Bây giờ ở tuổi xế chiều, nhớ lại quãng đời lúc còn trẻ, tôi
thấy thời tươi đẹp nhất là ba năm học Đại học Sư phạm tại Đà Lạt.
Đậu Tú Tài 2 vào mùa hè năm 1960, tôi ghi danh vào lớp Dự Bị
Văn Khoa của Đại học Sài Gòn. Học được nửa năm thì thấy Thông cáo cuộc thi tuyển
vào Đại Học Sư Phạm của bộ Giáo Dục, tôi bèn ghi danh đi thi hai ban : Triết học
và Anh văn. Tự thấy mình cũng đã lớn rồi, phải tìm nghề ngỗng mà sống, chứ làm
sao có thể ở trong tình trạng “cơm cha, áo mẹ, chữ thầy” mãi được. Cuối cùng là
đến kỳ thi, và tôi đậu vào ban Triết học. Tôi có nhận được thư thông báo là tôi
phải đi Đà Lạt để học lớp Triết trên đó, năm thứ nhất bắt đầu từ niên khóa
1961-1962. Học ba năm, nếu song suốt trong các kỳ thi lên lớp và thi mãn khóa,
chúng tôi sẽ ra trường vào mùa hè 1964, và nhận nhiệm sở đi dạy đầu tiên vào
niên khóa 1964-65.
Đến Đà Lạt, tôi như rơi vào cõi mộng mơ. Đà Lạt có một cảnh trí thiên nhiên tuyệt vời, không khí mát mẻ, rừng thông, hồ nước, đồi núi… giàn trải một cách hài hòa và mỹ thuật không khác nào một bức họa lớn. Khi ghi danh nhập học tại văn phòng Viện Đại Học Đà Lạt tôi có cảm giác như đang làm thủ tục để vào cư ngụ trong một cõi thần tiên.
Tôi không xin vào nội trú trong đại học xá ở ngay trong trường,
vì tôi có một nhà bà con tại thành phố này, và chú tôi, người đã đến đây lập
nghiệp từ lâu, khuyên tôi ở nhà chú tôi để đi học. Tôi rất hạnh phúc khi mới tới
xứ lạ, gặp được tình cảm ấm áp của bà con giòng họ như ôm ấp lấy mình.
Ngày tựu trường, lớp tôi sĩ số khoảng 30 người, từ tứ xứ tới
đây, bắt đầu làm quen với nhau. Người tôi để ý đầu tiên là Tô Văn Lai vì anh là
người đỗ đầu của cuộc thi tuyển vào lớp này. Anh có vẻ rất thư sinh, quần áo chỉnh
tề, ăn nói vừa điềm đạm vừa vui vẻ. Lớp chúng tôi có đến ba người tên Minh mà
anh em trong lớp dần dần dựa vào đặc tính của mỗi người để đặt cho mỗi người một
biệt hiệu để phân biệt. Một bạn cao lớn đẹp trai như tài tử điện ảnh, anh em đặt
tên là Minh Pat Boone; một bạn khác được đặt biệt hiệu là Minh Cờ Bạc (có thể
trong đời sống nội trú anh này hay tổ chức cờ bạc để giải trí chăng); còn tôi,
có biệt danh là Minh Xe Lam, vì sau mấy tháng nhập học tôi được gia đình gửi tiền
để mua một chiếc Lambretta cũ để đi học, vì nhà chú tôi cách trường đến sáu cây
số.
Một điểm đặc biệt của lớp chúng tôi là qua
quá trình học, chúng tôi hầu như không biết sức học của nhau. Chúng tôi tới lớp
nghe giảng, ghi bài giảng mang về để học. Với những vị giảng bằng tiếng Pháp,
chúng tôi được phát những tập bài giảng bằng tiếng Pháp in ronéo, vì không phải
ai trong đám sinh viên chúng tôi (nhất là những người học trường Việt) có thể
nghe hiểu và ghi chép bằng tiếng Pháp. “Sức học” thực ra là ở cách học của mỗi
người, ở công sức đọc sách tìm hiểu sâu thêm ở từng môn học, khả năng đó chìm sâu
trong từng con người, không thể đem ra thi thố hơn thua ở mặt ngoài. Các giáo
sư rất ít khi ra bài tập cho sinh viên. Điều này dễ hiểu, có nhiều vị giáo sư dạy
tại ba trường khác nhau, là Sài Gòn, Đà Lạt và Huế, hầu như tháng nào cũng đi
luân phiên như thế, việc theo dõi trình độ học vấn của sinh viên bằng cách ra đề
tài để viết luận văn là một việc không thể làm được. Tôi nhớ trong ba năm học,
chúng tôi chỉ một lần phải làm một bài luận triết cho Giáo sư Lê Tôn Nghiêm,
vài tháng sau khi chấm xong bài được trả lại với cách cho điểm bằng bút chì A,
B hoặc C, với một số nhận xét chung cho cả lớp. Cho nên “cuộc sống” của tập thể
lớp chúng tôi khá vui và bình đẳng, không ai giỏi hơn ai, hay kém hơn ai. “Học
lực” của mỗi người là cái chỉ có người đó (may ra) mới biết thôi.
Tôi là dân ngoại trú, thỉnh thoảng cũng ghé vào chơi với các
bạn nội trú. Các phòng trong học xá khá rộng rãi thoải mái, giường, tủ, bàn học
rất tươm tất. Tôi nhớ chỗ bàn học của Tô Văn Lai trông sang hơn bàn của các bạn,
vì trên bàn của Lai có một cái radio nhỏ trông rất xinh xắn. Cả học xá chỉ một
mình Tô Văn Lai có tài sản ấy. Và đó, cái radio ấy, chính là đề tài một câu
chuyện rất vui và gay cấn mà tôi sắp kể dưới đây.
Vào một buổi tối mùa đông trời rất lạnh, tất cả sinh viên
trong phòng của Lai đều co ro tại bàn học của mình chăm chú đọc bài vở hoặc
nghiên cứu tài liệu. Bỗng dưng Tô Văn Lai với tay cầm chiếc radio giơ lên rồi
nói to với tất cả anh em trong phòng : “Giờ này mà đứa nào bơi qua được hồ Xuân
Hương thì tao chịu mất cái radio này để thưởng cho thằng đó.” Cả phòng đang im
lìm bỗng xôn xao hẳn lên, anh em nhìn nhau để dò hỏi ai là người dám “bắt” sự
thách đố này. Mấy phút trôi qua, rồi Minh Cờ Bạc đứng dậy bước ra giữa phòng
dõng dạc nói : “Tao bơi !” Minh Cờ Bạc thân mình mập mạp và dáng điệu ra vẻ tay
chơi, nói với cả phòng : “Tụi mày làm chứng cho vụ này nhé, tao sẽ ra bờ hồ,
sang bên kia chỗ Nhà Thủy Tạ rồi từ đó bơi xuyên bề ngang của hồ, tới bến cho
mướn pédalo. Nào, chúng mình cùng đi ra bờ hồ !”
Tưởng là một thách đố khơi khơi cho vui giữa đêm trường lạnh
giá, nào ngờ có người “bắt” liền, Lai thoạt tiên cảm thấy chới với. Nhưng một lời
đã nói ra, bốn ngựa không theo kịp, Lai đành chuẩn bị đi ra bờ hồ với cả phòng.
Các phòng khác nghe chuyện lạ, anh em sinh viên ai cũng háo hức mặc thêm áo ấm
chuẩn bị đi ra bờ hồ để chứng kiến một cuộc thách đố ly kỳ chỉ có thể xảy ra
trong một đêm đông Đà Lạt : có hồ để bơi, có không khí buốt giá của đêm trường,
có một tập thể sinh viên đủ nghịch ngợm và chịu chơi trước một thách đố khó
khăn…
Một bạn có xe gắn máy tình nguyện chở Minh Cờ Bạc chạy thẳng
ra Nhà Thủy Tạ. Đám còn lại đi bộ, mang theo nào khăn tắm, nào mền để phủ ấm
cho Minh Cờ Bạc khi hắn bơi được tới bờ. Hình như không ai nghĩ tới việc Minh Cờ
Bạc sẽ bị lạnh cóng giữa hồ và sẽ không bao giờ tới bến cho mướn pédalo. Ai
cũng thấy đây là một trò vui hiếm có, mặc dù trong một điều kiện khá nguy hiểm.
Khi đám đi bộ đã tới bến cho mướn pédalo thì người bạn đi xe
gắn máy cũng vừa từ nhà Thủy Tạ chạy qua, cho biết Minh Cờ Bạc đã sẵn sàng, anh
em bên này đã tới đầy đủ thì Minh sẽ bắt đầu phóng xuống nước. Sương mù dày
đang phủ trên mặt hồ, dù quanh hồ có nhiều trụ đèn đường nhưng nhìn ra hồ chỉ
thấy một khối sương trắng xóa. Cảnh tượng đó càng làm tăng thêm cảm tưởng… rùng
rợn của cuộc chơi. Nhưng không một ai đưa ra ý kiến ngưng vụ thách đố này lại.
Đó cũng là đặc tính của tuổi trẻ, luôn luôn đứng về phía mạo hiểm. Người đi xe
gắn máy chạy vù qua Nhà Thủy Tạ để báo cho tay bơi có thể bắt đầu xuống nước.
Cả đám đông đứng chờ bên này hồ bỗng nhiên yên lặng, im
phăng phắc dán mắt vào khối sương trắng trên mặt hồ, tai lắng nghe thử có tiếng
đập nước nào vang ra từ cái khối trắng xóa kia không. Thời gian như ngưng lại,
một phút trôi qua như vô tận. Bao nhiêu khái niệm về thời gian vật lý và thời gian
tâm lý đang thử thách đám sinh viên triết học này, giữa trời khuya, bên bờ hồ
giá lạnh. Đúng là họ đang căn mắt nhìn vào đám sương mù trên mặt hồ mà bấy giờ
họ thấy như là một chướng ngại thiên thu không thể nào xoi thủng được. Bao
nhiêu phút đã qua ? Minh Cờ Bạc có đang làm động tác bơi lội trong khối nước lạnh
kia không ? Hay là chàng ta đang bị cóng lạnh, tay chân không hoạt động được,
đang chống chọi một cách vô vọng với cái khắc nghiệt của thiên nhiên ? Và biết
đâu đang chìm dần xuống đáy hồ ? Cả đám người trai trẻ đứng trên bờ hồ im phăng
phắc như bỗng dưng bị cấm khẩu hết. Họ chỉ biết nhìn cái khối sương mù trắng
toát trên mặt hồ, từng giây, từng giây trôi qua. Bỗng một tiếng la to : “Nó kia
rồi !” Rồi nhiều tiếng hỏi xôn xao : “Đâu ? Đâu ?” như “nó” chỉ là một ảo giác.
Nhưng không, người ta đang nghe rõ tiếng đập nước của một người đang bơi. Nhiều
tiếng thở phào của đám người đang chờ trên bờ, và họ lại thấy cuộc chơi bắt đầu
hào hứng trở lại. Và một cái bóng đen đang chui ra khỏi khối sương mù và đang
sãi tay tiến một cách vũ bão vào bờ. Cả đám ồ lên vui mừng. Có lẽ từ khi có
thành phố Đà Lạt cho đến giờ phút ấy, chưa bao giờ có một tiếng la vang dội như
thế giữa một đêm đông giá buốt trên bờ hồ này. Minh Cờ Bạc leo lên bờ như một
anh hùng thắng cuộc, lập tức được trao cho một cái khăn tắm để lau mình, rồi
không mặc áo quần gì cả, một cái mền bông dày quấn ngay thân thể của chàng lại,
quấn kín mít để không một chút gió lạnh nào chạm được vào da thịt chàng, rồi
chàng được bế lên xe, rồi tài xế chạy vù về viện.
Hôm sau được hỏi cảm giác khi bơi trong hồ, Minh Cờ Bạc tiết
lộ : “Tao không ngờ giữa đêm khuya không khí lạnh buốt như thế, mà nước hồ lại
rất ấm. Gần như bơi trong một piscine nước nóng vậy thôi.”
*
Hoạt cảnh đó đã xảy ra từ 60 năm trước. Những người tham dự
“cuộc vui” trên bờ hồ Xuân Hương năm đó, có người nay đã về với ông bà, có người
đã râu tóc bạc phơ. Vai chính bày ra cuộc chơi ấy năm xưa, Tô Văn Lai, nay cũng
vừa lìa bỏ trần thế.
Tại Little Saigon này, lâu nay chỉ còn ba người bạn cùng học
khóa Triết năm ấy, thỉnh thoảng gặp nhau, là Tô Văn Lai, Trương Đình Tấn và Phạm
Phú Minh. Nguyễn Văn Lục từ Canada một dạo lạc đường vào tình sử cũng có mặt tại
vùng Nam California này một thời gian, vị chi là bốn người. Có lần tôi hỏi Tô
Văn Lai về vụ thách đố đầy hồi hộp năm xưa, Lai đã nói với tôi : “Tối hôm đó đứng
bên bờ hồ, tôi cảm thấy rất lo lắng và sợ, sợ thằng Minh Cờ Bạc nó chết đuối giữa
hồ. Nếu việc đó xảy ra, cuộc đời của tôi không biết rồi sẽ ra sao.”
May mắn là Minh Cờ Bạc đã thắng được cái radio của Tô Văn
Lai, và cuộc đời của Lai tiếp tục tươi sáng, thành công, cho đến giây phút cuối
cùng.
Westminster 27-7-2022
Phạm Phú Minh