Trong Stories to tell, Charles Williams viết: “Những hình
chụp gia đình có thể xem như tài liệu văn hóa vì chúng ghi lại những sự kiện
thành hình cuộc sống của gia đình.” Có nghĩa là một loại tiểu sử không
có chữ nhưng có minh chứng về đời sống lúc tấm ảnh được ghi nhận. Nhưng, có lẽ,
nhận xét này chỉ đúng trong một số nền văn hóa; ở một số khác, có khi ngược lại,
vì ở quê tôi, khi chụp hình gia đình, thường được dàn dựng ở những nơi có hậu
trường đẹp đẽ, giàu sang, nhưng không thuộc về mình, chỉ mượn chụp cho oai. Tôi
vẫn còn tấm hình đứng bên cạnh chiếc xe thể thao “xì gà” màu xám bạc như
phi thuyền của ông khách lạ. Nhiều bạn mới quen lé mắt vì tưởng tôi là chủ nhân
chiếc xe đua. Người ta nói, một tấm hình có thể thay thế được cả ngàn chữ.
Không biết những tấm hình ngày nay, nói thật hay nói nói dối?
Ý Nghĩa Của Hình Chụp
Trước thời đại hình chụp loạn xạ, hình chụp hổn mang, do máy
chụp điện tử, nhất là máy chụp từ điện thoại cầm tay, trước đó, hình chụp được
cân nhắc cẩn thận hơn và mỗi tấm hình thường có ý nghĩa riêng của nó.
Ý nghĩa của mỗi tấm hình cũ, thường bắt đầu bằng các câu hỏi:
Ai đây? Ai với ai? Họ là ai? Hình này chụp ở đâu? Vào thời nào? Thông thường,
hình chụp gia đình là hình tĩnh, nghĩa là người trong hình được dàn dựng đâu vô
đó, nhưng cũng có những hình gia đình sinh hoạt, nhất là lúc đám cưới, đám
tang, lễ hội gặp nhau. Nhìn từ gần đến xa, từ trước mặt ra sau cảnh trí sau
lưng, người xem có thể thấy được nhiều điều thú vị. Như tôi xem tấm hình của cậu
Tám, ông này rất nhát gan, nhưng trong hình, ông đã bắn chết một con cọp. Đứng
hùng dũng, một chân đạp lên thân cọp, một tay ôm súng hai nòng, vác lên vai.
Ngoảnh mặt nhìn nghiêng như tài tử. Hình chụp vào khoảng năm 1940, dưới thời
Pháp thuộc. Nhưng rồi nhìn kỹ, xa xa, hơi mờ một chút, có hai người thợ săn
khác đang uống nước. Sự nghi ngờ của tôi có phần nào được giải thích.
The New Yorker ngày 14 tháng 7 vừa qua cống hiến bài viết của
Michael Johnston: The Secrete Art Of The Family Photo. (Nghệ thuật bí ẩn của
hình chụp gia đình.)
Chụp hình gia đình chủ yếu là chụp cho thấy rõ người, nhất
là chân dung. Nhưng chụp chân dung là một đấu tranh giữa thật và đẹp. Chụp làm
kỷ niệm, ai cũng muốn đẹp. Chụp làm tài liệu, cần trung thực. (Đó là lý do tại
sao hình căn cước, hình thẻ lái xe, xấu hơn các hình chụp bình thường, nhưng có
lẽ gần gũi với sự thật.) Vì khi xem hình chúng ta vẫn thường nghe phê phán
lén: “Không phải đẹp vậy đâu. Photo shop đó.” “Khôn
quá, biết đứng nghiêng cho ốm bớt.” Vậy, chụp chân dung cũng là một
thách đố giữa đẹp và thật nhưng không cần giả qua photo shop. Cái món giả vờ
này dễ biết và sẽ bị ngấm ngầm chê bai. Giữa đẹp và thật là một hình ảnh tùy
người xem, nhưng có khả năng tạo ra tranh cãi về nghệ thuật chụp hình.
Tại một tiệm nhiếp ảnh:
Khách hàng: - Xin lỗi anh, tôi sẽ không lấy và không
trả tiền tấm ảnh này.
Người chụp ảnh: - “ Ông định giỡn chơi. Tôi không rảnh
để làm việc không công.”
- Nhìn đi. Mắt lé như thế này mà vẫn chụp.
- Lạ thật, tại ông lé, máy hình đâu có lé.
- Máy không lé, nhưng anh thấy tôi lé.
- Rồi sao?
- Chụp hình giỏi thì phải sửa người ta để chụp sao cho khỏi
thấy lé. Vậy mà dám quảng cáo nghệ thuật chụp ảnh hàng đầu.
- Tôi đâu biết ông thích lé hay không? Nếu chụp xong, ông
nói, sao ảnh trong hình không lé, thì tôi biết nói gì đây? Này, tôi cho ông biết,
nghệ thuật trước hết là đẹp trung thực, sau mới đến đẹp giả dối.
Cuộc tranh cãi này nghe như chuyện khôi hài, nhưng vẫn thường
xảy ra tại các tiệm chụp hình, hoặc xảy ra cho những ai chụp hình cho người
khác, nhất là chụp hình cho phụ nữ. Cuộc tranh luận cụ thể này đang ẩn dụ chỗ tử
huyệt của lý thuyết thẫm mỹ hôm nay: Cuộc xung đột giữa thẩm mỹ thiên tạo và
nhân tạo. Khi liên quan đến giá trị thẩm mỹ là đụng độ nhiều thách thức.
Trong thực tế, theo qui tắc nhiếp ảnh: Đối tượng (cái đẹp và
ý nghĩa của chất đẹp bên ngoài) phải được nhận thức bởi tính đẹp và trình độ
đánh giá cái đẹp bên trong người chụp ảnh. Khi hai phẩm chất này kết hợp, sẽ có
cơ hội tạo dựng một tấm ảnh nghệ thuật giá trị. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại,
cái giả đẹp cũng có khả năng , thậm chí là phẩm chất, đẹp như cái đẹp thật. Đưa
đến việc đánh giá thẩm mỹ bị lung lay, có khả năng chuyển hướng sang một cách
đo lường khác. Việc này sẽ lộ liễu dần trong tương lai, có lẽ vào giữa thế kỷ
21 trở đi. Giờ đây, quan niệm truyền thống vẫn là tiêu chuẩn của đa số.
“Thực hiện chụp ảnh gia đình rất rộng lớn và đa dạng,
không có cách gì tiếp cận bất kỳ khía cạnh nào của nó. Tôi làm việc trong lãnh
vực nhiếp ảnh trong nhiều khả năng khác nhau trong khoảng 40 năm, tiếp xúc hàng
ngàn nhiếp ảnh gia, ở mọi trình độ kỹ thuật, nhưng tôi vẫn ngạc nhiên về cách mọi
người tìm ra những lối sáng tạo để làm một thứ gì độc đáo và riêng tư. Việc tạo
“hồ sơ tài liệu ảnh” toàn diện cuộc sống của một gia đình vốn là một thử thách,
đó là dựa án dữ liệu đa diện, đầy tham vọng và kéo dài, tuy nhiên, luôn luôn có
những lộ trình mới để đáp ứng những thử thách đó.” (Michael Johnston.)
Trước hết, hình chụp cả gia đình cho chính họ quan sát, chứng
minh và hiểu rõ sự liên hệ giữa những thành phần trong gia đình với nhau. Tiếp
theo, sự liên hệ này thay đổi, biến hóa, giảm bớt, gia tăng, … với cảm xúc
trong ánh mắt, khuôn mặt, tạo ra một hồ sơ tài liệu của gia đình. Một lại tài sản
chỉ kiếm được một lần, một lúc, một thời và không bao giờ có lại.
Chụp loạn xạ như vậy, tấm hình không đủ thời giờ chứa đựng
tâm trí. Với hình thức hình điện tử, có thể giữ hàng ngàn tấm hình trong một mảnh
chip mỏng nhỏ như lóng tay, hoặc cất trên “mây tôi,” tức là iCloud, vô số, trả
thêm tiền, gần như chứa vô hạn.
Một trong lý do chụp hình nhiều, thứ gì cũng chụp, vì người
chụp chỉ nghĩ đến chụp hình sao cho đẹp. Người đẹp, cảnh đẹp, hoa đẹp, nắng đẹp,
ánh sáng đẹp là đủ. Giờ đây tìm một tấm hình có ý nghĩa, có câu chuyện, tạo ra
tấm hình toàn bộ đẹp, giống như tìm chiếc lá xanh vào cuối mùa thu. Tìm một tấm
hình chân dung, tấm hình phong cảnh, có khả năng tạo ra cảm xúc cho người xem,
khó như tìm bàn chân sáu ngón.
“Các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp có kinh nghiệm luôn tìm cách
kể một câu chuyện bằng cách ngụ ý điều gì đó có thể xảy ra trước một bức ảnh
và điều gì đó có thể xảy ra sau đó. Đây thường là cách chúng ta xem ảnh, ít nhất
trong tiềm thức, chúng ta phát minh ra trước và sau cho chính mình.” (Michael
Johnston.)
Một tấm hình không có ý nghĩa chỉ có đẹp tương tựa như mỹ
nhân não bong bóng (airhead). Ý nghĩa sẽ làm một tấm hình đẹp tăng thêm chất đẹp
và chất sống, có khả năng thu hút người xem, và khả năng đi theo người xem về
nhà. Vì vậy, khi đưa máy ảnh lên nhắm vào người trong gia đình, vợ chồng con
cái, nhắm vào bằng hữu. tiệc tùng, ca hát, vui chơi, dù chỉ chụp để kỷ niệm,
hãy khoan bấm lia lịa; hãy hoãn lại một khoảnh khắc để tìm cái ý nghĩa hoặc câu
chuyện của tấm hình. Dĩ nhiên, người chụp cẩn thận, họ đã suy nghĩ trước. Một tấm
hình đẹp nói lên người chụp có con mắt thẩm mỹ. Một tấm hình có ý nghĩa nói lên
người chụp có chiều sâu tâm hồn. Bạn chụp, hãy nâng ống kính, cùng một lúc, thể
hiện chiều sâu tâm tư qua tầm nhìn thẫm mỹ.
Nhà nhiếp ảnh tài hoa Ansel Adams nói: “ Bạn không tạo
ra một bức ảnh với máy chụp ảnh. (Mà tạo ra bằng cách) Bạn gom lại những hành động
(kinh nghiệm) chụp ảnh của tất cả các ảnh mà bạn đã xem, cùng với những cuốn
sách đã đọc, âm nhạc đã nghe, những người bạn yêu mến.” (You don’t
make a photograph just with a camera. You bring to the act of photography all
the pictures you have seen, the books you have read, the music you have heard,
the people you have loved.)
Ngoài ra, một nhiếp ảnh gia thực thụ, chụp những tấm ảnh để
hiểu cuộc sống có ý nghĩa gì đối với chúng ta. Đó là quan niệm của Ralph
Hattersley. Chụp ảnh gia đình, mỗi tấm ảnh, hãy tự hởi, nó giúp gì cho mình hiểu
về gia đình mình, những người thân yêu này?
Chụp hình phải là một cách cảm nhận, xúc động, yêu thương.
Những gì chúng ta nhìn thấy trên ảnh sẽ được ghi lại mãi mãi ... nó ghi nhớ những
điều nhỏ nhặt, rất lâu sau khi chúng ta đã quên đi mọi thứ. Khái niệm của Aaron
Siskind cho chúng ta một hiểu biết sâu sắc về chụp hình gia đình. Chẳng phải
chúng ta muốn ghi nhớ những người thân yêu, những giây phút bên nhau, những lúc
còn hơi thở, và sau đó?
Theo định luật tự nhiên, người chết sẽ dần dần đi vào quên
lãng. Thời gian sẽ xóa mờ chân dung và bối cảnh của họ. Cho dù là cha mẹ, vợ chồng,
hay con cái, có thể thời gian thương nhớ lâu dài hơn, nhưng cũng không thoát khỏi
định luật này. Vì vậy, giỗ mỗi năm là để nhớ người thân yêu đã ra đi. Cũng là dịp
để những ai liên hệ đến người đã khuất sẽ có dịp gặp nhau, vì tình cảm đối với
người chết, họ dùng cơ hội này để xóa bỏ những mâu thuẫn, những chuyện bất
bình.
Người ta thường nói, chết là hết. Thực tế, không hết. Hình ảnh
cũ khơi lại những tình cảm, những xúc động quá khứ sẽ vẫn tồn tại trong ít nhất
là hai đời con và cháu.
Nhưng lâu dài hơn, chính là lối sống, ý tưởng, những thành
quả của người chết, sẽ là di sản thấm nhuần hoặc chia ra cho con cháu nhiều thế
hệ sau.
Thời học sinh trung học đệ nhị cấp, có lẽ, là thời tha thiết
nhất, vì tuổi vừa lớn gần kề tuổi trưởng thành. Bồng bột, ngây thơ, đam mê và
nhiệt huyết. Tôi có bốn người bạn thân. Năm đứa tôi ăn chung, ngủ chung, vui
chơi chung, đi học chung, … gắn bó với nhau hàng ngày suốt năm, sáu năm học đường
và những mùa hè lêu lõng rong chơi. Chưa bao giờ chụp được một tấm hình chung,
vì không có tiền để chụp hình, chỉ đủ tiền thuốc lá, thiếu tiền cà phê. Thuở ấy
thần tượng của chúng tôi không phải là ban nhạc Beatle như đa số bạn cùng tuổi.
Năm đứa tôi yêu thích ban nhạc The Monkees với bản nhạc Last Train To
Clarsville vào những năm giữa thập niên 60. Dĩ nhiên, chúng tôi cũng là những
con khỉ phá làng, phá trường, phá xóm. Sau đó, cuộc đời và chiến tranh
chia chúng tôi mỗi người mỗi ngã. Được tin một đứa chết ngoài trận tuyến. Một đứa
ở tù ra rồi tự tử. Một đứa chết khi vượt biên. Một đứa qua đến California rồi
chết vì bệnh gan, uống quá nhiều rượu.
Đôi khi nhớ về bạn đã chết hết, chỉ nhớ lờ mờ những khuôn mặt
trẻ trung, bẹo ra sữa. Mấy hình ảnh này không già theo thời gian. Rồi bất chợt,
một hôm tình cờ tìm được tấm hình năm đứa, năm tâm hồn, một thời hoa bướm. Tôi
sao chép cất làm kỷ niệm. Thỉnh thoảng mở ra xem, cười một mình. Bạn cũ, lúc
nào tụi mình cũng vui, phải không?
Ngu Yên