08 September 2022

BÍ QUYẾT HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH - Nguyễn Ái Nhân

Sau một lần cãi nhau, cả hai vợ chồng chúng tôi cùng nhượng bộ bằng cách lờ đi và coi như không có chuyện gì xảy ra. Hôm đó, nhân lúc vui vẻ cả hai cùng giảng hòa và đưa con đi chơi phố. Mọi chuyện có vẻ bình thường. Người đi đường nghĩ chúng tôi là một gia đình hạnh phúc. Đến gần ngã tư Phố Huế và Tràng Tiền chúng tôi đi ngang qua một tiệm pizza. Ở Hà Nội không có nhiều các tiệm Pizza, nói đúng hơn tôi chưa nhìn thấy tiệm nào khác ngoài tiệm chỗ này. Vợ tôi đứng lại, suy nghĩ và đề nghị: “Hôm nay không nấu cơm nữa, đi ăn pizza để thay đổi một chút đi.” 

“Có chắc ăn được không đã. Không phải ai cũng ăn được pizza đâu. Nhiều người không quen, không thấy ngon,” đẩy xe chở con đi trước vài bước chân, tôi dại dột chân thành phản ứng và hỏi lại. 

Tôi chỉ nói vậy thôi, mà vợ tôi nổi xung và lên giọng gay gắt: “Vâng, chỉ có anh là biết ăn pizza, thấy ngon … Chỉ anh là biết văn hóa ‘Âu Châu’ còn tôi không biết… Làm gì mà coi thường người khác thế !” 

Tôi vừa bực, vừa thấy buồn cười và cố gắng giải thích nhưng… vô tác dụng. 

Những lúc như thế này không thể giải thích và dùng logic với phụ nữ được. 

Vợ tôi giận dữ, mặt hầm hầm và quay đầu bỏ về nhà. Còn tôi cũng nổi cáu và tiếp tục kéo con đi chơi. Nhưng chưa đi được bao xa, chưa kịp hết tức giận tôi lại nghe tiếng vợ tôi gọi giận dữ phía sau. Nàng không có chìa khóa về nhà và gọi bằng giọng trống không: “Chìa khóa… nhà. Đưa chìa khóa nhà đây.” 

Không một lời, tôi cầm chùm chìa khóa quăng cho vợ và bực tức đi tiếp.

Chúng tôi lại cãi nhau. Lần này lại có vẻ nghiêm trọng hơn những lần  trước, gia đình chúng tôi lại trên bờ vực thẳm của sự tan vỡ. Có lẽ không gì có thể ngăn lại được. Giọt nước cuối cùng làm tràn li là chiếc pizza. Nói đúng hơn, giọt nước đó bắt đầu từ chuyện vợ tôi muốn đi ăn pizza. 

Khi con người đã ghét nhau thì mọi chuyện đều dễ dàng trở nên xấu và khó chịu.

*

Trong gia đình nào mà không có mâu thuẫn. Nếu ai bảo gia đình họ không có mâu thuẫn và hòa thuận tuyệt đối thì chắc hẳn họ nói dối hay họ không biết mà thôi. Tôi không tin là có gia đình nào đó, ở một nơi nào trên quả đất này lại không có mâu thuẫn. Sự khác nhau giữa các gia đình chỉ ở cách giải quyết những mâu thuẫn đó mà thôi. Chúng ta cũng đừng ảo tưởng về các gia đình truyền thống kiểu Việt Nam ngày xưa là hoàn hảo. Để trả giá cho sự hoàn hảo thấy bên ngoài, để trả giá cho sự vẹn toàn êm ấm của gia đình là thân phận thê thiếp, ăn sau, ăn dưới bếp v.v. của người đàn bà. Một chị người quen đã nói mãi, nói rất nhiều lần mỗi khi nhìn thấy sự băn khoăn của tôi: “Phụ nữ Việt Nam sinh ra để hầu hạ chồng con mà, biết làm sao được...”

Trong gia đình tôi cũng vậy, không có gì khác. Cách đây vài năm, chúng tôi lấy nhau sau một chuyện tình đẹp mà rất nhiều người ghen tị. Ngày đó, nếu chúng tôi không lấy nhau chắc chắn cả hai vợ chồng chúng tôi khi về già sẽ kể cho con cháu nghe về một câu chuyện tình đẹp chưa kết thúc và không bao giờ kết thúc. Luật đời là vậy, cái gì chưa kết thúc đều đẹp vì con người còn có mong muốn và ao ước… để nó kết thúc đẹp. Nói đúng hơn, khi đó ai nghĩ thế nào cũng được. 

“Ôi, chuyện cảm động quá, họ rồi sẽ lấy nhau và sống hạnh phúc với đàn con cho đến cuối đời như trong bao chuyện cổ tích…,” người mơ mộng sẽ kêu lên như vậy.  

Còn kẻ bi quan sẽ lắc đầu: “May mà không kết thúc. Ít nhất còn có kỷ niệm đẹp mà sống. Lấy nhau rồi sớm muộn cũng cãi nhau, chán nhau và bỏ nhau thôi. Hoặc  ít ra cũng sẽ phải chịu đựng nhau, hay ho gì!”

Sự kết thúc không hoàn hảo là nỗi sợ hãi và nỗi ám ảnh nhiều người. Nói cách khác, rất nhiều người sợ, ngại lập gia đình chỉ vì sợ gia đình sẽ tan vỡ và họ sẽ bất hạnh. Đặc biệt, nỗi sợ hãi đó rất dễ thấy trong thời nay. Anh Trần, sống ở Mỹ, đã ngoài 40 tuổi và không xa nữa sẽ cập kè “đầu năm” nhưng vẫn dứt khoát và chưa dám lấy vợ. Anh có đủ tất cả những gì một người chồng cần có: nhà, xe, công việc, tiền  v.v. Anh là người tốt và có rất nhiều tính truyền thống kiểu “Việt Nam.” Anh Trần thanh minh đủ điều khi giải thích cho việc chưa chịu lấy vợ. Nào là anh còn ham chơi, ham sống chưa muốn chịu trách nhiệm, chưa thấy được chuẩn bị, chưa gặp người hợp  v.v. và v.v. Nhưng bản chất thật của sự việc rất đơn giản, anh sợ. Anh sợ, lấy vợ không bao lâu rồi sẽ lại li dị. Anh sợ, vì anh nhìn tất cả bạn bè xung quanh, ai lấy vợ, có con rồi đều “khổ nhiều, vui ít” và phần lớn không hạnh phúc. 

Đó là một sự thật mà các bà, các cô cũng nên suy nghĩ trong những lúc rảnh rỗi, không nấu ăn, đi chợ hay đi mua sắm. Một ai đó đã nói, nguyên nhân của mọi cuộc li dị chính là tờ giấy đăng ký kết hôn. Có lý!  Các bạn có thể tưởng tượng: chuyện gì sẽ xảy ra nếu tất cả các tờ giấy đăng ký kết hôn ngày mai bỗng biến mất. Chỉ khi đó, những cặp vợ chồng, những gia đình nào dù họ đã cãi nhau, không cãi nhau mà vẫn muốn tiếp tục chung sống, vẫn cảm thấy cần có nhau mới là những gia đình, tình yêu thật sự. Nhưng, nhưng… tôi sợ rằng sẽ rất nhiều người vui và lắm kẻ buồn. Rất nhiều các gia đình tan vỡ. 

*

Sau một thời gian sống ấm áp và hạnh phúc  những ngày đầu sau khi cưới, giữa chúng tôi bắt đầu xuất hiện những khác biệt lớn nhỏ, những mâu thuẫn và rạn nứt. Những khác biệt này đã có từ trước nhưng cả hai đều nghĩ rằng: “Chuyện nhỏ, sẽ vượt qua được thôi mà! Chỉ cần thương yêu nhau thật sự.” Nhưng không, cả hai chúng tôi đều nhầm. Khó lắm, khó vô cùng! Chỉ những người trong cuộc mới hiểu và hiểu nổi. Không phải vô cớ, người đời nói: “Kinh nghiệm không thể dạy được.” 

Chuyện phức tạp và mâu thuẫn đầu tiên bắt nguồn từ sự ngu dốt và một thói quen xấu của tôi: Tính hơi thật thà. Chỉ mới hơi thật thà, nhiều khi nghĩ sao, nói vậy mà đã gây bao nhiêu phiền toái và rắc rối lắm rồi. Tôi rất thông cảm, những kẻ ngu khác bị tật nguyền và cứ nói thật hoài thì khốn khổ làm sao?

Tôi tốt nghiệp đại học một ngành kỹ thuật. Nhưng trong nhiều năm sau đó tôi không làm trong ngành chuyên môn nên kiến thức của tôi rơi vãi, mất mát  nhiều. Sau vì chuyện cơm áo, tôi phải quay lại làm đúng ngành học. Tất nhiên, tôi không thể giỏi hơn và tự cảm thấy mình kém nhiều đồng nghiệp trong công ty. Tôi tâm sự điều này với bố mẹ trong những bữa cơm ở nhà. Tôi ngây thơ nghĩ rằng, với bố mẹ mình thì có thể tâm sự thật lòng.  Sai lầm, một điều ngu xuẩn vô cùng! Bố mẹ tôi nhanh chóng hiểu theo cách riêng và nhanh chóng đánh giá: “Thằng con mình dốt hơn người khác.”

Với họ, bố mẹ tôi, điều phát hiện mới này là sự thất vọng nhưng cũng là sự đắc thắng vô tình. Sau đó, họ nhắn nhủ với vợ tôi (tất nhiên khi tôi không có mặt) là chồng cô, con trai chúng tôi, chẳng tài cán gì đâu. Cô nên tự lo liệu đi và vì thế cũng đừng tự hào quá, nên ngoan ngoãn, biết điều. Các bậc cha mẹ Việt Nam thường có niềm hãnh diện, tự hào về con cái nên khi nói vậy hẳn phải có chuyện gì. Thế nên, vợ tôi cũng nhanh chóng hiểu ra tình hình và cũng bắt đầu nhanh chóng tập suy nghĩ khác về chồng, là tôi, theo nhận thức mới: “Bố mẹ anh ấy còn chẳng coi anh ra cái gì, làm sao tôi có thể coi trọng anh được. Đừng có nghĩ mình là ai ghê gớm lắm…” Vợ tôi đã tiết lộ và phản ứng như thế trong một lần chúng tôi cãi nhau. Thế đấy, cũng nhờ cãi nhau nên tôi thỉnh thoảng biết được rất nhiều điều bất ngờ về bản thân. Cãi nhau, gây căng thẳng trong gia đình là một điều cũng nên làm, nên có. Theo ý tôi, chỉ như thế bạn mới biết được nhiều sự thật về bản thân mình, dù đôi khi rất cay đắng.

Chuyện khó khăn thứ hai trong gia đình tôi không có gì lạ, nó xảy ra trong hầu hết các gia đình: Mâu thuẫn mẹ chồng- con dâu hay ngược lại. Vấn đề chỉ đơn giản là cần làm rõ: Ai giỏi hơn ai? Nhà không thể có hai người cùng giỏi như nhau! Đây là chuyện vô cùng khó khăn và không bao giờ giải quyết . 

“Từ trước đến nay, mẹ chưa hề biết nó - ‘con dâu’- là ai. Thậm chí, chưa bao giờ cho nó một cái kẹo, tự nhiên bắt nó về nhà và bắt nó gọi mình là mẹ, bắt cư xử như con. Làm sao không khó,” mẹ vợ tôi lúc cao hứng đã nói rất đúng từ kinh nghiệm của bản thân bà về quan hệ con dâu – mẹ chồng.

Nói được vậy, nhưng bà cũng không giải quyết được mâu thuẫn với những con dâu của bà. Nói đã khó, làm thì còn khó hơn, hay như theo anh Tuấn, bạn tôi thì không thể giải quyết được mâu thuẫn Mẹ chồng – con dâu. Anh Tuấn lấy vợ, có một cô con gái nhỏ và cũng đã li dị vợ.

Quan hệ giữa vợ tôi và mẹ tôi cũng vậy. Không ai chịu nghĩ mình kém hơn và người kia đúng. Ai cũng đòi là nhất, là đúng và điều khó khăn nhất là họ đòi tôi phải lên tiếng, không thể đứng trung lập được. Thật ra, hai người ghét nhau  dù bề ngoài luôn vẫn kiềm chế và đối xử lịch sự. Nhiều khi tôi chỉ muốn bỏ đi khỏi thế giới này, thế giới của họ để muốn tìm sự yên thân. Con gái chúng tôi sau này nên lấy người nước ngoài để đỡ phải dính vào chuyện  mâu thuẫn muôn đời: Mẹ chồng-con dâu. Tuy nhiên, vợ tôi sẽ phản đối và không bao giờ đồng ý để con gái chúng tôi lấy người dân tộc Á Châu khác, lấy người Ả Rập, Phi Châu. Tóm lại, con gái chúng tôi chỉ có thể lấy người da trắng vì họ văn minh hơn và lịch thiệp hơn người Việt Nam. Chuyện người không phải là da trắng mâu thuẫn, ghét nhau thì nhiều lắm, nếu tôi kể hết ra thì chẳng biết đến khi nào, nên tôi sẽ không kể ra để tránh đau đầu cho quý vị. Mà quý vị chắc hẳn đã biết, đã nghe hay đã từng trải qua rồi. Tôi không tin trong gia đình quý vị không có chuyện đó, trừ khi con quý vị lấy người ngoại quốc… da trắng.

*

Nguyên nhân của tất cả những chuyện đó ở đâu? Xét ra, xã hội loài người bắt đầu phức tạp, rối ren từ khi con người bắt đầu biết tham lam (biết nghĩ) và biết nói. Những vấn đề đó các nhà khoa học giải thích rất nhiều, đến nay họ vẫn tin vậy và làm rất nhiều người khác tin theo. Một trong những thành kiến rất nhiều người tin và vẫn tin đến ngày nay là:  “Ngôn ngữ sinh ra vì nhu cầu trao đổi của loài người khi chuyển sang giai đoạn cuộc sống mới, cao hơn. Ngôn ngữ sinh ra như phương tiện trao đổi trong công việc.” Tóm lại, họ tuyên bố là ngôn ngữ sinh ra vì khi làm việc con người cần trao đổi. Nhưng theo một nhà thông thái huyền thoại của người Séc, ông Cimarman (giống như Trạng Quỳnh, Trạng Lợn v.v. của Việt Nam) thì ngôn ngữ sinh ra chỉ để đáp ứng nhu cầu nói “phét” của con người. Ông Cimarman giải thích, con người cần ngôn ngữ để nói “phét”, đặc biệt  trong những đêm dài thời cổ xưa khi loài người chưa có vô tuyến để xem! Xét trên quan điểm này, ngôn ngữ sinh ra như một phương tiện giải trí, sau đó nó bị lạm dụng và gây ra nhiều phản tác dụng với mọi hình thức ghê gớm nhất của nó giống như những thứ đồ giải trí khác.

Tôi có quen biết  gia đình bà Marquenez, người Mỹ gốc Việt ở California. Gia đình bà rất hạnh phúc. Họ đã sống ở Mỹ trên 20 năm. Gia đình khá bền vững. Bà là người Việt Nam, chồng bà là người Mexico nên sau khi lấy chồng bà đổi họ theo chồng. Bà cũng nghĩ như thế là hợp lý vì “nhập gia tùy tục.” Bà nói tiếng Anh không giỏi, chồng bà nói tiếng Anh không giỏi. Nhưng chồng bà buộc phải học ít nhiều tiếng Việt để hiểu bà. Con của hai ông bà sinh ra và lớn lên ở Mỹ nên nói tiếng Anh tự nhiên như người Mỹ. Chúng còn phải tự học tiếng Việt để nói chuyện với mẹ và học cả tiếng Tây Ban Nha để nói chuyện với bố. Nhưng chúng nói chuyện với bố bằng tiếng Anh nhiều hơn tiếng Tây Ban Nha vì bố chúng biết tiếng Anh nhiều hơn. Còn với mẹ, chúng phải học nói tiếng Việt. Nhờ bà Marquenez  Nhu không giỏi tiếng Anh nên các con bà lại giỏi tiếng Việt.

Chồng bà Marquenez Nhu rất tin tưởng ở bà, luôn đưa hết tiền lương cho bà quản lý. Ngược lại, bà cũng rất thương chồng, bao giờ cũng lo mọi chuyện, quan tâm đến chồng. Hàng ngày bà dậy từ 4 giờ sáng, chuẩn bị đồ ăn sáng, cà phê cho chồng bà đi làm sớm rồi mới ngủ tiếp. Sau đó bà nằm nhà hay đi shopping và kêu ca mọi chuyện trên trời dưới nước.

Chồng bà may mắn hơn anh Đức, bạn tôi, rất nhiều. Cách đây bảy năm,  hôm đó, chúng tôi có công chuyện phải đi xa rất sớm. Trên suốt chặng đường đi anh Đức cứ thắc mắc, băn khoăn lo lắng không hiểu chuyện gì xảy ra với vợ anh. Anh lo làm tôi lo theo.

 “Không hiểu có chuyện gì mà hôm nay tự nhiên vợ tôi lại dậy sớm pha li cà phê cho tôi. Bọn tôi lấy nhau hàng chục năm, chưa bao giờ có chuyện đó, thậm chí bà suốt ngày than phiền về chuyện cà phê, cà pháo, bạn bè bia rượu vô bổ và mất thời gian của tôi,” anh giải thích sự băn khoăn của mình khi thấy tôi lo lắng quan tâm chuyện gì đã xảy ra.

Tôi vô cùng ngạc nhiên và thấy buồn cười. Anh Đức không lo cho công chuyện quan trọng chúng tôi sẽ phải làm mà lại đi lo nghĩ những chuyện vớ vẩn như thế ! Kể vậy để các bà vợ cũng nên rút kinh nghiệm, đừng làm điều gì bất thường.

Vợ chồng bà Marquenez cũng  cãi nhau. Đầu tiên họ lời qua tiếng lại một chút bằng tiếng Anh. Rồi sau đó bà Marquenez nổi cáu, nhiều khi không hiểu chồng nói “xấu” gì mình và tuôn ra hàng tràng tiếng Việt thậm tệ lẫn với vài từ tiếng Anh. Ông chồng bà không hiểu gì và lại cố gắng  giải thích, thanh minh bằng tiếng Anh. Bà vợ vẫn không hiểu và vẫn bực tức. Họ giận nhau một thời gian sau đó, nhưng không kéo dài lâu vì thực ra không ai hiểu người kia nói gì. Gia đình bà vẫn bình thường dù bao nhiêu gia đình, người quen bạn bè của bà đỗ vỡ hay trong tình trạng “chiến tranh lạnh” hoặc “bằng mặt, không bằng lòng.” Bà luôn so sánh chồng bà hiện nay với ông chồng Việt Nam cũ của bà. Bà nói, ông chồng hiện nay không giỏi, không giàu bằng chồng cũ nhưng bà thấy hạnh phúc hơn rất nhiều, yên tâm hơn rất nhiều với ông. 

*

Bà Marquenez kể cho chúng tôi rất nhiều chuyện vui. Ngay hôm ngày cưới, rất nhiều ông, bà, bạn bè người Việt ở Mỹ cứ thắc mắc: Bà lấy chống ngoại quốc, tiếng Anh không giỏi thì chuyện “ấy trên giường” rồi làm sao? Bà cười phá lên: “Trời ơi, chuyện ấy cần gì phải biết tiếng. Cứ tắt đèn đi là tự khắc tìm được.” Tôi quả thật đã chứng kiến những lần bà nói chuyện với chồng, ví như: “I told you rồi mà. Don’t đi trái, It’s not ở đó…” Ông Marquenez tâm sự với tôi: “Thực ra, trong nhiều chuyện, tình cảm quan trọng hơn ngôn ngữ. Chúng tôi hiểu nhau, nhưng may mắn nhất là khi quá tức giận vì hạn chế ngôn ngữ nên chúng tôi cũng không bao giờ xúc phạm nhau quá mức được. Chính điều đó giúp cho gia đình tôi còn tồn tại đến ngày nay.”

Nhiều bạn bè tôi khi cãi nhau, vì cùng ngôn ngữ nên họ xúc phạm nhau. Sau mỗi lần như vậy, vô tình hay cố ý người chồng và vợ đã làm tổn thương người kia rất nhiều. Những vết thương lòng rất khó xóa, nhiều người mang theo những tổn thương do bị xúc phạm như vậy suốt đời, và không quên được. Ông Marquenez đã nghĩ, đã thấy và cảm nhận được điều quan trọng đó.   

Nhưng ông cũng không vui dù ông rất quý người Việt  Nam. Ông kể với chúng tôi: Ông làm bốc vác ở một công ty có nhiều người Việt Nam khác cùng làm. Họ rất ghen tị và ghét ông chỉ vì ông khỏe hơn họ và làm được nhiều hơn họ. Chưa hết, những người hàng xóm nhà ông đối xử với ông khác và không thân mật khi biết ông là người Mexico. Thậm chí, trong một lần nói chuyện, một người hàng xóm còn nói với ông là họ nghĩ người Việt Nam tất nhiên phải hơn Lào, Cam bốt, Thái Lan và Mexico. Chẳng qua do điều kiện nước chưa cho phép nên tạm còn khổ và vất vả như bây giờ mà thôi. Ở Mỹ, người Việt Nam không đánh giá cao người Mexico, có chút gì giống thái độ đối với người Di Gan ở châu Âu.

Chúng tôi không được may mắn như ông bà Marquenez. Đúng như ông Marquenez tâm sự, chúng tôi trong lúc tức giận, vì cùng ngôn ngữ, và cả hai đều biết sử dụng nó thành thạo, nên đã xúc phạm đến nhau ghê gớm. Chuyện đó không chỉ xảy ra một lần, đã xảy ra nhiều lần. Vợ tôi không bao giờ quên những điều đó và tôi cũng không. Vợ tôi  luôn muốn tôi phải “cao thượng” không thèm chấp để cô nói, xúc phạm tôi thoải mái. Tôi đã cố gắng rất nhiều, nhưng quả thật,  điều gì cũng phải có giới hạn. Khi vượt qua giới hạn nhất định thì mọi sự cố gắng nằm ngoài sự kiểm soát của con người. Tôi là một kẻ bình thường. Sau đó tôi hiểu một điều, để tránh xung đột, nên hạn chế nói chuyện. Nhưng đấy không phải là lựa chọn tốt, mà là đi vào ngõ cụt khác.

Bí quyết để hạnh phúc tiếp theo là chúng ta không nên biết nhiều. Hay tốt hơn, chúng phải biết tin vào những chuyện mù quáng. “Chuyện kể, ngày xưa có ông bà già sống với nhau mấy chục năm nhưng luôn cãi nhau và tưởng như gia đình đã tan vỡ nhiều lần. Ông già rất buồn. Một hôm ông nghe tin và tìm đến một ông thầy nổi tiếng trong vùng và được ông này cho chai nước thánh. Cứ mỗi khi cãi nhau, nổi cáu ông phải hớp một ngụm nước thánh và không được nhổ ra. Làm được thế, sẽ bảo đảm gia đình  hạnh phúc. Ông làm vậy và đúng là chai nước thánh giúp cho ông và bà hòa thuận hơn rất nhiều.”

Thật không may, tôi đã lớn, hiểu và không tin vào nước thánh. Hơn thế, được người ta dạy ở trường  về hiệu ứng tâm lý của câu chuyện trên nên càng không tin. Nhiều lần tôi đã ngậm nước chè hay gì đó để làm theo gương ông già trong chuyện nọ, nhưng vì tâm không tin nên khi vợ nói gì quá mức tôi lại nuốt ngay ngụm nước và… hết tác dụng. Một lần, tôi đã phải cam kết với vợ cả những điều ngu xuẩn như: “Không bao giờ nói xấu người Việt Nam v.v?” Nhưng ngay sau đó, vợ tôi lại là người bắt đầu nói những câu như: “Đúng là người Việt Nam thế này, thế khác v.v.” Tôi lại không kiềm chế được, lên tiếng đồng ý theo và thế là chúng tôi lại cãi nhau.

Chuyện định vào quán ăn pizza là giọt nước cuối cùng làm tràn đầy li. 

Sau đó chúng tôi hạn chế tuyệt đối không nói chuyện. Tôi cũng cảm thấy mệt mỏi, cố gắng tránh khỏi phải nhìn thấy vợ trong trạng thái giận dữ. 

Chúng tôi rơi vào tình trạng khó xử và gia đình căng thẳng.

*

Mệt mỏi và bế tắc, tôi tìm gặp anh Thắng, người tôi quen từ khi đi học đại học. Hiện nay anh đã là Tiến sĩ và đang giảng dạy ở một trường đại học. Chúng tôi gặp nhau ngoài quán bia, gần sân vận động nơi anh hay chơi bóng mỗi buổi trưa. 

“Kệ nó, đợi một thời gian nữa xem sao. Chẳng qua chỉ là tại mày ngu nhiều quá. Toàn làm chuyện ngu xuẩn không hợp với văn hóa truyền thống Việt Nam gì cả,” anh nói vậy sau khi nghe xong chuyện của chúng tôi.  

Anh Thắng giải thích thêm vì biết tôi không hài lòng với những điều anh vừa nói: “Ở đây có vài chuyện em nên nhớ và ngẫm nghĩ nếu có thời gian,” anh ngừng lại giơ hai ngón tay gọi thêm hai cốc bia và tiếp tục: “Thứ nhất tâm lý các bậc cha mẹ Việt Nam là vốn thích khoe con. Dù nghe người khác khen con thì rất thích nhưng vẫn phải tỏ vẻ khiêm tốn nói những câu như  ‘các bác, các cô cứ quá khen cháu. Cháu làm gì được giỏi như vậy…’ Chuyện tiếp theo, không nên mệt đầu suy nghĩ chuyện mẹ chồng-con dâu làm gì. Không bao giờ giải quyết được. Thứ ba: Không nên biết nhiều quá, phải có lòng tin vào gì đó nhất là những chuyện mù quáng, không cần logic càng tốt. Thứ tư, phải luôn nghĩ rằng mình là con Rồng, cháu Tiên, người Việt Nam là gần nhất thiên hạ, chỉ tạm kém dân Tàu và dân da trắng một chút mà thôi. Và điều cuối cùng, nếu sau này không may bỏ vợ hay bị vợ bỏ và có yêu lại, lấy vợ lại thì chỉ chọn phụ nữ ngoại quốc vì ngôn ngữ sẽ không đủ giỏi để xúc phạm lẫn nhau. Tốt nhất, không nói cùng thứ tiếng càng hay, sẽ bảo đảm hạnh phúc gia đình nhiều hơn.” 

Trước bộ mặt ngơ ngác, ngờ vực của tôi, anh khẳng định thêm bằng ví dụ: “Như nhà ông bà  Marquenez mà em quen biết và đã kể cho anh nghe, họ rất hạnh phúc vì họ không hiểu nhau, không thể cãi nhau và xúc phạm gây tổn thương cho nhau quá mức được.”  

Anh Thắng là Tiến sĩ nhưng cũng không giúp tôi giải quyết được chuyện khó khăn trong gia đình. Anh làm tôi càng rối loạn hơn. Nhưng ít nhất, anh khuyên một điều rất chân thật mà tôi thấy đúng: “Để thời gian giúp, để thời gian trả lời. Đừng đặt bất kỳ điều gì thành vấn đề hay chuyện đã xong rồi. Nếu thời gian không giúp được thì chuẩn bị tìm cách giải quyết hậu quả. Khi không kiểm soát được tình hình thì đành chịu thôi.” 

Không chỉ anh Thắng, anh Trần cũng làm tôi bất ngờ và thêm đau đầu suy nghĩ.  Dù rất sợ lấy vợ và đã gần “đầu năm” nhưng trong một lần về chơi Việt Nam, anh Trần tâm sự với tôi: “Anh nghĩ kỹ rồi, anh sẽ đặt vấn đề nghiêm túc với cô bạn Nhật Bản lâu năm của anh về chuyện gia đình.” 

“Tại sao lại cô bạn Nhật, anh tính ‘Việt Nam’ vậy và có bao nhiêu cô Việt Nam rất hay mà!” tôi ngạc nhiên. 

“Cũng không hiểu tại sao, chỉ thấy các cô Việt Nam có gì đó không… hợp. Cũng có thể câu chuyện của ông bà Marquenez gây ảnh hưởng đến tiềm thức của anh… Không biết nữa! “ anh  Trần buồn rầu thanh minh. 

“Không nói cùng ngôn ngữ có lẽ tốt hơn…” anh mung lung và tỏ vẻ hoài nghi chính bản thân.

 Trong trường hợp của anh là sự thất bại của các cô gái, phụ nữ Việt Nam. Tôi hiểu những điều anh băn khoăn vì biết anh đã từng yêu nhiều các cô gái Việt Nam và cũng đã được nhiều cô gái Việt Nam yêu.

Những điều anh Thắng nói, ám ảnh mãi trong đầu tôi. Dù sao anh cũng là Tiến sĩ, ắt phải thông hiểu nhiều điều, tôi hy vọng vậy. Bạn đọc cũng nên suy nghĩ, có lẽ anh ấy đúng. Nếu muốn hạnh phúc chúng ta cần phải hy sinh nhiều thứ. Nghe lời anh, tôi đợi thời gian giúp. Gia đình chúng tôi trên bờ vực thẳm của sự tan vỡ, nhưng chưa tan vỡ.

Nguyễn Ái Nhân