19 November 2022

TẢN KHÚC CHO MỘT NGÀY - Lê Hát Sơn

Bắt đầu một ngày với ly cafe góc chợ quê nhà. Bên cái nắng vàng rất vàng của ngày đầu tháng 10, bên từng cánh gió xao lá xao cây chuyển mình chờ hơi đông trở lại. Vài ngụm cafe, vài hơi thuốc, viết vài dòng tưởng nhớ đến hai nhà thơ lớn dù chênh lệch tuổi đời khi sinh, năm mất cũng cách nhau 21 năm, nhưng có cùng ngày mất,tháng mất. Đó là hai nhà thơ Bùi Giáng(1926-07.10.1998) và Du tử Lê(1942-07.10.2019)

Bài này tôi đã nhờ Fb chuyển đến những bạn bè thân hữu. Nhưng ngồi cafe, viết vội nên còn nhiều điều muốn nói mà chưa nói được, nên tôi thêm những cảm nghĩ, suy ngẫm của tôi ở đây như một bày tỏ…

Với tôi cũng như nhiều người khác chung thế hệ, it nhiều đều biết đến một vài tác phẩm hay gần như toàn bộ trước tác của hai nhà thơ cũng là điều dễ hiểu.

Với nhà thơ Bùi Giáng chúng ta còn được biết đến vài tên gọi khác là Trung niên đười ươi thi sĩ, nhà thơ điên, nhà thơ của những cuộc rong chơi, nhà thơ có nguồn nội lực vô bờ bến khi viết. Viết nhanh, viết mọi lúc, mọi nơi trên mọi chất liệu không cầu kỳ.

Với ông, cả cuộc đời Phụng Hiến*cho Thi ca nên ông luôn “… đặt trong bàn tay vạn vật. Quả tim mình nóng hổi những chờ mong”*. Từ đó ông yêu chuồn chuồn châu chấu, yêu “con kiến bé cùng hoa hoang cỏ dại. Con vi trùng sâu bọ cũng yêu luôn”*

Sức sáng tạo của nhà thơ Bùi Giáng khó ai sánh kịp về số lượng được viết trong một quãng thời gian khi đem so với số đầu sách đã xuất bản.

Cùng với đó là cách vận dụng ngôn ngữ rất bình dân cửa miệng của người đời nhưng khi được ông đưa vào thơ lại mang một dáng dấp khác, một uy nghiêm khác. Ở đó, tất cả được ông ban cho sinh hồn, trái tim. Tất cả toát lên một chữ Tình. Tình của người với người. Tình của người với đời. Tình của người với muông chim sâu bọ, đất đá sông ghềnh, thị thành phồn hoa, ruộng đồng làng mạc. Trân trọng là vậy!

Với nhà thơ Du tử Lê,ngoài những tác phẩm thơ chúng ta còn được thưởng thức những ca khúc được các Nhạc sĩ phổ nhạc từ thơ của ông. Chính những ca khúc được nghe mỗi ngày đã đem cái tên Du tử Lê đến với chúng ta một cách phổ cập hơn, gần gũi hơn, thân thiết hơn.

Với tôi, sự kính trọng về tài năng và nhân cách của hai ông, qua những gì tôi được đọc, được nghe từ hồi mới lớn đến nay ít ra cũng nửa thế kỷ, khi tôi hiện tại đã sắp bước tới “…thất thập cổ lai hy”rồi ,vẫn nguyên vẹn cảm xúc vui buồn khi đọc lại những câu thơ, nghe lại những khúc tình ca như buổi ban đầu. Đó cũng có thể gọi là hạnh phúc chăng?

Ngoài những điều nói trên,tôi biết trong những gì tôi viết dù thơ hay nhạc sự ảnh hưởng từ hai nhà thơ đối với tôi là điều không tránh khỏi. Trong chừng mực nào đó,tôi vẫn thầm cám ơn hai ông. Còn thoát được hay không khi viết là do mình, chính mình để tạo cái riêng mà thôi.

Riêng trong lĩnh vực thư pháp, khi muốn gởi gắm một điều cần chuyển tải đến người thưởng ngoạn, tôi luôn tìm đến những câu thơ của hai ông để thay lời tôi muốn nói.

Về âm nhạc, tôi đã phổ cho nhiều bạn thơ bấy lâu nay, coi đó là niềm vui cộng hưởng của người làm thơ, người viết nhạc, tuyệt nhiên không dám coi mình là Nhạc sĩ này nọ. Càng không bao giờ có ý định sẽ phổ nhạc dù một bài của nhà thơ Du tử Lê. Nhưng khi nghe tin ông mất,tôi mạo muội phổ một bài,cũng là bài duy nhất.

Tôi chọn một bài ông viết khi đóng quân ở Pleiku trong những năm chiến tranh nhưng chỉ nói đến Pleiku, một Thị xã nhỏ nhắn với màu dã quỳ vàng ruộm mỗi mùa đông về. It nhiều, dã quỳ vàng đã là biểu tượng của người Pleiku chúng tôi từ đó và mãi sau này. Bài thơ tên PLEIKU VÀ HOA QUỲ.

Đó là cách tưởng nhớ riêng dành cho nhà thơ Du tử Lê.

Đến đây,chợt nhớ đã hai lần được gặp nhà thơ Du tử Lê. Lần thứ nhất là năm 2015, khi ông về TP Pleiku ra mắt tập thơ GIỎ HOA THỜI MỚI LỚN. Lần thứ hai,tháng 10/2018 ông và phu nhân là Nhà giáo Hạnh Tuyền, là cô giáo của nhiều thế hệ học trò Trung học ở Pleiku trước 1975. Về TP Kontum lần đó còn có vợ chồng anh Nguyễn Sơn-Đinh Liên, có cả Huỳnh Quang Vũ, là những người em nhà thơ Du tử Lê rất quý mến. Cuộc gặp gỡ chân tình, thân thiết tại phòng tranh của tôi (khi đó còn hoạt động ở Kontum) luôn là một kỷ niệm đẹp trong đời.

Nghĩ và nhớ về hai lần hội ngộ với nhà thơ Du tử Lê bỗng dưng chạnh lòng khôn tả. Vì đâu và vì sao?

Vì lần thứ nhất ở Pleiku có tôi cùng Khanh vẽ từ Kontum về. Đêm đó còn có Bùi Ngọc Thành nữa. Đến hôm nay, ngồi viết những mông lung này, Khanh vẽ, Bùi Ngọc Thành, anh Nguyễn Sơn và nhà thơ Du tử Lê, người trước, người sau đã bỏ đời sống này bay về miền cổ tích.

Còn riêng tôi… bao giờ để bao giờ?

Chạnh nghĩ… cuộc sống cho dù thế nào đi nữa,dòng đời vẫn trôi, trôi về phía trước theo một dòng chảy vô hình vô hạn. Chỉ con người là có dấu chấm hết cho cuộc hữu hạn mà thôi.

Một ngày rồi sẽ qua.
Một tháng rồi sẽ qua.
Một năm rồi sẽ qua.
Nhiều năm, nhiều năm nữa sẽ qua.

Khi đó… như Trịnh công Sơn đã nói “Những người đến không vì mong.Những người chết không vì quên”.Vậy tại sao khi còn bên nhau cứ phải ganh ghét,tỵ hiềm?Tại sao không xích lại gần nhau hơn bởi “cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ

Một ngày đầy nắng.
Một ngày ngập gió.
Một ngày của bao ngày trong cái Mất Còn muôn thuở luôn khuấy động lòng mình khi có điều gì đó gợi tưởng?

Hôm nay… một ngày như thế!

Hoài niệm đầy ắp trong tôi.

Lê Hát Sơn

07.10.2022

*Phụng Hiến, tên một bài thơ của Bùi Giáng và những câu được trích từ bài này.