Tôi sinh ra trong cuộc chiến tranh tương tàn trên quê hương
đất Việt và lớn lên trong buổi giao thời khi cuộc chiến vừa tan. Dù sao đi nữa,
tôi cũng thầm tạ ơn trên đã cho tôi một tuổi thơ vui đẹp bên sự thương yêu của
cha mẹ, anh chị em, bà con làng xóm và bè bạn. Tôi vẫn nhớ nhiều những kỷ niệm,
những trò chơi thuở còn thơ, những người bạn nhỏ ở cùng xóm,… Nhưng có một chuyện
tôi không bao giờ quên, dù nó xảy ra lúc tôi còn oe oe nằm nôi ôm tí mẹ. Câu
chuyện của tôi vừa dễ thương, vừa dễ ghét mỗi khi lòng bâng khuâng nhớ lại “cái
tôi” của thuở ấy…
Nhà tôi ở khu xóm Đạo, gần nhà thờ lắm. Bố tôi mở một tiệm bán tạp hóa ở đầu ngõ. Bác Quang là khách hàng quen thuộc nhất trong xóm, nhà bác gần ngay sau nhà tôi. Tôi rất ít ra cửa hàng vì sợ quấy rầy sự buôn bán, nhưng vô phúc cho tôi, nếu ló mặt ra nhằm lúc bác Quang đến mua hàng là tôi sẽ bị bác chỉ vào mặt và la lớn lên:
– A, con bé bú nhờ, đi về với bác nào!
Bố tôi thì cười cười không nói gì, nhưng đau khổ nhất là mẹ
tôi lại nói:
– Đấy, đúng rồi! Con gái bác, cho bác đấy, bác đem về
nuôi đi!
Tôi xấu hổ, sợ hãi bỏ chạy vào trong. Sau này khi tôi lớn
lên, mẹ tôi kể rằng: “Lúc sinh tôi chưa đầy tháng, mẹ tôi bị cảm cúm nặng lắm
phải đưa vào nhà thương cấp cứu. Tôi không chịu bú sữa chai nên vú Sáu phải ẵm
tôi vào nhà bác Quang xin cho bú nhờ vì bác cũng mới sinh ‘thằng cu Bắc’ lớn
hơn tôi hai tháng”.
Nghe mẹ tôi kể, tôi rất biết ơn bác Quang gái, bác rất đẹp,
người tròn trịa trắng trẻo lại hiền lành, tốt bụng. Gặp bác tôi hay cúi đầu chào
và thường lén ngắm nhìn khi bác đi ngang qua cửa sổ nhà tôi. Tôi rất quý mến
bác Quang gái, tôi vẫn thường nghĩ đến lúc bác thương yêu bế bồng tôi cho bú
như con của bác. Nhưng… tôi ghét bác trai ghê lắm vì cảm thấy “nhục nhã” khi
ông cứ trêu chọc bất cứ lúc nào ông gặp tôi. Tôi vẫn cứ ấm ức trong lòng vì rõ
ràng mình là đứa đi “bú chực, bú nhờ” không chối vào đâu được…!
Bắc, con trai bác Quang, học cùng lớp, cùng trường Thánh Tâm
với tôi. Bắc trắng trẻo, hiền lành giống mẹ lại thêm cái nhút nhát như con gái.
Tôi không ghét Bắc, nhưng tôi không thích bố của Bắc. Một hôm, khi ra cửa hàng
chơi quanh quẩn, tôi tình cờ khám phá trong đống giấy báo cũ dùng để gói hàng
có vài cuốn tập vở tên Lê Hoài Bắc. Tôi hí hửng lật ra coi và lấy làm thích chí
vì có cơ hội “trả đũa” bác Quang. Bắc học rất kém môn Văn và Toán. Thế là Bắc
trở thành nạn nhân bị ăn hiếp vì cái tật “giận cá, chém thớt” hay “ghét cha,
trêu con” của tôi.
Từ đầu ngõ nhìn vào là thấy ngôi nhà của bác Quang nằm ngang
sau đuôi nhà tôi. Nhà tôi dài lắm, suốt con ngõ nên Bắc muốn về thì phải đi
ngang qua bên hông nhà tôi. Chiều chiều, ngồi bên cửa sổ, tôi chờ Bắc đi học
hay đi lễ nhà thờ về là tôi lôi mấy bài văn của Bắc ra đọc để trêu chọc.
Tôi rình thấy thấp thoáng bóng của Bắc xuất hiện ở đầu ngõ
là tôi đọc lớn lên: “Nhà em có nuôi một ông nội. Ông già rồi làm biếng không
làm gì cả, suốt ngày ngồi ở góc nhà chơi đánh Tổ Tôm. Đến giờ ăn thì bà gọi ra
ăn, ăn xong rồi lại chơi bài nữa,…”.
Ngày mai, tôi đọc tiếp: “Nhà em có nuôi một con mèo đen thui
thùi lùi. Em sợ nó lắm vì nó cứ nhìn em chòng chọc, hai mắt nó long lanh và miệng
nó kêu gừ gừ…”. Hahaha… Tôi cười hả hê lắm! “Lêu lêu, trò Bắc dốt văn, trò Bắc
dốt toán!” Bắc cứ thế, cúi mặt lầm lũi, lặng lẽ nép vào bên kia tường và bước
nhanh về nhà. Thật ra, Bắc có thể đi sang ngõ chợ để vào nhà, nhưng xa lắm mà
dơ nữa. Tôi cứ trêu chọc Bắc như vậy vài ngày, xong thấy chán quá vì Bắc tỏ vẻ
không giận hờn, tức tối gì cả mà cứ lặng thinh bước, đôi khi còn tủm tỉm cười nữa
chứ! Tôi thấy không có gì hào hứng nên thôi không thèm chọc phá Bắc nữa.
Tôi nghĩ, Bắc đã méc bác Quang về tội tôi trêu chọc nó nên
những năm sau đó không thấy bác Quang mang bán tập vở cũ. Tôi lớn lên, vào
trung học, nhưng bác Quang vẫn không tha cho tôi. Hôm đó, thấy tôi đứng trước cửa
nhà đang cười vui với đám bạn, bác bước đến nói:
– A, con bé bú nhờ, bú chực, về làm con bác nhé!
Tôi xấu hổ, đỏ mặt, giận tức tưởi không nói lên lời, tôi mím
môi nhìn bác mà đau khổ, nước mắt rưng rưng…! Đám bạn gạn hỏi tại sao ông nói vậy?
Tôi đành kể câu chuyện “bí mật đời tôi”… Nghe xong chúng lè lưỡi, nhún vai, kêu
lên “eo ơi iu…!”.
Tôi chẳng hiểu chúng bạn tội nghiệp tôi hay “iu” vì tôi bú
nhờ bầu sữa mẹ của Bắc, cái anh chàng lù đù, chết nhát nhất xóm đó?! Tôi lại thấy
giận tôi sao hồi đó không chịu bú chai để phải đi bú nhờ mà mang nợ tới giờ.
Tôi vẫn ấm ức khóc mỗi lần bị bác Quang trêu chọc và nhắc nhở đến chuyện bú nhờ,
bú chực…!
Khi tôi lên lớp 8 thì nhà Bắc dọn đi, thế là thoát nợ. Tôi
chẳng bao giờ nói chuyện với Bắc hay chơi với nó như những bạn cùng xóm vì mối
“thù ghét” với ông bố của Bắc, tôi lại còn rủ bạn “tẩy chay” và trêu chọc nó đủ
điều nữa chứ! Anh của Bắc lại là bạn thân với anh tôi, tuy dọn đi nhưng vẫn đến
thăm nhau và rủ nhau đi chơi như xưa.
Sau này, anh của Bắc nói nó đi tu, làm tôi bồi hồi nhớ đến
chuyện ngày xưa… Nhớ lại thuở còn thơ với những ý nghĩ vụng dại mà hối hận
trong lòng. Nếu hồi đó mình “khôn” như bây giờ thì còn gì để nói?!! Có dịp tôi
mong gặp lại Bắc… có thể ở một dòng tu hay một nhà thờ nào đó? Mà không biết Bắc
đang lưu lạc nơi đâu trên thế giới này hay còn ở lại quê hương? Gặp lại nhau chắc
sẽ nhìn nhau cười nhớ chuyện lúc còn thơ – một nụ cười hòa – xí xóa cho một lời
xin lỗi!
Năm đó, trên chuyến bay đi Texas thăm mẹ, tôi phải ngồi
chung dãy ghế với hai thằng cu con, ông chồng tôi bị tách lẻ ngồi hàng ghế
trên. Chuyến bay vắng khách nên hành khách được phép dời chỗ nếu thích. Chồng
tôi ngồi một mình nên thấy buồn, để ý hàng ghế trước bên phải có hai mái tóc
đen đang rù rì nói chuyện bằng tiếng Việt, anh mừng rỡ đến bắt chuyện làm quen.
Khi xuống phi trường họ bắt tay nhau từ giã. Vì bận rộn lo cho các con và lấy
hành lý, khi lên xe chúng tôi mới có dịp nói chuyện với nhau. Chồng tôi
nói:
– Anh làm quen với hai linh mục người Việt, hai ông có cái
tên hay quá, một ông tên Hòa Bình, ông kia tên Hoài Bắc.
Tôi nghe nói giật thót người hỏi ngay:
– Có phải ông Hoài Bắc trắng trẻo và nhìn hiền lành lắm
không?
– Ồ, đúng rồi!
Sao em biết? Ông còn nói trước kia nhà ở gần chợ Hòa Hưng sau dọn về Ông Tạ.
Tôi lắc đầu buồn
bã “Đúng là có dịp mà không có duyên”. Cho đến bây giờ, tôi nghĩ Bắc cũng không
hiểu tại sao tôi ăn hiếp Bắc như vậy và chưa bao giờ có dịp để nói cho Bắc
nghe. Tôi nghĩ, trở thành một linh mục, Bắc sẽ chẳng bao giờ nhớ đến chuyện
ngày xưa bị trêu chọc bởi một con bé hàng xóm rắn mắt và “thù dai” như tôi đâu!
Bàng hoàng với
câu chuyện cũ xa xưa, tôi lại mơ màng nhớ đến những cuốn truyện gối đầu giường
khi mới lớn như Thằng Vũ, Thằng Côn, Con Thúy, Em Tôi, Hoa Thiên Lý,…
và nhiều nhiều nữa của nhà văn Duyên Anh. Bây giờ nhìn lại, anh chị em tôi, bạn
bè và những người thân quen; mỗi người đều có một mảnh đời riêng – người tha
phương khách thổ, người ở lại quê xưa, người yên ấm gia đình, người khoác áo viễn
du… Có những mảnh đời tươi vui, thơ mộng, nhưng cũng có những mảnh đời tối tăm,
sầu khổ. Dù thế nào đi nữa, chúng tôi cũng có chung nhau những kỷ niệm khó quên
ở xóm làng, ở quê cha đất tổ.
Những gì có thể
quên, nhưng “Mẹ” vẫn luôn là một nguồn hơi ấm, một nỗi nhớ thương tha thiết nhất
mà tôi chắc rằng không ai có thể quên được; dù chỉ là bà mẹ “nhờ ” để bú sữa của
tôi. Cái tội lỳ và nhõng nhẽo từ thuở nằm nôi của tôi cũng dễ thương đó chứ! Vì
lỳ lợm và hay nhẽo nên tôi không phải bú sữa con bò mà vẫn tì tì bú dòng sữa ngọt
ngào của mẹ. Đó thật là một niềm hạnh phúc trong đời! Không phải ai cũng
“được bú nhờ” đâu!
Nhã Duyên