09 July 2022

DÌ CLOCHETTE - Guy de Maupassant | Thái Nữ Lan dịch

Tư tưởng phê bình của Guy de Maupassant [1850-1893] thường nhắm vào luân lý đạo đức xã hội. Cái nhìn căn bản của ông là đề tài hiện thực, ảnh hưởng của Gustave Flaubert, và các khía cạnh về lối tự thuật. Sức khoẻ của Maupassant đã gây nhiều khó khăn cho ông. Có thể nói, tình trạng sức khoẻ của Maupassant đã khiến ông khủng hoảng trầm trọng và ngã quỵ từ tâm hồn đến thể xác. Trong truyện Le Horla, ta thấy rõ bằng chứng của một tâm hồn bất bình thường nơi Maupassant.

Chủ nghĩa bi quan, tính hoài nghi là cảm quan chính chi phối nhiều sáng tác của ông và ông còn đi xa hơn thầy Flaubert của mình về "sự tuyệt vọng triết học" (le désespoir philosophique). Tác phẩm của Maupassant là sự thể hiện của niềm thất vọng trước sự bé nhỏ và bất lực của con người trước xã hội và định mệnh, về sự tuyệt vọng đã dập tắt mọi khát vọng, về cái ác... Chính sự tuyệt vọng triết học này đã làm cho quan niệm nghệ thuật về con người của ông trở nên bi quan khi ông cho rằng mình đang phản ánh những con người "chưa bao giờ ít chất người hơn thế".

Chỉ trong vòng một thập niên, ông đã viết gần 300 truyện ngắn, 200 bài đăng báo, 6 quyển tiểu thuyết và 3 bút ký du hành, chứng tỏ một sức sáng tác rất mạnh. Anh em trong Viện Hàn Lâm Goncourt đặt tên cho ông là “con bò mộng vùng Normandie”.

Trong số tác phẩm nổi tiếng của ông có thể kể Une vie (Một cuộc đời), Bel-Ami (Anh bạn đẹp), Pierre et Jean, Fort comme la Mort  (Mạnh hơn cái chết ) và Clair de Lune (Sáng Trăng).

*

Quý vị có cùng suy nghĩ như tôi không, kỳ lạ chưa, tại sao lại có những kỷ niệm cứ đeo bám luôn mãi, mình không bao giờ rũ bỏ được cơ chứ!

Tôi sẽ kể quý vị nghe câu chuyện này, một câu chuyện xưa như trái đất, xưa như vậy mà tôi không hiểu được làm thế nào mà nó lại có thể mãnh liệt và sống động, vẫn dai dẳng trong trí tôi như thế. Tôi đã từng nhìn thấy không biết bao nhiêu là điều thê thảm, gây xúc động hay thật khủng khiếp, vậy mà thật ngạc nhiên thay, tôi không thể quên được dù chỉ một ngày, gương mặt của Dì Clochette, Dì cứ luôn hiện ra trước mặt tôi như ngày nào, đã rất lâu rồi, vào thuở tôi mới lên mười hoặc mười hai tuổi.

Bà ấy là một cô thợ may đã lớn tuổi, bà đến nhà tôi mỗi thứ ba hằng tuần để may vá áo quần ở nhà ba mẹ tôi. Ba mẹ tôi sống trong một căn nhà ngoại ô được gọi là lâu đài, đó chỉ là những ngôi nhà cũ xưa có mái nhọn, và ở vùng phụ cận có khoảng bốn năm nông trại. Cách đó vài trăm thước là thị trấn gồm những ngôi nhà chen chúc quanh ngôi thánh đường, thánh đường xây bằng gạch đỏ qua năm tháng đã trở nên đen xám.

Mỗi thứ ba Dì Clochette đến vào khoảng từ sáu giờ rưỡi đến bảy giờ sáng và lên ngay trên phòng đựng vải vóc để bắt đầu làm việc. Đó là một phụ nữ cao và gầy, với gương mặt thật nhiều lông, như là bộ râu kỳ quặc, với nhiều túm quăn tít thật khó hiểu, làm như thể do một tên điên nào rải ra khắp khuôn mặt người cảnh sát mặc váy đó…

Bà đi cà nhắc, không cử động như người bị mất một chân, nhưng giống như một con tàu đang thả neo. Khi bà dùng bên chân lành để tì tấm thân cao lớn xương xẩu và nghiêng ngả lên, trông như bà đang lấy đà để lướt lên trên một ngọn sóng khổng lồ, rồi bỗng nhiên bà chìm xuống đất như thể lặn xuống để biến mất trong một cái hố sâu.

Bước đi của bà khiến ta liên tưởng đến cơn bão, vì bà vừa đi vừa lắc lư, đầu thì luôn đội mũ trùm to rộng, với dải lụa phất phơ trên lưng, nhìn từng động tác ta trông bà như muốn băng qua chân trời, từ bắc chí nam rồi từ nam lên bắc.

Tôi rất yêu quý Dì Clochette này. Buổi sáng vừa thức dậy là tôi chạy lên phòng giặt liền, tôi luôn thấy bà ngồi may vá ở đó, dưới chân là cái lồng ấp. Khi vừa trông thấy tôi, bà liền bắt tôi phải lấy cái lồng ấp rồi ngồi trên đó để không bị cảm lạnh trong căn phòng rộng thênh thang lạnh giá, ngay bên dưới mái nhà. Bà nói “Làm như vậy thì cháu sẽ được ấm nhe cháu”.

Bà vừa khâu vá, những ngón tay nhanh nhẹn, cong vòng như cái móc vừa kể chuyện cho tôi nghe; đôi mắt sau cặp kính càng dày cộm lên theo số tuổi chồng chất tạo cho tôi cảm giác chúng trở nên to lớn, sâu hoắm một cách kỳ lạ. Với những điều tích trữ trong trí nhớ thơ dại đã làm xúc động trái tim bé nhỏ của tôi, bà là một người có tâm hồn thật cao thượng của một người phụ nữ đáng thương. Bà nhìn thấy mọi việc đều rất bình dị. Bà kể cho tôi nghe những câu chuyện ở thị trấn, như con bò chạy khỏi chuồng rồi lại được tìm thấy ở cối xay gió của Malet, nó đang đứng nhìn cánh quạt quay, hoặc một quả trứng gà được tìm thấy trên gác chuông nhà thờ mà không ai hiểu được con vật nào đã lên đẻ  trứng ở đó, hoặc là chuyện con chó nhà Pilas đã chạy đi xa mười dặm để lấy lại được chiếc quần của chủ nó bị kẻ nào ăn cắp khi bà Clochette để phơi cho khô trước nhà bà.

Bà kể cho tôi nghe những biến cố ngây ngô ấy bằng cách nào mà chúng ngự trị trong tôi như những thảm kịch không bao giờ quên được, những bài thơ hùng vĩ và huyền bí vô cùng; và rồi những câu chuyện cổ tích khéo léo do các thi sĩ đa tài dựng nên mà mẹ tôi thường kể cho tôi nghe mỗi tối không thể nào thú vị, sâu rộng, có sức quyến rũ như những câu chuyện đơn sơ về đời sống thường nhật của một người nông dân như vậy.

Nhưng rồi, vào một ngày thứ ba, vì nguyên buổi sáng tôi đã ngồi bên Dì Clochette để nghe kể chuyện, nên sau khi đi hái hạt dẻ với người gia nhân ở khu rừng Hallets, phía sau nông trại của gia đình Noirpre, tôi muốn trở lên căn gác lần nữa để chơi với bà. Tôi nhớ như in tất cả những sự việc ấy một cách rõ ràng như thể vừa xảy ra hôm qua.

Nhưng rồi, vừa mở cửa phòng giặt, tôi nhìn thấy bà thợ may già nua ấy nằm sóng soài dưới đất, ngay cạnh cái ghế bà thường ngồi, mặt úp xuống, hai cánh tay duỗi ra, một tay còn cầm kim may, còn tay kia là chiếc áo của tôi. Một cái chân, mang vớ màu xanh trời, duỗi dài bên dưới ghế, còn cặp mắt kính thì lấp lánh ở bờ tường, có lẽ chúng đã lăn ra xa khi bà ngã xuống. Tôi bỏ chạy ra vừa kêu thất thanh. Mọi người chạy đến; và rồi sau đó vài phút tôi biết được Dì Clochette đã qua đời.

Tôi không biết diễn tả thế nào cảm xúc đau đớn xót xa vô cùng tận làm con tim bé thơ của tôi quặn thắt. Tôi rón rén bước nhẹ xuống phòng khách, tìm một nơi tăm tối ở góc một chiếc ghế bành lớn cổ xưa, rồi quỳ xuống và khóc nức nở. Tôi quỳ như vậy rất lâu, có lẽ hàng giờ, vì đêm tối đang xuống dần. Bỗng nhiên tôi nghe thấy có người đến và có ánh đèn, nhưng họ không thấy tôi, rồi tôi nghe tiếng ba mẹ tôi và tiếng nói quen thuộc của vị bác sĩ gia đình. Người nhà đã vội vàng đi mời ông đến rất nhanh và ông đang giải thích lý do xảy ra tai nạn. Vả lại tôi cũng chẳng hiểu tí gì cả. Rồi ông ấy ngồi ở ghế và dùng một ly rượu nhẹ cùng ít bánh quy.

Vị bác sĩ vẫn đang giải thích mọi chuyện; và những điều ông ấy nói đã khắc sâu trong tim tôi và sẽ không bao giờ sai một lời cho đến lúc tôi lìa đời! Thậm chí tôi nghĩ rằng tôi có thể trình bày lại câu chuyện hầu như bằng chính những lời lẽ ông ấy đã dùng lúc đó.

“Ôi! Thật là một người đàn bà đáng thương! Thời ấy bà là người khách đầu tiên của tôi. Bà ấy đã bị gãy chân ngay hôm tôi vừa mới đến thị trấn này, tôi đã không có thì giờ để rửa tay khi vừa bước xuống xe ngựa nữa chứ! Họ đến mời tôi phải đi thật gấp, vì trường hợp này rất, rất là trầm trọng…

Cô ấy khoảng chừng mười bảy tuổi, và đó là một cô gái rất đẹp, tôi lặp lại, rất đẹp, rất đẹp! Có ai ngờ rằng cô ta sẽ như thế nào sau này không? Còn câu chuyện của cô ta ngoại trừ tôi và một người nữa đã không còn sống ở đây, thì không ai hay biết cả. Giờ đây cô ấy đã không còn trên cuộc đời, tôi có quyền không phải giữ bí mật nữa.

Vào thời ấy có một người phụ giáo trẻ với gương mặt rất điển trai và dáng vẻ rất cao ráo của một viên hạ sĩ quan. Các cô gái trong tỉnh đều theo cậu ta, còn cậu ấy thì ra vẻ khinh thường, hơn nữa cậu ấy cũng khiếp sợ cấp trên của mình là thầy giáo ở trường, lão Grabu, ngày nào cũng cau có khó chịu. Lão Grabu này đã thuê cô Hortense xinh đẹp làm thợ may từ lâu rồi, Hortense là người vừa mới qua đời ở nhà ông bà đây; sau khi bị tai nạn thì Hortense được đổi tên là Clochette.

Anh phụ giáo chú ý ngay đến cô bé xinh xắn này, cô bé chắc hẳn cũng thật hãnh diện khi được anh chàng kiêu ngạo khó chinh phục này chọn mình; dù gì thì cô ấy cũng đem lòng yêu anh, và chàng thì lại được cuộc hò hẹn đầu tiên trên căn gác của trường học lúc xế chiều, sau khi nàng xong một ngày may vá. Thế là nàng làm bộ về nhà, nhưng thay vì đi xuống cầu thang ở nhà lão Grabu, nàng lại đi lên, và rồi vào trốn trong đám rơm rạ để chờ người tình.

Không bao lâu thì chàng đến với nàng, và bắt đầu buông lời nguyệt hoa, nhưng bỗng nhiên cánh cửa mở bật ra, ông thầy giáo xuất hiện và hỏi:

“Này Sigisbert, cậu làm gì trên này vậy hả?” Anh chàng trẻ tuổi thật kinh hãi, cảm thấy mình sẽ bị bắt quả tang, liền trả lời một cách ngốc nghếch:

Dạ tôi lên đây để nghỉ xả hơi một tí, thưa thầy Grabu.”

Căn gác ấy rất rộng, rộng mênh mông, và tối đen như mực; thế là chàng Sigisbert vừa đẩy cô gái lúc đó đã quá khiếp sợ vào góc trong cùng của căn phòng, vừa lặp đi lặp lại:

“Chạy tới đằng kia đi, đi đi, đi trốn đi. Chạy thoát đi, nếu không tôi sẽ bị đuổi việc mất, chạy trốn nhanh đi!”

Lão thầy giáo khi nghe tiếng thì thầm, lại hỏi:

“ Ủa, không phải chỉ có mình anh ở đây hả?”

“Dạ chỉ có mình tôi thôi, thưa thầy Grabu!”

“Không đúng, bởi vì anh nói chuyện với ai kia mà?”

“Tôi xin thề là tôi chỉ có một mình, thưa ông.”

“Để rồi xem”, lão già trả lời, và khi đi ra lão khóa trái cửa hai vòng, rồi đi xuống nhà lấy nến.

Thế rồi, anh chàng hèn hạ, loại người mà ta rất thường gấp, đâm cuống cuồng lên và bỗng trở nên hung tợn, la to:

“Cô hãy biến đi chứ, chạy đi thôi, không thì ông ta bắt gặp cô ở đây mất. Cô sẽ làm tôi trở nên gã hành khất trong suốt cuộc đời tôi. Cô làm hỏng sự nghiệp của tôi!

Chạy biến mau lẹ đi!”

Lại có tiếng chìa khóa tra vào cửa, rồi xoay vòng... Hortense chạy đến ô cửa sổ con bên dưới mái nhà, cửa này nhìn xuống đường, và bất thình lình cô mở ra; bằng một giọng kiên quyết, cô nói nhỏ:

“Lát nữa anh xuống đỡ tôi dậy khi ông ấy đi khỏi nhe”.

Rồi cô nhảy xuống.

Lão Grabu vào phòng không tìm thấy ai nên đành đi xuống, lòng không khỏi ngạc nhiên. Mười lăm phút sau, thầy Sigisbert đến nhà tôi và kể lại câu chuyện cho tôi. Cô gái nằm bất động ở chân tường, không thể nào đứng lên được, vì cô đã ngã từ hai tầng lầu xuống. Tôi đi với cậu ta. Trời mưa như trút, tôi mang cô gái bất hạnh về nhà tôi; bên chân phải bị gãy ba chỗ, xương xẩu đâm xuyên qua thịt da. Cô ấy không hề kêu ca mà chỉ cam chịu thốt lên một cách thật đáng phục: “Tôi đã bị trừng phạt thật đích đáng, thật đáng tội rồi!”

Tôi gọi người đến cứu giúp và tin cho ba mẹ cô gái; tôi phải bịa chuyện và kể cho họ rằng một chiếc xe khùng điên chạy quá tốc độ đã hất cô ta ngã và làm cô bị què chân, ngay trước nhà tôi. Mọi người đều tin lời tôi, và cảnh sát đã phải uổng công truy tìm kẻ gây ra tai nạn ấy trong suốt một tháng trời.”

“Chuyện như thế đấy! Và tôi phải thêm rằng người đàn bà này là một nữ anh hùng, bà thuộc dòng giống những người thực hiện bao nghĩa cử cao đẹp nhất và thật đáng được ghi vào lịch sử.

Đó là mối tình duy nhất của bà ấy. Bà đã giã từ cõi đời với một tấm thân còn trinh nguyên. Đó là một người hy sinh vì lý tưởng, một tâm hồn cao thượng, một Kẻ Hiến Thân siêu việt! Và nếu tôi không cảm phục bà ấy, tuyệt nhiên tôi đã không kể lại câu chuyện này với ông bà, mà khi bà ấy còn sinh thời tôi chưa bao giờ muốn kể cho bất cứ ai, chắc ông bà cũng hiểu lý do”.

Vị bác sĩ đã dứt lời.

Mẹ tôi khóc rấm rức. Ba tôi nói vài câu gì tôi không nghe rõ. Rồi họ đi ra. Còn tôi thì vẫn quỳ ở chiếc ghế, nức nở; trong khi đó tôi nghe tiếng động kỳ lạ, tiếng những bước chân di chuyển nặng nhọc, tiếng va chạm ở cầu thang.

Họ đang mang xác của Dì Clochette đi.

Guy de Maupassant

Thái Nữ Lan dịch

 

Chú thích của người dịch:

Clochette: Nguyên nghĩa là cái chuông nhỏ. Theo bài văn, có lẽ là biệt danh của bà sau khi bị tai nạn, để chỉ đôi chân đi khập khiễng của bà (động từ "clocher").