Chính Sách “Một Trung Quốc” (One China Policy) bắt nguồn từ
chiến lược hòa hoãn với Trung Quốc của TT Richard Nixon và Cố Vấn An Ninh Quốc
Gia Henry Kissinger.
Trong tiểu luận quan trọng “Á Châu Sau Việt Nam” (Asia After
Vietnam) đăng trên tạp chí uy tín Foreign Affairs tháng 10, 1967, Richard Nixon
cho rằng song song với việc giải quyết chiến tranh, phát triển kinh tế trong
khu vực cũng quan trọng không kém. Theo tác giả, nói đến Á Châu không thể bỏ
qua vai trò của bốn quốc gia ảnh hưởng gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Hoa Kỳ
(cường quốc Thái Bình Dương). Tất cả nên được bắt đầu bằng việc thiết lập quan
hệ với Trung Cộng. (Foreign Affairs, Vol. 46, No. 1, Oct., 1967))
Khi được bầu vào tòa Bạch Ốc, TT Nixon tiến hành hai mục đích nầy. Chuyến viếng thăm Trung Quốc của TT Nixon, kết thúc bằng Thông Cáo Chung Thượng Hải, 27 tháng 2, 1972, đã mở ra một thời kỳ mới trong quan hệ quốc tế chưa từng có tại Á Châu.
Theo nội dung của Thông Cáo Chung Thượng Hải, Trung Cộng khẳng
định: (1) Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là chính phủ hợp pháp duy nhất
của Trung Quốc; (2) Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc; (3) việc giải phóng
Đài Loan là việc nội bộ của Trung Quốc mà không nước nào có quyền can thiệp; và
(4) tất cả các lực lượng và cơ sở quân sự của Hoa Kỳ phải được rút khỏi Đài
Loan.”
Phía Hoa Kỳ: (1) thừa nhận Đài Loan là một phần của Trung Quốc,
(2) khẳng định mối quan tâm của Hoa Kỳ đối với việc giải quyết vấn đề Đài Loan
một cách hòa bình bởi chính người Trung Quốc, (3) đồng ý mục tiêu cuối cùng là
việc rút tất cả các lực lượng và cơ sở quân sự của Hoa Kỳ khỏi Đài Loan.
(Wilson Center, Joint Communique between The United States and China, 1972)
Đòi hỏi của Trung Cộng rất rõ ràng nhưng đáp ứng của Hoa Kỳ
lại khá mơ hồ. Thời gian đó, Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) vẫn còn tòa đại sứ tại
Washington D.C..
Năm 1979, chính phủ Jimmy Carter bước thêm một bước nữa
trong quan hệ ngoại giao với Trung Cộng khi thừa nhận “Chính phủ Cộng Hòa Nhân
Dân Trung Hoa là chính phủ hợp pháp duy nhất”. Điều này có nghĩa Trung Hoa Dân
Quốc không phải là một quốc gia có chủ quyền độc lập. TT Jimmy Carter tuyên bố
ý định thiết lập quan hệ ngoại giao hoàn toàn với Trung Cộng vào ngày 1 tháng
1, 1979 và hai nước sẽ trao đổi đại sứ vào ngày 1 tháng 3 cùng năm.
Đặng Tiểu Bình viếng thăm thiện chí Hoa Kỳ vào tháng Giêng,
1979. Đặc biệt, ngoài việc thảo luận các quan hệ giữa hai nước, họ Đặng tiết lộ
cho TT Carter biết Trung Cộng sẽ đánh Việt Nam. TT Carter thuyết phục Đặng Tiểu
Bình không nên dùng biện pháp võ lực, nhưng không thành công.
Trong văn kiện tái lập quan hệ ngoại giao 1979, Hoa Kỳ thừa
nhận quan điểm của Trung Cộng khi Trung Cộng cho rằng chỉ có một Trung Quốc và
Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chính
phủ Hoa Kỳ công nhận Trung Cộng có chủ quyền trên Đài Loan. Nguyên văn tiếng
Anh của mệnh đề quan trọng này: “The government of the United States of America
acknowledges the Chinese position that there is but one China and Taiwan is
part of China.”
“Thừa nhận” (acknowledge) khác với “công nhận” (recognize).
Chính phủ Hoa Kỳ “thừa nhận” quan điểm của Trung Quốc cho rằng Đài Loan là một
phần của Trung Quốc nhưng không hàm ý “công nhận” Đài Loan là một phần của
Trung Quốc. Chính phủ Hoa Kỳ mong muốn tranh chấp giữa Trung Cộng và Đài Loan
được giải quyết bằng phương pháp hòa bình.
Phái đoàn Trung Cộng muốn sửa lại nội dung văn kiện để thay
từ “thừa nhận” thành “công nhận” nhưng phái đoàn Hoa Kỳ không đồng ý. Vì muốn
thỏa hiệp được ký kết nhanh, phái đoàn Trung Cộng không tiếp tục giằng co với
trò chơi chữ của Mỹ. (Michael J. Green,What Is the U.S. “One China” Policy, and
Why Does it Matter?, Center for Strategic and International Studies, 2017)
Trong thời điểm đó, Dân biểu Clement John Zablocki, Chủ Tịch
Ủy Ban Ngoại Giao Hạ Viện Hoa Kỳ là người có quan điểm chống CS cứng rắn thuộc
đảng Dân Chủ, quận 4 tiểu bang Wisconsin. Ông rất nhạy bén khi hình dung viễn ảnh
không sáng sủa của Đài Loan nên đã bảo trợ một dự luật nhằm bảo vệ an ninh của
Hoa Kỳ và quyền lợi kinh tế Đài Loan sau này. Dự luật là một hợp tác lưỡng đảng
và được hoàn thành trong một thời gian rất ngắn. Dân biểu Zablocki giới thiệu dự
luật ngày 28 tháng 2, 1979.
Đạo luật có tên là Đạo Luật Quan Hệ Đài Loan (Taiwan
Relations Act) ra đời. Mặc dù Mỹ đã đóng tòa đại sứ tại Đài Loan nhưng đạo luật
này cho phép thiết lập Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan, một hình thức khác của tòa đại
sứ. Đạo luật này yêu cầu tổng thống phải tức khắc thông báo với quốc hội mọi biến
cố có ảnh hưởng đến an ninh của Đài Loan. Quan trọng nhất, đạo luật nhấn mạnh
Hoa Kỳ sẽ cung cấp Đài Loan với võ khí có đặc tính phòng thủ và sẽ duy trì khả
năng của Hoa Kỳ chống lại bất cứ biện pháp nào dùng vũ lực hay hình thức cưỡng
bách nào khác có thể gây nguy hiểm cho an ninh hay hệ thống xã hội hoặc kinh tế
của nhân dân Đài Loan”. (H.R.2479 — 96th Congress (1979-1980))
Dĩ nhiên Trung Cộng phản đối Đạo Luật Quan Hệ Đài Loan và
xem đó là hành động đơn phương của Mỹ, vi phạm các nguyên tắc ngoại giao quốc tế
và nhất là “vi phạm những cam kết của Hoa Kỳ với Trung Cộng”.
Hoa Kỳ không vi phạm các cam kết với Trung Cộng. Các lãnh đạo
Trung Cộng quên rằng, bộ máy độc tài chuyên chính tập trung CS không chạy giống
như bộ máy của các nền dân chủ phân quyền. Trong chính trị Mỹ, ba ngành hành
pháp, lập pháp và tư pháp hoạt động độc lập, sinh động, chẳng những không mâu
thuẫn nhau mà có tác dụng bổ khuyết nhau tạo nên sức mạnh tổng hợp của nền dân
chủ để đáp ứng mọi tình huống trước mắt cũng như lâu dài.
Cơ chế dân chủ Mỹ là cánh đồng phì nhiêu có nhiều thảo mộc,
cây trái, hoa màu. Trên cánh đồng đó từng đó một George F. Kennan, một viên chức
cấp thấp làm việc tại tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Liên Xô đã trở thành cha đẻ của “lý
thuyết ngăn chặn” kéo dài 45 năm qua nhiều thời tổng thống. Nếu làm việc dưới
chế độ quan liêu CS, các đề nghị của anh cán bộ George F. Kennan đã đi vào ngăn
kéo hay thùng rác.
Nếu không có Đạo Luật Quan Hệ Đài Loan, số phận Đài Loan
ngày nay cũng chẳng khác gì Hong Kong. Đạo luật này mở ra nhiều cánh cửa cho
quan hệ giữa Đài Loan và Hoa Kỳ đồng thời dự phòng nhiều trường hợp để các
chính phủ Hoa Kỳ sau đó có thể giải thích và áp dụng tùy theo tình huống.
Nhắc lại, trong Thông Cáo Chung thứ ba giữa Hoa Kỳ và Trung
Cộng ngày 17 tháng 8, 1982, Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng “Hoa Kỳ không tìm kiếm một
chính sách dài hạn bán vũ khí cho Đài Loan”. Tuy nhiên, TT Ronald Reagan lại gởi
riêng cho TT Tưởng Kinh Quốc “sáu bảo đảm” trong đó khẳng định Hoa Kỳ chỉ giảm
việc bán vũ khí cho Đài Loan với điều kiện Trung Cộng cam kết theo đuổi một giải
pháp hòa bình cho xung đột Eo Biển Đài Loan. Lần nữa, TT Reagan áp dụng Đạo Luật
Quan Hệ Đài Loan. Văn bản của TT Reagan gởi Tưởng Kinh Quốc đã được giải mật
năm 2020.
Hôm 23 tháng 5, 2022 tại Tokyo, khi được hỏi liệu Hoa Kỳ có
dùng vũ lực để bảo vệ Đài Loan trong trường hợp Đài Loan bị tấn công, TT Joe
Biden trả lời ngay “Yes” và sau đó giải thích thêm cũng trong tinh thần của Đạo
Luật Quan Hệ Đài Loan: “Chúng tôi đồng ý với chính sách ‘Một Trung Quốc’. Chúng
tôi ký vào đó, và các bên đồng ý từ đó, nhưng ý tưởng thực hiện bằng vũ lực là
không thích hợp.”
Điều đó cho thấy quan điểm “Một Trung Quốc” của Hoa Kỳ khác
với quan điểm “Một Trung Quốc” của các lãnh đạo Trung Cộng từ Đặng Tiểu Bình tới
Tập Cận Bình.
Các tổng thống Mỹ dù Jimmy Carter, Dân Chủ, hay sau đó là
Ronald Reagan, Cộng Hòa, đều xem việc bảo vệ Đài Loan là quan trọng không chỉ về
quyền lợi kinh tế mà quan trọng hơn là an ninh tại Á Châu.
Quan điểm lưỡng đảng về Đài Loan đó từ 1979 đến nay không
thay đổi.
Mở ngoặc một chút về sinh hoạt lưỡng đảng của Mỹ. Khái niệm
đảng trong sinh hoạt chính trị Hoa Kỳ hoàn toàn khác với khái niệm đảng dưới chế
độ CS. Tổng thống thuộc đảng Cộng Hòa đã đánh gục Liên Xô trong Chiến Tranh Lạnh
là Ronald Reagan nguyên là một đảng viên đảng Dân Chủ. Nhà chính trị nổi tiếng
và từng là ứng cử viên tổng thống đại diện cho đảng Dân Chủ là Hillary Clinton
nguyên là đảng viên đảng Cộng Hòa. TT Donald Trump nguyên là đảng viên đảng Cộng
Hòa, sau đổi sang đảng Cải Cách (Reform Party), rồi đổi tới đảng Dân Chủ và đổi
về lại Đảng Cộng Hòa. Trong lịch sử chính trị Hoa Kỳ hai đảng Cộng Hòa và Dân
Chủ từng thay đổi toàn bộ nguyên tắc chỉ đạo (platforms). Đảng Cộng Hòa bảo thủ
ngày nay trước đây là đảng có tinh thần tự do, cấp tiến. Tổng thống thuộc đảng
Cộng Hòa Abraham Lincoln là người chủ trương giải phóng nô lệ và bảo vệ người
da đen trong khi đảng Dân Chủ lại chống đối việc mở rộng quyền của chính phủ
liên bang. Chủ thuyết Monroe (Monroe Doctrine) mang tên tổng thống James Monroe
do lúc đó là Ngoại trưởng John Quincy Adams soạn, chủ trương “Mỹ châu của người
Châu Mỹ” ra đời năm 1823. Gần 200 năm sau qua nhiều đời tổng tống dân chủ lẫn cộng
hòa nhưng mỗi khi có một biến động chính trị ở châu Mỹ, chẳng hạn khủng hoảng
chính trị của Venezuela hiện nay, chủ thuyết này vẫn còn được đem ra bàn. Do
đó, một người Việt trong nước hay gốc Việt ngoài nước nếu thật sự quan tâm đến
tương lai dân chủ của Việt Nam thì nên tính táo, khôn ngoan để vận dụng mọi
chính sách đối ngoại của các cường quốc dân chủ vào cuộc đấu tranh chung và
không nên quá đặt nặng việc tổng thống Mỹ thuộc đảng nào.
Trở lại với chuyện “Một Trung Quốc”. Đài Loan, về mặt lãnh
thổ, có thể là một phần của Trung Quốc nhưng 23.6 triệu người Đài Loan không phải
là dân của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa dưới sự cai trị của đảng CS Trung
Quốc đứng đầu là Tập Cận Bình.
Đất nước không chỉ là núi, đồi, sông, biển, ruộng, vườn,
cây, trái v.v… mà trên tất cả là con người với những khát vọng, ước mơ và lý tưởng
của thời đại họ. Và do đó, không ai có quyền định đoạt sinh mệnh của 23.6 triệu
người dân Đài Loan ngoài chính họ.
Con người hôm nay là con người đang bước đi trong thời đại với
các giá trị đạo đức và văn minh được chính họ sáng tạo, phát minh hay chọn lựa.
Nếu tách rời đặc tính thời đại ra khỏi định nghĩa một dân tộc thì dân tộc đó chẳng
khác gì một bộ lạc sống đời sống nguyên thủy trong các rừng nhiệt đới ở Ba Tây.
Chính vì phát triển phù hợp với xu hướng thời đại mà Tây Đức
trở nên một cường quốc ngay trong thời kỳ bị chia cắt. Thủ tướng Konrad
Adenauer, giống như nhiều người dân Đức khác, rất mong được thấy một nước Đức
thống nhất sau Thế Chiến Thứ Hai. Tuy nhiên, ông khẳng định nếu thống nhất để rồi
nước Đức trở thành một nước CS hay “trung lập dẫn đến CS” đi ngược với xu hướng
thời đại ông sẽ chống.
Khát vọng của con người xác định cho tương lai họ chứ không
phải do ý thức hệ áp đặt từ bên ngoài hay do sức mạnh của một nhóm người từ bên
trong giữ chìa khóa nhà tù.
Adenauer nhận ra rằng nước Cộng Hòa Liên Bang Đức chỉ có thể
giành lại tự do và thịnh vượng nếu là một phần của châu Âu rộng lớn hơn với sự
hậu thuẫn của Hoa Kỳ. Tây Đức nhận của Mỹ gần 1.4 tỷ dollar trong Kế Hoạch
Marshall (Marshall Plan)để giúp nước Đức đứng lên từ đống tro tàn nhưng không
ai tố cáo Hoa Kỳ là “thực dân mới đế quốc Mỹ” như mấy cái loa tuyên truyền rỉ rả
suốt ngày ở Việt Nam.
Chỉ sau một thời gian ngắn phát triển Tây Đức được xem như
là một phép lạ kinh tế, trở thành hội viên của NATO và Cộng đồng kinh tế Âu
Châu. Konrad Adenauer viếng thăm Liên Xô năm 1955 với tư cách một nguyên thủ quốc
gia chứ không phải đại diện cho một nước Đức bại trận hay một chư hầu của Mỹ.
Hai nước Bắc Hàn và Việt Nam cũng bị chia cắt trong thời
gian đó. Kim Nhật Thành thăm Liên Xô tháng 3, 1949 để cố thuyết phục Stalin cho
phép ông ta xua quân chiếm Nam Hàn và thiết lập chế độc tài CS trên toàn cõi Triều
Tiên. Cái gật đầu của Stalin ngày 30 tháng 5, 1950 dẫn đến ít nhất 3 triệu người
bị giết. Tương tự, Hồ Chí Minh và Lê Duẩn thăm Trung Cộng và Liên Xô nhiều lần
cũng chỉ với mục đích duy nhất là mong Trung Cộng và Liên Xô cung cấp súng đạn
để họ đưa quân vào cưỡng chiếm miền Nam và thiết lập chế độ CS trên phạm vi cả
nước.Tham vọng CS hóa đó đi ngược lại ước vọng của người dân miền Nam. Hậu quả
là nhiều triệu người chết trong chiến tranh và đất nước đi vòng quanh trong ngõ
cụt lạc hậu và chậm tiến từ đó đến nay.
Sau khi lệnh “Thiết Quân Luật” (Martial Law) được hủy bỏ vào
tháng 5, 1991, chính phủ và người dân Đài Loan đã đưa đất nước vươn lên cao
trong nhiều lãnh vực nhất là tự do, dân chủ và nhân quyền.
Theo kết quả xếp hạng của Economist Intelligence Democracy
Index 2021, Đài Loan là một trong 21 quốc gia dân chủ toàn diện (full
democracy) trên thế giới. Một quốc gia được xếp vào hạng dân chủ toàn diện phải
đạt số điểm cao nhất trong 5 lãnh vực: (1) đa đảng và bầu cử tự do, (2) tự do
dân sự, (3) chức năng chính phủ, (4) tham gia chính trị và (5) văn hóa chính trị.
Với kết quả vượt trội đó, Đài Loan còn dân chủ hơn cả Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ
Đào Nha, Bỉ và nhiều nước tiên tiến khác.
Cũng theo Economist Intelligence Democracy Index 2021, Trung
Cộng cùng với CSVN, Bắc Hàn, Lào, Cuba, Afghanistan và một số nước Phi Châu độc
tài bị liệt vào nhóm “Chuyên chế” (Authoritarian).
Economist Intelligence dành một phần khá dài để phân tích
trường hợp Trung Cộng. Trung Cộng là quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai trên
thế giới, nhưng nền kinh tế lớn không đem lại hạnh phúc cho con người. Giá trị
của một quốc gia khi đem ra so sánh với các quốc gia khác không đặt trên cơ sở
nền kinh tế mà là đạo đức và đời sống của người dân. Một con người phải sống một
cuộc đời đáng sống.
Trong tiêu chuẩn “đa đảng và bầu cử tự do”, Trung Cộng và
CSVN đều lãnh ba trứng gà (0.00). Với sỉ nhục quốc tế đó, Trung Cộng không có
quyền gì, không có tư cách gì để áp đặt một chế độ phi nhân, lạc hậu lên 23.6
triệu người tự do tại Đài Loan. (Democracy Index 2021, The China challenge,
Economist Intelligence)
Hôm 1 tháng 8, 2022, Chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi
thăm Đài Loan. Chuyến viếng thăm ngắn nhưng đã gây nhiều tiếng vang khắp thế giới
và phản ứng quyết liệt kèm theo nhiều đe dọa từ phía Trung Cộng. Nhưng ngoài việc
gởi một số chiến đấu cơ xâm phạm không phận Đài Loan, Trung Cộng không thể có một
hành động trả đũa nào cụ thể.
Trung Cộng làm gì với những chiến đấu cơ đó? Dám bắn không?
Hình ảnh quân đội Nga đang khốn đốn ở Ukraine là một nhắc nhở hãi hùng dành cho
quân đội Trung Cộng, một quân đội đang mắc “bệnh hòa bình” vì 43 năm chưa ra trận.
Như người viết đã phân tích trước đây, quan hệ và mậu dịch
kinh tế chằng chịt, không chỉ giữa Trung Cộng và Đài Loan mà còn Trung Cộng,
Đài Loan, Mỹ, Châu Âu và khối các nước đang phát triển. Vì thế, dù có đánh nhau
với Đài Loan và ngay cả trong trường hợp Mỹ đứng ngoài, nền kinh tế Trung Cộng
cũng sẽ thiệt hại nặng nề nếu không muốn nói là phá sản. Bài học Liên Xô cho họ
Tập thấy, phá sản kinh tế sẽ tức khắc dẫn tới phá sản cơ chế chính trị.
Nhưng tại sao Tập hung hăng? Hai lý do. Thứ nhất, Tập muốn tạo
một không khí chiến tranh để áp đảo tinh thần các thành phần chống Tập còn mạnh
trong nội bộ đảng CSTQ trước khi ông ta bước vào nhiệm kỳ 3 tại đại hội đảng lần
thứ 20 vào tháng 11 này. Thứ hai, Tập tiếp tục đun sôi chảo dầu đại Hán để giữ
“niềm tin vào đảng” và để đánh lạc hướng lòng công phẫn của người dân sang phía
Mỹ thay vì tập trung vào ông ta.
Việc làm ồn lên của Tập chỉ làm trò cười cho thiên hạ và góp
phần quảng cáo cho chuyến viếng thăm Đài Loan của bà Nancy Pelosi.
Công ty Aviation-tracking vừa cho biết chuyến bay của bà
Pelosi thu hút lượng người theo dõi trực tiếp chưa từng có. Nếu Tập khôn ngoan
hơn có lẽ nên im lặng hay lấy một bài bình luận từ một tờ báo cũ ra đăng rồi
cho qua.
Tập Cận Bình chỉ giỏi ăn hiếp những nước cô thế, không đồng
minh, lệ thuộc tư tưởng như CSVN hay các con nợ nghèo như Sri Lanka,
Kyrgyzstan, Pakistan nhưng với Mỹ thì Trung Cộng chưa phải là đối thủ.
Thời đại ngày nay là thời đại tự do dân chủ và tự quyết. Người
dân Ukraine đang chiến đấu vì quyền tự quyết của họ và người dân Đài Loan chắc
chắn sẽ đứng lên chiến đấu cho quyền tự quyết của mình nếu bị tấn công. Các cuộc
cách mạng tại Đông Âu và Bắc Phi cho thấy dân chủ là khúc khải hoàn ca đang được
phần đông nhân loại cất lên và là xu hướng của thời đại.
Chính sách “Một Trung Quốc” là sản phẩm của Chiến Tranh lạnh
và với đà tiến văn minh ngày nay, chính sách đó đã lỗi thời.
Trần Trung Đạo