Bạn tôi, phần lớn, đều là lính ráo. Chúng tôi không
chỉ có chung những năm cầm súng, và một quãng đời tù mà còn chia
chung rất nhiều … cố tật! Hễ gặp nhau là uống, và câu chuyện trên
bàn rượu trước sau gì rồi cũng xoay quanh kỷ niệm về đám chiến hữu
hồi còn chinh chiến: những thằng đã chết, những đứa đang vất vưởng
ở quê nhà, hay lưu lạc (đâu đó) nơi đất lạ xứ người.
Thỉnh thoảng, khi (quá) vui, chúng tôi cũng hay mang những vị thượng cấp cũ ra làm đề tài giễu cợt. Hai ông huynh trưởng thường bị nhắc tới để cười chơi là Trần Hoài Thư, và Phan Nhật Nam. Lý do: cả hai vị vẫn nhất định chưa chịu giải ngũ, dù cuộc chiến đã tàn tự lâu rồi!
Trung Úy Trần Hoài Thư vẫn thản nhiên đưa quân Qua
Sông Mùa Mận Chín. Đại Úy Phan Nhật Nam vẫn la hét um xùm qua máy
truyền tin (giữa Mùa Hè Đỏ Lửa) cứ như thể là cái mùa Hè năm 1972
đó vẫn còn kéo dài đến bây giờ, dù 50 năm đã lặng lẽ trôi, với cả
đống nước sông – nước suối, nước mưa, nước mắt… – đã ào ạt chẩy qua
cầu và qua cống.
Sau khi cạn mấy ly đầy, rồi đầy mấy ly cạn (và sau
màn trình diễn “một ngàn bài Bolero”) tôi hay xin “trân trọng tuyên bố
cùng toàn thể các chiến hữu các cấp” rằng :
- Ai
viết cái gì tôi cũng đọc tuốt luốt, trừ hai vị thẩm quyền
(nhí) này thì khỏi!
- Sao
vậy cà?
- Bởi
vì thơ với văn của hai ổng có nhiều câu mà “lỡ” đọc một là nó bị
kẹt luôn trong đầu, gỡ không ra, nên tui không dám đọc thêm nữa:
…
Không chỉ bi tráng, bi hùng, hay bi phẫn mà
(đôi khi) người lính miền Nam còn phải đối diện với lắm nỗi bi
thương:
“Tôi đi vào ngôi nhà đang âm ỉ cháy, những chiếc cột lớn
lỏng chỏng hỗn độn bốc khói xám… Một người đàn bà áo trắng quần đen tay ôm chiếc
lẵng mây trước ngực ngồi im trên nền gạch đôi mắt nhìn thẳng ngơ ngác. Thấy
chúng tôi đi vào chị ta đứng dậy, đứng thẳng người như pho tượng, như thân cây
chết với đôi mắt không cảm giác. Thằng bé theo tôi cùng cùng tên hiệu thính
viên lẻn ngay vào bếp kiếm thức ăn. Tôi đi đến trước chị đàn bà…
– Làm gì chị ngồi đây, không biết đang đánh nhau sao?
Im lặng, đôi mắt ngơ ngác lóe lên tia nhìn sợ hãi. Bỗng
nhiên chị ta đưa thẳng chiếc lẵng mây vào mặt tôi, động tác nhanh và gọn như một
người tập thể dục. Sau thoáng ngạc nhiên tôi đưa tay đón lấy… Hai bộ áo quần,
chiếc khăn trùm đầu, gói giấy nhỏ buộc chặt bằng dây cao su. Mở gói, hai sợi
giây chuyền vàng, một đôi bông tai.
– Của chị đây hả? – Vẫn im lặng. Nỗi im lặng ngột ngạt, lạ
lùng.
– Con mẹ này điên rồi thiếu uý, chắc sợ quá hóa điên…
Tên lính xua tay đuổi người đàn bà đi chỗ khác. Lạnh
lùng, chị ta xoay người bước đi như xác chết nhập tràng.
– Chị kia quay lại đây tôi trả cái này… Tôi nói vọng
theo.
Người đàn bà xoay lại, cũng với những bước chân im lặng,
trở về đứng trước mặt tôi nhưng đôi mắt bây giờ vỡ bùng sợ hãi, vẻ hốt hỏang thảm
hại làm răn rúm khuôn mặt và run đôi môi… Chị ta còn trẻ lắm, khỏang trên dưới
hai bảy, hai tám tuổi, da trắng mát tự nhiên, một ít tóc xõa xuống trán làm nét
mặt thêm thanh tú.
Tôi đưa trả chiếc lẵng mây, chị đàn bà đưa tay đón lấy,
cánh tay run rẩy như tiếng khóc bị dồn xuống. Chiếc lẳng rơi xuống đất, hai
cánh tay buông xuôi mệt nhọc song song thân người. Dòng nước mắt chảy dài trên
má. Tôi hươi mũi súng trước mặt chị ta:
– Ngồi đây! Tôi chỉ nòng súng vào bực tam cấp. Khi nào tụi
tôi đi thì chị đi theo… Tại sao khóc, nhặt vàng lên đi chứ… Im lặng, chỉ
có nỗi im lặng kỳ quái, thân thể người đàn bà cứ run lên bần bật, nước mắt ràn
rụa… Từ từ chị đưa bàn tay lên hàng nút áo trước ngực…
Không! Không thể như thế được, tôi muốn nắm bàn tay kia để
ngăn những ngón tay run rẩy đang mở dần những hàng nút bóp để phơi dưới nắng một
phần ngực trắng hồng! Không phải như thế chị ơi… Người đàn bà đã hiểu lầm tôi…
Chị ta không hiểu được lời nói của tôi, một người Việt
Nam ở cùng trên một mảnh đất. Chị ta tưởng tôi thèm muốn thân xác và đòi hiếp
dâm! Tội nghiệp cho tôi biết bao nhiêu, một tên sĩ quan hai mươi mốt tuổi làm
sao có thể biết đời sống đầy máu lửa và đớn đau tủi hổ đến ngần này.
Tôi đi lính chỉ với một ý nghĩ: Đi cho cùng quê hương và
chấm dứt chiến tranh bằng cách góp mặt. Thê thảm biết bao nhiêu cho tôi với ngộ
nhận tủi hổ này…” (Phan Nhật Nam. Dấu
Binh Lửa. Sài Gòn: Hiện Đại, 1969).
Ở thời điểm này, có lẽ, Phan Nhật Nam không hề biết
rằng “sự ngộ nhận đớn đau tủi hổ” của dân chúng với những người
lính miền Nam chả phải là “ngẫu nhiên” đâu. Nó đã được đối phương
chuẩn bị rất kỹ, và tuyên truyền rất công phu – theo như nhận xét
(gần đây) của giáo sư Nguyễn
Văn Tuấn:
“Ngày xưa ở miền Bắc VN, tôi đoán người ta tuyên truyền
nói xấu về chế độ miền Nam VN dữ lắm. Bộ máy tuyên truyền ngoài đó đã thành
công gieo được vào đầu óc của người dân thường rằng chế độ Mĩ Nguỵ rất ác ôn;
lính Nguỵ chỉ đánh thuê, rất ác ôn đến nỗi họ ăn gan uống máu người…”
Và đây cũng chả phải chỉ là chuyện “ngày xưa ở
miền Bắc” đâu. Sau khi thắng cuộc “bộ máy tuyên truyền” vẫn tiếp tục
bôi bẩn và xỉ nhục những người lính miền Nam, như thể họ vẫn còn
là những kẻ thù ác độc và nguy hiểm.
Rảnh, thử xem qua vài đoạn trong một truyện ngắn (“Chuyện Vui
Điện Ảnh”) của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Bà viết viết về “tai nạn
nghề nghiệp” xẩy đến cho một tài tử nghiệp dư, chỉ vì lỡ thủ vai
một thằng lính miền Nam:
“Chú Sa diễn vai thiếu úy Cón (nghe cái tên thôi cũng thấy
ghét rồi), một tên ác ôn giết vợ, hãm hại vợ người, tàn sát trẻ nít, huênh
hoang phá xóm phá làng, sau chết vì bị chó điên cắn…
Khi chú mặc bộ đồ rằn ri vô mình rồi, ông đạo diễn không
chê vào đâu được. Long Xưởng hô máy một cái là nét mặt chú Sa lạnh như người chết,
con mắt trắng dã, lừ đừ, nụ cười bí hiểm. Lúc quay cận cảnh khuôn mặt chú còn
ghê nữa, da sần sùi, u uẩn như da cóc, tay chân đầy lông lá, cái răng cửa gãy
chìa ra một nụ cười chết chóc với lỗ trống sâu hun hút.
Hồi đầu mọi người còn khen chú mặc bộ đồ mắc toi đó coi
oai thiệt, nhưng rồi sau đó nín bằn bặt, người ta quên chú Sa ở hẻm Cựa Gà đi,
chỉ còn lại thằng Cón ác ôn. Thằng Cón cưỡng hiếp vợ một cán bộ Đảng mình đang
mang thai.
Tới chừng biết đứa bé kia không phải con mình, hắn xé đứa
nhỏ làm hai ngay trên giường đẻ, trước mặt người mẹ, cầm bằng đã giết chị ta.
Phim bạo liệt, trần trụi. Thằng Cón chết, nó cũng không chết bình thường như
người ta, nó chết trong dằn vặt.
Cái mặt lạnh tanh gớm ghiếc của nó co giật méo xệch, bọt
mép sùi sụt. Nó cắn vô mấy thằng lính đứng quanh nó. Điên dại tới lúc bị bắn chết.
Mọi người theo dõi thằng Cón chết, vừa hể hả vừa ghê tởm…
Chú Sa vẫn tiếp tục đi về trên con hẻm hẹp te mà nghe trống
vắng thênh thang. Tụi con nít nghe tiếng xe đạp chú tè tè lọc cọc thì chắc mẩm
đứa nào đứa nấy mặt xanh mặt tím chạy vô nhà trốn. Tụi nó hỏi nhau: ‘ổng đi
chưa?’, cũng tại má tụi nó nhát hoài, lì lợm, không ăn cơm là bị chú Sa ăn thịt.
Rõ ràng là ấn tượng về thằng thiếu úy Cón mạnh mẽ quá sức tưởng tượng, rõ ràng
là người ta bị giật mình bởi tội ác.
Bà con ngại ngần ác cảm giạt xa chú … Chú Sa thấy đây
đúng là một tai nạn … “
Cái “tai nạn” riêng của Chú sa chỉ xẩy ra trong phạm
vi của một con hẻm nhỏ và sẽ không kéo dài lâu. Còn hàng triệu
thằng lính miền Nam thật – cùng vợ con, thân nhân của chúng –
không chỉ phải chịu đựng sự “ngại ngần ác cảm” của đám đông mà còn bị
Nhà Nước Cách Mạng kỳ thị (và miệt thị) không biết đến bao giờ!
Thời gian, may thay, đã không đứng về phe thắng cuộc,
và đã dần hé mở dần chân dung của những người lính miền Nam:
Tưởng Năng Tiến