Nhớ anh bạn trẻ đã qua đời vì bạo bệnh hôm trước dịch
covid-19. Nhớ cứ bước vào tháng bảy, anh thường diễn tả cái nắng và cái nóng của
mùa hè Texas với từ “tan chảy”, nắng cũng nắng tan chảy mà nóng cũng nóng tan
chảy. Không riêng gì tôi mà nhiều anh em bạn nghe hơi khó chịu với từ tan chảy
vì dị ứng với từ ngữ trong nước bây giờ thường nói quá, quá cả phép thậm xưng
trong văn học dân gian như “con rận bằng con ba ba/ đêm nằm nó ngáy cả nhà thất
kinh”. Người trong nước bây giờ ăn ngon cũng ngon tới tan chảy, nghe nhạc cũng
nghe tới tan chảy với giọng hát ai đó, ra đường gặp gái đẹp cũng đẹp tan chảy…
chỉ có đường cống thoát nước ở Sài gòn là không tan chảy khi trời mưa nên ngập
cả Sài gòn. Còn lại thứ gì không tan chảy được theo từ ngữ xã hội chủ nghĩa thì
dùng từ khó hiểu, từ ngữ càng âm u càng nổi bật “đẳng cấp” xã hội chủ nghĩa
đang thịnh từ “a đù”.
Nhưng dù sao năm nay tháng bảy về bỗng nhớ anh bạn vắn số nhiều hơn khi bước vào tháng bảy mới hai tuần thì đã hơn mười ngày nóng trên trăm độ F. Cái nắng và cái nóng vẫn như xưa, Những lúc lái trên đường vắng giữa trưa tháng bảy ở Texas sẽ dễ dàng ảo tưởng phía trước trời đang mưa vì thấy rõ một khúc đường loang loáng nước, nhưng khi lái đến nơi mới biết là ảo giác vì trời quá nóng tạo ra. Hay khi thấy rõ nắng loang như mây trên mặt đường xa xa, chạy đến không có gì, chạy qua chợt nhớ từ “hoa nắng” đã nghe hay đọc ở đâu đó.
Nói gì thì anh em bạn còn lại đành cúi đầu chấp
nhận là do bọn mình đã già, không còn chịu nổi cái nóng và cái nắng trên trăm độ
mà vẫn nướng thịt, uống bia, xem banh cà na ở patio hay garage nhà ai đó. Anh bạn
vắn số lại trẻ hơn nhiều anh em nhưng thường làm chủ xị. Anh thường hẹn mọi người
đi ăn phở, uống cà phê vào sáng thứ bảy. Sau chầu cà phê ăn sáng cuối tuần sẽ
kéo nhau đi nông trại của người Mễ để mua vịt sống về làm tiết canh, mua gà sống
về nấu cà ri, trộn gỏi, làm gà nướng cho bọn trẻ con vui hưởng cuối tuần. Cứ
bơi hồ bơi một lát, lũ trẻ kéo lên ăn gà thì nướng không kịp. Cánh chị em có chồng
coi con cho đi shopping thì kéo nhau đi mua sắm quần áo, giày dép đại hạ giá,
nói cười trở về như đoàn quân đại thắng nên gỏi gà bao nhiêu cũng hết, cà ri
bánh mì bao nhiêu cũng không ngại sạch nồi…
Những cuối tuần lại rơi vào dịp nghỉ lễ thì đi
nông trại mua hẳn một con bê chừng trăm cân Anh. Thế là rôm rả mấy ngày cuối tuần
với bê thui, bê tái chanh, lòng bê xào cải chua. Đặc biệt là món phở với sườn
bê và thịt bê tái thì ngon ngọt tới ăn hoài không ngán.
Tháng bảy vẫn về, thường được báo hiệu bằng những
lá cờ Mỹ mà người bản xứ rất tự hào, hãnh diện, và trang trọng treo ở trước nhà
họ để mừng lễ Độc lập của Hoa kỳ ngay vào những ngày đầu tháng bảy. Lá cờ Mỹ
tung bay trong khoảng sân khiêm tốn của ngôi nhà người bản xứ không lớn, nhưng
ý nghĩa của nó to lớn như bầu trời tháng bảy có hoa nắng vàng ươm những cánh đồng
bắp đã thu hoạch.
Nhưng khi chỉ ngồi một mình ở nhà nhìn sang nhà
hàng xóm Mỹ xanh xanh đỏ đỏ màu cờ mừng lễ Độc lập, gió đưa muôn phương hương
thơm mùi thịt nướng. Người di dân tôi lại thấm triết lý: cuộc vui nào cũng tàn
nên những người bạn khi còn trẻ gặp nhau hàng tuần thì bây giờ có người cả
tháng, cả năm không gặp, có người tóc xanh đã đi sớm hơn người tóc bạc vì bạo bệnh;
người từ giã bạn bè về quê an hưởng tuổi già vì chọn chết ở quê nhà chứ không gởi
nắm xương khô nơi đất khách quê người. Tháng bảy ngồi nhớ đến đám trẻ con thì
giờ chúng cũng đang bươn bả như cha mẹ khi chúng còn tắm hồ với nhau hồn nhiên,
vô tư ở nhà chú bác hay nhà bạn của ba mẹ…
Thời gian trôi đi theo cơm áo gạo tiền, tuổi
tác chồng chất theo con cái lớn khôn tới khi ngồi một mình trong căn nhà cũ mới
vui buồn riêng mang. Vui hoàn thành nhiệm vụ với gia đình, nhưng lòng lại hoang
hoải với người sống bên ngoài lãnh thổ quê nhà rằng quê tôi đâu, tôi là người Mỹ
hay người Việt? Sẽ làm gì cho hết thời gian khi về hưu trong bối cảnh xã hội nước
sở tại đã sa lầy quá trớn trong tay những người đang nắm quyền lực lớn nhưng
năng lực nhỏ nên làm việc nhỏ cũng gây tai hoạ lớn cho nước Mỹ hôm nay. Trong
lòng lại u uẩu đường về quê xa lắc lê thê, trót nghe theo lời u mê… như lời nhạc
trong Tình khúc thứ nhất.
Tháng bảy đã già nửa tháng, nóng vẫn hơn trăm độ,
nắng vẫn cháy cỏ đồng xanh thành màu nâu nhạt để đậm dần. Cỏ sẽ úa khi mùa thu
về, đông sẽ đội khăn tang trắng bằng tuyết đá để tiễn đưa linh hồn năm cũ. Vũ
trụ tuần hoàn theo quy luật của vũ trụ, người sống tuần tự ra đi theo những
chuyến xe đời, phải có người bước xuống để có chỗ cho người khác bước lên.
Tháng bảy năm nay trời vẫn thế, vẫn nóng như câu ngạn ngữ của người dân bản địa
là nóng như con gà trống mới đạp mái. Khác đi chút những tháng bảy đã qua là
tháng bảy năm nay cuộc chiến Nga với Ukraine vẫn chưa kết thúc, cho thấy phe trục
ma quỷ đâu có sợ phương tây với Hoa kỳ. Trung cộng vẫn âm thầm mua dầu giá rẻ
cho Nga có ngân sách đổ vào cuộc chiến xâm lược, Iran vẫn lén lút gởi máy bay
không người lái cho Nga để tấn công Ukraine. Phương tây là những tay nhà giàu
keo kiệt nên giúp đỡ Ukraine nhỏ giọt thì làm sao thắng Nga?
Tháng bảy năm nay nhiều biến động. Ông thủ tướng
Boris Johnson của Anh quốc là người giúp đỡ Ukraine mạnh nhất từ tây phương lại
phải từ chức vào ngày 4 tháng 9 tới đây vì chuyện bé xé ra to trong chính trường
nước Anh. Cuộc chiến Ukraine với Nga còn dai dẳng vì trông gì được vào ông tổng
thống Pháp nói nhiều nhưng làm không được bao nhiêu; gã khổng lồ keo kiệt Đức
thì chờ gì từ kẻ coi đồng tiền bằng cái bánh xe bò. Chờ Mỹ thì phiêu lưu với
chính quyền sở tại Hoa kỳ và ông tổng thống bất nhất…
Tháng bảy đau lòng cho ông cựu thủ tướng Shinzo
Abe của Nhật bản, người được người dân Nhật yêu thương, tin tưởng và kính trọng
lại đột ngột ra đi với tay súng tâm thần, nhắc tên hắn làm gì như báo đài đưa
tin ngu ngốc, chỉ đơn giản gọi hắn là một thằng điên. Tôi đã gặp vài thanh niên
Mỹ trắng ở phi trướng DFW, họ đội trên đấu họ không phải cái nón rộng vành của
cao bồi Texas mà là lá cờ Nhật xếp lại thành vành khăn tang, chừa cái mặt trời
đỏ ra cho nhân loại cùng thấy loài người tiến bộ đích htực là gì, là ai?
Những chiếc khăn tang vẫy máu của vài thanh
niên Mỹ thương tiếc ông cựu thủ tướng Nhật thật ấn tượng. Trở về nhà sau khi
đón người bạn từ xa tới. Đã bao năm thấy ông già hàng xóm là cựu chiến binh Mỹ
trong chiến tranh Việt nam. Ông trang trọng thượng kỳ mừng ngày độc lập của Hợp
chủng quốc Hoa Kỳ. Ông lặng lẽ hạ kỳ đem cất tới năm sau… tới cuối đời ông. Màu
cờ có phai theo nắng gió, tóc ông bạc hơn năm ngoái, nhưng lòng ông với lá quốc
kỳ không thay đổi niềm tự hào và hãnh diện. Nhưng tháng bảy, lễ Độc lập năm
nay, ông già không thượng kỳ mừng lễ Độc lập nữa mà nhà ông phủ tang trắng trên
những hàng cây. Người lính Mỹ trọn đời yêu thương tồ quốc đã an nghỉ. Cầu chúc
cho linh hồn ông sớm hạnh ngộ cùng đồng đội đã hy sinh trong chiến tranh Việt
nam.
Tháng bảy của nước Mỹ đi vào lịch sử với
bản Tuyên ngôn Độc lập vào năm 1776, đến nay đã 246 năm. Thành phố Philadelphia
là thành phố đầu tiên tổ chức kỷ niệm một năm độc lập vào ngày 4 Tháng 7 năm
1777, trong khi quốc hội vẫn còn đang đối phó với cuộc chiến với quân Anh. Năm
1778, để đánh dấu hai năm sau bản Tuyên ngôn Độc lập, George Washington đã ra lệnh
cho tăng gấp đôi khẩu phần rượu rum cho binh lính của ông để ăn mừng, và đến
năm 1781, nhiều tháng trước khi người Mỹ đạt được chiến thắng quan trọng tại
Yorktown, Massachusetts trở thành tiểu bang đầu tiên chính thức lấy ngày 4
Tháng 7 làm ngày lễ nghỉ của tiểu bang.
Ngày 4 Tháng 7 năm 1776 trở thành ngày được ghi
trong bản Tuyên ngôn Độc lập, và bản văn viết tay đặc biệt này được ký vào
tháng 8 cùng năm. Bản viết tay này hiện đang được lưu trữ tại Văn khố Quốc gia ở
Washington. Nó cũng là ngày được ghi trong những bản in đầu tiên của Tuyên ngôn
Độc lập và sau đó được gửi đi khắp nước. Do vậy, khi người ta nghĩ tới bản
Tuyên ngôn Độc lập đều nghĩ là ngày 4 Tháng 7 năm 1776 là ngày tuyên bố. (Thực
ra nhiêu khê của bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ còn nhiều nhiêu kê khác tới mãi
năm 1778).
Tinh thần ái quốc còn được khơi dậy mạnh hơn nữa
trong ngày 4 Tháng 7 sau cuộc Chiến tranh 1812 xảy ra giữa Hoa Kỳ và Vương quốc
Anh một lần nữa. Nên năm 1870, quốc hội đã thông qua luật và chỉ định ngày 4
Tháng 7 thành ngày lễ liên bang; và năm 1941, quốc hội ghi thêm một điều khoản
vào trong luật để cho phép là ngày lễ nghỉ trả lương cho tất cả các nhân viên
làm việc cho chính phủ liên bang.
Lễ Độc lập năm nay, tháng bảy năm nay nhiều biến
cố, thời tiết cũng là một biến cố không nhỏ với châu Âu lụt lội, Trung quốc bão
tố, châu Phi thiếu lương thực… Hoa kỳ cắn răng với đợt nắng nóng dài ngày cũng
không khốn khó bằng tình hình lạm pháp, kinh tế suy trầm, chính trị phân cực, dịch
bệnh lại cứ đi đi về về như hiểm họa khôn lường. Phải như còn anh bạn “tan chảy”
cho anh ấy thấy bây giờ mới là tan chảy. Mọi thứ đã và đang tan chảy từng ngày
với chính quyền thiếu năng lực, bất nhất hiện tại trên xứ sở đã từng hùng mạnh
nhất địa cầu về mọi mặt.
Phan