Chị Bông đi chợ mang theo cái iPhone đến một cửa hàng bán
phone nằm trong chợ Việt Nam để sửa chữa. Chị có cái iPhone, mỗi lần con đổi
phone mới là người mẹ được thừa hưởng cái cũ kẻo bỏ không uổng phí, nên iPhone
đời nào chị cũng đều có xài.
Hôm qua chị bạn từ xa gọi đến và than phiền là sao tôi gọi phone nào bà cũng không bốc, từ phone nhà đến iPhone, bà dùng iPhone để làm gì? Thiên hạ tận dụng iPhone, ai gọi đến bất cứ lúc nào cũng có mặt, mail hay text vừa nhận được trả lời nhanh như chớp. Khoe bạn bè những hình ảnh thơ mộng đóa quỳnh nở đêm qua, chiếc lá vàng rơi chiều nay hay thực tế ăn uống như miếng heo quay da giòn vừa lấy từ trong bếp ra, hũ dưa chua, hũ cà pháo vừa mới muối, v.v…
Nhưng chị Bông thì không.
Có bao giờ chị Bông mang kè kè iPhone bên người đâu, chị để
nó trên bàn vì những số phone này chỉ cho người trong gia đình và vài bạn bè
thân mà thôi. Những cú gọi phần nhiều là quảng cáo, có khi phone reo lên liên hồi
inh ỏi làm chị Bông chạy tất tưởi đến bốc phone và nghe họ xổ một tràng tiếng
Anh không ngừng nghỉ, chị kiên nhẫn lắng nghe chỉ để chờ cơ hội được nói xen
vào một tiếng “Thank you” rồi cúp phone cho đỡ phũ phàng. Thế nên nhiều khi
phone reo, dù phone nhà hay iPhone chị chẳng thèm đoái hoài nếu đang
bận rộn.
Nhờ bạn than phiền chị Bông mới nhớ ra đem chiếc iPhone đi sửa,
chẳng hiểu sao phone vừa charge đầy để không một lúc cũng tự động hết, hay có
khi đang nói chuyện phone bỗng tắt ngỏm như người đang khỏe mạnh bỗng bị cú đột
qụy bất tỉnh.
Cửa hàng bán và sửa chữa cell phone hôm nay đông khách, ngẫu
nhiên sao mà toàn mấy ông bà cao niên, dĩ nhiên cửa hàng Việt trong khu chợ người
Việt thì khách hàng cũng toàn là người Việt. Chị Bông đứng sau lưng một bà và
nghe bà nói với chàng trai trẻ nhân viên bán hàng:
– Cháu xem giùm bác cái iPhone này bệnh gì mà những
cuộc gọi đến nó không reo.
Chàng nhân viên nhanh chóng xem phone và chỉnh sửa chỉ trong
một hai phút:
– Phone bác không hư hỏng gì, cháu đã chỉnh lại
nút âm thanh mà chắc bác đã vô tình đụng vào làm nó tắt đi thôi.
Chàng trai trả phone lại cho khách, có vẻ như chấm hết một dịch
vụ để còn tiếp người khách hàng khác. Nhưng chắc đã từng “đau khổ” vì phone
không reo, bà khách năn nỉ:
– Vậy cháu thử gọi phone bác xem nó có reo không
để bác yên tâm.
Chàng nhân viên chiều lòng khách:
– Vâng,
số phone bác là gì?
Bà già lúng túng:
– Bác…bác...
không nhớ rõ lắm, hình như là ( 817) 834-hay… 348 gì đó…
Chàng trai kiên
nhẫn đợi bà khách lục lọi trí nhớ, nhưng bà đành chịu thua:
– Cháu đợi
bác, bác lục trong ví xem còn mảnh giấy ghi số phone không nhé.
– Thôi,
thôi, bác khỏi tìm giấy tờ cho mất công, cháu tìm còn nhanh hơn bác.
Mấy ông bà cao
niên không nhớ số cell phone của mình là chuyện thường tình, có người còn không
nhớ cả số an sinh xã hội của mình nữa, phải ghi trong mảnh giấy khi cần thì móc
ra.
Chàng nhân viên lấy
phone bà khách hàng gọi cho phone của mình, hiện ra số, chàng gọi lại phone bà
khách và nó reo lên giòn giã làm bà hài lòng:
– Tốt rồi.
Bao nhiêu hả cháu?
– Xin bác 20
đồng.
Chị Bông nhận xét
nếu bà này nhận lại phone ngay sau khi chàng nhân viên chỉnh âm thanh xong thì
không mất đồng nào, rõ ràng thái độ cậu ta lịch sự không hề muốn tính tiền vì
công sức chẳng là bao. Nhưng tại bà đòi hỏi thử đi thử lại làm mất thì giờ của
cậu ta nên mất 20 đồng ngon lành. Tháng này tiền hưu hay tiền già của bà sẽ mất
20 đồng vì cái tội quá cẩn thận cho cái iPhone.
Bà hí hửng cất
phone vào giỏ xách và tự động giải thích với chị Bông đang đứng cạnh bà chờ tới
lượt:
– Phone nào
mới ra lò là con tôi bỏ phone cũ ngay nên tôi bảo con không xài nữa thì cứ
gởi về cho mẹ. Con ở xa nên mỗi lần phone trục trặc chẳng biết hỏi ai, lại ra
tiệm thôi. Thời buổi hiện đại mình cũng phải có iPhone với người ta chứ.
Chị Bông giật
mình. Sao mà con nhà ai giống con nhà mình thế. Hai ông bà lù khù đứng sau lưng
chị Bông cũng góp lời than thở:
– Nhà tôi có
3 đứa con cơ, vợ chồng tôi từ giờ đến cuối đời xài những đồ chúng nó bỏ cũng
chưa hết, từ iPhone, iPad đến những thứ khác, trong khi bao người khốn khó ở Việt
Nam chẳng có cái gì để xài, còn mình cái gì cũng có để xài phí phạm.
Không ngờ có nhiều
cha mẹ xài đồ thừa của con đến thế, lại có cảnh xài đồ thừa bất đắc dĩ như hai
vợ chồng người anh họ chị Bông, phải lái chiếc xe đời mới hai cửa, kiểu thể
thao do thằng con chán chê đòi mang ra dealer đổi xe khác, tiếc rẻ chiếc xe mới
sẽ bị mua với giá thấp nên hai vợ chồng “điều đình” với con, mua lại xe nó với
gía cao hơn và dùng xe này. Chiếc xe thể thao màu đỏ bóng loáng “nghênh ngang”
đậu trước sân nhà của hai vợ chồng già lù khù chỉ dùng để đi chợ và đi khám bác
sĩ gần nhà, nào dám lái đi xa.
Chị Bông đưa cái
iPhone cho chàng nhân viên và “khai bệnh”:
– Phone đang
nói thì tắt ngúm và màn hình đen ngòm.
Chàng trai tháo gỡ
cái phone chỉ trong nháy mắt là tìm ra nguyên do:
– Phone này “pin” chết rồi. Thay mới 20 đồng.
Chị Bông đồng ý, chỉ trong vài phút là nhân viên làm xong:
– Xin cô 20 đồng.
Chị Bông từ từ mở bóp để có thời gian nhờ vả thêm:
– Nhân tiện cháu…liếc qua giùm cô xem phone có vấn
đề gì nữa không?
– Mọi thứ tốt khi ta thay “pin” mới rồi cô ạ.
– Cám ơn cháu nhé. Tại cô nghe nói tụi Apple khi
ra iPhone mới nó “làm hư” cái cũ cho mình hết xài để phải mua cái mới. Nhưng cô
không bao giờ từ bỏ cái cũ miễn là vẫn xài được.
Chị Bông trả tiền xong thì hai vợ chồng đứng sau tiến lên.
Chị Bông bước ra tới cửa còn nghe vợ chồng họ nói với nhau:
– Lần này sửa nhớ hỏi cách edit hình, ông nhé. Hình
mình chụp sẽ trẻ đẹp hơn đấy, các bạn tôi đưa hình lên Facebook, lên diễn đàn,
ai cũng tươi trẻ như mới đi thẩm mỹ viện về.
– Biết rồi. Mình hỏi con mấy lần xong lại quên, hỏi đi
hỏi lại làm nó bực mình. Hỏi tiệm người ta vui vẻ chỉ dẫn có tốn tí tiền cũng
đáng.
Ra khỏi tiệm phone, chị Bông vào chợ, đi qua khu trái cây thấy
những vỉ mận màu đỏ hấp dẫn quá, chị Bông dừng chân lại, cầm lên xem xong bỏ xuống
ngay vì giá… cháy bỏng tay, những $4.99 một pound. Chẳng tội vạ gì phải thèm,
phải mua cái thứ trái cây bình dân rẻ mạt này ở Việt Nam sang đây với gía đắt đỏ
thế. Ở Việt Nam những thứ mận đủ loại như mận sọc, mận da người, mận đỏ chót
như son đều rẻ bèo, bày ê hề trên mẹt, trong rổ hay nằm khiêm nhường trong gánh
hàng rong.
Một bà đang đẩy xe chợ tới gần quầy trái cây và reo lên:
– Ủa, chị Bông đó hả?!
Chị Bông nhìn ra cũng reo lên:
– Ủa chị Hằng! Bông đây, bọn mình ai cũng bận rộn, thỉnh
lình gặp nhau nơi chợ búa thế này. Mừng ghê.
Chị Bông quên vỉ mận, ngắm nghía chị Hằng, chiếc quần màu
hoa xanh đỏ ngắn tới nửa bắp chân, chiếc áo rộng hở vai bó lại ở dưới, cặp mắt
kính râm xếch xếch tạo khuôn mặt trẻ trung nhí nhảnh. Chị Bông khen:
– Mỗi lần mình gặp đều thấy Hằng “mô đen” thêm,
trẻ đẹp thêm ra.
Chị Hằng ra vẻ khiêm nhường:
– Thế mà chồng nói mình ăn mặc như đứa dở hơi, già rồi
mà diện đồ thời trang giới trẻ.
Mở chiếc túi xách tay chị Hằng lôi ra chiếc iPhone và vui vẻ
khoe:
– Coi nè, túí xách tay Gucci, iPhone quả táo cắn này là
quà sinh nhật các con tặng, còn các thứ quần áo, mỹ phẩm, giày dép hàng hiệu từ
đầu tới chân mình dùng hằng ngày đều là… đồ thừa của con gái út. Bông và mình
quá thân, quá hiểu nhau nên mình khai ra hết đấy.
– Biết rồi, nên Hằng lộng lẫy một trời hàng hiệu.
Vợ chồng chị Hằng làm kinh doanh giàu có, ba đứa con đều được
cha mẹ chia gia tài hậu hĩ, họ thừa tiền để an hưởng tuổi về hưu, thế mà người
mẹ nhận quà của các con tặng với niềm vui sướng hãnh diện, xài đồ dư thừa của
con với vẻ quý hóa nâng niu.
Chị Hằng hào hứng mở iPhone:
– Nè Bông, xem hình cháu nội, cháu ngoại mình, dễ
thương ghê chưa?
Chị Bông ngắm hình và khen:
– Đứa nào cũng chóng lớn và đáng yêu quá.
– Nữa nè Bông, một đống hình vợ chồng mình đi
cruise mùa hè năm ngoái.
Chị Bông xem lướt qua hàng mấy chục tấm hình và khen tiếp:
– Ôi thích quá.
– Nữa nè Bông, hình vợ chồng mình mới đi du lịch
Châu Âu.
Nhìn cả đống hình ảnh lướt nhanh qua ngón tay chị Hằng, chị
Bông hoa cả mắt lên, thoái thác:
– Thôi để lần khác mình xem hình Châu Âu, bây giờ mình
phải mua đồ và về nhà gấp.
Chị Hằng giới thiệu:
– Vợ chồng mình đang kế hoạch sẽ đi Nhật Bản mùa hoa
anh đào. Tha hồ cho bồ xem hình từ Châu Âu tới Nhật Bản nha. Hẹn tái ngộ.
Hai người chia
tay mạnh ai nấy đi. Chị Hằng lại điệu đàng đẩy chiếc xe chợ với chiếc
túi xách hàng hiệu để trên xe thuận tiện cho chị khoe chiếc túi xách và sẵn
sàng móc iPhone ra gọi vớ vẩn cho ai đó để khoe chiếc iPhone đời mới có nhãn hiệu
quả táo cắn.
Chị Bông bỗng thấy lòng vui vui khi nghĩ đến mình, đến chị Hằng,
đến mấy khách hàng vừa gặp trong tiệm sửa cell phone lúc nãy và những ông bà
nào đó cùng trang lứa, những người thích xài đồ thừa của con cái. Chưa chắc vì
họ nghèo không đủ khả năng mua sắm. Họ có thể cho con món tiền lớn nhưng vẫn sống
khiêm nhường tiết kiệm, của con cái cũng như của mình, đồ còn tốt thì còn dùng
tội gì bỏ lãng phí.
Nguyễn Thị Thanh Dương