Tính từ năm 1975, khi VNCH rơi vào tay cộng sản nay đã gần
nửa thế kỷ. Những tác nhân gây ra cuộc chiến tương tàn ấy về cả hai phía nay đều
không còn nữa. Miền Nam với hai Tt. Ngô Đình Diệm-Nguyễn Văn Thiệu
đã mồ yên mả đẹp. Các tướng lãnh, các nhà chính trị, những nhà văn, trí thức cả
một thời coi như rụng hết.
Ông Hồ, Ông Lê Duẩn, ông Trường Chinh, ông Đỗ Mười, ông Võ Nguyên Giáp nay chỉ còn có tên trên đường phố Hà Nội. Vấn đề còn lại duy nhất là đảng cộng sản vẫn còn tồn tại. Nó vẫn là nguồn cơn của mọi biến động chính trị nội bộ và sự phủ nhận của cộng đồng người Việt hải ngoại khó quên và tương lai thế nào chưa có một một giải pháp nào rõ rệt cho.
Vấn đề của ngày hôm nay, chọn lựa cho chủ đề bài viết,
theo tôi, là một chọn lựa hợp lý, nay không còn thứ chiến tranh của những kẻ
đang còn sống. Cái còn lại duy nhất chỉ còn là một trận chiến ký ức giữa đôi
bên.
Bài viết này tôi viết lại những gì tôi đã sống, đã trải
nghiệm. Nó là một phần đời tôi cùng với nhiều người miền Nam khác cùng thế hệ-
trong đó có nhạc sĩ họ Trịnh và ‘’nữ hoàng chân đất Khánh Ly”. Và rất nhiều người
khác. Và cứ như thế, chúng tôi cùng lớn lên từ những biến động lịch sử đất nước
với tư cách người trong cuộc. Nhưng trong đó, đã có nhiều ngã rẽ chia lìa. Kẻ
bên ni, kẻ bên nớ và cuối cùng có thể vì nhiều lý do đã bị bỏ qua, bỏ quên
trong cái vườn quên lãng của Huế.
Ngày hôm nay, nếu còn điều chi để nói, cũng chỉ là trận
chiến ký ức. Bởi vì nhiều người đã trở về với cát bụi. Riêng bản thân Trịnh
Công Sơn: Cát bụi đã trở về với cát bụi. <Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi>.
Cũng xong một kiếp người.
Tôi chẳng quen biết và ân oán gì với TCS. Thời trẻ, tôi
cũng thích nghe nhạc Trịnh cũng như nhạc Phạm Duy, Văn Cao, Cung Tiến và nhiều
nhạc sĩ khác. Nhưng nay xem ra nhạc Trịnh đang trở thành một hiện tượng ‘ thời
thượng”. Với nhiều Sô trình diễn, ngoài Khánh Ly, còn nhiều ca sĩ khác cũng hát
nhạc Trịnh. Thêm cô em gái út Trịnh Vĩnh Trinh lố lăng, ăn theo tên tuổi anh
mình (Theo tôi được biết, không có một sô nào được trình diễn chính
thức trong cộng đồng hải ngoại). Điều ấy đặt ra những câu hỏi. Phải chăng nhạc
Trịnh đã được Hà Nội bật đèn xanh, gián tiếp cổ vũ. Nó cũng giống như việc cổ
vũ cho dịch vụ đá banh tạo ra một đám đông quá hăng say. Tôi tạm gọi đây là một
: Liều thuốc ngủ qua đêm đối với người trong nước. .
Tất cả những điều ấy buộc tôi phải suy nghĩ lại, tại sao
TCS đã nổi đình đám sau khi đã chết.
Đã có nhiều người khác quý mến ông hoặc thù ghét ông đã
không thể quên. Vì thế, khi viết lại, tôi chấp nhận những rủi ro những ngộ nhận
hoặc không đồng chính kiến, ngay cả sự sự khó chịu, bực bội của ai đó.
Và bản thân, mỗi khi cầm bút, thú thực tôi cũng không
mong đợi được mọi người đồng ý.
Nhưng người đọc, thế hệ nối tiếp, nhất là người miền Bắc
hoặc người Việt trong nước đã bị điều kiện hóa, họ cũng gặp rủi ro, vì họ gặp
phải ý kiến trái chiều của tôi. Biết làm thế nào được.
Nhưng cứ giả dụ tôi viết đúng theo nhu cầu của người khác
thì vị tất đã là điều hay. Bởi vì như thế, cái rủi ro là họ đang đọc chính
mình, soi gương chỉ thấy chính mình trong gương.
Tôi muốn dựa vai Jacques Derrida vận dụng ‘’ Giải Cấu
Trúc” để chiêm nghiệm cuộc Lưu đầy trên chính Quê Hương mình.
Tôi xác định tôi ở bên ni( Quốc gia)tìm hiểu về bên nớ (
bên kia) và ngay cả bên tê(bên nào khác).
Và đối với tôi, viết là một hành trình trước hết là tìm
điểm tựa như khởi điểm cho riêng mình- như một lẽ sống ở đời. Và trong tình huống
nào cũng không chấp nhận thói quen có sẵn vốn là lối mòn suy nghĩ.
- Trường
hợp Bùi Giáng-Phạm Công Thiện- Trịnh Công Sơn
Tôi gom cả ba vị vào một rổ vì một lý do rất đơn giản. Cái
chìa khóa để giải mã ba vị thiên tài trên là: Cái gì mà cộng sản ca tụng, vinh
danh. Cái đó có vấn đề. Không thể ngẫu nhiên và ngu dại gì,
người cộng sản rỗi hơi ca tụng người của chế độ Sài Gòn trước 1975. Khi còn
sinh thời, Bùi Giáng từng bị công an bắt giam.. Vậy mà sau này trở
thành biểu tượng thi ca Vô tiền khoáng hậu, bao la một trời
chữ nghĩa, trùng trùng một biển văn chương. Phạm Công Thiện cũng trở thành
biểu tượng của thiên tài như một áp đặt trên mọi người.
(Xin đọc thêm bài viết của tôi về Phạm
Công Thiện Và Bùi Giáng trên Đàn Chim Viet.info. Đã một thời như thế :
Trường hợp Bùi Giáng- Phạm Công Thiện, 01-012022. Trong đó, phần một tôi
phân tích họ qua dư luận, qua tài liệu những gì họ đã viết ra, đánh giá tài liệu.
Phần hai, dựa trên những triệu chứng tâm thần dưới con mắt khoa học hiện đại-
tài liệu do bác sĩ Nguyễn Đức Phùng, Neuropsychiatry), chuyên đề : những
triệu chứng tinh thần nặng trong thi ca của Bùi Giáng và Phạm Công Thiện. Trong
khi đó, Hà Nội mở các cuội tọa đàm văn chương để Phạm Công Thiện một mình tỏa
sáng. Đọc những bài phát biểu của Ban tổ chức gây khó chịu vì thiếu độ nghiêm
chỉnh, khách quan.
Cộng sản lợi dụng hai tên tuổi để chứng tỏ họ hiểu biết, họ
trân trọng tinh thần tự do, trọng người có tài. Hai nhà thơ, nhà văn Bùi Giáng
trước đây ở miền Nam cũng được nhiều người hâm mộ, quý mến. Nhưng cái thời ấy
hình như đã một thời như thế đã chìm vào quá khứ. Riêng trường hợp TCS là một
nhạc sĩ ở một lãnh vực khác, một quan điểm chính trị gây nhiều tranh cãi đặt
nhiều quan điiểm đối chọi nhau. Tôi cũng không muốn nói đến ca sĩ Khánh Ly và
nhiều ca sĩ khác đã hát nhạc Trịnh. Cùng lắm, họ chỉ ăn theo, được trả tiền hậu
hĩnh thì họ làm. Tiền thì vào túi bầu sô, phần còn lại vào bóp người đi hát. Kẻ
đã nằm xuống được gì. Hãy hỏi thẳng Khánh Ly đi. Chuyến đi hát kỷ niệm 60 năm
này của bà đi khắp VN. Bà được trả bao nhiêu tiền và TCS được trả
bao nhiêu tiền. Bà biết rõ hơn ai hết tại sao bà phải về VN hát nhạc Trịnh mà
không hát ở Cali chẳng hạn. Phải chăng bà chỉ là một công cụ của thời thế trước
1975 và nhất là bây giờ nằm trong cái bãy của cuộc chiến quá khứ.
Nguyên tắc là cái gì lợi cho Đảng thì họ dùng, họ lợi dụng.
- Trường
hợp Trịnh Công Sơn nay trở thành biểu tượng của Huế
Trước tiên, thời tuổi trẻ của TCS hoặc bất cứ người trẻ nào
khát vọng hòa bình đều là lý tưởng của cuộc sống. Hầu hết giới trẻ miền Nam đều
có mặt, không phải của riêng ai. Phản đối chiến tranh cũng là điều cần phải làm
thôi. Khi cuộc chiến càng dữ dội, ban đêm tiếng bom đạn dội về, cái chết gần kề
và những mất mát của bạn bè thì niềm khát vọng ấy càng mãnh liệt trở thành những
phong trào. Nó thật sự bùng phát từ những năm 1964-1969..
Hồi ấy, có những người trẻ “ xuống đường”, với
nhiều cuộc biểu tình. Họ tuyệt thực, chăng biểu ngữ, lấy hàng rào kẽm gai, khói
lựu đạn cay làm vốn vào đời, rực lửa đấu tranh. Họ hô hào, họ đả đảo, hận oán
nhà cầm quyền VNCH để tranh đấu cho hòa bình.
Hầu như có hai một trận tuyến: Một bên trong và một bên
ngoài thành phố.
Bên ngoài thành phố với bom đạn, mìn, đại bác với xác người
chết hy sinh, với những người dân quê vô tội.
Và một cuộc chiến bên trong thành phố cũng ác liệt không
kém. Họ là những sinh viên tranh đấu tại các Trường đại học như Luật khoa và
Văn Khoa. Họ là các dân biểu đối lập tại Hạ Nghị Viện với nhiều tên tuổi như
Ngô Công Đức, Dương Văn Ba, Hồ Ngọc Nhuận. Họ còn là nhũng chủ bút của các báo
như Thái Độ, Hành Trình, Đất Nước, Trình Bày.. Khối lượng lớn họ được xếp vào
thành phần phản chiến, lực lượng thứ ba. Tôi đã viết nhiều về họ trong những
giai đoạn ấy.
Tiếng hát của Khánh Ly và nhạc họ Trịnh xem ra hợp khẩu vị của
đám người này. Còn nhớ trên sân trường Đại học Văn Khoa, đôi trẻ tài cao cùng với
sinh viên nhịp vỗ tay hoan hô hòa bình, trong khi tiếng đại bác đã bắt đầu vọng
về thành phố. Nhưng sau đó nhiều thanh niên đã phải lên đường nhập ngũ. Còn họ,
họ đứng ở đâu trong thành phố này. Họ có phải đóng thuế máu cho cuộc chiến ấy.
Để sau đó, khi đã nổi tiếng, Khánh Ly đi hát ở các phòng trà, tiền vào bao
nhiêu nào ai biết được. TCS nằm xuống đã lâu, nay Khánh Ly về Việt Nam để kỷ niệm
60 năm đàn ca hát nhạc Trịnh. Bà đứng ở đâu để hát và hát cho ai, hát với nục
đích gì, hát để làm gì. Hỏi để mà hỏi thôi.
Nhưng một mặt khác, thời đó, đừng quên có những người trẻ đã
‘’lên đường” như những thanh niên thiện chí, dấn thân nhập cuộc, hy sinh
mình vì người khác như Phong trào Du Ca của Nguyễn Đức Quang và rất nhiều thanh
niên thiện chí. Như nhóm thanh niên quận 8 khởi dầu với các anh Đoàn Thanh Liêm
(đã mất ) và hoàng Ngọc Tuệ cùng nhiều thành viên khác như Hồ Công Hưng, Uông Đại
Bằng và nhiều giáo sư trẻ khác. Theo anh Trần Ngọc Báu, một người bạn cho tôi
biết Thanh niên là chỗ cho mọi người- chỗ cho mọi tôn giáo- không loại trừ. Đó
là cái không khí thoải mái bè bạn, một chút “phe phẩy”, “bốc đồng”, phi chính
trị, phi tôn giáo, phi ý thức hệ, phi mọi thứ giao động của cái thời kỳ cạnh
tranh, đấu đá. Họ tự học hỏi nhau, huấn luyện nhau trong nếp sống dân chủ, gặp
gỡ sinh hoạt chung trong một nếp sống lành mạnh và dân chủ.
Chỉ rất tiếc là sau đó thời cuộc cuốn hút họ vào cuộc chiến
tranh tương tàn để rồi tan rã. Tôi viết lại ở đây như một tưởng niệm tuổi trẻ
VNCH đã có một thời đáng sống.
Phần chót, phải kể đến thành phần phía bên Tê, gồm những người
trẻ theo cộng sản nằm vùng phá phách bằng bom đạn kiểu bọn Huỳnh Tấn Mẫm, Dương
Văn Đầy. Cao thị Quế Hương và chồng là Phương bị chết trong tù. Nguyễn Xuân Lập,
Trần Thị Lan, Phạm Trọng Cầu ( Xin xem đầy đủ những hoạt động của họ cũng như
tên tuổi trong cuốn sách: Trui rèn trong lửa đỏ, do những
thành tích hoạt động do chính họ viết ra.)
- Vấn
đề ở đây là Hòa bình kiểu nào? Có nhiều kiểu lắm.
Có kiểu đòi hòa bình của Thích Nhất Hạnh hay của Ni sư
Huỳnh Liên, của Lý Chánh Trung, của Trịnh Công Sơn.(Trong một lần Hội thảo ở Viện
đại học Cần Thơ vào năm 1969. Một tham dự viên đã lên phát biểu: Anh Lý Chánh
Trung ơi. Chúng tôi mến anh lắm. Nhưng chúng tôi phải nói rằng, anh đang mơ một
giấc mơ thật đẹp, chỉ tiếc là chúng tôi không thể mơ theo anh).
Hoặc theo kiểu dân biểu đối lập Hồ Hữu Tường. Ông tắm rửa, cạo
đầu, ăn chay, mặc áo nâu sồng, đeo tràng hạt, ngồi trước cửa Hạ Viện và tiên
tri: Chỉ còn một mét nữa là tới Hòa Bình. (Trích bản thảo Đời của Hồ Ngọc Nhuận).
Tôi chia xẻ những tình tự con người ấy của TCS và của rất
nhiều người khác. Cái điều oái ăm và bi kịch là cái nhìn, cái khát vọng hòa
bình chỉ một phía. TCS có thể nào mang những thông điệp này gửi cho Hà Nội được
không, yêu cầu họ ngưng bắn, yêu cầu họ đùng đổ quân vào miền Nam dược không? Tại
sao chỉ có miền Nam thì cần có Hòa Bình, còn miền Bắc thì cần chính nghĩa chiến
tranh?
- Và
sau đây, xin dẫn một số chứng từ của những người cầm súng, họ cũng có nhu
cầu khát vọng Hòa Bình như mọi người và có thể sâu nặng hơn mọi người. Họ
đã trả giá bằng thuế máu cho cuộc chiến-Khi làm những bài thơ uất hận này,
họ không chỗ để in. Tôi nghĩ rằng có một sự bất công đối với họ vì chỉ là
những bài thơ, thay vì là những bản nhạc.
Đây là một bộ mặt khác của cuộc chiến. Hoàn cảnh và tâm tư của
họ nói lên đầy đủ trọn vẹn ý nghĩa của cuộc sống. Một cuộc sống thật có bom đạn
và xác chết. Không phải cuộc chiến trong phòng trà dù cũng nói đến cái chết, đến
xác người. Tiếng nói của họ đáng được ghi nhận và tôn vinh như những vòng khăn
tang cho họ và bạn bè họ.
Họ là ai. Có thể là một anh dân vệ, một người lính gác cầu,
hay một binh sĩ một tiểu đoàn. Hay một chuẩn úy trường Bộ binh Thủ Đức, hay một
sĩ quan quân trường võ bị Đà Lạt.. Tất cả họ đều có cha có mẹ, người
yêu, người vợ và những đứa con. Và đã có bao nhiêu trong số họ đã nằm xuống. Đối
với tôi, cái chết tự nó là một điều đáng quý, đáng trân trọng. Không có cái chết
nào cho đất nước là vô ích. Mà chỉ có những cái sống thừa là vô ích.
Những cái chết ấy bằng hàng vạn lời ca, bằng hàng vạn tiếng
nói.
Trong khi đó, trưa ngày 30-04-1975, tại đài phát thanh mở đầu
bằng tiếng hát TCS: bài Nối vòng tay lớn. Tiếng hát dồn dập, hân
hoan của kẻ chiến thắng. Nhưng đối với dân miền Nam, nó chỉ là bằng chứng của sự
bội phản, tráo trở.. Võ Văn Kiệt ít ra còn có một tấm lòng khi ông cho rằng
ngày ấy có triệu người vui thì cũng triệu người buồn.
Sau đó, Hà Nội có thành lập ‘’Hội Trí Thức Yêu Nước” có sự
tham gia của nhiều người. Hội có tổ chức một đêm Văn Nghệ hát nhạc Trịnh. TCS
còn bị kẹt ngoài Huế mãi đến 1979 mới vào được Sài Gòn. Thay vì tiếng hát Khánh
Ly, có ca sĩ Thanh Hải hát thế.
Dầu vậy, đây là một vài tiết lộ mà nhiều người đã không có
cơ hội để biết, nay được biết. Dù không vào được, TCS đã gửi hai bài viết và nhờ
nhạc sĩ Miên Đức Thắng hát dùm.
Hai bài hát có tên là: ‘’Gánh rau ra chợ và Máy kéo nông trường”.
Công việc của Miên Đức Thắng thật không dễ dàng gì. Hát làm sao, hát như thế
nào.
Có thể, đây là hai bài hát lỗi nhịp và và trơ chẽn nhất. Người
ta tự hỏi, nó có còn là TCS nữa hay không.
Chị Trần Tuyết Hoa, vợ anh Nguyễn Hữu Thái, đã khuyên TCS đừng
sáng tác những bài như thế.
Sau này, chế độ nới lỏng hơn, TCS cũng đã có những bài khá
hơn như: ‘’Một hòn bi xanh, Ở trọ, Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”.
Trong thời gian bị kẹt ở Huế, theo Thái Thị Kim Lan cho tôi
biết. TCS than phiền là Hoàng Phủ Ngọc Tường muốn lấy điểm, đã bắt TCS viết kiểm
thảo. TCS phải viết đi viết lại, vì chưa đạt yêu cầu. Thế nào là đạt yêu cầu
thì lại phải hỏi HPNT.
- Trịnh
Công Sơn và bác Hồ. Bài viết của TCS do chính tay ông viết và được đăng
trên báo Tuổi Trẻ, vào ngày 27 tháng tư, 1979. Tôi chỉ nhắc lại thế thôi,
còn ai muốn đọc thì tự tìm lấy mà đọc. Thật hết lời, hết ý…
- Những
người lính làm thơ của miền Nam.
Có thể là tâm trạng của một người lính từ vùng hỏa tuyến
trở về thành phố. Nơi mà từ đó, họ bỏ sách vở, bạn bè, khoác áo lính trong tâm
trạng chán ngán bất cần với lời thơ cao ngạo, bất cần đời. Có cái gì đó đau xót
như nỗi tuyệt vọng về một sự hy sinh rất có thể trở thành vô nghĩa?
‘’Mai ta đụng chạm ta còn sống
Về ghé Sông Mao phá phách chơi.
Chia sớt nỗi buồn cùng gái điếm
Đổi tiền mua một ngày vui. ( Nguyễn Đắc Sơn)
Và thêm một đoạn và cuộc đời:
« Hai mươi tuổi ta đi làm chiến sĩ
Bước giày đinh lạng quạng một đời trai
Vừa đánh giặc vừa lừng khừng triết lý
Nhưng thằng này yêu nước chẳng thua ai »
( Thơ Cao Tần trong bài Cảm Khoái, 1977)
Tỉ như Hồ Minh Dũng để lại mấy câu thơ, đọc mà buồn, mà xót
xa:
‘’Dù chỉ một ngày ngưng bắn đó con
Cũng đem chiếc áo lành ra mặc
Cũng ăn một bữa cơm no
Cũng ngủ một giấc trên giường trên chiếu”
Khát vọng Hòa Bình thật bình thường và đơn giản quá. Nó
không màu mè, ưỡn ẹo, rên rỉ. Nhưng đậm sâu ý nghĩa. Nó chuyên chở những tình tự
rất người.
Mặt khác, bom đạn là vô tình, nhưng nó lại là ‘’Những chùm
nho uất hận“ cho người đã nằm xuống và những người còn ở lại vang vọng tiếng chửi
thề, mày tao, đù má.. Cảm xúc không nguôi. Nó đi thẳng và trái tim, vượt trội
những cảm xúc qua ngôn từ họ Trịnh.
‘’ Trở lại Phan Rang lần này nữa
Thăm mày không biết ngắn hay lâu
Thăm mày đù má mày đã chết
Hay chỉ thăm cỏ mọc xanh mầu
Chiều nay sao gió chiều mày nhỉ
Gió nổi trong tao đến lạnh mình
Đù má nhang mày sao chẳng cháy
Đốt mãi que diêm đến lạ lùng”
(Phạm Nhã Dự với nén hương giã biệt bạn)
Và tiếp theo chùm nho uất hận của Tô Đình Sự
“Đồi Gia Hựu dài cơn đồng thiếp
Thăm hỏi nhau mày còn mạnh giỏi
Còn nguyên lành thân xác phàm phu
Bao giờ giải ngũ, bao giờ có phép
Lúc nào vào lính nhớ cho tao biết
Vợ con mày mấy đứa ra sao.”
( trích Thâm Tím đời của Tô Đình Sự, ông sinh ngày 1-5-1944
và mất ngày 13-10-1970)
Tôi thật sự không còn biết có ngôn từ nào để diễn tả tâm trạng
của những người trẻ trên.
Họ viết bằng những kinh nghiệm sống đời họ. Nó còn nguyên khối
sần sùi, không được mài giũa, chau chuốt. Họ đối diện với cái chết thường trực
mà họ không có chọn lựa nào khác. Họ tìm lối xả ra bằng thơ thay vì nhạc. Cái thiệt
thòi của họ nằm ở chỗ này.
Và nay ai còn nhớ đến những tiếng thơ đau đáu đời họ.
So với thành phần phản chiến, họ cao hơn một bậc. Tiếng nói
của họ có trọng lượng thực tiễn. Bởi vì họ sống phập phồng, đêm không ngủ trên
tháp canh tiền đồn, trong những cuộc hành quân sình lầy. Vì thế, tôi trân quý
các truyện ký như: Năm Căn vùng Xôi Đậu, tác giả Nguyễn Mạnh Hùng
hay Đôi mắt người bị xử bắn trong rặng Bình Bát, tác giả Nguyễn Bửu
Thoại. Đó là những câu truyện sống động, hiện thực, không mầu mè văn chương.
Riêng truyện Đôi Mắt người bị xử bắn trong rặng Bình Bát có một sự cuốn hút lạ
thường và tôi đã không ngần ngại đưa vào cuốn sách đầu tay của tôi: Lịch
sử còn đó,xb 2008. Xin mời bạn nào quan tâm đọc.
Thành phần phản chiến cứ thẳng thắn mà nói, phần lớn họ trú ẩn
ở đô thị, không giáp mặt với chiến tranh, cùng lắm chiến tranh trên màn ảnh,
không có máu đổ.
Họ kêu gọi hòa bình như để yên lương tâm, họ bôi trơn cuộc đời,
làm dáng chữ nghĩa, bi kịch cái không cần bi kịch. Họ sợ chiến tranh, họ trốn
lính như trường hợp TCS. (Theo Nguyễn Thanh Ty, tất cả các thày giáo trường
Nông Lâm Súc đều có lệnh nhập ngũ. Tất cả đều tuân hành. Trừ Sơn trốn biệt về
Sài gòn.
Tôi tự hỏi một người trốn lính thì có tư cách gì để chống
chiến tranh, để phản chiến. Tôi cũng đi tìm lại những người phản chiến để xem họ
phản ứng thế nào trong vụ tết Mậu Thân ở Huế. Không một ai lên tiếng nhìn nhận
sự việc, trong đó có cả TCS. Từ Hoàng Phủ Ngọc Tường đến Nguyễn Đắc Xuân, đến
hai họa sĩ bạn của TCS là Trịnh Cung, Đinh Cường. Họ đều tránh né khi đề cập đến
Thảm sát Mậu Thân Huế cũng như tránh né việc TCS thân cộng hay không thân cộng.
Điều đó cho thấy, một cách nào đó, hơn ai hết,
chính họ là thành phần ngụy tín, nếu không muốn dùng chữ sống gian trá giả dối.
Và chính họ mới là người sợ Hòa Bình hơn ai hết.
Tôi muốn nhắn gửi chung với họ rằng: máu đổ ra thì ở đâu
cũng giống nhau- cùng mầu đỏ- Không có mầu khác đâu. Và cái chết nào cũng
có ý nghĩa cả. Đối với một bà mẹ thì không có lý tưởng tốt hay xấu
mà chỉ có những đứa con đã mất. Trước các mộ phần, cái biên giới thù nghịch
không còn, có chăng chỉ là một niềm thương nhớ của một người đối với một người
đã mất.
- Tác
giả Nguyễn Thanh Ty và Trịnh Công Sơn
- Anh
Nguyễn Thanh Ty người có thẩm quyền để nói về một quãng đời TCS, vì đã có
thời gian sống chung với Trịnh Cộng Sơn từ năm 1962 đến 1967. Anh nguyên
là giáo sư biệt phái nên có thời gian bị đi học tập cải tạo. Anh có viết một
cuốn sách và có nhã ý tặng tôi đọc. Nhan đề: ‘’Trong lao tù cộng sản, trại
Đá Bàn và A.30.” Mấy tháng sau ngày đi học tập, anh có nhận được
thư vợ viết như sau : ‘’ Nếu những ngày tới, em không còn cách nào kiếm được
gạo nuôi con nữa thì mẹ con em sẽ cùng uống thuốc chuột chết cho xong. Em
và các con đã khổ quá rồi”. Nỗi bất hạnh của anh không dừng ở đó, sau này
anh biết, vợ anh đã để lại các con cho bà nội để tìm một bến đậu khác. Nào
có thể trách ai bây giờ.
- Chiến
tranh không chỉ làm khổ lụy cho người lính, mà con người vợ ở nhà: ‘’20
năm làm vợ lính thời chiến. 13 năm vợ tù cải tạo thời bình, là người con
gái ở miền quê Bầu Trai. Tôi có làm gì đâu mà suốt đời chỉ sống
với nước mắt” (Trích Người Bầu Trai, tháng tư 2004).
- Theo
lời kể lại của Nguyễn Thanh Ty cùng học trường Sư Phạm Quy Nhơn với TCS và
cùng dạy một nơi và trọ cùng một nhà khi ra trường. Trịnh Công Sơn sinh tại
Huế, năm 1939, gia cảnh khó khăn, cha mất sớm, bà mẹ phải tần tảo nuôi 8
người con- 3 trai, năm gái ăn học. Học tại Saig gòn, thi rớt tú tài II, trở
về Huế rồi thi đậu vào trường Sư phạm Quy Nhơn, khóa đầu tiên, 2 năm
1962-1964.
- Cũng
trong phần này, anh Nguyễn Thanh Ty kể chi tiết về những người đã một thời
đi qua đời Trịnh Công Sơn như Tôn nữ Bích Khê, Ngô Vũ Bích Diễm. Lúc ấy,
người đứng đầu là ông trưởng ty giáo dục Lê Cao Lợi có phần dễ dãi với
TCS. Nhiều lúc ông làm ngơ để cho TCS đi về Sài Gòn như liên lạc để xuất bản
chẳng hạn.
- Tôi
thật sự chẳng quan tâm đến những bóng hồng đi qua cuộc đời TCS. Như Tôn nữ
BÍch Khê, Ngô Vũ Bích Diễm và sau nay khi nổi danh còn nhiều thiếu nữ xinh
đẹp tìm đến với TCS. Nhưng do sự bất lực thể xác của TCS nên sớm muộn họ
cũng bỏ đi thôi. Mỗi lần như thế là một lần tạo dịp cho TCS rượu vào, lời
ra, sáng tác nhạc, ghi lại hình ảnh đẹp nhất. Đó là những sáng tác khởi đầu
từ sự thất bại tình ái, rồi say bí tỷ viết ra những lời mù mờ, tối nghĩa mặc
ai muốn hiểu thế nào thì hiểu. Nhiều người suy đoán là hư vô, người bảo là
Thiền . Chật lấc. Chẳng triết lý, chẳng Thiền. Cùng lắm chỉ là những vay
mượn.Tôi chỉ còn nhớ, một cô trẻ từ Hà Nội vào, cũng cận kề, rồi cũng bỏ
đi là cớ cho TCS viết bản nhạc: Bống bồng ơi. Em đi đâu mà vội, mà vội.
- Chi
tiết đáng được nói ra là trong nhóm bạn bè có những nghi ngờ TCS theo cộng
sản, vì ông liên lạc với đám bạn bè ở Huế, trong đó có Ngô Kha, Hoàng Phủ
Ngọc Tường..HPNT đã viết nhiều thư qua lại, nhưng nội dung những gì thì
không ai biết. Tuy nhiên, về mặt này, liên lạc với bạn bè theo bên kia
chưa đủ yếu tố để gán tội cho TCS.
- Nhưng
nói chung, tập tài liệu của Nguyễn Thanh Ty cũng cho thấy một chi tiết lý
thú về con người thật của họ Trịnh, về thú say mê âm nhạc, về những bản nhạc
được sáng tác trong giai đoạn này, hoặc một số phản biện cho là Trịnh Cung
không biết, hoặc nói sai về TCS.
- Tác
giả Người lính già Oregon– một bút hiệu quen thuộc đối với tôi (tên thật
Nguyễn Kim Quý). Tôi Chỉ liên lạc với anh bằng điện thư. Anh giỏi chuyên về
tiếng La Tinh và văn Hóa Pháp, vì là hai môn học sau này anh dạy đại học ở
tiểu bang Oregon. Nhưng những thói quen, uống rượu, ăn nói bạt mạng, chửi
thề thì tôi cũng rành qua một người bạn khác của anh kể cho nghe. Nhưng nhờ
bài viết nhan đề: Trịnh Công Sơn, một bạn học, một tên ViXi nằm
vùng, một đứa phản bội quốc gia mà tôi biết thêm nhiều chi tiết
lý thú về TCS.
- Trước
hết, vào niên khóa 1959-1960, anh Quý học lớp Terminale (Tú tài 2) ở trường Jean-Jacques
Rousseau, ở Sài gòn. Trong lớp có 6 cô từ Marie-Curie đến học nhờ . Ngoài
ra còn có TCS cũng ở ngoài vào và được xếp ngồi cạnh Nguyễn Kim Quý.TCS ngồi
cạnh, có vẻ hiền lành, nhưng không chơi thân với bất cứ ai trong lớp. Anh
rất đơn độc. Ít nói, nhưng không làm phiền ai. Năm đó dò đọc,
không thấy tên trên bảng vàng. Và anh biến mất khỏi trường, và khỏi trí nhớ
tôi.
- Ngày
30-04-1975, trong lúc đất nước đang hấp hối, tôi và quân dân miền Nam,
nghe trên Radio tiếng đàn và tiếng hát của Sơn trong bài ‘’ Nối vòng tay lớn”.
Xin được trích nguyên văn của người lính già Oregon: ‘’ Tôi ngỡ
ngàng đau xót, tức giận, buột miệng, chửi thề thành tiếng: ‘’Salaud, thằng
khốn nạn”. Trịnh Công Sơn, một người bạn học cũ đã chết trong tôi như một
kẻ đối nghịch, một thằng phản bội, ăn cơm Quốc Gia, thờ ma cộng sản, kể từ
trưa ngày 3- tháng tư năm 1975, trước khi chết thật, vào năm 2001, đúng 26
năm sau. ( Hết trích)
- Những
phát hiện lý thú của người lính già Oregon.
Như tôi đã có dịp nói về anh bạn Nguyễn Kim Quý. Anh là người
thông thạo tiếng La tinh và văn học Pháp một cách rành rõi. Trong mục số 5 của
bài viết, anh đưa ra nhận xét về dòng nhạc họ Trịnh- không phải với tư cách một
người sành sỏi về âm nhạc-, nhưng của một người nghe nhạc. Anh viết: ‘’ Có thể
nói mà không sợ sai rằng nhạc TCS trung bình, đơn điệu ( monotone), tẻ nhạt
quá, bài nào cũng một âm giai, nghèo nàn, buồn rầu, nghe xướng lên
là ta biết liền, so với những ca khúc của Phạm Duy phong phú, biến đổi (varié
), mỗi bài mỗi khác. Hay Đặng Thế Phong. Đặc biệt Văn Cao, nghe sang
cả, cổ điển, cung điệu trầm bổng, thay đổi ngay trong cùng một bài như “Thiên
Thai’’ hoặc ‘’Bến Xuân”.
( Theo tôi, nhạc TCS chủ yếu là lời không phải giai điệu).
Còn lời ca, người ta thường gọi anh ta là ‘’phù thủy của
ngôn ngữ”. Tôi không nghĩ vậy. Những chữ như rong rêu, sỏi đá, ghế đá, đá xưa,
đá ngây ngô, hòn cuội, công viên, sâu bọ, kiếp người, hư vô, tiền kiếp, cát bụi,
hóa kiếp, trần gian, hiện tại, xa lạ,một ngày như mọi ngày.. đều là những cụm
chữ lấy từ những bài triết dựa trên tác phẩm của Sartre, như La Nausée ( Buồn
nôn). Và Camus như L’Étranger( Kẻ xa lạ), thấy dịch nhan nhản trong Sáng Tạo.
Chả có gì mới mẻ đối với văn học Pháp và chúng tôi thuộc lớp Phi lô, tại
Jean-Jacques Rouuseau đầu thập niên 1960.
- Tại
Quy Nhơn năm nào, sau khi đi công tác trở về, tôi cùng với anh hạ sĩ tài xế
vào một tiệm kem Tuyết Trắng, chuyên chơi nhạc TCS. Không phải để nghe nhạc
TCS mà để ngắm cô chủ tiệm có mái tóc thoáng mùi hương bưởi, nước
da trắng bóc và đôi mắt tình không chịu nổi. Lúc ấy, trên băng Cassette,
Khánh Ly đang hát bài ‘’ Ru mãi ngàn năm” đến câu ‘’ bàn tay năm ngón ru
trên ngàn năm.. “, anh tài xế nói nhỏ với tôi: ‘’ Ông thầy có nghe không.
Bàn tay em nào mà chả có năm ngón, ông nhạc sĩ này thiệt kỳ, còn bàn tay
em nào có 6 ngón thì làm sao đây, phải chặt một ngón đi hả. Anh
hạ sĩ không biết rằng, bàn tay năm ngón nói chung, TCS có thể đã ‘’cuỗm’
và dịch từ một bài thơ “ Voici ma main, elle a cinq doights”. Hay bài “Les
doights de ma main sont cinq”, hay bài ‘’ Mon pouce va à
l’école của Jacques Prévert là thi sĩ thuộc trường phái tân siêu thực(neo-surréaliste),
tác giả tập thơ Paroles, 1945. Và hai bài ‘’ Les feuilles mortes » và
Barbara được phổ nhạc rất nổi tiếng. Thơ ông hũ nút còn hơn Thanh Tâm Tuyền
hoặc Bùi Giáng. Nguyên Sa cũng có một bài thơ nói về ngón tay của ‘’ em »
ngón tay dùng để.. ngón kia dùng để..bắt chước một trong ba bài của
Jacques Prévert nêu trên : ‘’Les doights de ma main font –
sont cinq. C’est le pouce le
plus malin, c’est l’index le plus coquin, Le majeur est le plus heureux
car il est au milieu. L’annulaire est le plus fier, car il sait à quoi il
sert. C’est le (…). Hay nhóm chữ ‘’ dài tay em mấy » trong
câu ‘’ dài tay em mấy thuở mắt xanh xao » là một cấu trúc văn phạm
quen thuộc trong thơ Pháp .( Tĩnh từ hay trạng từ đứng trước danh từ). Những mưa
hồng, nắng thủy tinhvv.. là hình ảnh ẩn dụ rất thường gặp
trong văn chương Pháp.
- *Đã đến lúc cần chấm dứt bài viết
với một người đã không còn nữa.
- Tôi vẫn còn nhớ đời câu nhận xét của
Hòa Thượng Thích Trí Quang- một người đã nhiều năm bị giam hãm bởi cộng sản-
viết : ‘’ Cộng sản nó cho người đến giết mình hôm trước. Hôm sau, nó
cũng cho người đến đặt vòng hoa phúng điếu ». Gớm thay tâm địa người
cộng sản. Họ đã làm như thế với Thích Nhất Hạnh, cả với Thích Trí Quang.
Rước sách đình đám, cờ quạt, điếu văn trịnh trọng, hỏa thiêu rồi trân trọng
bài vị với hoa lá, bài vị ghi công đức như bậc thánh nhân.
- Riêng với Trịnh Công Sơn, họ làm hơn
thế nữa. Họ còn đặt tên đường cho họ Trịnh theo dọc bờ sông Hương, đi từ
chân cầu Gia Hội chạy dọc bờ sông Hương, một khoảng đường dài 600 mét. Có
thể chưa một nhân tài miền Nam nào có được cái vinh dự đó. Họ đặt tượng và
tương lai di hài cốt của ông về Huế. Họ còn bỏ tiền cả 60 tỉ để diễn lại
cuộc đời ấy với màu sắc chính trị không cần che đậy. Họ càng làm rùm beng,
họ càng cổ xúy tâng bốc TCS lên tận trời cao. Tôi càng áy náy một cảm giác
buồn. Ngày hôm nay, họ đã đội mồ, dựng xác chết lại, tôi càng xót xa cho
thân phận họ Trịnh.
- Đó là một xã hội trượt dốc và không
có lời tuyên chiến.
- Khánh Ly đi lại Hành trình 60 năm âm
nhạc họ Trịnh chỉ là công cụ của một màn lợi dụng, lừa đảo của một trận
chiến quá khứ của người còn sống.
- Thôi đã quá đủ rồi. Tôi xin các ông,
các bà, các người ăn theo, các khán giả đui mù. Hãy để yên cho người
nằm xuống. Amen.
Nguyễn Văn Lục