Trong bài thơ Giấc Mơ Nhỏ Của Tôi, có một đoạn tôi viết về
sông Bến Hải:
Trong suốt 21 năm dài đầy máu và nước mắt, từ 1954 đến 1975, Bến Hải không phải là tên của một dòng sông, Hiền Lương không phải tên của một chiếc cầu nhưng là bức màn sắt ngăn đôi căn nhà dân tộc, môt vết dao cắt ngang lòng đất nước. Dù với ước mơ chân thành, được ôm ấp trong lòng từ khi còn bé cho đến bây giờ, mong được làm một con thoi nhân ái để nối hai bờ sông Bến Hải, tôi vẫn chưa một lần đặt chân lên chiếc cầu định mệnh này.
Nhớ lại những ngày còn là học sinh trung học, với đám bạn bè
cùng lớp, thêu dệt ước mơ. Một ngày kia, khi đất nước không còn tiếng súng,
chúng tôi sẽ đạp xe xuyên suốt ba miền. Chúng tôi sẽ bắt đầu từ Mũi Cà Mau,
vùng đất cuối cùng của tổ quốc và đạp thẳng đến tận Ải Nam Quan.
Chúng tôi sẽ ghé thăm núi Mã Yên, Tụy Động, Chúc Động, nơi
các tướng Lý Triện và Đinh Lễ đã từng tử chiến với đại quân của Vương Thông,
Phương Chính, Mã Kỳ. Chúng tôi sẽ ghé thăm Thiên Trường, nơi Trần Bình Trọng mắng
vào mặt kẻ thù trước khi bị chém. Đêm đêm nằm nghe tiếng súng vọng về bên kia
sông Thu Bồn, lòng chợt đau khi nghĩ đến những người đang chết. Dù nhân danh bất
cứ lý do gì, cái chết của một người Việt Nam vẫn là một điều đáng tiếc. Đất nước
sẽ phải hết chiến tranh. Quê hương rồi phải có hòa bình. Dân tộc Việt Nam phải
đi lên.
Những thôn làng tối tăm phải được thắp sáng bằng những nhà
máy điện hiện đại. Ước mơ của tuổi học trò bao giờ cũng dễ thương và trong sáng
như mối tình đầu của hai kẻ yêu nhau mà không hề lo nghĩ đến chuyện nợ nần, cơm
áo ngày mai. Trong khao khát của những đứa bé lớn lên trong chiến tranh như đàn
nai tơ khát nước, chẳng thể nào phát họa nổi bức tranh về ngày hòa bình rồi sẽ
ra sao.
Chiến tranh cũng lớn nhanh cùng với tuổi đời chúng tôi. Khi
bước vào đại học, cũng là lúc chúng tôi hiểu rằng nguyên nhân và kết quả của cuộc
chiến không đơn giản như chúng tôi từng nghĩ. Nền hòa bình Việt Nam có thể sẽ
không đẹp như một bức tranh vân thủy, có cánh đồng xanh, có suối nước trong, có
đàn nai tơ quây quần bên nai mẹ. Viễn ảnh đen tối của một xã hội bị cai trị bởi
một đảng duy nhất, một nền kinh tế tập trung, các tôn giáo được xem như là thuốc
phiện, mọi quyền tư hữu sẽ bị tước đoạt, các sáng tác không được phép xuất bản
sẽ trở thành phản động, dần dần hiện rõ ra.
Những hình ảnh và tài liệu về Tết Mậu Thân, cuộc cải cách ruộng
đất tại miền Bắc, Nhân Văn Giai Phẩm, mùa xuân Prague, mùa thu Hungary, mùa
đông Siberia, Công Xã Nhân Dân, nạn đói Trung Quốc, cuộc thanh trừng đẫm máu của
Stalin v.v…mà chúng tôi đã đọc, bỗng dưng trở thành quan trọng.
Là những học trò chân thành của lịch sử Việt Nam, chúng tôi
cảm nhận rằng, chỉ có sức mạnh dân tộc mới hy vọng cản ngăn nổi thảm họa diệt
vong đang đổ xuống sinh mệnh Việt Nam, chỉ có ý chí của Mê Linh, Bạch Đằng, Chí
Linh, Vạn Kiếp mới mong giúp dân tộc Việt Nam vượt qua sức càn quét của dòng tư
tưởng ngoại lai đang xâm chiếm miền Nam. Nhưng sức mạnh đó đang tiềm ẩn nơi đâu
trong buổi nhiễu nhương tang tóc của miền Nam.
Và giữa hố thẳm của hoài nghi ngăn cách này, ai sẽ là người
dẫn dắt chúng tôi trên con đường gian nan tìm về lịch sử.
Nhìn quanh không một bóng người.
Thế hệ chúng tôi lớn lên sau hiệp định Geneve. Chúng tôi bước
vào đời như những khán giả bước vào rạp hát khi vỡ thảm kịch Việt Nam đã mở màn
từ nhiều năm trước.
Chúng tôi sờ soạng trong bóng đêm dày đặc để tìm một chỗ đứng,
tìm một hướng đi, tìm một câu trả lời cho những cảnh máu đổ đầu rơi đang diễn
ra trên sân khấu. Không có tiếng trả lời. Chung quanh chúng tôi chỉ có tiếng
súng nổ vang và thây người đổ xuống. Chung quanh chúng tôi chỉ có máu và nước mắt.
Chúng tôi mò mẫm đi tìm cội nguồn dân tộc trong điêu tàn đổ
nát của quê hương như những đứa con lạc mẹ. Chúng tôi gõ cửa mọi căn nhà, hỏi
thăm từng thầy dạy học, kính viếng các Cha, đảnh lễ các Thầy. Nhưng tại mỗi
nơi, mỗi người, dân tộc mang một vóc dáng khác nhau, một định nghĩa khác nhau
và được hiểu một cách khác nhau. Chúng tôi có cảm tưởng dân tộc của Cha không
phải là dân tộc của Thầy, dân tộc của những người sống nhờ vào chiến tranh
không phải là dân tộc của người đang chịu đựng chiến tranh.
Mặc dù kiến thức về lịch sử còn nông cạn, xã hội chúng tôi lớn
lên còn đầy bất công sai trái, sau những năm học hỏi, tìm tòi, chúng tôi hiểu
được một điều vô cùng hệ trọng và căn bản, rằng để có hòa bình trước hết phải bảo
vệ được miền Nam. Miền Nam là điểm tựa của niềm hy vọng dân tộc. ‘
Chúng tôi có thể không đồng ý với chính quyền nhiều điểm
nhưng không phải vì thế mà ngoảnh mặt quay lưng. Chúng tôi có thể không đồng ý
với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu nhiều điều ông nói, nhưng không thể không đồng
ý với câu “Đất nước mất là mất tất cả.” Vâng, đối với đồng bào miền Nam, mất miền
Nam là mất tất cả.
Buổi sáng khi Nguyễn Thành Trung ném hai trái bom xuống Dinh
Độc Lập. Đứng trên hành lang đại học, chúng tôi âm thầm van vái cho bom đừng
trúng nhằm ông Thiệu.
Ông Nguyễn Văn Thiệu phải sống. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu
của nước Việt Nam Cộng Hòa phải sống. Trong hoàn cảnh nầy chẳng còn ai nữa. Mọi
thay đổi chỉ gây thêm bất ổn mà thôi.
Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu dù có muôn vạn lỗi lầm, dù độc
tài hay tham nhũng, đồng bào miền Nam cũng sẽ tha thứ hết, sẽ quên hết để cùng
chiến đấu cho nền Cộng Hòa non trẻ và đáng thương của chúng ta còn tồn tại.
Đây không phải lúc để đổ thừa vì trời làm nên mưa bão nhưng
là lúc cùng nhau tát nước. Tương tự, đây không phải là lúc để trách cứ Tổng Thống
Thiệu hay Thủ Tướng Khiêm mà là lúc nắm lấy tay nhau, yêu thương nhau, chuyền
cho nhau chút lửa ấm của tình người Việt Nam, đọc lớn cho nhau nghe từng trang
sử hào hùng của dân tộc. Hai Bà Trưng, Trần Bình Trọng, Hoàng Diệu, Nguyễn Tri
Phương, Lương Ngọc Quyến, Phạm Hồng Thái, Nguyễn Thị Giang và bao nhiêu tấm
gương trung liệt khác như những vầng trăng muôn đời sáng soi trời đất Việt. Nếu
con người chỉ có một lần chết thì đẹp nhất vẫn là được chết cho đất nước.
Người Pháp đã đến và đi. Người Mỹ đã đến và đang ra đi,
nhưng miền Nam phải tồn tại. Tồn tại dù phải chịu đựng nhiều hy sinh. Ngoài Tổng
Thống Nguyễn Văn Thiệu, trong thời điểm nầy không còn ai đủ sức đương đầu với Cộng
Sản. Cộng Sản hẳn nhiên biết điều đó. Họ chỉ mong Tổng Thống Thiệu ra đi. Một
trong những điều kiện đàm phán do Cộng Sản đưa ra trong những ngày cuối tháng
Tư năm 1975 là Tổng Thống Thiệu phải ra đi.
Thật ra, đó chỉ là trò bịp vì hơn ai hết họ biết rằng Tổng
Thống Thiệu ra đi chắc chắn sẽ để lại một miền Nam hỗn loạn và tan nát về mọi mặt.
Nhờ vậy họ sẽ dễ bề chiếm đoạt. Nhưng rồi niềm hy vọng mong manh cuối cùng của
thế hệ chúng tôi cũng tan vỡ như những chiếc bong bóng nước trong cơn mưa trước
lễ bàn giao Tổng Thống chiều 28 tháng Tư năm 1975. Tổng Thống Thiệu ra đi.
Tôi lặng người khi nghe đài BBC loan báo Tổng thống Nguyễn
Văn Thiệu vừa đặt chân đến phi trường Đài Bắc, chặng đầu tiên trên đường lưu
vong của ông. Tổng thống Thiệu ra đi, không phải chỉ mang theo 16 tấn vàng như
người đời đồn đãi. Điều đó, dù có thật chăng nữa, với chúng tôi cũng không quan
trọng. Nhưng quan trọng ở chỗ, ông đã mang theo của tôi và bạn bè tôi chút niềm
tin còn lại nơi các vị lãnh đạo miền Nam.
Khi đứng nhìn những chiếc trực thăng từng đợt cất cánh trên
sân thượng của các cao ốc trong thành phố, cảnh các bộ trưởng, thứ trưởng chính
phủ Việt Nam Cộng Hòa được đặc ơn di tản chen lấn nhau trước tòa đại sứ Mỹ,
chúng tôi cảm thấy bơ vơ, bẽ bàng và giận dữ.
Bơ vơ khi nghĩ tới ngày mai, bẽ bàng khi nhớ lại những lời
các chú bác vừa hứa với chúng tôi mấy ngày trước đó, và giận dữ trước sự phản bội
của những người lãnh đạo quốc gia. Vàng bạc có thể tìm lại được, của cải có thể
làm lại được nhưng niềm tin thì rất khó.
Giữa giờ phút gần như tuyệt vọng đó, giữa lúc tiếng kêu bi
thảm của nhân dân miền Nam tưởng như đang vỡ tung cả thượng tầng khí quyển, tôi
đã tìm thấy dân tộc mình. Dân tộc tôi là đoàn người vừa di tản từ ngoài Trung
đang sống lay lắt dọc bờ biển Vũng Tàu; là những đứa bé đang bơ vơ trên đường
phố Sài Gòn; là những người lính đang đứng chờ địch với những viên đạn cuối
cùng bên này cầu Tân Thuận; là những chiến binh đang đếm những bước đau thương
tủi nhục trở về quê quán chờ đợi gông xiềng tù tội; là những người đã chết trên
những chuyến hải hành tuyệt vọng giữa biển Đông; là những anh hùng đã chọn cho
mình cách chết vinh quang hơn là rơi vào tay Cộng Sản.
Và dân tộc tôi là giọt nước mắt của bà mẹ nhỏ xuống trong
đêm 30 tháng Tư khi biết đứa con trai duy nhất của mình vừa hy sinh trong giờ
phút cuối cùng của cuộc chiến Việt Nam.
Và với chúng tôi, những thanh niên tròn tuổi hai mươi, giấc
mơ đạp xe xuyên suốt ba miền ôm ấp từ thời Trung Học cũng đã chết non ngay sau
ngày 30 tháng 4 năm 1975. Thành phố, con đường, ngôi trường vẫn còn đó nhưng tất
cả đã bị đổi thay tên. Ngày xưa, ánh trăng chảy vào tâm hồn tôi những dòng thơ
yêu người và yêu đời. Sau 1975, nằm trong căn nhà không vách trên vùng Kinh Tế
Mới, ánh trăng vàng như những vết dao đâm vào lòng tôi bao tủi buồn, đau xót.
Trong 6 năm ở lại Sài Gòn, tôi sống trong tâm trạng chờ đợi một điều gì sắp xảy
ra cho mình và cho đất nước.
Tôi đã sống như một người sống tạm trên quê hương cho đến
ngày vượt biển ra đi.
Hai mươi chín năm qua, tôi đã có dịp đọc và nghe, tuy không
hết, nhưng cũng khá nhiều hồi ký, sách vở, báo chí, diễn văn của các chú bác từng
đóng vai trò lãnh đạo miền Nam đang lưu vong ở hải ngoại. Phần lớn, ngoài việc
biện minh cho sự thất bại và việc bỏ đi sớm của mình, đã cố gắng giải thích lý
do tại sao miền Nam, với một quân đội tinh nhuệ như thế, với những tướng lãnh cầm
quân tài ba thao lược như thế, đã bị mất về tay Cộng Sản.
Lý do được nhiều tác giả viện dẫn cũng chẳng khác gì nhiều
so với diễn văn cuối cùng của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã đọc trong đêm từ
chức của ông 29 năm trước. Nguyên nhân chính vẫn là vì Mỹ đã ngưng viện trợ
quân sự, đã bỏ rơi Việt Nam, đã gián tiếp dâng hiến miền Nam cho Cộng Sản.
Hẳn nhiên không ai phủ nhận sự buông tay của Mỹ là cơn gió
trực tiếp mang đến sự sụp đổ nhanh chóng của miền Nam. Tuy nhiên, nếu tôi dựa
vào lập luận của các chú bác, để hỏi ngược lại quý chú bác rằng nếu Hoa Kỳ tiếp
tục viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa thì phải chăng miền Nam sẽ không bao giờ mất?
Câu trả lời sẽ không ngắn gọn và dễ dàng.
Về mặt khách quan, Việt Nam Cộng Hòa có một quân lực hùng hậu,
tinh nhuệ nhất Đông Nam Á đã được chứng minh qua những chiến tích lẫy lừng
trong việc bảo vệ An Lộc, tái chiếm Cổ Thành, trấn giữ Bồng Sơn, Thường Đức
v.v…Vâng, nhưng một đạo quân, dù tinh nhuệ bao nhiêu, các tướng lãnh dù tài ba
thao lược bao nhiêu, trong một cuộc chiến chỉ nhằm mục đích tự vệ và kéo dài
quá lâu, cũng không thể thắng một đạo quân xâm lược, cuồng tín và không từ chối
bất cứ một phương tiện gì để đạt được mục đích thôn tính miền Nam. Những ai còn
ở lại Sài Gòn sau 1975 chắc đã có nhiều cơ hội để thấy được sự khác nhau giữa
hai người lính.
Hãy xem hình ảnh một người lính miền Nam đầy nhân ái bao
dung và rất là con người như nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn nhắn gởi mấy anh du kích:
Hay nhà thơ Trần Hoài Thư đối xử với tù binh CS:
Những hình ảnh dễ thương đó tương phản biết bao nhiêu khi so
với thơ Tố Hữu dùng để đầu độc những người lính Cộng Sản:
Khi ví những người bên kia chiến tuyến, dù người đó là Pháp,
Mỹ hay đồng bào cùng máu mủ với mình, như một đĩa thịt bò tươi, quả thật trong
người Tố Hữu đã không còn một chút gì để gọi là nhân tính.
Người lính Cộng Sản bị mê hoặc bởi một ý thức hệ vong bản khủng
khiếp đến nỗi chỉ biết hận thù, đấu tranh, giết chóc. Suốt đời họ được huấn luyện
để nói dối, dối có hệ thống, dối một cách hồn nhiên và dối trong cả những chuyện
hiển nhiên nhất. Nhiều người nghiên cứu cuộc chiến Việt Nam cho đến nay vẫn thắc
mắc rằng, làm thế nào một miền Nam hùng mạnh lại dễ dàng mất về tay những anh
chàng khờ khạo từ trong rừng xuất hiện.
Đơn giản bởi vì nếu các anh không khờ khạo thì đã không chiếm
được miền Nam. Nếu các anh biết thế nào là ý nghĩa của hai chữ chọn lựa và có
quyền chọn lựa một cuộc đời để sống, thì các anh không dại gì chọn để chết. Thanh
niên miền Bắc bị đầu độc rằng đồng bào miền Nam đang đói khát và ngày đêm chờ đợi
họ vào để “giải phóng khỏi xích xiềng đế quốc.” Thế nhưng thực tế đã trái ngược.
Đồng bào miền Nam đã bỏ cả làng mạc, ruộng vườn, nhà cửa, lưng cõng mẹ già, tay
bế con thơ để tìm đường vào Nam lánh nạn.
Cuối thế kỷ 20, nhưng thanh niên miền Bắc vẫn còn được dạy để
tin rằng “Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ và đồng hồ Liên-xô tốt hơn đồng
hồ Thụy Sỹ.” Một đoạn trong bài thơ Ðịa Ngục Không Cửa Sổ của Việt Phương, thư
ký riêng của Phạm Văn Đồng viết tại Hà Nội năm 1972 sau một chuyến được xuất
ngoại với phái đoàn ngoại giao Cộng Sản:
Thật vậy, từ sau 1954, miền Bắc Việt Nam chìm trong bóng đêm
dài không một ánh trăng sao. Nửa đất nước là một địa ngục lầm than không cửa sổ.
Theo hãng thông tấn AP, ngày 4 tháng 4 năm 1995, nhà cầm quyền
Cộng Sản Việt Nam đã ước lượng số người Việt Nam, trong đó có quân đội hai bên,
đã chết trong 21 năm chiến tranh là 5 triệu 1 trăm ngàn người. Con số đó đại diện
cho 12 phần trăm của toàn bộ dân số Việt Nam trung bình trong giai đoạn
1954-1975. Con số thật sự có thể còn cao hơn nữa vì nhà cầm quyền Hà Nội trong
suốt thời kỳ chiến tranh chưa một lần công bố tổn thất về phía họ.
Dù sai số bao nhiêu, năm triệu một trăm ngàn người chết và mất
tích quả thật quá lớn trong một cuộc chiến địa phương trên một vùng đất nhỏ hẹp
về địa lý và về dân số như Việt Nam. Câu nói “Miền Nam trong trái tim tôi” của
Hồ Chí Minh đã phải đổi bằng 5 triệu mạng sống của nhân dân Việt Nam vô tội ở
hai miền. Số lượng người Việt đã chết trong chiến tranh Việt Nam còn cao hơn cả
tổng số 4 triệu 6 trăm ngàn người Do Thái bị giết trong thế chiến thứ hai. Đó
là chưa kể hàng trăm ngàn thương binh đang đếm những ngày tàn trên đường phố Hải
Phòng, Hà Nội.
Đó là chưa kể tội ác của giới lãnh đạo Cộng Sản đối với hàng
trăm ngàn sĩ quan và viên chức Việt Nam Cộng Hòa bị đày ải trong những trại tập
trung dã man rải rác khắp ba miền. Đó là chưa kể số phận của một trăm năm chục
ngàn “cô gái vót chông tải đạn” đã đánh mất tuổi thanh xuân trong rừng sâu nước
độc Trường Sơn. Một đoạn trong bài thơ viết về nỗi đau của một người đàn bà hai
đời làm mẹ, chăm sóc cho đứa con gái đã gởi lại Trường Sơn đôi chân ngà ngọc:
Dù bên này hay bên kia Bến Hải, nỗi đau của bà mẹ Việt Nam
nào cũng giống như nhau. Bao nhiêu máu Việt Nam đã đổ? Bao nhiêu xương Việt Nam
đã rơi? Bao nhiêu thế hệ Việt Nam đã bị ném vào lò lửa của bạo tàn và tham vọng?
Bao nhiêu tài nguyên đã bị tàn phá? Con số thật sự sẽ không bao giờ được biết.