Trưa vàng, cỏ biếc, trời xanh,
Môi ai chín đỏ đầu cành phượng xưa.
(Thơ Trần Dạ Từ)
“Kính thưa quý khách, chúng ta sắp sửa đáp xuống phi trường
Tambo. Thành phố Johannesburg chào đón quí khách với nhiệt độ 20 độ C…” Tôi
choàng tỉnh, sau hơn mười tiếng đồng hồ mệt mỏi của chuyến bay xuyên lục địa.
Phi cơ một lèo xuôi nam, từ Munich xuống Johannesburg, cùng kinh tuyến, bởi vậy,
không chênh lệch giờ. Cất cánh tối Chủ Nhật, sáng Thứ Hai có mặt, đúng giờ cho
họp hành, hội nghị. Nếu bay về hướng đông, tôi đã gần tới Bangkok, có thể cảm
nhận được chút hơi hướm quê nhà Á Châu yêu dấu.
Nơi đây, Johannesburg của nước Nam Phi, là hai thế giới trong một thành phố. Công ty tôi có quy định rất nghiêm ngặt về chuyện đi lại trong quốc gia này. Để bảo đảm vấn đề an ninh cho nhân viên, văn phòng luôn sắp xếp người đón đưa chu đáo. Tôi đảo mắt nhìn quanh, bắt gặp một người đưa cao tờ giấy có những mẫu tự ngoằn ngoèo, trông giống tên tôi. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Thấy tôi đến gần, người đàn ông nhoẻn miệng cười. Màu da đen sẫm làm răng anh ta như trắng hơn. Tôi liên tưởng đến quảng cáo kem đánh răng Hynos ở Việt Nam, cách đây mấy thập niên. Sau khi nhận mặt người quen, anh ta lịch sự thăm hỏi thường tình, nhanh nhẹn kéo phụ va– li cho tôi.
– Hi, Miss Thi. How are you? How was your
flight? Chào Cô Thi. Chuyến bay của cô thoải mái chứ?
Tôi mỉm cười:
– Cám ơn anh. Cũng tạm.
Đó là chuyến bay đêm, a night flight. Các đồng
nghiệp gọi đùa là nightmare flight. Anh ta tự giới thiệu:
– Tôi là Moffat. Tôi sẽ đưa cô về Radisson Blu. Cô lo thủ tục
nhận phòng. Tôi sẽ trở lại một tiếng đồng hồ sau đó, đón cô đến văn phòng.
Tự nhiên trong đầu tôi chuyển tên Moffat thành Mô-Phật.
Mô-Phật có khuôn mặt tròn tròn, hiền hậu, đôi chút dáng dấp của các chú tiểu.
Nhưng nước da nặng màu bánh gai hơn màu bánh mật. Tôi luôn cố gắng sáng tác mẹo
vặt “bồi dưỡng” trí nhớ ngắn hạn của mình. Phải làm như vậy, để nhớ tên, nhớ số,
nhớ những chi tiết lặt vặt, mình không có cơ hội ghi chép. Lầm lẫn, hoặc quên
có thể gây ra tình huống vụng về, khó xử.
Vừa trải qua những ngày đông đến sớm ở Munich, đôi ngày có
mưa tuyết ướt lạnh, buổi sáng sương muối rét cóng, tôi thấy lòng mình rộn lên
niềm vui, giữa bình minh, trong nắng sớm nhẹ nhàng của thành phố Johannesburg.
Tôi lịch sự hỏi thăm về những chuẩn bị của Nam Phi cho mùa
giải túc cầu thế giới trong năm tới. Mô-Phật như trúng đài, kể huyên thuyên, chỉ
trỏ khắp nơi:
– Cô xem này, đây là đường xe điện ngầm, dẫn ra phi trường,
dự định sẽ xong đầu năm tới. Cô có thấy bên kia không? Một cái cầu được xây
song song, mới giải quyết thỏa đáng lượng xe cộ đông đảo.
Tôi dạ nhịp:
– Yes, yes, I see.
Tôi khơi thêm đôi ba câu hỏi để đáp lại tấm thịnh tình của
Mô-Phật. Bỗng nhiên, mắt tôi như reo lên mừng rỡ, khi thấy những tàng hoa màu
tím, như ngợp trời, điểm ít lá xanh, thật đẹp. Tôi vội đổi đề tài:
– Moffat, mấy cây hoa màu tím là hoa gì xinh quá vậy?
Mô-Phật vui vẻ:
– Jacaranda đó cô ạ. Hoa mùa hè đấy.
Tôi liên tưởng đến phượng hồng, hoa học trò của Việt Nam.
Tai tôi nghe lan man những lời cắt nghĩa của Mô-Phật. Nhưng trí tôi lại bâng
khuâng, lãng đãng đâu đâu với những câu hát… những chiếc giỏ xe chở đầy
hoa phượng, em chở mùa hè của tôi đi đâu… Phải rồi! Hoa mùa hè là phượng.
Hoa học trò màu tím là phượng tím. Tại sao không! Sau này, tôi mới vỡ lẽ ra rằng
mình quá lạc hậu. Biết bao nhiêu người xuýt xoa gọi Jacaranda là
phượng tím tự hồi nảo, hồi nao. Chứ tôi nào phải người đặt tên cho Jacaranda đâu.
Xe chạy gần những hàng cây, tôi kịp thấy những lá lăn tăn giống lá hoa phượng.
Qua nhiều ngõ phố, những hàng phượng tím hai bên đường như chụm đầu tình tự với
nhau. Trời ơi, giá mà bây giờ có thể níu cành, ngắt vài cánh hoa, chiếc lá,
thích thú mê tơi. Tôi mằn mò quanh quẩn hỏi thăm Mô-Phật, muốn được xuống xe,
chụp một tấm hình đứng cạnh phượng tím. Mô-Phật lắc đầu quầy quậy:
– Không được đâu cô ơi. Cô nhìn thấy không? Sát sau hàng cây
là những hàng rào, có ghi rõ công ty bảo vệ an ninh. Nếu cô lại gần, họ sẽ nổ
súng. Hậu quả ra sao, ráng chịu.
Thấy tôi thất vọng, Mô-Phật an ủi:
– Hôm nào làm việc xong ở đây, cô thu xếp đi chơi Pretoria một
chuyến. Ở đó cơ man là Jacaranda. Thể nào cô cũng toại nguyện.
– Ừ, đành vậy. Chắc chắn tôi sẽ tìm dịp đi Pretoria.
Pretoria là thủ đô hành chánh của nước Cộng Hòa Nam Phi.
Pretoria nổi tiếng với những hàng cây Jacaranda, rộ nở từ
tháng mười. Mùa hoa, thành phố như như khoác chiếc màu xanh tím, yêu kiều, diễm
lệ. Bởi thế, Pretoria còn được gọi là Jakarandastad, thành phố Phượng
Tím. Mùa Jacaranda trùng vào mùa thi vào đại học. Cho nên, ở
đó, thí sinh truyền miệng nhau rằng, nếu ai được hoa Jacaranda rơi
trúng đầu, có quyền nghêu ngao rằng... Hôm nay ngày thi, bao nhiêu người
đi. Xe! rộn rịp. Lớp! tràn người, niềm vui vấn vương... đây bao tiếng cười đắc
ý khoe rằng, “Phen này ta trượt thì ai đậu cho” ...
Buổi chiều ở phòng họp, sau khi trình bày cho đồng nghiệp những
phương án quản lý tín dụng, lúc tôi đề nghị nghỉ giải lao, là lúc điện thoại di
động của tôi reo. Đám bạn đồng nghiệp đùa, ai đó đã sắp xếp giờ giấc rồi.
– Thi đó hả? Nguyên đây, Nguyên Việt Nam, Nguyên Quảng Ngãi
đây.
Tôi ngạc nhiên quá đỗi. Nghĩ thầm, trời đất, ở đâu Nguyên có
số điện thoại của tôi. Tôi vui, nhưng không nén nổi tò mò:
– Biết rồi, nhớ ra rồi, khỏi phải kê khai lý lịch. Làm sao
Nguyên có số điện thoại của Thi vậy?
Tiếng Nguyên cười thích thú:
– “Théc méc” làm chi. Thi có rảnh để nói chuyện không?
Tôi vội giải thích:
– Không rảnh. Thi đang đi làm ở Nam Phi. Nhưng nói chuyện vẫn
được.
Nguyên hối hả:
– Đang ngồi chung với đám bạn bè cũ. Tụi nó chọc ghẹo
Nguyên, thách Nguyên có dám gọi cho Thi hay không.
Xem ra cuộc điện đàm còn nhiều điều hấp dẫn, tôi đưa tay ra
dấu với đồng nghiệp xin thêm vài phút. Nguyên huyên thuyên:
– Nhiều bài hát Nguyên thích lắm Thi ạ: Đường Xưa, Phượng
Hồng… Bây giờ Thi cho phép Nguyên hát vài câu tâm đắc thôi nghen.
Ủa, sao mà trùng hợp dữ vầy ha. Mới sáng nay, khi say mê ngắm
những hàng phượng tím của Johannesburg, trí tôi đã reo lên, nhớ đến những
câu: Cánh phượng hồng ngẩn ngơ/ Mùa hè đến trường khắc nỗi nhớ trên
cây/ Ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu/ Nên có một gã khờ ngọng nghịu đứng
làm thơ...
Nguyên ê a:
– Ai về sau dãy núi Kim Bôi, nhắn giùm tim tôi chưa phai
nhoà...
Tôi phì cười, cắt ngang:
– Ủa, Nguyên định giới thiệu cho trung tâm ca nhạc mời Thi
đóng vai sơn nữ hả?
Giọng Nguyên bỗng nghiêm chỉnh, đổi cách xưng hô:
– Mình không biết tại sao. Mình rất thích bài hát này. Mỗi
khi nghe những lời ca này, mình lại nghĩ đến bạn... Mà thôi, chắc Thi đến giờ
phải làm việc há? Cho mình hát một câu nữa nghe, “Hỡi người xa xăm đó, biết
nhau thì xa nhau…”
Tôi vẫn giữ tiếng cười. Nói với Nguyên, cho tôi gởi lời thăm
bạn bè, chúc tất cả vui vẻ. Tôi nhủ thầm, hên quá, mình chưa xài điện thoại có
hình. Không thôi, chắc Nguyên sẽ thấy tôi bổi hổi, bồi hồi.
Trở về phòng họp, trí tôi lan man, không tập trung được.
Cũng may, tôi đã “nhuyễn như cháo” mấy đề tài tôi trình bày, nên không lạng quạng.
Sau màn thảo luận, hỏi đáp như thường lệ, tôi thở phào nhẹ nhõm, khi mọi người
bảo không còn thắc mắc gì nữa.
– Vậy chúng ta kết thúc buổi hội thảo hôm nay nhé.
Yogi rủ rê:
– Thi đi ăn tối với tụi mình chứ?
Tôi thoái thác:
– Cám ơn Yogi. Hôm nay mình hơi mệt. Để tối mai nha.
Tôi chỉ muốn ăn qua loa, dành thì giờ nghỉ ngơi và cho đầu
óc rong chơi. Từ vuông cửa sổ phòng khách sạn, tôi nhìn mông lung xuống thành
phố bên dưới. Trong nắng chiều tà, những tàng phượng tím đẹp quyến rũ lạ lùng.
Cuộc sống đôi khi có những tình cờ kỳ diệu. Bao lần đến Johannesburg, mảnh đất ở
phương nam châu Phi vẫn tạo nhiều ấn tượng trong tôi. Nhưng mãi lần này, tôi mới
thấy những hàng phượng tím. Những cây Jacaranda bao năm khoe sắc
ở thành phố này, chứ đâu phải mới rộ nở cho tôi ngắm lần này đâu! Thật lạ, thấy
phượng tím, bỗng dưng tôi lại nhớ mấy câu hát trong bài Phượng Hồng, một
bài hát dường như hơi thời thượng đối với tôi. Bài hát ra đời khi tôi đã sống
xa Việt Nam. Lẽ thường, với tâm hồn “cổ” của tôi, thấy phượng, tôi tất nghĩ đến Yêu
người! Yêu Phượng! Yêu hoa đầu mùa, yêu mầu rực rỡ, yêu em mù loà... Vậy
rồi, vài tiếng đồng hồ sau, nhận điện thoại của Nguyên, của người bạn ấu thơ,
nghe nhắc đến bài hát Phượng Hồng. Cảm giác mang mang, bâng khuâng,
khó tả trong hồn. Hoàng hôn ở thành phố Johannesburg của Nam Phi, lục địa xa lắc
quê nhà, tôi đang chầm chậm những bước lần qua lối xưa, tìm về ký ức của mấy chục
năm trước.
Thời mẫu giáo ở trường thầy Thống, tôi đã là học sinh chăm
chỉ, khi bập bẹ đánh vần. Những năm tiểu học, tôi đều đặn hãnh diện mang những
bảng danh dự đủ màu đem về nhà trình Ba Mạ. Xong lớp Năm, đám học trò tiểu học
thi vào trung học. Ba Mạ cho tôi theo học luyện thi Đệ Thất ở trường thầy
Khiêm. Thời ấy, đa số các học sinh lớp Năm ở Nữ Tiểu Học, Nam Tiểu Học đều
“vâng lệnh song thân” đi dùi mài kinh sử ở các trung tâm luyện thi của thị xã
Quảng Ngãi. Khi vào trường thầy Khiêm, con gái học chung với con trai. Nguyên
là một trong những khuôn mặt nổi bật trong đám nam sinh trường thầy Khiêm.
Nguyên nổi, nhờ học rất giỏi, mà phá phách cũng kinh khủng. Mấy gốc mận, gốc ổi,
oằn thân vì những trò leo trèo của đám con trai. Chúng truy những trái mận
chua, ổi chát. Đã đời, chúng săn đâu đó vài con sâu, cho ngo ngoe dọa, tụi con
gái sợ hãi, mặt mày xanh lét. Nguyên có khi “thò què, thọt quẹt” lấy dây thun,
quấn giấy tròn, bắn tụi tôi. May, các thầy giáo cấm tiệt không cho đem ná gỗ
vào trường. Chớ không, những màn ẩu đả với món vũ khí này chắc hẳn khốc liệt lắm.
Từ nhỏ, tôi có “tật” thích mình học giỏi và nể người học giỏi. Bởi vậy, tôi để
ý đến Nguyên, luôn muốn làm sao giỏi cho bằng. Nguyên chọc phá, tôi quạu. Nhưng
Nguyên học giỏi quá, làm tôi “nực” hơn. Cứ như vậy, thuở đó, hai đứa tôi “trộm
nhìn nhau” ra vẻ... tình thù rực nắng. Hình như toàn bộ học sinh luyện thi ở
trường thầy Khiêm đều đậu vào hai trường trung học công lập, nam sinh vào Trần
Quốc Tuấn, nữ sinh vào Nữ Trung Học. Từ đó, chúng tôi... đường đời hai lối. Tôi
hết xụ mặt vì bị địch thủ bắn dây thun. Tôi thôi ấm ức vì đối thủ nhanh tay
hơn, tìm ra đáp số của bài toán đố hóc búa “vừa gà, vừa chó, bó lại cho tròn, đếm
đủ 100 chân” hoặc phép tính động tử cùng chiều, nghịch chiều... Tôi hân hoan
vào trường Nữ Trung Học, yêu kính thầy cô, mến thân bè bạn ở ngôi trường con
gái gần bốn năm. Sau biến cố 1975, trường Nữ Trung Học dành cho học sinh trung
học đệ nhất cấp, tên gọi trong chế độ mới là trường cấp II. Học trò trung học đệ
nhị cấp, tức cấp III, chuyển sang trường Trần Quốc Tuấn, nam nữ học chung. Niên
khóa 1975– 1976, tôi vào lớp 10B, trường Trần Quốc Tuấn. Học môn chính là Văn
và Anh Văn. Tôi gặp lại Nguyên, học lớp 10C, ban Toán Lý. Học khác lớp, khác
ban, tôi chẳng ngó ngàng đến “cố nhân”, để “kình” nhau chuyện học hành như thuở
học luyện thi. Vả lại, sau biến động 1975, cuộc sống êm đềm của gia đình tôi trải
qua nhiều bất trắc. Đang là một học trò chỉ một đam mê học hành, tôi có nhiều
trăn trở, âu lo khác. Tôi đâm ra thờ ơ sách vở. Ba tôi đang đâu đó nơi trại cải
tạo. Nhà sách của Mạ tôi đã “cống nộp”. Giờ chỉ còn quán cà phê là phương tiện
sinh sống của cả gia đình. Nhà không còn người giúp việc, tôi phải đảm trách việc
“chạy bàn”. Quán cà phê của nhà tôi rất đông khách, rất nhiều nam sinh Trần Quốc
Tuấn. Lúc đó, tôi chỉ là con bé 15, 16 tuổi, cái tuổi với những tự ái vặt, kỳ
quái. Tôi không ngại cực thân, nhưng tôi tủi phận. Vì mình phải bưng bê phục vụ
cho đám bạn, mà lúc gặp trên trường, mình nghinh nghinh, làm mặt lạ. Nguyên thỉnh
thoảng đến quán cà phê cùng các bạn khác. Tôi tảng lờ, như chưa gặp những trang
công tử này bao giờ. Mặt mày nhăn nhó, khó thương. Có lần, một tên trong đám
“cá độ”:
– Đứa nào chọc cho cô hàng cà phê cười, tao đãi một chầu.
Tôi mặc kệ, lạnh lùng dằn mấy tách cà phê xuống bàn. Tên
khác lên giọng:
– Thi hổng nói, hổng cười. Ờ, mà sao hông cười một nụ để bán
cho được hàng.
Tôi nín cười không được, vội tuôn ra sau nhà, bật cười rích
rích. Rồi lại khoác bộ mặt lựu đạn ra đối đầu với khách hàng.
Hết năm lớp 10, nhà tôi bị tịch thu. Lý lịch đen ngòm. Mấy
chị em tôi phải “di dân” vô Sài Gòn để có cơ hội cắp sách đến trường. Từ đó,
hình ảnh Nguyên bị dồn chung với những kỷ niệm thời học luyện thi, mờ nhạt, dần
trôi vào quên lãng.
Cách đây nhiều năm, trong lần về Việt Nam cùng đại gia đình,
tôi có vài “sự kiện lịch sử” đáng nhớ. Ngày nọ, tôi “ế độ”, bạn bè tôi lặn đâu
mất tiêu. Nói theo giọng nam của đứa em họ:
– Ủa, bữa nay chị hỏng có “mục”, có “nhọt” gì hết trơn dzẩy?
Chị tôi gạ, theo chị đến nhóm họp bạn của chị:
– Nghi học lớp chị nói, em hắn là bạn của mi!
Tôi lơ đễnh:
– Em ảnh tên gì vậy?
– Ô, chị quên hỏi. Để chị gọi Nghi, rủ em hắn đến chơi luôn.
Khi đến họp bạn, chị tôi dẫn tôi đến gặp anh Nghi. Tôi không
hề nhớ chút gì về anh Nghi. Anh Nghi thân thiện:
– Ngồi chơi đi em. Để anh gọi Nguyên, hối nó mau mau tới
đây.
Ồ, ồ, có phải Nguyên hồi tiểu học không hè, tôi nghĩ thầm.
Anh Nghi điện thoại, nói nói, cười cười một hồi, rồi đưa điện thoại cho tôi:
– Nguyên muốn gặp em nè.
Tôi bỗng rụt rè:
– Dạ, Thi đây.
Một tràng cười khanh khách:
– Trời đất, sao dạ thưa lễ phép quá vậy! Biết ai đây không?
Nếu anh Nghi không nói là Nguyên, đành chịu, chớ biết sao nổi.
Tôi làm ngon:
– Biết chớ, biết chớ!
Nguyên vội vàng:
– Nguyên đang trên đường đến đó. Sẽ mang cho Thi một món quà
đặc biệt. Chút nữa gặp nói chuyện nhiều nghe.
Bạn bè chị tôi nói cười rân ran. Tôi ngồi hóng chuyện, ngọ
nguậy nhìn ra cửa chờ Nguyên. Lát sau, thấy một “bác” với mái tóc muối tiêu, muối
nhiều, tiêu ít, đang đi về phía bàn của tôi, tôi nhìn thoáng “bác”, rồi lại
lóng ngóng dõi mắt tìm tìm Nguyên. Chợt nghe tiếng chào rất gần bên tai:
– Thi hả? Về Việt Nam thấy vui không?
Tôi ráng giấu nỗi ngạc nhiên, “ông bác” này là Nguyên đó
sao. Tại Nguyên già sớm, hay tại tôi trẻ lâu. Ký ức tôi đang loay hoay tìm gạch
nối giữa cậu bé láu lỉnh thuở xưa và ông bác tóc bạc bây giờ. Nguyên kéo ghế ngồi
bên cạnh. Tôi đằng hắng, rồi hỏi một câu... lãng nhách:
– Nguyên khỏe không?
– Ừ, Thi thấy đó. Khỏe re như con bò kéo xe. Thi chắc vui
triền miên. Thấy Thi cũng vậy, y như hồi xưa.
Nếu bây giờ tôi khách sáo rằng, Nguyên cũng vậy, nghe chẳng
thuận tai chút nào. Tôi giơn giỡn:
– Mấy chục năm qua rồi, mà Nguyên nói Thi giống như hồi xưa!
Bộ, hồi đó Thi đã già sẵn rồi, nên giờ không già thêm sao?
– Đó, đó, giống cái kiểu hỏi cắc cớ đó mà.
Nguyên rút trong túi áo một bao thư đưa tôi:
– Món quà cho Thi đây. Nguyên giữ món quà này hơn 30 năm rồi
đó nghen.
Tôi hồi hộp quá chừng, cám ơn và xin phép khui quà. Trời ơi!
Tấm hình chụp lớp học luyện thi vào trung học. Sau khi thi đậu, thầy Khiêm tổ
chức cho các thí sinh đi du ngoạn ở Cấm Ông Nghè. Nguyên láu táu:
– Bao nhiêu năm bôn ba, có khi đầu đường xó chợ, Nguyên gởi
tấm hình nhờ bà già cất chung với giấy tờ quan trọng. Cho nên tấm hình không bị
thất lạc. Bao nhiêu năm, Nguyên cứ nghĩ, sẽ gặp lại Thi, để tặng Thi món quà
này đó.
Tấm hình này tôi đã mất ngay lần bị tịch thu nhà. Tôi mân mê
tấm hình đen trắng, hơi có sắc vàng vì lâu năm. Dù hình cũ, nhưng sắc nét. Tôi
có thể nhận ra các bạn bè trong hình. Đám học trò tiểu học mặc đồng phục đầm trắng,
đứng ngay ngắn. Con gái hàng trước, con trai hàng sau. Thầy Khiêm và một thầy
giáo khác đứng hai bên. Dễ thương quá trời. Tôi mừng rỡ:
– Vui lắm đó Nguyên. Món quà rất, rất đặc biệt Nguyên à. Thi
xin mượn đem ra tiệm chụp, rồi gởi lại Nguyên nghe.
Nguyên cười nhẹ:
– Không, đã nói là quà cho Thi mà.
Tôi cảm động:
– Vậy không biết nói chi hơn là cám ơn nhiều.
Sau đó, tôi còn ở Việt Nam hai tuần lễ. Nguyên chẳng liên lạc
với tôi. Chỉ nghe chị tôi kể:
– À tình cờ hôm qua đi uống cà phê với Nghi, Nguyên có đi
theo. Nó rù rì kể chuyện xưa cho chị nghe. Mà tụi bây học sau xa, chị có nhớ đứa
nào là đứa nào đâu.
Chúng tôi về lại Đức, Nguyên thỉnh thoảng gọi điện thoại tán
gẫu với chị tôi. Qua những mẩu chuyện đó đây, tôi biết thêm chút chút về
Nguyên. Nguyên lưu lạc vào Sài Gòn. Hòn ngọc viễn đông của cuối thập niên 70,
rơi vào tận cùng của nghèo khổ, nhọc nhằn. Nguyên có bao nhiêu nghề không tên.
Hùn vốn với ông anh họ bán giày dép, mũ nón, công an đuổi chạy mấy lần, không
những mất mớ hàng, mà cả đôi dép mang trong chân cũng vuột luôn. Nguyên có thời
kỳ xin được chân bỏ nước đá cho mấy quán cóc cà phê trước trường Cao Đẳng Sư Phạm.
Lúc đó, Nguyên biết tôi đang học ở Đại Học Sư Phạm, nhưng không có ý tìm.
Nguyên kể đùa với chị tôi, tại hồi đó em lam lũ quá, nghèo quá, nên ngại, không
dám tìm con Thi. Chớ khá khá một chút, cũng đứng chờ nó đi học về, để cua nó.
Đó là những điều Nguyên kể cho chị tôi nghe chuyện của những năm khốn khó. Chứ
khi tôi gặp lại Nguyên, Nguyên trông đà có dáng dấp của “đại gia”. Đi đâu, tiền
hô hậu ủng, đường đường chủ nhân ông, oai vệ lắm. Lần khác, chị tôi nghe Nguyên
kể, có lần vượt biên, ghe con của Nguyên bị lọt lại, Nguyên phải nằm “khám” hết
mấy tháng. Một trong những người đi chuyến đó, được nước Đức tiếp nhận trong
chương trình nhân đạo. Nguyên nói đùa với chị tôi:
– Phải chi em đi lọt, qua Đức, em gặp con Thi, em o nó được
rồi.
Chị tôi cười cười:
– Em định tán cô nào, nhớ bỏ bớt chữ con trước tên, và đừng
gọi là nó, mà gọi là cô ấy, gọi nàng... nghe cho êm tai. Với lại, con em chị,
nhỏ đó “khíu chọ” ba vụ xưng hô lắm.
Nguyên cười khịt khịt:
– Dạ, em biết chứ
chị. Nhưng nghĩ tới con Thi, em chỉ nhớ tới con bé tóc bum bê nhỏ xíu hồi
học luyện thi à. Em nhớ tới đợt truyện của Duyên Anh, có con Thúy, thằng
Vũ, thằng Khoa... Cho nên, chữ con dính như keo vô tên nó
rồi. Lỡ con Thi kêu em là thằng Nguyên, em vẫn cứ thấy… tình tứ hà.
Chị tôi đổi giọng:
– Ừa, tùy ý chú mầy. Chị nói vậy cho vui, chớ chị hổng bàn
ra, tán vô gì đâu nghen.
Phải chi, ngày xưa, thay vì giấu sách vở của tôi, Nguyên ép
vài lá trứng cá trong tập tặng tôi. Phải chi, thay vì bắt con sâu dứ dứ cho tôi
sợ điếng, Nguyên lấy lá dừa thắt cho tôi con châu chấu. Biết đâu, khi gặp lại,
Nguyên không những tặng tôi tấm hình mấy chục học trò đứng lố nhố. Mà còn tặng
thêm tấm hình, chỉ mỗi một cô bé mặc áo dài trắng, tóc ngang vai, ôm cặp đứng
trước cổng trường Nữ Trung Học. Biết đâu, mặt sau tấm hình nghiêng nghiêng nét
chữ nắn nót của tôi:
Trưa vàng, cỏ biếc, trời xanh,
Môi ai chín đỏ đầu cành phượng xưa.
Hoàng Quân
Lời nhạc từ những nhạc phẩm:
* Phượng Hồng của nhạc sĩ Vũ Hoàng, Thơ Đỗ
Trung Quân
* Mùa Thi của nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng
* Nụ Cười Sơn Cước của nhạc sĩ Tô Hải
* Tiếc Một Người của nhạc sĩ Thanh Bình
* Phượng Yêu của nhạc sĩ Phạm Duy