12 November 2022

RÚT RUỘT - Thảo Trường

Đau quá chịu hết nổi đành gọi con chở đi bệnh viện, tới phòng cấp cứu được ông bác sĩ râu xồm chẩn đoán hồi lâu mới phát hiện ra ruột non bị tắc nghẽn. Cả ngày hôm qua buồn nôn và cảm thấy đau trong ruột, đi bác sĩ khám nói bị táo bón bèn cho thuốc xổ về nhà uống. Suốt đêm uống vào nôn ra, ị cả ra quần, đau đớn không thể tả, sáng ra phải vào nhà thương thôi. Chụp phim, xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm phân. Phỏng vấn đủ thứ chuyện, ăn uống, sức khoẻ, bệnh tật, thuốc men, từ trước đến nay… Khai ra hết, phải khai ra hết, thành thật khai báo ra hết, cam đoan không hề giấu giếm, khai gian sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật của đảng và chính phủ!

Cơ khổ, từ ngày chạy sang nước Mỹ đến nay được hơn mười năm, mà đã trải qua ba lần nằm bệnh viện, ấy là chưa kể mấy lần đau ốm nhì nhằng được chẩn đoán xét nghiệm định bệnh rồi cấp thuốc về nhà điều trị. Hai lần nhập viện trước do bảo hiểm sức khoẻ đài thọ vì hồi đó còn đi làm có thu nhập và có bảo hiểm. Thời gian sau vì tuổi già sức yếu không hãng xưởng nào mướn nên không có bảo hiểm, nhưng cũng may trời thương sao đó ít ốm đau. Cái tuổi gì kỳ cục, khi nước Mỹ ấn định sáu mươi được gọi là già thì mới năm mươi mấy, leo mãi đến ngày đủ lục tuần thượng thọ thì “nhà nước ta” đổi luật ấn định lại sáu mươi lăm mới được coi là già, thế là ông lão lại phải cố gắng sống lâu thêm năm năm nữa để được đủ tiêu chuẩn lên lão làng lãnh cái thẻ medicare. 

Cái số nó vất vả như thế nên phải chịu. Bao giờ cũng chậm chân. Bao giờ cũng là kẻ đến sau. Ở tù cộng sản thì lọt sổ, ra trại gần chót, sang tới Mỹ thì người ta đã ổn định cả rồi mình mới tập tành lái xe cho quen với xa lộ và tốc độ. Đi làm, đóng thuế chưa được 30 trong khi người ta đòi phải đạt đến 47 credits mới là đủ tiêu chuẩn tối thiểu để được quĩ xã hội giúp đỡ. Ở Mỹ đau ốm bệnh tật rất tốn kém, sức người thường chịu không nổi, thời trẻ có việc làm kiếm được tiền chật vật đóng bảo hiểm sức khoẻ phòng khi ngã bệnh còn có chỗ để mà đến xin điều trị, bằng không kể như lo âu, có khi... không dám đau ốm! Cho nên phải nhẫn nhịn sống chờ mất mấy năm mới tới tuổi già để được ốm đau bệnh tật một cách dễ chịu thoải mái, vì mọi việc khi ấy đã có... nhà nước lo. 

Trên người dây nhợ chằng chịt, nước biển và thuốc men truyền vào mạch máu ở tay, ống nhựa luồn vào mũi chui xuống thực quản vào dạ dày xuống tận ruột non hút ra một thứ nước trăng trắng sền sệt như mẻ vào một cái bình treo trên đầu giường. Một ống nhựa khác xuyên thẳng vào lỗ dương vật hút nước tiểu ra chứa trong một bao nhựa treo dưới gầm giường. Nơi cổ tay đeo một cái vòng nhựa màu vàng có ghi số mật mã riêng cho bệnh nhân. Xong xuôi, y tá chuyển người bệnh ra khỏi phòng cấp cứu lên phòng điều trị. Trước khi cho chuyển đi ông bác sĩ râu xồm bắt tay anh con trai nói gì đó, lúc ở thang máy người con nói lại với bố “bác sĩ nói mười phút nữa bố sẽ cảm thấy dễ chịu và sẽ ngủ ngon, ngày mai những chất trong ruột non hút ra hết họ sẽ xem xét để tìm nguyên nhân gây tắc nghẽn ruột, rồi mới điều trị tiếp”. Nghe thế ông sợ chết hỏi con: “Họ có nói bệnh trạng nguy hiểm gì không?” “Không bố ạ, họ chưa thể nói chắc gì được lúc này”. 

Trên giường bệnh, ông lão lơ mơ ngủ, cơn đau quả đã giảm nhưng trong người bứt rứt, thèm uống nước nhưng không được uống, tuyệt đối không được đưa một thứ gì vào bụng, lát lát y tá lại vào đo áp huyết, đo nhiệt độ, suốt một ngày trằn trọc như thế, lúc ngủ lúc thức. Ông lão liếc nhìn cái ống nhựa từ lỗ mũi chui ra thấy trong đó vẫn chậm chạp rỉ ra cái thứ nước mẻ trắng đục. Hôm sau cái bình treo trên đầu giường đã hơn lưng thứ nước trăng trắng đó, người y tá giải thích cho ông lão biết đó là chất lỏng do thức ăn tiêu hóa chắt lọc ruột non chuyển lên để nuôi cơ thể, những bã của thức ăn thì lùa xuống ruột già thành phân thải ra ngoài. Không hiểu sao cái ruột non là đường ống dẫn chất bổ trong cơ thể ông lại bị tắc nghẽn không lưu thông được. Bây giờ người ta đang rút tất cả ra để nó trống rỗng rồi sẽ soi ruột, sẽ chụp phim kiểm soát lại đường ống dẫn bị cái gì cản trở, bị ở khúc nào, vì thế không thể cho bệnh nhân ăn uống gì được. 

Thèm nước quá, ông nài nỉ, y tá bỏ đi lát sau cô trở lại tươi cười, bưng đến cho ông cái ly nhỏ đựng mấy cục nước đá bé bằng đầu ngón tay “Bác sĩ cho phép bác nhâm nhi mấy cục nước đá này cho đỡ thèm, chỉ một tí này thôi”. Ông lão mừng quá, xúc một cục để lên môi khô, cục đá tan nhanh, ông nuốt nó vào trong miệng, chao ôi sao mà nó “đã” đến thế. Ông nhâm nhi tiếp cục nữa. Tí nước lạnh thấm xuống họng vào bụng, nó đi đến đâu ông “thấy” đến đó. Rồi ông phát hiện ra nơi cái ống ni lông ở mũi ông có một giọt nước trong chảy ra trong đó. Và ông lão hiểu. Trong bao tử và trong ruột non đã hết sạch banh không còn gì cho nên một chút nước lạnh vừa vào tới là bị ống hút hút ra ngay. Ông lão ngưng ăn đá, theo dõi cái ống hút hồi lâu không thấy có gì rút ra. Ông bèn xúc một viên đá nữa để lên môi khô, ông vừa thưởng thức chất nước lạnh vừa theo dõi đường ống dẫn, quả nhiên chỉ lát sau ông lại thấy một chút nước trong ống hút. Mấy viên nước đá đã hết. Ông lão rảnh rỗi và chợt cảm thấy cái trống rỗng trong ông… 

*

– Đây rồi!

Ông giật mình mở mắt thấy ba người đứng ngay cạnh giường bệnh. Chỉ thoáng qua ông nhận ra ba người bạn. 

– Điện thoại tới nhà con trai ông nói số phòng nhưng lại “hình như” không chắc lắm nên tụi tôi phải đi tìm từng phòng ở lầu 4. Dây nhợ chằng chịt. Ghê quá. Nhưng mà này đừng có đi vội. Còn nhiều việc chưa xong, phải làm tiếp. 

Ông lão nhận ra người nói câu ấy chính là người lúc nào cũng nhẹ tênh, người làm thơ viết truyện soạn nhạc nhưng lại chẳng có gì, thậm chí một tí gì đó làm “bằng chứng yêu em” cũng không có, nên đành phải xin người phu quét đường một chiếc lá vàng làm bằng. Ông với tới nắm tay người bạn:

– Đâu, chiếc lá vàng cất đâu rồi? 

– Đau ốm bệnh tật không lo chữa trị còn ở đó mà nói chuyện trời đất trăng sao. 

– Còn đây là ai nào?  

“Mẹ ơi, thôi đừng khóc nữa.”

– Giỏi. 

– Tôi còn nhớ ông ở Rừng Lá Suối Lạnh, xa hơn nữa tôi còn nhớ “Đây Tao Đàn, thi văn miền tự do...”

– Thế thì chưa chết được.

– Tôi là ai?

– Nhà phóng viên nhiếp ảnh chiến trường năm xưa và nay chuyên săn ảnh sinh hoạt cộng đồng. Này, ông chưa chụp xong ảnh cho tôi phải không? 

– Tôi đem báo xuân đến nhà tặng ông nên mới biết ông vào đây. Tôi cũng chưa ưng ý tấm hình nào của ông mà tôi đã chụp, có lẽ còn phải chụp nữa, cho nên ông đừng vội. Phải có một tấm hình của ông, một tấm hình chụp đúng góc cạnh, đúng lúc, đúng ánh sáng, làm di ảnh để con trai ông cầm đi trước quan tài phải không nào. Ông còn phải sống, đi tới đi lui để tôi “săn” ông mấy kiểu nữa. Nhiều việc chưa xong. Mọi việc đều còn dang dở. Đừng vội là vì thế. 

– Dây nhợ trông gay cấn thế nhưng tôi còn tỉnh để nhận biết ra cả ba ông. Không sao đâu. Chỉ là “ốm vờ” thôi mà. Chỉ là tính kế “giả chết” bất thành. 

Các vị thi sĩ hỏi đau ốm gì, nghe mô tả dây nhợ tùm lum ghê quá, đâu, dây nhợ đâu? Tháo bớt ra rồi, cái “hũ mẻ” đã tháo ra nhưng còn treo toòng teng trên đầu giường kia, ông có nhìn thấy mẩu sắn sống và khoai lang hà không? Đó, bằng chứng yêu em của tôi còn đó. Ông hỏi tôi đau gì à, đâu có, vẫn khỏe, chỉ là ốm vờ thôi, khai bệnh để trốn lao động ấy mà. Sắp bị lôi về rồi, nhiệm vụ là ở nhà chứ không phải ở bệnh viện, bổn phận sự với em với con em và cả với cháu em nữa. Sao nhãng “bổn phận sự” là mất job ngay, là đói ngay, mà đói bụng là nỗi sợ hãi kinh khiếp nhất. Trong bụng tôi những ngày vừa qua là khoảng trống, tôi đã nhìn tận mắt khoảng trống kinh khiếp đó, nhưng tôi lại thấy nó rất trong suốt. 

Thi sĩ hỏi thăm sức khoẻ của bà ấy, à, bà ấy cũng khoẻ, cũng bắt chước tôi ốm vờ thôi, khỏe, khoẻ cả, tất cả mọi người đều khỏe cả, bình an cả, mạnh giỏi cả, nhưng nàng lại chê tôi “người ta tấu hài khán giả cười cợt nghiêng ngả, bố kể chuyện vui chỉ làm người nghe bật khóc”. Thế cơ chứ! Khi ra về thi sĩ hẹn “nhất định hôm nào tôi với ông phải đi ăn phở với nhau mới được, phải lấp khoảng trống một phen.”

Con gái dẫn con vào thăm ông, ông bảo mấy đứa cháu ngoại chào ba ông trẻ, ông nào cũng khen mấy đứa cháu đẹp quá. Thi sĩ lá vàng nhớ ra đã gặp mấy ông cháu ở tiệm phở và còn nhớ một đứa hôm đó bốc phở ăn còn một đứa bốc sắn luộc ăn ngon lành. Và thi sĩ đã bảo đứa thích ăn sắn luộc là nó đang tìm về nguồn, còn đứa bốc phở ăn là nó đang tìm cách hội nhập với văn hóa dân tộc quê ngoại nó. 

Khi ba người bạn về rồi ông lão chợt nhớ tới hồi xưa, đã lâu lắm, đứa cháu trai gọi ông bằng chú, tên là Trần Duy Thăng, lính quân dịch tử trận ở Ấp Bắc, khi nhận đươc tin báo tử của Sư Đoàn 7 Bộ Binh, bố mẹ anh ta chạy tới nhờ chú dẫn đi tìm xác con. Tang gia xuống tới Mỹ Tho tìm vào nhà xác Đại Đội 7 Quân Y thấy la liệt nằm sắp lớp mấy chục gói puncho. Ông đi theo người lính chung sự vụ len lỏi vào giữa những dãy tử thi tìm xác thằng cháu, đến một gói áo mưa, vừa mở tấm nhựa trên mặt, ông cũng thốt ra hai tiếng “đây rồi”. Ông ra dấu cho bố mẹ, anh em nó tới, cả nhà oà lên khóc. Bà mẹ nhào tới muốn ôm lấy xác con kêu gào. Người lính chung sự vụ kể cho ông nghe sự việc, vì trận đánh này lớn quá, số thương vong nhiều, lại ở trong vùng sình lầy nên các tử thi khi đem về đây đều phải trải qua một đợt tắm rửa làm sạch hết bùn đất rồi mới tạm gói trong puncho đợi thân nhân tới nhận sẽ tẩm liệm trong hòm gỗ đưa đi an táng. Ông thay mặt anh chị nhận xác cháu và tiến hành công việc đưa ra nghĩa trang chôn cất ngay hôm đó. Đó là trận Ấp Bắc, thời gian đầu của chiến thuật trực thăng vận, sư đoàn bị vố này nặng quá, ông đại tá tư lệnh bứt tóc bứt tai bật khóc, ông tướng tư lệnh vùng từ Cần Thơ phải bay lên hỗ trợ. Bị tổn thất nặng cũng chỉ vì kế hoạch hành quân bị lộ, đối phương biết được ngày giờ và nơi trực thăng đổ quân thì nó đánh cho u đầu sứt tai là “cái cẳng”. Sau đại tá tư lệnh bại trận cũng được vinh thăng lên cấp tướng. Vừa rồi trong lúc nửa thức nửa tỉnh nghe hai tiếng “đây rồi” của các bạn ông lập tức trở lại quá khứ trong nhà xác Đại Đội 7 Quân Y hôi hám đầy xác tử sĩ. Ông nhớ tới thằng cháu lính quân dịch vắn số, nhớ tới anh chị già cũng đã mãn phần và ông nghĩ tới ông, ông lẩm bẩm “đây rồi tôi”, ông nhớ tới cái quảng cáo truyền thanh cũng ngày xưa “đây rồi nồi cơm điện National...”

*

Anh con trai đi công việc xong vừa mới trở lại phòng bệnh, ông hỏi:

– Má đâu không thấy... vào thăm bố?

– Má đang trong... nhà thương!

Lúc đó ông mới được biết bà vợ già của ông cũng phải vào bệnh viện vì kiệt sức. Anh con trai đưa bố vào bệnh viện thành phố biển. Bà lão ở nhà bị xỉu, vợ anh lái xe đưa mẹ vào bệnh viện thành phố miệt vườn. Cũng ngộ. Ông hỏi sao không đưa má con vào cùng chỗ với bố cho tiện, anh ta cười:

– Đâu được, bố. Đây là nơi bố thích, lần trước ở đây về bố cứ khen, nói là chỉ muốn nằm nhà thương không thích về nhà, lại còn đòi làm màn cửa giống như cái màn cửa của bệnh viện, cho nên lần này cấp cứu con cũng đưa bố vào đây cho bố thích. Cái tính thích nằm bệnh viện của ông nội đã lây sang một thằng cháu, cu Nick bữa trước nằm ở CHOC mấy ngày xong cũng không chịu về và bảo mẹ nó là ở hospital “vui” hơn ở nhà! 

Còn trường hợp của má, vợ con nó đưa đến nhà thương có bạn nó làm bác sĩ ở đấy, lại cũng đúng chuyên khoa bệnh tiểu đường, nó mới điện thoại nói là sẽ thay thứ thuốc điều trị khác cho má, thứ thuốc vẫn dùng những năm qua có hại cho sức khỏe vì đã khiến cho bệnh nhân không thèm ăn, không ăn miết đuối sức dần đi đến kiệt lực. Cô bác sĩ nói là phải thay đổi cách điều trị ngay. Hai ông bà bệnh hai kiểu khác nhau, nằm hai nhà thương khác nhau, làm sao mà thăm hỏi nhau được. 

Anh ta cười, bấm cell phone nói chuyện với vợ “em đưa bà cụ nói chuyện với ông cụ”, rồi hai đứa nó nói với nhau gì đó bằng tiếng “tây”, không phải tiếng “mẹ đẻ”, rồi chúng nó cười khúc khích với nhau qua điện thọai, ông lão nhìn con trai cười cũng đoán là vợ nó cũng đang cười với nó. Anh ta đưa điện thoại cho ông, ông nghe tiếng bà lão vợ ông: 

– A lô, bố đó hả?

– Ừa, em làm sao vậy?

– Cũng bị ốm, em đi không nổi, vào đây cô bác sĩ chẩn đoán xong quyết định đổi thuốc, thuốc chích thay cho thứ thuốc uống cũ hằng ngày, em không thể tự chích thuốc cho mình được, nhưng cô ấy nói không thể không thay đổi cách điều trị được, nếu không sức khoẻ sẽ mỗi ngày mỗi nguy kịch, việc chuyển đổi phải mất vài tháng sức khoẻ em mới ổn định lại. Em về điều trị tại nhà. 

– Nghe cũng có lý, phải làm sao cho em ăn uống được thì mới có sức, ngày xưa... “quất” một lần hai tô phở, bây giờ mua tô phở gắp một hai miếng rồi buông đũa buông thìa...

– Đừng nói thế, đừng nhắc lại chuyện cũ, cũng đừng nói “quất” nghe... ghê quá. 

– Thôi được, chịu khó làm theo bác sĩ. Nếu sợ không dám tự chích thuốc cho mình được thì... bố sẽ giúp. 

– A lô, thế còn bố ra sao?

– Chưa biết nhưng chắc cũng ổn thôi. Hình như đã hút hết những thứ trong ruột non rồi, bố thấy ống dẫn không có gì chảy ra nữa và cái “hũ mẻ” ở đầu giường bố cũng đã gần đầy. 

– Cái gì mà “hũ mẻ”?

– Thì bố thấy một thứ sền sệt trắng đục nên gọi là mẻ cho dễ hình dung, bố còn thấy hình như có cả mẩu sắn sống, mẩu khoai lang nhím, thức ăn ở trại giam Miền Bắc xã hội chủ nghĩa hồi xưa...

– A lô, này người ta tấu hài khán giả cười cợt nghiêng ngả, bố kể chuyện vui chỉ làm người nghe bật khóc. Cú điện thoại này là của em thăm bố, còn bố có hỏi han gì đến mụ vợ già ốm đau bệnh tật này thì tùy ý. Thôi cúp máy nghe, liệu hết bệnh mau mau về nhà kẻo mất job đấy, việc của bố là ở nhà không phải ở bệnh viện. Chỉ tội nghiệp cho nhà nước Mỹ tốn kém đủ thứ. 

– A lô, a lô...

Ông lão trả cái điện thoại lại cho con trai:

– Nói chưa xong đã cúp rồi. Má các con nói bà ấy đau ốm đã có đàn con bà ấy đóng thuế, có đứa hàng năm đóng mất cả gần triệu bạc, nghe ngứa cả tai...

Anh con trai cười:

– Đưa điện thoại cho ông cụ bà cụ hỏi thăm nhau, nói chuyện tình tứ với nhau không nói lại nói toàn chuyện kinh tế chính trị xã hội. 

*

Hôm sau người ta đưa ông xuống phòng quang tuyến, chụp nhiều kiểu hình nghiêng, ngửa, xong bơm một thứ nước gì đó vào bao tử và ruột non qua cái ống lúc trước rút những thứ trong đó ra, rồi lại chụp hình nghiêng ngửa... Trả ông về phòng điều trị nhưng mỗi hai giờ họ lại đẩy cái máy chụp quang tuyến to đùng như một cỗ máy chém đến chụp cho ông các kiểu in như thế. Hai ngày sau sẽ có thể tìm hiểu được sự gì đã ở trong ruột non làm tắc nghẽn lưu thông. 

Các bác sĩ xem xét các tấm phim, hội chẩn, xong đến thăm báo cho biết trong ruột non có một cục nhỏ chưa biết là cái gì, phải theo dõi tiếp, mọi sự sẽ có thể biết trong những ngày tới. Để bệnh nhân bớt khó chịu, tháo ống dẫn ở mũi ra, tháo ống thông tiểu ra, ngưng truyền nước biển và thuốc vào mạch máu nhưng vẫn giữ nguyên kim chích ở gân tay để lỡ cần làm lại sẽ có sẵn. Cho bệnh nhân tập ăn uống từ từ, khởi đầu bằng những thức ăn nhẹ của bệnh viện. Thèm nước lạnh à, cũng từ từ thôi, ăn vào, uống vào nhớ nghe ngóng theo dõi nếu thấy có gì khác lạ, ngày mai sẽ tính, ngày mốt sẽ tính...

*

Thằng cháu đích tôn bố mẹ nó dẫn vào thăm đem cho ông nội một cái xách tay bằng gỗ do chính cu cậu tự vẽ kiểu và đóng ở xưởng thủ công trong trường học. Ông nội để món quà tặng trên bàn cùng với bình hoa hồng get well soon của ông thông gia. Các cô y tá ra vào cứ khen hoa đẹp và món quà dễ thương. 

Lần lượt đàn cháu nội ngoại vào thăm ông, ông thường hỏi bố mẹ chúng: 

– Thế đã đưa chúng nó đến thăm bà chưa? Bà đau ốm phải thăm hỏi bà trước rồi mới vào đây thăm ông, thăm bà sau là bà sẽ buồn giận vì bà là người luôn luôn cả ghen. 

Con cái đứa nào cũng đều trả lời: 

– Rồi. Đầy đủ bổn phận cả rồi. Ông cụ không lo cho mình, nằm đó còn sợ bà buồn. 

Ông nghe kể nhiều chuyện vui. Như chuyện hai cô họa sĩ 5 tuổi tác giả bức tranh “viễn tượng”, vẽ được một tuần lễ thì xảy ra bão Katrina ở New Orleans nên đổi tựa lại là “hurricane”, Emma một hôm hỏi mẹ nó grandpa già rồi phải không, mẹ nó hỏi lại sao con nói ông già, nó nói Cathy nói thế, Cathy còn nói ông già rồi và ông sẽ chết, mẹ nó nạt, sao các con lại nói thế, Cathy còn nói ông chết là ông không còn lái xe nữa và ông cũng không ăn phở nữa, mẹ nó la lên không được nói nữa nhưng Emma lại hỏi, “ông chết là ông không còn tới đây nữa phải không”. Rồi con bé khóc sướt mướt thảm thiết nước mắt rơi lã chã khiến mẹ nó phải ôm vào lòng dỗ dành vỗ về, “grandpa chưa già, grandpa không chết, ông sẽ vẫn tới nhà chơi với các con!” 

Chuyện vui nữa là của anh em thằng Ethan 6 tuổi và Megan 4 tuổi. Ethan là nhân vật một thời liếm đất, hồi anh ta 2, 3 tuổi mỗi khi có đòi hỏi gì thường diễn môn võ ăn vạ lăn ra nền nhà khóc lóc, thậm chí còn thè lưỡi liếm đất làm áp lực với bố, kêu gào “bố ơi là bố ơi”, bố thương con xót xa trong lòng bèn nhượng bộ bồng bế lên dỗ dành, nhưng mẹ nó là người cứng rắn, nhất định không là không, muốn liếm đất cứ để cho liếm đất, chán rồi cũng phải thôi, sau đó còn bị lãnh phạt, ấy thế mà rồi một thời gian sau đó ông chí phèo tự động bỏ đi cái món võ ăn vạ lúc nào không biết. Một lần mẹ nó lái xe, nghe hai đứa con ngồi ghế sau nói chuyện với nhau. Megan hỏi, “Sao nhà ông không có lầu”, thằng anh nói “Vì bà nội đau yếu không lên xuống cầu thang được”, con em hỏi vặn “Thế sao ở nhà mình bà ngoại già yếu lại lên xuống cầu thang được”. Ethan đớ lưỡi nín khe không nói gì được. Ông nghe chuyện khen thằng cháu có ý bào chữa cho ông, không phải vì nội không có tiền xây lầu. Tuy công cuộc bào chữa thất bại nhưng thằng cháu cũng đã anh dũng đứng ở hàng ngũ bảo vệ ông nội. 

Ông thường nói với bà ông đã từng làm quan, cho nên các con ông đều là con quan, các cháu ông cũng đều là cháu quan, bà nội nhờ lấy ông làm chồng nên một bước cũng lên làm bà quan, gọi là quan phu nhơn, ông nội còn nói tuy vậy cái cốt của bà vẫn là người thường, bà nghe ức lên đến cổ cố cãi rằng số bà vượng phu, ông nội nhờ… vía của bà ảnh hưởng mới làm quan, ông nội xin lỗi khi cưới em bố đã là quan rồi ạ. Thế là bà nội cũng nín khe lặng thinh hết cãi, in như nhân vật Ethan cháu bà vậy. Cuối cùng bà cũng nói được ra cái lời chắc nịch không thể thiếu của cuộc chiến Việt Nam “Gì thì gì, em cũng là người nuôi tù!”. Một cô con dâu thì nói trong một bữa cơm “đoàn kết” tại nhà: 

– Bố ạ, ở Mỹ có khi cũng không nhất thiết phải học giỏi… 

– Ờ, ờ... 

– Có khi cũng không nhất thiết phải là bác sĩ, kỹ sư, luật sư… 

– Ờ, ờ...

– Có khi cũng không nhất thiết phải làm quan… 

– Ờ, ờ...

– Ở xứ này chỉ cần có income thật nhiều. 

Ông nghe rồi ngẫm nghĩ bọn trẻ thực tế, táo bạo và lạ lùng hơn ông tưởng. Nhưng ông nói: 

– Ở Mỹ các ông nội ông ngoại thường chỉ là sales man, loan officer, manager, hoặc CEO... 

Sau mấy ngày tập ăn tập uống thử thấy êm, vả ông cũng sợ mất job, nên ông về nhà điều trị tại gia với bà. Thủ tục xuất viện làm xong. Cái ruột non có cục u trong đó bây giờ nó nằm yên, nhưng không biết ngày nào tuần nào tháng nào năm nào nó sẽ lại bị tắc nghẽn lưu thông, bác sĩ bảo thế và khuyến cáo ông ăn uống kiêng khem. Chỉ nên ăn những thực phẩm mềm nhừ, không ăn những thứ có vỏ khó tiêu hóa như ngô, bo bo… Thôi chết, kiêng những món thực phẩm chiến lược như vậy thì còn gì nữa mà ăn. Sẽ sống ra sao đây? 

Bà muốn ông về nhà thì ông về. Bà ghen cả khi ông đau ốm nằm trong bệnh viện. Bà ghen với cả cái ruột non ruột già của ông, cái ruột đau cũng làm bà thắc mắc, đau gì mà đau, ốm gì mà ốm, kiếm chuyện trốn vào một nơi yên tĩnh ở một mình nghĩ vơ nghĩ vẩn mấy chuyện tào lao. Bà nghĩ rằng trong số các nhân vật truyện nhất định phải có một người nào đó có thực ở ngoài đời, nhất định phải có một nhân vật tác giả đã “bịa” ra theo nguyên mẫu có thật, một cái giả được hình thành do một cái thật nào đó gợi hứng ra, bà muốn tìm ra ai là cái thật được cất giấu trong cái giả của truyện... bao nhiêu là những bà bạn của ông, già hay trẻ, đều cần phải được rà xét lại xem có bao nhiêu phần sự thật được đem làm thành đồ giả, bao nhiêu sự thật được bao che dưới dạng “hư cấu”...

Với ông, bà là người có tính cách vững vàng, cứng cỏi, chứ không yếu đuối như ông. Ngay từ khi lấy nhau, đám cưới xong là bà đã nắm quyền chủ động. Tất cả mọi chuyện trong nhà đều do bà tính toán, sắp xếp, điều hành, ông khỏi lo gì cả. Cứ như thế cho đến mãn cuộc đời, ông luôn luôn để mặc bà muốn làm gì thì làm, bà muốn cho cái nhà nó như thế nào tùy bà. Cho đến một hôm, khi cả hai đều đã già khú đế, bà già yếu bệnh tật, mới tự nhiên giác ngộ bật hỏi: 

– Này bố, như thế tôi là một cái máy đẻ à?

Ngẫm nghĩ một lát rồi ông gật đầu:

– Chứ còn là gì nữa. Một cái máy đẻ tốt... 

Thấy bà ngồi thừ ra buồn bã mủi lòng, ông ái ngại hỏi:

– Làm máy đẻ là tốt chứ sao em buồn. Thiên chức đấy. Em phải hãnh diện là một cái máy đẻ có năng suất cao, một cái máy đẻ “xịn”. 

Bà nghe bùi tai, tỏ vẻ vui vui trở lại, không còn cái vẻ não nề lúc mới chợt khám phá ra thân phận máy móc của mình.

Thảo Trường