Vừa hé cánh cổng nặng nề, tôi giật bắn mình.
Trong ánh rạng đông nhợt nhạt, tôi thấy một bóng người nơi bụi ruối đầu ngõ.
Cái bóng xiêu vẹo bước lại gần , hai hố mắt hõm sâu lom lom hướng vào tôi. Tôi
bất giác bước giật lùi trước những ngón tay cong queo đang vươn tới, kèm theo
giọng nói khao khao:
– Cậu Hiên ơi, cậu Hiên!
Tôi sững người.
– Cậu không nhận ra tôi ư?
Tôi lùi thêm, giơ tay ngăn cái bóng.
– Là tôi đây mà, là phó Tuất đây!
Tôi chú mục ngó cái bóng trước mặt. Những nét sắc trên gương mặt quắt queo hiện
dần trong ánh sáng mờ.
Lạy Chúa tôi, tôi thầm kêu.
Tôi đã nhận ra người ấy – ông phó Tuất.
Khốn khổ, tôi làm sao có thể nhận ra con người quen thuộc trong cái thân hình
gày đến không thể gày hơn, giống hệt một bộ xương cách trí trong bộ áo quần lụng
thụng.
Phó Tuất thì thào:
– Bà có nhà không, cậu?
Tôi lắc:
– Không, ông ạ. Cô cháu đi Kiên Lao từ hôm qua.
Ông thở phào:
– May tôi rồi!
– Sao cơ? – tôi ngạc nhiên – Sao lại may ạ?
Ông ghé sát mặt tôi , nắm chặt tay tôi, bàn tay xương xẩu khô cứng và lạnh ngắt:
– Là tôi sợ gặp bà.
Năm trước, cô Gái tôi sai người tìm ông để sửa chân đế cho Toà Đức Mẹ bị mối
xông. Mời phó Tuất không dễ – ông là tay thợ mộc nổi tiếng, được nhiều người vời.
Việc sửa chữa này không tìm đúng người không xong. Để cho Toà Đức Mẹ trở lại
dáng vẻ trước khi nó bị hư hại không phải bất kỳ ông thợ nào cũng làm được. Trừ
phó Tuất.
Khắp một tổng Thần Lộ, không một thợ mộc nào có thể sánh với ông. Thậm chí mỗi
khi cần tu sửa đồ thờ phụng, nhất là các pho tượng, trong nhà thờ chính toà
cũng như nhà thờ o mấy họ lẻ, cha xứ đều phải vời ông, cho dù ông là người bên
lương. Người bên lương thì không được phép đụng vào đồ thờ phụng Thiên Chúa
giáo. Cha xứ miễn cưỡng đặt phó Tuất vào ngoại lệ. Mà là ngoại lệ duy nhất.
Trong nhà chúng tôi, Toà Đức Mẹ là của gia bảo, ngang hàng với linh vật của các
thánh tử đạo, cũng chỉ nhà chúng tôi mới có. Những linh vật ấy được chứa trong
những hộp hình chữ nhật đứng được sơn son là những món tóc, những mảnh giấy bản
có hình tròn màu nâu thẫm in dấu máu từ những cái cổ bị chém. Những linh vật
này không chỉ là niềm tự hào của riêng gia đình tôi. Những dịp làng có lễ trọng,
có rước kiệu, thể nào cha xứ cũng cho người vào nhà tôi thỉnh toà Đức Mẹ cùng với
các linh vật.
Trong đám rước, Toà Đức Mẹ sơn son thếp vàng được kiệu ngay sau tượng Chúa Giê
Su vác thánh giá to bằng người thật, chỉ cách một toán đánh rắc gồm các đồng
nam đi theo nhịp nhàng gõ những thanh gỗ vào nhau. Các linh vật được rước theo
sau, trong một kiệu riêng.
Toà Đức Mẹ bị mối xông là một tai nạn khủng khiếp. May mà cô Gái, bà chị cả của
các bác và cha tôi nhìn ra sớm, chứ muộn thì hết cách. Bề ngoài nom nó còn
nguyên vẹn, vậy mà bốn chân đã bị mối xông gần ruỗng. Cô tôi tuy già lão nhưng
còn đủ tinh mắt để thấymùn gỗ bị mối đùn ở sau toà.
Cái hoạ mối xông bao giờ cũng bất ngờ, nhưng lại là chuyện luôn xảy ra, không ở
nhà này thì nhà khác. Lũ côn trùng nhỏ bé một khi đã xông vào nơi nào thì nơi ấy
không còn. Một khi bốn chân đế không đủ vững để mang sức nặng toà Đức Mẹ thì nó
có thể đổ sập bất cứ lúc nào, tượng Đức Mẹ ắt phải vỡ tan. Mà đó là pho tượng
được làm tại xứ Bồ Đào Nha, bác Cả tôi phải đặt mua tận bên Pháp. Tượng đẹp
khôn tả: đầu Đức Mẹ tựa được tạc bằng ngà, nước da mịn màng, đường nét thanh
tú, nhất là cặp mắt xanh biếc trông cứ long lanh, ai cũng phải tấm tắc khen rằng
sao mà mắt có thần đến thế. Trong bộ áo choàng dệt kim tuyến, với vòng triều
thiên quanh đầu, Chúa Hài Đồng trên tay, Đức Mẹ toả sáng rực rỡ trong ánh nến
lung linh trước lũ con chiên thành kính ngồi xếp bằng tròn dưới đất trong những
tối đọc kinh chung cả xóm.
– Lâu rồi không gặp ông, cháu không nhận ra – tôi nắm bàn tay gày guộc của phó
Tuất – Mà ông cũng khác quá cơ.
– Cậu không nhận ra tôi là phải thôi – giọng não nuột, ông cúi gằm, nhìn xuống
chân – Tôi với các cháu xem ra khó qua nổi cái đận này, cậu ạ.
Dõi theo mắt ông, tôi thấy bóng hai đứa bé thập thò ở đầu ngõ, thằng lớn cao gần
bằng tôi, thằng bé thì cách anh nó khoảng vài tuổi. Hai đứa đều gày nhẳng.
Đận này mà ông nói là cái thời gian khủng khiếp nhất tôi từng biết, sau này được
gọi là “Tháng Ba Ất Dậu”.
Những thế hệ sau này không thể mường tượng được cái “đận” ấy là thế nào đâu. Nó
ghê gớm vô cùng. Cứ như thể có một trận bão kinh hoàng ào qua một vùng đồng bằng
trù phú.
Trên những con đường hàng tỉnh, đường liên huyện, đường đê, đường làng, hàng
đàn dân đói thất thểu, xiêu vẹo, lầm lũi đi, không dứt. Như những bóng ma, họ
lũ lượt theo nhau, bám vào nhau mà đi, hướng về phía tỉnh lỵ, nơi họ có thể xin
ăn. Con đường của những con ma đói kết thúc ở bất cứ nơi nào – ở vệ đường,
trong các bờ bụi, trôi lềnh phềnh trên con ngòi với những đàn cá mương bu
quanh… Chỗ nào cũng thấy xác người và xác người. Đủ mọi hình hài. Trong mọi tư
thế. Chết ngồi, chết nằm, chết co quắp, chết chùm, người nọ quặp chặt người kia.
Từ trong hai hốc mắt ông phó Tuất lăn ra hai giọt nước đục.
– Cậu giúp tôi nhá? – ông thều thào.
Tôi ngơ ngẩn nhìn ông. Tôi, một thằng bé con, tôi có thể giúp gì ông trong lúc
này cơ chứ?
Cái nhìn mờ đục, chứa chan hi vọng của ông rõi theo mắt tôi, không rời.
– Tôi mang cái này biếu cậu. Tôi biết cậu thích nó.
Đôi tay run rẩy chậm chạp lần lưng quần, ông moi ra một cái bọc, giúi vào tay
tôi.
Cái bọc nặng chịch. Không cần mở nó ra tôi cũng đoán được trong đó có gì.
Trời ạ, đó là bộ đồ nghề của phó Tuất. Tôi vẫn nhớ ông thường gói nó trong
vuông vải nâu này mà. Tôi nhìn trời, rồi lắc đầu, đẩy cái bọc trả lại ông:
– Không. Đồ nghề của ông, cháu không lấy đâu.
Ông lại giúi vào tay tôi:
– Cậu cứ cầm đi.
Trong giọng nói của ông có nước mắt. Tôi nhất định đẩy trả.
Một tiếng gà gáy muộn, từ đâu đó, chắc từ xóm bên. Từ khi có nạn đói, trong
làng vắng hẳn tiếng gà gọi sáng.
Phó Tuất nói không sai – tôi không chỉ thích mà thôi, phải nói rằng tôi mê bộ đồ
nghề của ông lắm lắm. Trong mấy ngày ông làm việc ở nhà tôi, ông đã thấy tôi ngắm
nghía nó bằng cặp mắt thèm khát đến thế nào.
Với người thợ, bộ đồ nghề là cái quý giá nhất. Mà ông phó Tuất không phải thợ mộc
thường, như trên tôi đã nói. Việc ông thường được gọi làm là tôn tạo các tượng
thờ trong các đền chùa, sửa hương án, tủ chè, hoành phi, câu đối, hoặc tệ nhất
cũng là mấy cái hộp đồng hồ quả lắc có chạm trổ ở vài nhà giàu. Cho nên đồ nghề
của ông không phải là mấy thứ ta thường thấy ở những ông phó mộc hay phó cối với
cái cưa biểu tượng trên vai lang thang hằng ngày trong thôn xóm. Ấy là chưa kể
việc sơn thếp rất tỉ mẩn ông cũng làm khéo không kém thợ Sơn Đồng nổi tiếng.
Trong thời thơ ấu của tôi, như mọi đứa trẻ cùng tuổi, tôi cũng có nhiều trò
chơi. Chúng tôi chỉ không có đồ chơi theo cách hiểu thông thường mà thôi. Thậm
chí chúng tôi còn có thứ đồ chơi hiếm khi có được, ấy là cái bong bóng lợn. Nó
được rửa thật sạch cho hết mùi khai, được thổi phồng cho tới khi tròn vo như một
quả bóng thật. Trò đá bóng nhà quê của chúng tôi chẳng có luật lệ. Chúng tôi
giành nhau đá thật lực vào cái vật tròn tròn mềm xèo, bẩn thỉu và xấu xí ấy, đá
được nó bay đi càng xa càng khoái. Mà chúng tôi cũng chỉ có được cái quả bóng
hiếm hoi ấy vào những dịp lễ tết hoặc cưới hỏi, khi có thể xin được ở nhà quen
nào giết lợn.
Vì thế khi được ngó ông phó Tuất dùng cái tràng, cái đục trong bộ đồ nghề của
ông, cái nào cũng nhỏ xíu của ông, lúc uốn lúc lượn, lúc trượt đi nhẹ nhàng
theo những cái gõ rất nhẹ, rất gọn của cái dùi đục cũng bé tí bé tẹo đã lên nước
bóng láng trên những mẩu gỗ rồi đây sẽ thay thế bốn chân quỳ bị hỏng, tôi như
được chứng kiến một trò chơi thú vị. Dụng cụ đồ nghề của ông đều được làm bằng
thép trắng. Chúng được mài thô trên một hòn đá màu đỏ rồi sau đó được liếc đi
liếc lại cho đến thật bén trên một hòn đá màu xanh.
Thứ thép trong dụng cụ của ông tôi không biết người ta tôi luyện nó thế nào. Nó
trắng, song không phải loại thép không rỉ, đồ bằng thép không rỉ có mài mấy
cũng không thể bén được như vậy. Đường tràng đường đục dưới tay ông chậm mà chắc,
đường nào đường nấy ngọt sớt, cứ như thể ông không làm việc mà đang chơi một
trò chơi chỉ riêng ông biết chơi, trông mà phát thèm.
Trong hai ngày ở nhà tôi, ông phó Tuất vừa làm vừa nhẩn nha giảng giải cho tôi
nghe về nghề mộc. Thỉnh thoảng ông còn rộng lượng cho tôi được phép dùng những
dụng cụ tí hon của ông để chơi với những mẩu gỗ ông không còn cần đến. Nhìn tôi
chăm chú từng nhát bào, nhát đục, khi làm mộng, khi soi rãnh, ông bảo:
– Cậu có khiếu đấy. Rồi ra cậu sẽ là thợ giỏi.
Ngửa mặt lên thở một khói thuốc lào dài, ông nói thêm:
– Dưng mà làm thợ giỏi cũng chẳng hay hớm gì. Nhà có của, chịu khó mà học, cậu ạ,
sau này làm quan hay là đi buôn. Thợ có giỏi đến mấy vẫn là anh làm thuê, người
có tiền ho một tiếng khắc có ối thợ chạy đến…
Ông thích triết lý vụn trong khi làm việc. Vuốt ve một mẩu gỗ đã được bào nhẵn,
ông bảo:
– Sống ở đời cứ là phải nhẵn nhụi. Thấy kẻ nào gồ ghề là thiên hạ ngứa mắt, tôi
nói không sai đâu, đúng thế đấy. Mà cậu ơi, đời phải có người thế này người thế
kia mới là đời chứ. Nhẵn nhụi cả có ra làm sao. Thôi thì chiều đời, mình có gồ
ghề cũng phải làm ra vẻ nhẵn nhụi, cho thiên hạ vừa lòng.
Ông tần ngần lấy ngón trỏ gõ vào mảnh gỗ:
– Biết mà làm ra vẻ không biết mới là biết.
Giờ đây, trước mặt tôi không phải là ông phó Tuất với vẻ ung dung tự tại, thích
triết lý của ngày nào, mà một người đói lả. Ông nhìn tôi, trông chờ.
Tôi thì cúi gằm, bối rối – tôi, một thằng nhóc thì có thể làm gì cho ông?
Ông nắm chặt tay tôi, lay lay:
– Cậu cứ cầm. Coi như cậu giữ hộ tôi. Tôi có dùng đến nó nữa đâu. Đến nhà giàu
bây giờ cũng lo đói, chẳng ma nào thuê tôi. Ai biết được cái đận này bao giờ mới
xong. Chẳng còn ai nghĩ đến sắm sanh, sửa chữa gì nữa. Làng tôi thiên hạ lần lượt
bỏ đi hết. Vắng tanh vắng ngắt. Đi là đi, đi đâu không biết, vẫn còn hơn nằm
nhà chờ chết. Nhà tôi có khá giả hơn chút đỉnh, trụ được đến hôm nay là nhờ có
tí của tích cóp…
Ông lặng đi, ngẩng nhìn bầu trời xám.
– Bà nó nhà tôi, tội nghiệp, cám cũng không dám ăn, cứ giấu giấu giếm giếm nhịn
cho chồng cho con… Thế rồi lả đi. Như lá úa lìa cành… Bà ấy mất hôm qua rồi.
Ông nấc lên.
Khi người lớn khóc, ấy là sự tuyệt vọng đã tới chỗ tận cùng.
Tôi bặm môi bỏ ông đứng đấy, ù té chạy vào nhà.
Lẽ ra tôi phải đóng cổng lại đã, như cô Gái dặn: “Thời buổi trộm đạo như rươi,
cổng phải đóng cho chặt. Có ai gọi cũng phải hỏi kỹ, đúng là người nhà hay người
quen mới mở he hé cho vào. Nhớ đấy nhá!”.
Tôi gập người vào chum gạo tối om, xúc vội mấy vốc bỏ vào mảnh giẻ túm chặt lại
rồi chạy ra.
Cổng vẫn mở, nhưng không thấy ông phó Tuất đâu.
Tôi chạy ra đầu ngõ, nhìn ra xa, thấy ông đã dắt hai con lủi thủi đi. Tôi lật đật
chạy theo.
Ông ngẩn người khi tôi đặt vào tay ông túm gạo. Tôi không dám lấy nhiều, áng chừng
nhỉnh hơn một bò:
– Cậu lấy thế không sợ bà biết à?
Tôi lắc đầu. Chỗ gạo này cho ba bố con đâu có nhiều.
– Bà không biết đâu.
Tôi nói dối – cô tôi riết róng lắm. Là người duy nhất còn ở lại ngôi nhà ông bà
nội khi các bác tôi đã đi hết, bà quyết giữ cho nó nguyên vẹn như khi các cụ
còn sống. Tôi sợ bà. Nhưng nhìn thân hình gày còm và dáng đi xiêu vẹo của ông
phó, nhìn hai đứa trẻ mắt thô lố trông cậy, tôi không nỡ từ chối ông.
Ông đặt tay lên vai tôi hồi lâu. Có vẻ ông muốn ôm lấy tôi, nhưng ông ngần ngại.
Ông sợ mình hôi hám:
– Trời Phật phù hộ độ trì cho cậu.
Trong phút xúc động, ông quên bẵng tôi là người bên giáo.
Ông còn đến tôi vài lần nữa, cách nhau vài ngày. Lần nào tôi cũng xúc cho ông một
hoặc hai bò. Một bò gạo có nấu cháo loãng thì ba cha con ông cũng chỉ cầm hơi
được một ngày. Ông tất nhiên muốn tôi cho ông nhiều hơn, nhưng lại sợ tôi cho
nhiều như thế cô tôi biết và tôi sẽ bị đòn. Sở dĩ tôi dám cho ông ngần ấy vì gần
đây cô tôi mệt, thường không tự mình lấy gạo thổi cơm, mà giao việc ấy cho tôi,
bà không để ý.
Thế rồi bỗng nhiên phó Tuất mất tăm.
Lần cuối ông tới, tôi thấy ông còn gày hơn nữa, giọng nói còn thều thào hơn nữa.
Dường như phải gắng sức ông mới đặt được tay lên vai tôi:
– Cậu thật tốt bụng. Tôi không quên ơn cậu.
Một giọt nước mắt khô làm ướt hố mắt ông.
Mấy hôm sau tôi không thấy ông đâu. Tôi hớt hải chạy đi tìm ông khắp lối xóm, rồi
trong làng, với đùm gạo trong tay. Nhưng ông không có ở bất cứ đâu.
Tôi ân hận. Rất có thể những lần sau tới tìm không thấy tôi đâu, ông đã thất vọng.
Tôi thì nằm trên thân cây sung mọc trườn ở ao sau ngấu nghiến đọc cuốn Tam Quốc
Chí mới mượn được của bác tôi ở ngành thứ, tôi không nghe tiếng ông gọi. Không
thấy tôi, trong làng không xin được ai khác, chắc hẳn ông đã bỏ đi.
Mà ông có thể đi đâu cơ chứ?
Tôi hối hận đã cho ông quá ít trong lần cuối. Tôi quờ tay trong cái chum tối om
thấy gạo vơi đi nhiều. Nếu cô tôi biết, tôi sẽ bị đòn. Những con lươn trên mông
tôi không lặn đi ngay, bắt tôi phải nhớ lâu lỗi của mình. Khi tôi có lỗi, bà
thường nọc tôi ra, lấy roi dâu quất liên tiếp cho đến khi bà thấm mệt. May là
năm nay bà già nhiều rồi, tay không còn khoẻ, những trận đòn, nói cho đúng,
cũng nhẹ hơn trước.
Tôi khoá cổng, hấp tấp đi dọc con đê Vàng, ra tận Cổ Lễ. Không thấy phó Tuất
đâu, tôi đi ngược thêm vài cây số về phía tỉnh lỵ.
Người chết đói nhiều lắm, dọn không xuể. Nhiều xác chết đã bốc mùi. Tôi thầm
mong không thấy xác ông phó Tuất và hai đứa con trong những đống xác người chờ
được chở tới huyệt chung.
Tôi cầu xin Chúa cho tôi tìm được ông còn sống để đưa tiếp gạo cho ông nấu
cháo. Biết đâu đấy, những đùm gạo của tôi lại chẳng giúp được ông và hai đứa
con sống lay lứt cho đến khi lúa lại lên đòng và nạn đói kết thúc. Nếu tìm được
ông, tôi sẽ bảo ông đừng đi đâu nữa, hãy quay lại làng tôi, nơi tôi có thể gặp
ông để tiếp tục lấy gạo đưa ông.
Không bao giờ tôi gặp lại ông nữa.
Bộ đồ quý giá ấy tôi không dùng đến lần nào. Vì mỗi lần nhìn nó, tôi lại thấy
hiển hiện trong trí nhớ hình ảnh ông phó Tuất và hai đứa con ông trong cái buổi
sáng ảm đạm không thể nào quên ấy.
Đành cất kỹ nó, để rồi mất tiêu nó trong những xê dịch không ngừng thời kháng
chiến.
* * *
Tôi lớn lên, không trở thành thợ mộc giỏi. Cũng không chăm học để rồi làm quan,
đi buôn, như ông phó Tuất khuyên.
Tôi chẳng thành bất cứ cái gì như ông có thể hình dung. Nhưng ông để lại trong
tôi hình ảnh không phai nhoà về một một người khác nhiều người với những cuộc
trò chuyện tâm tình không thể nào quên. Và trùm lên tất cả là hồi ức buồn về một
kiếp tài hoa.
Tôi nhớ rất lâu những câu ông nói với tôi giữa tiếng tràng tiếng đục:
– Ông ơi, nghề mộc này ai dạy ông hở ông? – tôi ngồi bó gối bên cạnh, ngước
nhìn ông.
Ông lắc đầu:
– Tôi ấy à, chẳng ai dạy tôi cả.
– Người ta bảo “Không thầy đố mày làm nên” cơ mà.
Ông ngửa mặt, cười to:
– Không cứ là thế đâu, cậu ơi. Thầy à? Ông thầy ấy ở ngay trong mình này này.
Làm gì thì làm, cứ là phải thích cái đã. Không thích thì đừng hòng nên cơm nên
cháo gì, nghề nào cũng vậy thôi. Thầy ở đấy chứ ở đâu. Thích rồi, được làm cái
mình thích rồi, vẫn chưa đủ, còn cần phải mê nó nữa. Đến lúc ấy tìm thầy mà học
cũng chưa muộn.
– Thì vẫn phải có thầy đấy thây.
Ông lắc:
– Tôi nói rồi mà: thích chưa đủ, cậu ạ. Khi mình chưa say mê, chưa thấy cần có
người thầy để học thì có mà thầy giời dạy được mình.
Ông ngừng nói, suy nghĩ. Tôi im lặng chờ ông nói tiếp.
– Khi mình thấy thèm được học thì khắc có thầy – rồi ông nhẩn nha giải thích –
Thầy là ai? Thầy ở đâu? Chẳng là ai, chẳng ở đâu hết. Trên đời này có vô số người
giỏi. Mình muốn giỏi thì phải tìm người giỏi để mà học.
Ông triết lý:
– Bất cứ người giỏi nào cũng là thầy ta khi ta muốn học. Lại nữa, mỗi người giỏi
có cái giỏi riêng, học được cái giỏi ở bao nhiêu người là thu được bấy nhiêu
ngón nghề.Nhưng không có người thầy nằm sẵn trong mình thì có làm lâu mấy trong
nghề cũng vẫn chỉ là anh thợ quèn.
Ông lại chăm chú làm việc, quên bẵng tôi ngồi bên.
Nhưng xong việc rồi, ngắm nghía hồi lâu cái sản phẩm vừa làm ra rồi, hài lòng rồi,
thì ông bỏ nó đấy, chẳng nhòm ngó đến nữa, lại quanh quẩn tìm khúc gỗ, mẩu gỗ
nào thích hợp cho công việc kế tiếp. Khi xả hơi, ông khoan khoái rít dài một điếu
thuốc lào.
– Cậu biết không? – tay xoay xoay vật vừa làm xong, ông ngó nghiêng nó từ mọi
phía, rồi lại triết lý – Cậu thấy tôi làm mà như chơi là vì tôi không thấy cái
sự làm việc là vất vả. Tôi làm và có được cái khoái khi làm việc. Tức là sao? Tức
là trong khi mình đang làm ra cái mình muốn làm thì mình để hết tâm trí vào đấy,
cứ như không phải mình làm, mà nó hút mình vào đấy, làm mình quên hết mọi sự.
Cái khoái là như thế. Không phải cái mình làm ra làm cho mình khoái đâu, cậu hiểu
chứ? Việc xong rồi thì cái khoái cũng hết.
Ông giơ thành phẩm cho tôi xem:
– Nói ví thử như cái mẩu gỗ này, thoạt kỳ thuỷ khi mới cầm nó trong tay, tôi đã
mường tượng lát nữa nó sẽ thành cái gì, nó sẽ đẹp thế nào, tôi tự hỏi liệu nó
có sẽ như mình muốn không? Nhưng làm được nó rồi, xong rồi, mình thích rồi, đến
lúc ấy thì cái khoái cũng đi đâu mất sạch. Lạ vậy.
– Thế a?
– Khoái và thích là hai thứ khác nhau, cậu ơi. Thích cái mình làm ra mới chỉ là
sự bằng lòng, nhưng khoái thì hơn thế nhiều lắm.
Lúc khác, ông tâm sự:
– Còn có sự lạ này nữa – có khi lúc đầu mình định làm thế này, thế kia, vậy mà
làm xong, nhìn lại, hoá ra nó thành thế khác. Lạ lắm. Không phải khác hẳn cái
mình định làm đâu, khác hẳn có mà chết. Người ta đặt hàng cho mình thì mình
không thể làm ra cái kháccái người ta đặt. Khác ở đây là nó không hoàn toàn như
mình hình dung ban đầu. Tỉ dụ như cái chân đế này này, làm ra như cũ chẳng khó,
tôi nhắm mắt cũng làm được. Có điều lúc mình đang làm, cái mắt mình nó khiến
cái tay mình cách sao đó, mình cũng không hay, cứ như thể cái tràng cái đục dưới
tay mình chúng nó tự uốn, tự lượn, thế rồi chúng nó làm ra cái không hoàn toàn
giống cái mình muốn. Nhìn lại thì thấy nó giống thì vẫn giống, mà lại có khác một
chút, một tị tẹo thôi, ấy thế mà xem ra thì thấy đường nét mềm mại hơn, trơn
tru hơn, nói vắn tắt là đẹp hơn.
– Lạ nhỉ?
– Là thợ, mình mới thấy được cái đẹp ấy, chứ người đặt hàng thì không. Nhìn nó,
họ chỉ biết bằng lòng với cái vật mình làm ra cho họ thôi. Cái mình vừa làm ra
đẹp hơn mình mường tượng ban đầu thì chỉ riêng một mình mình biết. Lúc ấy trong
lòng thấy sướng, cậu a. Chẳng ai hiểu được cái sướng ấy nó thế nào. Thấy mình
ngồi đấy mà tủm tỉm, mình khoái một mình, họ tưởng mình dở hơi, họ tròn mắt ngó
mình, buồn cười lắm. Ấy đấy, cái khoái, cái sướng trong nghề nó là vậy, cậu ạ.
Thằng cậu ngày ấy chỉ biết ngồi bó gối chăm chú ngó nghiêng ông làm việc. Nó
nghe mà không hiểu bao nhiêu. Nhưng những lời ông nói cứ từ từ, từng ít một, đọng
lại trong trí nhớ.
Về sau này, khi đã thành người lớn, nhớ lại kỷ niệm thời thơ ấu, nó mới ngộ ra
ông thợ đã đúc kết được điều gì trong đời mình.
Ông đã tìm ra điều bí mật ẩn giấu bên trong sự sáng tạo – ấy là niềm vui vô thức
nảy sinh trong lúc làm việc. Và chỉ trong lúc ấy. Nó đồng nghĩa với cảm giác hạnh
phúc. Người nào mới thấy được niềm vui trong kết quả công việc, người đó chưa
ngộ ra cái gọi là niềm vui sáng tạo.
Cô Gái tôi từ Kiên Lao chăm em gái ốm trở về, không kiểm tra chum gạo. Nhưng mấy
hôm sau, khi tôi rụt rè thưa với bà rằng gạo đã hết, phải lấy thóc ra xay, thì
bà bảo:
– Ma quỷ, sao mà chóng hết vậy?
Buổi tối, hai cô cháu giã gạo, bà ngừng chân nhấn, hỏi tôi:
– Cô hỏi thật: cháu có lấy gạo cho ai không đấy?
Tôi biết không thể chối, cúi mặt, ấp úng:
– Dạ, có.
Bà thở dài:
– Lúc đi vắng, cô nghĩ: không biết thằng cháu ở nhà có biết đường san sẻ với
người đói không đấy. Chỉ e cháu sợ cô mắng, chẳng dám cho ai.
Rồi bà xoa đầu tôi:
– Mày nom thế mà hoá ra cũng sáng dạ, cháu ạ.
Vũ Thư Hiên