– Where are you, Andy, Jimmy? Come back here. Hurry up!
Tôi ngẩn người khi vừa nghe ai đó gào to giữa chợ một tràng
tiếng Anh với âm hưởng đầy chất Việt Nam. Nhưng tôi không ngạc nhiên vì tiếng gọi
con khơi khơi giữa chợ như ở giữa sân nhà chị ta, mà vì tôi thấy cái giọng nói
này quen quen, lâu lắm rồi tôi mới được nghe lại.
Tôi hướng theo tiếng nói đó và trông thấy đúng là một người đã quen, liền bước vội lại, nhìn kỹ hơn và không khỏi reo mừng:
– Ủa! Bông đó hả Bông?
Bông nhìn tôi, cũng mừng rỡ không kém. nhưng nó hạ thấp giọng
chứ không gào rổn rảng như hồi nãy:
– Bông hoa gì! Bây giờ tao tên là Barbara rồi. Nhớ nghe, đừng
gọi là Bông nữa, quê lắm.
– Ủa Bông… À quên, Barbara, mày không còn tên là Lê thị Bông
nữa hả?
– Đã bảo tao đổi tên là Barbara rồi mà, Barbara Le, hiểu
chưa? Họ Lê, không có dấu thành Le, mày muốn hiểu là… le te hay le lói gì cũng
được. Hồi năm ngoái thi đậu quốc tịch, đổi tên luôn, dù gì cũng lên chức công
dân Mỹ rồi.
Lúc đó, hai thằng con chạy lại, chắc vừa chạy đuổi nhau
trong chợ nên cả hai đứng thở không ra hơi. Bông tiếp tục cho hai thằng con một
bài học ngay giữa chợ bằng tiếng Anh của mình:
– What were you doing over there? I told you not
to…
Bông khựng lại, quay ra hỏi nhỏ tôi:
– Chữ “quậy phá tùm lum” tiếng Anh là gì hả? Tao muốn
nói với tụi nó là không được quậy phá tùm lum trong chợ người ta.
– Tao không biết, để chốc về nhà tao dò tự điển.
– Trời ơi, tao cần ngay bây giờ. Hồi xưa học chung ESL
với mày, tao thấy mày biết nhiều từ ngữ lắm mà.
– Nhưng ai mà học cái từ “quậy phá tùm lum” này. Đùng một
cái, mày hỏi, chữ ở đâu mà ra lẹ vậy?
– Thôi được.
Bông quay ra hai thằng con, cao giọng:
– Do not do that any more. OK?
Hai thằng con hiểu ý mẹ, đứng yên.Tôi phục Bông sát đất,
không cần biết nhiều từ vẫn giải quyết được vấn đề, vẫn nói tiếng Anh cho người
khác hiểu như thường. Giống như trường hợp một người bạn của tôi, bảo lãnh thằng
em sang Mỹ, tiếng Anh nó biết lõm bõm và chủ yếu chỉ cần hai từ “this, that” mà
được việc. Ông anh giao cho thằng em trông coi một cửa hàng bán cá kiểng. Khách
hàng muốn mua gì, thì anh ta chỉ vào từng món và hỏi:
– This one?
Nếu không phải, liền chỉ sang cái khác:
– That one?
Cuối cùng cũng bán đúng món hàng khách muốn mua mà không cần
biết loại cá ấy, loại thức ăn cho cá ấy tên gì.
Tôi hỏi Bông:
– Nếu không thể nói bằng tiếng Anh, sao mày không nói tiếng
Việt cho tiện?
– Trời ơi, tao kỵ nói tiếng Việt Nam với con tao, phải để tụi
nó giỏi tiếng Anh chứ, chêm ba tiếng Việt vô làm gì cho tụi nó nhức đầu! Hồi
xưa tao với mày học ESL khổ cực thế nào!
Tôi nhớ hồi mới sang Mỹ, gặp người Mỹ nói chỉ… mỉm cười, đó
là kế “hoãn binh” để đoán mò xem họ nói gì và suy nghĩ câu trả lời. Hên thì
trúng. Có khi bế tắc, họ đi rồi mới chợt hiểu ra hay đoán mò ra, chẳng lẽ lại gọi
“Ôí ông ơi, bà ơi, tôi hiểu rồi. Lại đây tôi trả lời cho mà nghe nè”. Và một
chuyện tôi còn nhớ đời, tôi làm tại một hãng ráp đồ điện tử, rất chăm chỉ, kỹ
lưỡng. Một hôm tôi vừa bóc miếng gum cho vào miệng nhai thì ông cai trông thấy,
nhưng không nói gì, cũng đã làm tôi lo ngay ngáy, vì luật hãng cấm ăn uống
trong giờ làm việc.
Hôm sau, tôi bị gọi lên văn phòng ông manager, cõi lòng tôi
tan nát, phen này coi như tôi bị đuổi việc. Nhưng ông manager mời tôi ngồi, nói
chuyện rất thân thiện, ông nói gì, trình độ tiếng Anh ESL của tôi làm sao mà hiểu
nổi. Nhưng để đáp lại tấm lòng tử tế của ông, mỗi câu nói ông đợi tôi trả lời,
tôi đều nói OK với tất cả lòng… biết ơn, không ngờ người Mỹ tử tế thế, công
nhân có lỗi mà họ khiển trách rất lịch sự, dịu dàng. Một tuần lễ sau, ông
cai đưa tôi một tờ giấy, ghi rõ tôi sẽ đổi sang làm ca tối bắt đầu từ tuần tới,
tiếng Mỹ tôi nghe không rành, nhưng đọc là tôi hiểu liền. Tôi thắc mắc quá, khi
không họ đổi tôi xuống ca tối mà không hỏi ý kiến tôi gì cả? mà chỉ một mình
tôi bị đổi, hay họ trừng phạt tôi về tội vi phạm kỷ luật đã ăn trong giờ làm việc
hôm nọ? Mấy người bạn Việt Nam làm cùng ca cũng xúm vào bàn luận, cho là tôi bị “trả
thù”, bị “xâm phạm quyền tự do dân chủ”, bị “kỳ thị”, v.v... Tôi bèn nhờ một
anh giỏi tiếng Anh dẫn lên gặp ông manager để khiếu nại, với bộ mặt đưa đám và
sưng sỉa. Thì ra, hôm ông manager nói chuyện với tôi, ông đã khen tôi làm việc
giỏi, ông hỏi ý tôi có thể chuyển xuống ca tối không vì họ đang cần một người
thợ giỏi như tôi và ông sẽ lên lương cho tôi 50 cent một giờ. Tất cả, tôi đều
OK vui vẻ. Ông đã cảm ơn sự hợp tác “mau lẹ” của tôi.
Tôi trở về thực tế nói với Bông:
– Mình khác, tụi nhỏ khác. Mình qua đây lớn tuổi rồi, tiếng
Việt đầy đầu, chỗ đâu mà vô tiếng Anh? Còn tụi nó sinh đẻ ra ở đây, lớn lên ở đây.
Lo gì?
– Sống ở Mỹ phải Mỹ hoá mày ơi, vợ chồng tao đều vô quốc tịch
Mỹ, hai con sanh ra tại Mỹ. Cả nhà Mỹ hết trơn rồi. Thôi mày cho tao địa chỉ, bữa
nào đến nhà chơi, mấy năm nay mới gặp lại mà, bây giờ tao đi kiếm lọ mắm tép
chua đây.
– Ăn món gì vậy?
– Bánh tráng cuốn thịt heo luộc với mắm tép chua, rau
thơm, ngon hết biết!
Nói xong Bông dắt hai con ra thẳng quầy nước mắm, nước
tương. Chiều nay về nhà, cái gia đình Mỹ hoá ấy, nói toàn tiếng Anh ấy, gia
đình bà Barbara Le, sẽ tha hồ thưởng thức món mắm tép chua, đặc sản của Việt
Nam, chẳng liên quan đến Mỹ một tí nào.
*
Nghe tiếng chuông reo, thằng Cu Tí của tôi chạy ra mở cửa,
Cu Tí nói:
– Mẹ cháu đang ở trong bếp, mời hai bác vào nhà.
Tôi vội vàng lau tay, bước ra phòng khách, đó là gia đình chị
Bông:
– Mời cả nhà ngồi chơi. Cu Tí, con lên lầu nói ba xuống có
khách nhé!
– Dạ, để con lên gọi Ba.
Cu Tí nhanh nhẩu chạy đi, Bông ngạc nhiên:
– Mày dạy nó nói tiếng Việt rành quá vậy?
Bông ái ngại tiếp:
– Nói giỏi tiếng Việt là ảnh hưởng đến tiếng Anh
đó.
Chồng của Bông ngắt lời vợ:
– Em chỉ lo xa – Anh ta phân bày với tôi – bà ấy
sợ con dở tiếng Anh, nên không cho tụi nhỏ học tiếng Việt đã đành, mà còn ra luật
lệ là ở nhà vợ chồng phải nói tiếng Anh khi có mặt hai con. Thiệt tình bực mình
hết sức, nhưng bả thích thì chiều, không lẽ cãi lộn tối ngày vì vụ này? Thà
mình nói giỏi tiếng Anh, mình dạy nó, không sao. Đằng này mình nói thì chậm, âm
hưởng thì sặc mùi Việt Nam, người Mỹ nghe có khi còn hoang mang không hiểu gì cả,
thì dạy cái nỗi gì?
– Coi như mình… dợt tiếng Anh cho chính mình đi. Bông bướng
bỉnh giữ vững lập trường của mình.
Chồng Bông phân bày:
– Thằng Andy đó, mới 9 tuổi đầu mà đã nói với mẹ nó khi nào
con 18 tuổi sẽ ra khỏi nhà sống tự lập một mình, thấy mẹ buồn, nó… gia hạn thêm
một năm nữa là 19 tuổi. Em vẫn muốn các con sống với em theo phong tục tập quán
người Việt Nam, con cái gần gũi, gắn bó với gia đình với cha mẹ, anh em, nhưng
tiếng Anh đâu mà giảng giải cho tụi nó hiểu? còn tiếng Việt thì chúng nó lại
không biết gì. Hiểu ngôn ngữ mẹ đẻ cũng sẽ hiểu được tập quán quê hương đó.
Chồng tôi ra tới phòng khách, hai ông bạn cũ gặp nhau, mừng
rỡ. Trước đây hai gia đình ở cùng một apartment, cùng một hoàn cảnh mới qua Mỹ,
nên chúng tôi chơi với nhau khá thân. Sau này vợ chồng Bông dọn đi thành phố
khác và mất liên lạc, nay mới gặp lại.
Thằng Andy, Jimmy thì nhanh chóng làm bạn với Cu Tí, Cu Tèo
nhà tôi, cùng lứa tuổi, nên chúng nói chuyện, đùa vui thoải mái.
Bông kín đáo để ý đến bọn trẻ và thốt lên:
– Bốn đứa nói tiếng Anh, nghe mà sướng cả tai.Tao
cứ tưởng là…
– Tưởng Cu Tí, Cu Tèo biết nói tiếng Việt thì dở tiếng
Anh chứ gì? Đấy mày xem, có dở đi tí nào không?
Chồng Bông lại được dịp phân bày:
– Tôi nói hoài mà bà ấy không nghe.Tháng rồi cả nhà mới
về Việt Nam, hai thằng con thật khổ vì không hiểu và nói đựoc tiếng Việt, được
ông bà, chú dì xúm vào hỏi chuyện, nhưng tụi nó cứ ngố mặt ra, thiếu điều muốn
khóc, mẹ nó phải đứng ra thông dịch cho đôi bên, rồi chúng e ngại khi đối diện
với họ, vô tình mà chuyến đi chơi xa, về quê hương của chúng mất hết ý nghĩa và
hứng thú. Hai đứa đều nói lần sau không về Việt Nam nữa.
Bông khoe:
– Vậy mới vui chớ, bà con thấy hai thằng nhỏ nói ngọng
ngịu vài chữ tiếng Việt cũng không xong, họ cười rần rần, cứ hỏi cho nó nói…
lung tung chơi. Ai cũng nói tụi nó thành Mỹ con rồi. Hai đứa nó thèm ăn
hamburger, sáng sớm mấy bà dì phải xách xe chạy ra phố mua hamburger và sữa
tươi cho chúng.
– Tại em bày đặt, muốn mọi người đối xứ với chúng như đối
xử với người Mỹ, chứ chúng nó không có hamburger cũng không chết đói. Có bữa bà
Ngoại cho tụi nó ăn bánh cuốn, mỗi đứa xơi hết một dĩa đó.
– Theo tôi cứ tập cho các cháu nói tiếng Việt, ăn đồ Việt,
càng hay chứ sao. Chồng tôi góp ý.
Chồng Bông tuôn ra những ấm ức mà anh tin rằng có người nghe
và đồng tình:
– Biết thêm một ngôn ngữ là phong phú thêm cho đời
sống, huống chi đó là ngôn ngữ của quê hương, dân tộc mình. Không thấy người
Hoa đó sao? hồi ở Việt Nam, tôi thấy có những trường dạy tiếng Hoa cho người
Hoa. Họ làm ăn, sinh sống trên đất Việt, thậm chí lấy vợ, lấy chồng Việt Nam,
nhưng vẫn không để con cháu quên ngôn ngữ dân tộc của họ, nguồn gốc của họ.
Tôi tán thành:
– Điều này rất đúng, hồi tôi qua Canada chơi, dạo phố
Tàu ở Toronto, thấy những thanh niên người Hoa đứng rao hàng ơi ới bằng tiếng
Việt Nam, nhưng khi gặp khách hàng người Canada, họ đổi sang nói tiếng Anh lưu
loát. Vậy mà lát sau lại thấy họ nói chuyện với đồng hương bằng tiếng Hoa ngon
lành. Họ biết ba ngôn ngữ, thật là tiện dụng và hữu ích.
Chồng tôi tiếp lời:
– Chưa biết chừng gặp khách hàng dân Quebec, họ lại
nói tiếng Pháp nữa đấy.
– Trong các nhà hàng, chợ búa người Việt Nam, ngoài tiếng
Việt, các cô thu ngân, bồi bàn nếu cần lại nói tiếng Anh với khách hàng đó
thôi. Biết hai, ba ngôn ngữ càng dễ giao thiệp, dễ xin việc làm. Chồng Bông bổ
sung thêm.
Chồng tôi dung hoà:
– Thật ra, chúng ta đang sống ở Mỹ, nói tiếng Mỹ, sống
theo phong tục Mỹ là điều rất đúng. Nhưng bên cạnh đó, chúng ta cũng nên duy
trì những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc mình, ngôn ngữ là cây cầu nối
tuyệt vời nhất. Chúng không thể yêu quê hương nếu không nói và hiểu được tiếng
Việt. Thử tưởng tượng anh David Nguyễn hay cô Tammie Trần nào đó, dù họ sinh ra
và lớn lên ở Mỹ, thành công ở Mỹ, nói tiếng Mỹ như người bản xứ. Nhưng nhìn họ,
người ta biết ngay là người Mỹ gốc Châu Á, gốc Việt Nam, thì không thể nào họ
phủ nhận được nguồn gốc của mình.
Tôi nói với Bông:
– Tao mong cho Cu Tí, Cu Tèo của tao giỏi tiếng Việt
càng tốt, chúng nó mới chính là người dạy tiếng Anh cho vợ chồng tao. Sau này
trong cuộc sống, sẽ có nhiều dịp cần nó thông dịch, giảng nghĩa cho mình đấy.
Bông ậm ừ:
– Mày nói cũng có lí, để từ từ tao tính.
Khi hai vợ chồng Bông chuẩn bị ra về, Bông quen miệng gọi
hai con:
– Andy, Jimmy. Come here! Go home!
Bông chợt ngại ngùng sửa lại:
– Andy, Jimmy! Lại đây con! Con chào hai bác đi!
Hai đứa nhìn mẹ,
ngẩn tò te. Chắc chúng ngạc nhiên vì lần đầu tiên nghe mẹ nói tiếng Việt với
chúng trước mặt người khác? Thằng Cu Tí thấy chúng ngẩn ngơ, chịu không nổi,
lanh chanh xen vào:
– Say good bye to my mom, my dad.
Andy, Jimmy hiểu ra, chúng chào chúng tôi:
– Good bye!
Gia đình người Mỹ gốc Việt Lê thị Bông, tức Barbara Le ra khỏi
nhà tôi. Tôi hi vọng rằng một ngày nào đó hai thằng “Mỹ con” kia sẽ không còn
nghệt mặt ra với đồng hương của mình nữa. Chúng sẽ nói và hiểu được tiếng Việt
Nam.
Nguyễn thị Thanh Dương