Người Việt mình, khi đặt tên cho con cái, thường chọn tên có
ý nghĩa hoặc gửi gắm theo tình yêu thương với niềm mơ ước, nhưng cũng lắm khi….
“đời không như là tên”.
Hồi đó, cách nhà tôi vài căn, có chị Nguyễn Thị Ngọc Ngà. Lẽ
ra, là “ngọc ngà châu báu” phải được nâng niu, quý hoá, nhưng chị thì ngược lại,
chồng say xỉn thường xuyên rồi lên cơn, đem “ngọc ngà” ra tra tấn, thượng cẳng
tay hạ cẳng chân và cả bằng đòn gánh. Hàng xóm trong đó có anh rể tôi phải xông
vào giải cứu chị. Nghe nói hiện nay chồng chết, chị thoát được chồng, nhưng tiếp
tục khổ vì con, vì cháu!
Cùng ngõ là nhà Bác Cả goá phụ với hai người con, là chị Vui và thằng Sướng. Chị Vui cả ngày tất bật lam lũ phụ bác Cả bán buôn lặt vặt với cuộc sống giật gấu vá vai, người lúc nào cũng đầu bù tóc rối. Còn thằng Sướng chẳng hiểu buồn khổ gì mà vào một ngày trời âm u, nó đã thắt cổ tự vẫn, tìm về thế giới bên kia, để lại cho Bác Cả và chị “Vui” nỗi đau giằng xé tâm can.
Ngược ra xóm chợ, nhà bà Tám Sương Sa, tôi học chung với hai
đứa con bác ấy, thằng Sang con Giàu. Mà nào có sang có giàu gì đâu, thau sương
sa của bà Tám chỉ đủ cơm cháo qua ngày, lắm khi đi học chúng không có củ khoai
mì ăn sáng.
Lúc tôi vào lớp Sáu, mới “giải phóng” được vài năm, trường
chúng tôi đón nhận một số học sinh miền Bắc theo cha mẹ vào Nam rất sớm. Mấy đứa
con gái trong nhóm đó có tên cũng bình thường, nhưng mấy thằng con trai thì tên
khá đặc biệt, nghe là biết ngay lý lịch xuất xứ, khỏi cần suy nghĩ. Trong khối
lớp tôi, có hai anh em sanh đôi, Nguyễn Văn Thống Nhất và Nguyễn Văn Hữu Nghị.
Thống Nhất là anh, có vẻ hiền lành, hắn muốn la cà kết thân với chúng tôi như
cái tên của hắn. Nhưng khổ nỗi, lũ chúng tôi tuy còn bé nhưng đã biết ảnh hưởng
từ gia đình chòm xóm, trước cảnh chia lìa tù “cải tạo”, kinh tế mới, cảm nhận
tiếng thở dài của cha mẹ trong cuộc đổi đời, nên chúng tôi rất phản động, dứt
khoát tránh xa đám “bên kia”, không chơi với hắn, không cho hắn “thống nhất”
chúng tôi. Còn thằng em tên Hữu Nghị thì ngược lại, không hề “hữu nghị” tí chút
nào, hắn luôn luôn hùng hổ gây sự với chúng tôi mỗi khi có chuyện tranh cãi (có
lẽ hắn hiểu được nguyên nhân sự e dè lạnh lùng của đám Miền Nam chăng?)
Tuy nhiên, chung lớp tôi có một đứa khá dễ thương. Hắn nói
giọng nửa Nam nửa Bắc, vì cha mẹ hắn là dân tập kết. Hắn tên Lê Anh Nuôi, bản
tính vui vẻ hoà đồng. Tôi hỏi:
– Thà ông mang tên như anh em thằng Thống Nhất Hữu Nghị, hoặc
đại loại như Quyết Thắng, Bất Khuất, Kiên Cường… tôi còn dễ hiểu. Còn Anh Nuôi
là cái gì thế?!
Hắn cười vang:
– Bà đúng là nhà
quê! Hồi ba tui ở trong bưng, ba tui nấu ăn cho đồng đội, gọi là “anh nuôi”,
nên má tui đặt tên này cho tui làm kỷ niệm đó! Mà nè, bà nên gọi tui là anh
nhé, vì tui hơn bà một tuổi, và tên tôi là Anh Nuôi.
Tôi chu mỏ:
– Còn khuya! Ông
về rừng mà nghe người ta gọi là anh, còn tui nhà quê đâu dám!
Nhưng đặc biệt
trong nhóm đó, có một cái tên mà tôi nhớ mãi cả tên lẫn người! Hắn trắng trẻo,
dáng thư sinh con nhà giàu (tôi đoán ba má hắn phải thuộc hàng công tử tiểu thư
trí thức Hà Nội, vượt Trường Sơn vào Nam với chức vụ cao chót vót, nên được ở
nhà ngay khu sĩ quan trong khu Quân Cụ mà trước đây chỉ dành cho những gia đình
sĩ quan quân đội VNCH). Hắn có đôi mắt đẹp, cái miệng duyên với môi dưới hơi trề
rất hấp dẫn, tổng thể là một khuôn mặt đẹp trai, và cái tên của hắn càng hấp dẫn
hơn: Mai Kiêu Hùng! Được cái, hắn thờ ơ chuyện xung quanh trường lớp, không
quan tâm chúng tôi chia phe “Nam-Bắc” cãi nhau chí choé, không thân thiện mà
cũng không xích mích với ai. Chẳng biết sau này lớn lên hắn có “kiêu hùng” với
lý lịch nhà hắn, với vẻ đẹp trai của hắn hay không, chớ lúc đó hắn rất vô tư, một
vài lần đụng mặt tôi ở trường, hắn mỉm cười nhìn tôi với ánh mắt bối rối, có thấy
“kiêu hùng” gì đâu, khiến tim tôi… tan chảy và mủi lòng thương (quên cả chuyện
giai cấp). Cũng may là sau năm học đó gia đình hắn chuyển đi nơi khác, chớ nếu
hắn còn học tiếp với tôi, biết đâu tôi lại… cảm cái nét đẹp khi bối rối của hắn,
rồi sẽ ra sao khi lập trường “hai đứa hai khung trời khác biệt”, liệu gia đình
tôi bị chính quyền mới xếp hạng là “nguỵ quân nguỵ quyền” có chấp nhận hắn
không, căng lắm chớ chẳng chơi! (Ủa, mà biết hắn có cảm tôi không mà lo xa chi
cho mệt!)
Vui nhất là khi
vào học trường Sư Phạm, có một anh chàng trong ban văn nghệ, thỉnh thoảng ôm
cây đàn guitar ngồi dưới gốc phượng trong sân trường đàn hát, bạn bè vây quanh
ngưỡng mộ, nhất là mấy nường nữ sinh. Tên của hắn cũng rất ư đặc biệt, khó có một
người thứ hai trùng tên: Mai Cúc Trường Sơn.
Tôi bĩu môi, nói
với nhỏ bạn:
– Gì chớ, nghe
hai chữ Trường Sơn là tao dị ứng từ bài hát “cùng mắc võng trên rừng…” á!
Nhỏ bạn nguýt
tôi:
– Úi dào, “ếch ngồi
đáy giếng” tội chưa! Bà tưởng Trường Sơn là của riêng mấy ổng bên kia sao? Nói
cho bà dỏng tai lên nghe rõ nè: hắn là con trai của sỹ quan VNCH đang ở trong
trại “cải tạo” chưa về, còn má của hắn là người nổi tiếng, bà muốn biết là ai
không?
Tôi hơi bị quê,
liền đổi giọng tươi tỉnh làm huề:
– Là ai thì bà
nói luôn đi, còn úp úp mở mở chi nữa?
– Là cô Hồng Vân,
người ca sĩ có tài ngâm thơ, mới đây hát các bài hát được công chúng mê mẩn:
“Người Đi Xây Hồ Kẻ Gỗ”, “Có Anh Ba Hưng”…
– Bà nói ca sĩ Hồng
Vân ngâm thơ là tui biết rồi, khỏi cần dài dòng. Té ra, hắn là phe ta!
Lần này thì nhỏ bạn
vênh mặt lên:
– Ừa, hắn học
chung với tui hồi cấp ba đó, giờ có muốn làm quen với chàng không nà, tui bắc cầu
cho!
– Quỷ sứ! Mà tao
chịu… cái tên lắm nha. Tao mà lấy hắn, sanh con tha hồ đặt tên, Mai Cúc Mùa
Xuân, Mai Cúc Thắm Tươi…
Sau này ra đời đi
làm, rồi qua trại tỵ nạn, tôi còn biết thêm nhiều cái tên “ấn tượng” rổn rảng:
Phạm Thông Thái, Trần Triệu Phú, Phan Huy Hoàng, Cao Uy Tín, Huỳnh Thiên Tài, Đỗ
Thủ Khoa, Nguyễn Như Ý, v.v… Mà có mấy ai được “đời giống như tên”?
Và… cả tôi nữa,
má muốn đặt tên tôi là Kim Thoa cùng vần Th với anh chị em trong nhà, nhưng khi
ba lên xã làm khai sanh, lúc ấy ca sĩ Kim Loan đang nổi với "Căn Nhà Ngoại
Ô" nên ông nhân viên hộ tịch mơ mộng đã ghi lộn tên tôi thành Kim Loan.
Mang tên của một ca sĩ nổi tiếng nhưng kết quả thế nào thì mọi người biết rồi đấy:
“Tôi ca không hay, tôi đàn nghe cũng dở”.
Qua đến Canada thì
tên “Loan” của tôi có nghĩa là “Nợ”, nhiều người khi đi học, mua xe, mua nhà đều
trải qua, rồi than vãn: “Sầu vì Loan”, “Nghèo vì Loan”. Hãi hùng nhất là
các quảng cáo của mấy chuyên gia cố vấn tài chánh, nào là: “Nói Không Với
Loan”, “Tránh Xa Loan Xấu”, “Làm Thế Nào Để Thanh Toán Loan Mau Lẹ”… Thiệt là
đau lòng!
Dù sao cũng có
chút an ủi, tuy tên “Loan” nhưng tôi không nợ nần tiền bạc gì của ai (nợ chuyện
khác thì có, để kiếp sau trả!)
Đời không như là
tên, đôi khi còn ngược lại, nhưng có ai nỡ đặt tên con là Nguyễn Vô Phước để sẽ
được Hữu Phước, hoặc Lê Văn Nghèo để sẽ thành người giàu có, phải không quý vị?
Kim Loan