Công chúng và giới trình diễn của dòng bolero không quá bất
ngờ khi hay tin nhạc sĩ Vinh Sử qua đời: Nhiều tháng nay, ông phải nằm trong bệnh
viện trong tình trạng sức khỏe đã suy kiệt. Vào lúc 3 giờ sáng ngày 10 Tháng
Chín, ông qua đời ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Quận Bình Thạnh. Hưởng thọ 78
tuổi.
Nhạc sĩ Vinh Sử là người có thu nhập tốt trong sinh hoạt văn
nghệ nhưng không dành dụm được gì, đời khó lại ngày càng khó vì tiêu tán trong
việc chạy chữa căn bệnh trường kỳ. Rất nhiều khán giả, nghệ sĩ thương mến đã
cùng góp sức để giúp ông đi qua những chặng ngặt nghèo.
Theo Wikipedia, nhạc sĩ Vinh Sử sinh ngày 9 Tháng Sáu năm
1944 – mất ngày 10 Tháng Chín năm 2022, tên đầy đủ là Bùi Vinh Sử, là một nhạc
sĩ của nhạc bolero và có nhiều sáng tác được yêu thích.
Ông là người có quê gốc miền Bắc. Cha mẹ của ông từ Hà Tây
đi làm phu đồn điền cao su cho Pháp, lưu lạc vào miền Nam trong thập niên 1940.
Sau đó gia đình chuyển về Sài Gòn, sinh sống bằng nghề làm lò bún trong một xóm
lao động nghèo ở quận 4. Gần 10 tuổi, ông mới đi học. Ông cũng là người duy nhất
trong số 4 anh chị em trong gia đình được đi học. Ông từng có 4 đời vợ chính thức
nhưng hiện tại sống một mình. Những ngày cuối cùng của ông, người chăm sóc và gần
gũi là bà Ngọc Lệ, một trong những người vợ cũ của ông.
Từ nhỏ Nhạc sĩ Vinh Sử đã có năng khiếu thơ và âm nhạc,
trong khi cả nhà không ai biết chữ. Ông bán báo để lấy tiền vừa đi học nhạc, học
chữ đến năm 11, 12 tuổi. Nhờ có năng khiếu, ông vào được trường Quốc gia Âm nhạc
của VNCH. Học được không lâu, ông bị đuổi vì ham chơi, ngày nào cũng trốn học.
Bài đầu tiên ông viết là Yêu người chung vách, rồi Nhẫn cỏ cho em, không ngờ
may mắn được khán thính giả yêu thích khiến ông nổi tiếng.
Cuộc đời của nhạc sĩ Vinh Sử từ đó bước qua ngã mới, đời sống
ông sung túc hơn. Tâm tình trên truyền hình về thời hoàng kim của ông trước năm
1975, nhạc sĩ Vinh Sử nói rằng nhờ có âm nhạc mà ông thoát khỏi nghèo đói. Ông
mua được nhà, xe và sống cuộc đời không còn phải đi bán báo dạo như trước.
Dòng nhạc của nhạc sĩ Vinh Sử gần gũi với công chúng, bởi vì
đó là những câu chuyện đời, chuyện tình của những người nghèo khó, những khía cạnh
của đời sống đô thị bình dân. Nói trên truyền hình trước đại dịch, nhạc sĩ Vinh
Sử tâm tình “mình viết là dành cho những người nông dân, những người lao động.
Tôi đã gởi hết toàn tâm toàn ý của mình vào đó và cũng nhận được sự hưởng ứng của
đông đảo công chúng lao động nghèo. Tôi nghĩ rằng nhạc của mình cũng là tiếng
nói của một bộ phận nhân dân. Nghe nhạc của tôi, những người lao động nói rằng
đó là nhạc của người Việt Nam, không lai căng”.
Sau năm 1975, nhạc sĩ Vinh Sử có một đời sống khó khăn không
khác gì những văn nghệ sĩ khác của miền Nam Việt Nam. Về sau, ông nhận làm biên
tập cho các hãng thu âm (vào thời kỷ nhạc bolero quay trở lại, giữa cuối thập
90) nên đời sống khá hơn. Do là người không bày tỏ về các quan điểm chính trị,
và lý lịch sáng tác của ông không nổi cộm về đề tài lính Việt Nam Cộng Hòa như
các nhạc sĩ khác, nhạc sĩ Vinh Sử dần dần được quay trở lại đời sống sinh hoạt
xã hội. Với sự nổi bật riêng lẻ của ông cũng như cách thiếu tin tức lịch sử âm
nhạc của miền Nam Việt Nam – hoặc cố ý của báo chí nhà nước mới, ông được đặt
cho cái tên “vua nhạc sến”. Cái tên này cũng gây nhiều tranh cãi trong giới
khán giả, cũng như nghệ sĩ miền Nam Việt Nam trong và ngoài nước.
Trên wikipedia viết về ông, cũng còn ghi chú rõ về việc nhiều
bài hát đang tranh cãi về quyền tác giả. Trong đó có những tác giả quen thuộc
như Giao Tiên (xác nhận mình là tác giả của các bài Lần đầu nói dối, Nàng yêu
hoa tím, Tình đẹp mùa chôm chôm…), Đài Phương Trang (xác nhận mình là tác giả của
Đêm nhớ người tình, Hai mái nnà tranh, Tình đời tay trắng…)… Tranh cãi về quyền
tác giả còn có cả những nhạc sĩ nổi tiếng như Anh Bằng, Hàn Châu, Phạm Minh Cảnh…
Giải thích về điều này từ Cam Ranh, nơi sinh sống của mình,
nhạc sĩ Giao Tiên cho biết rằng giai đoạn âm nhạc bolero được quay trở lại
trong bối cảnh tranh tối, tranh sáng, và cũng có sự kỳ thị chủ đích nhân thân của
các tác giả, có nhiều người qua tình bạn đã cậy nhờ nhạc sĩ Vinh Sử tìm cách
giúp để ra mắt CD, mong kiếm thêm được chút ít. Có bài nhạc sĩ Vinh Sử lấy, để
tên của mình, có bài thì ông đặt ra một cái tên mới, bao gồm cả những bài hát của
hải ngoại lúc đó không được phát hành tại Việt Nam.
Trong trường hợp của nhạc sĩ Giao Tiên, lúc đó vì đời sống
quá khó khăn, không còn nhà, phải dọn lên núi ở; ông đi xe đò vào Sài Gòn, cầm
theo cả một tập 50 bài nhờ nhạc sĩ Vinh Sử phát hành, và xin nhận tiền nhuận
bút ngay để đắp đổi chuyện nhà (theo lệ, một bài hát được duyệt và phát hành
xong rồi thì tác giả mới được nhận tiền. Thời gian chờ đợi lúc đó cũng vài
tháng) . Tuy vậy cũng có tác giả đòi quyền tác giả nói rằng họ chưa hề đưa bài
cho nhạc sĩ Vinh Sử.
Tất cả những việc sai lệch về tên tác giả, thậm chí của tên
bài hát, là những câu chuyện riêng rối rắm của thời thế, còn chưa được bày tỏ đủ
của các tác giả với nhau và công chúng. Nhưng trước hết, đó là chi tiết lý thú
minh chứng của một thời âm nhạc bolero quay lại ở Việt Nam đầy khó khăn, chạy vạy
đây đó để tồn tại mà nhạc sĩ Vinh Sử đã vượt qua, và thành công từ đó.
Tuấn Khanh