(But why does she not speak? Euripides - Alcestis Nhưng
tại sao nàng không nói?)
Anh đạp thắng gấp. Bánh xe siết lên mặt đường sỏi
đá. Chiếc Jeep rùng rùng mấy cái rồi dừng hẳn để lại trên đường hai
vạch dài song song. Một người đàn bà vừa chạy vụt qua trước mặt xe.
Đường vắng. Anh tắt máy, nhảy nhanh xuống xe, cau có nhìn theo, miệng
lẩm bẩm gắt. Không, đấy là một cô gái còn trẻ lắm, khoảng trên 20
tuổi. Cô gái đã bước lên lề đường rồi, bỗng vội vã quay lại. Cô rụt
rè tiến đến gần anh, ấp úng:
“Xin lỗi ông. Tôi, tôi ...”
Anh nói như quát:
“Cô ẩu quá. Có ngày rồi đời. Cái đồ ...” Anh định
mắng.
“Thưa ông nói chi?”
“Có ngày rồi đời!”
Anh nhủ thầm mình nói cái lối miền Trung này có lẽ
cô ta không hiểu. Nhưng cóc cần. Không trả lời câu hỏi, anh nói tiếp:
“Có răng không. Có sao không cô?”
Cô gái bỗng nhìn anh chăm chú. Khuôn mặt cô bỗng như
tỏa sáng, đôi mắt dường như vừa bắt gặp một điểm khuất xa xôi nào
đó, loé lên những màu sắc lạ. Đến lượt cô cũng không trả lời câu
hỏi của anh, nói ngập ngừng, giọng nói cao hẳn lên, nghe như tiếng reo
vui:
“Ô, ô, lạ chưa. Thưa, thưa có phải ông là bác sĩ ... bác
sĩ Khoa?”
“Đúng vậy. Nhưng sao cô biết. À, hình như ...”
Anh dừng lại nửa chừng, lim dim mắt, cố nhớ. Hình
như, hình như cái quái gì nhỉ. Cái bực dọc bỗng tan biến nhanh.
Trước người đẹp anh dễ dàng quên mọi bực dọc. Cô bé này trông là
lạ, có duyên ngầm, có sức lôi cuốn bí mật. Và nụ cười không thành
tiếng đó, giọng nói ngập ngừng nghe quen quen đó, anh cố nhớ. Mà quá
khứ như bị sương mù dày đặc bao phủ. Lẩn quất, trốn tránh. Kín bưng.
Anh không thể nhớ gì thêm nữa.
“Chắc ông quên rồi...Quên tôi rồi. Mà
cũng phải thôi. Chuyện xẩy ra khá lâu, đã trở thành xưa cũ đối với
ông. Nhưng tôi thì ... nhớ lắm. Dạ, dạ, dĩ nhiên phải nhớ.”
Cuối câu nói là một nụ cười thầm lặng, không thành
tiếng. Cười bằng mắt, bằng khuôn mặt xinh đẹp bỗng sáng ngời ra. Anh
giàu tưởng tượng chăng? Không phải thế đâu, anh từng gặp những cái
nhìn làm tối sầm trời đất khi anh bỡn cợt một cách thô bỉ, vô lối
trước những người đẹp kênh kiệu anh từng gặp. Anh biết đó là tính
xấu khó ưa, nhưng anh không chịu bỏ. Anh biết anh còn nhiều tính xấu
khác nữa. Còn khuôn mặt này thì sáng ra, làm sáng cả một vùng không
gian chung quanh.
Đúng, anh vẫn quên, nhưng anh cứ nói, “Làm sao tôi quên
cô được.” Cô nào đây? Gặp người đẹp nào anh cũng tán riết, mà người
đẹp trên cõi đời này đếm sao cho hết, nhớ sao cho xuể. Nhưng thú nhận
quên sẽ “mất thớ”. Anh nói khỏa lấp:
“Này cô, hãy khoan nói cái chuyện cũ đó cái đã. Tôi
cũng nhớ chứ. Nhớ rất rõ. Để tôi lái chiếc xe đậu sát vào lề
đường đâu vào đấy, rồi ta nói chuyện tiếp.”
Cô gái nhắc lại, như thách thức, như biết trước rằng
anh chẳng nhớ được gì:
“Nói chuyện tiếp tức là nói cái chuyện cũ đó cái
đã, phải không thưa bác sĩ?”
Thấy cô này có vẻ “chịu chơi”, anh mời mọc ngay như
anh vẫn thường làm như thế, có khi thành công, có khi bị từ chối thẳng
thừng:
“Trời nóng quá. Hay hai anh em ta hãy vào quán nước
ngay đây kiếm cái gì uống. Rồi tha hồ nói chuyện cũ ... và chuyện
mới nữa nhé.”
Cô gái có vẻ bỡ ngỡ, nhưng nhận lời.
*
Trận đánh vô cùng ác liệt. Sau hơn 2 tiếng đồng hồ
dằng co, cầm cự, cuối cùng quân địch đã tháo chạy mất hút sau những
ngọn đồi chập chùng, bỏ lại trên chiến địa mấy chục xác chết, và
một số thương binh không kịp mang theo. Thương vong bên ta cũng không ít.
Cây cối quanh vùng ngã nghiêng, lá xanh bị băm vằm vãi ra đầy mặt
đất. Những thân cây to lỗ chỗ nhiều dấu đạn, cành gãy nát. Nhiều
ngọn cây gục xuống trông như đầu người tử tù vừa lãnh viên đạn ân
huệ. Cỏ thì có đám cháy đen, có đám úa đỏ, trên đó loang lổ những
vũng máu còn tươi. Dăm ba túp lều bỏ hoang cháy tiêu hết mái, hết
phên, còn trơ lại nền đất đen, và vài cái cột làm bằng cây mít cong
queo cháy hơn một nửa. Lại có nhiều hố bom dù trong trận vừa xẩy ra
không có phi cơ oanh kích.
Thì ra nơi đây từng là trận địa, nhưng cây cỏ đã mọc
lên xanh um, hố bom đã trở thành vũng nước vào mùa mưa có cá lội,
và vào mùa khô thì đấy là những cái lũng khá sâu cỏ tranh cao hơn
đầu người chen nhau mọc. Nay lại trở nơi này. Đánh nhau. Cây, lá.
cành, cỏ lại tan hoang. Đã đánh nhau gần 20 năm rồi. Nhiều dịp trở
lại giết nhau nơi chốn binh lửa cũ. Những “dấu binh lửa” ấy cũng có
thể gây chút chạnh lòng nơi người tình cờ qua đó:
Dấu binh lửa nước non như cũ
Kẻ hành nhân qua đó chạnh thương [1]
Nhưng đối với người lính trận dãi dầu, trở lại
những chiến địa cũ nay lại sắp trở thành nơi tàn sát nhau một lần nữa,
lòng hẳn không khỏi cảm thấy chùng lại, buồn rầu, ngán ngẩm. Hôm qua
đánh, hôm nay đánh, ngày mai lại tiếp tục đánh. Cho đến khi nào?
Trong khoảnh khắc, trời đất bỗng nhiên hoàn toàn im
hơi lặng tiếng. Như tắt hơi. Như nín thở. Chỉ còn mơ hồ như thể nghe
thấy từ những đám cỏ cháy đen tiếng rể cỏ trong lòng đất muốn trở
mình cùng với vô vàn côn trùng bị thiêu đốt lại ngo ngoe tìm chút hơi
thở. Xa xa tiếng suối reo như trong quá khứ. Nhưng không nghe thấy tiếng
chim. Trong khi gần chân trời thấp thoáng mấy cánh quạ đen, và kênh
kênh.
Bỗng rì rầm tiếng động cơ. Một xe bọc sắt xuất
hiện. Từ trên xe nhảy xuống mấy chiến binh và một sĩ quan. Đấy là
nhóm y tá và Khoa, trung uý y sĩ của tiểu đoàn Nhảy Dù vừa chạm
trán với Cộng quân. Trong cấp số của tiểu đoàn Nhảy Dù có bác sĩ
quân y. Họ vội vàng chạy nhanh đến những thương binh nằm rải rác sau
những mô đất, trong những bụi rậm còn bốc khói, kêu cứu, rên la. Và
họ “lựa thương” – ưu tiên săn sóc, hoặc cho tải thương bằng trực thăng
những chiến sĩ bị thương nặng. Thương binh của quân địch cũng thường
được chiếu cố, nhưng không tận tâm bằng.
Dường như tiếng rên rỉ rất nhỏ đâu đây văng vẳng trong
gió. Một y tá đi cạnh Khoa bèn đứng lại ngoảnh mặt nghe ngóng, rồi
chậm rãi đi lần đến một đám cỏ tranh cao hơn đầu người còn sót lại
nằm dưới một lũng thấp. Hố bom cũ. Tranh vốn dễ cháy. Những đám cỏ
tranh khác quanh đấy đều cháy rụi đến tận gốc.
“Thưa bác sĩ. Bác sĩ, bác sĩ ơi, tới ngay đây!” Người y tá la lớn.
Khoa vội vàng
tới. Một người con gái mặc đồ đen, mang dép râu, nằm thoi thóp trong
đám cỏ tranh, rên khe khẽ. Tóc rối tung che gần hết khuôn mặt tái
mét, máu ướt đẫm ống quần quần đen rách nát hòa lẫn với đất, cát,
bụi. Bên cạnh hông, một khẩu AK. Khoa nhận thấy mạch của cô gái xuống
thấp quá, đã mất nhiều máu. Chẳng biết cứu sống được hay không,
nhưng nếu chậm trễ, cái chết chắc chắn đến. Nhân tiện có một bạn
đồng ngũ của anh bị thương nặng, anh sắp xếp cho trực thăng đưa ngay
bạn về thẳng Tổng Y Viện Duy Tân của thành phố Đà Nẵng, thay vì đến
Bệnh Viện Dã Chiến, anh cho cô Việt Cộng về đấy luôn thể.
Sau đó, Khoa
được nghỉ phép mấy ngày. Anh về thành phố, tìm đến nhà người bạn
thường tổ chức “khiêu vũ gia đình”. Và tìm gái. Đời lính, cái sống,
cái chết kề cận. Thì phải tận hưởng những giây phút còn hiện hữu
trên cõi đời này. Hiện tại mà thôi, anh ngẫm nghĩ. Sá gì mục tiêu
lâu dài viển vông, sá gì tương lai mù mịt. Chỉ cần những dự tính cho
vài ba ngày sau là đủ. Câu nói dân gian “sống rày thác mai” nghe như
tiếng réo gọi thường trực bên tai anh. Cho nên có dịp là anh sống hết
mình, tung hê, thác loạn. Thời gian nghỉ phép là cái dịp đó. Tuy thế
anh cũng không thể nào quên người bạn đồng ngũ đang được chữa trị
tại Tổng Y Viện. Anh rất quý bạn bè.
Thăm bạn tình
cờ gặp người con gái của phe địch được săn sóc gần đấy. Và anh nhớ
ra, dừng lại bên giường bệnh, hỏi han vài câu chiếu lệ.
Cô bị mấy mảnh
đạn xuyên vào ống chân, chạm vào xương, mất máu nhiều. Tóc cắt ngắn
luộm thuộm không uốn, mặt mày xanh xao, gầy guộc, phờ phạc, nhưng sức
khoẻ ổn định. Người y tá khu đó nhắc khéo cho cô biết rằng nhờ bác
sĩ Khoa này cô mới được đưa ngay vào đây và được cứu sống. Anh không
để ý đến nhan sắc của cô, chỉ nghe được tiếng nói khe khẽ, khó khăn,
ngập ngừng:
“Thưa bác sĩ,
tôi, tôi thật không ngờ. Được. Được ...Tôi không biết nói, nói sao,cho
...”
“Cô khỏi nói.
Nghỉ ngơi cho mau khoẻ nhé.” Anh vui vẻ đáp.
“Dạ, dạ. Tôi
xin cám ...”
Anh ngắt lời:
“Có răng mô. Có
gì đâu. Đó là nhiệm vụ của tôi. Chúc cô mau bình phục. À mà cô tên
chi?”
“Dạ, dạ tên
Hằng, thưa thưa ...”
Anh khoa tay,
rồi từ giã bằng cái nắm nhẹ vào bàn tay xanh xao của người bệnh.
Anh dốc chai bia
uống cạn, nói tía lia:
“Xin lỗi tôi
nhớ lộn. Vâng, cô tên Hằng chứ không phải Hà. Bây giờ chắc chắn tôi
không bao giờ quên nữa đâu. Đã ghi xương khắc cốt rồi. Hằng, Hằng Nga,
người đẹp cung trăng. Cho phép tôi gọi cô là Hằng nhé. Cho thân mật.”
“Dạ, dạ, tùy
bác sĩ.”
Anh kín đáo
ngắm người con gái anh gặp lần đầu tiên cách đây 3 năm trong trận đánh
gần Quảng Trị. Nay, như một phép lạ, cô đã trở thành một thiếu nữ
quá đẹp mà anh không thể nào nhận ra nổi trừ giọng nói. Thế là anh
cảm thấy lòng phơi phới, không mảy may nhớ gì đến cái chuyện suýt
xẩy ra tai nạn. Mái tóc ngắn đằng trước được uốn cong cụp vào trán,
che gần một nửa khuôn mặt; nốt ruồi đen bên mé cằm mà anh muốn đưa
tay sờ cho biết thiệt hay giả; nụ cười âm thầm không thành tiếng nở
ra từ hai làn môi son nhạt trông như nửa cánh hoa hồng hàm tiếu; giọng
nói khe khẽ, ngập ngừng nghe thân ái như đã yêu nhau từ bao giờ. Và
cái dáng thon thon trong chiếc áo dài lụa trắng tha thướt,quần cũng
lụa trắng mỏng.
Có khi anh
thoáng liếc thấy phần “hở hang”nơi người đẹp. Không phải là cái phần
trên khá lộ liễu của cặp vú như kiểu trang phục Tây Phương, mà là hai
hình tam gíác cân hai bên hông của Hằng, tạo nên bằng đường viền của
tà áo trước, tà áo sau, và lưng quần. Cái tam giác nhỏ nhắn bỏ ngỏ
đó để lộ một chút da thịt của người con gái khi ẩn khi hiện theo
dáng đứng, dáng ngồi, hay bước chân đi. Khi thấy Hằng có vẻ ngượng
ngập, anh vội nhìn nơi khác. Anh nghĩ đàn bà thật khó hiểu, và tự mâu
thuẫn nữa. Cố ý phô bày những nét lôi cuốn, nhưng khi thành công
nghĩa là lôi cuốn được thì lại tỏ ra bất mãn. Có khi thiếu đường
muốn đưa người ta ra toà vì cái tội sách nhiễu tình dục bằng mắt!
Hay đấy là cái tội quá sỗ sàng chăng? Vậy người bị lôi cuốn phải
biết cách thưởng ngoạn, nghĩa là chỉ nhìn lén lút, kín đáo, vụng
trộm thế nào cho cả hai bên đạo đức giả đều có thể ngấm ngầm hiểu
nhau thôi.
“Thưa bác sĩ,
bác sĩ mới về phép ... phải không ạ?”
“Sao Hằng biết?
Nhưng ... nhưng ...” Anh bắt chước cô gái làm bộ ngập ngừng.
“Dạ?”
“Nhưng Hằng
đừng nói thưa bác sĩ. Nghe nó khách sáo lắm. Đã quen biết nhau, Hằng
gọi tôi là anh đi. Tôi chắc chắn lớn tuổi hơn Hằng mà.”
Từ đó giao du
giữa hai người ngày càng thân mật, đằm thắm. Khoa nhiều khi tự hỏi
mình đang yêu? Vô lý. Mình còn có thể yêu như thời mới lớn? Mình
khác những năm trước đây nhiều lắm, muốn nhỏ dại lại chăng? Không còn
chuyện gặp người đẹp nào cũng tìm mọi các tán tỉnh, có khi chung
sống trong một thời gian ngắn, rồi mau chán, mau quên. Từ khi gặp
Hằng, anh dành tất cả ngày phép cho cô. Nhiều lúc anh còn bịa chuyện
khẩn cấp năn nỉ bạn bè thay thế cho anh năm ba ngày tại đơn vị để anh
được thêm thời gian gần gũi nàng.
Anh đưa Hằng đi
ăn tại những nhà hàng sang trọng ở Đà Nẵng, ở Huế. Thuê thuyền chạy
dọc trên con sông nước trong veo, thơm và đẹp ra đến tận cửa biển rồi
quay vào trung tâm thành phố. Còn thì giờ cho thuyền đi ngược lên phía
thượng nguồn. Bay vào Sài Gòn vô vũ trường. Vô phòng ngủ. Để thay
đổi khung cảnh – Hằng muốn thế -- anh mặc áo thường dân, cùng Hằng
về những vùng thôn quê Miền Tây thiếu an ninh, nhìn đồng lúa bao la,
nghe tiếng súng xa, và ôn lại thời gian hai người còn ở hai bên chiến
tuyến.
Có khi qua vườn
mía cây cao quá đầu, ngoại ô Sài Gòn, cặp tình nhân ngồi bên nhau,
nằm bên nhau trên tấm trải tình tự say đắm. Như sống trong một thế
giới thần tiên hoàn toàn biệt lập với loài người.
Hết tiền lương
tháng thì anh mượn quanh bạn bè. Cũng may anh được bạn bè thương mến
và tin tưởng nên anh không bận tâm lắm về vấn đề tài chánh.
Nhưng cái “đòi
hỏi cuối cùng” của anh thì Hằng nhất quyết không đáp ứng.
“Em cổ lỗ lắm.
Anh, xin anh tha thứ. Thôi, thôi anh. Khoan đã anh. Em xin anh. Em sợ. Anh
đã định ... đã định mình sẽ lập gia đình mà. Lúc đó chưa muộn.”
“Vâng, nhất
định là vậy. Sao em còn hỏi tới hỏi lui chuyện đó. Em chưa tin anh?”
“Dạ, dạ. Em tin
anh lắm. Không có chút nghi ngờ nào cả. Nhưng khi nào hả anh?”
“Khi nào về chuyện
gi?”
“Khi nào mình
ở hẳn với nhau.”
Anh nghĩ ngợi
khá lâu:
“Càng sớm càng
tốt. Chỉ có điều ...”
“...”
“Cái chiến
tranh khốn nạn này biết ngày nào mới chấm dứt. Lỡ anh ...”
Hằng thảng
thốt chăm chú lắng nghe. Anh nói tiếp, giọng rầu rầu:
“Anh có mấy
thằng bạn thân từ thời còn Trung Học. Rồi lên Đại Học cùng thi vào
được Y Khoa Sài Gòn. Và cũng thật lạ là cùng vào binh chủng thiện
chiến Nhảy Dù này. Càng thiện chiến càng tha hồ đụng trận, thì
càng mau ... mau từ biệt cuộc đời. Đã có mấy thằng ... Vợ con mẹ
goá con côi.”
Bỗng anh chợt
thấy mình nói ba hoa hơi nhiều. Và lỡ lời. Anh cảm thấy bàn tay Hằng
nắm chặt tay anh, cặp mắt lộ vẻ hoang mang, hoảng hốt. Anh hiểu ra
ngay, cố tìm cách khỏa lấp theo cái kiểu “ba trợn” của mình :
“Em sao vậy. Đó
là anh nói đến bạn bè. Anh thì khác, em yên tâm. À, à, tối nay mình
ăn cái gì cho lạ miệng nhỉ?” Anh làm bộ nhíu mày suy nghĩ. “Hay là
ta thử cùng nhau tới Ngã Ba Ông Tạ?”
Nàng ngơ ngác:
“Để làm gì
vậy anh?”
“Ăn thịt chó.”
Hằng không
hưởng ứng lối nói đùa đó, lạnh lùng trả lời:
“Em tu, không ăn
được đâu.” Nói xong cô ngồi dậy sửa mái tóc, lặng lẽ nhìn những
ngọn lá mía dài, uốn cong, đu đưa trong gió. Anh cũng không còn muốn
nói đùa nữa. Mỗi người theo đuổi ý nghĩ riêng.
Một con cào
cào từ cây mía bay đến đậu ngay trên chiếc ví của Hằng. Anh trở mình
chồm tới đưa tay định túm lấy hai cái chân sau của nó. Để làm gì,
anh không biết. Hình như nó cảm nhận được sự nguy hiểm dù hai con mắt
lồi của nó có lẽ không trông thấy gì, nó bay vụt lên không trung càng
lúc càng cao. Hai người nhìn theo. Bỗng chẳng biết từ đâu xuất hiện
một con chim sâu bay nhanh theo hướng con cào cào. Cả hai mất hút cuối
vườn mía. Hằng quay lại nhìn anh nói:
“Thôi mình về
đi anh.”
“Cho anh nằm yên
bên em thêm một chốc nữa nhé. Một chút thôi.”
Anh ngẫm nghĩ.
Cô này tính sai rồi. Chẳng trước thì sau, kết cục cũng thế thôi. Đầu
vườn hay cuối vườn có khác gì nhau. Nếu thật sự yêu nhau thì đừng
tính chuyện lâu dài. Mà muốn tính cũng không được. Không hứa hẹn,
không đám cưới. Con gái ai lại đi lấy chồng lính vào thời buổi loạn
ly để chóng trở thành quả phụ hay sao? Nhưng cô nàng quá “cổ lỗ”.
Vấn đề là ở đó. Thôi, từ từ hẵng tính. Anh nhớ câu nói khơi khơi,
rất vô trách nhiệm, Hãy để những gì khó khăn tự giải quyết lấy.
Bố là Thượng
Úy, liệt sĩ. Chỉ có hai bố con sống bên nhau, cô thương yêu bố vô
cùng. Thật ra cô vốn là người Miền Nam, được bố mang theo tập kết ra
Bắc năm 1954 lúc cô còn trong trứng nước. Cũng lạ. Mẹ ở lại trong Nam
với đứa con trai lớn hơn cô 4 tuổi. Cô không biết tại sao mẹ và anh
không theo bố, và anh lấy họ Nguyễn, tức là họ mẹ. Có lẽ bố mẹ
không thuận thảo nhau, ai đi đường nấy. Bố kể lại anh cô hồi nhỏ có
lần chạy ra đường cái chơi một mình bị xe nhà binh cán gãy chân,
phải bó bột nằm nhà thương cả tháng trời. Cô không bao giờ quên những
gì bố nói, và những gì bố dặn dò khi cô đã vào Trung Học và trở một
thành thiếu nữ xinh đẹp nhất trường.
Nay bố không
còn. Tứ cố vô thân, cô tình nguyện vào Bộ Đội sau khi xong Trung Học
hệ 10 năm ở Miền Bắc. Cô theo binh nghiệp cũng có phần muốn theo gương
bố, cô tự hỏi. Rồi bị bắn gãy ống chân, được cho vào bệnh viện lớn
chữa trị như đã nói trên.
Cô còn trẻ
lắm, mới 17 tuổi, bình phục nhanh chóng. Bị đưa vào những khoá Chiêu
Hồi, thoạt tiên cô miễn cưỡng tham dự. Vốn ít nói, thông minh, cần
cù, chăm chỉ, cô tranh thủ giành thì giờ rảnh rỗi học đánh máy chữ,
tốc ký, học y tá, rồi học luôn cả lớp kế toán tài chánh. Môn gì cô
cũng thấy mới lạ, môn gì cô cũng thích. Cô nhận thấy ngay rằng cuộc
sống trong Nam rất dễ chịu, thoải mái. Với những mảnh bằng cấp tốc,
cô xin được một lúc ba việc làm. Cô chọn làm nhân viên kế toán cho
một công ty khá lớn, và ở hẳn trong Sài Gòn. Cô thông minh, ý tứ,
giỏi nên tiến nhanh trong nghề nghiệp.
Nhưng Miền Nam
cũng lạ thật. Chuyện chính trị, ngay cả trong lúc dầu sôi lửa bỏng,
cũng không được chú trọng mấy. Không phân biệt trắng đen rõ ràng, ai
là bạn, ai là thù. Đối lập nhau về ý thức hệ, chủ nghĩa, nhưng nếu
là bạn thì vẫn là bạn, không ám hại nhau, không thủ tiêu nhau. Và
không kể lể ơn nghĩa rườm rà. Cứu cả một mạng sống, rồi quên bẵng
kẻ chịu ơn, ôi cái ông bác sĩ đó. Con người không bị ràng buộc chằng
chịt, không ai phải khom lưng đội ơn ai cả. Không ơn Bác, không ơn Đảng.
Cha mẹ sinh ra con, đùm bọc, nuôi nấng công lao như trời biển, nhưng nếu
cứ kể lể, đứa con cũng dọn nhà đi ở nơi khác huống hồ nhà nước
đối với người dân. Hơn nữa, đối kháng không bị coi là phản động, mà
là góp ý. Đời sống tư không bị canh chừng dòm ngó. Không ai bị đưa
vào nhà tù hay nhà thương điên khi đả kích kẻ cầm quyền. Có phải
đấy là bản chất của xã hội tự do, dân chủ chăng? Theo thời gian,
Hằng yêu dần cuộc sống mới.
Cô thường nhớ
đến cuộc gặp gỡ chớp nhoáng với người ân nhân, Bác Sĩ Khoa. Cái ông
kỳ lạ, nhưng làm cô suy nghĩ nhiều. Hôm ở giường bệnh, mình nói chưa
xong lời cám ơn, ông đã biến. Và cái nắm tay hấp tấp. Phải tìm ông
ấy. Và phải biếu người ta tí quà. Cô chưa quen nếp sống trong Nam,
không có nhiều tiền, không biết món quà phải như thế nào cho xứng
đáng với ơn cứu sống. Cô nhớ hồi còn ở Bắc nghèo khổ, người ta quý
cây viết máy hiệu Parker và chiếc đồng hồ Thụy Sĩ. Cô đã mua được
cây viết, gói lại cẩn thận, cất trong đáy va-li. Nhưng bận bịu quá,
nào đi học thêm, nào kiếm sống, cô chưa có thì giờ đi dò la tìm địa
chỉ của ân nhân.
11/2. Cái tình
cờ thật lạ lùng, suýt bị tai nạn, lại được gặp người mình muốn
tìm. Ông này ba hoa, nói nhiều. Khác tính mình quá. Thích gọi bằng
anh? Cũng được chứ sao. Anh trổ tài tán tỉnh, càng lúc càng sôi nổi.
Đúng là cái loại đàn ông đàn điếm gặp người nào vừa mắt là ra sức
chiếm đoạt. Và khi chiếm đoạt xong, có lẽ chẳng bao lâu sẽ ruồng bỏ.
Con đâu có ngu, con nhớ lời bố. Nhưng khổ nỗi, đấy lại là ân nhân.
Thưa anh cho tôi xin rút bớt vài ý nghĩ không được tốt về anh nhé.
25/4. Dường như
bên trong cái dáng ngông nghênh bất cần đời, đằng sau lời nói lung
tung, vung vít, có cái gì chạm được ... khó nói quá ... chạm được
cuộc sống thật. Nó thô tháp, trần trụi, và có phần bi thảm. Yêu? Anh
gặp em là yêu ngay, không chút phân vân. Lại huyên thuyên? Và khát sống?
Muốn gì vậy? Nhưng đồng thời anh sợ ngày mai. Cũng tội nghiệp. Dù
gì chăng nữa, mình phải đề phòng, cảnh giác.
12/5. Nhận được
thư thăm hỏi sức khoẻ. Viết cũng như nói, ba hoa chích choè. Mình hơi
khó chịu nhưng sẽ không bao giờ tỏ cho anh biết điều đó. Sợ? Sợ gì
vậy?
10/6. Lại thư.
Chịu khó viết thư nhỉ. Càng nồng nàn, càng suồng sã, càng dữ tợn.
Mình không ưa ái lối tỏ tình quái đản đó.
28/7. Lạ chưa.
Tôi mong thư anh. Sao lâu quá không thấy.
29/10. Anh bị
thương. Xa xôi thân gái. Không thể bỏ dở công việc làm ăn, làm sao đi
thăm? Chỉ biết cầu mong chóng bình phục.
31//12. Đánh
nhau dữ dội. Ngã ngũ thì mình sẽ đứng phe nào? Cuối năm rồi. Bồn
chồn mong thư. Hay anh đã quên tôi? Hay lại bị thương? Mong anh bình yên.
23/1. Chàng,
gọi là chàng một mình như thế nhé cho nó lãng mạn. Chàng sắp về
phép khá lâu. Là bao lâu? Đánh nhau liên miên làm sao về được? Hay đào
ngũ? Không, chàng không bao giờ đào ngũ, mình biết rõ, dù luôn miệng
lên án chiến tranh. Và đồng thời lên án cái nguyên nhân của cuộc
chiến, tức là lên án “bọn xâm lăng” Miền Bắc. Làm mình lúng túng.
Vâng, mình theo phe nào? Mình vốn là bộ đội, nay càng ngày càng
thích cái cuộc sống hồn nhiên nơi đây, và đã trở thành người Miền
Nam rồi. Vậy giả dụ Miền Bắc thắng trận, liệu mình có được yên thân
không? Hay phải tìm cách trốn tránh. Còn nếu Miền Nam thắng, thì mọi
chuyện có lẽ sẽ đơn giản hơn. Mình sẽ lại được trở về nơi mà mình
đã sống suốt tuổi thơ ấu, và tuổi hoa niên? Biết bao nhiêu kỷ niệm.
Hơn một năm đã
trôi qua kể từ ngày họ gặp lại nhau khi chàng lái xe jeep, và nàng
băng qua đường. Từ lạ đến quen, từ ngộ nhận đến hiểu biết, từ sơ
đến thân. Và họ yêu nhau. Một lần, Hằng kể cho Khoa nghe chuyện cũ.
Cha đi tập kết, Hằng theo cha, mẹ ở lại trong Nam với người anh. Và
họ mất hẳn liên lạc. Về sau, cha tử trận.
Cha nàng tử
trận? Trận nào, anh tự hỏi? Có mình trong trận đó không? Lỡ có?
Thấy lôi thôi, Khoa muốn kết thúc câu chuyện ngay, bô bô nói – anh có
cái tật ăn nói ẩu tả:
“Hết chuyện cũ
bây giờ hãy nói chuyện mới. Cô Việt Cộng của tôi bị tôi bắn trúng
ngay vào đùi cách đây 3 năm, ô tôi nói lộn rồi, bị tôi bắn vào ống
chân. Chắc còn nhớ và còn giận. Hồi đó cô mấy tuổi?”
Hằng không trả
lời, bắt bẻ:
“Anh bắn em bao
giờ vậy?”
“Bạn anh hay
lính của anh bắn thì cũng như anh bắn.”
“Thế à.”
“Nhưng cô chưa
trả lời câu tôi hỏi. Hồi đó em mấy tuổi?’
“Dạ, 17 tuổi.”
“Vậy anh hơn em
4 tuổi.”
Vào thời buổi
loạn lạc, anh, gia đình anh tản cư mấy lần. Hồi cư đi học trễ, anh
phải khai trụt xuống 2 tuổi lúc làm Chứng Chỉ Thế Vì Khai Sinh. Thật
ra anh hơn Hằng 6 tuổi.
“Mà này, cô
Bắc Kỳ phải nói vâng mới đúng.”
“Dạ, hồi còn
bé em nói thế. Sau vô Nam nghe dạ dạ thật lạ tai nên bắt chước dùng
thử. Sau quen mồm, xin bác sĩ tha lỗi.”
Hai người cùng
cười vui vẻ.
“Lại còn
chuyện này mới hy hữu chứ. Em từng bị bắn gãy chân thì cái chân của
anh cũng đã từng bị gãy.”
Nghe ngang đấy,
Hằng ngạc nhiên. Cô chăm chú nhìn anh như muốn khám phá ra điều gì,
và rụt rè hỏi, giọng run run:
“Anh nói đùa.
Phải không anh?”
Khoa cười to:
“Sao lại đùa.
Chuyện này không phải là chuyện đùa được.”
Anh đụng trận
nhiều lần, mảnh đạn ghim vào người nhiều nơi, chưa lấy ra hết, có
mảnh còn sót trong đầu. Cố nhiên đạn trúng chân cũng có, nhưng nhằm
nhò gì. Gãy thì được nghỉ phép nối lại. Xong thì trình diện đơn
vị. Xa đơn vị cũng nhớ.
Cô lại dịu
dàng hỏi tiếp:
“Dạ, em tin anh
không nói đùa. Nhưng ... nhưng em muốn biết đó có phải ... có phải là
đúng sự thật hay không?”
“Ô hay, hôm nay em
lạ nhỉ. Hỏi lẩn thẩn hoài. Dĩ nhiên anh có khi nói láo, nhiều khi
nói láo nữa là khác, nhưng lần này chắc chắn không nói láo đâu.”
Hằng im lặng,
quay mặt đi nơi khác. Anh cầm hai vai nàng từ từ xoay người nàng lại
nhìn sâu vào khuôn mặt buồn rười rượi. Đôi mắt nàng rưng rưmg, đỏ hoe.
Khoa nằn nì hỏi tại sao. Hỏi mãi Hằng cũng nhất định không chịu trả
lời. Anh bực tức đứng dậy quay ngoắt người bước ào ào ra khỏi nhà.
Rồi đánh nhau
dữ dội. Đơn vị thiện chiến của anh nay cầm cự nơi này, mai trấn đóng
nơi khác, toàn là những tuyến lửa sắt máu. Thương vong khủng khiếp
cho cả ta lẫn địch. Không chút nghỉ ngơi, không tranh thủ được một
ngày nào để tìm thăm người yêu, anh nhớ Hằng như điên, như cuồng. Anh
lấy làm lạ tưởng rằng đi suốt cuộc hành trình dài trong chiến tranh,
trong bom đạn, thần chết vờn vờn nhảy múa ma trơi, thì mình đã trở
thành ù lì, chai sạn, tàn nhẫn, đểu cáng. Nhưng từ lúc gặp lại
Hằng sau khi nàng nằm bệnh viện, cái phút ban đầu ấy, nghe giọng nói
thỏ thẻ ngập ngừng, nhìn cặp mắt hoang mang sợ sệt, trông cái dáng
gầy gầy khép nép, đã bước lên lề đường còn rụt rè quay lại, anh
cảm nhận ra rằng, tuy miệng hầm hè, cự nự theo thói quen, mà lòng
thì êm ả vô cùng. Như bỗng dưng chợt thấy lại một hình ảnh nào đó
của thời thơ ấu thanh bình xa xưa nơi quê cũ, có tiếng chim kêu lảnh
lót trên cây bàng cao nhất xóm, có mấy con chuồn chuồn bay đứng một
chỗ trên không báo động cơn mưa sắp tới, có giọng hò ru em nghe buồn
ngủ quá của o gái bên nhà láng giềng, có dòng sông thơm và mát chảy
êm đềm qua các cồn các bãi.
Hay là còn lý
do nữa là trước một người mình đã cứu sống mà mình quên bẵng như
sỏi đá lăn lóc bên đường, rồi bỗng một hôm người đó tìm đến để xác
nhận sự tồn tại, mình mới biết cuộc sống này đáng yêu đến dường
nào.
Và nay, anh vẫn
băn khoăn khi nhớ lại lần gặp cuối cùng không biết tại sao Hằng bỗng
dưng trở chứng không chịu nói một lời. Thế mà đã gần một năm trời
trôi qua bặt âm vô tín. Anh tự trách mình nóng nảy quá, cứ tưởng lần
gặp kế tiếp anh sẽ bình tĩnh dần dần hỏi lại cho ra lẽ. Nào ngờ
tình hình chiến sự biến chuyển nhanh chóng quá, đơn vị anh đụng trận
không ngớt, và khi không đánh nhau thì phải cấm trại một trăm phần
trăm trong suốt nhiều tháng.
Rồi Miền Nam
thua trận. Anh và đơn vị của anh chiến đấu mãnh liệt cho đến khi vị
Tổng Thống cuối cùng ra lệnh bỏ súng đầu hàng. Anh trình diện đi
tập trung theo lệnh Quân Quản của chế độ mới, nghĩ rằng chỉ mươi
ngày thì được trở về với đời sống thường dân như được thông báo.
Thì sẽ vào Nam tìm Hằng ngay.
25/3. Sao tôi
khổ đến thế này. Thông thường nỗi khổ được san sẻ sẽ giảm bớt đi,
nhưng trong trường hợp này, nó không thế. Chắc chắn nó sẽ tăng lên
gấp bội. Cho nên em không thể nói cho anh biết được. Càng nói càng đau
lòng cho cả hai. Em chịu đựng một mình anh nhé, để anh yên tâm sống.
Đúng họ, tuổi ăn khớp, lại thương tích ống chân hồi bé. Anh có nói
bị gãy chân hồi bé? Đúng, anh có nói như thế mà. Ô hay, làm như thần
hồn nát thần tính. Thì còn nghi ngờ gì nữa. Vậy anh là anh ruột
của em. Không được! Phải xa nhau! Mãi mãi!
5/11. Cuối
cùng, sau gần một năm rưỡi, cũng tìm được khu rừng nơi anh bị tập
trung cải tạo khổ sai. Mang được một ít thuốc chữa sốt rét, kiết
lỵ. Một chai nước mắm, một ổ bánh mì không, một ổ bánh mì thịt.
Lặn lội hơn ba ngày đi thăm nuôi mà chỉ có chừng đó. Nhưng biết làm
sao. Ngồi cách xa nhau nói chuyện, có cán bộ đi lui, đi tới canh chừng
nghe ngóng. Thế mà anh cũng lén cho biết sẽ vượt ngục.
13/2. Trời Phật
che chở, anh đã về. Ôm chầm. Anh không dám ngồi lâu trong nhà. Hẹn hôm
sau gặp anh tại nhà của bạn anh, anh N. để bàn chuyện vượt biên cùng
gia đình N. Anh hôn ham hố, say sưa. Khổ thân cho tôi, đau đớn, sượng
sùng. Rồi anh vội đi ra khỏi cửa, biến nhanh trong đêm đen.
Anh Khoa của
em,
Em không bắt
đầu lá thư bằng “anh yêu” như mọi lần nữa. Anh! Em khổ lắm. Nhưng em
cũng phải để lại cho anh vài dòng. Anh nhận được thư này thì em đã
đi xa. Em đi vượt biên theo diện bán chính thức do một ông người Tàu
tổ chức. Chẳng biết sẽ đi về đâu.
Em thương anh
vô cùng, chắc anh biết. Nhưng thôi, hãy quên em đi. Và đừng hỏi vì sao.
Số kiếp của
anh em mình là thế đó. Được gặp nhau ngắn ngủi để xa nhau mãi mãi.
Xin anh giữ
gìn sức khoẻ, và cầu mong anh luôn luôn tai qua nạn khỏi.
Em,
Hằng
Khoa cầm lá
thư, sững sờ. Anh mở ra đọc đi, đọc lại mấy lần. Vợ chồng N. chờ anh
cho biết Hằng viết gì trong thư. Anh lắc đầu, lẩm bẩm: Tại sao.
5/2022
Ngự Thuyết