12 October 2022

LẠC ĐÀ KHÓC (1) - Tam Mao 三毛 | Nguyễn Văn Thực dịch

Nguyễn Văn Thực dịch từ nguyên tác chữ Hán 哭泣的駱駝 (Khốc Khấp đích Lạc Đà)

Lời Người Dịch : Bối cảnh địa lý và lịch sử của bài này xin xem chú thích (1); về tác giả Tam Mao xin xem chú thích (2). Quý độc giả nên đọc chúng trước khi đọc chính bài văn này. 

Tác giả dùng dấu phẩy nhiều hơn dấu chấm, có lẽ tác giả chịu ảnh hưởng lối hành văn ”hành vân, lưu thuỷ/mây bay, nước chảy” của văn chương Trung Hoa xưa. Các tác giả hiện đại cũng hay chấm câu kiểu này, khác người Việt chịu ảnh hưởng lối chấm câu cứng cỏi, rạch ròi của Pháp. Người dịch giữ lại lối chấm câu này của tác giả.

Các nhân vật trong bài văn này, hiểu ngầm là họ nói tiếng Tây Ban Nha khi nói chuyện với tác giả Tam Mao, còn ngôn ngữ nói thường ngày với nhau của dân ở đó, chính là Tiếng Ả rập Hassaniya.

****

Hôm nay, đã không biết bao nhiêu lần, tôi chợt tỉnh giấc trong căn phòng tăm tối, ngoài đường chẳng có tiếng người, tiếng xe cũng không. Chỉ có tiếng đồng hồ báo thức trên bàn tích tắc trong trẻo mà vô tình mỗi lần tôi thức giấc.

Rồi tôi cũng tỉnh hẳn, những chuyện xảy ra hôm qua, không phải chỉ là cơn mộng dữ rồi qua. Mỗi lần tôi thức giấc, trí nhớ lại bắt tôi nhớ lại những hình ảnh chạy loạn xạ như chạy trước ống kiếng, về những chuyện mới xảy ra đây thôi, ở nơi ấy, của một tấn thảm kịch khiến tôi những muốn khóc thét lên được. 

Tôi khép mắt lại, những khuôn mặt của anh Bassiri, của anh Afeluat và của cô Shahida/Sahiđa, với vẻ mặt tươi cười mà như không cười, cứ chập chờn như sóng sóng điệp trùng trước mặt tôi. Tôi bật mình dậy, bật đèn sáng, tôi nhìn tôi trong kiếng, chỉ trong một ngày mà tôi, lưỡi đã khô, môi đã rộp, hai mắt sưng húp, hốc hác quá chừng.

Khi tôi mở cánh cửa sổ gỗ hướng ra phía đường, sa mạc phía ngoài khung cửa sổ, hoang vắng y như một vùng băng tuyết, chẳng có lấy một bóng người. Đột nhiên bị sa vào cảnh trí mà mình không ngờ thê lương đến như thế, tôi đâm sững sốt, ngây người nhìn đăm vào trời đất dửng dưng của vùng cát trắng mênh mông, và chẳng còn biết mình đang ở nơi nao. 

Ừ, ai rồi cũng phải chết, không lúc này thì lúc khác, bất kể cuộc đời ấy đoản mệnh hay trường thọ, khóc - cười, thương - ghét, mộng trong - mơ ngoài, lộn xuôi - lộn ngược, rồi cuối cùng mạng sống nào cũng có ngày biến đi mất tích mất tăm. Trên đất cát trắng tinh như màu tuyết, nhìn mãi mà chẳng thấy nhân ảnh của những người chết, ngay cả những ngọn gió chiều hôm cũng không chở nổi trên cánh nó những tiếng than dài của họ.  

Xoay mình trở lại căn phòng trống vắng như sự chết, dưới ánh đèn tôi tối, tôi như thấy anh Bassiri đang ngồi xếp bằng trong ấy, và trong khi tôi vừa kinh ngạc vừa luýnh quýnh nhìn anh, anh khoan thai gỡ từng nếp từng nếp của chiếc khăn trùm cả đầu lẫn mặt, và rồi trên khuôn mặt ánh màu nâu đen của anh vừa được mở ra, nổi bật hai đồng tử lấp lánh ánh sao lạnh buốt, và một nét cười thật quyến rũ rạng lên bất ngờ.

Mắt tôi hấp háy, và kìa, tôi thấy cô Shahida ngồi bên giá sách, mặt nghiêng nghiêng, hai hàng lông mi, như một vầng mây, rủ bóng xuống khuôn mặt đẹp đẽ, thanh tú của cô. Tôi nhìn chăm vào cô, mà cô sao cứ đờ đẫn, hờ hững như thể cô không còn tại thế.

Rõ ràng là có ai đó vừa đậu xe bên ngoài cửa nhà tôi, và rồi gõ cửa, tôi không biết đó là ai cho tới khi kẻ đó thì thầm gọi nhỏ: “Cô Tam Mao!”, tôi kinh hãi đến độ toan co giò chạy,

“Tôi đây.” Tôi bắt đầu nắm lấy tấm liếp cửa sổ, người đứng bên kia cửa, đối diện với tôi nói:

“Cô Tam Mao, tôi không có vé máy bay để mang đến cho cô bây giờ, nhưng tôi vẫn sẽ đưa cô ra phi trường.” Đây là ông tổng giám đốc công ty nơi anh José, chồng tôi, đang làm việc, đang đứng ngoài cửa sổ nói với tôi. “Tôi đã đặt trước được hai chỗ. Cô phải chen lấn với người ta mà vào phi trường. Trước hết, cô cần phải chuẩn bị cho chu đáo. Anh José đã biết chuyện này. Khi ra đi, nhớ khoá kỹ nhà lại. Nhưng, vé thứ hai, cô nhờ tôi đặt cho ai vậy?” 

“Chỉ có mình tôi đi! Chỗ thứ hai đó coi như không có, coi như bỏ trống. Cảm ơn ông.”

“Có chuyện gì vậy? Tốn biết bao nhiêu là tiền. Giờ cô lại nói cô không cần chỗ cho người thứ hai nữa là sao?”

“Chết, không đi được nữa.” Tôi trả lời khô khốc.

Ông tổng giám đốc như chết sững, đoạn nhìn đăm vào tôi, rồi lo lắng nhìn quanh: “Tôi nghe là đã và đang có những sự cố xảy ra cho người bản xứ ở đây. Cô có muốn ngủ qua một đêm tại nhà tôi không? Nhà tôi vốn được bảo vệ cẩn thận. Ở đây, không có người Tây Ban Nha ở, không có an ninh đâu!”

Tôi im lặng một lúc khá lâu, rồi lắc đầu: “Tôi sẽ tự xoay xở được. Không sao đâu! Cảm ơn ông!”

Ông giám đốc đứng lại một lúc, búng đầu điếu thuốc cầm trong tay, cúi đầu về phía tôi, nói: “Cửa ngõ, cô nhớ đóng chốt cho kỹ càng. Sáng mai, lúc chín giờ, tôi sẽ đón cô ra phi trường.”

Tôi đóng cái cửa sổ gỗ lại, khoá lại bằng hai vòng dây xích. Tiếng chiếc xe Jeep dần dần tan loãng, rồi cuối cùng chìm tắt hẳn. Sự yên lặng nặng nề làm cho tôi cảm thấy căn phòng thật trống trải, rõ ràng là không còn giống như bầu không khí trước đây nữa.

Đã qua đi một ngày. Tôi, chỉ mặc cái áo ngủ, đứng trước cửa sổ, ngay ngoài cửa sổ một bầy con gái người Sahrawi đang rúc ra rúc rích và rồi nói với tôi: “Cô  Tam Mao, mở cửa, mở cửa mau. Tụi tui đã chờ ngoài này lâu lắm rồi. Sao mà cô ngủ nướng lâu vậy?”

“Hôm nay, nghỉ học. Tôi đang trong kỳ nghỉ mà.” Tôi vươn vai và thở sâu xuống tận bụng vài hơi. Ánh sáng khoan thai chiếu xuống những đụn cát sáng rỡ, sạch sẽ, đẹp đẽ ngoài xa xăm kia. 

“Lại phải nghỉ học rồi!” Đám con gái la toáng lên một cách tiếc xót. 

“Vào lúc nửa đêm lựu đạn nổ làm cho anh José phải té nhào xuống khỏi gường, chúng tôi tung cửa chạy ra ngoài xem, nhưng cũng chẳng thấy gì, thế rồi chỉ ngủ được một lúc, thì trời đã sáng, mà này, có nghỉ học, các em cũng chẳng cần phải ồn ào lên như vậy.”

“Nghỉ học, cô cũng cứ cho tụi tui vào nhà! Vào chơi một chút thôi mà!” Rồi đám con gái đấm thình thịch vào tấm cửa còn đóng kín, thế là tôi đành phải mở cửa.

“Các em như vậy là ngủ say như chết, không nghe được những tiếng nổ lớn?” Tôi vừa nhẩm trà vừa mỉm cười hỏi chúng.

“Sao lại không nghe! Nổ một lúc ba nơi, một tại cổng của đồn lính, một tại trường tiểu học thuộc công ty khai thác mỏ phân lân, một tại cửa cửa tiệm chạp phô của cha anh chàng Ajyeiba.” Bọn con gái phấn khởi kể lại. 

“Tin tức đồn thổi rất nhanh. Các em không nên rời khỏi con đường này, và nhớ nghe ngóng tin tức xem sao!”

“Quân du kích càng ngày càng hung dữ.” Đám con gái nói không chút e dè, như thể đang kể lại một tấn tuồng hay, líu la líu lo, múa tay múa chân, nhấp nhấp nhô nhô, căn phòng đầy giọng nói, tiếng cười.

“Thực ra, chính phủ Tây Ban Nha đã lặp lại lời hứa là họ sẽ bảo đảm trao quyền tự quyết.”  Tôi thở dài, với lấy cái lược rồi bắt đầu chải đầu.

“Tui sẽ tết tóc cho cô.” Một đứa con gái ngồi chồm hổm sau lưng tôi, xoa nước bọt vào lòng bàn tay mình, chăm chú bện lọn tóc xơ xác, thô tháp của tôi thành những bím tóc dày.

“Lần này, thì do con mẹ Shahida mà ra cả.” Đứa con gái ngồi sau lưng tôi nói lớn. “Chuyện như thế sẽ xảy ra khi cái giống đàn ông, đàn bà cứ yêu nhau xả láng, bất chấp dư luận, nhưng hậu quả là cái quán tạp hoá của cha anh chàng Ajyeiba đã bị nổ tung.” Khi nghe con nhỏ đó nói tiếng “yêu nhau”, đám con gái đằng sau lưng tôi đang nói ồn ào, tự nhiên đứa nào đứa nấy cứ đẩy nhau cười ha hả. 

“Có phải cô Shahida làm trong bệnh viện?” Tôi hỏi.

“Thì ai vô đó nữa! Con mẽ mặt dày. Anh chàng Ajyeiba yêu mẽ, nhưng mẽ chẳng yêu anh chàng Ajyeiba, vậy mà con mẽ cứ theo sát anh ta mà chuyện mà trò, anh chàng Ajyeiba rán hết sức theo đuổi con mẽ, thế rồi mẽ lại thay lòng đổi dạ, bám theo ông cảnh sát Afeluat, rồi cứ bám riết ông cảnh sát này, anh chàng Ajyeiba rủ được một bọn du côn đi gây khó dễ với mẽ, mẽ bèn báo cho ông Afeluat biết. Một vài ngày trước đây mấy ổng đánh nhau, rồi tối hôm qua quán của cha anh chàng Ajyeiba bị ăn lựu đạn.”

“Chuyện tào lao! Anh Afeluat không phải là loại người như thế.” Tôi thật không ưa cái đám con gái này cứ dùng óc tưởng tượng của chúng để xét đoán những chuyện vượt lên tầm hiểu biết của chúng.

“Ái chà! Không phải do ông Afeluat đâu, chính là do con mẹ Shahida mà ra cả. Con đĩ ngựa đó, nó quen với du kích...” Tôi xổ bung ra cái bím tóc mà con nhỏ gái đã tết thật đẹp. “Cái tiếng “đĩ ngựa”chỉ dùng cho những người đàn bà xấu xa, gian xảo.” Tôi nghiêm khắc nói. “Cô Shahida là một người Sahrawi, là một nữ hộ sinh giỏi nhất nhì ở đây, làm sao mà có thể gọi cô ta là con đĩ ngựa cho được chớ! Cái tiếng này thiệt khó nghe, từ rày về sau chớ có gọi cô ta như vậy nữa!”

“Con mẽ cứ đeo sát đàn ông con trai mà chuyện trò.” Con nhỏ Fatima, em gái của con nhỏ Gueiga ngồi trước mặt tôi, cắn cắn móng tay sơn son đen, khăn trùm cái đầu tóc cứng đơ trét một loại bùn đỏ, nói lảm nhảm, ngớ ngẩn như một con ma.

“Theo đàn ông mà nói chuyện thì có gì sai? Tôi theo đàn ông nói chuyện mỗi ngày, vậy tôi cũng là con đĩ ngựa hay sao?” Tôi nói và lòng những mong là một ngày nào đó sẽ có dịp gõ vào cái đầu óc đông cứng của tụi nó cho thông ra.

“Còn hơn thế nữa, con mẹ Shahida, con mẽ... con mẽ...” Một cô có tiếng là đức hạnh, má đỏ vì xấu hổ, cứ ấp úng không ra lời. 

“Con mẽ cứ bám theo anh này tới anh khác và ngủ với họ.” Con nhỏ Fatima trợn to mắt, tiếp lời, nói chậm rãi từng tiếng, và còn chen vào đôi tiếng cười khinh khỉnh.

“Cô ta bám theo đàn ông và ngủ với họ à! Thế các em có tận mắt thấy không?” Tôi thở dài, không biết phải vui hay cười buồn vì cái tụi con gái này. 

“Hừm..., đương nhiên là thấy tận mắt rồi! Ai ai cũng nói vậy. Chẳng ai trong cái thị trấn này mà lại muốn lân la với con mẽ, ngoại trừ cái bọn đàn ông dê xồm, cái tụi không hề muốn cưới cô ta, chỉ muốn chơi cho qua đường thôi.”

“Được rồi, được rồi, đừng nói đến vụ này nữa. Mà này, em còn trẻ mà sao em giống như một mụ già dài miệng như vậy, hả?” Tôi nói rồi tôi xoay người đi vào bếp rót một chén trà, lòng bỗng nhiên cảm thấy chán ngán, mới sáng sớm mà đụng phải chuyện bực mình.

Đám con gái ngồi lổn ngổn trên đất, có đứa chân trần đen bóng, có đứa thân từ trên xuống dưới hôi rình (3), có đứa tóc xoả rối bời tổ quạ, cứ dài mỏ nói miết. Tôi nghe mà không hiểu gì khi tụi nó chuyển qua nói phương ngữ Ả rập Hassaniya, nhưng cái tiếng “Shahida” cứ từ trong những câu nói của chúng vọt ra. Đứa nào cũng tỏ vẻ giận căm và khinh bỉ, những cái bản mặt xấu đau xấu đớn đó, miệng cứ không ngừng xổ ra những câu đầy ganh, ghét.

Tôi tựa vào thành cửa và nhìn chằm vào chúng, và bỗng nhiên hiện ra trước mắt tôi cô Shahida trắng tinh tuyền và thanh lịch, xinh tươi như đoá hoa xuân, một cô gái sa mạc có trình độ giáo dục cao và đẹp đẽ, duyên dáng, vậy mà nhân cách của cô lại bị coi thường đến như thế, thật là chuyện khó hiểu.

Trong thị trấn này tôi có rất nhiều bạn bè người Sahwari: những người bán tem ở bưu điện, gác-dan toà án, tài xế của công ty, người bán tiệm tạp hoá, anh giả mù ăn xin, người dắt lừa tải nước, thủ lãnh bộ tộc có quyền có thế, những người nô lệ không đồng xu dính túi, bô lão, trẻ con hàng xóm, cảnh sát, bọn ăn trộm, thượng vàng hạ cám, tất cả đều là sahabi (bạn) của tôi.

Anh Afeluat là bạn thân của chúng tôi, một anh cảnh sát trẻ tuổi, đã học xong trung học đệ nhị cấp, rồi không đi học nữa, đi làm cảnh sát, có khuôn mặt trẻ thơ, cái miệng với hàm răng trắng đều, đối với người khác thì thật thà, vui vẻ, hoà nhã, làm cho người khác thích được gặp gỡ chuyện trò với anh.

Lựu đạn nổ trong thị trấn là chuyện thường như cơm bữa. Chợ búa vẫn tấp nập như thường, người ta cứ vô tình hay cố ý nói về thời cuộc, nhưng chẳng ai nhận ra, cảm thấy sự nguy hiểm của những biến động này, vẫn sống tĩnh queo như thể mối nguy hiểm còn xa xăm lắm.

Hôm ấy tôi đi bộ ra chợ mua rau quả trở về, thật may tôi thấy anh Afeluat ngồi trong xe cảnh sát lái qua, tôi quay mặt hướng về anh vẫy tay, anh vẫy lại và nhảy xuống xe.

“Anh Afeluat, sao lâu nay anh không ghé nhà chơi?” Tôi hỏi anh. Anh ta cười vui vẻ, rồi không nói năng gì, và cùng đi bộ với tôi.

“Tháng này, anh José làm ca sáng, sau ba giờ chiều thì về nhà, anh đến, chúng ta đấu láo cho vui.”

“Vâng, vài bữa nữa nhất định tôi sẽ tới.” Anh nói, nụ cười còn đọng trên môi, bưng lấy giỏ rau quả của tôi, chu đáo bỏ vào trong xe tắc xi của tôi rồi mới lái xe mình đi. 

Chưa được vài ngày thì quả nhiên, vào một buổi tối, anh Afeluat tới. Thật là may gặp lúc trong nhà chúng tôi ngồi đầy các bạn đồng nghiệp của anh José đang ăn thịt nướng xiên que cùng với chúng tôi.

Anh ta đang đứng ngoài cửa sổ, ghé nhìn vào và nói: “A, xin lỗi. Anh chị có khách, tôi sẽ trở lại thăm anh chị lần sau.”

Tôi ngay lập tức ra đón anh, kéo mạnh anh đi vào: “Đang nướng thịt bò, anh vào mà ăn, toàn người quen cả, không sao đâu.”

Anh Afeluat cười cười đưa ngón tay chỉ lại phía sau, tôi liền thấy trong xe của anh có một người đàn bà mặc áo choàng sa mạc màu lam, mặt che, một đôi mắt trong hồ thu hướng về tôi, mỉm cười. 

“Cô Shahida?” Tôi cười nhẹ và hỏi. 

“Chị làm sao mà biết được là tôi hay vậy?” Người đàn bà kinh ngạc nhìn tôi, không kịp trả lời, tôi nhanh chóng chạy ra nghênh đón người khách chẳng mấy khi đến chơi, mà có kiếm cũng khó mà gặp này.

Khách trong nhà toàn là đàn ông, nên tôi cũng không muốn trì kéo cô ta, nhưng cô Shahida là một người đàn bà phóng khoáng, tự nhiên, cô chỉ chần chừ một chút, rồi cũng bước vào.

Các bạn đồng sự của anh José từ trước tới giờ chưa một lần đối diện một người đàn bà uy phong mẫu nghi như vậy của sa mạc Sahara, tất cả, lịch sự, đứng dậy.

“Mời quý vị ngồi, xin quý vị cứ tự nhiên.” Cô Shahida gật đầu, gật đầu một cách lịch thiệp, tôi đưa cô đến ngồi trên tấm thảm vải bông, và xoay người rót nước khoáng cho anh Afeluat và cô Shahida, khi quay lại nhìn, tôi thấy cô ta đã gỡ tấm khăn trùm đầu xuống. Khuôn mặt của cô toả ra, tôi cũng không chắc là mình diễn tả đúng, sức hấp dẫn của một người mà khi ta nhìn vào, tất sẽ làm ta rờn rợn, trên khuôn mặt trắng như ngà của cô nổi bật lên một đôi mắt đen tuyền, sâu không thấy đáy. Dưới sống mũi dọc dừa là môi miệng đỏ tươi, vóc dáng cô đẹp đẽ như một bức tượng hoàn mỹ. Khi cô vô tình hướng cái nhìn qua một góc, với nụ cười lặng lẽ, cái nhìn ấy như một vầng trăng vừa mới lên ngôi, phủ hết ánh sáng của căn phòng, mọi người bị hớp hồn, ngay cả tôi, trong nháy mắt, ngẩn người ra trước diệu quang chiếu ra từ cô.

Cô vốn có cái vẻ trong sáng và đẹp đẽ những lúc làm trong bệnh viện, bây giờ, vận vào người y phục bản địa, cô lại có một vẻ trang trọng, thanh tao khác người, cô ngồi đó không nói gì, thế mà cô nhưng không đưa chúng tôi trôi vào cảnh mộng xa xưa. Mọi người ngần ngại không muốn nối lại cuộc nói chuyện vừa bỏ dở vì có cô Shahida ngồi đó, và tâm trí họ cứ lãng đãng bâng khuâng, anh Afeluat ngồi được một lúc rồi cùng cô Shahida xin kiếu từ. Cô Shahida đã đi được một lúc khá lâu, mà trong phòng vẫn yên lặng, dường như vẫn còn lẩn khuất trong phòng một cái gì đó có cái đẹp đẽ của cõi thiên thu làm cho người thế cảm động không thể cất thành lời. 

“Một người đàn bà đẹp đến như thế, một nhan sắc mỹ lệ đến như vậy, mà cõi thế này có được, thì chỉ có trong huyền thoại.” Tôi rưng rưng thốt lên. 

“Cô ấy có phải là người yêu của anh Afeluat?” Có người thầm thì hỏi.

Tôi lắc lắc đầu: “Tôi nào có biết.” 

“Cô ta quê ở đâu mà đến ở trong thị trấn này?”

“Nghe nói cô ta là con mồ côi, cha mẹ chết cả rồi, cô ta theo các cô y tá một ít năm, rồi học làm nữ hộ sinh.”

“Chọn anh Afeluat, như thế cô ta cũng có con mắt tinh đời. Anh này là con người rất đàng hoàng.”

Tôi lắc đầu: “Anh Afeluat, anh ta cũng không xứng với cô ta đâu. Có cái gì đó khập khiểng, nhưng tôi vẫn không biết cái khập khiểng đó là cái gì.”

“Tam Mao, sao em cứ lấy mặt mà bắt hình dong vậy?” Anh José lên tiếng.

“Không phải em lấy cái bộ dạng bên ngoài mà nhận xét người, em có cái trực giác là cô ấy không phải là người yêu của anh Afeluat.”

“Anh Afeluat cũng là con nhà gia thế. Cha của anh ta có mấy ngàn dê và lạc đà… ở Miền Nam.”

“Mặc dầu em không biết nhiều về Shahida, nhưng không thể có chuyện cô ta lại đi dây dưa với con trai của một lão phú gia, rốt cuộc dường như trong vùng sa mạc này chẳng có anh đàn ông nào thực sự xứng đáng với cô ấy!”

“Có phải có một anh chàng khác tên là Ajyeiba cũng đang gấm ghé cô ta? Mấy hôm trước anh chàng này cũng vì cô ta mà đánh lộn với anh Afeluat!” Anh José nói.

“Con của lão nhà buôn ấy, suốt ngày lông bông vô tích sự, sống dựa vào ông cha trên phố, tác oai tác quái, cái loại đàn ông tồi tệ ấy làm sao xứng với Shahida mà cứ bám riết cô ta như thế!” Tôi nói giọng khinh bỉ.

Lần đầu ấy, Shahida đến nhà chúng tôi, đến vào ban đêm, dáng dấp yểu điệu và chỉ liếc mắt một cái mà đã làm cho ai ai cũng rúng động tâm can, và rồi người ta cứ mãi khen ngợi cô. Ngay cả tôi, một người nữ như cô, cũng ngây say trước một tuyệt sắc giai nhân như vậy. 

“Con đĩ thúi ấy, làm sao mà chị cho nó vào nhà chị? Cô mà cứ tiếp tục  làm như thế thì chòm xóm sẽ để ý đến cô.” Con nhỏ Gueiga ngày hôm sau lúng túng khuyên tôi như thế, nhưng tôi chỉ cười cười, chẳng thèm để ý. 

“Khi ả ta bước xuống xe với anh chàng Aluefat, tụi tui từ trong cửa ló đầu nhìn ra, con mẽ, thiệt là không ngờ, lại còn tươi cười đến chào hỏi mẹ tui. Mẹ tụi tui kéo tất cả tụi tui vào nhà, rồi đóng cửa cái rầm, làm ả ta thẹn chín cả người.”

“Các người thiệt là quá quắt!” Tôi trợn mắt kinh ngạc, không ngờ trước khi cô Shahida và anh Aluefat vào nhà chúng tôi lúc nãy, đã xảy ra cái trò này.

“Tôi nghe rằng ả ta không theo Hồi giáo, mà theo Công giáo, ả mà chết thì chắc chắn sẽ xuống hoả ngục.”

Tôi yên lặng nhìn con nhỏ Gueiga, chẳng biết nên nói gì. Tôi dẫn con nhỏ ra khỏi nhà tôi. Anh Hamdi/Hamđi cũng vừa mới đi làm về. Anh ta mặc đồng phục sĩ quan Tây Ban Nha, tóc xám mun, mặt nâu nhạt, trông có cái vẻ ta đây.

“Cô Tam Mao, tôi không muốn trách gì cô, mấy đứa con gái của tôi ngày nào cũng đến nhà cô, tôi luôn luôn mong cô sẽ dạy dỗ cho chúng học hành cho giỏi, và hiện nay cô và chồng cô còn giao tiếp với một số người Sahwari khả nghi bên thị trấn, làm sao mà tôi có thể thoải mái để cho mấy đứa con của tôi thân thiết với hai vợ chồng cô được.” Anh ta thiệt nặng lời, nói mà cứ như tát vào mặt, mặt tôi đỏ bừng, nghẹn không nói ra lời.

“Hamdi, anh làm việc cho chính phủ Tây Ban Nha đã 20 năm, anh phải có thái độ rộng rãi một chút, thời thế đang thay đổi…”

“Thời thế thay đổi nhưng truyền thống, tập quán của người Sahwari không cách gì làm cho thay đổi được. Cô là cô, chúng tôi là chúng tôi.”

“Anh Hamdi, cô Shahida không phải là một người tồi tệ, so với người khác, anh là người hiểu biết hơn họ…” Nói tới đây, tôi quá giận, nghẹn ngào không nói thêm được một lời nào nữa. 

“Có thứ chuyện nào đáng xấu hổ hơn là sự phản bội tôn giáo của dân tộc mình… Hừ!” Anh ta nói, dẫm chân cái rầm rồi xăm xăm đi về nhà mình. 

“Thật khốn nạn!” Tôi chửi, rồi khoá chặt cửa lại.

“Cái Đất Nước này cần thật nhiều sự kiên nhẫn và nhiều thời giờ để văn minh hoá.” Lúc ăn, tôi không thể cầm lòng mà không nói với José như thế.

“Đám du kích lâu nay cũng đã phát thanh tuyên truyền với dân Sahwari chuyện giải phóng nô lệ và giáo dục cho đàn bà, con gái. Dân người ta chỉ nghe hai tiếng ‘Độc lập’ nhưng bỏ ngoài tai tất cả những chuyện khác.”

“Du kích họ phát thanh ở đâu, mà chúng mình không nghe được gì cả là sao?”

“Phát thanh bằng tiếng Ả rập Hassaniya mỗi đêm, từ Algeria phát qua, người địa phương họ nghe được.”

“Anh José, anh có nghĩ tình trạng này sẽ kéo dài không?” Tôi vừa nghĩ ngợi vừa hỏi.

“Anh không biết, toàn quyền Tây Ban Nha ở đây nói là ông sẽ trao quyền tự quyết cho Tây Sahara.”

“Mà Ma rốc đâu có đồng ý, vậy thì làm gì được?” Tôi nghiêng đầu, khua khua đôi đũa. “Thôi, chúng ta ăn đi. Mà em không muốn bỏ nơi này mà đi.” Tôi thở dài, cố nói.

Anh José nhìn tôi và không nói gì thêm.

Mùa hạ, Sahara, bụi cát ngập trời, bụi vần vũ không ngừng, dường như không có ngày nào ngưng, năm tháng dính chặt với nhau bởi cái nóng nung người trong bầu tử khí nặng nề, những ngày lê thê, không cọ quậy gì được, làm cho người ta trở nên lười biếng, buông xuôi, mệt mã trước mọi vật, mọi sự, cảm thấy trống rỗng, vô vị, những ngày mồ hôi ướt đẫm cả lưng, lòng tôi hoàn toàn trống không, thế mà lòng cứ sôi sùng sục.  Đa số người Tây Ban Nha ở bên thị trấn bỏ sa mạc, về cố hương trốn nóng. Thị trấn nhỏ hoang vắng giống như một tử thành. Tin tức về sa mạc Sahara, báo đăng mỗi ngày, có những vụ ném lựu đạn lẻ tẻ mà không có ai bị thương. Ở Ma rốc, ngày nào vua Hassan cũng cứ la ó như một gã điên, nhưng dân bản địa thì vẫn bình chân như vại. 

Sa mạc vẫn thế, bầu trời vẫn vậy, gió dữ lại gió dữ nơi tận cùng thế giới và cách biệt này, nó giống như thế giới nguyên thuỷ của thời sáng thế, những thuật ngữ như: Liên Hiệp Quốc, Toà án Quốc tế mà người ta gọi là Toà án La Haye (4), và dân tộc tự trị. Đối với nhiều người dân bản xứ, tất cả những thuật ngữ ấy giống như những sợi khói lam hư ảnh mỏng, yếu. 

Chúng tôi ư? Chúng tôi vẫn sống và chờ xem, đã có những đồn đãi và chúng tôi không bao giờ tin là những đồn đãi ấy có gì dính dáng đến số phận và tương lai của chúng tôi.

Cứ xế trưa, trời nóng bức, nếu có xe còn đậu ở nhà, tôi luôn luôn gói một ít bánh trái, lái xe tới bệnh viện, cô Shahida và tôi, hai người cùng lẩn trốn vào trong một căn phòng dưới tầng hầm tối tăm, lành lạnh, ngồi xếp bằng trên đất, khâu áo, ăn quà vặt, nói chuyện xưa-nay, chuyện nhảm nhí, chuyện trò thoải mái giống như hai chị em. Cô Shahida cứ mãi kể cho tôi nghe những ngày đẹp tươi thủa ấu thơ sống trong lều. Chuyện kể của cô đứt quãng khi cô kể tới ngày cha cô tạ thế, dường như sau đó chỉ còn một không gian trống không, cô chẳng bao giờ kể cho tôi nghe, tôi cũng không hề hỏi cô. 

“Cô Shahida, nếu người Tây Ban Nha rút lui, thì cô phải làm sao?” Có một ngày nọ tôi đã hỏi Shahida như thế.

“Rút lui là rút lui kiểu nào? Trao trả độc lập cho chúng tôi? Để cho Ma rốc chia cắt Đất Nước chúng tôi?”

“Cái gì cũng có thể xảy ra.” Tôi nhún vai, nói đại.

“Độc lập, tôi sẽ ở lại; chia cắt, tôi sẽ bỏ đi.”

“Tôi cứ nghĩ trái tim cô đã thuộc về Tây Ban Nha.” Tôi chậm rãi nói. 

“Đây là Đất Nước của tôi, nơi còn mồ mả của cha mẹ tôi.” Đôi mắt của cô Shahida bỗng trở nên nhạt nhoà, dường như trong lòng còn chất chứa những điều bí ẩn, những nỗi đau nào đó mà cô không thể nói ra, cô ngồi đó mà không nói một lời, rồi dường như cô quên bẵng luôn câu chuyện đang nói dang dở. 

Mãi một lúc lâu sau cô mới hỏi tôi: “Còn chị thì sao?” 

“Tôi hả, tôi không muốn bỏ đây mà đi. Tôi thích nơi này.”

“Ở đây có gì mà hấp dẫn chị đến như vậy?” Cô ngạc nhiên hỏi tôi.

“Ở đây có gì hấp dẫn? Bầu trời, mặt trời, bão cát, cuộc sống đơn độc, vui có, buồn có, ngay cả những con người dốt nát, đối với họ, tôi cũng vừa thương vừa ghét, mà nói thì nói vậy, nhưng đôi khi đầu óc tôi cứ mụ mị, không còn phân biệt cái gì ra cái gì nữa. “

“Chị sẽ làm gì nếu Đất Nước này là của chị?”

“Có lẽ cũng giống như cô thôi, học cái gì đó trong ngành y tế, mà thực ra, có gì khác biệt giữa những cái của tôi và những cái không là của tôi kia chứ?” Tôi thở dài.

“Chị chưa bao giờ nghĩ tới hai chữ Độc Lập?”

“Chủ nghĩa thực dân, sớm muộn gì rồi cũng qua đi, vấn đề là, sau độc lập, cái đám dân hung dữ, ngu dốt này, phải cần bao nhiêu năm để kiến tạo họ thành những con người có năng lực, tôi thì tôi chẳng lạc quan chút nào.”

“Có thể một ngày nào đó.”

“Shahida, cô chỉ có thể nói chuyện này với tôi, tuyệt đối không nói với ai khác.”

“Chị đừng có lo. Các dì phước cũng biết điều này.” Cô cười và đứng dậy, và cô đột nhiên vui vẻ trở lại, cười và nhìn tôi, không còn một chút ưu tư.

“Cô có biết là vẫn còn quân du kích trong thị trấn này không?” Tôi, đầu óc căng thẳng, hỏi.

Cô gật đầu với vẻ lo lắng, rồi chỗi dậy, phủi phủi quần áo, và bỗng nhiên hốc mắt đẫm ướt. 

Có một bữa, xế trưa, anh José về nhà, vừa bước vào nhà đã hỏi: “Tam Mao, em có thấy gì không”

“Thấy cái gì? Ngày nay em đâu có ra ngoài.” Tôi vừa lau mồ hôi nơi cổ vừa nghèn nghẹn nói. 

“Nào, lên xe đi, chúng ta cùng đi xem.” Anh José nói và với cái vẻ trầm trọng, lôi tôi đi. 

Anh lẳng lặng lái xe vòng quanh ngoài hàng rào của một ngôi nhà lớn ở phố, những hàng chữ như những giòng máu, tựa nước sông vỡ đê tràn lan trên những bức tường mà chúng tôi có thể thấy được.

“Họ viết cái gì vậy, anh?” Tôi như chết sững.

“Em nhìn lại cho kỹ đi.”

“Bọn chó Tây Ban Nha cút hãy khỏi Đất Nước chúng tôi! --- Sahara muôn năm --- Quân du kích muôn năm --- Bassiri muôn năm --- Chẳng cần Ma rốc, chẳng cần Tây Ban Nha, Dân tộc tự quyết muôn năm --- Tây Ban Nha là bọn ăn cướp! Bọn ăn cướp! Quân sát nhân! --- Chúng tôi yêu Bassiri --- Tây Ban Nha, cút đi!” Tường trắng, tường trắng, máu chảy, máu chảy đập vào mắt chúng tôi, những câu tố cáo đầy u ám, làm cho người ta đổ mồ hôi lạnh như tắm dưới trời nắng chang chang, tôi, giống một người đang an ổn ngủ say, chợt kinh hoàng thức dậy như thể thấy mình bị ai đâm.

“Du kích trở lại thị trấn rồi, hả anh!” Tôi thì thào hỏi anh José.

“Đâu cần phải trở lại, đã có người Sahwari ở trong phố, mấy cái biểu ngữ đâu phải du kích viết.”

“Trong phố, khẩu hiệu vẽ khắp nơi?”

“Vẽ cả ngay trên tường của trại lính. Trong một đêm mà khẩu hiệu khắp nơi, anh chẳng biết lính tráng người ta chia phiên canh gác như thế nào, mà ra như thế?”

Kinh hoảng đột nhiên phủ chụp lấy chúng tôi, xe chạy qua các con đường, mỗi lần thấy người Sahwari là tôi sợ đến thắt cả ruột, cỏ cây cũng thành kẻ thù. Chúng tôi không quay về nhà. Anh José lái xe đến quán cà phê của công ty. Các đồng sự của công ty tụ tập nhau trong căn phòng tối om om, mỉm cười chào nhau, cười mà cười gượng, những ngày tháng hạ vật vờ như trong cơn ngủ lúc này biến mất, thái độ của họ lộ ra bên ngoài, ngoài sự kinh hoàng và lo lắng, còn có dấu ấn của xấu hổ, nhục nhã, ngượng ngùng.

“Liên Hiệp Quốc cử phái bộ quan sát và hoà giải tới, đương nhiên Liên Hiệp Quốc cũng giả vờ cố gắng sai họ đến để họ có ý kiến với chúng ta về vấn đề Sahara.”  “Bassiri nghe nói có đi du học ở Tây Ban Nha, học cho tới khi tốt nghiệp đại học luật, ở Tây Ban Nha nhiều năm, không biết làm sao lại về nước đánh du kích chống chúng ta kia chứ?”  “Cuối cùng công ty đã làm được gì? Chúng ta sẽ cứ bám trụ hay phải tan hàng?”  “Bà xã tui ngày mai sẽ rời khỏi nơi này, rồi sẽ loạn lạc tơi bời.”  “Nghe nói không phải chỉ có quân du kích, mà còn có bọn Ma rốc đã lén lút xâm nhập qua biên giới cũng bộn.”

Bốn tuần nay người ta cứ rỉ tai nhau những tin tức mơ hồ, như người mù sờ voi, chẳng ra làm sao cả.

“Đ. M. cái tụi này, ăn còn chưa biết ăn, ỉa còn chưa biết ỉa, mà cứ muốn độc lập này nọ. Tây Ban Nha chúng ta thật là quá rộng lượng. Theo tớ tụi nó dám chửi chúng ta, thì chúng ta phải giết chúng, hừ! Chỉ bảy vạn người, cứ đưa súng ra mà bắn sạch sành sanh bọn chúng nó là êm. Trước đây Hitler cũng xử bọn Do Thái…”

Đột nhiên có một tay có vẻ côn đồ mà chúng tôi chưa từng biết, đưa tay giộng một cái rầm xuống bàn, rồi đứng phắt lên, mặt đỏ như gấc, hung hăng nói, bắn cả nước miếng ra, hai mắt lòi ra như hai trái lựu đạn, hai tay vung lên vung xuống, giận dữ xua ngang xua dọc như điên dại: “Chém tụi Sahrawi và giết lũ chó thì cũng chẳng có gì khác nhau. Mà chó thì nó còn biết điều hơn bọn người này, nó còn biết vẫy đuôi cảm ơn người cho nó ăn…”

“Ui cha, ui cha!...”  Tôi kêu lên, nghe hắn nói, giọng hắn nói không còn giống giọng người nữa rồi, lúc đầu tôi có thiện cảm với người Tây Ban Nha, nhưng rồi khi nghe những lời quá khích của anh chàng này, lòng tôi liền xoay hướng, anh José sững sốt, ngước mặt nhìn gã. Những người bao quanh, không ngờ, có hơn nửa nghe hắn nói những lời điên rồ như thế mà lại vỗ tay hoan hô hắn.

Gã đàn ông nuốt nước bọt, chộp lấy ly rượu, ực một ực lớn, và bỗng nhiên thấy tôi ngồi đó, gã nói ngay: “Thực dân không phải chỉ có Tây Ban Nha, những dân khác như dân Tàu Hương Cảng cũng hăng hái bợ đít tụi Anh, trong mấy năm gần đây, cái mô đen này, tụi Sahwari sao lại không thấy bắt chước mà làm…”

(Xem tiếp phần sau)

Tam Mao 

 三毛

(1943 – 1991, Đài Loan)