23 August 2022

THÁNG BẢY KHÉP LẠI… - Phan

1. 

Tháng bảy khép lại theo tuần hoàn của thời gian và không gian, chỉ nắng nóng mùa hè là chưa thay đồi, vẫn hơn trăm độ F từng ngày làm đời sống vốn khó thêm khổ cho người lao động. Tan hãng, mở máy lạnh trong xe hết mức vẫn không thấy giảm được cái nóng trong xe như thiêu đốt. Nhưng nhìn những người Mễ đang làm công việc sửa đường dưới cái nắng gay gắt thấy chạnh lòng. Hoàn cảnh mỗi người mỗi khác, chỉ cầu mong ơn trên thương xót họ, và tạ ơn trên về phần mình. Tuy việc làm có nhiều điều không ưng vì công việc không đúng sở thích nhưng dù sao cũng làm việc nhẹ nhàng trong điều kiện có máy điều hoà không khí, lương bổng và quyền lợi không cao nhưng đủ sống, đủ trả tiền nhà, điện, nước để có một chỗ về sau ngày làm việc…

   Người ta khó sống hài lòng như một yếu tố di truyền để đời sau phải hơn đời trước, nên nhìn lại đâu có cha mẹ nào hài lòng về con cái vì lẽ ra nó phải như thế này, như thế khác… nhưng không nói ra. Cũng không có con cái nào hài lòng về cha mẹ vì lẽ ra… nhưng khó nói ra trong tư thế người con. Thế là đời đời chúng ta không bao giờ gặp cái lẽ ra như mong ước vì đạt được cái lẽ ra này thì cái lẽ ra khác lại xuất hiện, khó hơn cái lẽ ra đã đạt được rồi.

   Cứ nghĩ về công việc mình đang làm, hoàn cảnh làm việc so với những người Mễ sẽ thấy dễ chịu hơn. Đừng khó chịu với cái xe cũ vì mở máy lạnh tối đa cũng không thấy mát. Hãy nhìn anh Mỹ đen đang đi bộ ven đường, tay xách vài cái túi ny-lon chợ. Anh ta đi mua ít thức ăn trong hoàn cảnh nắng nóng như thiêu như đốt, đủ biết ở nhà anh ta không còn gì ăn nên anh ta mới chịu đi bộ trong thời tiết khắc nghiệt này. Ta về nhà sẽ bớt chán nản với chén cơm ngày nào cũng vậy, món thịt kho trứng đã ăn ba ngày nhưng cũng không có món gì mới, thèm chút rau luộc thì chỉ có rau mọc quanh nhà vì chợ xa nên lười đi mua bó rau trong thời tiết hắc ám dù chỉ vài đồng bạc…

   Kết quả của ăn uống đạm bạc lại dễ hiểu ra cuộc sống khó thể nào mọi chuyện như ý được, vì khi còn đói nghèo ở quê nhà nên thèm ăn thịt cá vì ăn rau luộc quanh năm. Nay thịt không là thịt, ngày nào cũng thịt nên thèm ăn rau. Vì thế có câu phàm phu tục tử để nói về bản chất con người. Nhưng tinh thần có gì hơn bản năng thể xác khi đã cố gắng thật lâu vẫn không thấy kết quả mong chờ. Cuộc sống bình yên bỗng thiên tai, dịch bệnh, giặc giã làm tan hoang hết cửa nhà; hết lòng với người khác để nhận về sự vô tâm đến lạnh lùng trong cõi ta bà này…

   Chợt một hôm thức dậy, thấy sức khoẻ không còn như xưa, nhìn vào gương tưởng gặp lại cha mình. Lòng luyến tiếc quá khứ trào dâng như lũ trong hiện tại vô vọng, tương lai mù mờ những chuyện đã qua, hiện tại sẽ qua. Việc bận tâm, lo âu xưa cũ vẫn ở trong lòng bất lực. Ta còn bao lâu nữa với quỹ thời gian đầy khó khăn trước mắt khi cứ ngoảnh lại hoài, chi bằng xem nhẹ mọi chuyện bớt lại khi hiểu được cuối cùng là đã qua, còn lại sự kiên cường là chấp nhận hiện tại, hay chọn lựa thua cuộc? Mỗi người đều có hay dở riêng của mỗi người, chỉ cố gắng đừng lạc mất mình trong cuộc đời không dài nên thôi nghĩ về những việc đã suy nghĩ quá nhiều, quá lâu vẫn không có đáp án. Những muốn không có thì đừng muốn nữa để hiện diện với bản thân sẽ tốt hơn sống với ảo tưởng, ảo giác huyễn hoặc trong thân xác rạc rày thì mới làm được chuyện muốn làm trong hy vọng. Sống lương thiện là nền tảng.

   Nặng lòng với mất mát thì tiền của cũng không trở lại, đau lòng với chia xa thì người mất cũng không về. Sống là học cách trưởng thành chứ không phải trở thành. Mỗi đoạn đời đều đáng để quên đi khi đã nhớ rõ vì những không thể ở quá khứ lẫn hiện tại đều sẽ có ý nghĩa trong tương lai. Hãy mỉm cười với nghịch cảnh, bạc đãi; cố gắng tử tế, tận tâm với cuộc sống sẽ có đáp án cuối cùng vì ít nhất đó cũng là sự an bài của mỗi người…

   Tháng bảy rồi khép lại với đợt nắng nóng dài ngày, trời sẽ dịu bớt, mưa sẽ rơi xuống đất khô cằn để không còn thấy nứt nẻ, cỏ cháy nắng hạ lại xanh um. 

2.

Riêng tháng bảy năm nay có sự ra đi đáng suy ngẫm của hai vị thủ tướng của hai cường quốc là Anh quốc và Nhật bản. Thủ tướng tại nhiệm của Anh quốc là ông Boris Johnson, đã phải từ chức sau hơn hai năm cầm quyền. Nhìn lại sự nghiệp chính trị của một nhà báo trở thành chính khách nổi tiếng, thủ tướng của một cường quốc nhờ cách sống để trở thành. Không phủ nhận tài ba của ông khi nhiều dự luật phải bỏ phiếu đều được chấp thuận, thông qua. Trong đó nổi bật nhất là Brexit, đưa Anh quốc ra khỏi Liên minh Âu châu.

   Ông là người có cá tính, nhìn cái đầu tóc chơm bơm của một chính trị gia không giống bất cứ chính trị gia nào trên thế giới đã biết ông cá tính mạnh cỡ nào! Nên không lạ khi nghe ông thường tuyên bố thẳng thừng trước báo giới chứ không như các chính khách chuyên nghiệp ăn nói cẩn trọng từng lời. Ông cũng là vị lãnh đạo đầu tiên của G7 sang thăm Kyiv vào trung tuần tháng 4 năm 2022 khi cuộc chiến tranh đang diễn ra khốc liệt. Ông tăng cường sự trợ giúp về quân sự cho Ukraine. Chính tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky đã gọi ông Boris Johnson là một người bạn lớn của Ukraine.

   Boris Johnson quay lại thăm Kyiv lần nữa vào ngày 17 tháng 6 năm 2022 với những tuyên bố thẳng thừng về phía Nga đã gây ra những tội ác chiến tranh không thể chối cãi. Thái độ cứng rắn của Boris Johnson trong vấn đề Ukraine đã đưa ông lên vai trò lãnh đạo trong giới chính khách phương Tây để đối đầu với Putin.

   Giờ đây Boris Johnson đã tuyên bố từ chức, ông không còn cách nào khác để tiếp tục đứng đầu chính phủ. Phải đợi đến khi 57 nghị sĩ và bộ trưởng trong chính phủ của ông từ chức thì ông mới tuyên bố ra đi, (đã thấy nửa phần ông là người trở thành trong cuộc sống). Khi đảng Bảo thủ không còn muốn ông là thủ tướng nữa. Trong bối cảnh ấy, trong một quốc gia dân chủ đúng nghĩa như Anh quốc, Boris Johnson phải từ chức thủ tướng. Không ít người Anh tiếc nuối và người dân Ukraine buồn lo. Nhưng nhìn ông Boris qua một lăng kính khác sẽ thấy khác.

   Bỏ qua hết những luận bàn thế sự về thuyết âm mưu của thế giới toàn cầu hóa như đảng Dân chủ Mỹ âm thầm hạ bệ Boris Johnson chỉ vì ông muốn giúp Ukraine, trong khi Biden và Obama thì không. Ai tin nổi tài năng của đảng dân chủ và hai ông tổng thống tệ hại nhất của lịch sử tổng thống Hoa kỳ.

    Thuyết khác cho rằng Putin đã lũng đoạn chính trường Anh quốc bằng cách mua chuộc các chính khách đảng Bảo thủ nhằm lật đổ Boris Johnson vì ông ấy ra mặt đối đầu với Putin. Cả nhà độc tài Tập Cận Bình của Trung cộng cũng bị cho là có nhúng tay vào việc hạ bệ thủ tướng Anh Boris Johnson.

   Nhưng bình tâm nhìn lại hơn hai năm làm thủ tướng của ông Boris Johnson đã xảy ra bao nhiêu vụ bê bối về tư cách lãnh đạo? Từ lúc nước Anh bị phong toả vì covid-19 thì ông lại để cho các buổi tiệc diễn ra tại số 10 Downing Street vào dịp Giáng sinh 2020. Ông đã tham gia, nghĩa là bỏ mặc những biện pháp nghiêm ngặt phòng ngừa đại dịch. Không chỉ một lần mà nhiều lần các buổi tiệc như thế đã diễn ra trong các trụ sở của các Bộ khác nhau. Tạo thà nh vụ “Partygate” đã khiến cho cái ghế của ông bị lung lay.

   Boris Johnson còn bị tai tiếng về một người bạn thuộc giới vận động hành lang của ông là Owen Paterson, đã chấp nhận những khoản tiền của giới tài phiệt về nông nghiệp để đổi lại những sự can thiệp hay giúp đỡ tại Quốc hội. Rồi vụ bê bối tài chính khi báo chí khui ra toà nhà của ông ở (số 11 Downing Street) được sửa chữa và ông đã không tự bỏ tiền túi để trang trải chi phí. Khi Boris Johnson đi nghỉ hè vào năm 2019 cũng bị phanh phui việc ông chấp nhận sự đài thọ của một người giàu có và thân thiết với đảng Bảo thủ.

   Hơn hai năm cầm quyền của ông Boris Johnson còn xảy ra những vụ bê bối tình dục. Có đến bảy nghị sĩ của đảng Bảo thủ bị tố cáo quấy rối tình dục phụ nữ, nam giới và trẻ vị thành niên. Boris Johnson đã không lên án vụ việc cần nghiêm khắc. Ngược lại còn tìm cách chối bỏ mọi liên quan và khi phải lên tiếng thì ông đã lên tiếng để tìm cách bảo vệ cho các vị nghị sĩ mắc sai lầm trên.

   Tất cả các bê bối trên đã làm mất uy tín một vị thủ tướng của một cường quốc. Ông quả có tài nên mới thoát qua được vụ Partygate với 59% phiếu tín nhiệm của các nghị sĩ đảng Bảo thủ. Tuy nhiên vụ scandale tình dục mới đây với nhân vật Chris Pincher là giọt nước tràn ly khiến Boris Johnson bị mất sự tín nhiệm hoàn toàn trong đảng Bảo thủ.

   Chris Pincher là một nhân vật không tiếng tăm được Boris Johnson bổ nhiệm vào vai trò trợ tá, chịu trách nhiệm về kỷ luật Quốc hội cho các nghị sĩ đảng Bảo thủ. Nhưng ông này lại có nhiều tai tiếng về các vụ quấy rối tình dục. Khi bị báo chí lên tiếng, Chris Puncher đã phải từ chức. Boris Johnson chối bỏ việc ông ta không biết gì về các tật xấu của Chris Pincher nên mới bổ nhiệm ông này. Tuy nhiên, sau đó ông thừa nhận có biết những tai tiếng ấy. Vụ án Pincher đã biến ông Boris Johnson trở thành vị thủ tướng nói dối về những gì ông ta biết hoặc không biết.

Ông mất ghế thủ tướng vì những bê bối đạo đức chứ chẳng có thuyết âm mưu nào như đồn đoán.  

   Tiếc cho ông từng là đứa trẻ bị bắt nạt trong trường học, ông đã trải qua bao nhiêu khó khăn trong đời để vươn lên, để trở thành vị thủ tướng của một nước lớn trên thế giới như nước Anh. Ông thực sự là một người vượt qua mọi nghịch cảnh, mọi cản trở để trở thành nên ông có một kết cục với sự chọn lựa trở thành - khác với vị cựu thủ tướng chọn trưởng thành của nước Nhật..

3.

Cựu thủ tướng Shinzo Abe của Nhật bản là một trường hợp điển hình cho việc trưởng thành chứ ông không trở thành, ông không đánh mất ông trong cuộc đời ngắn ngủi và nghiệt ngã. Vụ ám sát cựu thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm thứ Sáu 8 tháng 7 năm 2022 vừa qua đã kết thúc cuộc đời của một trong những chính trị gia lừng lẫy nhất trong lịch sử hiện đại của Nhật bản. Giới truyền thông Hoa kỳ là đám lưu manh, láo xược nhất thế giới vì ỷ thế Mỹ bá chủ toán cầu nhưng khi nói về ông Shinzo Abe đều bày tỏ bằng những lời lẽ đầy kính trọng.

   Ông đã đưa nước Nhật vươn lên sau ba thập kỷ nước Nhật giậm chân tại chỗ xem Trung cộng và Nam hàn làm mưa làm gió ở châu Á - Thái bình dương, rồi lan ra toàn cầu. Tuy ông không thành công trong nhiệm kỳ đầu tiên trong hai năm 2006-2007. Nhưng ông đã quay trở lại chính trường Nhật 5 năm sau đó, làm thủ tướng từ năm 2012 đến cuối năm 2020. Ông đã định hình lại chính sách đối ngoại và đối nội của Nhật Bản từ thất bại của nhiệm kỳ đầu.

   Cái chết của ông rồi ra sẽ làm mất đi trọng lượng của tiếng nói, vai trò của Nhật bản trên thế giới. Xã hội nước Nhật trong tương lai sẽ đi theo khuynh hướng nào sau cái chết làm bàng hoàng người dân nước Nhật về vấn đề súng đạn trên đường phố.

   Di sản của ông Abe có thể nói không có chính trị gia Nhật bản nào từ thập niên 1950 cho tới nay có thể sánh kịp. Xuất thân từ một gia đình có ảnh hưởng rất lớn về chính trị, cha ông từng là ngoại trưởng và ông ngoại từng là thủ tướng và cũng là một trong những nhân vật chính giúp thành lập Đảng Dân chủ Tự do, là đảng bảo thủ của Nhật.

    Ông Abe là người chống cộng, mang tâm huyết phục hồi vai trò của Nhật tại châu Á và trên thế giới bằng cách biến Nhật bản trở thành quốc gia lãnh đạo của khối các quốc gia tự do.

   Ông là thủ tướng Nhật đầu tiên viếng thăm Trân Châu Cảng năm 2016, và đọc diễn văn trước quốc hội Hoa Kỳ. Ông là người đi đầu trong việc hình thành nhóm Đối thoại An ninh Tứ giác (hay còn gọi là Bộ Tứ - the Quad), kết nối Nhật Bản với Hoa Kỳ, Úc và Ấn Độ. Ông Abe cũng là người đưa ra khái niệm “Khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” được cả hai chính quyền Trump và Biden ủng hộ. Khi Tổng thống Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp ước Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương, ông Abe đã cứu vớt hiệp ước thương mại tự do này và thúc đẩy thông qua với chữ ký của 11 quốc gia còn lại.

   Mục tiêu chính của sự hình thành Bộ Tứ là để kìm hãm tham vọng bá quyền của Trung cộng trong khu vực. Nhìn lại những sai lầm trong nhiệm kỳ đầu, ông Abe đã không nản chí và kiên nhẫn theo đuổi mục tiêu để đưa tới sự hình thành mối liên kết của bốn quốc gia lớn nói trên. Bộ Tứ không phải là một liên minh quân sự, nhưng các cuộc hội nghị vẫn trở thành những diễn đàn quan trọng để giải quyết các thông tin sai lệch, các vụ bắt chẹt và gây áp lực trong chuỗi cung ứng, chính sách ngoại giao bẫy nợ, đánh bắt cá bất hợp pháp và nhiều hành vi sai trái khác của Bắc Kinh.

   Ông Abe hiểu rõ chủ quyền lãnh thổ chính là cơ sở cho sự đoàn kết giữa các quốc gia bất kể dưới hình thức chính phủ nào khi phải đối đầu với những quốc gia láng giềng hùng cường và nhiều tham vọng như Trung cộng. Trong nỗ lực cải cách hiến pháp Nhật bản theo chủ nghĩa hoà bình đã được áp dụng kể từ sau Thế chiến II, ông Abe đã kêu gọi xóa bỏ những hạn chế đối với khả năng hợp tác của Nhật bản với các quốc gia đồng minh và đối tác, bao gồm cả việc cho phép Nhật xuất cảng vũ khí phòng thủ và khẳng định quyền được hành động trong công cuộc tự vệ chung. Cùng lúc, ông đã gia tăng ngân sách quốc phòng của Nhật, cho phép quân đội được hiện đại hoá với việc trang bị nhiều chiến đấu cơ F-35 với kỹ thuật tiên tiến của Hoa kỳ và một số tàu chiến mới.

   Để bảo vệ các giá trị tự do quốc tế, ông Abe đã cố gắng đặt Nhật bản vào vai trò toàn cầu hàng đầu. Lập luận rằng luật pháp quốc tế và các quy tắc hợp tác hòa bình là quan trọng đối với khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, ông thách thức Trung cộng trong việc thực hiện chính sách an ninh và đối ngoại một cách minh bạch và công bằng chứ không theo kiểu lấy thịt đè người đối với các tranh chấp trong khu vực. Ngoài việc thúc đẩy việc liên kết Bộ Tứ, ông Abe còn trực tiếp đối thoại với tổ chức NATO và khôi phục lại mối quan hệ với Vương quốc Anh.

   Thậm chí sau khi rời khỏi nhiệm sở vì lý do sức khoẻ, ông Abe vẫn tiếp tục là một chính trị gia có nhiều ảnh hưởng nhất của Nhật bản và là tiếng nói có trọng lượng nhất liên quan đến các chính sách đối ngoại. Vào tháng 2 năm 2022, ông đã công khai lên tiếng về việc Nhật có nên cho lắp đặt vũ khí nguyên tử của Hoa kỳ trên lãnh thổ Nhật? Ông đã chạm đến điều cấm kỵ nhất trong sinh hoạt chính trị của Nhật bản từ sau Thế chiến II. Vào tháng 4 vừa qua, ông kêu gọi Hoa kỳ hãy cam kết hơn nữa trong việc bảo vệ Đài Loan trong trường hợp bị Trung cộng tấn công. Khi nói lên điều này, ông Abe trở thành nhà cựu lãnh đạo đầu tiên của một quốc gia lớn ủng hộ Đài Loan một cách công khai và cho rằng chính sách mơ hồ về bảo vệ an ninh cho Đài Loan mà Washington theo đuổi lâu nay là không thể thực hiện được trong tình hình mới của thế giới. Nghĩa là ông không ngại tố cáo Nhà trắng thời Biden lập lờ trong chính sách Đài loan.

   Tất cả những nỗ lực nói trên đã giúp hình thành sự hợp tác chặt chẽ của khối các quốc gia tự do trên thế giới và qua đó kiến tạo được một nền an ninh mới, ít nhất là cho khu vực châu Á trước sự trỗi dậy của Trung cộng ngày càng hung hăng. Lời phát biểu của ông là để bảo vệ tự do, dân chủ, nhân quyền và pháp quyền. Ông đã trở thành vị thủ tướng của thế giới bằng tấm lòng.

    Dù sao ông cũng đã ra đi vì một tay súng có vấn đề về tâm thần, nhưng ông đã để lại cho nước Nhật và thế giới một di sản to lớn về tự do, dân chủ, nhân quyền và pháp quyền trong thời đại mới. Trung cộng ăn mừng sự ra đi của ông vì chỉ có ông dám thẳng thắn nói ra âm mưu đen tối của Tàu cộng, âm mưu khốn nạn đến tổng thống đương nhiệm của Hoa kỳ cũng không dám nói ra. Ông Abe là người thông qua quan sát, tiếp xúc với thế giới để trưởng thành. Không biết chừng nào nước Nhật lại có một thủ tướng tài ba và đức độ như ông. Nhưng ông đã ra đi theo cách ra đi của một người trưởng thành từ cuộc sống, từ bang giao quốc tế vì ông là một chính khách. Tấm lòng nhân hậu và tầm nhìn chiến lược toàn cầu của ông với Đài loan trong thời đại mới, trong hoàn cảnh Trung cộng bành trướng . Ông khác ông Boris Johnson ra đi sau khi đã trở thành thủ tướng, ông Shinzo Abe ra đi khi đã đủ trưởng thành làm thủ tướng.

   Tháng bảy rồi khép lại những ngày hè nóng bỏng, nhưng những câu chuyện của tháng bảy năm nay sẽ còn ở lại với mỗi người chúng ta những suy tư, những cân nhắc trong cuộc đời không dài nên càng không nên phí thời gian vào những chuyện không đâu, những phiền muộn không đáng và cả những lo toan không cần thiết của đời thường. Đặc biệt là tỉnh táo để không ngộ nhận những chính khách của thời đại mới đã bắt đầu một chương mới của nhân loại hay huỷ diệt với những nhà lãnh đạo thuộc lớp trở thành khi nắm được quyền lực trong tay - ngồi chung bàn họp quốc tế với những nhà lãnh đạo trưởng thành từ thực tế từ căn bản là không đánh mất bản thân do quyền lực chi phối.

   Quốc hội Nhật bản mới đua ra tuyên bố sẽ tổ chức Quốc tang cho cựu Thủ tướng Shinzo Abe vào hạ tuần tháng chín tới. Ông là vị thủ tướng thứ tư của Nhật bản được tổ chức Quốc tang khi qua đời. Cầu nguyện cho ông sớm về cõi Phật. 

Phan