Nhiều người ở độ tuổi trên dưới 70 không thích nghe chuyện về bệnh hoạn, chết chóc, dù đó là hai giai đoạn sau cùng của đời người, ai cũng trải qua, có muốn tránh né cũng không thoát được. Nhưng bạn già cùng lứa với nhau lại rất quan tâm. Gặp nhau khi cà phê, hay hội hè, chuyện trò loanh quanh rồi cũng quay về bệnh này bệnh kia. Dường như nói và nghe để học chút kinh nghiệm, hay để an tâm có phải riêng chi mình có bệnh đâu, mà lo.
Tháng Bảy rồi, tôi gởi TỤNG CA CUỘC ĐỜI lên báo, có mấy câu
:
…Khi tỉnh dậy thấy dây và ống
Trên người đeo nhiều túi lòng thòng
Ồ ! mình vừa bước qua cửa Tử
Chuyện mổ tim, quá dễ đi đong…
Bạn bè hỏi thăm ngay lần mổ tim, mà trong bài thơ nhắc tới
như một biến cố lớn trong đời tôi. Rất cảm động với thăm hỏi của bạn bè tôi viết
email vội vài dòng, nhưng rồi sau đó cứ loanh quanh với ý tưởng, tại sao mình
không viết ra. Nếu không để trao đổi kinh nghiệm, loại kinh nghiệm không ai muốn
có, thì ít ra cũng mua vui “một vài trống canh” về việc chăm sóc sức khỏe bên Đức
nảy.
Chuyện xảy ra năm 2007, vào cuối tháng 3. Tôi đang giai đoạn
rất khỏe của cuộc sống. Thằng con trai vừa học xong, về nhà thăm ông bà một
chuyến, trước khi đi làm. Cô chị gái nó đậu kỳ thi quốc gia thứ 2 ngành Luật
(Zweites Staatsexamen der Rechtswissenschaft). Tôi và nhà tôi công việc làm ổn
định.
Từ khi con cái vào Đại học, chúng tôi được nghỉ hè hai đứa
mà không âu lo “ một chân bước ra, ba chân bước lại” . Con cái đã đủ lớn, để tự
lo cho tương lai của chúng. Đơn giản, lo học giỏi thì có việc làm tốt, có đời sống
như mình muốn. Hè năm đó chúng tôi định đi Spanien nội địa, vì từ lâu cứ đi mấy
đảo ngoài Đại Tây Dương hay Địa trung Hải của Tây Ban Nha.
Đùng một cái, tôi đi khám định kỳ kiểm tra sức khỏe, Bác sĩ
nhà cho biết, Tâm động đồ rất xấu. Ông ta gởi tôi tới Bệnh viện Tim ở Frankfurt
và ngay hôm đó, tôi được đưa vào làm Kathete. Người phụ trách là một Bác sĩ
trung niên, cỡ tuổi tôi, nghiêm nghị, chăm chú vào công việc.
Làm Kathete, nói đơn giản là chuồi một cái ống nhỏ, mảnh như
sợi thép, từ dưới háng bệnh nhân, đi qua bụng và len lỏi vào ngực, đầu dây có một
điểm sáng đỏ, có thể cảm nhận nóng và thấy được đường đi của điểm sáng trong cơ
thể qua màn ảnh máy vi tính. Bác sĩ giải thích từng chỗ điểm sáng đi tới, ý
nghĩa chỉ số hiện ra trên hình. Vì phải nằm và nhìn ngoái lui rất mỏi cổ, nên
hào hứng theo dõi lúc đầu giảm dần. Thêm nửa, có lúc thấy và hiểu mù mờ nhưng
không dám hỏi, sợ làm phân tán sự tập trung của Bác sĩ, đẩy sợi dây đi sai đường,
thì khốn.
Xong công việc ông cho biết tìm ra 5 điểm kẹt lưu thông máu,
có đánh số và định mức độ kẹt bách phân. Cả 5 điểm đều ở vào những vị trí không
bắn Stents vào được. Vì thế chỉ giải quyết bằng giải phẫu làm Bypass.
Bác sĩ sau một hồi điện thoại sắp xếp, quyết định mổ vào hai
ngày nữa. Hôm nay, nhận phòng nhập viện và ngày mai qua tất cả các kiểm tra cần
thiết cho hồ sơ bệnh lý và sáng mốt, cuộc giải phẫu bắt đầu vào lúc 7 giờ. Ông
còn hỏi tôi có đồng ý với chương trình như vậy không. Tôi choáng váng vì chuyện
xảy ra bất ngờ, nhưng kịp trấn tỉnh để đùa một câu trang trọng, rất cải lương :
- Tôi
xin giao đời tôi cho sự sáng suốt của Bác sĩ.
Buổi sáng hôm sau túi bụi công việc. Các cô y tá lấy máu, dẫn
đi chụp hình, kiểm tra siêu âm…Buổi chiều có Bác sĩ Trưởng Toán giải phẫu ghé
thăm. Vị BS này ăn mặc đẹp, à la Mode, rất playboy, vui vẻ nói chuyện thân mật,
dưới tiêu đề mà ông vừa bắt tay vừa giới thiệu : “ chúng tôi sẽ làm gì với ông
ngày mai “.
Ông cho biết toán giải phẫu có 2 nhóm : một lo lấy Vene ở
chân phải, dài từ gần háng tới mắt cá ; một lo mở lồng ngực và nối những đoạn
Vene vào những đoạn động mạch nào bị cắt đi vì nghẽn. Bệnh nhân được gây mê
trong thời gian làm việc. Tim, phổi được nối với một cái máy gọi là Herz-Lungen
Machine, giữ hoạt động bình thường và nối trở lại với cơ thể khi cuộc giải phẫu
hoàn tất.
Khi nghe rất hào hứng nhưng khi vị BS chào hẹn gặp ngày mai,
tôi bắt đầu thấy lo. Ông ta từ tốn, giải thích cặn kẻ từng chi tiết, kể cả những
rủi ro có thể xảy ra trong từng giai đoạn. Kinh nghiệm của vị BS chứng tỏ sự cố
xảy ra không ít. Rốt cuộc hên xui, hay dở tuỳ thuộc vào số mạng. Tôi, trong cuộc
sống đã gặp may mắn nhiều phen, chắc lần này…
Buổi chiều các cô y tá tới đo mạch, nhiệt độ, và lần nầy
thêm một công việc chuẩn bị cho cas mổ ngày mai : cạo lông ngực, lông chân, cho
sạch các vùng sẽ làm việc. Các cô mang theo một hộp lớn dao Gillette, loại dùng
một lần, nhưng khi bắt tay vào việc, mới chưng hững. Bệnh nhân không có lông ngực
như phần lớn đàn ông Á đông. Đến phần ống chân cũng chỉ lơ thơ vài sợi. Các cô
nhìn nhau và không dấu được tò mò vì sao.
Tôi hỏi các cô có nghe nhạc dĩa CD hay dĩa hát 33 Tour, 45
Tour, thời trước khi CD ra đời không. Các cô vui vẻ khoe nhà có máy dĩa toàn nhạc
cổ điển hay ba mẹ còn giữ một máy dĩa bỏ Jeton và bấm bài mình thích. Không khí
vui nhộn hẳn, các cô còn cười rúc rúc cùng với tiếng xuỵt xuỵt nhau giữ yên lặng,
khi tôi nói ngày xưa lông ngực, lông chân nhiều lắm, nhưng túng tiền tôi đã bán
sạch cho các nhà làm dĩa hát. Cứ lông ra nhiều là tôi cạo bán. Riết rồi chỉ còn
lơ thơ ba sợi như bây giờ.
Từ đó về sau các cô rất thích đùa lúc trao đổi vài câu mỗi
sáng, mỗi chiều khi đến phòng làm những công việc hằng ngày : lấy máu, đo nhiệt
độ, áp huyết, cho uống thuốc v.v…Một hôm, tình cờ nghe được họ nói chuyện với
nhau qua điện thoại về công việc, rằng đang ở phòng Herr Disquesmacher ( Ông
Làm Dĩa Hát). Tôi tò mò hỏi, mới được cô y tá cười xin lỗi và cho hay họ đặt
tên đó cho tôi từ hôm tôi kể đã bán lông cho hãng làm dĩa hát.
Đêm đó tôi viết 3 lá thư cho vợ, con gái và con trai, dặn dò
từng người những việc phải làm ở bên này, và cho đại gia đình bên nhà, nhất là
với Ông Bà Nội. Rồi những tình cảm và mong ước của tôi với riêng từng người. Viết
đến khuya, ngồi đọc lại nghe thảm quá, như trăn trối. Tôi xé hết, tự nhủ, việc
gì phải bi lụy quá, và ngủ một giấc ngon đến sáng. Thức dậy vệ sinh cá nhân
xong, tôi được đẩy tới phòng mổ. Loá mắt vì ánh sáng và đông BS, Y tá, tôi chưa
kịp nhìn thì được gây mê. Tôi tỉnh lại vào hôm sau.
Hồi 2007 đã có smartphone, nhưng ít chụp ảnh như bây giờ. Nhà
tôi nói đó là điều may cho tôi, vì theo Bả, nếu có tấm ảnh tôi trong phòng hồi
sức, chắc chính tôi cũng không dám xem lại. Nhà tôi dùng một lối diễn tả bí hiểm
: Trông anh lúc đó không đáng một xu rưỡi .
Tuy không có hình ảnh lưu niệm nhưng các Bác sĩ, các Y tá…sống
mãi trong đầu tôi. Họ tận tâm quá, họ nhân từ quá. Hệ thống y tế không phụ thuộc
vào thân thế người bệnh, vào phong bì… mà lai láng lòng nhân, tận tâm, trách
nhiệm. Bao giờ ở quê nhà mới tới được bước này ?
Người bạn đầu tiên ghé thăm tôi là một anh sinh viên du học,
qua Đức từ những năm cuối thập niên 60. Chúng tôi biết nhau ở trại tỵ nạn, nơi
anh làm thông dịch. Về Frankfurt chúng tôi gặp lại và thân nhau. Anh mang cho
tôi một cuốn Playboy mới nhất làm quà. Một vị cùng phòng nói đùa : Bạn ông muốn
ông tự đo “Thân động đồ “ của ông sau khi mổ.
Một tuần trôi qua với kiểm tra tim mạch hằng ngày, riêng có
một ngày phải chụp hình phổi mấy lần vì nghi có nước. Khi thực sự ổn định sức
khỏe, tôi được chuyển tới Bad Nauheim, một thành phố dưỡng bệnh, cách Frankfurt
khoảng 30 km.
Bad Nauheim như phần đông thành phố có chữ Bad ở Đức là nơi
dưỡng bệnh với những Trung Tâm Phục hồi (Rehabilitation), cho bệnh nhân sau khi
giải phẫu hoặc cần được trị liệu dài ngày về một chứng bệnh nan y nào đó. Thành
phố Bad Nauheim gắn liền với Elvis Presley, do những hoạt động về âm nhạc của
ca sĩ này suốt thời gian đồn trú trong quân đội Mỹ ở đây. Hằng năm đều có lễ hội
tưởng nhớ Elvis ngoại trừ 2 năm dịch Vũ Hán.
Năm nay, 2022, vào tháng 8, Festival lần thứ 20, kéo dải 3 hôm,
nhân ngày mất của Elvis. Một lễ hội tưng bừng với xe Cadillac, Petticoats…và
nhiều ban nhạc đến từ khắp nơi chơi nhiều loại nhạc : Rock’n Roll, Swing,
Vollmusik, Klassik, Blues…và hàng quán ăn uống, đặc sản địa phương.
Ở Bad Nauheim tôi nhận phòng cá nhân kèm theo thời khoá biểu
về sinh hoạt dày đặc sáng, chiều từng ngày chỉ trừ 4 tiếng ăn, nghỉ trưa. Nào
giờ bơi, giờ đạp xe, giờ nghe về thực phẩm dinh dưỡng, giờ sinh hoạt nhóm… Nhìn
qua nội dung ai cũng thấy ngay nỗ lực của Reha là đưa bệnh nhân về đời sống hằng
ngày, hội nhập vào nhịp sống mà thời gian bệnh đã ít nhiều thay đổi.
Sau ngày mổ tôi đột nhiên có những giây phút trầm tư, hay ngồi
hàng giờ nhìn vào khoảng không, mặt dại hẳn đi, không biết đang suy nghĩ gì.
Ban đêm mất ngủ tôi đi lang thang trong hàng lang. Hình như bệnh viện Tim có
báo những triệu chứng này cho Reha, nên mấy ngày đầu ở Bad Nauheim tôi được Bác
sĩ Tâm lý gặp đều. Cửa sổ và cửa ra Balkon được khoá lại.
Tôi chán nản, không thiết tha với chuyện gì cả. Tôi ngơ ngác
nghĩ mình bị loại ra khỏi cuộc sống và không thiết tiếp tục sống. Nhưng may
quá, những biểu hiện tiêu cực này giảm lần sau tuần đầu ở Reha, và tuần thứ hai
tôi nhiệt tình, cộng tác với mọi người trong tập tành, trong giờ ăn sáng, trưa,
chiều. Gương mặt đã bớt rầu rĩ buồn bã. Bác sĩ cho mở cửa ra Balkon, cửa sổ
phòng như trước.
Ba tuần Reha qua nhanh, tôi về nhà với sức khỏe ổn định và
những hướng dẫn về tập luyện và ẩm thực cần thiết. Vết thương ở ngực vẫn đau nhức
về đêm khi ngủ, và đau khủng khiếp cả năm sau khi mổ, nhất là những lúc phải
nhoài người ra cửa xe để mở bằng chìa khoá hay đút thẻ mở cổng vô nhà để xe. Vết
thương mở ngực đã thành sẹo, nhưng dễ nhận ra, nhất là người đã trãi qua giải
phẫu tim.
Năm sau chúng tôi nghỉ hè ở Andalousien, gặp một chuyện vui.
Buổi chiều ăn uống xong có người đàn bà, mời ra đại sảnh trong Hôtel uống cà
phê để xin hỏi vài điều. Bà ta khoảng 30 tuổi, giới thiệu người chồng ngồi sẵn
chờ, ở một góc, nhìn ra bờ biển. Chúng tôi chào nhau, và chỉ sau vài câu, đã thấy
bắt chuyện. Thoạt tiên, ông bà giới thiệu ở Fallingbostel. Tôi biết nơi nầy nhờ
lúc ở Hannover hay về thăm một gia đình quen tại đây. Ông chồng đầy Humor, nhận
biết rằng tôi đã mổ tim, nhờ đi ngang chỗ chúng tôi nằm ngoài bãi, thấy vết sẹo
dài ở chân và ở ngực. Ông chỉ muốn hỏi là sau khi mổ, đến bao lâu tôi mới được
oben ohne ( phần trên không mặc gì).
Cụm từ oben ohne, tiếng Việt bây giờ bên nhà hay gọi là “thả
rông”. Bên Đức, chỉ đàn bà hoàn toàn không mặc áo, trong khi đó thả rông chỉ có
nghĩa không mặc BH (Büstenhalter). Chúng tôi nhớ lại, hôm trước đã thấy cặp này
ngoài bãi : người đàn bà oben ohne đi với một ông áo Chemise tay dài, quần dài
dưới trời nắng chang chang. Chúng tôi đã nói với nhau có gì đó không ổn. Té ra
là cặp này và điều không ổn là ông mới làm 3 Bypass cách đây 3 tháng. Ông muốn
oben ohne như tôi và vì thế muốn hỏi tôi chút kinh nghiệm.
Chúng tôi trở thành thân nhau trong thời gian nghỉ còn lại,
còn rũ nhau cùng đi chung hai Tour thăm Cádiz và Gibraltar. Ông bà hết hai tuần
nghỉ về trước. Sau đó thỉnh thoảng chúng tôi hay gọi hỏi thăm nhau. Lần sau
cùng, ông bà gởi trả tôi cuốn sách mà tôi đã gởi lên Fallingbostel như hôm hè ở
Tây Ban Nha có hứa.
Cuốn DAS HERZ, bản tiếng Đức, dịch từ Anh ngữ các câu hỏi và
đáp về Tim, do Prof. Dr. John A.Elefteriades và Prof. Dr. Lawrence S. Cohen, đều
là Giáo sư ở Yale University School of Medicine. Cuốn sách, quà tặng của bạn
trai con gái chúng tôi dịp tôi sinh nhật 60, viết những vấn đề chuyên môn,
nhưng rất đơn giản lôi cuốn người đọc.
Thư kèm theo, ông bà cho biết kỳ nghỉ hè năm nay ở Thổ, ông
đã oben ohne thoải mái, chỉ riêng bà không thể được, không phải vì mổ tim mà vì
đây là một xứ theo Hồi giáo.
Tôi liên tưởng năm Bypass như năm đường kiếm đẹp, khai thông
5 chỗ kẹt, cho máu lại chảy về tim. Tuyệt vời như một chiêu từ Độc Cô Cửu Kiếm
(Lệnh hồ Xung khống chế 15 đối thủ bịt mặt trong đêm mưa gió ở miếu Dược
Vương), vị BS Phẫu thuật đã hạ tay phá 5 chướng ngại trên động mạch vành thì lấy
đâu nữa mà kẹt máu. Có thể nhờ thế mà tôi rất khỏe 15 năm nay ? Tiếp theo, đời
sống hằng ngày với dinh dưỡng điều độ, tập luyện đều đặn, tâm trí quân bình, đã
giúp tôi sống khỏe.
Nhà tôi cho ăn nhiều cá, rau, ít tinh bột, ít thịt. Bản thân
tôi từ bỏ rượu, bia. Kể ra ở Đức, xứ nơi nào cũng có bia riêng nơi ấy, mà ngoảnh
mặt đi tránh cám dỗ thì đại buồn, nhưng nhớ lời người BS ở Reha dặn dò “ ông tiếp
tục uống bia là ông đặt trước một chân vào hòm “ tôi thấy mình không nên chơi dại
. Cũng may, bia không rượu (alkoholfrei) càng lúc càng tinh xảo. Có loại nếu
không nói trước, dân sành điệu cũng khó phân biệt được.
Với thuốc lá, tôi đã bỏ 2 năm trước khi mổ tim. Sau một chuyến
đi Mỹ, tôi nhận ra việc hút thuốc rất bất tiện. Ở phi trường, nhà ga không có
chỗ dành riêng cho người hút thuốc. Trên bãi biển, như ở Cali cũng bị phạt cả
trăm đô, nếu bị bắt gặp hút thuốc, mặc dù ở giữa trời nước bao la. Đến nhà bạn
bè thăm, bày ra uống Wein từ Âu châu mang làm quà biếu, thì bị con cái trong
nhà nhìn khó chịu. Kéo nhau ra vườn hút điếu thuốc, các cháu xem người bạn ba
nó như tới từ một hành tinh nào khác.
Hút thuốc trở nên lạc hậu từ khoảng năm 2005 ở Đức. Trong
phòng làm việc không được hút như trước kia, mà phải đến một phòng dành riêng,
có trang bị máy hút khói. Cả chục người tha hồ kéo, rít…nhiều người hút liên tục
hai điếu, trước khi trở về làm việc. Trong khói thuốc mịt mùng, tóc tai, áo quần
đẫm mùi thuốc lá, rất khó chịu. Chỗ làm nào cũng khuyến khích nhân viên bỏ hút
thuốc bằng yểm trợ các biện pháp cai nghiện từ dùng băng dán có nikotin để cơ
thể khỏi thiếu khi không hút, đến gởi đi châm cứu để không thèm thuốc, kể cả
khuyến khích bỏ thuốc sẽ được tăng lương. Hỏi đến lúc như thế thì còn lưu luyến
chi “một làn khói trắng”.
Bỏ hẳn bia rượu và thuốc lá, con người nhẹ nhàng ra. Rồi về hưu non, tôi chỉ còn 3 việc trong đời sống hằng ngày : đón cháu, tập luyện và làm thơ. Tuy ở nơi đô hội như thành phố Frankfurt, nhưng nhờ ở gần một khu rừng nhỏ, có một dòng sông nhỏ chảy ngang, nước sạch và đường bờ sông dọc hai bên cả hàng chục cây số đi bộ, đi xe đạp …nên tôi tự cảm nhận vừa ý với đời sống tuổi già ở nơi nầy.
Lê quang Thông
Frankfurt,
Germany