Phu thê trót đã buộc ràng,
Thì xin nhẫn nại cưu mang vợ chồng…
Chị Tiên lăng xăng như thể đám cưới chị. Chị tươi như hoa. Nếu
không thấy hai đứa con nhỏ bu theo chị như cái đuôi, không chừng khách có thể đến
chúc mừng chị cũng nên. Đám cưới cậu em, mỗi thành viên trong gia đình, được
phép mời bạn bè của mình, để tái ngộ cố nhân trong không khí tưng bừng của tiệc
tùng. Nhìn đâu cũng thấy nam thanh, nữ tú. Tiếng cười, tiếng nói lao xao. Cũng
vui. Bàn của phe chị Tiên đa số quý ông. Thư nhận ra một vài khuôn mặt, là những
cây si cổ thụ ngày xưa của chị Tiên. Chị cười tở mở, ra dấu:
– Thư, Hà qua đây chơi một chút đi. Dẫn mấy ông ra mắt luôn.
Hà quay qua chồng:
– Mình qua bàn chị Tiên nhe anh.
Thư xô ghế đứng dậy, nhìn đám bạn, chỉ chỉ, ý nói: “Ngồi đây
nghe, tao biến một chút.”
Chị Tiên rộn ràng:
– Sao? Mấy người nhận ra con Hà không? Chắc không hả. Hồi
đó, nó nhỏ chút xíu à. Thấy nhà có khách, nó trốn biệt. Ông xã nó đây. Coi vậy,
bầu đoàn thê tử đông đúc lắm, chỉ thua bà Âu Cơ một chút thôi.
Chị kéo kéo vai áo Thư:
– Đây, đây. Mấy người mà không nhận ra con nhỏ này là là...
thôi đó nhe.
Chị chưa để cho ai có phản ứng, đi tiếp một đường giới thiệu:
– Nó đó, tiều phu chuyên chặt cây đó mà.
Có tiếng cười, ai đó ngâm nga: “Em ơi em ở lại nhà, Vườn si
em đốn ráo...” Thư nhận ra anh Linh nghệ sĩ. Anh Linh nhẩn nha:
– Anh thấy Thư y như hồi xưa, không thay đổi gì hết. Làm điệu
bộ như anh cả, lên giọng. Sao, lập gia đình chưa?
– Ủa, bộ anh thấy mặt mũi Thư hắc ám lắm hả, không sắm nổi một
ông chồng sao? Thư lườm lườm.
Thêm nhiều tiếng cười thích thú:
– Chết rồi, thằng Linh hỏi chuyện không coi giờ. Hồi xưa,
con Thư phá duyên mày, mày xém đập vỡ cây đàn mà quên sao.
Thấy anh Linh quê quê, Thư ngài ngại:
– Nói chơi chút xíu. Thư bắt chước nhân gian, cũng chồng con
đề huề chứ bộ.
– Kéo ông xã lại đây đi.
– Chồng con Thư không có đây. Nhưng thằng kép nhí của nó ngồi
kia kìa.
Chồng chị Tiên phát biểu xong, cảm thấy có duyên, cười hề hề,
ngoắc ngoắc con trai Thư:
– Cu Tí, qua đây chào mấy bác cái coi.
Khi cu Tí ngoan ngoãn đứng vòng tay, lí nhí trong miệng chào
bác, chào cô... Ai nấy quên đề tài chồng Thư, Thư nhẹ nhõm. Mỗi khi ai hỏi, sao
đám cưới cậu em mà không thấy chồng Thư. Thư quanh quẩn trả bài. Rằng số ngày
phép trong năm hạn chế. Rằng chồng Thư không xin nghỉ phép, vì hãng của anh
đang bận rộn với những dự án lớn. Rằng... Thư vừa cố tìm ra những lý do thật dễ
hiểu, chính đáng, vừa lái câu chuyện tới những đề tài khác, để người ta không đặt
thêm những câu hỏi mà Thư chỉ biết nói thầm: “Biết trả lời
sao!”
Ông anh họ, đến mời Thư đi ăn trưa, ngạc nhiên:
– Ủa, chồng em kỳ này không về à?
– Dạ, có chứ. Nhưng anh về sau. Tụi em phải về cho kịp dự
đám cưới, trở lại Đức trước, cho cu Tí đi học.
– Ồ, sao không thu xếp đi chung cho vui. – Ông anh chợt
thấm ý, bật cười. – Mà không chừng đi riêng lại vui hơn. Thằng này khéo
“thiết kế” thiệt. Hồi nào nó về đây, anh phải hỏi nó có chiến lược gì, để được
độc lập tự do vậy.
– Đâu có, anh muốn đi chung. Nhưng thời gian này ở hãng ảnh
người ta không cho lấy ngày phép.
Thư vờ nhìn những xe cộ nườm nượp, ngại ông anh thấy điệu bộ
nói láo không có căn của Thư.
...
Thư trình diễn điệp khúc này từ lúc báo tin cho đại gia đình
biết, chỉ hai mẹ con về Việt Nam dự đám cưới cậu em Thư.
Trên điện thoại, cô bán vé quen, đang dò trong máy, lẩm nhẩm:
– Mùa nghỉ hè, nên hơi khó kiếm vé đó. Hy vọng ba chỗ không
đến nỗi nào.
Thư nuốt nước miếng, ờ, tại sao mình không nghĩ ra điều này:
– À, à, hai vé
thôi. Ông xã mình không lấy ngày phép được. Anh đi sau.
– Sau mấy ngày, để
mình coi bây giờ luôn. Chứ mùa hè, nhiều khi hút vé lắm.
Thư nuốt lần nữa,
lúng búng:
– Ờ, ờ, anh đang
điều đình với đồng nghiệp. Chưa biết ra sao.
Thư suy nghĩ, sẽ
bàn với chồng, anh nên mua vé ở những đại lý của người Đức. Như vậy tiện hơn,
tiện cho Thư hơn. Tưởng tượng, cô bán vé ngồi tán nhảm với bạn bè... Biết bà
Thư ở khu Westpark không? Mắc cười lắm, vợ chồng bả về Việt Nam như vầy ha. Lúc
bả với thằng con trên đường qua Thái Lan trở lại Đức, máy bay của ổng đang tà
tà xuống phi đạo Tân Sơn Nhất. Hông chừng, lúc trên mây, hai ông bà có thể gởi
nhau nụ hôn gió... Thư cảm thấy bực bội, như thể mang đôi giày nhỏ hơn chân một
hai số. Càng nghĩ, Thư càng giận mình tật lười. Phải chi Thư chịu khó gọi đến
các văn phòng du lịch của người bản xứ, chẳng ai mảy may suy nghĩ, khi biết một
mẹ, một con đi du lịch xa. Thư không dám nghi cô bán vé người Việt có tật ngồi
lê đôi mách. Nhưng trí tưởng tượng của con người nhiều khi phong phú một cách
đáng sợ. Lần sinh nhật đứa cháu, Thư hứa phụ làm cho cháu ổ bánh. Trước sinh nhật,
phải đi công tác xa bất ngờ, Thư tiếc một dịp gặp gỡ gia đình và nhiều bạn bè
trong không khí vui vẻ cởi mở. Thư gọi chị Tiên, xin lỗi:
– Em buồn quá trời
đất, lâu lâu mới có dịp đông vui như vậy.
Thư giơn giỡn cho
bớt vẻ nghiêm trọng.
– Thôi, người
ta được bữa giỗ, lỗ bữa cày. Còn em, phải đi cày, nên mất phần ăn chơi. Mới
hay, ăn đồng tiền của quân tư bản, trày vi tróc vảy.
Những háo hức khi
đi làm nơi xứ lạ không còn nữa. Thư mong cho xong việc, hết ngày để về nhà. Chủ
nhật, người bạn đồng nghiệp rủ đi brunch ở nhà hàng sang trọng nào
đó, nghe đâu có hải sản các loại và sâm– banh. Nghe đến tôm cua nghêu sò, Thư dễ
yếu lòng. Nhưng, nghĩ, đi làm với tên đồng nghiệp này cả tuần lễ. Cuối tuần còn
gặp hắn nữa, chẳng có gì hứa hẹn. Tật của hắn hay than van, thể nào hắn cũng lằm
bằm, xếp đì hắn. Tính hắn hay so đo, thể nào hắn cũng thăn thỉ, xếp thiên vị
Thư. Người hắn to như voi, từ Singapore bay qua Mã Lai, hắn phải nhét người ngồi
theo du khách. Còn Thư, như con chuột nhắt, lọt thỏm trong ghế thương nhân. Thư
đã bao lần cắt nghĩa, do lối làm việc cứng nhắc của tổ chức, chớ xếp không liên
quan gì đến chuyện này. Thư bay từ Đức, bất kể bay gần xa, vé được xem là đường
trường, theo hạng thương nhân. Còn “hộ khẩu” hắn ở Singapore, bay vèo một cái tới
Kuala Lumpur, nên máy cứ tự động nhả cái vé hạng “kinh tế” cho hắn. Thư vờ diễu:
– Như vậy, trên
máy bay ông có cảm giác là tourist. Còn tui, lúc nào cũng phải nhức đầu vì
chữ business.
Chẳng biết tại
Thư diễu nhạt quá, hay hắn chẳng có một giọt máu khôi hài trong người. Hắn chẳng
thèm vén mép cười “khuyến mãi” cho Thư một nụ, chỉ lẩm bẩm: “Kỳ quái thiệt”. Nghĩ
tới đó, Thư tưởng như con tôm hùm đổi mùi thum thủm, rượu nổ đổi vị chua chua.
Thư giả vờ tiếc rẻ:
– Uổng chưa, sao
bây giờ ông mới rủ. Tui hẹn đi chơi với Tennie rồi. Lần khác vậy.
Nói xong, Thư cầu
hắn đừng hỏi Tennie, lằng nhằng, rằng Thư đi chơi những đâu. Thư nhảy lên xe
buýt thành phố, đi thăm vườn lan. Thơ thẩn giữa những hoa lá ngay hàng thẳng lối,
Thư cảm thấy dễ chịu, lòng nhẹ nhàng. Nghĩ thầm, khi nào vợ chồng con về Việt
Nam sẽ ghé Singapore một vài ngày. Lẩn thẩn, không biết chồng Thư có thích
không khí tĩnh lặng của vườn lan chăng. Hay đi phố, để anh coi máy móc. Nghe
người ta nói đồ điện tử ở đây đi trước thị trường Âu Châu xa. Còn cu Tí, ráng sắp
xếp dắt cu Tí đi vườn bách thú ban đêm. Buổi chiều, Thư gọi về Đức, háo hức:
– Sao, hôm qua ăn
sinh nhật vui không anh?
– Ừ, đông lắm. Anh
chị mời quá trời bạn bè. Nói hồi hết chuyện, anh về sớm. Nghe đâu mấy người ngồi
đấu láo tới nửa đêm.
Thư về lại Đức
hôm trước, hôm sau chị Tiên gọi điện thoại, giọng bí mật:
– Cuối tuần ni
ghé tao chơi đi.
– Chắc chưa được
đâu, em đi cả 10 ngày, lu bu quá. Thư uể oải.
– Mi đang một
mình đó hả? Chị nhỏ giọng.
– Dạ, có chi
không?
– Nếu được, hai vợ
chồng mi thu xếp xuống tao, cho đám bạn gặp.
Chị hạ giọng
thêm:
– Tụi nó thấy chỉ
có hai cha con đi ăn sinh nhật. Rồi lại về sớm, tụi nó đồn rùm lên là là...–
Chị gần như thều thào. Tụi bây bỏ nhau rồi, mi đi mất đất.
– Ui trời đất ơi!
Ai nói giỡn chi độc địa vậy! Thư thảng thốt.
– Đâu có giỡn. Họ
đoán già, đoán non, xầm xì miết. Hôm kia vợ chồng anh Minh chịu hết nổi, gọi
qua tao. Hỏi, sao tao không khuyên giải, nói phải trái với tụi bây đi. Chớ như
vậy tội nghiệp cu Tí quá. Tao nói chi thì nói, chẳng ai tin cả! Chỉ có nước tụi
bây tới, cho họ biết là không có chuyện gì cả.
– Kệ họ chớ. Kỳ cục
thiệt. Ai đâu sao mà xấu mồm. Thư xẵng giọng.
– Tùy ý mi.
Giọng chị giận dỗi.
Có lẽ vì Thư không xem tin chị báo là nghiêm trọng.
– Nói cho
mi biết như vậy thôi. Chớ không, ít bữa lại trách, sao tao nghe, mà giấu.
– Dạ, tối nay, tụi
em bàn với nhau. – Thư ngao ngán.
Cuối tuần đó, vợ
chồng con Thư kéo nhau “ra mắt” mấy họ. Trước mặt bá quan văn võ, vợ chồng Thư
như hai “nghệ sĩ ưu tú”, má tựa vai kề, xuất sắc diễn tuồng, “Sự
gì Standesamt (Sở hộ tịch) đã kết hợp, loài người không được phân
ly.”
Có lẽ vợ chồng
Thư giỏi sắm vai, nên được nhờ đứng ra đại diện nhà trai trong một đám cưới xập
xình, rình rang. Số là, một người quen sơ, một thanh niên đơn thương độc mã xứ
người. Cậu ngỏ lời cầu hôn, nàng và cả ba thế hệ của gia đình nàng đều đồng ý.
Có điều, họ yêu cầu cậu phải tìm người đại diện cha mẹ, nhất là trong tiệc cưới
trước ba làng, bảy xóm. Cậu chẳng có cô dì chú bác ở gần. Bố mẹ cô dâu nằng nặc
đòi cho được một cặp đủ đào, đủ kép, xuôi chèo mát mái. Cậu gõ cửa nhà vợ chồng
Thư, trao thiệp hồng, trăm sự nhờ vợ chồng Thư đứng ra thay mặt phụ mẫu của cậu
trong ngày thành hôn. Thư ngại quá, chỉ quen biết hời hợt, hơn cậu năm ba tuổi,
chẳng hề biết cha mẹ cậu là ai. Cậu năn nỉ:
– Anh chị chịu
khó giúp em đi. Em đề nghị mấy cặp. Nhưng nhà gái nhất định nhờ anh chị.
Chồng Thư xiêu
lòng:
– Tụi này sẽ cố gắng.
Đến “ngày vui”,
chồng Thư diện bộ đồ vest mầu sẫm. Thư điệu áo dài gấm, đài các chính
hiệu... mẹ chồng. Trên sân khấu, chữ song hỉ đỏ loét, chói chang phía sau, bầy
rồng phượng bằng giấy phất pha phất phới, đèn tứ phương, tám hướng chiếu vào
đôi uyên ương và “anh chị sui gia”. Chồng Thư trịnh trọng mấy lời với quan
khách. Thư vờ cúi đầu để nhắc bài cho chồng, theo như “diễn văn” gia đình nhà
gái đã soạn sẵn. Anh thợ chụp hình đeo máy, sửa đèn lăng xăng:
– Chị ơi, làm ơn
ngước mặt lên để chụp hình.
Thư phải vâng lời
đạo diễn, chỉ hy vọng chồng Thư bài vở trót lọt.
– Chà, bà sui coi
cũng sáng nước cản đó chớ.
Anh phó nhòm bấm
lia lịa. Đang đứng giữa “trung tâm vũ trụ”, Thư không dám phì cười. Anh chàng
này coi bộ không theo dõi những tiến bộ của khoa học kỹ thuật về những đồ phụ
tùng xe hơi. Ngày xưa, khi đi ngắm nghé xe hơi, người mua ưa nhìn kỹ cản xe. Thấy
cản móp méo, biết xe có dĩ vãng nhiều giông tố. Ngày nay, cản xe bằng loại nhựa
đặc biệt. Ủi cột đèn, tông vách tường, tài xế chỉ cần ngó trước ngó sau, không
ai thấy, thì biến luôn. Kẻo bị bắt, phải bồi thường, sửa những bất động sản bị
hư hại. Còn xe, lau chùi sơ sịa, bóng loáng, đem chưng nơi thị tứ, thiếu gì kẻ
qua, người lại để mắt. Nước cản còn sáng, đâu có dè, động cơ bị chấn động với
những hậu quả bất ngờ.
Rồi cũng xong,
nhà trai, nhà gái vui vẻ cả làng. Người ta cám ơn vợ chồng Thư rối rít. Thư
mong đôi trẻ ngày nào cũng vui như ngày hôm nay. Sẽ loan phụng hoà minh ít nhất
vài chục năm. Kẻo không, người ta lại tìm vợ chồng Thư mắng vốn, rằng không nhẹ
vía, mát tay.
*
Châu và Thư lần
quần trong tiệm sách cả tiếng đồng hồ. Vừa lựa sách, Thư vừa tính xem đem được
bao nhiêu về Đức. Thư với lấy cuốn Không & Sắc và cuốn Phật
Giáo trên kệ sách thảy vào giỏ sắt. Châu tròn mắt:
– Gì đó mày? Bộ
tính đi tu hả?
– Ừ, mày có quen
chùa nào không? Nghe nói mày bây giờ thế lực lắm. Thư tỉnh bơ.
– Giỡn thiệt mày?
Trong chùa không có tiểu thuyết tầm xàm bá láp. Không có máy hát cho mày nghe
lão ca sĩ ruột của mày rao giảng kinh tình yêu đâu.
– Thì kiếm ông
hoà thượng bất giới nào đó, ổng kể chuyện, ông hát cho nghe. Thư cà tửng.
– Giận đời, giận
người gì mà đòi xuống tóc vầy nè. Châu quay hẳn nhìn Thư. Nói chơi thôi, bộ có
gì buồn hả Thư? Thôi, mua bây nhiêu sách đủ rồi. Tao dẫn mày đi ăn. Tao mới
khám phá ra tiệm ăn bánh khọt ngon ác liệt lắm.
Thư tức cười, coi
bộ bắt thóp nhỏ bạn được rồi. Hễ thèm ăn, thì giả bộ rầu rầu, là có tiểu yến, đại
yến. Thư vờ xụ mặt:
– Cám ơn mày. Bộ,
mày tưởng ăn no căng diều là biến buồn thành vui sao.
– Tao dẫn mày lên
Lý Thái Tổ coi cây với cá kiểng nhen. Rồi tối mình đi uống cà phê nghe nhạc.
Châu thành thật.
Thư như mở cờ
trong bụng, tưởng mình là Bao Tự, õng à, õng ẹo làm nũng. Thư muốn diễn tiếp
màn kịch, xem thử nhỏ bạn dám “chơi bạo” như vua chúa ngày xưa chăng. Nhìn vẻ
lo lắng của bạn, Thư thấy mình… ác, nên vạch miệng đến mang tai:
– Thôi, giỡn
nhiêu đó đủ rồi. Tao đang reo vang reo, ca vang ca, sức mấy mà buồn. Mặc kệ đám
lòng bong rối rắm, tao rất… hùng cường, mai lệ huyền. Ghẹo mày chút cho vui. Thấy
mấy cuốn sách này, nghĩ, chắc Ba tao thích. Chớ tao, chưa cần tới đâu. Tao còn
phải tham sân si giữa cuộc đời trần tục này vài chục năm, đặng còn trả dứt nợ
nhà cửa. Cô Lan ngày xưa sung sướng thiệt, giận Điệp, đùng đùng xách túi chạy
lên chùa.
Đám bạn Thư nhận
thấy “sự cố kỹ thuật” trong đợt về quê này của vợ chồng Thư. Tiễn mẹ con Thư ra
phi trường Tân Sơn Nhất, Ngân lúc lắc tay Thư:
– Chiện đâu còn
đó. Mày yên tâm. Ổng dzìa đây, tụi tao tới ba đầu sáu tay lận mà. Tụi tao ngồi
trụ đây chờ ổng. Ổng ra khỏi máy bay, tụi tao ốp ổng liền, săn sóc tới nơi tới
chốn, đừng hòng quậy.
– Ấy, ấy, xem
nào, em Thư sao lại mày hoa ủ dột thế này. Tươi lên chứ. Hồng sửa sửa tóc của
Thư.
– Nó buồn, tại sắp
xa quê hương, nhớ tụi mình đó mà. Châu làm trò.
Đầu óc Thư đang đầy
những mối lo lẩm cà lẩm cẩm, có tên lẫn không tên. Đã vậy, tâm trí Thư cứ líu
ríu quanh những giả thuyết về những lý do chồng Thư sẽ đưa ra, khi có ai hỏi
sao lại về Việt Nam, lúc vợ con đã rời nơi đây. Các anh em của chồng Thư ai nấy
đã thành gia thất. Đâu có lý do về dự đám cưới của người nhà. Bà con cũng chẳng
thấy ai bắn tiếng có giỗ chạp. Chính Thư cũng mù mờ về lý do chuyến đi của chồng
Thư. Thư đã buồn, khi anh tỏ ý không muốn về Việt Nam cùng gia đình Thư để dự
đám cưới cậu em. Thư lại buốt lòng hơn, khi anh gợi ý, rằng Thư nên sáng tác một
lý do chính đáng về sự vắng mặt của Thư trong dịp trọng đại này của gia đình.
Thư đau sững người, khi anh trả lời, nếu Thư đi không có anh, anh sẽ đi không
có Thư. Có lẽ anh chỉ muốn chứng tỏ cho Thư biết: quân tử nhất ngôn.
Ba đứa bạn thi
nhau trổ tài cố vấn hôn nhân, trọng tài, thám tử, phóng viên chiến trường... Điện
thư tường thuật tại chỗ bay tới tấp như bươm bướm. “Mặt trận miền tây vẫn yên
tĩnh. Ảnh ngoan lắm.” “Bu thằng cu Tí ơi, rờ– tút lại nhé. Chuẩn bị đón
phu quân tung cánh chim tìm về tổ ấm” ... Cứ đà này, ba con bạn Thư nhấp
nhỏm đi hốt hụi non, gom tiền cho Thư đi thẩm mỹ viện đặng nâng cấp điện nước.
Thư rên thầm, bạn ơi là bạn, bè ơi là bè. Tưởng đâu cái bịnh lanh chanh chỉ có ở
nữ sinh trung học. Dè đâu, mấy nữ quái trung niên cũng lâm trọng bịnh như vầy.
Thư tiếc không có webcam, cho tụi nó thấy mặt Thư đang sầm xuống, nặng
chình chịch, tối om om. Thư dở giọng dao búa cảnh cáo, “Đứa nào còn viết email lằng
nhằng về đề tài này, tao bảo máy cấm cửa địa chỉ đứa đó!” Khổ quá! Tụi nó làm
như Thư đang ngậm cam thảo luyện giọng, để cao giọng véo von Tại em không
nói, hay tại anh không biết/ Mà tình ta tan vỡ theo thời gian . Có chăng,
nếu hát, Thư chỉ dám khàn khàn bắt chước ông ca sĩ nhạc rock, tóc tai lỉa
chỉa như trái chôm chôm, rằng, I don’t wanna talk about it...
Đứa lo mời chồng
Thư đi ăn bánh xèo. Rồi tình cờ, ghé qua tiệm sách, đứng thật lâu bên tấm tranh
thư pháp, ra dấu chồng Thư mang tấm tranh đến quầy trả tiền: Nên chăng, thú nhận
điều này/ Anh không thể sống một ngày vắng em. Thư nhíu mày, trán nhăn chằng
chịt như trán Einstein. Tính theo phép toán này, anh chết queo từ đời tám hoánh
rồi, vì vắng em đến đến mấy chục lần của một ngày lận mà. Nhỏ bạn Thư gà cho
chàng câu thơ coi bộ hơi lạc quẻ.
Đứa khác rủ chồng
Thư đi ăn chè. Rồi kè anh đến đường Hồ Tùng Mậu, đạo diễn cho anh mua dĩa của một
nam ca sĩ trẻ đang rất ăn khách tại Việt Nam... Như xa xôi nay quay về gần
gũi/ Yêu em, vì chỉ biết đó là em... Chả là hôm trước, Thư viết thư,
kể, đã nghe ca sĩ đó hát bài Em Đã Thấy Mùa Xuân Chưa? Xao xuyến bồi
hồi. Nghe một lèo mấy tiếng đồng hồ chỉ một bản nhạc. Sau đó, cứ lẩm nhẩm ca và
có cảm tưởng hình như mình đang thấy mùa xuân. Thật ra, Thư hơi cường điệu, khi
khen dĩa nhạc tụi bạn gởi tặng. Tưởng, chỉ để thăng hoa hạnh phúc người tặng. Vậy
mà, tụi nó tưởng Thư tương tư ca sĩ.
Đứa thì lùng khắp
chợ Bến Thành, khuân cả một thúng trâm cài lượt dắt, rỉ tai chồng Thư, bảo làm
quà cho “hiền thê”. Để Thư hoa hoè lên sợi bạc sợi xanh, mà chúng nó vẫn lếu
láo lý giải, bởi sớm yêu, nên tóc vội phai màu. Anh nhất nhất nghe lời “chỉ đạo”,
dù không thoải mái khi nhớ đến mấy rổ kẹp tóc của Thư đã không ngừng giành dân
lấn đất phòng tắm ở nhà.
Nói chung, ông Tơ
bà Nguyệt ngày xưa chăm chỉ xe tơ hồng, chắc không thể nào “nhiệt tình cách mạng”
hơn mấy nhỏ bạn của Thư.
Trên đường từ phi
trường về nhà, chồng Thư hớn hở:
– Anh tìm mua được
cái dĩa này cho em, chắc chắn em sẽ thích.
Anh bấm lịch kịch,
máy cứ báo no disc. Anh chặc lưỡi:
– Máy trong xe
hơi nhạy quá, không đọc được các dĩa đốt.
Về đến nhà, anh vội
vàng thử ngay. Thư đã quen dùng máy nên góp mẹo:
– Anh đừng bỏ vào
máy Panasonic. Máy tốt, kén dĩa lắm. Anh thử bỏ qua máy Red Star.
Tiếng nhạc dạo mở
đầu bản nhạc vang lên, đến nốt thứ ba Thư đã nhận ra giai điệu bài hát. Không
phải vì Thư là thiên tài âm nhạc, với khả năng thẩm âm siêu việt. Mà, bởi Thư
đã có thời kỳ mê tít nhạc phẩm này. Đã bao lần, Thư để dĩa nhạc vào máy, bấm bản
số 10, bấm nút repeat. Cứ vậy, Thư ngồi rỉ rả viết thư cho bạn bè. Kể, đi
dự đêm nhạc thính phòng, nghe chính nhạc sĩ trình bày nhiều tác phẩm của ông.
Nhưng đối với Thư, bài hát này đúng là tuyệt chiêu của chàng... Có lần, Thư
đang mơ màng… mở cửa hồn em vào đó rong chơi, em có thấy tình anh ngát
hương hoa. Chồng Thư đi ngang qua:
– Ủa, sao bữa nay
ảnh ca nhừa nhựa, nghe ớn ăn quá vậy.
– Không phải giọng
Tuấn Ngọc. Thư mím môi, với tay tắt máy.
– Không phải thì
thôi, có gì đâu. Người sao mà... kein Sinn für Humor (không có óc khôi hài) Giọng
anh cụt hứng.
Đâu phải lâu lắc
gì, mới năm ngoái đây thôi mà. Anh không hề nhớ Thư đã quấy rầy chồng con nhiều
ngày với bài hát này. Ôi chao! Mấy con bạn khi mở lớp đào tạo đặc biệt cho chồng
Thư về gout nhạc của Thư, mà không “tập huấn” tới nơi tới chốn. Bài
ca hạnh phúc chồng Thư đang trình diễn đâm ra lạc điệu, lỗi cung. Thư tưởng như
nghe tiếng thở dài của chính mình. Có lẽ anh phải gồng mình, như Thư trân người
để cả hai chịu đựng được những ý thích khác biệt của nhau. Anh hý hoáy mở cuộn
giấy to, háo hức:
– Anh tính đi tìm
lịch thư pháp cho em. Mà bây giờ sớm quá, chưa có nhiều để lựa. Anh nhờ Hồng
viết thư pháp, dán vào lịch đó.
Anh trải tấm lịch
ra. Thư liếc nhanh hàng chữ lả lướt trên giấy dó của Hồng, ...thì em ơi đó
là tình yêu chúng ta...Thư nhớ mấy hôm ở nhà Hồng thọ giáo thư pháp. Hồng lên
giọng, xuống giọng:
– Đấy nhé, mày phải
chờ cho tâm nó tịnh, mới phóng bút được. Cấm ăn to, nói lớn. Chớ xơi phụng chảo,
bún giò. Cứ nghe đến chân là tránh cho xa.
– Tất tần tật.
Chân chính, chân phụ gì cũng làm tay run lẩy bẩy, chữ nghĩa như mèo quào, gà bới,
chả ra thể thống gì sất, mang tiếng học trò của tao. Ối giời, chờ ngày mày
ngoáy cho ra vài nét, không biết đến năm Dậu, năm Thìn. Đây, nghía đi, thích tấm
nào tao thí cô hồn cho mày.
Hồng đưa tay
khoát một vòng những tranh treo ngang, treo dọc đủ cỡ trong phòng khách. Gì
đây, Nếu ai bảo yêu nhau là đau khổ/ Xin một đời đau khổ để yêu nhau. Hồng
thao thao:
– Tác giả là ái nữ
của một nhà văn nổi tiếng. Nàng xuất khẩu, diễn tả một cái sự rất chi là huề vốn,
mà xem ra áp dụng được cho nhiều trường hợp. Ấy chết, mày không nên vận vào người
mấy câu thơ đau dãy tê tê như cua kẹp thế này. Đấy, tao bảo nhé, cứ túm câu này
về mà gối đầu giường. Ối giời, nghe này, Nếu có điều gì vĩnh cửu được...
Nghe mát cả tim gan phèo phổi.
Hồng vừa kéo dài
giọng Bắc, rất Bắc của nó, dù ngày bố mẹ Hồng di cư vào Nam, nàng chưa chào đời,
vừa đưa tay gỡ tấm thư pháp. Thư chận tay Hồng:
– Thôi, để đó cho
mày.
Phải chi ông nhạc
sĩ sáng tác bài hát này sơm sớm. Có lẽ, thuở đó Thư đã có lúc phơi phới tựa
đầu lên vai anh, em sẽ thấy mùa xuân về rất nhẹ... Còn bây giờ thì... Thư
sửa giọng tự nhiên:
– Ừ, mày có nhiều
câu hay hay. Nhưng thôi, để
tao về nhà, bày nghiên, bày bút, coi thử rồng phượng bay múa ra sao.
Nhìn chồng lăng
xăng trình làng những món quà cho Thư, trong những nỗ lực cho– vừa– lòng– em,
Thư tưởng như thấy hai vợ chồng đang rướn cổ hít lấy hơi thật dài, để cùng nhau
nín thở qua sông. Người ta hay chúc tân lang, tân giai nhân một cách vô tâm:
trăm năm hạnh phúc. Nhảm quá! Nhảm quá! Theo công thức này mà cọng trừ nhân
chia, vợ chồng Thư còn quãng sông quá dài. Nhìn sang, chẳng thấy đâu bến bờ.
Đâu đó, Thư nhớ loáng thoáng có đọc được một lời nhắn nhủ “khả thi”
hơn: Phu thê trót đã buộc ràng/ Thì xin nhẫn nại cưu mang vợ chồng.
Hoàng Quân
Trích lời trong
bài thơ 1978 ở Việt nam của thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên
Trích lời ca
trong các nhạc phẩm:
Mãi mãi bên
em của nhạc sĩ Từ
Công Phụng
Vì đó là
em của nhạc sĩ Diệu
Hương
Em đã thấy mùa
xuân chưa? của nhạc
sĩ Quốc Dũng
I don't wanna talk about it covered by Rod
Stewart
Tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi của nhạc sĩ Lam
Phương
Tình tự mùa xuân của nhạc sĩ Từ Công Phụng