02 July 2022

CẨM THÀNH - Hoàng Quân

Cẩm Thành- Tranh Hoàng Thanh Tâm

(Thương tặng chị tôi)

Cẩm Thành là mỹ từ của thành cổ Quảng Ngãi, được xây dựng năm 1807, hoàn thành năm 1815... Người xưa cho rằng địa cuộc nơi đây tụ hội khí thiêng, văn mạch của miền đất núi Ấn, sông Trà, nên Cẩm Thành trở thành địa danh văn hoá của Quảng Ngãi. (Lê Hồng Khánh). Đây là những điều tôi đọc được trên trang báo Quảng Ngãi. Với tôi, Cẩm Thành không chỉ là mỹ từ cho một nơi chốn, mà hơn thế nữa, là tên gọi thân thiết của người chị thương yêu của tôi. Ba Mạ tôi sinh anh cả, chị cả ở Huế. Ba tôi là công chức hành chánh. Ba thuyên chuyển nhiệm sở vào Quảng Ngãi. Đúng nghĩa xuất giá tòng phu, Mạ dắt hai đứa con thơ, theo chồng, xa rời cha mẹ, giã từ Huế. Khi đứa con đầu tiên ra đời ở đất mới, Ba đặt tên con là Cẩm Thành, như một kỷ niệm đánh dấu nơi chốn Ba Mạ dừng chân trên đường đời. 

Học trò

Thuở nhỏ, chị Cẩm Thành là một em bé bụ bẫm, hai mắt tròn xoe, má phinh phính rất dễ thương. Theo thời gian, con bé kháu khỉnh ngày nào trở thành cô thiếu nữ môi tươi, mắt sáng, ngời ngời sức sống. Dưới mái trường Nữ Trung Học, chị Cẩm Thành có những năm tháng hoa mộng của tuổi học trò rộn ràng muôn màu, muôn vẻ. Với lòng nhiệt thành của tuổi trẻ, chị hăng hái tham gia những sinh hoạt của học đường. Chị cùng các bạn ca múa, đóng kịch vào những đêm văn nghệ của trường vào dịp tết Nguyên Đán hoặc cuối niên khóa vào lễ phát thưởng. Chị tham gia viết thư, thêu khăn tặng chiến sĩ. Chị bưng thùng đến các cửa tiệm trong phố xin tiền lạc quyên cho đồng bào bị bão lụt. Chị trở thành phó Ban Xã Hội của toàn trường, đại diện trường đến thăm ủng hộ/ủy lạo tại nhà một số thương phế binh trong tỉnh. Từ năm lớp Đệ Thất (lớp Sáu), chị luôn nhanh chân trong giờ toán chạy, được làm học trò cưng của giáo sư toán.

Năm lớp Đệ Lục, nhóm kịch của chị nổi tiếng với vở “Hai Đứa Con Hoang”, có ý nghĩa giáo dục. Vì thế, giáo sư trong ban văn nghệ trường đã cho nhóm diễn vở kịch này nhiều lần. Năm 1975, chị đang học lớp 12, sẽ thi tú tài cuối niên khóa. Sau tết, chiến sự ngày càng sôi động. Các thành phố cao nguyên chộn rộn. Ba Mạ vô cùng âu lo. Đầu tháng Ba, sau mấy ngày bàn bạc, Ba đưa Mạ và bầy con, trừ chị Cẩm Thành, ra Đà Nẵng. Anh cả đang du học ở Tây Đức. Chị cả đang theo đại học ở Sài Gòn. Chị Cẩm Thành ở lại Quảng Ngãi với Ba. Trước là, để học, chuẩn bị thi tú tài. Sau là, để lo cơm nước, hai cha con hủ hỉ có nhau. Tình hình ngày càng trở nên nguy kịch. Ba muốn, bằng mọi cách, đưa chị  ra Đà Nẵng. Nhưng Ba không thể bỏ nhiệm sở ở Quảng Ngãi. Bởi vậy, Ba chở chị ra phi trường, gởi chị theo chuyến trực thăng đón một người Mỹ ra Đà Nẵng. Ba siết vai chị, như nhắc nhở chị hãy mạnh mẽ, đưa cho chị một túi giấy tờ, nói nhỏ vào tai chị: “Mạ và mấy em chờ con ở Đà Nẵng. Ba sẽ ra sau.” Chị òa khóc. Nhạt nhòa trong làn nước mắt, hình ảnh Ba lùi dần xa xa. Chị kinh hãi ngồi co rúm giữa những người xa lạ, trong máy bay gió lồng lộng. Chị không nhớ những chuyện xảy ra sau đó. Chiều tối hôm ấy, chị đến được căn nhà của cậu trên đường Ba Đình Đà Nẵng, mấy Mạ con mừng rỡ ôm chầm lấy chị, ai nấy rưng rưng nước mắt. Vài tháng sau khi toàn miền Nam rơi vào tay cộng sản, Ba bị giam giữ, Mạ sắp xếp cho bầy con về nhà ở Quảng Ngãi. Chị trở lại trường, nhưng chẳng còn niềm vui sách vở. Chẳng hẹn, mà cả nhóm bạn chị cùng có chung những hiện tượng quái quỷ giống nhau: hai mắt nặng trĩu vì con ma buồn ngủ ám và ngứa ngáy vì ghẻ quấy rầy. Thời gian đó, bệnh ghẻ xuất hiện cùng lúc với bộ đội miền Bắc. Bởi thế, căn bệnh mang tên ghẻ bộ đội. Chị và vài người bạn đồng bệnh ngồi dãy ghế cuối lớp, để ngủ gục và để... gãi. Chị chẳng hề theo dõi bài vở mấy thầy cô chế độ mới đang ra rả giảng. Trong kỳ thi, môn Anh văn, thí sinh phải dịch sang tiếng Việt một bài tiếng Anh về “uncle Ho”. Chị biết “uncle Tom”, vì chị từng mê, từng rươm rướm nước mắt khi đọc cuốn truyện Túp Lều Của Chú Tom do Minh Quân và Mỹ Lan dịch từ tác phẩm Uncle Tom's Cabin của Harriet Beecher Stowe. Nhưng chị chưa bao giờ nghe đến “uncle Ho”. Chị dịch một mạch là xong bài: chú Ho đã làm cái này, chú Ho đã nói thế kia. Ra khỏi phòng thi, chuyện trò với các bạn, chị mới biết, “uncle Ho” là người mà chế độ mới bắt buộc toàn dân, từ cụ già trăm tuổi đến trẻ sơ sinh, phải gọi là bác Hồ. Chị vỡ lẽ, đoán được kết quả của kỳ thi. Mạ lường trước, bầy con sẽ khó sống trong trường lớp ở tỉnh Quảng Ngãi, Mạ sắp đặt cho các con vào Sài Gòn. Chị vào trường Cứu Thế, lấy tú tài, giờ đây đổi tên là “tốt nghiệp trung học phổ thông”. Chị không hy vọng bước vào đại học với lý lịch đen ngòm của gia đình “ngụy quyền”. 

Dọc đường gió bụi

Chị trở thành người vô công rỗi nghề trong thời kỳ cả-nước-xuống-hố. Cái loa trong phường khóm đinh tai nhức óc với chữ kinh tế mới, thanh niên xung phong... là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với người dân miền Nam. Như nhiều người khác, chị phải trút bỏ dáng dấp tiểu thơ, không được trắng da, dài tóc, phải nỗ lực làm mình xấu xí, thô kệch đúng tác phong con người mới, “hồ hởi phấn khởi” đi làm thủy lợi, đào kênh. Mỗi ngày, khoảng 3, 4 giờ sáng, chị nhập vào nhóm thanh niên, đạp xe đến nông trường Lê Minh Xuân. Đến nơi, mệt ù tai, mờ mắt. Nhiều người, nhất là các cô, chỉ đủ sức làm quẹt quẹt. Chiều trước khi về, trong màn kiểm điểm, thể nào chị cũng có tên trong danh sách bị người ta đay nghiến bằng những lời lẽ vừa lạ tai, vừa khó nghe. Mấy chục năm sau, nghe đến tên Lê Minh Xuân, chị vẫn còn lạnh người nhớ đến những ngày khổ sai. 

Trong cái rủi, có cái may. Giờ nghỉ trưa, chị Cẩm Thành ngồi gần chị Phụng, giữa bữa cơm độn bo bo, hai người thủ thỉ chuyện trò. Chị Phụng người Nam, chân chất, cảm mến theo từng lời kể của chị Cẩm Thành: “Trời ơi, gia đình bồ ở xa dữ thần ôn, tuốt ngoài miền Trung. Tội quá, mấy chị em còn nhỏ mà phải ở xa ba má.” Nói chuyện một hồi, mới hay, hai người ở cách nhau mấy con hẻm góc đường Nguyễn Huỳnh Đức, Huỳnh Quang Tiên. Sau đợt lao động đó, hai chị chạy qua, chạy lại nhau thường hơn. Chị Phụng ở Sài Gòn với cha mẹ. Anh chị lớn của chị đã lập gia đình. Thỉnh thoảng chị Phụng về quê thăm vợ chồng người anh cả. Chị Phụng rủ: “Tui sắp sửa đi Long Xuyên thăm nhà. Bồ đi với tui nhen. Ở dưới đó gạo rẻ lắm.” Thế là, một sớm, một chiều, chị Cẩm Thành trở thành người đi buôn. Bao nhiêu năm, chị được sống trong vòng tay bảo bọc của cha mẹ, biết phụ giúp công việc trong nhà, chứ chưa quen bươn chải ngoài đường. Nay, bất thần bị đẩy ra trường đời, cô thiếu nữ ngoài đôi mươi khờ khạo tránh sao khỏi bỡ ngỡ. Thế mà, nhờ Ơn Trên phù hộ, chị gặp biết bao người tốt bụng trong “thương trường”. Họ nghe giọng Huế của chị ngồ ngộ, không biết rõ Huế ở đâu, nhưng họ thương cảm khi biết tình cảnh gia đình, cha trong trại cải tạo, nhà cửa bị tịch thu, gia đình tứ tán. Bán hàng cho chị, người ta cân đo đong đếm đầy đủ, có khi còn cho thêm. Mấy bác, chú xe thồ, xe đò thiệt thà, chẳng ai gạt gẫm, chọc ghẹo chị. Nói buôn gạo cho oai, chứ nhiều nhặn gì đâu. Mỗi lần từ Long Xuyên về, chị mua chừng 10 ký gạo, chia ra, một phần bỏ trong bao vải như ruột tượng, luồn quanh bụng, một phần bỏ trong túi đeo vai ngày trước chị dùng mỗi khi đi cắm trại. Về sau, chị mua thêm một ký thịt heo. Cắt làm 3, 4 miếng gói trong lá chuối, giấu dưới ghế, lỡ công an chận xét, sót được miếng nào, mừng miếng ấy. Miếng thịt heo dãi nắng dầm mưa từ Long Xuyên đến Sài Gòn. Theo tiêu chuẩn vệ sinh ngày nay, sở y tế sẽ tìm ra hàng triệu con vi trùng trong những miếng thịt này. Nhưng với chị em tôi thuở ấy là bữa ăn thịnh soạn, khi “thương gia” bình an trở về với bịch gạo và mấy rẻo thịt heo. Có lần, chị Cẩm Thành đã chuẩn bị cho chuyến đi buôn. Nhưng chị bạn không cùng về Long Xuyên. Bởi vậy, chị dắt đứa em trai đi chung. Không thể đến ở nhờ nhà của gia đình chị bạn như những lần trước, hai chị em phải qua đêm trong chợ Long Xuyên, chờ xe ngày mai về Sài Gòn. Tưởng tượng cảnh hai chị em chui dưới gầm sạp của chợ, tay ôm chặt bịch gạo, co ro trong đêm đen chờ sáng, thương quá là thương. May mắn, thuở ấy vùng quê hãy còn hiền hòa. Chứ nếu có chuyện gì xảy ra, cậu bé 13 tuổi làm sao bảo vệ chị mình, một tiểu thơ 22 tuổi chân yếu, tay mềm. Ít lâu sau, vì công an bắt phạt, tịch thu hàng hóa, chị cụt vốn, đành bỏ nghề. Chị tìm việc mới, theo chị Phụng vào tổ hợp đan áo len, xuất khẩu sang Liên Xô. Thời đó, gọi là đan gia công. Hai chị nhận len về, có bản chỉ dẫn những mẫu mã, cong lưng đan những chiếc áo len nặng nề cho những “người tây” to lớn. Thường là những loại len màu sáng. Bởi thế, các tay đan phải giữ gìn cẩn thận, kẻo sợi len dơ, xù, sẽ bị trừ tiền công. Người ta cân len khi giao hàng và khi nhận áo. Bởi thế, ngay cả sợi len thừa, các chị cũng nộp lại cho đủ. Đan suốt ngày không kịp. Ban đêm, đèn tù mù, hai chị chui vào mùng ngồi cho khỏi bị muỗi ăn thịt, tiếp tục đan. Có lần, áo đan lỗi thế nào đó, hàng bị trả lại. Thế là công đan cả tuần lễ thành công cốc. Làm ở tổ hợp đan len lúc đó chủ yếu tránh sự dòm ngó của các tổ trưởng, tổ phó “lựu đạn”, chứ chẳng ai trông mong chi đến chuyện có đồng vào, đồng ra. Tuy nhiên, thời gian làm thợ đan len lại mang đến tác dụng phụ bất ngờ. Nhờ đôi ngón nghề đan sót lại, sau này, chị Cẩm Thành đan cho cả nhà những vớ, áo, mũ len thật ấm, thật đẹp. Chúng tôi thắc mắc, chị học đan khi nào mà có thể đan được những chiếc áo to kềnh, mẫu hình này nọ để xuất khẩu. Chị bảo, thuở nghèo đói cùng cực, hình như ai cũng có khả năng học tất cả mọi điều giúp mình sống còn.  

Cô giáo vườn trẻ

Một hôm, giao hàng đan len xong, có chút thì giờ, chị Cẩm Thành ghé thăm người bạn cũ thời trung học. Chị bạn kể, vừa học xong khóa sư phạm và giới thiệu chị Cẩm Thành chỗ làm ở trường mẫu giáo Măng Non, quận Phú Nhuận. Trường cần người gấp, nhận chị vào làm ngay. Chị chỉ cần theo khóa học cấp tốc mấy tuần lễ. Thế là chị chấm dứt nghề đan áo. Trường Măng Non ở trong một biệt thự ngày xưa, rất rộng, rất đẹp trên đường Công Lý. Công việc của chị là chăm lo, chơi đùa với lũ trẻ con. Trông chừng bầy trẻ ăn ngủ đúng giờ. Nhờ hết xất bất xang bang, chị mượt mà hơn, tươi thắm hơn, xinh đẹp như cô tiên trong cổ tích. Là cô giáo vườn trẻ, chị có giấy giới thiệu học thêm tiếng Anh ở trung tâm ngoại ngữ của nhà nước. Thế là, đi làm ra, chị đạp xe thẳng lên trường Đại Học Sư Phạm, cho kịp lớp đêm. Ở đó, chị gặp thầy giáo H., một người lính biệt phái. Thầy H. vừa ra khỏi trải cải tạo đã xin được ngay chân dạy tiếng Anh, vì trước 1975 thầy có du học bên Mỹ. Một cuối tuần, chị Cẩm Thành vô cùng ngạc nhiên, khi thầy H. gõ cửa nhà. Thầy bảo, thấy học trò đi học, thiếu thốn sách vở, thầy mang đến. Về sau, để trò mau tiến bộ, cuối tuần, thầy H. đến kèm học trò tại nhà. Bầy em lấp ló núp sau màn, quan sát thầy. Thầy nói giọng Bắc du dương. Thầy nói tiếng Anh như gió. Thầy trông uyên bác, lúc nào cũng ăn mặc rất thanh lịch. Bầy em xì xào bàn tán. Thầy bảnh trai thiệt, nhưng mà già... chát. Những tối có giờ học tiếng Anh, chị không phải lật đật đạp xe cho kịp giờ. Trước cổng trường Măng Non đã có thầy giáo dong xe Vespa chờ. Làm cô giáo, chị được lũ trẻ con yêu mến. Làm học trò, chị được thầy giáo cưng chiều hết mực. Mắt chị long lanh hạnh phúc của người đang yêu. Ở trường Măng Non, lắm khi tụi nhóc nghịch phá, chị phải to tiếng mới vãn hồi trật tự. Ở trung tâm ngoại ngữ, chị thỏ thẻ mỗi khi thầy gọi trả bài. Chẳng thế mà thầy H. đã tặng chị bài thơ Voice and Sound. Giữa muôn ngàn tiếng động ồn ào chung quanh, chàng chỉ nghe mỗi giọng thì thầm của nàng. Phía “nhà gái” dần dà đã quen mắt với sự khác biệt tuổi tác giữa chị và anh H. Thật ra, anh ấy chỉ lớn hơn chị một giáp chứ mấy. Bầy em thôi xét nét anh. Anh H. tính đến chuyện đưa chị về ra mắt mẹ anh. Trong ngôi nhà bề thế ở quận Ba, chị lí nhí chào bà cụ. Cụ lạnh lùng: “Chị ngồi chơi. Tôi bận chút việc. Xin kiếu”. Chị ngỡ ngàng. Anh H., có lẽ quen tính của mẹ, thấy cũng bình thường. Bởi thế, lần sau đến đón chị, anh thật thà kể, cụ bảo anh: “Anh rước con bé ấy về, thì chỉ có pha sữa cho nó uống”. Chị mủi lòng, chắc người ta tưởng chị yêu anh H., vì anh sẽ xuất cảnh sang Mỹ. Chị tâm tình với cô bạn thân. Cô bạn nóng mặt giùm chị: “Trời, chưa gì mà người ta đã hoạch họe đủ điều. Sao mày không kể cho bà cụ nghe là gia đình mày có giấy bảo lãnh của ông anh và đang chờ ngày sang Tây Đức”. Chị tự ái, vừa buồn, vừa tủi thân. Chuyện giấy tờ bảo lãnh sang Đức đang ngày càng nóng bỏng. Gia đình có những mối bận tâm liên quan đến việc xuất cảnh. Chị tránh mặt anh Hải. Chị bỏ lớp học Anh văn. Chị bướng bỉnh nghĩ. Chị chỉ muốn là cô giáo của bầy trẻ con. Chị không thèm làm học trò của ai cả. 

Phương trời mới 

Ít lâu sau, chị gặp anh T., người Huế, hơn chị hai tuổi. Bầy em của chị không phải kính nhi viễn chi mà mau chóng coi anh như người trong nhà. Anh đến chơi, chúng xúm lại nghe anh kể chuyện đi hướng đạo ngày xưa, nghe anh đàn hát “nhạc vàng” ngọt ngào. Anh T. xuất hiện xem ra địa lợi, nhân hòa, nhưng không thiên thời. Dẫu rất đẹp đôi, chàng nàng chỉ giậm chân tại chỗ, chứ không tính chuyện xe sợi chỉ hồng. Bởi, gia đình đang chờ ngày lên máy bay. Nếu có thay đổi của một người, toàn bộ hồ sơ xuất cảnh sang Đức của gia đình sẽ bị trì hoãn hoặc tệ hơn bị xếp lại luôn. Chị rời Việt Nam, nước mắt tràn mi, gấp lại một chương của cuốn sách đời mình. Hình ảnh những ngày vui bên người yêu giờ cất sâu vào ngăn kéo kỷ niệm. 

Trong thủ tục làm giấy thông hành Reisepass, nhân viên hành chánh Đức không chịu ghi vào mục nghề nghiệp của chị là Kindergärtnerin, cô giáo vườn trẻ. Họ bảo, Kindergärtnerin phải có đào tạo chính quy của nước Đức. Thay vào đó, họ ghi chữ ohne, không nghề nghiệp. Nhưng họ cho biết, chị có thể xin trợ cấp thất nghiệp. Người anh cả bàn, chị chưa đi làm ngày nào ở Đức, xin trợ cấp thất nghiệp, e không ổn. Thế là chị xin trợ cấp an sinh xã hội trong lúc chờ đi học tiếng Đức. Chương trình đào tạo Kindergärtnerin rất khó, nhất là đối với người nói tiếng Đức không như tiếng mẹ đẻ. Bởi thế, chị quyết định đi lại từ đầu, cùng mấy đứa em trở lại trung học Đức. Nhịp sống nơi phương trời mới của chị rộn ràng với những dấu mốc đặc biệt. Chị ngâm nga bài thơ vu quy với anh bạn học cùng trường. Chồng chị người Nam, nói giọng “Sè Gòng”, nghe thật “dzui” tai. Đôi vợ chồng hàn nho hạnh phúc trong tổ ấm be bé trên lầu 5 của tòa nhà không có thang máy. Theo tư vấn của Sở Lao Động, chị ghi tên học nghề vẽ kỹ thuật. Trong khi chờ khóa học, chị làm nhiều công việc vặt, thêm chút thu nhập, để vợ chồng chị thỉnh thoảng đáp xe lửa đó đây thăm gia đình, bạn bè. Tính chị thoải mái, vô tư. Chị chẳng hề than vãn công việc nhàm chán hay nặng nhọc. Hơn thế nữa, chị luôn tìm thấy niềm vui nho nhỏ trong công việc. Lúc đứng máy ở dây chuyền sản xuất pizza, chị tủm tỉm cười, liên tưởng mình giống như Charlie Chaplin trong phim Thời Đại Tân Kỳ. Cuối ngày, chủ hãng cho nhân viên mang về những bánh pizza méo mó. Khách đến chơi, chị dí dỏm bảo: “Mình đãi các bạn cao lương mỹ vị của Ý nhé. Sang ghê chưa!” Chuyển qua công việc dán nhãn giá tiền trên hàng hóa cho các thương xá, siêu thị, chị quan sát thị trường. Thấy món hàng đẹp, bền, xuống giá, chị báo cho gia đình, bạn bè. Ai cần, chị mua giúp, được bớt theo tiêu chuẩn nhân viên. Thế là quá lời. Chị làm trong khâu đóng gói, gởi catalogue đến khách hàng, công việc tương đối nặng. Những năm cuối thế kỷ 20, buôn bán online ở Đức chưa phổ biến. Các công ty bán hàng qua thư gởi cho khách hàng những cuốn catalogue dày ngàn trang, chụp hình tất cả mặt hàng của cửa tiệm. Hết mùa, những cuốn catalogue còn thừa đi thẳng vào thùng giấy tái sinh. Một người bà con ở Việt Nam có tiệm may, ước ao có cuốn catalogue Âu, Mỹ, để khách hàng xem mẫu chọn lựa. Thế là, chị có món quà nặng ký, mà đúng ý cho người bà con. 

Chương trình học vẽ kỹ thuật với ứng dụng của computer rất mới mẻ và khó khăn cho chị. Tuy vậy, chị vẫn tiếp tục. Trong thời gian chị đi học, đứa con đầu lòng ra đời. Sau gần ba năm, bà mẹ trẻ trở thành chuyên viên vẽ kỹ thuật. Chị đi làm, gắn bó với hãng gần 30 năm cho đến khi hãng đổi chủ. Sẵn dịp chị về hưu non luôn.

Nhớ năm nao, cô giáo vườn trẻ, tuổi đời mới nhỉnh hơn một phần tư thế kỷ, rời quê nhà, những bước e dè, lạ lẫm nơi xứ người. Phương trời mới tự lúc nào đã trở thành thân thiết với chị. Đi đó, đi đây, về đến Đức, chị có cảm tưởng, mình đã về nhà. Chị cảm thấy gắn bó chốn này như quê nhà. Bởi ở đất nước này có gia đình nhỏ, gia đình lớn của chị quây quần từ bắc xuống nam. Bốn chục năm ở Đức, chị đã làm hàng chục việc vặt và một công việc chính, giờ đây chị thong dong khỏi phải bận tâm chuyện cơm áo. Nghề cô giáo vườn trẻ không được nước Đức công nhận trên giấy tờ. Nhưng chị vẫn là cô giáo chăm sóc bầy con trong vườn trẻ yêu thương của gia đình chị. Gia đình chị dọn ra, dọn vào nhiều căn nhà mướn. Sau cùng, dọn hẳn vào một ngôi nhà khang trang vợ chồng chị gầy dựng. Giờ đây, các con chị đã lớn, chị chuyển công việc từ vườn trẻ sang vườn hoa, vườn rau. 

Chị em

Dạo ấy, trường mẫu giáo Măng Non quy định, các cô giáo phải thay phiên nhau trực đêm ở trường. Đến phiên chị Cẩm Thành, sợ một mình đêm tối trong biệt thự kín cổng cao tường, chị dắt thêm đứa em trai. Về sau, cả sáu đứa em khăn gói hộ tống chị trực đêm. Những đêm hè nóng nực, được theo chị đi trực đêm là niềm vui của bầy em. Tránh được cái nóng hừng hực trên căn gác nhỏ của nhà, mấy chị em cười đùa, hát hò nơi rộng rãi, thoải mái mà kín đáo. Không phải nơm nớp lo sợ công an khu vực bắt bẻ vặn vẹo. Đồng nghiệp nào không đi trực được, chị sẵn sàng trực thay. Vì như vậy, chị và các em lại có một đêm vui vẻ cùng nhau. Mỗi năm, trường Măng Non tổ chức cho nhân viên đi chơi Vũng Tàu một ngày. Theo quy định, mỗi nhân viên được dẫn theo một người. Chị nghĩ đến bầy em lóc nhóc. Trước năm 1975, các anh chị lớn được hưởng nếp sống sung túc của gia đình. Ba thường chở bầy con tắm biển hoặc đi chơi Đà Nẵng, Huế. Ngày đổi đời, hai đứa út mới 5 tuổi. Từ đó đến nay, chuyện đi chơi chỉ còn là những mơ ước viển vông. Tội nghiệp tụi nhỏ. Chị muốn nhân cơ hội này bù đắp cho các em. Thế là, chị xoay xở để cả sáu đứa em được theo trường chị đi Vũng Tàu. Nhìn bầy nhỏ rộn ràng nô đùa sóng biển, lòng chị sáng lên niềm vui. Trong tấm hình đen trắng cũ kỹ ngày xưa, thấy chị, một thiếu nữ nhỏ nhắn, ẻo lả, dang rộng vòng tay, kéo theo bầy em cùng tận hưởng một ngày vui bên nhau.

Mấy chục năm qua, chị em ai nấy tuổi tác chồng chất, đều có gia đình riêng, cuộc sống ổn định. Đứa em út đã qua tuổi năm mươi. Vậy mà, chị Cẩm Thành vẫn năng động, xốc vác như cô gái tuổi đôi mươi thuở nào. Những lần đi Berlin, Genève tham gia biểu tình, đòi chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa... , đi Bonn dự họp mặt kỷ niệm tàu Cap Anamur, chị cặm cụi làm biểu ngữ, cùng mọi người thức đêm, tập hát những bản hùng ca. Những cuộc điện đàm với chị hàng tiếng đồng hồ, về những câu chuyện ngày xưa. Kể đi, kể lại mà vẫn luôn sôi nổi, hấp dẫn. Có khi, chị gọi ngắn gọn, báo tin, chị mua được mấy chậu hoa Trà My, hoa Mimosa đẹp lắm. Lần tới gặp nhau chị sẽ mang về cho. Chị rủ rê em út đến nhà chơi. Ra vườn, thấy hoa lá, rau cỏ chi là lạ, trầm trồ hỏi thăm, chị chiết vào chậu, cho đem về. Nơi xứ người, chị Cẩm Thành không còn phải chạy vạy tìm chỗ cho các em đi chơi. Chị tìm tòi, xem ở đâu có phong cảnh hữu tình, có lịch sử lý thú. Rồi mấy chị em kéo theo bầu đoàn thê tử, cùng nhau rong chơi đó đây. Gạo, thịt nơi này ê hề, mấy chị em không phải chờ chị Cẩm Thành đi buôn gạo như thuở nao. Nhưng khi chị hớn hở khoe hình hũ cơm rượu, “tác phẩm” đầu tay của chị sau khóa học cấp tốc, đám em lại nô nức chờ ngày chị đến chơi, để thưởng thức tài nghệ của chị. 

Những cuộc họp mặt đại gia đình vào dịp lễ, tết, cúng giỗ cha mẹ là những dịp anh chị em sum vầy, hàn huyên về những ngày tháng thời thơ ấu. Nhắc đến địa danh Cẩm Thành, tỉnh Quảng Ngãi, lòng tôi bồi hồi nhớ những ngày còn bé. Nơi ấy giờ đã xa lắc xa lơ, hình ảnh đã nhạt nhòa trong ký ức. Gọi tên Cẩm Thành, người chị của tôi, lòng tôi tràn ngập yêu thương. Ngày xưa, ngày nay và ngày mai, chị Cẩm Thành vẫn luôn gần gũi, với vòng tay thân thiết, là cầu nối tình cảm của đại gia đình chúng tôi.

Hoàng Quân

Tháng Ba 2022