Gió vi vu làm nền cho lời ca thánh: ...”Nhờ công ơn lân tuất
của Chúa ta, Đấng đã từ cao cho 'Mặt trời mọc' đến thăm viếng. Và soi sáng cho
những ai còn ngồi trong u tối và trong bóng chết, để dắt chúng ta trên con đường
an lạc. Lạy Chúa xin cho các linh hồn được yên nghỉ muôn đời và được hưởng ánh
sáng nghìn thu. Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin ta thì dù có chết sẽ được
sống lại, và ai sống mà tin ta thì không phải chết đời đời”.
Vị linh mục đọc kinh Lạy Cha... và rảy nước thánh lên chiếc quan tài đóng vội bằng gỗ ván thuyền. Vợ người quá cố khóc thảm thiết, và lúc bấy giờ lời cầu nguyện lại làm nền cho tiếng khóc. ”Lạy Chúa, xin thương người quá cố này là tôi tớ Chúa. Xin đừng theo việc làm mà phán xét họ, họ vốn một lòng một ý với Chúa. Lại nữa, khi còn sống họ đã ở cùng đoàn thể các tín hữu, với một lòng tin tưởng thành thực. Xin vì lòng nhân từ Chúa, cho linh hồn Giu-se họp đoàn thể cùng các Thiên Thần Chúa trên trời. Nhờ Chúa Ki Tô, Chúa chúng con. Amen”. Quả phụ nín khóc. Dường như một lúc nào đó, tạm quên đau khổ nàng lắng nghe lời ca thánh, và bất chợt nhận thấy lời nguyện chung gần gũi với nỗi lo lắng và niềm mơ ước riêng tư. Hoặc niềm đau xót đã đến chót vót, khiến nàng bàng hoàng ngơ ngác, như người đã lên đến ngọn đỉnh trời, lo âu nhìn vực thẳm quanh mình, không biết làm gì nữa giữa chốn mây khói bàng bạc và gió thổi. Vị linh mục tiến thêm một bước để làm dấu thánh giá trên quan tài... ”Lạy Chúa xin cho linh hồn Giu-se được nghỉ yên muôn đời, và được hưởng ánh sáng nghìn thu. Xin cho linh hồn Giu-se được nghỉ yên. Amen. Mong cho linh hồn này và linh hồn mọi tín hữu, nhờ lòng lân tuất Chúa được nghỉ ngơi bằng an. Amen”.
Đã đến giờ hạ huyệt. Từng nắm cát rơi rào rào trên tấm ván
thiên, lâu lâu có lẫn tiếng sỏi rơi khô. Góa phụ lại nức nở khóc. Chẳng mấy chốc
bên bãi đáp phi cơ trực thăng lập chon von trên sườn núi có thêm một ngôi mộ.
Những người đưa tang lần lượt xuống núi, lòng nặng trĩu đẩy bước chân mau.
Chờ cho góa phụ về xong, vị linh mục mới cởi áo lễ và mời mấy
người bạn thân về lán mình uống trà. Họ vui vẻ nhận lời, mỗi người có lý do
hoàn toàn khác nhau. Viên trung úy từng học ban triết ở đại học Văn Khoa trước
khi bị động viên muốn bàn với linh mục vài vấn đề thuộc tín lý đạo Thiên Chúa
liên quan tới cái chết và sự phục sinh. Ông nhà giáo muốn có dịp đưa ra nhận
xét về ý nghĩa tang lễ. Cụ cán sự công chánh hồi hưu muốn quên một ám ảnh khó
chịu và muốn thưởng thức trở lại vị trà thơm Đài Loan sau mấy tuần uống trà HCR
nhạt thếch.
Họ cùng vui vẻ xuống núi. Trong khi vị linh mục lui cui xuống
bếp nấu nước sôi, ba người bạn cởi áo ngoài ngồi chờ trên những chiếc ghế làm bằng
thân dừa cắt từng đoạn ngắn. Trời hôm ấy hơi bức, nên họ ăn mặc hết sức ”thoải
mái”. Người nào cũng vận quần đùi. Cụ cán sự công chánh mặc chiếc áo thun tay
cánh mầu xanh dương, trước ngực vẽ hai đứa trẻ cầm vợt vũ cầu với hàng chữ
”Joanna is my childday friend”. Lúc được tàu khoan dầu vớt, cụ bỏ quên áo nhà
binh rách lưng dưới ghe nên một thủy thủ Tây Đức phải nhín bớt phần quà Noel gửi
cho con trai giúp cụ đỡ rét. Ông nhà giáo có lẽ cũng gặp cảnh huống tương tự,
nên mặc cái áo polo trắng có in hình một cô gái Hawai tóc đen dài quấn lơ là tấm
khăn vải hoa thật sặc sỡ. Cô gái đứng cười lẳng lơ dưới gốc dừa, trong khi ông
giáo phải cười ngượng nghịu mỗi lần có ai nhìn chăm chú vào ngực mình.
Viên trung úy thì giữ được cái áo treillis cho đến tận cầu
tàu đảo tị nạn, nhưng luật lệ ở đây không cho phép mặc đồ nhà binh, nên anh phải
cởi áo nộp cho cơ quan quản lý trị an và xin một áo may-dô có vẽ chiếc trực
thăng trên hàng chữ đỏ viết vội Ku Ku Camp. Vị linh mục đem nước sôi nấu trong
lon pâté hộp lên. Ông cũng mặc quần đùi, khoác thêm cái áo sơ-mi trắng cũ. Ngồi
chờ nước trà quanh cái bàn gỗ ép xiêu vẹo, cả bốn trở thành những người bình
thường. Khó lòng đoán được quá khứ, nếu chỉ nhìn mái tóc dài và cách ăn mặc của
họ.
Viên trung úy ghiền cà phê không tha thiết mấy với chuyện uống
trà, dù là trà Đài Loan thượng hảo hạng... nên không chịu kiên nhẫn chờ. Vị
linh mục vừa ngồi xuống, anh đã vồ vập hỏi:
“Lúc giảng kinh trên thánh đường, Cha có nghe chị ấy kể lể
những gì không?”
Cụ cán sự công chánh ngăn lại:
“Chầm chậm đã nào! Trà chưa đượm đâu. Vội gì!”
Linh mục do dự chưa biết phải theo phái già hay phái trẻ.
Ông quay về phía nhà giáo, bắt gặp ánh nhìn khuyến khích. Linh mục cười rồi
đáp:
“Có chứ!”
Anh trung úy liền hỏi:
“Cha có bực mình không?”
“Không.”
Ông giáo tò mò hỏi:
“Chị ấy nói gì thế?”
Linh mục đáp thay cho anh trung úy:
“Lúc ấy tôi đang hát: ”Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai
tin ta thì dù có chết cũng sẽ sống lại, và ai sống mà tin ta thì không phải chết
đời đời” - ”Góa phụ”, xin lỗi, phải nói cho đúng hơn là ”chị ấy” vật vã bên
quan tài kêu khóc ”Em đã cầu nguyện liên tiếp bao nhiêu ngày mà Chúa có cho anh
sống được đâu! Làm sao sống lại đây, anh ơi là anh!” Họ chỉ mới yêu nhau, và trốn
cha mẹ dắt nhau sang đây trước khi làm lễ cưới. Chị ấy chưa nhận phép bí tích,
chưa hiểu ý nghĩa sự sống lại.”
Ông nhà giáo quên cả tính e dè cố hữu, chen vào hỏi:
“Ở chỗ riêng tư xin hỏi thật Cha: Cha có tin ở sự sống lại
không?”
Câu hỏi bất ngờ gây thích thú cho mọi người, kể cả vị linh mục.
Ông chậm rãi đáp, giọng tâm sự:
“Tôi cũng xin thật thà đáp các bạn rằng đức tin đến với tôi
không theo đường thẳng, lúc vào chủng viện tôi không đặt câu hỏi ấy. Tôi còn nhỏ
tuổi, vào chủng viện hay không, có nghĩa đơn giản là vâng lời bố mẹ hay cưỡng lại.
Tôi là một đứa con ngoan. Sau nhiều năm học giáo lý, tôi dần dần hiểu tầm quan
trọng của câu hỏi, nhưng câu trả lời còn mập mờ. Nếu tôi tiếp tục ở lại chủng
viện, có lẽ lý do chính là tôi sợ làm điều khác thường, điều gây ra tranh luận
hoặc tệ hơn nữa là gây tai tiếng. Cuối cùng tôi xác quyết rằng có. Các bạn thấy
đấy, nếu không khẳng định với tất cả niềm tin, tôi đã trở thành một người tu xuất
rồi.”
Thấy nét mặt viên trung úy có thoáng ngờ vực, linh mục hỏi:
“Còn anh, anh tin
không?”
Trung úy đáp
ngay:
“Cha đừng phiền.
Tôi không tin. Hình như Feuerbach hay Marx có nói rằng tôn giáo luôn luôn mang
tính chất của nữ tính. Tôi không nhớ rõ ai nói vì sau mấy năm, mớ kiến thức triết
học ít ỏi đã rỉ sét cả rồi. Nhưng câu nói trên thì nhất định đúng.”
Vị linh mục mỉm
cười bao dung, lắc đầu chầm chậm:
“Rắc rối đấy.
Không tin có sự sống lại thì sẽ không trả lời được nhiều câu hỏi hóc búa mà thiết
thân: ”Từ đâu ta đến đây? Sống để làm gì? Chết rồi sẽ về đâu? Ý nghĩa của bao
nhiêu bất công đau khổ trên quãng đời ngắn ngủi?...”
Viên trung úy
không chờ thêm được, cắt lời vị linh mục:
“Những câu hỏi vô
ích! Tại sao phải hỏi vậy? Chính cách đặt câu hỏi như thế là dấu hiệu của nữ
tính hoặc của tuổi già. Người Pháp có một cách phân biệt tuổi già và tuổi trẻ,
sức-mạnh-tự-tin và sự-yếu-đuối-chịu-đựng thật hay. Gặp một bức tường chắn lối
đi, tuổi trẻ xem đó là một ”Obstacle à franchir”, tuổi già lại xem như một
”Surface à étudier”. Không nên trở lại những điều đã rồi như ”từ đâu ta tới
đây”? Đau khổ ư? Bất công ư? Hãy gắng thu xếp ngay trong đời này chứ đừng nhờ vả
hoặc hứa hẹn lần hồi. Còn cái chết? Tôi đoán được ý Cha: Chỉ có Thiên Chúa ban
sự sống nên cũng chỉ có Thiên Chúa mới quyết định sự chết và cho sống lại.
Không. Không. Chính con người dựng tượng Chúa thì con người có thể quyết định
được cái chết. Điều quan trọng là dám hay không? Tôi cho rằng những người thực
sự tin ở mình là những kẻ dám tự vẫn. Không chọn được lúc và nơi sinh ra, thì
ít nhất cũng dám chọn cho mình lúc và nơi chết đi!
Không khí tranh
luận có vẻ căng thẳng. Cụ cán sự hồi hưu vội nói:
“Tuổi trẻ thì lúc
nào cũng thế, nhưng kinh nghiệm do lớp già chúng tôi thu thập được bằng cuộc đời
thăng trầm, không phải đáng vất cả đâu. Chúng tôi đã từng u đầu vì nhiều bức tường
cao, nhiều lần vì hăng tiết vịt, rồi mới cẩn thận ”nghiên cứu” nó. Tôi dịch
étudier thành chữ ”nghiên cứu”, có đúng không nhỉ?”
Nhà giáo cười lớn
rồi bảo:
“Cụ dịch hay lắm.
Thâm lắm! Cụ mỉa mai khéo
quá! Nhưng ta uống trà đi chứ. Nguội mất!”
Linh mục chủ nhà
nhớ lại phận sự của mình, cười xuề xòa rồi mời:
“Các bạn uống trà
đã. Mời cụ, mời anh. Trung úy uống trà đi. Chuyện đâu còn đó. Tôi xin trả lời
trung úy về chuyện tự vẫn, sau khi ta thanh toán xong ”ấm” trà này. Xin cụ đừng
cười. Tôi vẫn thường khoe với các giáo hữu cái rề-sô tự tạo và cái ”ấm Thiết
Quan Âm” đặc biệt HCR này.”
*
Ráng thu xếp mọi
sự trong đời này? Ai lại không muốn thế. Tôi cũng mong ước như trung úy. Và tôi
tin rằng những con người dùng đồ đá thời tiền sử cũng khao khát ”thu xếp” gọn
gàng cuộc đời mình với các phương tiện thô sơ. Chúng ta không biết họ có tìm được
cách nào không, nhưng những di tích khảo cổ tìm thấy chứng tỏ họ chỉ tìm được một
nền văn hóa tạm phù hợp với đời sống thực tế, còn những điều khó khăn, họ cũng
hẹn lần hồi hay nhờ vả đến thần linh. Từ bấy đến nay biết bao thế hệ đã sống cuộc
đời của họ trên quả đất này, và theo chỗ tôi biết, loài người vẫn chưa thu xếp
xong. Triết lý, thần học thường nhắc đến chữ ĐẠO. Con đường của nó luôn mời gọi
sự khai phá, mời gọi khởi hành. Cho nên những cuộc tranh luận về sự sống và phục
sinh khó lòng đi cho đến một kết luận được mọi người công nhận. Con đường “đạo”
để cất chân bước và sống trọn với niềm thao thức chân thành, chứ không phải cho
kẻ đứng bên lề ”nghiên cứu” lạnh lẽo. Tôi dài dòng như vậy để giải thích vì sao
thay vì dùng lý luận, tôi lại kể một câu chuyện để trả lời trung úy. Không. Tôi
giới hạn trong vấn đề nhỏ thôi. Vấn đề tự vẫn để xác lập sự cao cả tự tín của
con người. Tôi cũng xin nói thêm rằng câu chuyện này tuy có thực nhưng vẫn giống
với chuyện tiểu thuyết. Nó không vraie, mà vraisemblable. Tôi xin dịch là “dường
như có thực”, được không cụ? Tôi nhấn mạnh hai tiếng ”dường như” vì những điều
người vợ nói với tôi, các bản thảo, sách vở người chết để lại, quang cảnh căn
phòng trên gác xép lúc tôi đến, cùng những tìm hiểu của tôi sau này qua sách
báo ở thư viện đều là những chứng liệu mờ ảo, có thể như thực theo nhận định và
khả năng tổng hợp yếu kém của tôi, nhưng chưa chắc đúng là sự thực nếu chính
người chết hồi sinh và đứng ra kể lại cách ”thu xếp” của mình. Tiện hơn hết các
bạn xem đây như một thứ dụ ngôn. Hồi ấy tôi vừa được đổi về giáo xứ X. Công việc
của một Cha xứ mới đến giáo xứ lần đầu bề bộn như thế nào, các bạn tưởng tượng
được rồi. Tòa giám mục địa phận cho phép vị Cha xứ tiền nhiệm ở lại giúp đỡ, hướng
dẫn cho tôi một thời gian, nhưng thú thật, vị ấy đi rồi, tôi cảm thấy bối rối.
Giáo dân chiếm một nửa dân số ở vùng này, và vì ở sát một căn cứ Mỹ, nên thành
phần dân chúng hết sức phức tạp. Gần giống như một đống rác vậy.
Nhưng là rác Mỹ
còn nhiều thứ phế thải đáng giá, nên ruồi nhặng tứ phương dồn về đây. Gái điếm,
ma cô, trộm cắp, buôn lậu, lừa đảo, hối lộ. Tòa giám mục phải đổi vị Cha xứ tiền
nhiệm về địa phận khác vì Cha ”cứng” quá, muốn mọi người phải sống đúng theo
tinh thần Phúc âm, kể cả các quan chức nên va chạm nặng với chính quyền địa
phương. Nhà cửa dựng vội quanh khu quân sự Mỹ thì luộm thuộm, sặc sỡ một cách
lõa lồ với đủ thứ bảng hiệu tiếng Mỹ như Steak house, Laundry shop, Bar, Car
washing, Room for rent. Các bạn đừng cười, có cả bảng quảng cáo ”Beautiful
roommate for you” nữa. Theo lời khuyên của Cha tiền nhiệm, tôi bắt đầu tổ chức
lại các hội đoàn và bình thường hóa các sinh hoạt phụng vụ. Những giáo dân đến
tiếp xúc với tôi, đúng như trung úy nói, hầu hết là đàn bà. Gái điếm bị lính Mỹ
bỏ ngang đến cầu cứu Chúa. Mà gái điếm ế khách toan hoàn lương cũng có. Không
thiếu những bà mẹ lo lắng thấy con sa vào cám dỗ, hoặc những người vợ xanh xao
mất chồng. Cho nên tôi không ngạc nhiên khi đang tập hát cho ca đoàn nhà thờ
thì một người đàn bà ốm yếu, mặt hốc hác, mắt thâm quầng hớt hải đến tìm. Tôi
nghĩ thầm: ”Lại thêm một bà mẹ mất con nữa đây”. Người đàn bà vừa gặp tôi đã
quì xuống van lơn trong nước mắt:
“Con van Cha! Xin
Cha đến ngay cho! Nhà con đang hấp hối. Xin Cha làm phép giải tội cho nhà con!”
Tôi vội đi ngay.
Căn nhà ván ọp ẹp nghèo nàn nhưng không thuộc vào loại ”ăn xổi ở thì” như những
Laundry shop, Bar, Room for rent vây quanh. Thoạt nhìn tôi đã đoán chủ nhà thuộc
loại công chức nghèo lỗi thời, quyết giữ nếp nên kiên nhẫn đi ngược gió. Loại
nhà hạng tiểu công chức ở phố huyện như các bạn thường thấy: Một cửa lớn và hai
cửa sổ lá sách không lắp kính, phía trước có hàng rào gỗ thấp ngăn con nít ra đường,
bàn ghế gỗ loại chắc và rẻ ở phòng khách, cái tủ chè đựng vài cái ly, bộ chén
tách, hộp trà, đôi lọ thuốc cấp cứu gia dụng... Chỉ nội việc giữ nguyên gian
phòng khách cổ lỗ bám bụi truyền thống chứ không sửa thành Room for rent cũng đủ
chứng tỏ ”khuynh hướng bảo thủ” của chủ nhà. Tôi có thiện cảm ngay. Tôi chỉ hơi
ngờ ngợ khi nhìn quanh không tìm thấy bàn thờ Chúa.
Người đàn bà dẫn
tôi qua một cửa ngăn có treo tấm màn cửa đã hoen ố cũ kỹ. Gian sau tối om và ẩm
mốc. Ngay sau cửa ngăn có một cầu thang bằng gỗ dẫn lên gác xép. Người đàn bà
thấy tôi dọ dẫm bước, liền nói:
“Xin lỗi Cha. Để
con đi thắp đèn.”
Tôi quen dần với
bóng tối nên đáp:
“Khỏi cần. Cha đã
thấy rõ các bậc cấp rồi.”
Người đàn bà đi
sau vẫn chưa yên tâm, run run nhắc:
“Cha vịn vào
thanh gỗ kẻo ngã.”
Tôi leo thang chầm
chậm, tò mò đưa mắt nhìn xuống phòng sau. Ngoài hai chiếc giường con hẹp màn gối
bừa bãi, gian giữa chứa toàn sách là sách. Không có tủ kệ gì cả. Một miếng ván
kê lên hai viên gạch, thế rồi trên đó chồng chất so le hết lớp sách này đến lớp
sách khác, cao quá tầm người. Tôi khựng lại. Nếu người đàn bà không đẩy lưng
tôi giục giã, giọng pha lẫn sợ sệt:
“Xin Cha nhanh
cho. Nhà con nằm trên đó.”
Có lẽ tôi đã dừng
lại để ngắm khung cảnh lạ mắt bất ngờ ấy rồi.
Lên khỏi thang
gác, tôi còn gặp bất ngờ khác lớn hơn. Gác xép thoáng khí hơn tầng trệt, cũng
chồng chất toàn sách. Ánh sáng chiều tà dọi từ cửa sổ phía tây nhuộm vàng mọi
thứ, kể cả người đàn ông đang nằm ngửa trên sàn gác. Quanh ông, sách vở, giấy tờ
vất lung tung. Người vợ không dám lên khỏi cầu thang, ló đầu sợ sệt hỏi:
“Thưa Cha, nhà
con còn sống không?”
Tôi vội bước đến
chỗ người chồng nằm. Người đàn ông đã già, khoảng trên dưới sáu mươi. Hai mắt
trợn. Lưỡi thè ra, nước miếng còn đóng bọt hai bên mép. Đũng quần ướt. Tôi đâm
hồ nghi. Chăm chú nhìn kỹ chỗ cổ áo, tôi thấy có vết bầm tím xây xát quanh cái
cổ xanh xao. Tôi vội ngước lên trần nhà, hy vọng mình đoán sai. Nhưng không. Một
đoạn dây thừng còn treo lơ lửng, khẽ lay động khi có gió thổi. Tôi thất vọng,
hơi giận khi quay lại nói với người vợ:
“Ông ấy thắt cổ tự
vẫn mà!”
Người vợ đã lên
khỏi cầu thang, đứng nép vào vách ván. Đoán được tâm trạng của tôi, bà ta phân
bua:
“Nhưng nhà con
chưa chết. Hơn nữa, lúc còn sống...”
Người vợ ngập ngừng,
rồi dừng lại. Có lẽ bà chợt thấy câu nói của mình có mâu thuẫn vô lý. Tôi cúi
xuống đưa tay sờ lên chỗ trái tim người chồng. Không cảm thấy gì cả. Sờ lên tay
chân. Còn mềm nhưng bắt đầu lạnh. Khuôn mặt khắc khổ bất động, cái nhìn trợn trừng
mờ đục, vừa giận dữ vừa chới với. Tôi quay lại nói dứt khoát:
“Ông nhà chết rồi!”
Người vợ bật khóc
nức nở, rồi sụp xuống quì bên cạnh tôi. Giọng bà hối hả thống thiết:
“Con van Cha. Cha
hiểu giùm con. Không phải con lừa dối Cha. Lúc con lật bật cắt dây đem nhà con
xuống, nhà con vẫn còn thở. Nhà con có lầm bầm gì đó, con nghe hình như nhà con
muốn xưng tội. Trước đây đôi lần nhà con cũng có ý đó. Thế nào nhà con cũng viết
trên bản thảo. Xin Cha tin con. Con van Cha. Xin Cha làm phép giải tội cho nhà
con. Con van Cha! Con lạy Cha!”
Nói xong, người vợ
khóc lớn hơn. Tình cảnh tôi thật khó xử. Rõ ràng người đàn ông này đã tự ý quyết
định cái chết của mình, đã cướp đoạt quyền năng Thiên Chúa, đã ”dám chọn cho
mình lúc chết và nơi chết” như trung úy vừa bảo. Còn cái ý định muốn xưng tội từng
viết đâu đó trên tờ bản thảo nào đó nằm lây lất khắp gác xép, thì đáng ngờ lắm.
Làm sao cho khỏi đi ngược với tín lý? Nếu không có những chồng sách và khung cảnh
”ngược gió” đầy khắc kỷ vừa gây thiện cảm cho tôi, có lẽ tôi đã từ chối dứt
khoát từ lúc đầu. Tôi mới về một giáo xứ lạ và phức tạp, các bạn hiểu cho, tôi
cần giữ một số nguyên tắc. Tôi do dự chưa biết phải làm thế nào; chỉ vì chất khắc
kỷ ấy đã thuyết phục tôi. Cuối cùng khuôn mặt xanh xao thống khổ và đôi mắt van
lơn của người vợ khiến tôi nhượng bộ. Tôi hỏi tên thánh của người chồng. Người
vợ mừng rỡ cho biết tên Bao-ti-xi-a. Tôi làm phép giải tội. Nhưng làm xong, tôi
lại sợ đã làm điều trái với Phúc âm. Hy vọng còn lại của tôi là sẽ tìm được ý
muốn xưng tội của người chết giữa đống bản thảo. Tôi đã đoán không lầm. Người
chết là một nhà văn, một nhà tư tưởng từng xuất bản nhiều sách và đăng nhiều
bài tiểu luận trên tạp chí.
Việc đầu tiên của
tôi là hỏi cặn kẽ về nguyên do cái chết. Người vợ được thỏa nguyện nên lấy lại
đủ bình tĩnh để nghe và đáp. Cho đến chiều hôm trước, người chồng chưa tỏ điều
gì khác thường. Mái tôn rỉ sét, mưa dột vào gian giữa tầng dưới, nên người vợ
thấy chồng cặm cụi xếp dọn lại đống sách cũ, không lấy làm ngạc nhiên. Ông xuýt
xoa tiếc rẻ những cuốn bị thấm nước hoặc bị mối đục, rồi bê hết những cuốn sách
quí có đóng bìa da gáy in chữ vàng lên gác. Cẩn thận hơn, ông đem chiếc ghế đẩu
theo để làm giá. Những hành động đó bình thường, hoàn toàn bình thường. Người
chồng thức khuya, vật vã khổ sở với đống bản thảo. Chuyện đó cũng bình thường nốt.
Điều bất thường duy nhất là buổi sáng, người chồng cứ thắc thỏm chờ đợi cái gì,
lâu lâu nhắc người vợ sao đã trưa chưa đi chợ. Người vợ hẹn chiều. Người chồng ậm
ừ khó chịu, rồi im lặng... Lúc 2 giờ, người chồng dặn vợ nếu đi chợ nhớ mua cho
ông bánh thuốc lào loại 888. Dù thức ăn còn đủ đến sáng hôm sau, người vợ bắt
buộc phải ra chợ huyện. Lúc trở về, ông đã thắt cổ tự vẫn rồi. Tôi thắc mắc:
“Tại sao chồng
sách quí lại đổ vương vãi thế kia?”
Người vợ có vẻ lo
âu, ngập ngừng nhìn xác chồng một lúc như ngại người chết nghe thấy, rồi mới
đáp nhỏ:
“Nhà con không
dùng cái ghế đẩu. Nhà con xếp chồng sách cho cao, leo đứng trên đó để...”
Bà liếc nhìn đoạn
dây thừng đong đưa, mặt xám xanh, không nói tiếp được. Tôi hiểu. Thật khéo chọn
cách chết. Đúng là ”cái chết chín chắn hàm súc” của một nhà tư tưởng suốt đời
nhọc nhằn với đống sách vở. Tôi đưa mắt nhìn chiều đổ của đống sách quí. Đúng lắm.
Sách đổ theo một chiều, cái chiều người chồng đã lấy đà ẩy ngã chồng sách kê
sau khi đưa cổ vào thòng lọng. Tôi tò mò muốn xem những cuốn sách được lựa chọn
làm chân đế cho cái chết tự nguyện. Các bạn đoán thử xem những cuốn gì!
Biết vị linh mục
muốn áp dụng kỹ xảo của những tay kể chuyện nhà nghề, ưa chọn chỗ hấp dẫn nhất
làm phút giải lao, ba người kiên nhẫn chờ nhà tu chầm chậm uống hết ca nước
trà. Viên trung úy mất kiên nhẫn trước tiên, nên hỏi vội:
“Ông ta là nhà tư
tưởng ư? Cha cho biết tên được không?”
Linh mục đáp:
“Rất tiếc, như đã
nói từ đầu, tôi muốn giữ nguyên cái chất vraisemblable của câu chuyện. Những cuốn
sách quí tôi tìm thấy ngay dưới chân xác chết là bộ Tứ Thư bằng chữ Hán, Kinh
Viên Giác và Lăng Nghiêm do Viện Phật Học Nam Việt xuất bản, bản Đạo Đức Kinh
xuất bản tại Hồng Kông, Nam Hoa Kinh do Nhượng Tống dịch, bản dịch kinh Coran bằng
tiếng Pháp, bộ Tư Bản Luận của Karl Marx, bộ Luận Về Lịch Sử của Toynbee, cuốn
sách mỏng: Bài học lịch sử của Ariel & Will Durant, cuối cùng, dĩ nhiên phải
có bộ kinh Cựu và Tân Ước. Trung úy thấy đấy, một người đã bỏ cả đời đọc đi đọc
lại bao nhiêu cuốn kinh sách để gắng trả lời các câu hỏi bức thiết ”Ta từ đâu đến?
Sống làm gì? Chết về đâu? v.v...”, để gắng ”thu xếp”. Ông ấy tìm được gì chưa?
Lúc đó tôi cũng hỏi như vậy. Tôi quay lục tìm đống bản thảo bừa bộn. Đọc kỹ các
tựa đề và số thứ tự ghi ở góc trên mỗi xấp bản thảo, tôi mới khám phá ra nhiều
điều thú vị khác. Không. Các bạn yên tâm. Lần này tôi không bắt các bạn làm thầy
bói nữa đâu. Hóa ra đống bản thảo chỉ có vẻ bừa bộn bề ngoài. Đọc kỹ, tôi thấy
tác giả đã xếp riêng từng khóm, mỗi khóm luận về cũng một loại đề tài. Kỹ lưỡng
hơn, trong mỗi loại có xếp thứ tự các bài viết theo thời gian. Bài viết xưa nhất
viết năm 1940 về phong trào đấu tranh của thợ mỏ Cẩm Phả. Bài mới nhất ”viết” một
ngày trước khi tự vẫn, xếp vào loại siêu hình học, chỉ đơn giản là một trang giấy
học trò với một dấu hỏi và một dấu than lớn nét run run bằng mực viết nỉ. Tôi
đã đoán như thế này, không biết các bạn có đồng ý không. Nhà văn đã chuẩn bị kỹ
cho cái chết của mình, chuẩn bị trong sáng suốt và tự chủ. Từ nhiều hôm trước,
ông đã lục và đọc lại tất cả những bài mình viết từ gần 40 năm nay, đọc thật kỹ
rồi mới phân loại, ghi số. Thu hoạch kết quả suy nghiệm bao nhiêu năm, ông mới
”viết” bản thảo sau chót. Một dấu hỏi, và một dấu than. Ông quyết định tìm cái
chết. Ban đầu ông định tìm cái ghế đẩu, và muốn vợ con bạn bè còn ở lại khỏi hiểu
lầm, ông xếp chồng sách quí và xấp bản thảo ngay ngắn bên cạnh cái ghế. Nhưng tới
lúc leo lên ghế để thắt thòng lọng, nhà văn chợt tìm ra một chân lý. Những chuẩn
bị cẩn thận vừa làm có ý nghĩa gì trước cái chết? Sách quí ư? Nó có giúp ông hiểu
gì thêm về cuộc đời? Những điều ông suy luận ư? Nó ”thu xếp” được gì cho ông và
cho đồng loại? Ông tự thấy lẩm cẩm. Ông nhấc cái ghế đẩu đặt vào góc phòng, quyết
định dùng chồng sách thay vào. Còn bản thảo, làm gì bây giờ? Đây mới thực là
máu thịt, là mồ hôi nước mắt của đời ông! Ông muốn vất tung tóe cho xứng với dấu
than trong bản thảo cuối. Nhưng niềm kiêu hãnh tuyệt vọng của người cầm bút
ngăn ông lại. Ông vẫn vất chúng đi, từ trên chồng sách quí. Nhưng vất theo từng
xấp, từng loại! Những bài báo và sách của nhà văn về sau tôi tìm đọc ở Thư Viện
Quốc Gia xác nhận dự đoán của tôi. Nhà văn đã gặp bế tắc về tư tưởng. Ông hăm hở
mở đường, nhưng về già thì gặp tuyệt lộ. Điều đáng yêu (hoặc đáng thương tùy
theo lượng bao dung của từng người) là đến phút chót, ông ấy vẫn hy vọng cách
chết của mình mang một message, một thứ sứ điệp nào đó.”
Cụ cán sự hồi hưu
hỏi:
“Rồi Cha có tìm
được bản thảo ghi ý muốn xưng tội không?”
Vị linh mục đáp,
thật trầm tĩnh:
“Có, tôi tìm ra
ngay.”
Đoán biết ba người
bạn chờ đợi, linh mục tiếp:
“Tôi tìm ở dấu
than của bản thảo cuối cùng.”
*
Điều dễ đoán là
ngay sau khi vị linh mục dứt lời, viên trung úy giành nói trước:
“Xin Cha đừng buồn.
Tôi xin nói ngay là tôi không đồng ý với cách suy luận của cha. Cha vừa nói
hành động cuối cùng của nhà văn đó đáng yêu hoặc đáng thương tùy theo lượng người.
Nếu tôi không lầm, cha cho là đáng thương chứ gì? Tôi cho thật đáng yêu! Đáng
kính! Cha đã lầm lẫn ở một số điểm quan trọng thuộc phương pháp suy luận. Tuy
cha có cẩn thận không dám xác định câu chuyện vừa kể là có thật, là vraie, mà
chỉ vraisemblable, dường như có thật. Còn xa với ”dường như có thật” lắm lắm!
Cha quan sát khung cảnh gác xép để tưởng tượng ra diễn tiến cái chết, rồi dùng
các bản thảo đọc vội lẫn sách báo do người chết viết để kiểm chứng. Phương pháp
ấy không thể tái tạo sự thật được. Này nhé, những gì chúng ta cảm thấy, nghĩ ra
phần lớn đều mông lung, phức tạp. Khi định được ý, ta đã loại bỏ không thương
tiếc một số yếu tố không phù hợp với lý trí, hoặc ước lệ xã hội. Rồi từ lúc định
ý cho đến lúc viết thành chữ, ta lại phải đơn giản hóa, hệ thống hóa để người
khác hiểu được. Chữ viết là một thứ đồ nguội, tệ hơn nữa, một thứ đồ hộp có chỉ
dẫn tỉ mỉ cách pha chế cho tiện lợi đối với kẻ phàm tục lười biếng.
Cái nóng hôi hổi
đang bốc hơi, cái còn chảy máu không thể diễn ngay thành chữ. Cho nên đọc những
gì người ta viết để tìm hiểu họ là điều đáng ngờ. Nếu vạn bất đắc dĩ không có
cách nào khác thì chỉ nên tin những gì họ viết vào ba thời điểm sau đây: Thứ nhất
là những tác phẩm thời niên thiếu, lúc họ chưa nổi danh nên chưa tự uốn nắn bản
ngã vì cái hào quang giả tạo. Tôi tin những gì Marx viết lúc còn trẻ giá trị gấp
mấy trăm lần bộ Tư Bản Luận. Thứ nhì là những gì họ viết lúc về già. Khổng Tử
thú nhận đến 70 tuổi mới hiểu đôi chút về lẽ Dịch. Có lẽ lúc ấy, ”Ngài” nhớ lại
cái thời cắm cúi san định Thi, Thư, Lễ, Nhạc, sẽ không khỏi đỏ mặt vì lẩm cẩm
quá. Thứ ba là những gì họ nói họ viết lúc rong chơi. Rong chơi thì khỏi cần
làm dáng làm bộ với ai nữa, có nói điều gì cũng khỏi sợ đồ đệ chộp lấy ghi
thành kinh lưu cho hậu thế. Con người thật của Khổng Khưu chỉ hiện ra khi ông
ao ước thấp lè tè, ao ước được tắm một phát ở sông Nghi, hóng mát ở đền Vũ Vu,
rồi dang tay hát nghêu ngao mà về. Ngoài ba thời điểm đó ra, những gì một người
viết đều có tính cách bất thấu quang, đều opaque. Nhưng thôi cứ tạm nhận như ý
cha, là ông ấy tuyệt vọng trước khi tự vẫn đi. Con người ở cảnh tuyệt lộ đã
đáng thương chưa? Thưa cha, chưa. Ngược lại, ngay trong trường hợp bế tắc, tuyệt
vọng, cái chết tự ý vẫn hết sức cao cả. Bắt chước cha, tôi xin kể một câu chuyện
có thực.”
Vị linh mục bẻ lại:
“Có thực theo
tiêu chuẩn gì? Theo những điều anh nghe, hay theo lời đồn đại?”
Trung úy đáp:
“Theo những điều
tôi thấy. Cha yên tâm, tôi cố gắng hạn chế các suy luận chủ quan, để chỉ còn những
dữ kiện thô, chưa trau chuốt. Hồi ấy vòng phòng thủ cuối cùng ở Xuân Lộc đã vỡ,
Sài Gòn ở trong tình cảnh tuyệt vọng hoảng loạn. Ông Thiệu từ chức giao ghế cho
cụ giáo già sau khi hứa sẽ ở lại với ”anh em binh sĩ” chiến đấu đến đồng đô la
cuối cùng. Không biết cụ giáo có chống gậy lên Tân Sơn Nhất tiễn gia đình người
bạn chiến đấu hay không; có lẽ cụ mệt quá, chán cho nhân tình thế thái không hợp
lẽ Quốc Văn Giáo Khoa Thư quá, nên cụ vội trao ghế cho Big Minh. Ông Minh vơ đầu
này đầu kia vẫn không đủ người lập nội các, định gọi điện thoại mời ai thì đã
nghe chị sen anh tài xế người đó đáp là ông chủ đã xách va-li lên Tân Sơn Nhất
rồi. Kẹt nhất là Bộ Quốc Phòng. Giao cho ông tiến sĩ luật cái bộ súng đạn, Big
Minh không yên tâm chút nào. Chất nổ, xe tăng, máy bay đâu có chịu học luật!
Nhìn quanh chỉ toàn các tướng về vườn lâu nay chuyên mở tiệm nhảy đầm, nuôi gà,
làm thầu khoán. May còn có ”anh cả Trường Sơn” dòng dõi hoàng tộc để giao khoán
cái Tổng Tham Mưu. Anh cả lên ti-vi chửi bọn chuột nhắt hèn nhát không lo đánh
đấm mà chỉ lo trốn, rồi ngay hôm sau, chính anh cả cũng làm chuột nhắt. Ở các bến
tàu, sân bay, thiên hạ chen chúc nhau, nếu cần dày xéo chém giết nhau để tìm một
chỗ ra đi. Lính rã ngũ vất quần áo súng đạn đầy hai lề xa lộ, chỉ mặc độc cái
quần đùi thất thểu qui cố hương. Cướp bóc lan tràn khắp phố phường. Cái cảnh chợ
chiều ấy, các bạn đã chứng kiến tận mắt, tôi khỏi cần phải dài dòng. Tôi chỉ nhắc
sơ lược để lưu ý các bạn rằng hồi ấy chúng ta hoang mang cùng cực, không có lấy
một chút gì để tin tưởng nữa. Cùng thất trận, nhưng chúng ta khác xa với tình cảnh
dân tộc Đức và Nhật năm 1944, 1945. Họ còn được niềm kiêu hãnh. Các sĩ quan Nhật
mổ bụng tự vẫn với lương tâm bình yên và một niềm tự hào ngút ngàn. Chúng ta hồi
đó có gì? Không có gì cả. Ngoài lòng trung thực ra, chúng ta không có gì làm vốn
để dám lên ti-vi chửi bới ”lũ chuột nhắt”, mà cũng không đê tiện đến nỗi chửi
xong vội vã cuốn gói ra đi. Không biết các bạn thế nào, thú thực hồi ấy, tôi
dùng dằng bất quyết. Ra đi thì không muốn. Ở lại thì e ngại. Cuối cùng phải tìm
đủ lý luận để trấn an mình. Nào là mình chỉ là hạng sĩ quan nhép ngồi bàn giấy,
không tội tình gì phải lo sợ. Nào là thà làm cái xác chết bón cho cây Việt Nam
hơn là làm kẻ tha hương lơ láo! Đất nước thống nhất rồi, Nam Bắc một nhà, bây
giờ ta có dịp ”nối vòng tay lớn”. Một ông bạn thi sĩ của tôi làm ngay bài thơ tả
khoái cảm lúc ngồi xe lửa hạng nhất có couchette đi du lịch từ Sài Gòn đến tận
”Mục Nam Quan”, đến mỗi ga vẫy tay chào những người anh em thân ái, đùa với em
bé, hàn huyên với cụ già, tay bắt mặt mừng với đôi mắt rướm lệ. Chung chung thì
bọn chúng ta đều lãng mạn như vậy cả. Hoặc bỏ ra đi, hoặc ở lại với cái ”mộng
thanh bình”. Không như Nhật năm 1945, rất ít người nghĩ đến chuyện tử tiết! Tử
tiết để làm gì? Cho ai? Cho những ông tướng chiến đấu đến đồng đô la cuối cùng
à? Hay cho cụ giáo? Cho ông Minh? Phải có một niềm tin sắt đá vào cái gì đó, hoặc
một niềm kiêu hãnh cao cả nào đó, người ta mới tử tiết được chứ! Cho nên tôi hết
sức kinh ngạc khi nghe tin một số tướng tá ở Vùng 4 đã tự vẫn chết, sau khi căn
dặn cấp dưới chuẩn bị kỹ thủ tục ”bàn giao” theo lệnh tân Tổng Thống. Người dễ
dãi vô tư tiếc rẻ giùm họ. Việc gì tự làm khổ thân thế! Sao không khôn ngoan
như anh cả Trường Sơn? Người ưu tư thì hoang mang. Nhưng bao nhiêu chuyện đổi đời
dồn dập đến sau 30 tháng Tư 75 khiến thiên hạ không còn tâm trí đâu nghĩ đến họ
nữa. Lâu lâu nhớ lại, họ thấy thương, và phục, một cách mơ hồ thuần cảm tính.
Nếu không tận mắt
chứng kiến một cái chết tương tự, có lẽ tôi cũng giống như bao nhiêu người
khác. Hôm ấy là ngày 2 tháng Năm 75, ba anh em tôi, một đứa Hải Quân lái tầu tuần
duyên ở Nha Trang, một đứa phi công AD6, một đứa Chiến Tranh Chính Trị Quân
Đoàn I, may mắn đoàn tụ ở Sài Gòn trước ngày 30 tháng Tư, sáng hôm ấy mở cả
caisse Champagne (Champagne dân hôi của khuân từ kho lương thực Mỹ ở quân cảng
về bán rẻ rề ở chợ Tân Định, mỗi chai 300$), cắt nguyên một cái đùi jambon
(cũng nhãn hiệu Mỹ cùng xuất xứ) ra nhậu mừng hòa bình và đoàn viên. Chúng tôi
hân hoan, ”hồ hởi” chờ đợi một ông anh tập kết ra Bắc năm 1954 sắp về. Thằng em
Hải Quân định về Cần Thơ mua vườn, đào ao nuôi cá. Thằng lái AD6 muốn lên cao
nguyên khai hoang, hai vợ chồng sẽ sắm đôi ngựa để chiều chiều thắng yên phi
trên đồi cao nhìn xuống cảnh thung lũng như những lúc nhìn từ buồng lái AD6. Thật
khôi hài mà cũng thật cảm động! Nhậu xong, chúng tôi dứt khoát với quá khứ bằng
cách đem hết đồ nhà binh, thẻ bài, mũ mãng cân đai ra hỏa thiêu. Mẹ chúng tôi
cười chảy cả nước mắt. Thôi, thế là từ nay hết thắc thỏm lo âu mỗi khi nghe tin
chiến sự! Qua được bao năm bom đạn mà lũ con trai còn trở về đầy đủ, chẳng những
thế, không đứa nào bị thương tật, còn phước nào lớn hơn! Chúng tôi đèo nhau
trên hai chiếc Honda đi xem phố xá. Cờ đỏ, khẩu hiệu vải đỏ, bảng cơ quan nhà
nước màu đỏ. Ở đâu cũng đỏ ối. Ở đâu cũng chói lòa. Chúng tôi ra đường Lê Lợi.
Người chật như nêm. Xe hơi, xe Honda phun khói mù mịt, chờ thật lâu ở các ngã
tư mới nhích được một bánh. Người đi bộ thì xúm quanh các toán bộ đội, xe tăng.
Thấy đi xe bất tiện quá, chúng tôi gửi xe đi bộ. Mệt, khát, tôi đề nghị vào
Givral tìm cái gì để uống. Hai đứa em đồng ý ngay, nhưng trong tiệm kem cũng chật
cứng. Các bạn nhớ, dân Sài Gòn hồi đó vung tiền qua cửa sổ vì những cuộc nhậu
nhẹt lu bù. Sợ chẳng mấy chốc tiền cũ không xài nữa, hoặc nghe nói cách mạng chủ
trương sống tiết kiệm khắc khổ, không ăn bây giờ về sau lại tiếc. Tìm không ra
ghế, chúng tôi qua công viên trước Quốc Hội đứng đợi. Hai pho tượng Thủy Quân Lục
Chiến vẫn chỉ súng vào cái nhà hát vắng đào kép. Tôi đang trỏ lên ngọn cây trước
Quốc Hội bảo các em:
“Nếu những cây
này biết nói và viết, thì chắc chúng đã trở thành những nhà viết sử tài ba.”
Thì một người đàn
ông khoảng 40 tuổi mặc áo mưa mầu xanh đậm loại Không Quân đến gần chúng tôi. Cậu
lái AD6 tưởng gặp một xếp lớn cùng binh chủng, sửa lại thế đứng để chờ chào
theo thói quen quân kỷ.
Nhưng không! Người
đàn ông không quen biết gì với chúng tôi cả. Qua khỏi ghế đá chúng tôi ngồi,
ông ta tiến đến chỗ bục đặt tượng, ngước nhìn hai anh Thủy Quân Lục Chiến một
lúc. Thằng em Hải Quân của tôi khôi hài:
“Chắc là một người
anh em vừa từ Bắc vào!”
Tôi hỏi:
“Sao biết?”
“Trời bức người
đông thế này mà mặc áo mưa là một sự lạ. Loại áo nhà binh này, dân Sài Gòn đang
giấu hoặc đốt đi không ai dám mặc. Chỉ có ”người anh em” vừa mua được chiếc áo
tốt mới dám mang đi khoe phố mà thôi!”
Chúng tôi cười,
phục đứa em thông minh. Người đàn ông khác thường trở thành mục tiêu quan sát của
chúng tôi. Ông ta đứng nhìn hai pho tượng khá lâu, rồi nhìn quanh như có ý chờ
đợi ai. Nét mặt ông khắc khổ, lo lắng. Tôi đoán ông đi lạc, không biết đường về
cơ quan. Nếu không có lòng tự ái của kẻ thua trận, có lẽ tôi đã tiến tới gần chỉ
dẫn giùm lối về cho người anh em rồi. Làm thế thì còn mặt mũi nào! Mới hai ngày
đã sợ sệt quì lụy với kẻ chiến thắng đến thế sao! Hai đứa em tôi cũng nghĩ như
vậy, nên cả ba chúng tôi vẫn ngồi nguyên chỗ cũ.
Người đàn ông
nhìn quanh quất một lúc, rồi đứng nghiêm, nhìn thẳng về phía Quốc Hội. Ông ta mở
cái gói giấy từ đầu vẫn kẹp ở nách bên phải ra. Hình như tay ông hơi run. Chúng
tôi càng tò mò hơn. Đang cúi xuống mở nút dây buộc, đột nhiên ông ngước lên
nhìn thẳng về phía chúng tôi. Ánh nhìn đầy thảng thốt ngờ vực. Tôi sợ ông ta
khó chịu vì chúng tôi tò mò, nên nhìn tránh đi nơi khác. Hai em tôi cũng vậy.
Lúc tôi quay lại, đã thấy ông ta đội cái mũ két sĩ quan lên đầu và đang cởi
hàng nút cái áo mưa. Lạ thật! Ông ta điên chăng? Vài người dạo phố bắt đầu tò
mò thắc mắc như chúng tôi. Người đàn ông cởi áo mưa thật nhanh, và khi ông ta vất
chiếc áo mưa xuống, chúng tôi đều sững sờ:
Ông ta mặc nguyên
bộ lễ phục của sĩ quan chuyên nghiệp đào tạo từ trường sĩ quan cảnh sát, với
quân hàm trung tá vàng chói. Không để cho chúng tôi ngạc nhiên lâu hơn, ông đứng
thẳng người, mắt nhìn thẳng về hướng Quốc Hội, và rút súng lục từ quần ra tự bắn
vào đầu. Tiếng súng nổ nhỏ thôi, nhưng ba anh em chúng tôi đều bàng hoàng sợ
hãi. Tôi bật đứng dậy. Viên trung tá ngã ngửa ra, nằm thẳng, đầu hướng về phía
Quốc Hội. Thân ông oằn lên một chút, rồi nằm trở lại thế ngửa, hai chân dãn ra.
Hình ảnh cuối cùng tôi thấy được là hai chân người hấp hối cố gắng... cố gắng hết
sức để khép lại cho đúng thế nghiêm.
Người hai bên phố
ùn ùn kéo đến. Chúng tôi sợ rắc rối nên chạy qua phía Givral, cố tìm cho được một
chỗ để vừa giải khát cho đỡ hồi hộp vừa quan sát tiếp chuyện sắp tới. Khách đã
bỏ đi nhiều nên cả ba chúng tôi tìm được chỗ ngồi. Nhưng có ai dọn kem cho
chúng tôi đâu. Bên kia cửa kính hiệu kem sang trọng có máy lạnh, chúng tôi chỉ
thấy toàn lưng với lưng. Có tiếng xe cứu hỏa hú còi. Đám đông sợ hãi chạy dạt
xa hai pho tượng. Nhờ thế, tôi mới thấy xác viên trung tá đã được phủ bằng một
tấm vải trắng. Tấm vải hơi ngắn, nên chỉ phủ được thân người và cái đầu.
Đôi chân người chết
khép chặt, mũi giầy thẳng lên bầu trời đúng theo thế nghiêm. Về sau tôi được biết
tấm vải là cái khăn phủ bàn của hiệu kem Givral.”
Ông giáo nghe đến
đó, cảm động kêu lên:
“Thật là oái oăm!
Tại sao có sự trùng hợp kỳ lạ vậy?”
Vị linh mục hỏi:
“Ông nói gì thế?
Cái gì trùng hợp?”
Ông giáo ngồi chờ
cho bớt xúc động rồi đáp:
“Phải. Đúng là một
sự trùng hợp oái oăm! Cha thử tưởng tượng xem.
Trên tấm khăn trải
bàn hiệu Givral ấy, đã dính bao nhiêu nước mồm nước dãi của bọn đào kép từng gấu
ó nhau trong cái nhà hát lớn. Đứa này tố đứa kia buôn thuốc phiện. Đứa kia tố đứa
nọ buôn lịch cởi truồng. Đứa ngụy hòa, đứa thân Cộng. Đứa bảo không có đàn ông
làm sao có đàn bà. Đứa bảo không có đàn bà làm sao có đàn ông. Đứa đòi quyền
đái ngoài đường. Đứa đòi thừa nhận con hoang. Tấm khăn bàn ô nhục ấy phủ được
khuôn mặt và thân thể người chết, nhưng có phủ được đôi chân nghiêm chỉnh đâu.
Viên trung tá tự vẫn trước Quốc Hội vì còn nghĩ khi kéo qua Givral giải lao,
chúng chỉ làm bẩn được tấm khăn liệm nhỏ xíu. Chúng không lấy thúng úp voi được!”
Anh trung úy
không ngờ câu chuyện kể của mình có ý nghĩa lớn lao như vậy, đỏ mặt vì sung sướng
lẫn ngượng ngùng. Anh thêm tự tin khi nói tiếp:
“Câu chuyện của
tôi chỉ có vậy, thưa cha. Chỉ là một số những ghi nhận còn thô, xù xì không
trau chuốt. Tôi không dám nhận cách suy diễn lý thú của bạn nhà giáo, vì nó tượng
trưng quá. Tôi chỉ nghĩ đơn giản thế này: Dù ở trong hoàn cảnh tuyệt vọng, hành
động tự sát của ông trung tá vẫn xác định trọn vẹn được ý nghĩa cuộc đời mình.
Cha từng hỏi: Sống để làm gì? Vâng! Tôi ”thu xếp” câu hỏi đó lại, thành câu trả
lời này: Không thể chấp nhận được cuộc sống không có ý nghĩa! Một tên đánh thuê
có lẽ sống của tên đánh thuê. Kẻ phiêu lưu tìm ý nghĩa trong tư tưởng chủ não:
Điều quan trọng không phải ở chỗ vì sao ta bỏ đi, mà ở chỗ cái mới ta sẽ tìm thấy.
Cái chết của viên trung tá khiến tôi liên tưởng đến cái chết của Mishima, tác
giả Kim Các Tự. Dường như (xin Cha nhớ cho đây là lần đầu tôi dám nói một điều
”dường như có thật”), dường như trung tá muốn nhắn với bạn bè và kẻ thù của ông
rằng: Tuy thất bại, ông vẫn phải được kính nể như một địch thủ nghiêm chỉnh. Một
cách ”thu xếp” cuộc đời trọn vẹn đấy chứ, thưa cha!”
(Còn tiếp)
Nguyễn Mộng Giác