Gia đình chị Bông đến Mỹ định cư được hai tuần, ở nhờ trong
nhà người em trai chị Bông. Vợ chồng em thay phiên nhau chở gia đình chị Bông
đi làm các giấy tờ cần thiết và lãnh tiền trợ cấp tị nạn. Ngồi trong xe thấy em
lái xe chạy vù vù lúc thì sang làn trái khi thì sang làn phải chen vào
dòng xe cộ nườm nượp mà chị Bông chóng cả mặt, chị Bông ngao ngán nói riêng với
chồng:
– Chắc em không thể nào lái xe hơi được đâu, chúng ta sẽ
mua một chiếc xe gắn máy hai bánh như ở Việt Nam, anh chở em đi làm đi chợ cho
chắc ăn. Chỗ nào gần em sẽ đi bộ cho anh đỡ phải chở.
Nghe vợ than thở anh Bông cũng nao núng, chị Bông dụ dỗ tiếp:
– Với lại đi xe gắn máy… đỡ tốn xăng.
Sau hai tuần em trai nói với vợ chồng chị Bông:
– Mọi thứ giấy tờ xong xuôi rồi, anh chị chuẩn bị học
lái xe, vợ chồng em sẽ thay phiên nhau ai rảnh thì sẽ tập cho anh chị.
Vợ chồng chị Bông nhìn nhau không nói nên lời. Chị Bông rụt
rè ái ngại:
– Em cho chị suy nghĩ rồi mới quyết định được không?
Em dâu thắc mắc:
– Anh chị còn suy nghĩ gì nữa? Biết lái xe càng sớm
càng tốt.
Em trai sốt sắng:
– Anh chị ngại chưa có xe chứ gì, cứ yên tâm tập bằng
xe chúng em. Sau khi tập lái xe khá rồi em sẽ đưa anh chị đi mua xe.
Chị Bông đành khai:
– Thật ra là… là… anh chị đã bàn nhau sẽ mua… một cái
xe gắn máy để đi lại cho tiện, anh chị quen lái xe hai bánh mấy chục năm nay,
không dám lái xe hơi kềnh càng sợ gây tai nạn thì khổ mình và khổ người ta.
Hai vợ chồng em trai cùng giải thích xe hơi là “cái chân” của
mọi người ở Mỹ, những xe mô-tô hai bánh người ta chạy chơi thôi. Thời tiết bốn
mùa mưa nắng gió lạnh tuyết rơi ai mà đi xe gắn máy như ở Việt Nam cho được.
Nghe em giải thích chị Bông thấy mình nhà quê quá. Nhớ
hôm xuất cảnh từ Việt Nam sang Mỹ, lần ghé phi trường Nhật Bản chờ chuyến bay
chuyển tiếp hai con chị Bông mua hai chai nước ngọt trong máy, chị đã dặn dò
hai con uống xong nhớ giữ lại chai không, cho mẹ mang sang Mỹ đựng dầu, dấm hay
nước mắm, đỡ tốn tiền mua sắm đồng nào hay đồng ấy. Khi vợ chồng người em ra
đón ở phi trường San Antonio Texas việc đầu tiên là em đã vứt mấy cái chai
không mà chị Bông cầm lỉnh kỉnh trên tay cho vào thùng rác rồi mới giải thích
sau.
Thế là anh chị Bông đều học lái xe hơi. Chị Bông thật vất vả
với xe, hình như cái làn đường nào cũng chật hẹp, lái xe mà như con lăng quăng
bơi ưỡn ẹo trong nước, xe cứ liên tục cán làn bên phải rồi sang làn bên trái.
Thi bằng viết thì chỉ cần học thuộc lòng là đậu rồi. Thi lái xe với ông bà
“giám khảo” ngồi bên cạnh mới là khó. Chị Bông luôn căng thẳng ghi nhớ chân thắng
và chân ga chỉ sợ đạp lộn. Người em kể vài vụ thí sinh thi bằng lái đã đạp lộn
chân ga thay vì chân thắng gây ra tai nạn chết người.
Sau hai lần thi rớt may quá chưa quá tam ba bận chị Bông
cũng đã đậu bằng lái xe như anh Bông đã đậu, hai vợ chồng đều phấn khởi lên tinh
thần. Có lần ngồi xe với người em trên highway anh chị Bông thấy hai chàng Mỹ
chở nhau trên cái xe motorcycle to kềnh chạy bạt mạng như ma đuổi mà hết hồn và
biết rằng lái xe hơi bốn bánh coi vậy mà dễ hơn, an toàn hơn xe hai bánh kiểu
này.
Em trai đọc báo tìm mua cho anh chị Bông mua một chiếc xe
hơi cũ hiệu Honda Civic giá 1,700 đồng đã chạy hơn một trăm ngàn mile mà xe Nhật
thì rất bền có thể đi tới hai trăm ngàn mile. Cái xe là cả gia tài của anh chị
Bông. Đêm đầu tiên mang xe về nhà, xe đậu ngoài sân vì trong garage đã có hai
xe của vợ chồng người em, chị Bông đi ngủ mà lòng thấp thỏm lo âu, chị thì thầm
dặn dò chồng:
– Em sợ mất
xe quá. Thỉnh thoảng anh có tỉnh giấc thì ra ngoài sân bật đèn lên để nếu có kẻ
cắp rình mò chúng sẽ không dám.
Canh được mấy
ngày thấy không có dấu hiệu kẻ gian rình mò trộm cắp anh chị Bông mới ngủ yên
giấc. Nước Mỹ đáng yêu thật, cả một đống của cải của vợ chồng chị để khơi khơi
ngoài sân mà không hề mất mát hay sứt mẻ gì.
Anh chị Bông khi
xưa ở Việt Nam đã từng yêu thích nước Mỹ nay thêm ngưỡng mộ nước Mỹ từ điều thực
tế nhỏ nhặt này và từng ngày thích thú với cuộc sống ở Mỹ. Hai vợ chồng muốn
khoe nước Mỹ nhân thể khoe luôn chiếc xe hơi mới tậu với mấy đứa em ở Việt Nam.
Hai vợ chồng diện quần áo đẹp đứng bên chiếc xe để chụp hình, chụp trước cửa
nhà em trai vài kiểu xong chị Bông lại thay váy áo khác và khoác chiếc áo lông
xù lên vai cho sang dù trời đang mùa hè 90 mấy độ. Rồi lái xe ra phố chọn ngoại
cảnh mấy tòa nhà cao tầng sang trọng đẹp đẽ có lá cờ Mỹ đang tung bay
trong gió để làm nền chụp thêm mấy hình nữa. Chị Bông chọn vài hình ưng ý nhất
gởi về cho các em. Cô em dâu út người miền Nam chân chất thật thà chịu tốn tiền
gọi điện thoại sang khen:
– Chị Bông
ơi, hình ảnh đường phố Mỹ đẹp quá, chị mặc nhiều đồ sang trọng bên chiếc xe hơi
cũng sang trọng quá, em mang ra khoe bà bún riêu coi bà khen nức nở, không ngờ
mới sang Mỹ mà anh chị đã lên đời.
– Bà bún
riêu gánh hàng rong hay đi qua nhà mình mỗi buổi trưa đó hả em?
– Thì bả đó.
Bà còn kể chị vẫn ăn bún riêu mỗi ngày một tô, hôm nào hàng bà ế chuyến chót về
ngang nhà chị ăn ủng hộ thêm tô nữa cho sạch nồi. Bà bún riêu than là giờ đây
chị Bông ở Mỹ chắc gì nhớ tới món bún riêu rẻ tiền của bà.
Bà bún riêu và em
dâu có đi xe hơi bao giờ đâu mà biết chiếc xe của chị Bông là xe đời cũ chẳng
biết đã qua mấy đời chủ mới đến tay vợ chồng chị, những váy áo chị Bông mặc chụp
hình mà em dâu khen sang đẹp toàn là đồ cũ xin ở các hội từ thiện chị chất đầy
trong tủ áo và món bún riêu thì chị Bông vẫn thèm ăn đời nào quên được mùi riêu
cua, mùi rau kinh giới, tía tô…
Để kiếm thêm tiền
trong thời gian ăn tiền trợ cấp chị Bông xin vào làm việc vặt part-time trong một
nhà hàng Tàu với điều kiện trả tiền mặt. Chị ngồi nhặt rau chưa xong thì thấy rổ
cà rốt to lù lù đợi sẵn bên cạnh, gọt vỏ cà rốt chưa xong đã biết trước nhiệm vụ
sẽ đứng cuốn hàng mấy trăm cái chả giò, không giây phút nào hở tay, chủ nhà
hàng bóc lột tận tình, không uổng phí họ đã trả cho chị 4 đô la một giờ.
Làm việc cực nhọc
nhưng anh chị Bông không bao giờ bỏ buổi học ESL nào, vui thích là khác vì ở đó
anh chị gặp những đồng hương Việt Nam mới qua Mỹ như mình cùng hoàn cảnh nên dễ
thân dễ gần.
Một hôm chị Bông
long trọng tuyên bố với chồng:
– Bao giờ ăn
hết tiền trợ cấp chúng ta sẽ đi… đánh cá ở Alaska.
Anh Bông ngạc
nhiên hỏi lại:
– Chúng ta
là anh và em hả? Sẽ đi đánh cá Alaska hả? Cái tiểu bang lạnh lẽo xa xôi mãi tận…
đâu đâu ấy hả?
Chị Bông hớn hở:
– Đúng thế.
Chị Tư vợ anh Hùng học cùng lớp ESL với chúng mình kể anh Hùng có thằng cháu
đang làm cá trên tàu ở Alaska, có thể anh Hùng sẽ đi làm cá với nó. Nghe đồn là
mỗi tháng kiếm sáu ngàn đô la, làm theo mùa, sáu tháng làm sáu tháng nghỉ đông
lên bờ ăn tiền thất nghiệp. Sướng chưa?
Anh Bông chưa kịp
trả lời gì chị Bông hào hứng thêm:
– Hai vợ chồng
cùng làm chẳng mấy chốc chúng ta sẽ giàu có. Chúng ta sẽ lênh đênh trên tàu 6
tháng trời vừa làm việc vừa tha hồ ngắm biển xanh khi nắng lên chiều xuống và
ngắm trăng sao khi đêm về. Coi như chúng ta sẽ có những chuyến hải hành tuyệt vời.
– Trời,
em nghĩ đâu ra cảnh đi làm cá trên tàu thơ mộng vậy? Ai trả cho em sáu ngàn đô
la một tháng để em ngắm biển và trăng sao?
Chợt anh Bông reo
lên:
– Anh cũng
nghe đồn là chợ trời dễ kiếm sống và là nơi khởi nghiệp của những người mới đến
Mỹ như chúng mình, đã có những triệu phú người Việt xuất thân từ chợ trời đó
em, là một anh bán đồng hồ cũ hay một chị an phận bày bán mấy lọ nước hoa vớ vẩn
mà nên cơ nghiệp lẫy lừng. Hay là em ra chợ trời chiên chả giò bán, biết đâu sẽ
thành… triệu phú, thành “Nữ Hoàng… chả giò”.
Chị Bông sung sướng
về hùa với chồng:
– Quả thật đất
Mỹ nhiều cơ hội làm giàu quá em hoa cả mắt không biết nên chọn cái nào đây?
Hôm sau đến lớp
ESL anh Bông lân la trò chuyện với anh Hùng để tìm hiểu thêm về vụ đi biển
Alaska đánh cá vì anh chưa tin câu chuyện giữa hai người đàn bà. Anh Hùng nói
công việc đánh cá này cần đàn ông thanh niên khỏe mạnh, làm việc bất kể ngày
đêm, chịu đựng giá lạnh và làm việc quần quật trên tàu. Cỡ chị Bông lên tàu một
cơn sóng to gió lớn là phải đi cấp cứu rồi. Còn lương sáu ngàn đô một tháng anh
Hùng không bảo đảm vì chưa kiểm chứng được.
Giấc mộng làm
giàu Alaska không thành, giấc mộng chợ trời, con đường từ cơ hàn đến vinh quang
cũng xẹp theo, vợ chồng chị Bông trở về thực tế không đi tìm việc lương cao kiểu
nghe đồn nữa. Hai vợ chồng cùng xin vào trường Votech học nghề, chị Bông học lớp
Nursing Assistant anh Bông học nghề plumbing.
Nghề Nurse aide của
chị Bông tìm việc trong các nursing home dễ dàng, chị chăm sóc những
ông già bà cả trong đấy. Anh Bông thì xin được việc làm trong khách sạn sửa chữa
ống nước. Thế là hai vợ chồng đều có công ăn việc làm đồng lương không cao
nhưng ổn định vững vàng.
*
Bao nhiêu năm ở Mỹ
chị Bông vẫn không quên những kỷ niệm ngu ngơ, những ước mơ đầy hào hứng của
mình khi mới đặt chân đến Mỹ. Đất nước này đã cho bao người những giấc mơ thành
sự thật nếu người ta biết cố gắng, sẵn sàng chịu đựng mọi khó khăn và chăm chỉ
làm việc.
Cám ơn nước Mỹ đã
cho gia đình chị Bông cơ hội sống và làm việc để có cuộc sống tốt đẹp như hôm
nay. Nước Mỹ thật đáng yêu.
Ngày nay nhiều lần
bạn bè người Việt ở Mỹ rủ chị Bông đi du lịch đó đây nào Âu Châu cảnh đẹp như
thơ, nào Á Châu với Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc để ngắm hoa đào, viếng cảnh
núi non hùng vĩ hay mấy xứ Ả Rập để… cưỡi lạc đà trên sa mạc, để thăm những
địa danh nổi tiếng.
Nước Mỹ có 50 tiểu
bang với biết bao cảnh lạ, mỗi tiểu bang mỗi phong cách đặc thù địa hình nhà cửa,
danh lam thắng cảnh khác nhau. Người khắp nơi trên thế giới còn đến Mỹ du lịch
thì chị Bông chẳng cần đi mãi nơi đâu, chị Bông yêu mến nước Mỹ, ước mơ đi du
ngoạn khắp nước Mỹ mà cả đời cũng không đi hết 50 tiểu bang thì chuyện đi du lịch
ngoài nước Mỹ chắc phải hẹn vài kiếp sau.
Nguyễn Thị Thanh Dương