(Tiếp theo kỳ 3)
Kế hoạch thanh toán Phạm Huỳnh và Nguyễn Trần
Nàng xoay người, choàng cánh tay ôm ngang qua ngực chàng:
– Thế anh tên là gì nào?
– Anh tên là Huỳnh.
Nàng kêu lên:
– Huỳnh, Huỳnh, Phạm Huỳnh thi sĩ phải không?
– Nếu em muốn anh là thi sĩ, thì anh sẽ tập làm thơ, vì em
là nữ thần, em muốn biến anh thành thứ gì chẳng được.
Huỳnh âu yếm hôn lên mái tóc ướt đẫm của nàng. Bỗng Huỳnh ngạc nhiên thấy cánh
tay nàng ôm ngang ngực chàng tự nhiên siết chặt, run rẩy, nàng chống tay lên,
khuôn mặt đẹp của nàng cúi xuống sát mặt chàng, đôi mắt nàng mở to chứa đầy vẻ
kinh hoàng đau đớn, nàng la to một cách bất lực:
– Không, không, không phải tên anh là Huỳnh, anh không phải là Phạm Huỳnh, em
không muốn thế, không thể như thế được.
Huỳnh ngạc nhiên:
– Tại sao thế hở em? Tại sao em không muốn thế, cái tên anh có gì làm em phiền
muộn như vậy, nếu em không muốn anh sẽ bỏ quách cái tên đó ngay.
Nàng bật cười chỗi dậy, kéo tay Huỳnh dậy theo, cử chỉ vội
vàng hấp tấp, giọng nói của nàng như đứt hơi:
– Trốn đi anh, hãy trốn ngay lập tức, em van anh, ngay bây giờ, đừng chậm trễ,
nguy hiểm lắm anh ơi.
Huỳnh kéo nàng sát lại mình, quàng tay ôm đôi vai rung động
của nàng:
– Nào, nào, em hãy bình tĩnh xem nào, tại sao em sợ hãi, tại sao em bảo anh hãy
trốn chạy? Ở tù như anh để được gặp em như thế này anh tình nguyện ở tù mãi
mãi, anh tiếc không ở tù sớm hơn nữa đấy chứ, trốn chạy làm gì, ở ngoài kia anh
vô tích sự lắm em ạ.
Người con gái thổn thức, lắc đầu:
– Anh không thể biết được, em là em ruột của anh Châu, giám đốc trung tâm Tây Hạ,
chắc anh biết. Em làm việc ở ngoài tỉnh nhưng gần đây anh Châu em bị đau nên em
xin nghỉ một tháng vào đây săn sóc cho anh em. Anh Châu em bị sốt rét rừng nặng
lắm, em vào đây mới mấy ngày, em ở mé rừng bên kia, nơi khu nhà cán bộ. Cách
đây vài ngày anh Châu em lên cơn sốt nặng, có một cán bộ cao cấp ngoài tỉnh vào
gặp anh em có việc gấp, anh em phải gượng ngồi dậy trên giường để nói chuyện với
người cán bộ ấy. Em ở phòng bên cạnh ngăn bằng một tấm vách nứa nên câu chuyện
giữa người ấy và anh em, em đều nghe rõ. Người ấy nói với anh em: “Thượng cấp
phái tôi vào đây truyền khẩu lệnh cho đồng chí thi hành ngay kế hoạch thanh
toán hai tên Phạm Huỳnh và Nguyễn Trần trong vòng một tháng. Điều cần thiết là
phải hoàn tất kế hoạch cho cái chết của chúng nó gây ra hoàn toàn có tính cách
tai nạn, bởi vì hai thằng phản động đó rất có uy tín và cảm tình trong hàng ngũ
bộ đội, cán bộ của ta cũng như quần chúng ở ngoài. Nếu ta không khéo trong việc
này e có hậu quả không hay về sau.” Lúc đó em chưa biết anh và anh Trần nhưng
em đã từng nghe tiếng hai anh, có dịp nghe đọc thơ của hai anh trong những dịp
liên hoan của tỉnh, vì vậy cho nên khi nghe người ấy nói như vậy tự nhiên em hồi
hộp và chú ý vô cùng.
Huỳnh chăm chú theo dõi câu nói của nàng, chàng chợt rùng mình rất nhẹ, nét mặt
chàng tối hẳn lại, Huỳnh ghì thiếu nữ vào ngực cho bớt cóng lạnh, giọng chàng vẫn
điềm tĩnh.
– Rồi sao nữa em?
– Anh Châu em nói với người kia rằng: “Tôi cũng định bớt sốt sẽ ra tỉnh trình
bày với thượng cấp về việc này. Tôi đã biết ý định của thượng cấp nhưng trong
thời gian giam giữ họ ở đây, tôi nhận xét thấy họ biết tôn trọng kỷ luật, tỏ ra
có tư cách, được mọi người mến chuộng, không ngại khó trong những công tác của
trại, vả chăng họ là những người trẻ tuổi có thiên tài, tôi nghĩ không phải mỗi
lúc mà đất nước có thể nảy sinh ra những thiên tài như vậy. Thế cho nên tôi muốn
đề nghị với thượng cấp cho họ có thời gian để học tập thấm nhuần tư tưởng của
chúng ta, cần kiên trì giáo dục họ để khỏi thiệt thòi nhân tài của xứ sở ta
trong lúc này.
Ngoài ra tôi cũng biết rằng hai người đó không bao giờ phản
bội ta mà về với giặc…” Người cán bộ cắt ngang câu nói của anh Châu em, hắn ta
nói: “Thượng cấp đã nghĩ đến tất cả những điều đồng chí đã trình bày, vì vậy
thượng cấp cho tôi vào giải thích với đồng chí rằng thiên tài chỉ có ích khi phục
vụ cho Đảng và nhân dân, nếu thiên tài phản động thì nguy hiểm gấp ngàn lần những
kẻ theo giặc, bởi vì nó lũng đoạn tinh thần hàng ngũ của ta, phá hoại sự nghiệp
cách mạng của Đảng từ trong xương tủy. Vừa rồi Đảng bộ nhận được báo cáo của
cán bộ phụ trách học tập chính trị của trung tâm cho biết thằng Huỳnh vừa có
thái độ chống đối rõ rệt, nó tuyên bố tỉnh bơ là nó buồn ngủ trong khi mọi người
hoan hô chiến thắng Cao Bắc Lạng. Do đó thượng cấp ra lệnh tối hậu cho đồng chí
thi hành ngay kế hoạch đã định, khai thác bệnh đau tim của thằng Huỳnh, loại trừ
nó trước, rồi sẽ đến thằng Trần, thượng cấp sẽ chỉ thị cho biết kế hoạch tiếp
theo.” Nói xong người ấy từ giã anh em rồi ra về ngay. Anh ơi, lúc ấy em chưa
biết anh mà nghe vậy em cũng thấy buồn bã bải hoải cả người. Có lẽ vì cảm tình
của anh em biểu lộ rõ ràng ý muốn che chở cho các anh, em đâu ngờ hôm nay em lại
gặp chính anh trong hoàn cảnh lạ lùng này.
Huỳnh cười buồn:
– Định mệnh đấy em ạ, làm sao mà em một mình đến đây giữa cơn mưa như vậy?
– Sáng nay em ra suối giặt, suối vắng không có người, em giấu áo quần vào hốc
đá trên kia bơi xuống đây để tắm, em vừa xuống đây thì cơn mưa giông đổ tới, em
rất thích tắm mưa nên em lên ngồi trên ghềnh đá kia để cho mưa giội xuống thân
thể thì thấy anh bơi đến, thoạt nhìn thấy anh em cảm thấy như quen thuộc lâu lắm
rồi, em không hiểu tại sao. Em đâu ngờ anh lại là người mà tính mạng đang bị
người ta mưu hại, ngay đến anh Châu em cũng đành tuân lệnh, không dám phản đối.
Nói đến đó nàng bỗng trở nên nóng nảy bồn chồn, nàng nhìn Huỳnh khẩn thiết:
– Xin anh hãy trốn đi ngay, hãy trốn ngay với bất cứ giá nào, chẳng qua số phận
của chúng mình chỉ gặp nhau có chừng này mà thôi. Xin anh hãy hứa với em, hãy
tìm cách trốn khỏi nơi này ngay lập tức.
Người con gái lắc mạnh vai Huỳnh, như cố đánh thức Huỳnh tỉnh
dậy từ một cơn mơ nào đó, trong khi nàng nói với chàng câu chuyện lẽ ra phải
làm cho chàng xúc động ghê gớm thì nàng thấy vẻ mặt của chàng dần dần trở nên
trầm lắng xa xôi, đôi mắt chàng chìm đắm vào hư không dường như chàng quên hẳn
có nàng đang ngồi bên cạnh. Khi nàng thôi thúc, kéo tay chàng giật mạnh, Huỳnh
gắng gượng cựa mình để biết mình đang còn ở trong thực tại, chàng nắm lấy tay
người con gái ôn tồn bày giãi:
– Em bảo anh trốn đi ngay, anh sẵn sàng làm theo ý em bất kể thế nào. Nhưng
ngay bây giờ thì không thể được, em bảo anh chạy ngõ nào, trước mặt chúng ta là
vực sâu, chung quanh rừng này đầy những hầm chông mà anh không thuộc nổi một đường
lối nào cả, ngoại trừ con đường dẫn đến đây để được gặp em hôm nay. Những giờ
phút được ở bên em như thế này là diễm phúc mà anh không dám ngờ là có thật,
anh không có gì ân hận, cũng không có gì phải vội vàng. Vả chăng anh còn bạn
anh, Trần đó, số phận chúng anh ràng buộc với nhau, và như em vừa nói, thì bạn
anh cùng chung số phận với anh trong âm mưu của họ. Chúng anh như đã nguyện đồng
sinh đồng tử, bạn anh bị ở tù một phần lớn cũng vì nó quá thương anh cho nên
anh không thể trốn ngay như em muốn được. Tuy nhiên em hãy tin rằng con người đứng
trước cái chết phi lý và oan uổng không ai ngồi yên mà chờ nó đến cả. Bằng cách
này hay cách khác chúng anh sẽ tìm được lối thoát ra khỏi chốn này. Xin em hãy
yên tâm.
Âm mưu tiêu diệt Huỳnh và Trần rất tinh vi:
– Biết Huỳnh bị đau tim nặng, cứ đến đêm là có lệnh của cấp trên gọi “làm việc”.
Để rồi một đêm nọ trái tim anh đã ngừng đập khi có lệnh gọi.
– Họ giết Trần còn tinh vi hơn. Sau khi chị Hiếu, vợ Trần (đang mang thai) đã
chết do tai nạn trên đường đến trại tù thăm chồng vào một ngày mưa gió, họ đã
chôn chị ở cánh đồng làng Nguyệt bên kia sông nơi có một đồn Tây. Rồi Trần được
trả tự do và anh đã chết dưới họng súng của giặc Pháp trong đêm giao thừa khi
bơi sang bên kia sông để thăm mộ vợ con.
Cái chết của Huỳnh
Trần trở mình, lấy khuỷu tay huých bạn, gắt khẽ:
– Này, mày cố ngủ đi chứ, mày cần phải…
Trần bỗng im bặt vì đúng lúc đó, một bàn tay của Huỳnh đưa
ra níu chặt cánh tay chàng, cùng tiếng Huỳnh thì thào như muốn hụt hơi:
– Hãy yên nào, mày có nghe thấy gì không, đấy, chính chúng nó rồi đấy.
Tự dưng một luồng giá lạnh chạy suốt người Trần, không phải
vì Trần đã nghe thấy gì mà chính vì trong giọng nói của Huỳnh khiến chàng linh
cảm một điều gì đó lạ lắm, không thể phân tách nổi. Huỳnh bóp cánh tay Trần mạnh
hơn, khiến chàng thấy cả cánh tay nhức buốt, tiếng Huỳnh lạc đi, gần như rên
lên:
– Đấy chúng nó đến gần rồi đấy, mày nhớ không, chúng nó nhắm vào tao trước, vào
tao trước.
Bàn tay Huỳnh bấu vào cánh tay Trần rịn mồ hôi ra ướt đầm, cả
người Huỳnh run lên bần bật, cùng lúc chàng nghe tiếng chân nhiều người thình
thịch tiến đến dừng trước cửa lều. Tiếng mở khóa lách cách, tiếng dây xích va
chạm loảng xoảng, cánh cửa mở tung, ánh đèn pin rọi thẳng vào chỗ hai người, tiếng
cò súng lên đạn bật đánh tách khô khan, một tiếng nói oang oang dữ dằn như xói
vào óc, tiếng nói sắc lạnh xoáy mạnh vào bầu không khí cô tịch của đêm khuya:
– Phạm Huỳnh, dậy mau, có lệnh gọi đi ngay.
Trần bật ngồi dậy, bàn tay Huỳnh níu cánh tay chàng tuột ra, rơi bịch xuống chiếu.
Trần nói, không biết mình đang nói gì:
– Dậy đi Huỳnh, không sao đâu.
Chàng quay lại, ngạc nhiên vì sự im lìm kỳ lạ của Huỳnh,
trong ánh sáng của ngọn đèn pin rọi thẳng đến giường, bàn tay của Huỳnh nằm gọn
trong luồng ánh sáng ấy, bàn tay vừa níu lấy tay chàng rơi tuột xuống kia, vẫn
giữ nguyên những ngón tay co quắp trong một cử chỉ nắm níu bất động.
Một cảm giác ghê gớm dội lên như có mũi dao vô hình đâm suốt ngực Trần, chàng vồ
lấy bàn tay Huỳnh, hốt hoảng:
– Mày làm sao thế, hả Huỳnh?
Chàng cúi xuống mặt Huỳnh, bỗng chàng lùi lại, không, không
thể được, cái gì ở trước mặt chàng kia, không phải là Huỳnh, không thể là con
người đã từng yêu thương, vui buồn, giận dỗi vô cùng mãnh liệt trước đây mới có
một giây. Cái xác bất động không còn hơi thở này, đôi mắt mở to nhìn vào khoảng
không kia, cái miệng há ra như một tiếng gọi nửa chừng. Một chất gì mằn mặn thấm
xuống cổ họng khô đắng của Trần; chàng nghe tiếng nói của mình vỡ ra từng mảnh
vụn:
– Huỳnh, có phải mày đấy ư?
Chàng thấy loáng thoáng những bóng người chạy lại, họ nắm
vai chàng kéo giật về phía sau, Trần đứng yên ngơ ngác, toàn thân cóng lạnh,
trí óc trống rỗng.
Có tiếng người nói:
– Chết rồi, thế là xong, đi gọi y sĩ tới đây.
“Chết rồi, thế là xong,” âm thanh đó như một tiếng reo đắc
thắng, tiếng nói mới nhẹ nhõm làm sao. Trí óc mê mụ của Trần vụt lóe lên một
tia sáng rọi thẳng vào hình ảnh của một cái bẫy đã sập xuống, con mồi đã đút cổ
vào dây thòng lọng.
Cái bẫy là đây, bệnh đau tim của Huỳnh đó, với ấn tượng kinh hoàng về những đêm
bị gọi dậy mang đi giữa khuya. Họ đã thành công rực rỡ với kế hoạch về Huỳnh, xảy
ra đúng như dự liệu của họ.
Cái chết của Trần
Viên giám đốc trại giam đứng đợi Trần trước thềm cửa văn
phòng. Y chìa tay bắt tay Trần, nói bằng một thứ giọng dịu dàng thân thiết khiến
Trần lấy làm lạ:
– Anh Trần, tôi chờ anh đây.
Y đưa Trần vào bàn giấy, mời Trần ngồi trên một chiếc ghế, y
ngồi đối diện với Trần. Trần ngồi xuống, nhìn y chờ đợi, viên giám ngục có vẻ mặt
xanh xao, tái mét, đôi mắt y buồn bã nhìn xuống, đầu y hơi cúi tới trước khiến
Trần chú ý tới vầng trán cao, có vài đường gân nổi lên chạy dài xuống sống mũi
thẳng, nét mặt có những nét sang quý hiếm có ở một viên giám ngục khiến Trần chợt
có thiện cảm với y. Chàng nghĩ có lẽ vì y là anh ruột của người thiếu nữ Huỳnh
yêu, và nhất là qua thiếu nữ mà Huỳnh và chàng biết được lòng dạ của y đối với
bọn chàng không đến nỗi nào. Nhưng dầu sao y cũng không cứu nổi Huỳnh thoát chết,
và giờ đây đến lúc y phải thi hành kế hoạch nhắm vào Trần. Có thể vì thế mà sự
ân hận ray rứt đã in dấu lên nét mặt ưu phiền xanh mét kia chăng, hay đó chỉ là
chứng bệnh sốt rét ngã nước?
Trần buột miệng:
– Huỳnh chết rồi, bây giờ đến lượt tôi phải không anh Châu?
Viên giám ngục ngẩng lên, đôi mắt y tối sầm; y đứng phắt dậy,
thọc hai tay vào túi quần, cúi đầu đi đi lại lại trong phòng, vẻ bứt rứt khó
khăn. Bất thần y đứng dừng lại ngay trước mặt Trần, y nhìn thẳng vào mặt chàng,
nói nhanh:
– Tôi gọi anh đến để báo tin cho anh, chị Hiếu đã chết.
Trần tối tăm mặt mũi, như sét đánh ngang đầu, chàng không thể tin ở tai chàng
được nữa, chàng lảo đảo đứng lên, viên giám ngục thấp hơn chàng nửa cái đầu, Trần
cúi sát mặt y, đưa hai tay nắm chặt hai vai y, chàng hét to trong khi cảm thấy
mình rời rã không còn chút sức lực nào nữa:
– Hiếu chết, tại sao, nói mau, chúng mày đã làm gì nàng?
Tiếng hét của Trần làm cánh cửa ăn thông qua phòng bên cạnh
vụt mở ra, hai nhân viên của văn phòng giám đốc chạy vào. Khi họ thấy Trần nắm
vai viên giám đốc của họ lắc mạnh, tức thì vẻ mặt họ đổi ra hầm hầm, họ vừa dợm
bước tới thì viên giám ngục khoác tay ra lệnh:
– Hãy sang bên kia, tôi không gọi các đồng chí.
Hai tên nhân viên hậm hực tuân theo, họ biến ngay tức khắc
sau cánh cửa khép lại.
Cử chỉ của viên giám ngục làm cho Trần tỉnh lại, chàng buông viên giám ngục ra,
ngồi gục xuống ghế như một thân cây bị đổ. Chàng ôm đầu cúi xuống, nghe một
cách mơ hồ tiếng nói của viên giám ngục đều đều buồn nản như tự biết mình đang
làm một việc tệ hại nhất:
– Chị ấy bị tai nạn trong khi đi đến đây thăm anh ngày chủ nhật cách đây hai tuần,
khi đi qua chiếc cầu phía trên thôn Mai Lĩnh, trời đang mưa to, thân cây cầu
tròn và trơn nên chị ấy bị trợt chân ngã xuống suối, nước lũ chảy xiết, chị bị
cuốn đi luôn, không ai biết cả. Mãi cách đây một tuần người ta mới thấy xác chị
trôi vào bờ sông tận dưới làng Nguyệt. Có người nhận ra chị trước kia làm việc
trên tỉnh nên người ta báo cáo về tỉnh ngay. Tỉnh đã ra lệnh cho ủy ban địa
phương chôn cất chị tử tế ở cánh đồng phía bắc làng Nguyệt, ngay trên gò có cây
bàng đó. Liên lạc viên ngoài tỉnh vừa vào cho tôi biết. Tôi phải báo tin này
cho anh thật là một việc khổ tâm cho cả tôi vì trước kia tôi cũng có quen biết
chị khi cùng chị làm việc trong những công tác nội thành. Đó là một người đàn
bà rất đáng quý, tôi xin có lời chia buồn cùng anh.
Trần ngẩng lên, đôi mắt chàng dại đi, chàng hỏi viên giám ngục:
– Bây giờ tôi về lều được không?
– Được, nhưng hãy gượm, còn việc này nữa, suýt tôi quên, sáng mai anh sẽ ra
trình diện ty Công an Tỉnh, vậy mai anh không phải vào rừng làm việc, anh sẽ đến
đây vào lúc tám giờ, sẽ có người đưa anh ra tỉnh.
Viên giám ngục với tay lấy một tờ công văn đánh máy để trên
bàn giấy giao cho Trần:
– Đây là lệnh của tỉnh gọi anh.
Trần cầm mảnh giấy trong tay, chàng không hiểu viên giám ngục
đã nói gì, chàng cúi nhìn mảnh giấy, nhíu mày:
– Đây là cái gì thế này?
– Lệnh gọi anh ra trình diện ty Công an Tỉnh, – viên giám ngục kiên nhẫn nhắc lại
với một chút lòng trắc ẩn – anh nghe rõ chưa?
Trần ngơ ngác nhắc lại:
– Trình diện, trình diện à, để làm gì thế?
– Rất tiếc tôi cũng không được biết rõ.
Mặt Trần đanh lại:
– Đúng, anh không thể biết rõ gì cả, luôn cả cái chết của Huỳnh, và có lẽ cái
chết của vợ con tôi nữa. Các anh không bao giờ có thể biết rõ gì cả, các anh chỉ
biết rõ con số xác chết như núi chồng chất quanh các anh mà thôi.
Viên giám ngục vẫn ôn tồn:
– Bây giờ anh có thể trở về lều của anh. Tối nay anh được
phép nghỉ sinh hoạt.
Trần không khỏi ngạc nhiên khi người ta đưa chàng vào giáp mặt
Đoàn Việt, giám đốc sở Công an Liên khu. Đó là một người đàn ông trung niên,
người tầm thước, hơi đẫy đà, khuôn mặt vuông có những nét đều khá đẹp, đôi mắt
rất tinh anh, mũi cao, miệng rộng, nét môi cong đều đặn, tiếng nói ấm áp nhưng
sắc gọn có sức thu hút người đối diện. Trong giới kháng chiến người ta thường
truyền miệng nhau nghe một chuyện tình khá lãng mạn của ông ta với một nữ cán bộ
mặc dầu ông ta đã có vợ con, đồng thời Đoàn Việt cũng nổi tiếng là một viên chức
công an cao cấp tài ba lỗi lạc trong ngành.
Vừa thấy Trần, Đoàn Việt nói ngay:
– Tôi vừa ở khu vào, các đồng chí ở đây đã trình cho tôi xem hồ sơ của anh, tôi
đã xem xét kỹ. Hôm nay tôi gọi anh đến để hỏi anh một điều.
Đoàn Việt ngừng lại, chìa bao thuốc lá hiệu Philips mời Trần:
– Mời anh.
Trần lắc đầu:
– Tôi không hút, cám ơn anh.
Đoàn Việt rút một điếu, thong thả bật lửa châm hút, thở ra một hơi khói mỏng,
ông ta hỏi vẻ không quan tâm cho lắm:
– Thường ngày anh vẫn hút mà.
– Vâng, nhưng hôm nay thì không.
Đoàn Việt gật đầu, như cho đó là câu trả lời thỏa đáng nhất.
Ông ta đưa điếu thuốc lên môi, rít một hơi, thở khói ra, làn khói thuốc xanh biếc
quyện vào nhau quấn quýt trước mặt Đoàn Việt, ông ta ngồi bật ngửa ra sau thành
ghế, nhìn Trần bằng đôi mắt bí ẩn sau làn khói thuốc:
– Anh Trần, nếu tôi gọi anh đến đây để nói cho anh biết rằng anh sắp được trả tự
do thì anh nghĩ sao?
Trần hơi sửng sờ trong một giây, nhưng trước đôi mắt hòa huởn
sâu sắc của Đoàn Việt, chàng biết rằng mình cần phải bình tĩnh và tự chủ. Chàng
không muốn tỏ vẻ xúc động trước những kẻ giờ đây đối với chàng đã cách biệt lắm
rồi, những người trước đã từng là đồng chí, đã tưởng cùng nhau đi cho hết đoạn
đường chông gai gian khổ trên quê hương:
– Anh bảo tôi nên nghĩ gì, sau lưng tôi là sáu tháng tù, trước mặt tôi là những
ngày trắng, xin anh cho biết tôi nghĩ gì bây giờ? Tôi không có gì để nghĩ nữa hết.
Hai bàn tay Đoàn Việt đang chắp lại vụt mở ra xòe rộng:
– A, anh có lý, nhưng nếu tôi nghĩ hộ anh vậy, tôi nghĩ rằng nếu tôi như anh,
được thả ra có lẽ tôi sẽ trở về thành phố, anh nghĩ sao?
Trần mỉm cười chua chát:
– Xin anh đừng quên, trước khi vào tù tôi đã từng ở Vệ Quốc đoàn. Tôi yêu đồng
đội của tôi và hơn ai hết tôi hãnh diện vì người Vệ Quốc quân bắn rất trúng
đích. Dĩ nhiên không ai muốn chết bởi chính viên đạn của đồng đội mình bắn
trúng vào đầu mình cả.
Đoàn Việt gật đầu tán thành:
– Anh nói đúng. Vậy anh có muốn trở lại phục vụ như trước không?
– Như trước, như trước, anh biết đấy, có cái gì như trước được đâu – Trần lắc đầu,
mệt mỏi – tôi chỉ muốn được yên để nghĩ đến những người đã chết.
– Tôi biết, tôi biết, tôi cũng rất buồn về cái chết của chị Hiếu, trước kia chị
đã từng cộng tác với chúng tôi.
Đoàn Việt cúi đầu có vẻ nghĩ ngợi giây lâu, đoạn ông ta ngẩng
lên, tia nhìn của ông ta như hướng về một cái gì đó, phía sau Trần, nét mặt ông
ta khoác lại vẻ thản nhiên khôn dò:
– Thôi được, kể từ bây giờ anh được tự do. Anh có thể trở về trung tâm Tây Hạ
thu xếp cho xong vài thủ tục giấy tờ. Ngay chiều nay sẽ có giấy phóng thích gởi
đến anh. Sáng mai vào giờ này anh có thể rời khỏi trại giam.
…
Bên kia sông là cánh đồng làng Nguyệt. Trần trỏ tay về phía đó:
– Tối nay anh sẽ bơi qua đó thăm mộ chị và con anh.
Huyên và Loan nhìn nhau, cả hai đều thấy mình quá nhỏ bé trước
một nỗi đau thương mà họ đều biết rằng quá to lớn đến nỗi họ không biết nói sao
cho phải trong khi đó. Huyên nhìn theo hướng Trần trỏ, nàng chỉ thấy cánh đồng
tháng chạp mênh mông ngập nước, xa hơn nữa là làng mạc sẫm màu trong bóng chiều
loang lổ những bóng mây xấu xí dị hình. Trong một lùm cây nhô ra giữa cánh đồng,
Huyên nhìn thấy ngọn cờ tam tài của đồn Tây làng Nguyệt bay phất phới trên đỉnh
cột cờ và tháp canh đen ngòm bên dưới.
Nhìn ngọn cờ, nghe Trần nói, chợt Huyên cảm thấy một nỗi lo sợ không thành hình
dạng nào cả, nàng nói, thấy khó chịu vì sự vắn tắt của câu nói:
– Bên ấy là đồn Tây làng Nguyệt.
Trần cười:
– Anh biết, nhưng khuya anh mới bơi qua sông kia mà, huống chi anh rất thuộc
lòng đường sá ở vùng này. Dù sao, đêm nay anh cũng phải đến với chị, anh không
thể để chị một mình lạnh lẽo trong đêm giao thừa được. Chị đã khổ sở suốt đời rồi,
từ ngày yêu anh lại càng khổ sở gấp trăm lần.
Huyên và Loan lại nhìn nhau, cả hai đều lo sợ, nhưng không
ai có thể nói được gì. Trần bước đều trên đường, tầm mắt của chàng như bị thu
hút về phía cánh đồng bên kia sông, chàng cười khẩy chua xót:
– Khi người ta sống người ta may áo cho mình, bây giờ người ta chết mình không
thắp được cho người ta một nén hương.
Tiếng gió rít qua cánh đồng lùa đến vườn cây sau nhà làm những
ngọn cây quất trong không khí nghe vun vút. Trần ngưng nói, lắng nghe đêm ngoài
kia mênh mông rì rào muôn ngàn âm vang bất tuyệt, đôi mắt chàng bỗng sáng lên,
đầy mộng mị, đôi môi tươi đỏ của chàng chợt mấp máy, rồi ngừng lại phảng phất một
nụ cười đắm đuối. Chàng đứng dậy, nhìn quanh mọi người một lượt, tay chàng đưa
lên phác một cử chỉ vẫy chào:
– Thôi, tôi đi đây, xin chào tất cả mọi người. Chúc năm mới tốt đẹp.
Trước khi khuất sau cánh cửa, Trần quay lại nhìn Huyên:
– Huyên và Loan ở lại đấy, chờ anh về, anh em mình sẽ mở quán nghe. Anh sẽ về
trước sáng mai.
Không ai nói một lời, tất cả như bị thôi miên bởi giọng nói
huyền hoặc trầm ấm du dương của Trần, bởi một nỗi đau thương lạc loài khủng khiếp
vang dậy trong tiếng gió ngoài kia.
Khi Trần đã khuất sau cánh cửa gỗ, khuôn mặt đẹp đẽ của chàng còn sáng lòa trên
ngọn lửa của đêm trừ tịch.
Như sực tỉnh, Huyên hốt hoảng:
– Anh Đỉnh, xin anh gọi anh Trần lại, đừng để anh ấy đi, anh ấy định bơi qua
sông thăm mộ chị Hiếu đấy.
Đỉnh tái mặt:
– Thật à, sao em không nói trước?
Đỉnh đứng dậy, chạy ra cửa, Hương, Huyên và Loan cùng chạy
ra theo, ngoài sân vắng ngắt, làng xóm lặng trang. Đỉnh quay lại nói với Hương:
“Anh chạy theo gọi Trần lại nhé.”
Hương gật đầu, Đỉnh vội vàng đi thẳng ra cổng.
Ba người đàn bà đứng lại trước hiên, chờ đợi, khắc khoải. Một lát sau, Đỉnh trở
về một mình, anh buồn bã:
– Anh ra đến tận cánh đồng, đêm tối quá, chẳng nhìn thấy gì hết, anh gọi Trần
khản cả cổ, nhưng chắc ngược gió nên Trần chẳng nghe được gì. Quái lạ, mới đó
mà sao đi nhanh thế không biết. Thôi, chúng ta đành thức chờ Trần về vậy.
Hương nép vào Đỉnh, thì thào:
– Lạy Trời, lạy Phật xin phù hộ cho Trần.
Huyên ngước nhìn bầu trời tối đen như mực, có một vì sao lẻ
loi ở cuối góc trời đang cúi xuống nhỏ một giọt sáng long lanh trên cánh đồng mịt
mùng hiu quạnh. Giọt sáng tan đi nhòa nhạt vào bóng sương khuya trắng xóa mù
khơi.
Mọi người trở vào nhà, không khí tẻ nhạt u buồn, bếp lửa đã gần tàn, không ai
buồn nhóm lại.
Có tiếng chuông đổ hồi từ phía nhà thờ bên kia sông vọng lại, tiếng chuông ngân
nga, lướt qua giòng sông khuya, lửng lơ trên cánh đồng, đậu trên từng đám cây
ngọn cỏ, rồi tan loãng vào hư không.
Cùng lúc ấy, một tiếng nổ vang rền từ bên kia sông dội lại. Cả bốn người cùng
giật mình, nhìn nhau, không ai dám nói ra ý nghĩ của mình, nhưng họ cũng biết
là họ đang nghĩ giống nhau. Tiếp đó vài tiếng súng lẻ tẻ vu vơ về phía đồn làng
Nguyệt.
Đỉnh lên tiếng giải thích, cố tránh những ý nghĩ đen tối đang vây quanh mọi người:
– A, giao thừa rồi đó, chắc tụi lính bên đồn làng Nguyệt nổ mừng năm mới đó.
Tiếng nói của anh vang lên lạc lõng, giữa tiếng chuông báo
hiệu giờ trừ tịch vang vang mơ hồ trong không gian.
Trần không trở lại đêm đó.
Và những ngày sau nữa.
Chàng sẽ không bao giờ trở lại.
…
Ngày mồng ba Tết, Huyên bắt gặp những hàng chữ sau đây trên một tờ báo thông
tin của kháng chiến tỉnh Thừa Thiên, tờ báo có những tin chiến sự trên những
chiến trường toàn quốc, những tin tức thắng lợi về những đợt tố khổ của chiến dịch
cải cách ruộng đất, những bài thơ ca tụng những anh hùng dân công, những anh
hùng giết giặc, cả trăm thứ anh hùng được hoan hô không dứt.
Dưới những bài báo đó, trong mục linh tinh, tin về cái chết của Trần như thế
này:
“Thông cáo chính thức của Tỉnh bộ Thừa Thiên
Nguyễn Trần, nguyên chủ nhiệm kiêm chủ bút báo Quân Đội Nhân Dân, trước đây đã
có hành động phản cách mạng, phản nhân dân, vừa được chính phủ khoan hồng phóng
thích ra khỏi trại Cải hối Tây Hạ sau thời gian học tập cải huấn.
Đêm giao thừa rạng ngày mồng một Tết, tên Nguyễn Trần đã bỏ mạng trên cánh đồng
làng Nguyệt vì dẫm phải mìn trong khi y đang tìm đường đi đến đồn Pháp gần đó để
toan đầu hàng giặc.”
Vài lời ghi thêm
Nhân vật Huyên trong truyện chính là tác giả Nguyễn
Thị Thanh Sâm, một thiếu nữ thấy quê hương Việt Nam bị dẫm nát dưới gót giày
xâm lăng của người Pháp đã lên đường đi theo kháng chiến, như bao nhiêu thanh
niên thời ấy, mong ngày giải phóng quê hương khỏi ách đô hộ của thực dân, xây
dựng thanh bình cho xứ sở. Bà đã tham gia, đã hiểu và thấy hết tất cả Sự Thật.
Bà ghi nhớ và đã viết lại.
Nhân vật Phan trong truyện chỉ được nhắc đến thoáng qua ở vài trang cuối của
chương thứ 25 là chồng bà sau nầy: ông Phan Văn Tốn.
“Huyên không nhớ mình đã đi qua bao nhiêu chiếc cầu nhỏ bắt từ xóm này qua xóm
khác. Đang lầm lủi bước đi Huyên nghe tiếng người gọi tên nàng. Nàng ngẩng lên
thấy Phan, một người bạn học cùng trường ở Hương Khê ngày nàng còn học ở Liên
khu Tư.
Phan đứng trong sân một ngôi nhà nhỏ, chàng mặc quân phục, nét mặt đẹp đẽ cương
nghị, đôi mắt trong sáng tươi cười nhìn Huyên. Huyên dừng lại, cảm thấy lòng êm
ả dịu dàng, mọi lo âu đau đớn trong lòng hầu như tan biến khi nhìn thấy người bạn
của một thời đi học, một thời mà những giấc mơ tròn đầy thắm thiết.
– Anh đóng ở đây à? Huyên hỏi.
– Vâng, đơn vị tôi về đóng ở đây vài tháng nay. Huyên vào chơi đã.
Huyên tạt vào, buổi chiều đi qua ngoài kia, trong khi câu
chuyện hàn huyên không dứt giữa hai người bạn học. Hình ảnh mái trường xưa đầy
rêu phong, những cây cau trong sân trường, những ngọn đồi đầy hoa sim tím phía
sau đồng cỏ may sau lưng trường học. Hai người nhắc đến hai cây bàng liền cành
nhau trên con đường dốc trước cửa trường đổ xuống thôn Gia Ninh, nơi họ ở trọ học.
Ở đó, khi mùa trăng đến, ánh trăng loáng bạc trên những tàng lá to xòe rộng như
những chiếc dù, che chở ngôi làng chìm ngủ trong bóng đêm yên tĩnh tràn đầy ơn
phước, những cây cam, cây bưởi, mùi hoa thoáng động trong đêm.
Và giòng sông Ngàn Sâu chảy ngang qua thôn Gia Ninh, băng qua Chu Lễ xuôi về
Châu Phong, Đức Thọ, thuận giòng trẩy đến Nam Đàn, Đô Lương, những bờ đê những
nương dâu, câu hò tiếng hát đêm trăng lướt qua cánh rừng hoa trảo trắng muốt
liêu trai. Biết bao địa danh thân thiết, biết bao khuôn mặt thầy học, bạn bè
thân thuộc, luyến lưu, Phan và Huyên cùng lần lượt nhắc nhở, cùng chung một niềm
hoài tưởng.
Huyên từ giã Phan ra về khi nắng xế nghiêng trải dài một làn gợn sóng lăn tăn
trên sông xanh biếc ngoài kia.
Phan hỏi xin Huyên chiếc quai nón của nàng làm bằng một dải len màu hồng tết
bím. Chàng nói để chàng thắt một cái nơ trên quyển vở của chàng và tết một sợi
dây trên chiếc huy chương chiến sĩ của chàng. Huyên cười hồn nhiên, nàng tháo
quai len màu hồng đưa cho Phan. Khi ra ngoài đường ngang qua một bụi chuối,
Huyên dừng lại, nàng tước một sợi dây chuối đã gần khô, màu nâu xốp, cột vào
chiếc nón bài thơ của nàng.
Huyên trở về làng, trên thuyền đi qua sông, nàng thấy mình đang đi ngược giòng
thời gian. Cuối sông những lá hoa xưa đang phất phới vẫy gọi nàng từ một miền
thiên đường bát ngát, ở đó có trường xưa, có thầy và bạn, có giòng sông, có những
tàng cây to loáng ướt sương trăng, có một mùa hoa trảo trắng ngời, có những đồi
sim ảo mộng.
Từ cõi miền đó, chiều nay khuôn mặt Phan tươi cười rạng rỡ đã đưa Huyên trở lại
quê hương của tuổi thơ, giây phút thần tiên ngắn ngủi lãng quên đi thực tại đau
buồn.”
Ông Phan Văn Tốn – phu quân của bà, nguyên là Quận trưởng quận Khiêm Đức, Phó Tỉnh
trưởng tỉnh Quảng Đức, sau đổi qua làm Chỉ huy trưởng bộ Chỉ huy Quân sự Đà Lạt,
kiêm Quân Trấn Trưởng, kiêm Phó Tỉnh Trưởng Nội An Đà Lạt. Trung Tá sau được
vinh thăng Đại Tá, đã tử vong vì một quả mìn khi đi thanh tra đồn Kim Thạch của
tiểu khu Tuyên Đức năm 1970.
Về thân sinh của ông Phan Văn Tốn
Mời các bạn đọc trích đoạn bài tùy bút của Nguyễn
Đức Tùng:
“Thân sinh của anh Tốn và anh Tấn, tức cậu tôi, gia cảnh nghèo, sinh bất
phùng thời chữ Hán không được dùng, trở thành nông dân bất đắc dĩ, nhà lại đông
con. Bà ngoại tôi có một người em gái ở Huế, thương cháu, gọi cậu tôi về cho
không một con bò để cày cấy và làm phương tiện sinh sống. Khi cậu tôi cầm sợi
dây thừng dài dẫn con bò từ phố qua đò Thạch hãn về làng, cũng là lúc bản án
dành cho cậu được viết xong. Bọn du kích bắt cậu lên rú tra khảo. Đến ngày thứ
ba, cậu không chịu nổi nữa, đành ký giấy tình nguyện hiến con bò cho kháng chiến,
với điều kiện cho phép em gái của cậu, tức mẹ tôi, và đứa con gái đầu lòng của
cậu, chị Sim, chị của anh Tốn, được lên thăm. Chúng cho phép. Khi em và con đến,
cậu tôi bí mật dặn họ: phải về mau, vì là con gái, chúng chưa có ý định thủ
tiêu, đem hết cả nhà tản cư về tỉnh, đêm nay hay đêm mai thôi chúng sẽ giết
anh, giết cha. Chúng đánh gãy hết các xương sườn của ông, nên ông biết bản án tử
hình đã được ký. Tối hôm đó bọn du kích gọi cậu tôi đi thẩm vấn như thường lệ.
Chị Sim khóc lóc nhứt quyết đòi đi theo. Chúng cho chị đi. Người cha bị dẫn sâu
vào truông cát, sau cánh đồng bắp bạt ngàn, ven khúc sông uốn cong về thị xã,
khủy tay trói ngoặt lại. Đứa con gái lẽo đẽo theo sau. Chúng bất ngờ dùng báng
súng đánh vào đầu cậu tôi đến vọt óc ra, trước cặp mắt kinh hoàng của chị Sim.
Rồi đào hố lấp xuống. Đứa con gái khóc thét, lăn xả vào ôm lấy cha. Thuận tay,
chúng lấp huyệt chôn sống luôn chị Sim trên đồi cát. Mẹ tôi tất tưởi chạy về
nhà mang theo lời dặn của anh trai. Từ đó vang vọng mãi trong con cháu gia tộc
lời dặn: phải chạy cho xa. Anh Tốn lúc ấy là cán bộ đại đội của Việt Minh, nghe
tin cha bị giết, bỏ ngũ về thành” – (Nhà xưa có hoa mimosa vàng – Nguyễn
Đức Tùng).
(Hết)
Nguyên Lạc