30 August 2022

CHO BẠN MƯỢN CHỒNG - Đoàn Dự

Hai người phụ nữ cùng có nét đẹp của những đoá hoa đồng nội, chơi thân với nhau đến nỗi cùng nhau kết nghĩa chị em, coi như ruột thịt. Chị Sang thương xót hoàn cảnh của em, gợi ý cho em “mượn” chồng của mình. Cô Xoan “mượn” chồng của chị, sinh liền hai đứa con trai. Câu chuyện đến đây nhà văn có thể tưởng tượng ra được và họ vỗ tay hoan hô: “Cho mượn như vậy tốt lắm, đạo đức lắm”. Nhưng cả câu chuyện lạ lùng ở Quảng Ninh này thì chỉ có cuộc sống mới tạo ra được. Đây, xin mời quý vị coi!

Chị Xoan bị oan

Chị Xoan năm nay khoảng 30 tuổi, gia đình làm nghề bán tạp hoá. (Xin xem hình hai đứa con trai với tiệm tạp hoá tương đối khang trang của chị). Cách đây 12 năm (1992), cô Đặng Thị Xoan là một cô gái 18 tuổi, xinh tươi mơn mởn như đoá hoa hương sắc tại xã Đồng Lâm, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh (một tỉnh rất lớn ở gần Hải Phòng, bao gồm cả vùng vịnh Hạ Long). Trong số những chàng trai theo đuổi Xoan có Triệu Đức Quý là người vượt trội hơn cả. Quý cao lớn, đẹp trai, bắp thịt rắn chắc, đã làm cho bao cô gái rung động. Tình yêu đến với họ thật tự nhiên và Xoan về nhà chồng lúc mới bước vào tuổi 18.

Thời gian trôi đi, thật lạ lùng là sau gần 6 năm trời mà cái cây tươi tốt đó không ra cho dòng họ Triệu được lấy một nụ hoa như các cô gái đã về nhà chồng khác. Ở nhà quê, gặp hoàn cảnh đó người ta thường bị bên phía nhà chồng gièm pha. Quý tức lắm, về nhà hất hủi, đánh đập vợ. Sự thật, không phải chỉ đàn ông mới muốn có con, phụ nữ cũng mong lắm chứ, họ chỉ không nói ra mà thôi, ai cao thượng là ở chỗ đó. Giậu đổ bìm leo, thậm chí người chị dâu độc ác của Quý còn sang tận nhà gây sự, đánh Xoan và hô các con trói thím, quấn vào chiếc chiếu đem ném xuống sông. Các con can ngăn, không ai nghe theo. Chị bèn xúi em chồng đuổi Xoan đi, ra toà ly dị để lấy người khác.

Đến nước này thì người phụ nữ vùng lên bảo vệ quyền lợi của mình. Xoan cãi lại rằng đã chắc ai vô sinh, lỗi tại anh hay lỗi tại tôi? Họ đồng ý đi khám và cam kết với nhau rằng nếu Xoan vô sinh thì Quý sẽ được quyền lấy vợ khác. Ngược lại, nếu Quý vô sinh, tuỳ, ly dị cũng được còn nếu muốn Xoan hy sinh, chấp nhận ở lại với anh suốt đời thì phải cho phép chị xin con nuôi hoặc dùng bất cứ cách nào có một đứa con. Anh Quý suy nghĩ, chấp nhận điều kiện thứ hai nếu anh vô sinh.

Họ rất thận trọng, đi khám tại Bệnh viện Việt Nam – Thuỵ Điển tức Bệnh viện Uông Bí cũ, Hải Phòng.

Giấy khám nghiệm của bệnh viện cho biết Quý vô sinh, Xoan bình thường. Từ đấy anh không dám nói gì nữa nhưng vẫn mơ ước có được đứa con - một giấc mơ không thể biến thành sự thực.

Người đàn ông lý tưởng xuất hiện

Năm 1998, xóm Cửa Hố xã Đồng Lâm huyện Hoành Bồ vui hẳn lên vì có một người thanh niên khoẻ mạnh, đẹp trai, nước da rám nắng, tính tình vui vẻ, ăn nói hoạt bát, tên Trương Văn Hùng, cứ đến kỳ hạn lại lái chiếc xe vận tải nhỏ chứa các thùng phuy xăng, dầu, đem đến bán. Không phải dân chúng mừng vì có xăng có dầu để mua, mà vì anh ta mau mắn, cái miệng ngọt xớt, gặp ai cũng chào hỏi hết sức thân mật. Nhà chị Xoan có cửa tiệm bán tạp hoá, vẫn có can chứa xăng và dầu hôi để bán lẻ. Cứ mỗi lần chiếc xe tới, cả xóm ồn ào gọi nhau xách bình ra mua thì chị lại thấy vui vui như thời còn con gái. Anh Quý đi làm công nhân xây dựng ở xa cả tuần mới về một lần, việc không có con khiến anh cau có, bực bội chứ không cởi mở, nói cười tự nhiên như người đàn ông này. Thân hình anh Hùng rắn chắc nói lên sức sống mãnh liệt của một người quen lao động, nhanh nhẹn, hoạt bát. Anh kể rằng gia đình anh “ô kê”, sống ở trên huyện, cũng có cửa hàng tạp hoá và ba đứa con, hai trai, một gái, chiếc xe này vợ chồng anh dành dụm mua được để chở hàng đi bỏ mối, đời sống tương đối cũng “xà-và”. Chị Xoan không hiểu “ô kê”, “xà-và” là cái gì nhưng thường mơ ước mình được ăn nằm với anh để có đứa con. Chị thèm khát anh, mỗi lần anh tới, đổ xăng và dầu hôi xong, chị mời anh vào trong tiệm uống nước, thân mật chuyện trò với anh bằng cả ánh mắt lẫn nụ cười.

Về phía Hùng, người ta nói đàn ông dù một trăm vợ mà khi thấy gái đẹp có cảm tình với mình thì cũng quên hết ráo, chỉ mong sao được gần người đó thôi. Tự nhiên anh chăm đổ xăng, đổ dầu cho chị, đổ dư thì cũng “ô kê”, “xà-và”, vui vẻ vào tiệm uống nước, không tính thêm tiền.

Một hôm, như thường lệ, chỉ có hai người với nhau đang ngồi uống nước, chuyện trò, tự dưng chị Xoan đỏ mặt, tay cầm tay anh, giọng nói lạc hẳn đi. Chị cho biết chồng chị vô sinh, chị muốn “xin” anh một đứa con. Anh Hùng kinh hoảng trợn tròn mắt. Anh chỉ mong được gần gũi, nói chuyện với chị mà thôi, chị muốn “xin” một đứa con nghĩa là thế nào? Đàn ông, trời sinh ra dù ngu đến đâu thì cũng sẽ vỡ lẽ ngay được điều đó. Mà Hùng là người nhanh nhẹn, tháo vát, đâu phải người ngu? Anh chỉ không hiểu chị muốn “xin” lúc nào và anh phải “cho” trong trường hợp nào. Tự nhiên anh cười hề hề có vẻ khoái chí, sẵn sàng “cho” liền. Chị nguýt anh một cái như người trách yêu rồi đứng dậy, hất hàm ra hiệu vào trong nhà trong, “làm” ngay bây giờ. Anh đi theo. Chị đóng chiếc cửa ngang lại, cài chốt cẩn thận.

Từ hôm ấy cứ thỉnh thoảng, khi nào thèm khát, anh Hùng lại chở xe xuống “đổ xăng”. Xóm còn nhiều, không ai mua thì anh cũng cứ xuống. Anh “bán” cho cửa tiệm chị Xoan. Chị chờ anh, hình như cũng đang mong lắm.

Rồi dần dần cái bụng chị to lên. Chị sanh một đứa con trai xinh xắn, bụ bẫm. Anh Quý thích lắm, coi nó như cục vàng. Anh lấy chính tên mình làm tên đệm đặt cho nó: Triệu Quý Hải.

Cái gia đình khá giả ấy ngập tràn hạnh phúc.

***

Nhưng rồi chiếc xe đổ xăng vẫn xuống. Hơn năm sau, đứa trẻ đã lớn, chị Xoan lại thèm khát. Hình như chị “ngựa quen đường cũ”. Khi thằng bé Hải lên 2 thì cái bụng chị lại lùm lùm. Lần này anh Quý tức lắm, mà cũng ghen nữa. Anh hét:

- Sao hồi đó bảo chỉ sinh có một đứa thôi mà?

Chị nói:

- Thì cũng phải thêm đứa nữa cho nó có anh có em chứ. Có mỗi mình nó trông cũng tội nghiệp.

Vậy thì được, anh Quý vốn yêu trẻ con, gia đình lại không phải lo việc ăn uống, anh cũng vui lòng chấp nhận.

Ít lâu sau, chị sanh. Lại một đứa con trai. Anh đặt tên nó là Triệu Quý Thắng.

***

Người vợ đau khổ vì ghen xuất hiện

Anh Quý dễ tính chấp nhận chứ một người khác không chấp nhận. Đó là chị Sang, ở trên thị trấn, vợ của anh Hùng. Chị Sang cũng đẹp, thân hình vừa phải, gương mặt phúc hậu, đã có ba con, hai trai, một gái (xin xem hình). Nghe nói chồng mình đi đổ mối xăng dầu, bồ bịch, ăn nằm với một cô chủ tiệm tạp hoá trẻ đẹp và đã có chồng, sinh ra hai đứa con trai, chị đau khổ lắm, xuống dưới Đồng Lâm tìm cách gặp Xoan để xem tình hình ra sao.

Xoan tiếp đãi chị rất lịch sự, mời chị vào nhà trong, rót nước mời chị uống rồi kể rõ hoàn cảnh mình lấy chồng gần sáu năm trời không có con, bị chồng và gia đình nhà chồng hành hạ. Chị Sang thương hại, dịu nét mặt:

- Người ta nói cô sinh hai đứa con trai với anh Hùng, điều đó đúng hay sai?

- Vâng, đúng, em “xin” anh ấy cho em đứa con chứ không phải em quyến luyến, bồ bịch gì với anh ấy. Chị xem, em có nhà cửa, gia đình đàng hoàng, đâu phải hạng gái lăng nhăng không có dây mơ rễ má mà muốn gian díu để kiếm tiền của anh ấy.

- Tôi hiểu, nhưng tại sao đã “xin” một đứa cô lại “xin” tới hai đứa?

- Tại vì anh Quý nhà em rất quý trẻ con. Hơn nữa em cũng muốn chứng minh cho bà chị dâu bên nhà chồng thấy rõ vô sinh là tại anh Quý, không phải tại em. Nếu chồng bình thường, em vẫn có thể sinh con dễ dàng. Em muốn ngủ với đàn ông ở ngay trước mặt chị ấy để chị ấy biết đối xử tàn bạo với em là việc sai lầm.

- Thôi được, chuyện đã như vậy thì thôi, tôi cũng không trách cô. Nhưng cô phải hứa với tôi là từ giờ trở đi sẽ không được liên lạc, ăn nằm với anh Hùng nữa.

- Vâng, em xin hứa. Mà em đã hứa là sẽ giữ lời.

Xoan lấy chiếc đũa, bẻ đôi ra thề danh dự. Họ làm lành với nhau. Điều lạ lùng là sau đó nàng giữ lời hứa, không liên lạc với Hùng nữa. Về phần chị Sang, vì chị tốt bụng nên nghĩ rằng dù sao thằng Hải với thằng Thắng cũng là anh em cùng cha khác mẹ với ba đứa con của chị. Chị yêu thương chúng, đối xử với ba đứa con của mình thế nào thì cũng đối xử với chúng như vậy. Nhà chị từ trên thị trấn xuống nhà Xoan cách nhau 2 km, khi chúng ốm đau, chị xuống thăm nom, thuốc men, coi chúng y hệt con ruột. Thỉnh thoảng Xoan cũng dẫn con lên thăm chị, quà cáp đầy đủ. Dần dần hai người phụ nữ đó thân thiết nhau như chị em ruột. Họ quý mến nhau đến nỗi cùng nhau kết nghĩa để cùng trông nom giúp đỡ lẫn nhau. Chị Sang lớn hơn 3 tuổi, làm chị, Xoan nhỏ tuổi hơn, làm em, sự thân mật đó tưởng sẽ kéo dài mãi mãi vì họ đều là những người hiểu biết, đối xử với nhau bằng sự thông cảm hiếm có trên đời.

Nhưng không, ông trời vốn quen trêu chọc. Ông ta muốn “thử sức” xem khi hai người đàn bà đều tốt, thân mật với nhau như chị em ruột mà nếu tốt quá, cho nhau “mượn” chồng thì sẽ thế nào. Thưa quý bạn độc giả, chuyện này rất có lớp lang, có đầu cuối đàng hoàng y hệt một truyện tiểu thuyết do chính con người xếp đặt. Không, Đoàn Dự tôi không tưởng tượng ra được như vậy. Bằng chứng là nếu có tài thì Đoàn Dự đã lo viết...kịch bản phim kiếm ăn chứ không để Hãng Phim Truyện 1 Hà Nội làm cuốn “Khi người ta yêu” mới xong cách đây ít lâu, tốn hàng bạc tỉ, mỗi tỉ là một ngàn triệu chứ có phải ít đâu, vậy mà chiếu trong các dịp lễ lớn như lễ “Giải Phóng” 30 Tháng 4, lễ Lao Động 1 tháng 5, lễ Kỷ niệm 50 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ 7 tháng 5, tổng cộng cả mấy tuần lễ đó bán tại các rạp Hà Nội được...hơn 100 vé, nay chẳng rạp nào dám chiếu nữa bởi vì nếu chiếu họ sẽ trở thành ngôi... chùa Bà Đanh, quý bạn thấy có kinh không? Đoàn Dự tôi không muốn người ta “đau khổ” như vậy. Nếu tưởng tượng được thì Đoàn Dự sẽ viết ngược lại, “Khi người ta... ghét” có khi ăn khách cũng chưa biết chừng!

Trở lại vấn đề tạo hoá trêu chọc, xếp đặt rất có lớp lang, xin mời quý vị coi tiếp.

***

Khi trời xanh muốn thử con người

Năm thằng Thắng – đứa em – được 2 tuổi, nó nghịch ngợm, té vào nồi cám heo trên bếp, bị bỏng.

Đem lên bệnh viện huyện cấp cứu nhưng nặng quá không cứu được, nó mất. Lạ lùng một điều là Quý chồng của Xoan rất quý thằng bé này. Nó mất, anh ta đau khổ, dằn vặt Xoan, coi như lỗi tại Xoan không trông nom nó đến nơi đến chốn. Xoan thương con, lại bị chồng dằn vặt nên ốm liệt giường.

Thằng anh (tên Hải) cũng hãy còn nhỏ, mới được 5 tuổi. Quý đi làm xa cả tuần mới về một lần nên chị Sang khuyên Quý hãy tạm nghỉ việc ít lâu, ở nhà trông coi nhà cửa, bán hàng, còn chị thì sẽ đem mẹ con Xoan về nhà mình chăm sóc giùm. Quý nghe theo.

Ở trên huyện có bệnh viện, có bác sĩ, chẳng bao lâu Xoan bình phục nhưng cứ nghĩ tới đứa con nàng lại đau đớn. Nó mới lẫm chẫm biết đi, bị té vào nồi cám heo nàng vừa đun xong, tắt bếp, chạy ra nhà ngoài bán hàng vì có khách mua rồi quên, để nó một mình ở trong đó. Nghĩ tới lỗi của mình nàng lại ân hận, thương con và khóc rưng rức. Ban đêm nàng cũng không ngủ được. Đang ngủ, hễ giật mình thức giấc nàng lại trằn trọc, ngồi dậy và gạt nước mắt khóc thầm.

Chị Sang thương Xoan lắm. Chị nghĩ không còn cách nào giúp Xoan nguôi ngoai bằng cách Xoan nên sinh một đứa con khác để bù vào đó rồi sẽ quên đi. Bởi vậy chị gợi ý với anh Hùng, khuyên anh nên “cho” Xoan một đứa con nữa.

Xoan không đồng ý, nàng nói rằng nàng không muốn phụ ơn chị Sang. Chị khuyên: “Có gì là phụ ơn đâu, chị “cai” rồi thì cho em “mượn” vậy thôi”.

Xoan “mượn”. Chẳng bao lâu nàng lại có bầu, da dẻ lại tươi rói và nàng mập mạnh hẳn ra. Đó là cái bầu thằng bé mà sau này khi sinh nàng đặt tên là Triệu Quý Huy. Quả nhiên nàng không còn đau khổ nữa. Khi cái bầu được non ba tháng, trông đã thấy bụng, nàng về với chồng.

Bây giờ thì Quý ghen thật. Anh ta không thể chịu đựng nổi và cũng không đi làm như trước, cứ ở nhà uống rượu tì tì, uống xong thì lại chửi vợ, nhiều khi đánh vợ những trận nhừ tử, thừa sống thiếu chết: “Tao không phải hạng ngu đần mà mày hòng ngủ với đứa khác rồi đem con về đây cho tao nuôi. Tao đánh mày đấy, có giỏi thì bế con lên trên ấy đi, ở đây tao trông chướng mắt, có khi say rượu, nóng máu lên tao đâm mày chết rồi tao vào tù !”.

Đúng là Quý có thể say rượu đâm nàng chết thật. Xoan con còn nhỏ nên sợ lúc ấy nàng tránh không kịp. Nhiều người khuyên nàng ly dị. Nàng hỏi ý kiến Sang. Chị nói mạng sống là trên hết, nếu xin ly dị, không có chỗ ở thì đem hai đứa con lên ở với chị. Vậy là Xoan thuê người làm đơn ly dị, Quý ký ngay lập tức. Đơn được chuyển xuống Hội Phụ nữ địa phương và Hội Phụ nữ huyện hoà giải theo đúng thủ tục trước khi ra toà. Xoan nói không cần hoà giải, nếu hội Phụ nữ, toà án hoặc bất cứ ai dám bảo đảm cho nàng không bị Quý đâm chết thì nàng sẽ xin rút đơn, không ly dị nữa. Chẳng ai dám bảo đảm. Vậy là ngày 22 tháng 7 năm 2002. Toà Án Nhân Dân huyện Hoành Bồ xử cho hai người được phép ly hôn, tiền bạc và các tài sản khác chia đôi, riêng tiệm tạp hoá thì ưu tiên cho Xoan được giữ để có phương tiện nuôi hai đứa con. Sự thật, “các tài sản khác” chẳng có gì nhiều ngoài chiếc xe Honda Trung Quốc thì mang tên Quý. Anh ta đem nó đi, trở lại với nghề công nhân xây dựng, không về cái xóm Cửa Hố thuộc xã Đồng Lâm có cha mẹ và họ hàng anh ta ở đấy nữa.

***

Tạo hoá trêu cợt đến cùng

Từ ngày vợ chồng Quý ly hôn thì gia đình chị Sang cũng không yên ổn. Lý do: Xoan được tự do, thằng Huy tương đối đã lớn, Hùng cứ đi bỏ mối xăng dầu xong lại lái xe về ở tì tì, hú hí với Xoan, kiếm được đồng nào thì đưa cho Xoan đồng nấy, không biết tới gia đình nữa.

Chị Sang đau khổ, xuống đánh ghen nhưng nói không lại miệng Xoan. Nàng dè bỉu, hỏi thẳng chị: “Ai đã nghĩ ra việc cho tôi “mượn” chồng? Chị cho mượn thì tôi phải mượn chứ, bây giờ còn trách với móc gì nữa ?”. Xoan sinh năm 1974, tức năm nay 30 tuổi, kém chị Sang ba tuổi nhưng trông nàng trẻ đẹp, da thịt mỡ màng và tươi mơn mởn hơn chị rất nhiều. Nàng khéo chiều chuộng cả việc trên giường nên Hùng mê nàng như điếu đổ, có khi còn hơn cả lúc mới gặp được nàng hỏi “xin” đứa con đầu lòng.

Chị Sang đuối lý, ít mồm ít miệng nên đành cố gắng nín nhịn. Nhưng khi cái bụng Xoan lại lùm lùm thì chị không chịu nổi nữa, bèn làm đơn ra toà xin ly dị với chồng. Hội Phụ nữ địa phương và Phụ nữ huyện lại hoà giải, anh Hùng mê Xoan quá nên nói với họ là thôi, không cần phải hoà giải, nếu toà cho ly dị thì anh sẽ nhường tất cả tài sản cho vợ, chỉ lấy chiếc xe để có phương tiện kiếm ăn.

Ngày 16 tháng 3 – 2004 vừa rồi, Toà Án Nhân Dân huyện Hoành Bồ lại làm công việc mà gần hai năm trước họ đã làm: xử cho chị Sang ly hôn với chồng, ba đứa con - hai trai một gái - theo mẹ. Toà định giá chiếc xe tương đương với ¼ tài sản của hai vợ chồng nên cho anh Hùng hưởng ¼ tức chiếc xe đó, còn chị Sang thì hưởng ¾ tức cửa hàng tạp hoá và tất cả mọi thứ sẵn có để có phương tiện nuôi ba đứa con. Nhiều người hỏi chị Sang sao dại vậy, ly hôn làm gì, cứ để như thế rồi kiện anh Hùng với cô Xoan về tội chung sống bất hợp pháp, lừa dối vợ có phải hơn không. Chị nói thôi, mình đã ngu, cho họ “mượn” chồng thì đành phải chịu chứ biết sao bây giờ, kiện cáo nhau thì được ích gì. Chị vẫn là người nhân đức.

***

Thưa quý vị độc giả, trước đây Đoàn Dự tôi có đọc một tờ báo Nga – tờ Sputnik - ấn bản viết bằng tiếng Anh, kể chuyện rằng ở Mátxcơva có một bà vợ bực chồng quá, đăng trên mục rao vặt muốn “bán” ông chồng đó đi với giá vừa phải nhưng chẳng ai mua. Rồi bây giờ lại được biết ở Quảng Ninh có chuyện “cho mượn chồng” phức tạp như vậy. Theo Đoàn Dự nghĩ, chồng không phải là cái nên đem bán hoặc cho mượn. Bởi vì nếu bán thì chẳng ai mua giống như người đàn bà Nga nọ, còn nếu cho mượn thì sẽ rắc rối, khó đòi lại được. Ngoài ra Đoàn Dự cũng nghĩ đàn ông khác với đàn bà ở chỗ nếu được cho mượn thì họ thích lắm, miệng họ nói “em chã, em chã” giống như cậu Phước trong truyện Số Đỏ của Vũ Trọng Phụng, nhưng trong bụng họ sướng như điên, càng đem cho mượn thì họ càng sướng, dù người mượn xấu hay đẹp hơn vợ họ. Bởi vậy, sau khi đã suy nghĩ suốt mấy ngày liền, Đoàn Dự tôi bèn làm được hai câu “thơ” rất đáng đồng tiền bát gạo sau đây, và đáng được... đưa lên Internet để quý bạn đọc chiêm nghiệm:

Có chồng nên để mà xài

Chớ đem cho mượn dẫu ai mặc lòng

Xin hẹn gặp lại quý vị trong các chuyện khác. Kính mến./.

Đoàn Dự