Tôi đến phi trường với tấm lòng trĩu nặng lo buồn mặc dù đã
biết trước những điều này sẽ đến. Ba tôi bị ung thư gan, khi phát hiện ra thì
căn bệnh phát triển theo chiều hướng xấu rất mau lẹ, mỗi ngày gia đình nhận
thêm vài thông tin buồn từ các bác sĩ, không còn hi vọng gì.
Tôi dự tính cuối tuần này sẽ mua vé máy bay về thăm ba nhưng dường như không kịp nữa, tôi nhận được điện thoại của má báo phải về gấp rút ngay hôm nay để gặp mặt ba lần cuối. Ba đang chờ đợi tôi, đứa con gái lớn nhất của ba và gần gũi với ba trong những tháng năm dài thơ ấu. Ngồi vào máy bay tôi chỉ biết cầu mong cho chuyến bay vượt không gian mấy tiếng đồng hồ sẽ trôi qua thật mau để đưa tôi về bên ba.
*
Ngày xưa, khi tôi còn là một con bé, tôi thân thiết với cha
lắm, vì tôi là đứa con duy nhất. Má sanh tôi ra vài năm sau thì ốm yếu, đau bệnh
gì đó không thể mang thai sinh đẻ được nữa. Má buồn rầu lắm vì e ngại không có
con trai cho ba nối dõi tông đường. Ba nhiều lần nói cho má vui lòng:
– Con nhỏ này là con cầu tự của tôi mà, mình đừng lo chi cho
mệt, sau này con nó đẻ ra sẽ là cháu đích tôn của mình, cháu nội, cháu ngoại
cũng là ruột gìa máu mủ của mình chứ ai.
Nghiễm nhiên ba coi tôi như một thằng con trai, đi đâu ba
cũng dắt tôi theo, như mỗi sáng ra tiệm cà phê của chú Lù ở đầu hẻm, ba ngồi
nhâm nhi tách cà phê đen ngòm và hút thuốc, còn tôi ung dung điểm tâm với chiếc
bánh bao nhân thịt nóng hổi. Khi ra về ba lại mua thêm chiếc bánh bao nóng hổi
khác cho má ở nhà.
Ba làm thợ xây cho mấy ông cai thầu lương ba cọc ba đồng mà
thỉnh thoảng vẫn phải đi xa khỏi thành phố vì nhu cầu của công việc, còn má ở
nhà quán xuyến một cửa hàng tạp hóa đông khách, háng bán đủ thứ lại còn thêm
vài món má tự làm như muối dưa chua, cà pháo, chưng nước màu dừa, làm mắm, nên
cửa hàng tạp hóa kiêm luôn vài món thức ăn bình dân cho các gia đình trong xóm.
Má tôi chết vì bệnh ung thư cổ tử cung, năm ấy tôi mới 8 tuổi.
Thế là hai cha con tôi sống thui thủi trong căn nhà đã vắng
đi hình bóng người đàn bà, dù chỉ là một người đàn bà đau yếu thường xuyên
nhưng cũng có hơi ấm một mái gia đình, có khói bếp, có tiếng nói cười.
Buồn chán vì mất đi người vợ hiền đảm đang và vì thương tôi
bé bỏng không ai chăm sóc, ba tôi đã từ chối những lần phải đi xây cất xa nhà,
nên lợi tức càng ngày càng kém. Ba như chiếc kiềng ba chân bỗng bị gãy đi một
chân, chông chênh muốn đổ. Ba sinh ra cờ bạc và nhậu nhẹt, số tiền dành dụm ít ỏi
của gia đình dần dần biến mất. Hai cha con tôi là một trong những nhà nghèo mạt
rệp trong khu xóm. Ba thường khoác vào người chiếc áo sơ mi ca rô, chiếc quần
jean cũ mèm để tếch ra ngoài đường, đến một đám nhậu hay một sòng bài con nào
đó. Trong xóm này có mấy sòng tôi đều thuộc hết, mỗi lần tìm ba tôi cứ đi vòng
vòng là sẽ thấy ba. Khi vừa thấy tôi thò mặt vào, các tay bài bạn ba ai cũng biết
mặt biết tên tôi, đã kêu lên trêu chọc:
– Ê, kiếm ba về cho má… nhỏ hả?
Tức thì tôi không hài lòng đáp:
– Dạ, đâu có má nhỏ nào, con kêu ba về đi ngủ mai còn đi
làm. Khuya quá rồi.
Một người khác:
– Ba Giang mày là
ba Giang… Hồ, khỏi cần kiếm con ơi, khi nào chán thì ba sẽ về.
Thật ra ba tôi
tên là Giang, nhưng trong đám bạn bè bài bạc ăn nhậu của ba đã gọi ba là “Giang
Hồ”, vì cả ngày lẫn đêm ba đều lang bang ở ngoài đường hơn là ở nhà. Riết rồi lối
xóm cũng cứ thế mà gọi tên ba. Dù ham mê bài bạc nhưng ba cũng lịch sự với con,
ba hay nháy mắt âu yếm năn nỉ tôi:
– Con gái, chờ ba
chơi hết ván này nghe?
Tôi sà xuống chiếu
bạc, ngồi cạnh ba nhìn vào từng lá bài của ba dù tôi không hiểu gì, nhưng trong
bụng cứ thầm cầu mong những lá bài này sẽ làm cho ba thắng nhiều tiền. Khi hai
cha con ra khỏi sòng bài, đêm đã khuya, con đường hẻm về nhà có một hàng bán
khô nướng về đêm, là một bàn thấp kê dưới một cột điện sáng choang, chị bán
hàng thỉnh thoảng quạt bếp cho than hồng lên mỗi khi cần nướng khô cho khách và
mùi khô nướng thơm ngát mũi, ai đi qua mà không thèm thuồng chỉ muốn dừng chân.
Ba biết tôi
thích ăn mấy món khô nướng, nên dù khuya cỡ nào, dù tiền trong túi còn hay hết
ba cũng dắt tôi tấp vào hàng. Hai cha con ngồi xuống chiếc ghế thấp quanh bàn, ba
kêu cho ba một ly rượu đế Gò Đen nhỏ và một miếng mực nướng, còn tôi, lúc nào
cũng tham lam và hoa mắt trước những món khô đủ loại bày trên bàn, vì món nào
tôi cũng muốn ăn, cả trái trứng vịt lộn nóng hổi, rắc muối tiêu ăn với rau răm.
Tôi muốn ăn… tất cả.
Hôm nào biết ba
ăn bài, tôi làm sang ăn trứng vịt lộn và thêm miếng khô mực nướng thơm phức chấm
tương đen tương đỏ cho thật nhiều ớt cay, vừa ăn vừa hít hà sung sướng. Hôm nào
thấy ba thua bài sạch túi, tôi không nỡ ăn sang sợ tốn tiền ba, chỉ kêu một miếng
khô cá đuối rẻ tiền mà …to, cái búa của chị hàng khô gĩa lên miếng cá đuối nướng
tưng tưng lên vì thịt cá đuối khô và dai, nhưng giã xong thịt nó tơi bông ra
nhai trong miệng rất đậm đà, cũng chấm tương đen tương đỏ, cũng thơm phức ngon
lành.
Khi ấy ba sẽ kêu
chủ hàng ghi sổ, bữa khác trả. Ăn xong, cha có chút mùi rượu, con có vị tương
cay trên đôi môi còn thèm thuồng, ba dắt tay tôi, trong ánh đèn điện soi sáng một
khỏang đường, bóng hai cha con liêu xiêu về trong đêm vắng. Những ngày cuối tuần
ba cũng không ở nhà, ba đi cả ban ngày luôn. Xóm tôi ở đi ra đầu đường là băng
qua một con đường nhựa, bên kia đường là một nghĩa trang lớn, sau nghĩa trang
đó là một khu làng xóm khác, nhà quê hơn bên xóm tôi, dù chẳng cách nhau bao
xa. Người ta vẫn gọi bên ấy là xóm Mô.
Xóm Mô nằm sát
phía sau của phi trường Tân Sơn Nhất, chỉ cách nhau mấy lượt hàng rào kẽm gai
và những buị cây cỏ rậm rạp hoang sơ. Dân xóm Mô làm nghề vườn, trồng rau và
chăn nuôi. Còn bên xóm tôi là khu bình dân lao động, cả hai xóm có điểm giống
nhau là nhiều nhà nghèo. Ba tôi hay qua đó để chơi thảy “bun”, vì xóm Mô có nhiều
con đường làng rộng rãi bằng đất có nhiều cát rất thích hợp cho trò
chơi này. Những trái “bun” đều bằng sắt, nặng nề, trước hết họ thảy một cục
“bun” nhỏ như trái banh tennis ra thật xa về phía trước để làm chuẩn, sau đó mỗi
người lần lượt thay phiên nhau thảy từng trái “bun” lớn hơn, bằng cỡ trái cam,
đến càng gần trái “bun” chuẩn càng có điểm. Ai thảy trái “bun” lớn xa hơn thì
thua điểm. Họ có thể thảy “bun” tống khứ trái “bun” của người khác để giành vị
trí gần tiêu điểm hơn, nên cuộc chơi càng lúc càng gay cấn, ác liệt. Ba rất mê
thích trò chơi này. Và tôi không bao giờ bỏ lỡ dịp theo ba sang xóm Mô, từ
ngoài nghĩa địa tôi đi vào xóm bằng con đường đất, là tới một khu đất trống, dọc
theo là mấy lũy tre xanh, có con trâu cột bên bụi tre đang thảnh thơi nhai rơm
hay trâu đang nằm nghỉ ngơi hóng mát.
Tôi thích nghịch
ngợm, lượm mấy lá tre khô thảy cho trâu xem nó có… ngu không, có ăn lá tre khô
thay rơm khô không?, hay tôi chơi với lũ trẻ xóm Mô, chơi chạy đuổi bắt, chơi
lò cò, chơi tạt lon.v..v.. chán chê tôi chạy lại chỗ chơi “bun” của ba, tôi đứng
chen lấn với đám đông để xem cuộc thảy “bun” bất phân thắng bại khi hai người
thảy hai cục “bun” gần cục “bun” nhỏ, khỏang cách tương đương nhau, mắt nhìn
khó đoán được. Tôi đã từng tà lanh chạy đi nhặt mấy cọng rơm khô vất vưởng trên
đường, cạnh mấy con trâu, đưa cho ba để đo cho chính xác. Nếu ba thua, tôi đợi
cho ba chơi thêm ván sau và đứng tại chỗ theo dõi, hồi hộp cầu mong cho ba thắng.
Ngày nào từ xóm Mô về chân tay, quần áo tôi cũng dính đầy cát bụi, tôi thường
lười không tắm, buổi tối chỉ phủi phủi hai chân vào nhau, coi như sạch sẽ, vô
tư lên giường ngủ.
Ba tôi càng ngày
càng ăn chơi đủ thứ, làm ra đồng nào “xào” luôn đồng đó, mỗi khi bên xóm Mô
không có đám chơi “bun” thì ba nhảy qua đám đá gà. Ba chơi thứ gì tôi rành về
thứ đó ngay. Hai cha con như thày và trò trên con đường đời, trên con đường ăn
chơi chưa hề rời nhau. Nhưng cũng có hôm ba không có nơi chốn nào để đi, ba nằm
chèo queo ở nhà, là lúc cha con tâm tình:
– Con ơi, ráng học
cho chăm cho giỏi, có chữ nghĩa lớn lên không khổ như ba.
Tôi học dốt lại
lười, với lại chiều tối về nhà không có ba tôi cô độc, tủi thân, chỉ học bài
qua loa lấy lệ là gấp tập vở lại chạy đi tìm ba, những chốn ấy vui hơn. Đi học
với tôi là một cực hình, tôi thường lấy cớ đau bụng, nhức đầu để nghỉ học. Ba
buồn tôi về chuyện này lắm, nhưng thương con, chiều con qúa ba đành chịu thua
và làm ngơ. Tôi học dốt bị ở lại lớp, tôi mắc cở đòi nghỉ học luôn nhưng ba
không cho nên tôi đi học cho có lệ, thường đứng chót bảng trong lớp.
Tôi nũng nịu lắc
đầu:
– Khỏi cần, con
nghèo như ba cũng được, miễn là ba đâu con theo đó nè… con thích theo ba vô bàn
nhậu, ăn ké mồi của ba, theo ba vô sòng bài hốt tiền giùm khi ba thắng, rồi hai
cha con mình đi ăn tiệm vui thấy mồ luôn.
– Những hôm ba
thua hay không tiền thì buồn lắm con à…Con từng ăn mì gói, hay khoai lang trừ
cơm mà không ớn sao?
Tôi bắt chước một
câu nói đã thuộc lòng từ mấy ông bợm nhậu của ba đã từng nói:
– “Kệ bà
nó, cuộc đời lên voi xuống chó” mà ba.
Trong đầu óc non
nớt ngây thơ của tôi, tôi thấy thế là đủ hạnh phúc rồi. Ở xóm, đứa trẻ nào mà
cãi nhau hay đánh nhau với tôi là coi như…tới số, vì ba luôn bênh vực tôi bất kể
phải trái. Ba tới nhà đối phương của tôi hung hăng làm dữ, nhất là khi uống rượu
vào thì ba càng nóng máu hơn. Thằng Minh lé đánh tôi sưng u một cục trên trán,
má nó đã biết điều dẫn nó sang tận nhà tôi hết lời xin lỗi cha con tôi, dù thực
ra tôi cũng chẳng vừa, cũng túm áo đánh lại thằng Minh và chửi xa xả cả cha mẹ
ông bà nhà nó bằng những lời độc địa. Khi má thằng Minh dắt con ra về khỏi cửa
nhà tôi, tôi đắc thắng vênh mặt đi theo ra tới cửa và nghe thấy má nó cằn nhằn
con:
– Lần sau mày chừa
đụng tới con nhà Giang Hồ này, nghe chưa? Con chả như vàng như ngọc, đụng tới
nó là không yên đâu.
Tôi đã khoái chí
vì thấy người ta “kính sợ” ba tôi như vậy đó, tôi được ba thương yêu, che chở
vì như má thằng Minh đã nói tôi là vàng ngọc của ba tôi.
Xóm tôi có cô thợ
may, chưa bao giờ lấy chồng, chẳng hiểu sao cô thương tôi qúa chừng, thỉnh thoảng
cô Hoa vẫy tôi lại cho gói bánh hay bịch chè, chắc là cô mua sẵn chỉ đợi tôi đi
qua là cho. Nhưng một hôm cô không đưa tôi món đồ ăn như thường lệ, mà một gói
to hơn, cô dặn dò:
– Con mang bộ quần
áo này về cho ba Giang nghe..
Chỉ có cô Hoa là
trân trọng gọi ba tôi là Giang, không là “Giang Hồ” như những người khác. Tôi
ngạc nhiên:
– Ủa, ba con đặt
may quần áo tiệm cô hả?
Cô Hoa bối rối:
– Con cứ mang về
là ba hiểu mà…
Tôi thắc mắc:
– Nhưng sao chỉ
có quần áo cho ba còn của con không có?
Cô Hoa hứa hẹn:
– Bảo đảm mấy
ngày nữa con cũng sẽ có một bộ đồ đẹp. Chịu chưa?
Tôi vui thích ôm
gói quần áo chạy như bay về nhà khoe ba. Nét mặt ba vui vui, tôi nghĩ là ba đã
ưng ý bộ đồ này.
Rồi tôi cũng có bộ
quần áo như cô Hoa đã hứa, cô Hoa hay sang nhà tôi chơi, ba cũng hay sang nhà
cô Hoa. Từ ngày đó ba ít đi hoang hơn, chăm chỉ đi làm và ở nhà.
Một buổi chập tối
ba dẫn tôi sang nhà cô Hoa, dường như hai người đã hẹn nhau trước, cô Hoa đóng
cửa tiệm may sớm, đón cha con tôi vào nhà. Cô Hoa trịnh trọng rót nước trà và lấy
bánh ngọt ra:
– Mời anh Giang
ăn bánh, uống trà.
Quay sang tôi, cô
Hoa trìu mến:
– Con ăn bánh ngọt
đi, có nước ngọt cho con nè…
Ba tôi vào đề
ngay:
– Cô Hoa à, tôi
muốn bàn với cô một chuyện quan trọng, nếu cô thương yêu tôi thì thương yêu
luôn con gái tôi được không? Có như vậy tôi mới vui vẻ mà kết duyên cùng cô,
còn không thì thà tôi ở giá.
Cô Hoa cảm động
và mau mắn đáp:
– Anh Giang, em
thương anh và thương con anh như con em mà. Tội nghiệp con nhỏ mồ côi mẹ từ nhỏ,
ai nỡ lòng nào ghét bỏ.
Thế là sau đó ba
và cô Hoa chính thức về ở với nhau sau một đám cưới nhỏ mời họ hàng và những
người hàng xóm. Năm ấy tôi 12 tuổi. Có cô Hoa như có phép nhiệm màu, ba đã dần
dần bỏ nhậu nhẹt bài bạc và đi làm thợ xây cất rất đều đặn, kể cả phải đi xa
nhà năm bảy bữa hay một tháng. Ba yên chí vì ở nhà đã có cô Hoa lo cho tôi. Quả
tình cô Hoa rất thương yêu tôi, dù có mặt ba ở nhà hay dù ba đi làm xa, thì lúc
nào cô Hoa cũng đối xử như nhau. Cô gọi tôi là “con” và xưng “má”, dần dần tôi
cũng gọi cô Hoa là “má” một cách tự nhiên từ đáy lòng.
Hai đứa em trai
cùng cha khác mẹ của tôi lần lượt ra đời.
Biến cố 1975, gia
đình tôi may mắn xuống tàu trong dòng người di tản và được định cư ở Mỹ. Ba má
tôi xin đi làm hãng xưởng ngay để nuôi ba chị em chúng tôi, tôi tuy là con lớn
nhất nhà nhưng tuổi đời 16, học tiếp thì không có khả năng, đi làm thì chưa đủ
tuổi. Ba má cho tôi đi học tiếng Anh còn hơn ngồi không ở nhà. Hai đứa em cùng
cha khác mẹ của tôi đã lớn lên ở Mỹ và ăn học nên người, cả hai đều tốt nghiệp
đại học làm kỹ sư và vợ con yên ổn. Tôi cũng lập gia đình.
Ba đứa con như ba
cánh chim đã tung cánh rời tổ ấm của cha mẹ, lập tổ ấm của riêng mình. Chúng
tôi mỗi người ở một nơi nhưng sự liên hệ với ba má, với chị em vẫn gắn bó với
nhau.
*
Tôi tất tả đi vào
bệnh viện, hai em trai tôi cũng đã về, cả nhà thay phiên nhau luôn ở bên ba. Ba
đã dặn dò nhắn nhủ vợ con xong, chỉ còn mình tôi. Tôi nhào tới ôm lấy tấm thân
gầy guộc của ba nghẹn ngào:
– Ba ơi, con đây!
Ba hé mắt cố nhìn
thấy mặt của tôi và yếu ớt đáp lại:
– Giờ phút này…
có đông đủ vợ con… ba mãn nguyện lắm rồi, riêng với con, ba chỉ muốn nói lời cuối
cùng là ba xin lỗi con thời thơ ấu cực khổ… con có giận hờn gì ba không?
– Sao ba lại nói
thế? Con luôn hạnh phúc sung sướng khi được ở bên ba mà.
– Nhưng con thiệt
thòi… Thời đó ba hư quá, chỉ biết ăn chơi mà không lo được gì cho con… chuyện học
hành không đến nơi đến chốn… Tha lỗi cho ba…
Tôi khóc nức nở
lên:
– Không bao giờ
ba có lỗi với con hết. Quãng đời thơ ấu ấy con thương nhớ mãi cho tới bây giờ.
Đôi môi khô héo của
Ba cố mỉm cười, ba không còn sức để nói thêm gì nữa. Ba tôi thiêm thiếp đi vào
hôn mê. Buổi tối ba tôi đã vĩnh viễn ra đi trước sự chứng kiến của những người
thân vây quanh. Má Hoa là người đầu tiên vuốt mắt cho ba, người đàn ông, người
chồng mà má đã hết lòng yêu thương.
Khi đến phiên tôi
vuốt mắt cho ba, nhìn khuôn mặt ba thanh thản, tôi tin là ba đã vui lòng, vì ba
biết chắc rằng vợ con đã yêu thương ba, kể cả tôi, đứa con gái gần gũi với ba
qua đoạn đường ấu thơ nghèo khó nhất.
Ba Giang, ba
Giang Hồ của tôi vẫn là cái tên đẹp mà tôi yêu quý mãi.
Nguyễn Thị Thanh Dương