BÀI VIẾT CỦA NGUYỄN VỸ
Sự thật về bài thơ “nổi tiếng” của Lưu Trọng Lư đã được nhà
văn Nguyễn Vỹ “nói đến” từ lâu. Đây là bài viết của Nguyễn Vỹ (1912 –
1971) về bài thơ Tiếng Thu:
[Trích đoạn]
Có một lần ở tại nhà trọ của Lư phố Hàm Long tôi cười hỏi Lưu Trọng Lư:
-Lư ơi, bài thơ TIẾNG THU có phải thật của cậu không?
Có Nguyễn Xuân Huy ngồi đấy, Lư “cười như nắc nẻ”:
-Thằng này mơ mộng thật! Mi tưởng bài đó của Thế Lữ à?
-Thế Lữ làm gì nổi một bài thơ như thế. Nhưng tao có đọc một bài thơ của một
thi sĩ Nhật Bản, giống hệt bài thơ của mày, và bài thơ Nhật cũng tựa đề là
TIẾNG THU.
Lưu Trọng Lư ngó Xuân Huy:
– Huy, mầy thấy thằng Vỹ nó điên không?
Huy bảo tôi:
-Mày muốn chép, tao đọc cho chép. Đây là một bài TANKA nổi tiếng:
Oku yama ni
Momoji fumi wake
Naku shika no
Koe kiku toki zo
Aki wa kanashiki
Tác giả là Sarumaru, thế kỉ VIII.
Bài thơ này, Michel Revon có dịch ra Pháp văn trong quyển Anthologie des poètes
japonais – (Ed. Hachette):
Combien triste est l’automne
Quand j’entends la voix
Du cerf qui brame
En foulant et dispersant les feuuilles des érables
Dans les profondeurs de la Montagne.
Karl Petit, trong quyển La poésie japonaise (Ed. Seghers) lại dịch đảo ngược lại,
nhưng đúng theo nguyên văn bài thơ Nhật:
Aux profondeurs de la Montagne
Ecartant et foulant les feuilles d’érable
Le cerf brame
Et à l’entendre ainsi,
Ah! que l’automne m’est lourdement triste!
dịch đúng nghĩa ra Việt-văn:
Trong núi rừng
sâu
Ta nghe tiếng xào-xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô
Ôi buồn làm sao!
Bài Tiếng thu của
Lưu Trọng Lư!
………..
Em không nghe mùa thu
Lá thu kêu xào-xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô.
Lưu Trọng Lư cãi
liền:
– Bài của tao còn đoạn trên:
…………
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô-phụ.
Tôi cười:
– Cậu làm bài thơ này hồi năm nào?
– Mới đây.
– Mới đây, và mấy năm nay trong nước mình làm gì có chiến tranh, có “kẻ chinh
phu” có “người cô-phụ”? Tôi cho rằng cậu ghép thêm ba bốn câu đó vào bài thơ của
Saramaru để thay đối đôi chút, nhưng cậu lấy trọn vẹn bản chính của Saramaru.
Lưu Trọng Lư không cãi nữa, nhưng Nguyễn Xuân Huy cười:
– Kết luận: les grands esprits se rencontrent! (Những trí óc vĩ đại thường gặp
nhau!)
Lưu Trọng Lư cũng biết rằng Lư nổi tiếng là nhờ bài này, nên anh lấy tựa đề bài
thơ TIẾNG THU làm nhan đề cho quyển thơ của anh
Nhân vụ này, tôi cũng cho Lưu Trọng Lư và Nguyễn Xuân Huy biết là câu thơ:
Yêu là chết trong lòng một tí
của Xuân Diệu, là lấy nguyên vẹn câu của nhà văn Pháp Roland Dorgelès đề trên
trang đầu quyển phóng sự hồi kí “Sur la route mandarine”:
Partir c’est mourir un peu
(đi, là chết trong lòng một tý).
chỉ đổi động từ PARTIR thành YÊU mà thôi.
Cũng như tất cả những truyện ngắn của Đoàn Phú Tứ trong tập truyện “Những bức thư
tình”, đều dịch ra từ các truyện của các nhà văn Pháp: Jules Renard,
Courteline, P. Benoit, Secha Guitry.
Đoàn Phú Tứ dịch hẳn ra Việt-văn, chứ không phải phóng tác, hay “phỏng dịch”,
mà anh ta lờ luôn “xuất xứ”, tự đề tên tác giả là Đoàn Phú Tứ.
Cũng hôm ấy, Nguyễn Xuân Huy và Lưu Trọng Lư bảo tôi viết một bài trong Hà-Nội
báo, phê bình tập truyện của Đoàn Phú Tứ, với câu kết luận là “trả lại César
cái gì của César”. Bài đó có đăng hai trang Hà-Nội báo của Lê tràng Kiều.
[Hết trích ]
(Nguyễn Vỹ -Văn thi
sĩ tiền chiến. NXB Khai Trí-1970, trang 108 – 113)
.
.
BÀI THƠ TANKA CỦA SARUMARU TAIFU
Về bài thơ “Tiếng Thu” của Sarumaru Taifu, hay Sarumaru Dayu
(猿丸大夫)
奥山に
紅葉踏みわけ
鳴く鹿の
声きく時ぞ
秋はかなしき
.
Nguyên tác và dịch nghĩa:
Okuyama ni (Trong núi sâu)
Momiji fumiwake (Đạp lên lá phong đỏ rẽ lối đi)
Nakushikano (Của nai kêu)
Koe kiku toki zo (Chính là khi nghe tiếng)
Aki ga kanashiki (Mùa thu buồn làm sao)
Dịch ra Anh văn
In the deep mountains
making a path
through the fallen leaves,
the plaintive belling of the stag
how forlorn the autumn feels.
(Trong núi sâu
tạo một con đường
qua những chiếc lá rơi,
sự than trách của con nai
mùa thu buồn làm sao!)
……………….
Đây là nguồn bài thơ cổ Tanka, viết năm 893, được cho là của
Sarumaru Taifu, also called Sarumaru Dayu (猿丸大夫)
.
NHÀ THƠ TRẦN ĐĂNG KHOA LÊN TIẾNG VỀ BÀI CỦA NGUYỄN VỸ
Dưới đây là trích đoạn bài viết bênh vực Lưu Trọng
Lư của nhà thơ Trần Đăng Khoa:
[Trích đoạn]
Thật là oan cho Lưu Trọng Lư. Ông đã mất lâu rồi, nên không
thể thanh minh được.
………
Cái hay của Tiếng thu, tôi đã bàn trong bài viết Lưu Trọng Lư và bài thơ Tiếng
thu rồi. Ở đây, xin phép không nói lại. Ta chỉ lưu tâm đến cái nghi án của bài
thơ này thôi. Có thật Lưu Trọng Lư sao chép bài thơ đó của Nhật Bản không?
Người đầu tiên vu cho Lưu Trọng Lư cái việc làm rất không lấy gì làm đẹp này là
ông Nguyễn Vỹ trong cuốn Văn thi sĩ tiền chiến. Cứ như ông Nguyễn Vỹ thì Tiếng
thu chính là bài Tanka của thi sĩ Nhật Bản nổi tiếng Sarumaru ở thế kỉ VIII.
Nguyên văn bài Tanka thế này:
Oku yama ni
Monoji fumi wake
Naku shika no
Koe kiku zo
Aki wa kanashiki
Cũng theo ông Nguyễn Vỹ, bài thơ nổi tiếng này đã được hai nhà thơ Pháp dịch
sang tiếng Pháp. Bản của nhà thơ
Michen Revon in trong cuốn Anthologie des poètes japonais – (Ed. Hachette),
nguyên văn như sau:
Combien triste est l’ automme
Quand j’ entends la voix
Du serf qui brame
En foulant et dispersant les feuilles des érables
Dans les profondeurs de la Montagne
(Mùa thu buồn làm sao
Khi tôi nghe tiếng
Của con hươu đực thé lên
(rền rĩ, kêu trong mùa giao phối)
Trong những nơi sâu thẳm của núi).
Bản dịch thứ hai là của nhà thơ Karl Petit, in trong cuốn La poésie japonaise
(Ed. Seghers), mà theo ông Nguyễn Vỹ là Karl Petit đã dịch đảo ngược, nhưng lại
đúng với nguyên văn bản tiếng Nhật:
Aux profondeus de la Montagne
Ecartant et foulant les feuilles des érables
Le cerf brame
Et à l’entendre ainsi
Ah! que l’ automne m’ est
lourdement triste!
(Ở những nơi sâu thẳm của núi
Làm tung toé và dẫm lên những chiếc lá thích
Con hươu đực thé lên (rền rĩ, kêu trong mùa giao phối)
Và nghe thấy điều đó như thế
Chao ôi, mùa thu với tôi buồn nặng trĩu).
Còn bài Tiếng thu của Lưu Trọng Lư thì nguyên văn như thế này:
Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ.
Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô.
Tất cả là như vậy đấy. Mới hay Tiếng thu của Lưu Trọng Lư và Tanka của nhà thơ
Nhật Bản Sarumaru là hai tác phẩm hoàn toàn khác nhau. Chúng chẳng có họ hàng
gì với nhau cả. Vậy mà suốt nửa thế kỉ nay, người ta cứ a dua nhau, người nọ
nói theo người kia, cho rằng Lưu Trọng Lư đã sao chép của nước ngoài. Cái nghi
án văn chương rất oan khuất ấy cứ bám riết lấy Lưu Trọng Lư, cho cả đến khi ông
đã nằm dưới ba thước đất. Đó là một điều rất đỗi đau xót. Người khảo sát văn bản
này, một nhà thơ trẻ biết tiếng Pháp không dám tin ở khả năng ngoại ngữ của
mình, đã tìm đến nhà thơ Tế Hanh nhờ thẩm định lại. Tế Hanh là một thi sĩ tài đức,
người rất giỏi tiếng Pháp, ông đã dịch nhiều thơ thế giới qua tiếng Pháp, cũng
là người cùng thời với Lưu Trọng Lư. Tế Hanh đã kinh ngạc kêu lên: “Ô lạ nhỉ.
Bài thơ này chẳng có gì liên quan đến Tiếng thu. Sao lại đổ vấy cho anh Lư đạo
thơ?”.
Sở dĩ có nghi án ấy, là vì Nguyễn Vỹ. Sau khi phê phán Lưu Trọng Lư lấy thơ Nhật
Bản, Nguyễn Vỹ đã đưa ra bằng cớ là bản dịch của mình, nhưng thực ra, Nguyễn Vỹ
đâu có dịch, ông lấy luôn bài thơ Lưu Trọng Lư tráo vào rồi kêu ầm lên là bắt
được kẻ gian. Những người nhẹ dạ, u mê tin theo thì chúng ta chả trách làm gì,
nhưng những nhà thơ nổi tiếng từng giỏi tiếng Pháp, những nhà phê bình nghiên cứu
có tiếng là uyên thâm, cũng tin theo, rồi lẵng nhẵng nói theo, mà cứ nói đi nói
lại mãi. Đấy mới thực sự là chuyện lạ ở thời đại trí tuệ bùng nổ thông tin này…
[Hết trích]
[Trần Đăng Khoa -VH&TT, số tháng 7+8+9 (241+242+243), 2011]
…………….
Nguồn:
.
Bài thơ cổ Tanka
của Sarumaru Taifu, ngoài Michel Revon và Karl Petitdịch ra Pháp văn và
bản dịch Anh văn ở trên cũng được ông Vương Trung Hiếu Việt dịch là:
“Mùa thu buồn nhất
Xào xạc qua lá
và đi một mình
vào sâu trong núi,
Tôi nghe tiếng con nai cô đơn đang kêu gọi bạn tình”.
– Không biết ông Vương Trung Hiếu dịch câu “Tôi nghe tiếng con nai cô đơn
đang kêu gọi bạn tình” từ câu thơ nào của bài tanka?
Đây là bài viết của Thái Hạo dẫn lời ông Vương Trung Hiếu về bài thơ
“Tiếng thu”:
.
GS NGUYỄN
HỮU SƠN GÓP LỜI VỀ BÀI THƠ TIẾNG THU
Ghi thêm lời
của GS Nguyễn Hữu Sơn ra đây cho đầy đủ:
Xin xem Kiều
Thanh Quế, “Thi sĩ Lưu Trọng Lư với Tiếng thu”, Tri tân tạp chí, Hà Nội, số 138,
tháng 4 -1944, tr. 5+16 -17. In lại trong Tạp chí Tri tân (1941-1945) – Phê
bình văn học (Trịnh Bá Đĩnh – Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm, biên soạn), Nxb. Hội Nhà
văn, Hà Nội, 1999, tr.196 – 202…
… Trong phần mở đầu, Kiều Thanh Quế tán đồng các ý kiến của Trần Thanh Mại,
Nguyễn Vỹ và đi đến xác quyết thơ Lưu Trọng Lư “bao giờ cũng chỉ biết chú trọng
có âm thanh và nhạc điệu” gắn với các thuộc tính “Khi thì nỉ non…”, “Khi thì lẳng
lơ…”, “Khi thì sang sảng như tiếng hát đò đưa…”, “Khi thì buồn bã lạ…”, “Khi
thì ai oán não nùng, đầy vơi niềm trắc ẩn, tràn ngập lòng xót thương”:
“Nhưng du dương nhứt, réo rắt nhứt và tượng trưng nhứt, có lẽ là khúc “Tiếng
thu” tuyệt vời:
Em không nghe mùa
thu
dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực
hình ảnh kẻ chinh phu
trong lòng người cô phụ?
Em không nghe rừng thu,
lá thu kêu xào xạc,
con nai vàng ngơ ngác
đạp trên là vàng khô?…
Giá trị của bài
“Tiếng thu” này là ngoài việc phá được một âm thanh du dương, một nhạc điệu réo
rắt, còn tượng trưng một bức họa chấm phá: một bức thủy mặc Tàu, hay một tấm
Kakemono Nhựt cũng nên!
Một tấm Kakemono Nhựt thì có lẽ đúng hơn! Vì tôi đã may mắn tìm ra được một tấm
tranh Nhựt có những nét chấm phá hệt như bức họa “Tiếng thu” của Lưu Trọng Lư.
Xin trình bày dưới đây, để tặng thi sĩ họ Lưu và để hiến tất cả độc giả từng
nâng niu tập thơ “Tiếng thu”:
(1) Oku – yama ni
(2) Momiji fumi wake
(3) Naku shika no
(4) Koe kiku tokizo
(5) Aki ga kanashiki!
Bài thơ Nhựt ấy,
tôi bất tài, không thể dịch y nguyên tác ra quốc văn nổi. Còn thoát ý nó, lại
là việc thừa. Vì trước tôi, Lưu Trọng Lư đã thoát ý nó, viết nên bài Tiếng thu
rồi.
Vậy để làm quà cho những bạn đọc hiếu kỳ, tôi chỉ xin chép hai bản Pháp văn của
bài thơ Nhựt ấy:
Bản Pháp văn I:
(1) Au coeur de la montagne,
(2) Foulant l’erable qu’il écarte,
(3) la cerf gémit:
(4) Et à l’écouter, jamais
(5) L’automne ne m’a pesé plus triste!
Bản Pháp văn II:
(5) Combien triste est l’automne
(4) Quand fentends la voix
(3) Du cerf qui brame
(2) En foulant et dispersant les feuilles des érables
(1) Dans les profondeurs de la montagne!”
Tuy nhiên, Kiều
Thanh Quế không cho biết xuất xứ. Nay xin nói thêm, bài thơ này từng được dẫn với
đầy đủ nguyên bản tiếng Nhật, phiên âm, dịch nghĩa và dịch thơ trong tập Le
problème de la poésie Japonaise, Paris, 1938; tr. 38 – 39. [Tư liệu do cố Nguyễn
Hữu Đang (1913 – 2007) cung cấp cho chúng tôi vào năm 1994 – NHS]… Qua trường hợp
này, có thể thấy Lưu Trọng Lư đã có sự gặp gỡ, tương đồng trong sáng tạo hoặc
cũng có thể chịu ảnh hưởng, tiếp thu bài thơ Nhật và “thoát ý nó”. Tuy nhiên,
đây hoàn toàn không phải là bản dịch thuần túy. Có thể khẳng định Lưu Trọng Lư
đã tiếp nhận tứ thơ và sáng tạo lại, chuyển hóa thành chín câu với ba phân đoạn,
kết thúc mỗi phân đoạn là một câu hỏi, tạo nên một tác phẩm thi ca giàu hình ảnh,
nhạc điệu và man mác chất trữ tình…
(Nguyễn Hữu Sơn – Viện Văn học – 22 tháng 8, 2022)
.
LỜI KẾT
Qua các phần
trên, tác giả bài viết chỉ đưa ra các sự kiện mà mình biết
được: Có phía chống, có phía bênh, tác giả không có ý
kiến. Tuy nhiên, có 2 điều này:
1. Ông Trần Đăng
Khoa nói: “Thật là oan cho Lưu Trọng Lư. Ông đã mất lâu rồi, nên không thể
thanh minh được”.
Ông Lưu Trọng Lư vẫn “tại thế” khi trò chuyện với ông Nguyễn Vỹ, sao
ông ta không thanh minh?
Trong trích đoạn
bài viết “Văn thi sĩ tiền chiến” trên, có đoạn:
“Tôi cười:
– Cậu làm bài thơ này hồi năm nào?
– Mới đây.
– Mới đây, và mấy năm nay trong nước mình làm gì có chiến tranh, có “kẻ
chinh phu” có “người cô-phụ”? Tôi cho rằng cậu ghép thêm ba bốn câu đó vào bài
thơ của Saramaru để thay đối đôi chút, nhưng cậu lấy trọn vẹn bản chính của
Saramaru.
Lưu Trọng Lư không cãi nữa, nhưng Nguyễn Xuân Huy cười:
– Kết luận: les grands esprits se rencontrent! (Những trí óc vĩ đại thường gặp
nhau!)”
2. Chủ quan, tôi
nghĩ rằng: muốn bênh bài Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư thì phải dịch
bài thơ Tanka của Sarumaru Taifu sao cho khác xa bài thơ này.
Theo tôi được biết:
– Le cerf (F) = The stag (E) = Con hươu/nai (không xác định rõ đực cái).
Les feuilles des érables = lá phong.
– Và nên chỉ chú trọng vào nguyên tác của bài Tanka:
Okuyama ni (Trong núi sâu)
Momiji fumiwake (Đạp lên lá phong đỏ rẽ lối đi)
Nakushikano (Của nai kêu)
Koe kiku toki zo (Chính là khi nghe tiếng)
Aki ga kanashiki (Mùa thu buồn làm sao)
Trong câu nguyên tác này: Nakushikano/ Koe kiku toki zo, tiếng Anh dịch
“the plaintive belling of the stag” (sự than trách của con nai)
Ở bài viết của Trần Đăng Khoa, có người dịch từ 2 bản dịch
Pháp văn:
– “Du serf qui brame” là: Của con hươu “đực” thé lên (rền rĩ, kêu trong mùa
giao phối)
– “Le cerf brame” là: hươu “đực” thé lên (rền rĩ, kêu trong mùa giao phối)
Tùy độc giả
phán đoán.
.
Nguyên Lạc