(tiếp theo)
Hai người đã phát biểu ý kiến của mình. Nhiệt tín của nhà
tu, lòng đam mê tự tin của tuổi trẻ, cộng với sự quá khích háo thắng thường thấy
trong các cuộc tranh luận, đã khiến vô tình họ trở thành những người đối địch
không khoan nhượng. Những tiếng ”thu xếp”, ”dường như là có thật” trao qua trả
lại hoài, cuối cùng thành tiếng mỉa mai. Vị linh mục và trung úy cũng nhận thấy
điều đó, nên sau khi trung úy dứt lời, linh mục mỉm cười gật gù, tỏ ý chấp thuận
một phần không nhỏ lập luận của đối thủ.
Tuy thế cụ cán sự hồi hưu vẫn chưa yên tâm. Cụ thích sự hài hòa, ghét tất cả cái gì quá khích. Cho nên cụ sợ vị linh mục lại sắp nhập cuộc. Thấy nhà tu im lặng mỉm cười, cụ lại hiểu lầm rằng linh mục muốn biểu lộ lòng rẻ rúng, khinh khi. Cụ muốn xoay câu chuyện sang phía dễ dãi. Cụ cán sự hồi hưu hỏi ông giáo:
“Hồi trước ông làm gì mà thông thạo sinh hoạt ở Quốc hội đến
thế?”
Ông giáo đáp:
“Trước tôi dạy học. Trường Nguyễn Trãi bên Khánh Hội, cụ biết
chứ?”
“Vâng. Tôi có mấy đứa cháu cũng học ở đấy. Ông siêng đọc báo
lắm nhỉ?”
“Không có đâu ạ. Bị bắt buộc đấy!”
“Sao thế?”
“Mấy năm Mỹ qua, vật giá lên cao quá. Đồng lương giáo sư
không đủ sống. Nhà tôi lại hẹp, không có phòng nào dư để sửa thành ”Room for
rent”. Vì thế, tôi xin thôi dạy, ra làm quản lý trị sự cho một tờ nhật báo.”
Biết thế nào ba người cũng hỏi, nhà giáo tiếp luôn:
“Báo Tranh Đấu, chắc cụ và cha có đọc. Trung úy thì tôi
không dám hỏi, vì báo tôi ”già” lắm, thuộc phái thủ cựu. Tôi có cậu em rể làm
chủ bút, nên giới thiệu giúp cho. Sau ”giải phóng”, tôi khổ sở vì tờ báo liên
miên.”
Trung úy hỏi:
“Sao thế?”
“Tờ Tranh Đấu bị xếp vào loại phản động, mập mờ vuốt ve giới
lao động mà thật sự là CIA của Mỹ. Các ông ấy bảo vậy. Khốn nỗi chủ nhiệm, chủ
bút, các biên tập viên chính đều ra đi cả, còn trơ một mình tôi ở lại. Tôi trở
thành đầu têu của một ”cơ quan tình báo” núp sau hoạt động báo chí. Cho đi tù
là phải!”
Mãi đến lúc đó, ba người mới biết nhà giáo hiền hòa ít nói
đã từng nếm mùi tù đầy khá lâu. Cụ cán sự hồi hưu hỏi:
“Ông bị bắt năm nào?”
“Năm 1976. Đợt hơn 200 nhà văn nhà báo bị bắt một lượt sau vụ
nổ plastic ở công trường Con Rùa.”
Trung úy vội hỏi:
“A, như vậy cùng một lượt với Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Mạnh Côn,
Dương Nghiễm Mậu, Nhã Ca, Hồ Hữu Tường, Mai Thảo, Duyên Anh chứ gì?”
“Phải. Nhưng Mai Thảo thoát được, mãi về sau mới trốn khỏi
Việt Nam qua Mỹ.”
“Nghe nói có cả Thanh Tâm Tuyền, Vũ Hoàng Chương?”
“Thanh Tâm Tuyền trình diện học tập theo sĩ quan chế độ cũ.
Còn Vũ Hoàng Chương bị bắt trước đó vì một bài thơ.”
Ba người bạn của ông giáo không ngờ tìm được một người am tường
giới văn nghệ báo chí như vậy, họ thay nhau hỏi ông giáo đủ thứ chuyện.
“Vào đó họ tách riêng ra hay nhốt chung với ngụy quân ngụy
quyền?”
“Không. Ngụy quân ngụy quyền được ”hưởng” chế độ học tập cải
tạo, đầu tiên thuộc quân quản. Chúng tôi là tù 100% với đầy đủ lệ bộ: Trát tống
giam của Bộ Nội Vụ, khám xét nhà, còng số 8, xe đưa rước đến tận xà lim...”
“Họ nhốt ở đâu? Chí Hòa à?”
“Đầu tiên ở Phan Đăng Lưu, trước mặt chợ Bà Chiểu đó. Sau một
thời gian họ phân loại, mỗi người mỗi ngả.”
“Họ phân loại cách nào?”
“Họ phân loại sẵn từ trước. Các bạn nhớ là mãi 1976 họ mới bắt.
Như vậy ngoài tài liệu sách báo có sẵn trước 1975, họ còn hơn một năm để tìm
thêm tài liệu, thu thập các bản báo cáo của kẻ nằm vùng, dân xu thời nịnh hót,
kẻ sợ hãi thái quá. Quá đủ thời gian để họ tính sổ nợ. Ngành nào tính sổ nợ
ngành ấy. Có lẽ văn nghệ báo chí là ngành phức tạp, nên tính có hơi chậm.“
“Rồi họ hỏi các ông những gì?”
“Họ hỏi ít thôi. Chỉ bắt chúng tôi nghe thì nhiều.”
“Thì vẫn những bài bản quen thuộc ”Đất nước ta giàu đẹp,
nhân dân ta anh hùng”. ” Tình hình và nhiệm vụ mới”, ”Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng...”
“Không. Họ xem chúng tôi như những tên ”biệt kích nguy hiểm”
trên mặt trận tư tưởng, nên muốn phanh phui cho ra ”âm mưu thâm độc của Mỹ Ngụy
trên mặt trận văn hóa văn nghệ”. Nào cuộc đấu tranh quyết liệt giữa phe đế quốc
tư bản với lực lượng tiến bộ trên toàn thế giới; nào chính sách toàn cầu của đế
quốc Mỹ. Chính sách ấy áp dụng riêng ở Việt Nam như thế nào, Mỹ đã ra lệnh cho
ngụy quyền Sài Gòn làm những gì. Bọn chóp bu ngụy quyền nhận lệnh quan thầy Mỹ
rồi ra lệnh cho bọn bồi bút ra sao. Cuối cùng đến phần chúng tôi: Viết bài báo
đó theo lệnh tên CIA nào? Được trả bao nhiêu đô la? Cuốn truyện, bài thơ đó xuất
bản đúng lúc Mỹ đang chủ trương ”thay màu da cho xác chết” tức là ”Việt Nam hóa
chiến tranh”. Giả vờ chống Mỹ, giả vờ đề cao tình tự dân tộc để phục vụ chính
sách đó phải không? Đại khái chúng tôi nghe những lời như vậy. Cả một hệ thống
lập luận đồ sộ từ chủ thuyết triết học ”khoa học và tiên tiến” nhất. Nhờ nó mà
cái âm mưu thâm độc nham hiểm về văn hóa văn nghệ của Mỹ bị vạch trần. Bọn bồi
bút biệt kích các anh đã làm gì trong âm mưu ấy?”
“Rồi ông trả lời ra sao?”
“Tôi ngớ ra, miệng há hốc chẳng hiểu gì cả. Chẳng hiểu mà
không dám hỏi, không dám cãi, vì cái hệ thống luận lý đồ sộ quá, tôi hãi hùng.
Trời hỡi! Té ra việc bỏ dạy, làm kế toán kiếm thêm tiền chợ cho ”má bầy trẻ hài
lòng” của tôi nằm trong một âm mưu thâm hiểm và bao quát cả toàn cầu! Tôi một mực
kêu oan với cán bộ chấp pháp, thưa tôi chỉ lo trị sự kế toán như chạy mua giấy,
trả tiền nhà in, trả nhuận bút theo phiếu chi của tòa soạn, nhận tiền đăng quảng
cáo... Họ khó chịu, bảo tôi vung tiền ra thuê bọn bồi bút viết chửi cách mạng,
tức là một thứ cai thầu văn nghệ mà còn kêu oan. Họ hỏi ai ra lệnh cho tôi thôi
dạy để gài vào tòa báo, núp bóng sau cái dạng một thầy ký lẩm cẩm. Tôi bảo tôi
chưa lẩm cẩm, và chính vợ tôi gài tôi vào tòa báo. Họ bực quá, đuổi tôi về xà
lim. Hai tháng sau, tôi gặp một cán bộ chấp pháp khác, chuyên viên về văn hóa
văn nghệ thực dân mới được biệt phái qua Bộ Nội Vụ để tìm hiểu, làm việc với
chúng tôi. Anh này còn trẻ, ăn nói nhã nhặn, vừa hỏi vừa mời tôi hút thuốc thơm
Phù Đổng.”
“Anh ta có nói gì khác không?”
“Khác chứ. Anh ta nói có sách mách có chứng. Anh đã đọc kỹ từ
số 1 đến số 1092 của nhật báo Tranh Đấu, từ bài xã luận cho đến mục rao vặt.
Anh ta phân tích cho tôi thấy các bài xã luận đã chuyển mục tiêu trong từng
giai đoạn như thế nào, và các giai đoạn đó phù hợp với ba giai đoạn ”chiến
tranh cục bộ, chiến tranh toàn diện và Việt Nam hóa chiến tranh” trong sách lược
xâm lăng của đế quốc Mỹ ra sao. Kỳ diệu hơn nữa là ngay cả mục rao vặt cũng biến
đổi theo ba thời kỳ. Cũng may cho tôi là...”
Nói đến đó, nhà giáo ngừng lại, cười bẽn lẽn. Vị linh mục hỏi:
“May là ông được trắng án chứ gì?”
“Trắng sao nổi! Không phản động thì ngụy hòa. Không ngụy hòa
thì ngụy dân tộc. Không ngụy dân tộc thì đồi trụy. Không đồi trụy thì nhảm nhí.
Mà nhảm nhí, đồi trụy, ngụy dân tộc, ngụy hòa lại là hình thức tinh vi hơn của
phản động. Chạy trời không khỏi nắng đâu!”
“Thế thì may cái gì?”
“May cho tôi là có mấy lần thằng em rể giận vợ hay càm ràm
chuyện tiền nong, bỏ sở lên Đà Lạt chơi mấy ngày liền. Chủ nhiệm than quá, bắt
tôi gánh mấy kỳ xã luận. Tôi phải đem báo cũ ra xào nấu chắp vá đến toát mồ
hôi.”
“Nguy rồi. Chắc họ chất vấn dữ lắm?”
“Không. Tôi đề tên em rể tôi. Tòa báo nào cũng vậy, ai viết
mặc, nhưng cứ để tên một số người có thế, cho đỡ rắc rối.”
Nhà giáo lại đỏ mặt lên, ấp úng thú nhận:
“Mấy bài báo đó bị anh chấp pháp chuyên viên cho là quan trọng,
trích dẫn tùm lum tà la mới chết chứ! Anh ta bảo nó báo hiệu bước chuyển tiếp từ:
”khuynh hướng phản động trực diện” của tờ Tranh Đấu qua “khuynh hướng ngụy dân
tộc”.
“Ha ha! Ông viết gì trong đó mà quan trọng thế?”
“Hôm ấy kỷ niệm giỗ tổ Hùng Vương. Tôi xào nấu lại bài ”Cảnh
quê hương đẹp hơn cả” trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư học hồi còn nhỏ.”
Cả bốn người đều cười. Cụ cán sự hồi hưu nhận xét:
“Ông chỉ nhún nhường giấu mình, để khôi hài cho vui đấy
thôi! Nghe ông luận giải từ cái khăn trải bàn hiệu kem Givral ra bao nhiêu lời
chửi xéo bọn đào kép nhà hát lớn, tôi biết ông thâm lắm. Viết xã luận, phải biết!”
Nhà giáo vội nói:
“Cụ dạy quá lời!”
“Không quá lời đâu. Ông đừng vờ vịt. Tôi phải bắt ông trả nợ.
Cha và anh trung úy đây đã phát biểu về chuyện tự vẫn. Bây giờ đến lượt ông.”
“Đâu dám qua mặt cụ.”
“Tôi đã có ý kiến rồi, nhưng để sau cùng. Ông nói trước đi.”
Nhà giáo không có cách nào thoát, đánh làm mặt nghiêm, và
nói:
“Vâng. Tôi phải ráng nói vậy. Kể lan man phất phơ, chứ lý luận
chặt chẽ thì chịu thua thôi!”
Hồi đó trong trát bắt giam chúng tôi, Bộ Nội Vụ có ghi rõ
hình phạt tập trung cải tạo ba năm. Hai chữ ”cải tạo” thì anh em chúng tôi đều
hiểu cả. Còn ”tập trung” thì chịu! Hiểu theo nghĩa đen, chúng tôi an ủi nhau:
”Thôi có anh em quen biết, có bó chân bó cẳng thì cũng còn có người đồng cảnh
ngộ hàn huyên đỡ buồn. Tập trung chứ có phải biệt giam đâu! Nghĩ thế nên mới
vào Phan Đăng Lưu, tôi yên lòng. Sau một thời gian chới với vì hệ thống lập luận
đồ sộ tôi vừa nói, tôi dần dần làm quen với cuộc sống mới. Riết rồi cái gì cũng
quen, chắc các bạn đều đồng ý với tôi như vậy. Thời gian qua mau, thoáng một chốc
đã đủ ba năm. Chúng tôi có một cách lập luận lẩm cẩm nhưng hữu hiệu: Trước kia
với bao nhiêu hiểu biết và ràng buộc của một người thường thường bậc trung,
mình chỉ có thể làm như vậy, bây giờ mình trả nợ như vậy cũng đúng thôi. Lúc
vui, chúng tôi còn bắt chước cách nói của giám thị hoặc cán bộ chấp pháp, thường
đùa với nhau: Trước gây tội lỗi như vậy vì mù mờ, ”phải thôi”, bây giờ chịu tập
trung cải tạo, ”tốt thôi”! Có thể nhiều bạn bè bên ngoài hoặc đã ra đi chờ đợi ở
chúng tôi những hành động ngoạn mục, lẫm liệt, đại khái như cái chết của viên
trung tá, trung úy vừa kể. Tôi nghe nói ở Sài Gòn người ta loan truyền khá nhiều
huyền thoại, theo ước mong của thiên hạ chứ không theo thực tế. Vài người trong
chúng tôi được choàng vòng hoa kiểu đó. Nhưng là người trong cuộc, tôi xin
thành thật nói ngay rằng sự lương thiện không cho phép ai nhận bừa vòng hào
quang. Các bạn tính, chúng tôi có gì đâu để tỏ ra lẫm liệt? Trung úy vừa bảo
lúc ấy giới nhà binh hoang mang tuyệt vọng, không có lấy một thần tượng hoặc một
niềm tin để kiêu hãnh. Giới chữ nghĩa chúng tôi cũng vậy. Tuy cùng cầm bút,
nhưng chúng tôi khác biệt nhau về tuổi tác.
Rồi do tuổi tác mà cách tham dự hoặc nhận định về lịch sử
khác hẳn nhau. Lớp dấn mình vào cuộc kháng chiến chống Pháp ở tuổi đôi mươi rồi
vỡ mộng vào thành như Doãn Quốc Sỹ, Võ Phiến, vừa ấp yêu thời kỳ kháng chiến
như một kỷ niệm đẹp, vừa viết văn chống Cộng. Lớp trẻ lớn lên sau Hiệp định
Genève tán đồng huyền thoại kháng chiến của đàn anh nhưng khó chịu khi đọc văn
chống Cộng của họ, thầm chê họ lẩm cẩm. Lớp trẻ hơn nữa dồn hết sức chống Mỹ,
và mơ màng một ”cuộc cách mạng xã hội không đổ máu”.
Tóm lại thế hệ nào cũng thầm lặng khâm phục người Cộng sản
tuy họ cùng khốn khổ vì cuộc chiến tranh do người Cộng sản chủ động. Càng về
sau, cái mốt chung của thời đại là khuynh tả. Tiến bộ, sáng suốt, nhân đạo, thuận
chiều tiến hóa tất yếu, đồng nghĩa với khuynh tả. Chính tôi cũng vậy. Quay sang
đề cao tình tự dân tộc, tỏ thái độ phản chiến hay hô hào bảo vệ đạo đức trước ảnh
hưởng ngoại lai, đều là cái bóng của khuynh tả, và khuynh tả là cái bóng của sự
khâm phục thầm lặng đối với bên kia. Trong lúc đó bên này có gì? Trung úy đã
nói giúp tôi rồi. Thành thử khi bị bắt, chúng tôi tự an ủi: ”Thôi, trước sau gì
cũng phải trả nợ cho xong!”
Khốn nỗi người ta đòi nợ nhiều quá, chúng tôi tối tăm mặt
mũi. Cái thân ốm của tôi gánh sao nổi món nợ của đế quốc toàn cầu? Chúng tôi
bàng hoàng, rồi ấm ức. Cho nên đúng ba năm mà chưa được thả về, chúng tôi giận
thật sự. Thế này là thế nào? Giấy trắng mực đen còn đó! Rõ ràng mặt đấy mặt này
chứ ai! Làm gì bây giờ? Chẳng ai biết phải làm gì cả. Chống lại kẻ một lần ta lỡ
khâm phục, khó lắm, khó y như đi đòi nợ một ông thầy học cũ. Các bạn tưởng tượng
xem, ở trong cảnh huống ấy mà nghe tin một người có uy tín trong văn giới can đảm
tuyên bố tuyệt thực để phản đối, bọn chúng tôi xúc động đến mức nào. Vừa hãnh
diện quàng vừa tự xấu hổ. Ít ra cũng phải có một người dám làm một cái gì chứ!
Anh em chúng tôi xì xào bàn tán với nhau, vừa mừng vừa lo. Người bảo:
“Ông ấy làm tới đấy. Xưa ông ấy nổi tiếng bốc!”
Người thì bảo:
“Biết đâu là tin phịa để mua vui!”
Có người lo:
“Ông ấy như lửa rơm. Bốc đó rồi xìu đó. Sợ không bền!”
Người ta đem cả văn nghiệp ra để hy vọng hay lo lắng, và ai
cũng có vẻ hợp lý cả. Đào bới bấy nhiêu cuốn tiểu thuyết thì chứng minh cái gì
không được. Huống chi tiểu thuyết có bao nhiêu loại nhân vật, dữ, hiền, khôn, dại,
hào hiệp, bần tiện, hiền triết đạo tặc, thiên thần, ác quỉ, kẻ dâm dục, người bất
lực, hạng nào cũng đủ, mỗi hạng mỗi cách nói, chứng minh cái gì cũng có sẵn.
Chúng tôi chờ, dọ dẫm phản ứng của ban giám thị trại giam...
Không phải chuyện phịa, vì chính giám thị khu chúng tôi cũng xác nhận. Thật
đáng mừng. Tin vui đi nhanh qua nhiều ngõ ngách. Có thể nói dù bị kiểm soát gắt
gao, chúng tôi vẫn có thể thông báo cho nhau tin từng giờ:
”Giám thị đã xuống phòng giam và tịch thu phần cơm anh ấy
nhường cho bạn.”
“Nhà bếp được lệnh bớt một phần cơm phòng số 8. Chính giám
thị xuống chia cơm.”
“Anh ấy đã bị chuyển sang khu biệt giam. Từ nay việc lấy tin
chắc khó!”
“Người ta bắt đầu kiểm soát nước khu biệt giam. Chính giám
thị đi chia nước chứ không giao cho ban trực nhật.”
“Đã có lệnh không được mang nước uống cho anh ấy!”
Mọi người bàng hoàng. Thế này là thế nào? Họ quyết bỏ mặc
cho anh ấy chết khát ư? Nhịn đói thì cuộc tranh đấu còn kéo dài được 10, 15
ngày. Có sâm, nhung, lê táo như các thầy Ấn Quang hồi trước kéo tháng này tháng
nọ dễ dàng. Nhưng không uống gì cả được bao lâu? Bắt đầu có nhiều lời bàn ra
tán vào. Người lãng mạn quyết tin rằng anh ấy sẽ đi đến cùng, lẫm liệt, hào sảng
như các nhân vật chính của anh ấy. Người hoài nghi xét lại: Có thể, có nên dùng
phương pháp đấu tranh bất bạo động đối với một chế độ chuyên chính hay không?
Người ba phải thì quay sang lo cho sức khỏe vốn kém của anh ấy. Mọi người nóng
ruột như đứng trên lửa. Chờ đợi khiến phòng giam thêm nực, phòng thêm tối. Chờ
một ngày. Chờ hai ngày. Đến ngày thứ ba, thì có tin chánh thức đáng tin cậy từ
khu biệt giam cho biết anh ấy xin ăn trở lại. Phòng chúng tôi đột nhiên ồn ào
như cái chợ. Mạnh ai nấy nói. Thế lày là thế lào? Các bạn đừng cười. Tôi nhại
câu nói liệu ”Thế lày là thế lào?” của giám thị khu B đến nỗi nhập tâm thành tật.
Hỏi gì thì hỏi, sự thật vẫn cứ là sự thật. Từ đó về sau, chúng tôi nhận được
tin ”hoàn toàn chính thức từ giới hữu trách có thẩm quyền” công khai loan báo.
Tin nào cũng đều khiến chúng tôi đau nhói trong lòng cả!”
Cụ cán sự hồi hưu nói:
“Có khi chưa tới ranh giới sống chết, người ta vẫn hành động
giống như một người bình thường với đầy đủ những cao cả lẫn hèn yếu. Theo ký họa
của một người họa sĩ đương thời thì hoàng hậu Pháp Marie Antoinnette vẫn cố tỏ
ra bệ vệ hách dịch dù ngồi trên xe cây dẫn ra chỗ đặt máy chém. Một tử tội đi đến
pháp trường vẫn cúi xuống phủi một vết bẩn trên chiếc áo đang mặc.”
“Vâng. Tôi thấy phải hiểu anh ấy như một người bình thường.
Thần tượng hóa anh ấy theo mong ước lãng mạn của mình là lỗi của mình, không phải
lỗi anh ấy. Theo cách đó, tôi nghĩ không nên siêu hình hóa cái chết. Gán cho nó
một ý nghĩ quá quan trọng là cái lỗi của tinh thần duy lý Tây phương. Tại sao
không xem nó như một loại sinh hoạt của đời sống sinh vật y như tìm mồi, làm tổ,
sinh con, bài tiết, thậm chí cắn mổ nhau để vui chơi hoặc tranh ăn. Quan trọng
hóa cái chết thành ra làm hại nó. Đặt cho cái chết một mục tiêu, là làm hại nó
lần thứ nhì. Cái lỗi của chúng tôi, và của cả anh ấy, là muốn dùng cái chết để
làm một cái gì đó. Ta mặc cả với Thần Chết, ta so đo, ta vòi vĩnh, cò kè thêm bớt.
Ta tính đến chuyện thành bại. Cho nên khi thấy không thành công được, thấy chết
chỉ thiệt thân, ta bèn dừng lại. Tôi nhớ lúc nãy trung úy có bảo tuy thất bại,
kẻ thù vẫn phải kính nể trung tá như một kẻ thù nghiêm chỉnh. Tôi đồng ý với phần
sau câu nói, nhưng xin lỗi nhé, tôi bác bỏ phần đầu: ”Tuy thất bại”. Tại sao
nói chuyện thành bại ở đây? Gắn thêm cho cái chết một cái đuôi chỉ tổ làm vướng
dáng đi tự nhiên của nó thôi! Giả sử bây giờ có ai bảo hòa thượng Thích Quảng Đức
tự thiêu để phản đối ông Diệm, nhất định ta sẽ chê người đó là cận thị rồi! Câu
chuyện của tôi đến đây chấm dứt. Nếu là cán bộ chấp pháp, các bạn sẽ xếp nó và
loại nào: Phản động? Đồi trụy? Ngụy dân tộc? Hư vô chủ nghĩa? Chắc không nặng
án thế đâu! Quá lắm chỉ thuộc loại nhảm nhí, tuy tôi vẫn nhớ ”nhảm nhí cũng là
hình thức tinh vi của phản động.”
*
Nhà giáo vừa dứt lời, cụ cán sự hỏi liền:
“Xem cái chết là
tự nhiên à? Anh sợ chết không, nói thực đi?”
Ông giáo cười,
quay hỏi vị linh mục:
“Cha sợ chết
không?”
Cha xứ nghiêm chỉnh
đáp:
“Không. Tôi tin sự
sống đời đời trong nước Chúa.”
Ông giáo hỏi
trung úy:
“Còn anh?”
“Chưa sợ. Tôi còn
khỏe. Hơn tháng nay, tôi chưa phải bước chân lên bệnh viện lần nào.”
Ông giáo hỏi ngược
lại cụ cán sự:
“Thế cụ có sợ chết
không đã?”
Cụ cán sự hồi hưu
đáp ngay:
“Sợ chứ!”
Ông giáo bật cười
lớn:
“Sợ chết sao còn
dám vượt biên? Cụ luống tuổi rồi đi đâu cho khổ. Gió bão, tù tội, đói khát, sơ
ý một chút là chết. Tại sao phải đi?”
“Tôi sợ một cái
chết khác ghê gớm hơn.”
Ba người hơi thất
vọng, đoán thế nào cụ cũng xổ một lô những lời chống Cộng thật đúng bài bản,
như ”vô thần khát máu” như ”tam vô chủ nghĩa” vân vân và vân vân. Họ đã nghe những
thứ đó chán chê từ thời ông Diệm. Cụ cán sự để mặc cho các bạn thất vọng, từ từ
uống cạn ca nước trà nguội, rồi mới nói:
“Tôi không sợ chết
nói chung, nhưng sợ riêng một số cách chết. Chết đứng như Từ Hải, thảm mà oai.
Chết mà đi như Dracula chỉ dùng để dọa con nít. Tôi luống tuổi, mặn ngọt chua
cay của cuộc đời nếm tê cả đầu lưỡi, từng ”nghiên cứu” cái chết kỹ lưỡng lắm,
nên nghiệm thấy cái chết đáng sợ nhất là cái chết mà vẫn còn sống, sống mà vẫn
chết.”
Nhà giáo cười rồi
hỏi:
“Nghĩa là ngắc
ngư? Bị bại liệt à?”
“Không, đây là một
cách tự vẫn đặc biệt. Rắc rối quá phải không. Để tôi kể quách cho các bạn nghe
cho rồi!”
Tôi hơn các bạn
những hai chục tuổi, từng sống dưới sáu chế độ: Pháp thuộc, Nhật thuộc, Tàu phù
thuộc, Cộng sản thời kháng chiến, Chế độ quốc gia từ thời ông Diệm, à quên, từ
Bảo Đại đến ông Thiệu, cuối cùng là Cộng sản sau 1975. Nếu kể HCR nữa thì đến bảy.
Anh em, bà con, con cái, bạn bè, lần lượt chết khá nhiều, mỗi người mỗi kiểu.
Không thiếu những người tự tìm lấy cái chết, trong đó có một con trai của tôi.
Các bạn đừng lầm. Tôi không kể về cái chết của nó đâu. Nó chết tầm thường, tự
nhiên, một cái chết lãng xẹt vì một con điếm thúi. Chuyện tôi sắp kể liên quan
đến một người bạn cũng từng sống dai nhách như tôi vậy.
Ông ấy cũng là một
nhà văn. Thời chúng tôi còn phải học ”Nos ancêtres sont des Gaulois”, thú tiêu
khiển hiếm lắm. Ngoài vài ba thứ cờ bạc bị nghiêm cấm, lũ học trò chúng tôi chỉ
tìm vui trong thú đọc sách. Mà sách lại hiếm, khó mua khó mượn.
Cầm được một quyển
sách trên tay đã được các cô kính nể khâm phục lắm rồi. Huống chi là viết sách!
Bạn tôi thuộc vào số ít con người đáng nể ấy, lúc chưa được hai mươi. Đã thế
sách bạn tôi viết lại được trích giảng cho học trò học thuộc lòng. Tôi dám tin
chắc rằng các bạn cũng đã thuộc lòng đoạn văn của bạn tôi.
Mọi người đều tò
mò hỏi:
“Cụ đọc thử xem?”
Cụ cán sự hồi hưu
chớp chớp đôi mắt lộ vẻ cảm động. Cụ nhớ lại cái thời xa xưa đã mất, run run đọc:
Hằng năm cứ vào
cuối thu lá ngoài đường rụng nhiều...
Ba người cùng kêu
ồ, nhà giáo ê a đọc tiếp:
Và trên không có
những đám mây bàng bạc...
Trung úy nói:
“Bài Ngày tựu trường
của Thanh Tịnh.”
Vị linh mục cũng
nói:
“Trong tập Quê Mẹ.
Bài đó nổi tiếng trong giới học trò chẳng kém gì bài La Rentrée của Anatole
France. Cụ có quen với Thanh Tịnh à?”
Cụ cán sự nói:
“Đấy. Cha vừa hỏi:
”Cụ có quen với Thanh Tịnh à?” Gần xuống lỗ mà còn được hỏi như vậy, huống chi
thời đi học được là bạn của Thanh Tịnh, mày mày tao tao với một ”nhà văn”, ôi
chao, hân hạnh biết chừng nào. Khỏi cần nói chắc các bạn cũng biết tôi đã bắt
chước Thanh Tịnh từng dáng đi, điệu nói, cách để tóc, cách ăn mặc. Tôi còn lén
viết một bài văn đặt nhan đề ”Hôm khai trường” với đầy đủ lá rụng, mây bay,
chơi diều, chơi bi, rồi chép sao nhiều bản gửi đi các báo ở Hà Nội, Huế, Sài
Gòn. Tôi chuẩn bị đón nhận sự nổi tiếng. Sáng tác của tôi gửi đi mà chờ mãi
không có gửi lại. ” Tài ba” của tôi bị các cặp mắt phàm tục đố kỵ ở các tòa soạn
lơ là, tội nghiệp thân tôi. Tôi tủi thân, đâm ra ganh ghét bạn. Ánh sáng của
Thanh Tịnh làm mờ hào quang của tôi. Phải xa anh ta mới dựng sự nghiệp được. Thầy
mẹ giúp tôi thỏa ước - vì sau đó gia đình tôi dời đến tỉnh khác. Cách mạng
tháng Tám. Rồi tản cư. Tôi đã trở thành một thanh niên có bằng Cao đẳng Tiểu học.
Tên nghe lạ phải không? Hồi ấy Trung học đệ nhất cấp gọi là École primaire
supérieure, đậu Trung học đệ nhất cấp thì gọi là đậu bằng Thành chung hoặc Cao
đẳng Tiểu học. Trước cách mạng tôi đang học dở ngành trợ giáo nên trong kháng
chiến, tôi phụ trách một trường bình dân học vụ, rồi làm hiệu trưởng trường cấp
hai. Chưa có thời kỳ nào tôi đam mê hào hứng với công việc của mình như thời ấy.
Cảm và nói là một, nói với làm cũng là một. Bây giờ nghĩ lại thấy hồi đó mình
lãng mạn đến quá khích.
Tôi tin tưởng tuyệt
đối vào cuộc kháng chiến, nên làm gì tôi cũng xung phong hàng đầu. Chịu gian khổ,
thiếu thốn, bệnh tật là một niềm vinh dự. Cũng như các bạn cùng thế hệ, hai tiếng
”độc lập” làm cho tôi say mê. Vì độc lập tôi sẵn sàng hy sinh tất cả. Thiếu thốn
ư? Có độc lập sẽ có tất cả. Yêu nhau mà chưa lấy được nhau ư? Hẹn ngày độc lập.
Lấy nhau mà không thể sống bên nhau? Hẹn ngày độc lập! Độc Lập là cái chìa khóa
mở mọi cánh cửa, kể cả những cánh cửa có ổ khóa rỉ sét. Còn giữ lại làm gì những
tư tưởng ủy mị lỗi thời từng làm yếu đuối thanh niên, làm trì chậm cuộc đấu
tranh giành độc lập. Chỉ cần nghĩ như thế chúng tôi lao vào cuộc cải tạo tư tưởng
đầy dằn vặt, thống hối, lo âu, hoảng hốt. Ôi những đêm tự phê bên ánh đèn dầu
sau giờ dạy học, những tháng ngồi trước trang giấy đáng sợ, để moi óc ghi lại tất
cả những tư tưởng, cảm giác, hành động bạc nhược hèn yếu. Chúng tôi xưng tội
công khai, khóc lóc, thống hối công khai. Cầm một cuốn tiểu thuyết của Tự Lực
Văn Đoàn là một cái tội. Chúng tôi đã nghĩ như vậy, và thù ghét cái bóng tiểu
sư sản trong con người mình một cách chân thành. Thưa cha nếu không sợ phạm
thánh, tôi dám so sánh cái không khí thời đó giống với không khí của Phúc âm.
Quả thật như vậy. Cũng có những ”Đấng Cứu Thế” và những lời tiên tri. Cũng có hứa
hẹn sự sống vĩnh hằng và sự xả thân, nghĩa là đầy đủ yếu tố cho một thời huyền
thoại. Có kể như vậy các bạn mới hiểu sau 30-4, tôi ngơ ngác đến bậc nào khi thấy
anh em bộ đội thản nhiên mua sách Chưởng, sách Tự Lực Văn Đoàn bán xôn ngoài hè
phố để đọc. Kể cả quyển sách Quê Mẹ mà thời kháng chiến, tôi lãnh phần mổ xẻ
phân tích để lôi ra tính chất ủy mị, bạc nhược. Anh giáo sư, tôi phải bắt chước
anh để hô hoán lên: ”Thế lày là thế lào?” Rồi tôi gặp hết ngạc nhiên này đến ngạc
nhiên khác. Lạ thật. Tôi không hiểu gì hết. Hay lớp trẻ sau này có bản lĩnh hơn
chúng tôi thời trước? Tôi nhận thấy họ hiền hậu, có học thức, lễ độ, nhưng ánh
mắt không ngời lên, khuôn mặt không đăm chiêu, khắc khổ. Có lẽ họ có bản lĩnh
thực! Bao nhiêu năm được đào tạo trong truyền thống cách mạng phải khác bọn trẻ
ủy mị bị thực dân đầu độc chứ! Nhưng lập luận của tôi không vững. Tôi lần lượt
gặp những nhà phê bình nghiêm khắc lên án sách chưởng Kim Dung nhưng mê truyện
chưởng hơn mê gái. Phần nào trong ông ta mê ”chưởng” và phần nào trong ông ta
chửi ”chưởng”? Khúc trên hay khúc dưới? Sao có thể cùng làm một lúc hai việc đối
chọi nhau một cách thản nhiên? Nói ở chỗ thân mật khác hẳn chỗ công khai. Nghĩ
chân thật nhưng viết phải theo bài bản, và điều ấy tự nhiên! Tôi còn nghe nói
khi họp chi bộ, các đảng viên cũng được thoải mái hơn xưa nhiều, khỏi phải đăm đăm
hoặc lên gân. Trước khi họp có kẹo lạc, thuốc lá, nước trà. Lúc đó ăn nói vung
vít, kháo chuyện thoải mái về đủ thứ vấn đề. Hăng máu chửi cả thủ trưởng cấp
cao cũng không sao. Chê Đảng vài điều cũng được nốt. Muốn hát nhạc Ngụy? Được.
Lật vài trang chưởng bỏ dở đọc tiếp? Được. Nhưng khi bí thư chi bộ nhắc: ”Đến
giờ rồi, các đồng chí vào làm việc” thì vẫn những con người ấy nhưng khuôn mặt,
lời nói, tình cảm, tư tưởng hoàn toàn đổi khác. Người vừa chửi thủ trưởng có thể
hết lời ca tụng. Người vừa đọc truyện chưởng gay gắt lên án văn hóa thực dân mới.
Người vừa nấu cám heo bằng điện nhà nước hô hào các đồng chí tiết kiệm của
công, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa. Trời hỡi! Thế này là thế nào? Lớp trẻ
khó hiểu quá đối với tôi. Họ phân thân rối mù nên tôi không biết lúc nào mới gặp
đúng họ.
Tôi phải chờ các
bạn cũ cùng thế hệ. May mắn cho tôi là vài tháng sau, nhân ngày kỷ niệm sinh nhật
Hồ chủ tịch, phòng giáo dục quận (nơi con gái tôi làm việc) có tổ chức một buổi
nói chuyện. Đề tài là ”Cuộc đời của Hồ chủ tịch”. Báo cáo viên, trời ơi, may mắn
quá, đúng là thần tượng thời trẻ của tôi, đúng Thanh Tịnh. Trung tá Thanh Tịnh.
Tôi hồi hộp chờ ngày gặp lại bạn cũ. Tôi tìm đọc lại cuốn Quê Mẹ để bồi hồi nhớ
thời thơ ấu. Tôi tự trách tôi bất công. Tài ba tôi đâu có ra gì đâu mà đòi làm
nhà văn! Đã thế, thời kháng chiến, lợi dụng lúc cách biệt, tôi đã ”trả thù” bằng
cách đem cuốn Quê Mẹ ra mổ xẻ, chê lên chê xuống. Tôi sẽ mời Thanh Tịnh về nhà,
nài cho được một đêm nằm bên nhau rủ rỉ đủ thứ chuyện tâm tình. Bây giờ già rồi,
còn ngại gì nữa. Tôi sẽ nói hết, thú nhận hết, từ việc lén viết bài ”Hôm khai
trường” cho đến việc lên án cuốn Quê Mẹ. Tôi sẽ không xưng tên ngay để sau buổi
nói chuyện dành cho bạn một ngạc nhiên lớn.
Than ôi, chính
Thanh Tịnh dành sẵn ngạc nhiên để tặng tôi. Thanh Tịnh già rồi. Thanh Tịnh nhà
văn nhỏ nhẻ dễ thương thành Thanh Tịnh trung tá. Thời gian mà. Có gì đáng kinh
ngạc đâu.
Nhưng tôi sững sờ
khi Thanh Tịnh bắt đầu nói. Thiên hạ đồn không lầm. Thanh Tịnh đã thành báo cáo
viên chuyên nghiệp chuyên ca tụng bác Hồ. Đi đâu, lúc nào, bao nhiêu năm nay,
Thanh Tịnh chỉ nói về đề tài ấy, gọt dũa luyện tập từng câu từng chữ, để ý đến
cả cách nhíu mày, cách đứng nghiêm, mắt nhìn lên chiêm ngưỡng khi nhắc đến Bác.
Nghe Thanh Tịnh báo cáo một lần, lần sau đến nghe nữa có thể đoán trước trung
tá sắp khóc ở đoạn đó, sắp cúi đầu im lặng ở đoạn kia, sắp ưỡn ngực hô hào ở đoạn
khác... Đúng là một cái xác ướp biết đi biết nói, quan trọng nhất là ca tụng
không biết chán.
So sánh với các
cung phi bị giam kín nơi lăng tẩm các vua chúa đã chết thời xưa, Thanh Tịnh còn
may hơn nhiều. Nhưng một nàng cung phi mới bị ông hoàng si bỏ quên, đã dám
nghĩ:
Dang tay muốn dứt
tơ hồng
Bực mình muốn đạp
tiêu phòng mà ra.
Thanh Tịnh có bao
giờ dám nghĩ thế không? Than ôi! Thanh Tịnh, người bạn nhỏ của tôi, ”địch thủ”
của tôi, thần tượng của tôi, niềm mơ ước của tôi! Bạn không có cách tự vẫn nào
dễ chịu hơn ư? Bạn đã chọn cách chết chậm chạp nhất, khắc kỷ nhất, chết mà vẫn
sống, sống mà coi như đã chết. Bạn tự nguyện làm cái xác ướp để dễ hầu cận một
cái xác ướp khác.
Tôi bỏ về trước
khi trung tá Thanh Tịnh kết thúc bài nói chuyện, lòng hối tiếc khôn nguôi. Cách
tự vẫn tôi kể, nhạt nhẽo lắm phải không? Nó kéo dài quá, như một màn kịch vụng
lê thê làm khán giả chê chán! Nhà tư tưởng của cha lấy thế đẩy ngã chồng sách
là xong, để lại cả một lô messages, một lô sứ điệp. Ông trung tá đoành một cái,
được bạn nhà giáo khen là thâm trầm. Nhà văn bỏ dở cuộc nhưng được bạn bè thông
cảm. Còn bạn tôi, than ôi, biết làm sao đây! So với các bạn, tôi chịu lỗi đã kể
chuyện buồn và nản. Biết làm sao được! Trong Chinh Phụ Ngâm có câu:
Dòng nước sâu ngựa
nản chân bon
Tôi có khác nào
con ”ngựa nản chân bon” ấy!! Gần kề bên dòng nước sâu là cái chết, tôi phải làm
gì? Lấy hết sức hí lên cho vang động núi rừng? Uống nước suối độc tù hãm bên cầu
Nại Hà rồi lăn ra chết? Hay là nhảy đại qua vực để hy vọng đạp vó lên Mé Vĩnh Cửu?
Làm gì thì làm,
nhưng tôi nhất định không vì ”nản chân bon” mà làm con ngựa gỗ. Tôi mệt quá rồi!
Xin cha cho tôi chút nước!”
Linh mục rót khoảng
nước còn lại trong lon pâté vào ca cụ cán sự già. Cụ bưng lên uống. Nước chảy
qua hàm răng thưa, nhểu cả ra hai mép. Bàn tay cụ cán sự run run. Đến lúc đó,
linh mục mới thấy một người trần thế muốn ”thu xếp” cuộc đời mình gặp thật lắm
gian nan, nhất là những người trung thực. Linh mục thầm cầu xin: ”Lạy Chúa, xin
cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời và được hưởng ánh sáng nghìn thu...”
Nguyễn Mộng Giác