Mới đó, Ba lìa đời đã bốn năm. Hai đứa con út của Ba, nay đã
“già” hơn Ba, thuở Ba đi tù cải tạo năm 1975. Giờ đây, mỗi khi bầy con quây quần
kể chuyện, nhắc đến Ba ngày xưa, như nhắc một ông cụ, dẫu lúc đó, Ba chưa bước
hẳn vào tuổi tri thiên mệnh.
Cùng Mạ, Ba đã cho bầy con của Ba Mạ tuổi ấu thơ tươi đẹp với biết bao kỷ niệm êm đềm. Với tấm lòng yêu thiên nhiên, Ba tập các con của Ba thích cây cảnh hoa lá. Trong vườn nhà, các con được ngắm những hoa ngọc lan, hoa trà my, hoa trúc đào... được nghe tiếng chim sáo, chim khướu, chim chích chòe hót, được nhìn lũ cá kiểng tung tăng bơi lội. Đặc biệt nhất là những tổ ong Ba nuôi trong vườn. Ba sắm bộ đồ nghề khi “làm việc” với ong. Đó là chiếc mũ che kín đầu, có khăn lưới phủ mặt, tránh bị ong chích. Ống hun khói hơi giống phong cầm, khi kéo ra đẩy vào, làn khói sẽ tràn qua ống giống cái phễu. Hồi đó, nhà nấu chè dùng mật ong, pha nước chanh cũng mật ong. Bạn bè của các con còn nhớ được ăn mật ong còn nguyên trong tổ sáp. Sau này, gần nửa thế kỷ đã qua, mỗi khi con cái hỏi chuyện nuôi ong, Ba có thể kể rành mạch về sinh hoạt trong “xã hội” ong, về chức năng của bầy ong thợ, ong đực, ong chúa.
Tuy là công chức rất bận bịu với việc làm ở văn phòng, Ba vẫn
luôn cùng Mạ vun quén cuộc sống mái ấm gia đình. Lúc hai đứa út song sanh còn
nhỏ, Ba vẫn dành thì giờ chăm sóc, thay tã, tắm táp cho hai con, mặc dầu nhà có
người phụ giúp. Buổi chiều, sau giờ làm việc, Ba thường chở bầy con nhỏ đi chơi
lòng vòng, ghé hàng quán mua cho con chút bánh, chút kẹo.
Ba rất khéo tay, chế tạo nhiều vật dụng trong nhà cho gia
đình cùng hưởng. Ba đóng tủ chạn, “gác măng giê” trong nhà bếp. Ba lắp ráp máy
xay đậu nành. Ba làm ông già Nô-En to cao như người thật để trưng bày ở tiệm
sách vào mùa Giáng Sinh.
Ba về nhà sau gần 10 năm trong trại cải tạo. Các con của Ba
đã sang Đức. Trong thời gian chờ đợi gia đình đoàn tụ, Ba đều đặn thư từ. Trong
thư, Ba kể chuyện: “Nhớ năm xưa, 30 Tết, gia đình mình quây quần bên nhau trước
thùng bánh tét. Mấy đứa hồi đó còn nhỏ xíu à! Bây chừ, tụi bây lớn quá chừng chừng
rồi phải không? Riêng trong Ba, cứ thấy tụi con chưa lớn, mặc dù Ba Mạ đã có
cháu nội rồi.”
Sang Đức, Ba đang dần bước vào tuổi cổ lai hy. Ba ham mê làm
vườn nhưng vẫn liên tục nâng cao tay nghề thủ công của Ba. Ba đã phục chế, thiết
kế lại các ghế ngồi của các cháu, đã sửa, may lại áo quần cho các con. Bầy con
cháu đã bao lần thán phục những “phát minh, sáng chế” của Ba, của ông. Ba tặng
cho mỗi gia đình các con một “cuốn sách ướt” để nhúng bánh tráng khi ăn gỏi cuốn
thật tiện dụng.
Là người có đầu óc cấp tiến, Ba đã cho các con được thấy, được
cảm nhận những điều mới lạ trong cuộc sống. Đồng thời Ba vẫn trân trọng những
giá trị truyền thống. Ba thường tâm niệm thuật xử thế theo câu đối:
1. Tồn tâm, tế thế: thanh cao thuật.
Giữ lòng, giúp đời: thanh cao mưu lược.
Mưu lược thanh cao ấy là giữ lòng (trong sạch), giúp đời.
2. Khắc kế, lưu vi: phúc đức gia.
Nhớ kế, giữ việc: phúc đức nhà
Nhà có phúc đức ấy là nhà biết ghi nhớ mưu lược (của câu 1),
giữ lại cho đời sau hành vi (của câu 1) tức là biết giữ lòng trong sạch và giúp
đời.
Ngày xưa, Ba dìu dắt bầy con, nhắc nhở con chăm lo việc học
hành. Ngày nay, ông cũng đưa đón cháu nhỏ đi vườn trẻ, trường học. Năm nọ, nghe
bầy cháu nhỏ sắp sửa nghỉ hè, ông đã viết thư, dặn dò các cháu ngoan ngoãn,
chăm học. Ông gói ghém chút quà cho các cháu vui trong mùa nghỉ hè. Dẫu lúc ấy,
tay Ba đã yếu nhiều, Ba vẫn nắn nót viết cho trọn lá thư gởi cho mấy
cháu.
Ngày tết, chạnh nhớ quê hương, Ba ngâm nga mấy vần thơ:
Sống ở trời Âu, gặp Tết Tây,
Nêu cao pháo nổ, vắng nơi nầy,
Ngoài hiên phủ tuyết, lòng nghe lạnh,
Sưởi ấm trong phòng, dạ chẳng khuây!
Qua phút bâng khuâng, Ba rộn ràng chuẩn bị mùa tết lễ đón
con cháu sum vầy. Bầy con cháu đã cùng Ba, ông Nội/Ngoại đón xuân trong tình
thương ấm áp. Bạn bè con cháu đến chơi, Ba hòa đồng, góp mặt vào những cuộc
vui, góp lời vào những câu chuyện kể ngày xưa ở quê nhà.
Lúc bước sang tuổi 80, Ba vẫn theo kịp bước tiến kỹ thuật.
Ba liên lạc với họ hàng, bạn bè, đồng sự qua emails. Ba vào internet tìm
thông tin, theo dõi thời sự, tin tức tiếng Việt. Ba tự làm lịch uống thuốc cho
Ba: tên loại thuốc, trị bệnh, liều lượng, tựa như chương trình excel của
dân kế toán chuyên nghiệp.
Khi Mạ không còn nữa, Ba thỉnh thoảng vào bếp lui cui “bào
chế” xôi ngọt, bánh ít lá gai, đãi con cháu. Đấy là những món ngọt, thuở sinh
tiền Mạ hay làm, vì các con cháu rất ưa thích.
Một ngày sau sinh nhật thứ 90 của Ba, Ba trải qua cuộc giải
phẫu quan trọng. Các con vô cùng lo lắng. Bịnh nhân ở độ tuổi cao, trí nhớ có
thể bị sa sút trầm trọng do ảnh hưởng của thuốc gây mê, hoặc kinh khủng hơn, bịnh
nhân không tỉnh lại. Vậy mà, hai tuần lễ sau đó, tuy giọng còn yếu, hơi thở ngắn,
Ba đọc cho các con nghe vài câu thơ trong Chinh Phụ Ngâm và Truyện
Kiều.
Dẫu biết sinh, lão, bệnh, tử là lẽ tự nhiên của tạo hóa,
lòng chúng con vẫn thương tiếc vô vàn khi Ba, gần 91 tuổi, vĩnh viễn ra đi. Nhớ
lời Ba, lời Mạ nhắn nhủ, chúng con đùm bọc, che chở nhau, sống với nhau trong
tình thương yêu chan hòa. Ba yên nghỉ chốn an lạc với Mệ Nội, với Mạ nghe Ba.
Thương nhớ Ba lắm, Ba ơi.
Tổ Chức Thực Phẩm và Nông Nghiệp Thế Giới (FAO) chọn
ngày 20/5 hàng năm là Ngày Ong Mật Thế Giới (World Bee Day). Chúng
con luôn nhớ đến những mật ngọt Ba mang lại cho chúng con. Không chỉ những hũ mật
thật của những tổ ong Ba nuôi trong vườn, mà còn
là những hũ mật tinh thần, những yêu thương chăm sóc của Ba
cho gia đình, luôn ngọt ngào trong tâm tưởng chúng con trên đường đời.
Hoàng Quân