Bà lìa đời đúng vào ngày ông chính thức nghỉ việc để về hưu,
chắc bà muốn hưởng nhàn một mình một cõi nơi bên kia thế giới, để lại giấc mộng
nghỉ hưu mà ông đã lên kế hoạch từ lâu, nay chỉ còn một mình ông với nỗi buồn
ngơ ngẩn.
Đứa con trai duy nhất của hai ông bà từ tiểu bang khác dẫn vợ con về lo tang lễ của mẹ xong, đã đề nghị ông về ở với chúng, để cha con, ông cháu đoàn tụ, để ông nương tựa lúc tuổi già.
Lời đề nghị rất hợp lý hợp tình, nhưng điều này ông chưa hề
nghĩ tới, cả một đời vất vả làm việc, ông chờ đợi cái ngày được nghỉ hưu này để
rong ruỗi đó đây, hay để nằm nhà hưởng nhàn, đọc sách báo, coi ti vi, và lên
internet là cả một cái thư viện khổng lồ để mở mang kiến thức.
Ông từng mơ hai vợ chồng sẽ đến New York vào mùa đông, sau
những bữa dinner với. rượu vang chếnh choáng, ông bà trở về phòng trọ ấm cúng,
ngoài kia tuyết rơi, gió lạnh, điều ấy không ảnh hưởng gì đến ông cả, vì ông có
phải thức dạy đi làm nữa đâu, ông cứ việc ngủ chán chê, muốn dậy lúc nào thì dậy,
rồi ông sẽ vén màn cửa sổ nhìn xuống đường, trong mùa Đông rét mướt kia có bao
nhiêu kiếp người đang lao vào cuộc sống, đang tính toán từng giờ từng phút để
nghỉ ngơi, để làm việc.
Ông buồn thật, nhớ bà, nhớ những bữa cơm, giấc ngủ, những
lúc bà hiền dịu, và cả những lúc bà đanh đá mắng mỏ ông. Sự mất mát, đau thương
còn mới quá, ông chả biết làm gì cho hết một ngày, thì về với gia đình thằng
con trai vậy..
Nhà có hai vợ chồng với hai đứa con, thêm ông nữa là năm người,
ra vào gặp nhau cũng thấy vui. Nhưng chỉ mấy ngày đầu thôi, dần dần ông biến
thành baby-sitter cho nhà nó, trông hai đứa cháu nội, đưa đón chúng đi học,
chúng muốn ăn cơm, uống sữa cũng gọi ông, chúng vô bathroom cũng gọi ông… Ăn uống
thì con dâu ông quyết định; ông thèm ăn cơm với thịt kho mắm, thì nó bảo món ấy
hôi nhà, mời bố ăn món khác. Con dâu còn gợi ý khi thấy ông tha thẩn một mình :
“Nếu bố rảnh rang, buồn chân buồn tay không biết làm gì, thì bố cứ việc hút bụi
nhà hay ra vườn cắt cỏ, vừa giết thời gian vừa được việc bố ạ !”.
Trời ơi, con trai và con dâu coi như đời ông đang tàn, ở đây
làm việc vặt cho nó rồi chờ chết hay sao ? Thời gian nghỉ hưu của ông là vô
giá, không tiền bạc nào mua nổi, ông cần dùng nó để vui hưởng, đâu có dư thừa
mà phải tìm cách giết nó như con dâu ông đã tuyên bố.
Một tuần sau ông giã từ gia đình thằng con để trở về ngôi
nhà của chính ông. Ông bắt đầu lại cuộc sống độc thân khi tuổi đời đã 66, là một
người khoẻ mạnh và nhiều tình cảm, ông muốn về thăm lại Việt Nam sau 25 năm xa
cách., 25 năm qua hai vợ chồng ông cùng làm việc chăm chỉ, chẳng những đã giúp
cho con trai một món tiền mua nhà khi nó cưới vợ, ông bà cũng có một căn nhà, một
ít vốn, và lương hưu này nọ của ông, cộng với 401k… mỗi tháng gần 2000, tha hồ
cho ông hưởng một cuộc đời phong lưu.
Về Việt Nam, ông ở chơi dưới quê với bà con họ hàng vài tuần
rồi lên thành phố Sài Gòn thuê khách sạn, nơi đây là chốn cũ, những con đường,
những khu phố, đầy ắp kỷ niệm. Ông như thấy mình trở lại thời trai trẻ, quán cà
phê nào ông đã từng hẹn hò, cơn mưa nào còn đọng lại trong hồn ông những vũng
nước, những vết bùn của bước chân vội vàng chiều cuối phố ?
Những ngày xưa đâu ? Những mối tình ngắn dài đâu ? Ông bâng
khuâng bước vào một quán nước mong tìm lại chút hương vị ngày xưa. Nhưng nay đổi
khác quá, các cô gái phục vụ trong quán vây quanh ông, chẳng hiểu sao họ biết
ông là Việt Kiều nên rối rít hỏi thăm đủ chuyện, lòng ông tràn trề niềm vui và
hãnh diện, ông đâu có ngờ ở tuổi này còn được các cô săn đón chiều chuộng như
thế ! Họ gọi ông bằng anh và xưng em ngọt xớt. Có một cô xinh nhất đám tiếp
chuyện ông lâu nhất, đôi mắt cô liếc, đôi môi cô cười, dù ông luôn khẳng định
cô chỉ ở hàng con cháu, mà sao cô vẫn là những ngọn sóng làm ông phải chòng
chành chao nghiêng.
Ngày nào ông cũng đến quán để gặp cô gái xinh đẹp đó, cô thì
thầm tâm sự với ông. Cô tên Bưởi, một cô gái quê con nhà nghèo, phải tha hương
lên Sài Gòn bán quán để kiếm tiền nuôi cha mẹ già, em nhỏ. Cô tha thiết mong được
làm vợ ông, sang Mỹ sinh sống để hầu hạ ông.
Vốn hiền lành, thật thà, tin người như tin mình, ông nghe cảm
động quá, lấy cô, vừa cứu được một kiếp người vừa có một cô vợ trẻ đẹp. Từ ngày
vợ mất đôi khi ông cũng thấy lòng trống vắng, cô đơn, cũng mong muốn có bàn tay
người đàn bà ấp ủ. Thế là ông theo cô Bưởi về quê ra mắt cha mẹ vợ tương lai và
làm đám cưới. Mối tình không biên giới kể cả về tuổi tác và khoảng cách địa lý,
chỉ sau 9 tháng đã thành sự thật, cô Bưởi được sang Mỹ đoàn tụ với chồng.
Được vui duyên mới ông đã chịu nhục nghe thằng con trai gọi
phone sang đay nghiến : “Ông già rồi mà còn mê gái, vợ con gì cái thứ gái bia
ôm đó !”. Và câu kết luận của con trai là từ bố luôn.
Thôi đành, ông thương con thương cháu, nhưng ông cũng phải
thương chính cái thân ông chứ. Từ nay ngôi nhà ông lại ấm cúng vì đũa đã có
đôi, dù là đôi đũa lệch. Ông phải tân trang lại ngoại hình, nhuộm tóc đen, làm
răng giả, mặc quần jean áo thun và cả cách ăn nói cho trẻ trung để thích hợp với
cô Bưởi. Ông chợt khám phá ra một báu vật vô giá ông đánh mất từ lâu mà không
biết, đó là hai chữ “tự do”, vợ ông từ giã cõi đời cũng đồng nghĩa là mang trả
lại cho ông sự tự do mà bà đã nắm trong tay suốt bao nhiêu năm qua.
Ông tung tăng dẫn cô Bưởi đi phố, đi chợ. Đi chợ Mỹ thì
không sao, vì chẳng ai để ý đến vợ chồng ông cả, nhưng vào chợ Việt Nam, sao
người Việt Nam mình tinh đời thế. Ông bắt gặp những cái nhìn tò mò, châm biếm
như muốn nói ông già mà còn ham lấy vợ trẻ. Ông đưa cô đi shopping ở Walmart mà
cô đã hoa mắt lên, khen quần áo tiệm này sang trọng quá, cô Bưởi vui sướng bao
nhiêu lòng ông hạnh phúc bấy nhiêu.
Một năm trôi qua, ông vẫn thấy hạnh phúc còn mới mẻ, nhưng
cô Bưởi thì không; cô đã biết chê đồ Walmart dỏm, chê nhà hàng nọ không ngon,
cô đã biết đánh giá cũng là cái xe hơi 4 bánh nhưng loại nào sang hơn, đẹp hơn.
Ông chìu cô vợ trẻ, sắm cho cô một xe hơi đời mới đắt tiền. Rồi cô đòi đi làm,
ở nhà hoài chán quá, cô cần có tiền để mua sắm thêm và giúp đỡ cha mẹ ở Việt
Nam .
Ông yêu cô, không muốn rời cô chút nào, lương hưu ông dư sức
nuôi cô ở nhà với ông suốt đời. Nếu để cô đi làm hãng xưởng ông sợ có ngày mất vợ
vì mấy thằng Mễ khoẻ mạnh đẹp trai. May quá cô đòi học làm nail, nghề nail có mấy
thợ là đàn ông ! Còn khách hàng thì đa phần là phụ nữ.
Mộng cô đã thành, cô Bưởi đi làm nail, bản tính dạn dĩ xông
xáo, chỉ trong vòng một năm mà cô bay nhảy hết tiệm này sang tiệm khác đến mấy
lần, cô đi làm từ sáng đến tối, để ông ở nhà thui thủi và mong ngóng cô như trẻ
mong mẹ đi xa về, ông chẳng thể nào kiểm soát được giờ giấc của cô, hôm thì cô
nói khách đông, hôm thì cô bận đi shopping với bạn bè… Đó là những lý do cô thường
xuyên về trễ.
Để níu chân cô vợ trẻ, ông muốn có một đứa con cho vui nhà
vui cửa; đàn bà khi có con thì sẽ chín chắn hơn. Cô Bưởi ngày càng ăn diện, quần
áo đồ hiệu lộng lẫy. Còn những quần áo cô sắm ở Walmart trước kia bây giờ thành
giẻ lau hay đem cho Goodwill rồi. Cô bĩu môi chê ông nhà quê không hợp thời, cô
ít sánh đôi với ông, ông chỉ còn mỗi một ưu điểm mang ra khoe là anh yêu em vô
bờ bến, cả đời anh dành cho em đây.
Khi cô Bưởi báo tin đã có thai, ông mừng quýnh quáng hơn cả
ngày xưa vợ ông đã mang thai thằng con trai cưng duy nhất của ông, rồi cô sinh
thằng Cu Tí mà cô nói rằng nó giống ông như đúc.
Từ ngày có baby nhà cửa vui thật, ông bận rộn tưng bừng, hết
pha sữa lại thay tã, bế con, ông đứng ngồi không yên mỗi khi nó gào khóc, còn mẹ
nó lại đi làm nail đến tối mịt mùng mới về nhà như cũ.
Nhưng một ngày cô Bưởi không về nữa, ông đợi cô trắng đêm,
sáng hôm sau ông lục lọi mọi ký ức để đoán xem cô đang làm nail ở tiệm nào. Vì
những chủ tiệm nail đều là người Việt Nam nên ông ngại chẳng ra mặt bao giờ và
vì cô Bưởi không cho phép. May quá, ông đã đến đúng chỗ, một cô thợ nail nói :
“Betty chơi thân với cháu, Betty tâm sự vì cha mẹ ngăn cản nên Betty phải trốn
đi cùng người yêu để xây tổ ấm rồi. Thế hai bác không biết Betty đang yêu Tư
Chuột à ?”.
Ông ngẩn người, chết đứng ra, vợ ông Nguyễn Thị Bưởi đi làm
nail với tên Mỹ là Betty đã đi theo thằng Tư Chuột. Ông đau đớn vì mất vợ mà cô
này tưởng ông đau đớn vì mất con càng làm ông bối rối, ông hỏi một câu vụng về
:
- Tư Chuột là thằng phải gió nào thế ? Cái tên Tư Chuột thấy
mà ghê thì bà nào dám đến làm nail ?
Cô gái cười giải thích : “Tên Mỹ nó là Peter, tên Việt Nam
là Tư, mặt nhọn hoắc như mặt chuột nên tụi cháu gọi thế !”.
Ông về nhà đành làm thân gà trống nuôi con, giận vợ nhưng
con ông có tội tình gì, ông càng thương con hơn... Thằng bé 8 tháng tuổi, mập mạp
khoẻ mạnh, bú vèo một cái hết bình sữa. Chắc nó biết thân phận không có mẹ chăm
sóc nên chẳng nỡ làm khó dễ cha già, nhưng mỗi lần ông thay diaper cho nó thì
nó chẳng biết điều tí nào, hai chân nó vung vẫy lung tung làm ông lọng cọng dán
mãi mới xong miếng băng keo…
Ông lo lắm, nếu cô Bưởi đi luôn không bao giờ trở lại thì
sao ? Ông tưởng tượng một ngày nào ông ngã bệnh, yếu đuối, phải vào Nursing
Home, thằng Cu Tí phải vào một nhà trẻ từ thiện nào đó, hai cha con sẽ là hai
phương trời cách biệt. Ông thương Cu Tí quá, đành phải nhịn nhục mà kêu gọi cô
Bưởi về thôi, ông liền đăng lên báo mục nhắn tin tìm vợ : “Bưởi em, ở đâu về gấp,
anh sẽ bỏ qua mọi chuyện để chúng mình cùng lo cho con”.
Ông hi vọng và chờ đợi cô Bưởi hồi tâm trở về. Có một cú
phone gọi cho ông, nhưng không phải cô Bưởi mà là bạn cô Bưởi, cái người ông đã
gặp ở tiệm nail trước kia, cô hỏi địa chỉ đến nhà thăm ông, lần này cô tỏ ra hiểu
chuyện :
- Cháu xin lỗi bác, lần trước cháu tưởng bác là bố của
Betty, nay có người nói với cháu bác là chồng nó, đọc lời nhắn tin tìm vợ của
bác trên báo thấy tội cho bác quá, nên cháu đến đây để cho bác biết cái thằng
con mà bác đang nuôi đó không phải là con của bác đâu.
Ông lắp bắp :
- Tại sao cô biết nó không phải là con tôi ?
Cô ta khẳng định :
- Betty nói với cháu mà, bác xem, mặt thằng nhỏ giống Tư Chuột
y khuôn, hai mắt lồi đen, cái mặt nhọn hoắc.
Ông mở to mắt nhìn thằng bé, nó đang nằm cười toe toét, đâu
biết mình đang là cục nợ trong ngôi nhà này. Trời ơi ! Đúng quá, cô Bưởi cứ nói
nó giống ông, nhưng mắt ông đâu có lồi, mặt ông đâu có nhọn thế kia. Ông mê mẩn,
mù quáng quá, ngày nào cũng ở bên nó mà không nhận thấy sự khác biệt này. Khi
cô làm nail về, ông gục đầu xuống bàn, tức giận và đớn đau !
Hôm sau tỉnh trí, ông lại bỏ vài chục đồng để đăng lời nhắn
tin khác trên báo : “Hai cháu Bưởi và Tư Chuột (tức Betty và Peter) ở đâu về gấp
để đoàn tụ với con của hai cháu là thằng Cu Tí. Chúc hai cháu trăm năm hạnh
phúc”.
Lần này thì cô Bưởi lên tiếng, ông nhận được lá thư của cô
vài dòng ngắn gọn : “Đúng thằng Cu Tí là con của cháu và anh Tư Chuột, nhưng Tư
Chuột đã bỏ cháu, cháu cần rảnh tay để làm lại cuộc đời đầy hoa mộng phía trước,
bác đã mang cháu qua Mỹ, mong bác hãy làm ơn cho trót, nuôi thằng Cu Tí, để hủ
hỉ cùng bác lúc tuổi già xế bóng. Cám ơn bác !”.
Nguyễn Thị Thanh Dương