Một số nước chọn con vật làm biểu tượng quốc gia, chẳng hạn
con chuột túi ở Úc hoặc gấu trúc ở Trung Quốc. Việt Nam cũng có một con vật rất
gần gũi với đời sống hàng ngày, xứng đáng được chọn là con vật đại diện cho quốc
gia để giới thiệu với bạn bè năm châu. Đó là con cò. Tại sao chọn con cò?
Đơn giản vì cò xuất hiện ở mọi ngóc ngách đời sống Việt Nam. Cò bay tứ tung. Chỗ nào cũng thấy cò… Và không như cò trong thế giới tự nhiên, cò trong “thế giới người” ở Việt Nam có vô số loại và con nào con nấy cũng mập ú. Chỉ riêng “chủng loại” “cò bệnh viện” thôi, đã có nhiều thứ cò:
Cò bóc số
Khi chuẩn bị đi khám bệnh, người dân ngán ngẩm nhứt là việc
xếp hàng. Người bệnh không thể đủ sức khỏe đứng chờ mỏi mòn hàng mấy tiếng đồng
hồ, nên trước khi đến bệnh viện, người bệnh cần gọi điện thoại cho cò
bóc số – thường là nhân viên y tế – để lấy giùm số thứ tự xếp hàng.
Khi người bệnh đến bệnh viện, cò sẽ ra tận nơi trao thẻ lấy tiền. Thẻ có ghi số
thứ tự khám bệnh hàng đầu để người bệnh được vào khám trước, không mắc công chờ.
Cò bác sĩ
Khi vào khám ở bệnh viện công, sẽ có một số người, thường là
hộ lý, điều dưỡng, hoặc nhân viên y tế bất kỳ, đến rỉ tai bệnh nhân, rằng: “Bệnh
viện điều trị không hết bệnh đâu, uống thuốc của Bảo hiểm y tế toàn thuốc dỏm;
vì vậy, nên ra khám ở phòng mạch của bác sĩ XYZ ở địa chỉ…”. Đó là cò
bác sĩ. Cò bác sĩ có khi là chính bác sĩ đang điều trị trong bệnh viện. Tay
bác sĩ tử tế và thương người này sẽ cho địa chỉ phòng mạch tư của chính mình.
Cò bác sĩ nhiều nhất là ở bệnh viện phụ sản. Em gái nào vào bệnh viện phá thai
sẽ được cò bác sĩ đón tiếp niềm nở ngay tại cổng, dẫn đi đến các phòng khám sản
phụ khoa có dịch vụ nạo phá thai. Các em gái lỡ lầm thường không muốn vào bệnh
viện vì ở đó buộc phải làm hồ sơ, khai tên tuổi địa chỉ. Do đó, cò bệnh viện phụ
sản là “mập” nhất, trong khi những cái chết thương tâm do tai biến trong nạo
phá thai xảy ra hàng ngày hàng giờ.
Cò thuốc
Ở bệnh viện công, thường trong giờ nghỉ trưa, có những cô
gái đẹp len lỏi vào phòng khám tiếp cận với bác sĩ để giới thiệu thuốc. Đó là
các trình dược viên của các công ty dược phẩm, gọi là cò thuốc. Họ
chào mời thuốc đồng thời tặng quà cáp cho bác sĩ, đưa ra mức hoa hồng hậu hĩnh.
Thậm chí họ biết rõ sinh nhật, ngày giỗ chạp trong gia đình bác sĩ; tới ngày
đó, họ mang quà tới tận nhà tặng. Để “trả ơn”, bác sĩ phải kê toa cho bệnh nhân
dùng dược phẩm của hãng dược đó.
Cò thuốc của hãng dược có nhiệm vụ thống kê
số lượng, rồi trả hoa hồng cho bác sĩ. Tất nhiên tiền hoa hồng cùng mọi chi phí
quà cáp đều đã tính đúng tính đủ vào giá cả. Bệnh nhân là người phải chi trả tất
cả chi phí đó, kể cả lương của cò. Để được “bồi dưỡng” nhiều nhất có thể, bác
sĩ sẽ kê đơn loại thuốc đắt nhất, có tỷ lệ hoa hồng cao nhất. Hệ thống bất nhân
này hoạt động công khai. Ai cũng biết. Chỉ có “cơ quan thẩm quyền” là “không biết”.
Cò xe
Xe ở đây là xe cấp cứu chuyển viện, xe chở xác về nhà. Khi
người bệnh nặng được chỉ định chuyển lên “tuyến trên” (tức bệnh viện tốt hơn)
hoặc bệnh nhân mất cần chở xác về nhà, thì bệnh viện thường thiếu xe cấp cứu
do… hết xe. Nhân viên y tế ở bệnh viện sẽ “giới thiệu” cho gia đình xe cấp cứu
tư nhân. Gọi là “tư nhân” nhưng xe này đều do hầu hết y bác sĩ, cán bộ lãnh đạo
trong bệnh viện bỏ tiền đầu tư, không có “chân” trong bệnh viện đừng hòng làm
ăn lĩnh vực này. Những mạnh thường quân tốt bụng bỏ tiền mua xe cứu thương 0 đồng
để giúp cho người bệnh nghèo thì xe từ thiện không được phép vào bệnh viện. Cứ
mỗi chiếc xe cấp cứu lăn bánh thì cò xe sẽ được nhận một khoản hoa hồng, nhiều
khi còn hơn tiền lương nhân viên y tế mà không phải cực nhọc gì.
Cò mai táng
Khi người bệnh mất, bệnh viện chuyển thi thể vào nhà xác hoặc
nhà quàn. Bên cạnh khoản phí cố định mà bệnh viện thu, còn có khoản “bồi dưỡng”
cho người quản lý nhà quàn. Ở một số bệnh viện, người nhà bệnh nhân còn phải hợp
đồng với một cơ sở dịch vụ mai táng tại chỗ, do cò mai táng giới
thiệu. Nếu từ chối thì đừng hòng mang được xác người thân ra khỏi! Trong lúc
tang gia bối rối thì cò muốn “mổ” giá bao nhiêu cũng được. Cò này chắc phải gọi
là “cò ma” mới đúng.
Nói tóm lại, “sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân” đã trở
thành cái tổ nuôi nhiều cò nhứt. Bầy cò của VN Pharma còn ăn cả xác chết khi
bán thuốc ung thư giả cho người bịnh. Giúp người bịnh chết sớm có lẽ là điều y
đức thứ 13 – bất thành văn – trong bảng quy định 12 điều y đức của ngành y tế
nước nhà?
Ngoài bọn cò y tế, còn có vô số cò khác.
– Cò nhà-đất, phòng trọ.
– Cò thẩm mỹ viện, spa. Loại này hiện hoạt động
rất mạnh. Ngay bản thân người viết, gần như ngày nào cũng có 1-2 cuộc điện thoại
gọi đến để “tư vấn thẩm mỹ”, giới thiệu dịch vụ làm đẹp đủ các kiểu. Mới đầu
cũng ngạc nhiên: Ủa, hoàn toàn xa lạ sao tụi nó biết mình… xấu mà biểu mình đi
làm đẹp cà? Nhưng nhiều cuộc gọi quá rồi cũng hiểu ra, rằng các công ty viễn
thông Việt Nam đã bán số điện thoại của tui cho bầy cò. Chúng tha hồ gọi làm
phiền bất cứ lúc nào. Chỉ có các công ty viễn thông như Vinaphone hoặc Viettel
mới biết thông tin tên tuổi, giới tính khách hàng, chứ bầy cò đâu bao giờ gọi
điện thoại cho… ba tui để tư vấn sửa sắc đẹp đâu nà.
– Cò PR quảng cáo trên báo chí. Đây là đám phóng viên
hoặc lực lượng người đẹp chân dài do cơ quan báo chí tuyển dụng. Các người đẹp
này cầm thẻ phóng viên nhưng không biết viết một cái tin nào. Các cô chỉ trình
thẻ phóng viên để được vào gặp giám đốc, bẹo hình bẹo dạng, rồi móc ra tờ hợp đồng
quảng cáo: Anh ký hợp đồng quảng cáo trên báo của em đi… Công việc nặng nhọc vất
vả này gọi là làm “kinh tế báo chí”. Dĩ nhiên, cò cũng được ăn hoa hồng trên phần
trăm giá trị hợp đồng quảng cáo.
– Cò chạy trường, chạy điểm, chạy bằng cấp, cò viết luận
án.
– Cò chạy việc chạy chức, tức là chạy hợp đồng lao động
vào cơ quan nhà nước; cò chạy hồ sơ xuất khẩu lao động; cò chạy “quy hoạch” cán
bộ lãnh đạo (nói trắng ra là chạy chức chạy quyền).
– Cò visa du lịch, du học; cò kết hôn giả đi định cư nước
ngoài. Một người cần đi nước ngoài (du học, du lịch, lao động…) sẽ có cò là
các công ty dịch vụ lo hết mọi thủ tục. Thậm chí nếu bạn không có đồng bạc hoặc
thứ tài sản nào để cam kết về mặt tài chính, cò cấp luôn cho bạn một bảng xác
nhận tài khoản ngân hàng, từ vài trăm triệu tới vài mươi tỷ đồng, đủ để làm thủ
tục du học, du lịch. Tất nhiên đó là tài khoản ảo, do cò visa “đạp chân” với cò
ngân hàng làm giả, và bạn phải trả tiền “cò” cho dịch vụ đó (“đạp chân” là tiếng
lóng thời đại, có nghĩa hai bên móc ngoặc nhau để thực hiện phi vụ ăn chia).
– Tài xế chạy xe khách ghé quán cơm hoặc shop bán hàng lưu
niệm, đưa khách đến hotel, điểm tham quan nào cũng ăn tiền cò nơi đó. Cò này vặt
vãnh, gọi là cò con vậy.
– Cò đứng bến dắt khách cho xe nào thì chủ xe phải trả tiền
cò. Cò này cũng là loại cò con linh tinh lang tang, kiếm ba đồng ba cắc đủ để
lai rai ba xị đế.
– Cao cấp và tàn nhẫn nhất là cò chạy án, cò chạy
nhà tù. Khi ra tòa, luật sư bên nguyên và bên bị “đạp chân” với thẩm
phán để chạy án. Bên nào chi tiền cò nhiều hơn thì bên đó thắng. Bởi vậy nhiều
thân chủ phẫn nộ khi luật sư ra tòa không cãi một tiếng, dù đã nhận tiền hợp đồng.
Cãi làm gì cho mệt khi luật sư thừa biết bên kia chi tiền nhiều hơn và họ chắc
chắn thắng “bên mình” rồi. Thậm chí có trường hợp chính tay luật sư còn ăn tiền
cả hai bên tranh tụng: Nhận tiền hợp đồng một bên, đồng thời nhận tiền bên kia
để không cãi hoặc cãi như thế nào để cho thân chủ của mình… bị thua kiện.
Khi một người chịu án tù, sẽ có cò liên lạc với gia đình.
Tôi biết một người do sai phạm trong hoạt động ngân hàng mà phải chịu án tù và
gia đình tù nhân đã chi tiền cò để anh ta được ở nhà ăn Tết, qua Tết mới phải
vào trại giam thụ án; lại được ở trại tù gần nhà, dễ thăm nuôi. Cò nhà tù chỉ
làm ăn trong các vụ án kinh tế.
Còn nhiều nữa nhưng kể vậy chắc cũng đủ để chứng minh rằng
cò xứng đáng là biểu tượng quốc gia của Việt Nam chế độ XHCN. Nói chung là nhờ
môi trường Việt Nam ngày càng “trong sạch” nên ngày càng nảy nòi ra nhiều chủng
loại cò. Chúng nhan nhản khắp nơi. Ở một đất nước mà công an, thẩm phán cũng
làm cò thì lĩnh vực nào mà chẳng có cò! Bọn cò béo nhất, ăn bạo nhất, tàn nhẫn
nhất, là bọn cò treo trước ngực cái thẻ đảng.
Thạch Thảo