cho chuyến đi sắp tới. Xong mọi việc, theo thói quen, ba thằng chúng tôi gởi ghe cho vựa củi và đi ăn phở, tự thưởng công cho mình. Khi trở lại thuyền, chúng tôi cất đồ đạc đâu vào đó xong thì trời sắp về chiều, ánh nắng còn hơi gay gắt, soi bóng nghiêng nghiêng. Thằng Xiểng nôn nóng muốn về nhà, nhưng con nước vẫn đang lớn, có nghĩa là chúng tôi phải chèo ngược nước rất vất vả. Thằng Liệu và tôi đề nghị lên bờ chơi, đợi vài giờ nữa nước ròng, mình sẽ nương theo con nước, thả trôi về nhà. Thằng Xiểng nhất định không nghe nên chúng tôi phải rời bến và chèo ngược dòng để về nhà.

Vừa ra đến cửa sông lớn, chúng tôi bất ngờ nhìn thấy chiếc ghe máy đuôi tôm của anh em thằng Khanh, Thắng, và Ốc-Phù đang lên ga xịt khói đen chạy đằng sau. Tụi nó vượt lên và cặp song song hai chiếc ghe vào với nhau rồi đề nghị chúng tôi buộc giây vào ghe nó để kéo chúng tôi về luôn cho tiện, chúng tôi chỉ cần góp ít tiền xăng. Thế là chúng tôi đồng ý gác mái chèo, qua ghe tụi nó, xúm lại hút thuốc lào, uống trà, cà phê, và nhai kẹo đậu phộng, trong khi thằng Thắng lo nắm lái chiếc đuôi tôm. Bạn bè gặp nhau tha hồ tán dóc, kể nhau nghe chuyến đi chặt củi của mình, chỗ nào còn củi nhiều, chỗ nào có chốt tụi kiểm lâm chặn lại ăn cướp cạn, chỉ tội nghiệp cho Ốc Phù chẳng góp được chuyện gì vì anh bị câm điếc từ nhỏ, khi muốn nói chỉ biết chu miệng lại thổi hơi nghe phù phù, nên cả nhà đặt tên anh là Ốc Phù.

Mặt trời vẫn còn ửng đỏ với ráng chiều xa xa phía chân trời, tiết trời đầu tháng Giêng cũng bắt đầu se se lạnh nên chúng tôi ai về ghe nấy. Trở lại ghe mình, thằng Liệu lấy cái mền quấn quanh người, ra đằng sau ngồi ôm cần lái, tôi và thằng Xiểng đốt lò lên nấu cơm chiều; bên kia Ốc Phù thay phiên cầm lái và điều khiển máy đuôi tôm. Hai chiếc ghe phăng phăng rẽ sóng trên đường về nhà. Bỗng đâu một con cá Đối to gần bằng cổ tay từ dưới nước phóng lên rơi ngay vào lòng thằng Xiểng làm nó hết hồn. Nó nói cái này chắc là Manna (1) từ trời rơi xuống, sẵn bếp lửa và chảo dầu, nó cho con cá vào chiên chung với mấy con cá khô. Hai đứa chúng tôi cùng cười vang. Thằng Liệu bỗng lên tiếng:
-- U tao hay nói “chim sa, cá liệng” là điềm gở đó, coi chừng.
Tôi phản đối:

-- Gở đâu không thấy, chứ cá chiên tươi rói kiếm đâu ra.

Ba đứa chúng tôi xúm lại ăn bữa chiều rất ngon miệng với món cá Đối chiên dầm nước mắm. Ăn xong, trời đã tối hẳn, con nước xoay chiều, bắt đầu ròng và rút ra phía biển nên Ốc phù giảm tay ga, cả hai chiếc ghe chúng tôi đều xuôi dòng thả trôi. Bên kia, Khanh thay Ốc Phù, cầm cần lái, để hai thằng kia ngủ, máy đuôi tôm vẫn nổ nhỏ và đều để bẻ bánh lái; bên đây Xiểng thay Liệu cầm lái. Tôi trải cái chiếu xuống giữa ván sàn ghe để hai thằng nằm ngủ. Thỉnh thoảng tôi lại ngồi dậy hút thuốc rê và coi ghe đang về tới đâu. Khanh cho hay bây giờ gần nửa đêm rồi và ghe đã về gần tới Rạch Mả, có nghĩa là chỉ vài giờ nữa là chúng tôi về đến nhà. Tôi nhìn lên trời sao lấp lánh và nhìn quanh, nhận thấy nước đã xuống thấp hơn nửa sông rồi, ghe đang trôi rất nhanh, và trời lạnh lắm. Tôi nằm xuống, tay với cái mền lên che mặt, và ngủ tiếp.

Rạch Mả là một nhánh sông nhỏ ngoằn ngoèo và nguy hiểm vì chỗ này nước xoáy mạnh, phải rất chú ý ở những khúc quanh và bắt buộc giảm tốc độ vì cây cối um tùm che khuất tầm nhìn; nhánh sông này là lối đi tắt về nhà gần nhất nên dân đi ghe rành rẽ thường chọn con rạch này. Cái tên Rạch Mả là do dân địa phương đặt tên vì nơi đây ngày trước là rừng rậm, nơi Việt cộng chôn cất lính của họ. Hiện còn rất nhiều ngôi mộ vô chủ, chẳng thấy thân nhân nào đến nhận xương cốt đem về. Người dân làm ruộng ở đây, né các ngôi mộ đó ra, cứ cấy lúa sát bên; thỉnh thoảng những ngày rằm, họ thương tình cắm cho mấy cây nhang để sưởi ấm linh hồn người vô danh.

Đang say ngủ, bỗng tất cả chúng tôi bị đánh thức vì nhiều tiếng la hét hoảng hốt vang lên, tôi chưa kịp định thần thì âm thanh của một sự va chạm dữ dội và thân ghe rung lắc mạnh, khiến tôi phải chụp lấy thành ghe để giữ thăng bằng. Tôi thoáng nhận ra một đoàn ghe khoảng gần một chục chiếc cặp lại với nhau thành hàng 2 đi ngược chiều với ghe chúng tôi, cả hai bên đều vừa quẹo quanh một khúc cua thật gắt nên không kịp tránh nhau. Cú chạm mạnh làm hai bên bị đẩy giạt ra xa nhau trong một thoáng chốc. 

Khi chúng tôi định thần lại được thì 2 đoàn ghe đã cách nhau một khoảng khá xa, không thấy ghe nào bị chìm hay hư hại gì nặng nên đường ai nấy đi. Chúng tôi đang bàn tán xôn xao về chuyện vừa xảy ra, chợt nghe tiếng Ốc Phù ú ớ, vẻ hoảng sợ và chỉ tay về phía lái ghe của tôi. Tất cả đều đưa mắt về phía tay Ốc Phù chỉ và không thấy thằng Xiểng đâu hết, chỉ còn cái mền nửa trên ghe, nửa phết xuống mặt nước. Tôi la lớn át tiếng máy đuôi tôm:
-- Xiểng ơi, mày đang ở đâu?

Tất cả đều im lặng để chờ nghe tiếng trả lời, nhưng chung quanh vẫn im lặng. Tôi và thằng Liệu thay nhau hét thật to kêu tên thằng Xiểng nhiều lần, chỉ có tiếng máy đuôi tôm vẫn nổ dòn kêu lạch tạch. Tôi bỗng ớn lạnh, nổi da gà, kêu thằng Khanh tắp ghe vô bờ, tắt máy, và cắm sào tại chỗ. Trong màn đêm im lặng tịch mịch, trời còn tối đen, không còn âm thanh nào khác ngoài tiếng hơi thở và nhịp tim gấp gáp của chúng tôi. Sau vài phút bàn bạc, chúng tôi đều đồng ý là thằng Xiểng bị té xuống sông do cú va chạm mạnh, nhưng chúng tôi hy vọng nó chỉ bị dòng nước cuốn đi xa theo nước ròng vì nó bơi rất giỏi, và có thể giờ này nó đã bơi được lên bờ ở chỗ nào xa nên không nghe tiếng chúng tôi kêu. Tôi tháo dây cặp thuyền và nói anh em thằng Khanh đứng tại chỗ quan sát, chúng tôi chèo ghe theo con nước ròng đi kiếm thằng Xiểng. Thời đó làm gì có đèn pin nên chúng tôi phải căng mắt quan sát từng chút trên mặt sông, săm soi từng bụi dừa nước, bụi Ô Rô, và các bụi cỏ Lác. Vừa kiếm vừa la to mong thằng Xiểng nghe tiếng và đáp lại. Tìm một lúc lâu, vẫn không thấy có động tĩnh gì, chúng tôi thất vọng,  hoảng hốt và bắt đầu tin rằng Xiểng đã chết chìm.

Tôi nhờ Liệu đốt cho một bếp lửa trong khi cởi áo ra và mặc mỗi cái quần đùi, tôi nhảy xuống sông và lặn thật sâu để kiếm xác nó. Nước lạnh làm tôi rùng mình. Mở mắt ra dưới nước, tôi chẳng thấy được gì, hai tay cứ quơ tứ phía, hy vọng có thể đụng vào xác nó đang trôi đâu đó trong bóng tối mờ ảo đó. Tôi cứ ngụp lặn và trồi lên liên tục cả giờ đồng hồ, người mệt lả đi vì lạnh nhưng vẫn không thấy xác của thằng Xiểng. Tôi lên ghe ngồi sưởi ấm. Thằng Liệu nhảy xuống thay tôi, cũng không có kết quả gì. Hai thằng bèn chèo ngược dòng lên gặp anh em thằng Khanh, tụi nó cho hay cũng không có chút tăm hơi nào. Hai chiếc ghe lại chèo vòng quanh nơi xảy ra tai nạn, rồi lại chèo đi xa hơn vì nghĩ rằng xác nó có thể đã bị nước cuốn đi. Chúng tôi chèo nát khúc sông Rạch mả, hết ngang rồi dọc, hết lên rồi lại xuống, nhưng vẫn vô vọng.

Cuối cùng, chúng tôi nhờ Thắng đi bộ lên bờ, kiếm con đường gần nhất, đón xe về báo tin cho ba má thằng Xiểng hay trong khi chúng tôi ở đây vẫn tiếp tục tìm kiếm. Tất cả chúng tôi tách ra làm hai hướng, cởi trần nhảy xuống tiếp tục mò. Trời đã gần sáng, ai nấy đều lạnh run cầm cập nhưng vẫn cố gắng lặn xuống tận đáy sông chạm đến lớp bùn nhão, vừa quơ tay tìm kiếm mong đụng được xác của Xiểng.

Mặt trời sắp ló dạng thì gia đình Xiểng cùng với thằng Thắng vừa tới được bến sông, gia đình nó đi dọc theo bờ sông mắt dõi xuống từng bụi cỏ, bụi cây hay những góc khuất tìm kiếm. Gia đình Xiểng vốn là người công giáo ngoan đạo, họ quỳ gối ngay bờ sông, làm dấu thánh giá, đọc kinh, và khấn nguyện ông thánh Martin De Porres (2). Chúng tôi vẫn chèo, mắt dán trên dòng nước chảy xiết tìm kiếm. Khi mặt trời vừa rọi những tia nắng ấm đầu tiên, thằng Ốc Phù vừa la ú ớ vừa thổi phù phù, chỉ tay về phía bên kia bờ sông, tất cả chúng tôi nhìn theo và thấy một cái xác nổi vật vờ xen lẫn mấy thân dừa nước bập bềnh tắp vào bờ sông. Chúng tôi chèo thật nhanh về hướng đó, khi đến gần, tôi nhảy ùm xuống nước, bơi lại gần, và ẵm xác thằng Xiểng trên đôi cánh tay. 

Chúng tôi đem xác nó đặt nằm giữa lòng ghe, gương mặt nó nhợt nhạt, mắt nhắm lại như đang ngủ rất bình yên. Tôi vén mớ tóc xõa của nó qua một bên và phát giác ra một vết cắt bên thái dương trái. Tôi chỉ cho mọi người xem. Ai nấy đều ngỡ ngàng và hiểu ra, khi va chạm, cần lái bị giặc mạnh, xoay ngang gạt thằng Xiểng rớt xuống sông và cái quạt vịt (chong chóng) của máy đuôi tôm chém vào thái dương làm nó chết trước khi bị uống nước. Tôi lấy cái mền đắp lên xác nó, rồi cả hai ghe lại cặp vào nhau, theo con nước xuôi tiếp tục về bến nhà.

Về đến bến ghe, gia đình của Xiểng đã chờ sẵn ở đó, có cả má nó đứng trên bờ, dù gia đình đã cố ngăn không cho bà đi theo. Khi thấy xác con, bà cất tiếng khóc đau đớn thảm thiết của người mẹ mất đứa con ở tuổi hoa niên. Tôi ngồi kế bên xác nó, bỗng thấy máu tươi từ miệng và mũi nó ộc ra không ngớt. Tôi vội lấy cái khăn nhỏ lau mặt nó, máu thấm ướt hết cả cái khăn. Gia đình phụ tôi đem xác Xiểng lên chiếc xe Lam đã chờ sẵn ở bến để đem nó về nhà. Tôi vác đôi mái chèo trên vai, đi bộ về nhà, chân bước như người mộng du, lòng buồn tê tái vì vừa mất đi thằng bạn thân nhất của mình. 

Hôm sau, công an địa phương mời tất cả chúng tôi lên trụ sở, tách riêng chúng tôi ra, và hỏi cung từng người để lấy lời khai coi câu chuyện có giống nhau không. Sau này, tôi được biết gia đình Xiểng ngờ rằng chúng tôi gây lộn, đánh nhau với đoàn ghe bên kia nên Xiểng bị người ta đánh té xuống sông chết. Tôi hoàn toàn không trách họ vì trong lúc đau thương tột cùng, họ giả dụ chuyện đó có thể xảy ra. Nhất là Ốc Phù, anh này bị chấn động mạnh tâm lý, bằng lối diễn tả riêng của người câm điếc, anh ta vung tay múa chân, cố diễn tả lại cái biến cố kinh hoàng đêm hôm đó, làm cho gia đình Xiểng càng hiểu lầm hơn.

Vài ngày sau, khi nỗi buồn lắng xuống phần nào, tôi vác mái chèo, vai đeo cái túi nhỏ đi xuống bến, đẩy ghe xa khỏi bờ và chèo ra sông lớn. Tôi cứ chèo mà không biết đi về đâu, chèo một mình, chèo cho đến lúc kiệt sức; tôi buộc ghe vào một cành Bần, thả hồn theo khói thuốc, cầm chai rượu, rót uống một mình, nhớ thằng bạn thân. Tôi chợt để ý có mấy con ruồi vo ve đậu xuống ván thuyền giữa ghe, nơi bạn tôi nằm, mùi máu tanh vẫn còn phảng phất đâu đây. Tôi lấy gàu múc nước và rửa sạch các vết máu, rồi tát nước cho cạn khô. Tôi làm đi làm lại như vậy nhiều lần đến khi không còn mùi tanh của máu. Tôi lẳng lặng chèo về bến. Từ đó, tôi không bao giờ trở lại nghề sông nước.

Nguyễn Văn Tới (Lãng Tử)
(5/2022)

CHÚ THÍCH:

  1. https://www.merriam-webster.com/dictionary/manna.
  2. https://en.wikipedia.org/wiki/Martin_de_Porres.