Trong những trang sổ tay trước, tôi đã có dịp ghi lại
đôi điều về cuộc đời hoạt động của linh mục Nguyễn Văn Vàng (N.V.V)
và những ngày tháng cuối cùng của ngài nơi trại kiên giam A 20. Tuần
qua, có độc giả nêu câu hỏi: Cha Vàng đã “đột tử” ra sao trong trại
tù Xuân Phước, nơi đã từng được mệnh danh là Thung Lũng Chết?
Thực sự, người tù N.V.V không lìa đời một cách đột ngột. Cái chết của ông đã được nhà nước hiện hành “định sẵn,” ngay từ khi ông vừa bị bắt:
Khoảng tháng 8-1977, Mặt Trận Liên Tôn tức Mặt Trận Quốc
Gia Giải Phóng 2 do Linh-mục Nguyễn Văn Vàng lãnh đạo bị bể. Cha Vàng và người
em là Thiếu-tá Nguyễn Văn Viên cùng tất cả bộ phận đầu não và những người tham
gia tổ chức bị bắt gần 100 người. Thiếu-tá Nguyễn Văn Viên là một trong những
người Tiểu Đoàn Trưởng kỳ cựu của Lữ Đoàn Dù VNCH. Cha Vàng bị giam ở xà lim 25
khu C-1 và ông Viên giam ở xà lim 11 khu C-2 tại Phan Đăng Lưu.
Thời gian hỏi cung, Cha Vàng và ông Viên được đối xử
rất đặc biệt làm ngạc nhiên tất cả tù ở khu C-1 và C-2. Chúng tôi ăn tiêu chuẩn
mỗi ngày một khúc khoai mì buổi trưa và 1 chén cơm với nước muối vào buổi chiều,
thì Cha Vàng và ông Viên được một tô cơm với thịt hoặc cá và một trái chuối
tráng miệng, mỗi ngày trại trưởng đều xuống tận xà lim hỏi han sức khỏe…
Sự biệt đãi hai anh em Cha Vàng kéo dài hơn hai
tháng cho đến khi kết thúc hỏi cung. Vụ án ra tòa, ông Nguyễn Văn Viên bị tử
hình, Cha Vàng và ông Nguyễn Quốc Bảo, Ủy-viên Quân Sự của tổ chức bị kết án
chung thân, những người khác trong Bộ Tham Mưu lãnh án 20 năm. Những người
không ra tòa bị đưa đi tập trung cải tạo lao động.
Năm 1982, gặp Cha Vàng ở trại Xuân Phước, tôi hỏi Cha vì
sao Cha và ông Viên được “ưu đãi”, Cha Vàng giải thích đó là một thủ đoạn dụ
cung rẻ tiền của chấp pháp… (Nguyễn Chí Thiệp. Trại Kiên Giam. Los Angeles, CA: Sông Thu,
1992).
Thay vì bị tử hình như bào đệ Nguyễn Văn Viên, nhờ
vào chức danh tu sỹ và uy tín cá nhân đối với giáo dân nên linh mục
N.V.V chỉ bị kết án chung thân. Tuy thế, cái chết của ông thì đã
được Cục Quản Lý Trại Giam “sắp sẵn” rồi – theo lời của người bạn
chung tù (và cùng chung xà lim biệt giam) cho biết:
Tết Nguyên Ðán năm 1984, chúng tôi lại trải qua một cuộc
“xóa bài làm lại” trong khu biệt giam của Phân trại E thuộc A-20 Xuân Phước,
nghĩa là phải thay đổi chỗ ở sau một màn tất cả lần lượt “bị” lùa ra giếng nước
ngay bên cạnh ao thả cá rô phi sau khu biệt giam. Trời Tháng Giêng ở thung lũng
tử thần lạnh như có ai cầm dao cắt vào da, nhất là khi trời vào tiết Xuân, gió
hiu hiu làm lay động hàng dừa trong sân trại.
Cái lạnh thiên nhiên cộng với việc thiếu đường và
chất béo từ 9 năm qua khiến cho buổi sáng ngày 30 Tết Nguyên Ðán năm 1984 trở
thành buổi sáng không thể nào quên được trong đời. Chân tay anh em chúng tôi gần
như tê liệt. Linh Mục Nguyễn Văn Vàng đứng như trời trồng trước cửa biệt giam số
5 khi ngài được trật tự mở còng cho đi tắm và làm tổng vệ sinh buồng giam.
Một tu sĩ Công Giáo nhỏ con, lanh lẹ như một con sóc, nổi
tiếng hùng biện và can trường như ngài mà chỉ mới hơn 3 năm bị cùm trong xà
lim, thân xác không khác gì người tù Do Thái trong các trại tập trung của Ðức
Quốc Xã hồi Thế Chiến Thứ Hai.
Ngài uống hết rồi múc thêm một nửa ca nữa. Tôi hỏi ngài:
“Bố vẫn còn khát hả?” Ngài trả lời: “Uống phòng xa.” Ðộng từ “phòng xa” anh em
chúng tôi dùng để chỉ thời kỳ bị nhục hình bằng chính sách 2 muỗng cơm, hai muỗng
nước, hai muỗng muối khi chúng tôi bị nhận chìm vào cơn khát của những người đi
trong sa mạc nên mỗi khi bị gọi ra “làm việc” phải xin uống cho thật nhiều nước
trước lúc bị dẫn trở lại buồng giam rồi đái ra để uống cho đỡ khát. (Vũ
Ánh. Thung Lũng Tử Thần. Westminster,
CA: Người Việt Books, 2014).
Tôi cũng đã đi qua đôi ba nhà tù, và cũng có dịp
tìm biết qua sách báo/phim ảnh về nhiều loại trại giam ở khá nhiều
nơi nhưng chưa thấy nơi đâu (kể cả những trại tập trung của Đức Quốc
Xã) mà tù nhân phải uống nước thải để sinh tồn cả. Với “chính sách
2 muỗng cơm, hai muỗng nước, hai muỗng muối” mỗi ngày (và tình trạng
thường xuyên “bị nhận chìm vào cơn khát của những người đi trong sa mạc”) mà
tù nhân vẫn còn có thể sống sót thì mới là chuyện lạ.
Linh mục Nguyễn Văn Vàng lìa đời trong xà lim, tại Trại
Kiên Giam A20 vào tháng 4 năm 1985, qua lời tường thuật (và cảm thán)
của một người đồng cảnh – nhà báo Vũ Ánh:
“Cha Vàng lâm bệnh vào lúc sức khỏe của ngài đã quá yếu. Có
lẽ ngài đã kiệt sức, sốt cao rồi đi vào hôn mê. Tôi đập cửa kêu cấp cứu suốt
ngày, nhưng lúc tên trực trại chịu mở cửa để cho một y sĩ vào khám bệnh, thì mọi
việc có vẻ quá muộn…
Trước đó, dù yếu và bệnh, ngài đã bàn với tôi là làm sao có
được bánh thánh lúc ngài làm lễ nửa đêm trong Noel 1985 mà con chiên duy nhất
trước ngài lúc đó lại là một Phật tử như tôi. Nhưng mơ ước của Ngài không
thành, kể cả việc lớn trước đó là lập lực lượng võ trang để mong lật ngược lại
tình thế của một đất nước vừa chìm đắm trong luồng sóng đỏ.
Nhưng dù ngài đã mất đi, trong suy nghĩ của tôi cho đến bây
giờ, Linh Mục Nguyễn Văn Vàng vẫn là một ngọn lửa, âm thầm cháy như con cúi vải
ngày nào bỗng bùng lên soi sáng cái không gian tăm tối của tất cả những xà lim
đang hiện diện trên đất nước Việt Nam.”
Có bao nhiêu tu sỹ (Công Giáo, Phật Giáo, Cao Đài,
Hoà Hảo) và bao nhiêu người dân Việt Nam đã bị “giết nguội” trong nhà
giam một cách dã man và tàn độc như thế – gần thế kỷ qua – trong chế
độ hiện hành?
Trao đổi với với BBC, luật sư Phạm
Công Út, trưởng văn phòng luật Phạm Nghiêm phát biểu:
“Một khi kết quả giám định pháp y những vụ này không được
công khai và vẫn được xem là ‘bí mật nhà nước’ thì người dân càng hoang mang và
hoài nghi không biết chuyện gì sẽ xảy ra khi mình hoặc người thân được mời đến
đồn công an.”
Không có nhà nước nào tồn tại mãi, những “bí mật”
của mọi chế độ cũng thế. Rồi ra – chắc chắn – sẽ phải có những
phiên tòa “muộn” về những cái chết oan khuất và thảm khốc của linh
mục Nguyễn
Văn Vinh (1971), thượng tọa Thích
Thiện Minh (1978), linh mục NVV… Quá khứ cần phải được
thanh thỏa để hậu thế có thể an tâm sống với hiện tại, và tránh
bớt những lỗi lầm (cùng tội ác) cho mai sau.
Tưởng Năng Tiến