10 December 2022

MÙA XUÂN TẠI LÀNG NHÂN ÁI - Trần Văn Khang

Tên của một số địa danh trong truyện ngắn dưới đây đã được thay đổi. Nếu danh tánh và hoàn cảnh của những nhân vật trong truyện có sự trùng hợp ngoài đời, chỉ là do ngẫu nhiên, ngoài ý muốn của người viết.

Tại huyện Gia Viễn tỉnh Ninh Bình miền Bắc Việt Nam, có một làng đẹp và hiền hòa, thơ mộng. Khi xưa, lúc chưa có chiến tranh dân cư sống rất an bình. Nam nhân hay phụ nữ nơi đây đa số được trời cho có đời sống về tình yêu phong phú và thoải mái. Dân nơi đây có truyền thống mến yêu hòa bình. Như được thần linh che chở, ngay cả lúc cả miền Bắc gặp mùa chinh chiến Việt Pháp, làng này vẫn may mắn không phải chịu cảnh bom đạn. Làng cũng có một tên như những thôn xã khác, nhưng vì muốn tôn trọng những truyền thuyết và phong tục khá riêng tư của một địa danh, nên ta hãy tạm lấy tên là Làng Nhân Ái để gọi cho một địa phương có tính cách đặc biệt này.

Làng ở gần bên một nhánh lớn của sông Đáy, dân cư rất trù mật. Nếu kể đủ mọi thôn xóm, dân số có tới gần ba ngàn người. Dân làng lấy nghề nông làm căn bản. Phụ nữ thì canh cửi, chăn tằm hái dâu. Một số nam nhân sống với nghề chài lưới trên sông nước. Ruộng đất màu mỡ. Nếu không có chiến tranh, gia đình nào có ít sào ruộng do cha ông để lại và chịu khó chăm lo cấy cày thì chắc chắn là đủ ăn. Ðó là chưa kể tới những nhà phú nông, ruộng thẳng cánh cò bay. Tuy nhiên, giống như nhiều làng mạc khác trong vùng, cũng có một số gia đình nông dân ít ruộng vườn, nghèo và chỉ chuyên làm nhân công, cày thuê vác mướn cho những địa chủ. Con sông bên làng thật nhiều cá, ngoài cá lớn còn có những loại cá nhỏ. Nhiều nhất là cá mương, cả nhiều ngàn con, đi từng đàn. Dân làng khi làm gà, làm vịt bên bờ sông, chỉ cần thả những miếng da gà vịt lên mặt nước là dễ dàng thấy cả mấy chục con cá vẫy vùng, quẫy nhảy đến ăn mồi. Một loại cá nữa có tên là cá Dầm, giống như cá rô nhưng ít gai ngạnh và chỉ ở sông, vắng thấy ở ao. Khi người chài lưới được mùa, những phú ông trong làng mua cá về, ướp muối, phơi khô để dành. Đến mùa gặt, mùa cấy đem cho tá điền dùng món cá khô nướng, dùng vào bữa cơm, sau những lúc làm công việc đồng áng. Người nông dân, chỉ cần có cơm gạo đỏ cho no đủ, thêm cá khô mặn nướng, vài quả cà muối, một nồi canh mồng tơi hay canh rau muống nấu với cua đồng là cũng đủ thấy cuộc đời hạnh phúc.

Riêng nói về tình yêu nam nữ, thì làng Nhân Ái là một địa đàng. Tâm hồn người dân ở đây rất phóng khoáng, phải nói là lãng mạn, lại dễ tha thứ cho những lỗi lầm về tình ái. Truyền thống này đã có hàng trăm năm, trải qua nhiều thế hệ, có thể là từ khi làng mới được thành lập từ nhiều thế kỷ xa xưa. Làng có nhiều điểm đặc biệt khiến cho khách phương xa phải chú ý. Ðó là Giếng Hoan Lạc, Núi Chim Cao và Miếu Bà.

Giếng Hoan Lạc ở bên đình cung cấp nước ngọt mát cho cả làng. Tục truyền, Thành Hoàng một hôm về báo mộng cho vị Tiên Chỉ đầu tiên địa điểm để đào giếng và dạy rằng ai uống nước này sẽ được mạnh khỏe, sống lâu, sanh con đẻ cái đầy đàn. Nhiều người tin rằng nước giếng này có đặc tính bồi dưỡng sức khỏe và tăng cường khả năng sinh lý. Điểm đặc biệt là mỗi khi có ai vô tình hay tinh nghịch ném một viên đá xuống giếng thì trong làng lại có những chuyện lộn xộn về tình yêu xảy ra. Hoặc là hai cô cậu bà con trong họ phải lòng nhau, ăn ở với nhau. Hoặc là bà nọ đã có chồng ngoại tình với ông kia đã có vợ... Dân làng lại kết luận là tại "giếng bị động", đem lễ vật cúng kiếng Thành Hoàng, thế là xong. Có khi nhiều cô cậu, vì lý do gì ngang trái hay bị ngăn cản không lấy được nhau, họ chủ ý ném một hòn đá nhỏ xuống giếng, vậy là có thể toại nguyện làm những chuyện tình ái chưa được bà con hay dân làng chấp nhận, sau đó cúng tạ lỗi với thần linh, hợp thức hóa và thành vợ chồng. Dân làng lại dễ dàng tha thứ.

Đặc điểm thứ hai của làng là một hòn núi, có hình dạng đặc biệt, có tên là Núi Chim Cao, sừng sững oai hùng một mình tọa lạc ở ven sông ngoài bìa làng. Các nhà Nho tao nhã thì nói là núi có hình dáng của một bầu rượu, chắc là các vị lúc nào cũng nghĩ đến rượu ngon, thơ phú và bạn hiền. Những người nông dân cần mẫn lại cho là quả núi giống như một nắm tay khổng lồ với một ngón tay dơ lên trời, chỉ cho nhân gian những đàn chim lượn và mây bay, trời nắng trời mưa, để tùy thiên văn lo việc đồng áng. Những mục đồng và các thanh thiếu niên tinh nghịch thì dẫn giải là núi có hình tượng khác. Mặc cho trí tưởng tượng của mỗi người muốn nghĩ sao cũng được, hàng năm cứ đến ngày mồng bốn tháng tư ta thì hàng ngàn con chim nhạn từ hướng nam bay về tìm tổ cũ tại đỉnh Núi Chim Cao. Người ta nói là vào cuối Thu, để tránh mùa Đông giá lạnh chúng bay về miền Nam, xa cả ngàn dặm tìm nơi ấm áp. Mùa Xuân, chim nhạn lại trở về đây và bắt đầu một mùa yêu đương sanh sản cho thế hệ chim mới. Chúng bay lượn quanh đỉnh non cao, ríu rít reo vui, như nhắc nhở mọi người là mùa Xuân đã tới, nên lo hưởng thụ cảnh trời mây, nắng đẹp và tình yêu. Chúng không bao hồi hương về đây trước ngày mồng bốn tháng tư, chúng chỉ bay về đúng hay sau ngày kể trên chậm lắm là một hai tuần lễ. Vào dịp này dân làng đã xong vụ cấy, và đây là mùa của cưới xin, mùa của hội Xuân, mùa của yêu đương. Trai gái trong làng còn độc thân có cơ hội tìm cách thân thiết với nhau hơn. Các phụ nữ và nam nhân đã có gia đình thì hình như mỗi độ chim về, tình vợ chồng cũng tăng phần nồng thắm cho hợp với ý Xuân của trời đất, với chim muông và hoa cỏ. Có người để ý nói là mỗi độ thấy chim về thì dân làng thường đi ngủ sớm, đèn trong thôn xóm tối đến tắt sớm hơn. Bởi lẽ ấy, mỗi năm, khoảng chín tháng mười ngày sau dịp nhạn tìm về tổ cũ thì trong làng nhiều bà nhiều cô chuyển bụng, đem đến cho làng thần tiên này một thế hệ nhi đồng mới và làng mỗi năm mỗi đông thêm cư dân.

Đặc điểm thứ ba của làng là Miếu Bà. Đây là một miếu bằng gạch, xây trên một gò đất rộng giữa nơi đồng ruộng bên làng, dưới một tàng cây cổ thụ. Chung quanh gò có nhiều bụi chuối xanh tươi. Theo truyền thuyết, Miếu đã có trên một trăm bốn mươi năm. Cửa miếu bằng gỗ lim dày và vững chắc, lúc nào cũng được đóng kỹ bằng hai lần khóa. Ai cúng vái thì đặt lễ vật và thắp hương nhang ở trên một bệ thờ ngay ngoài cửa miếu. Dân làng nói ở trong miếu có Tượng Bà, và Tượng Bà là một bí mật. Tục lệ trong làng là chỉ có một phụ nữ duy nhất, có chức gọi là Cô Hầu, được phép mở khóa, vô cửa miếu một cách kín đáo khi không có ai cúng lễ, săn sóc lau chùi bàn thờ và Tượng Bà bên trong. Cô Hầu không cho ai được vào theo và cũng không được phép tiết lộ điều gì mình thấy. Nếu Cô Hầu xúc phạm hay làm sai điều này, có thể bị  vật chết và nguy hại đến cả nhà, và cả làng cũng sẽ bị thần linh trừng phạt. Vì thế, hình dáng của Tượng Bà cũng như đồ thờ bên trong miếu, dân không ai được biết trừ một người phụ nữ này. Theo các vị bô lão, tục truyền là vào những thập niên đầu lập miếu, người phụng sự là một người nữ trong làng được  báo mộng, chỉ định cho chức vụ hầu việc hương nhang. Nếu người này già cả, thì được quyền nêu danh một người khác thay thế, qua việc  phán bảo trong một giấc mơ. Miếu Bà rất linh thiêng. Ai hiếm muộn hay gia đình ai có người đau ốm đến cầu xin cúng kiến thường được như ý nguyện. Khi chuyện cầu mong không xong, thì được giải thích là tại người cầu xin không có lòng thành. Cũng theo truyền thuyết được kể lại, rằng ngày xưa trong làng có một phú ông đã già lại có một người vợ bé, không rõ là vợ thứ mấy, còn rất trẻ, gốc gác là một cô thợ cấy. Phú ông đã lớn tuổi mà cô vợ bé xuân tình còn tràn đầy, nàng tư tình với một tá điền của phú ông. Một hôm phú ông bắt được quả tang hai người đang làm chuyện thương yêu nhau trong khu vườn trồng khoai sắn gần nhà. Phú ông giận lắm, cho đem trói chung, chân và thân mình cả hai người, vào một cây cột trên gò, dưới tàng cây cổ thụ, để cho người làng qua lại đều thấy. Cô thợ cấy và người yêu tá điền có lẽ chịu sự nhục nhằn không nổi, nửa đêm họ cùng cắn lưỡi từ giã cõi đời bên cạnh nhau, trong những vòng dây oan nghiệt cột chặt hai người. Gặp giờ linh, cô thành ra một Bà Thần và trả thù, trù ẻo gia đình phú ông mau chóng bị tán gia bại sản. Nhân số trong nhà phú ông bị hao hụt dần mòn vì bệnh hoạn hay vì tai nạn. Phú ông lúc bấy giờ tài sản đã gần khánh kiệt nhưng cố gắng lập một miếu thờ ngay trên gò đất. Phú ông còn thuê tạc tượng thờ đặc biệt đặt trong miếu, và một người con gái của phú ông là Cô Hầu đầu tiên lo việc hương nhang nơi miếu. Có lẽ cũng vì chuyện tình buồn này mà từ đó dân làng Nhân Ái thật là phóng khoáng dễ dãi trong vấn đề luyến ái, ai có lỗi lầm trong chuyện yêu đương thường được tha thứ, khoan hồng như đã đề cập ở đoạn trên. Nhưng truyền thống dễ dãi này lại gây ra một điểm bất lợi là từ đó các làng xã khác, ít nơi nào chịu dựng vợ gả chồng với con trai con gái làng Nhân Ái. Những làng mạc lân cận rất e ngại cái đức tính phóng khoáng kể trên. Nếu họ lấy một người làng này về mà có chuyện ngoại tình lăng nhăng thì người phối ngẫu dễ dàng đổ tội là Giếng Hoan Lạcbị động, không phải do lỗi lầm hay do sự thiếu chung thủy của họ. Thành ra qua nhiều thế hệ, người trong làng có tục lệ chỉ lấy người làng, quanh quẩn giữa những người thôn Đông thôn Đoài, xóm Thượng xóm Hạ, xóm Chùa xóm Đình... Trải qua trên một trăm năm, mọi người trong làng hầu như đều quen biết nhau, hoặc là bà con xa gần với nhau, càng dễ gây tình thân thiết.

*

*     *

Những chi tiết trên đây là nói về địa lý và nhân văn của làng Nhân Ái. Câu chuyện thật sự của thời cận đại chỉ xoay quanh ba nhân vật chính: Cậu Đạt, Cô Thắm và Thằng Còm. Nói là cận đại, nhưng chuyện lúc bắt đầu xảy ra là cả mấy chục năm về trước, thời mà chiến tranh Việt Pháp chưa bùng nổ.

Cậu Đạt là con trai của một nhà nông giàu có, cả làng gọi là ông Cửu Thịnh. Thời pháp thuộc, ông có tiền, mua chức Cửu Phẩm Văn Giai để có chút danh với làng xã. Mỗi khi có ăn uống, đình đám, hội hè trong làng ông được ngồi ở chỗ chiếu cao. Ông chỉ có Cậu Đạt là con trai duy nhất, thêm hai người con gái, ba bà vợ, già có trẻ có. Khi đứa con trai của ông Cửu Thịnh mới lên chín, nhà cần thêm người chăm lo vườn ruộng mênh mông, ông cho cưới Cô Thắm lúc đó mười bảy tuổi, con gái của một gia đình cư dân nghèo ở thôn Đoài về làm vợ Cậu Đạt. Thời buổi ấy, tục lệ tảo hôn tại thôn quê còn rất thường, nhất là đối với những nhà giàu có. Trước đó khá lâu, khoảng năm năm, ông Cửu Thịnh cũng đã đem Thằng Còm, con một gia đình bần nông khác ở Xóm Chùa về nuôi. Thằng Còm lúc đó mới có chín tuổi, cha mẹ mất sớm. Cũng nên nói thêm ở đây là cái tên "Thằng Còm" rất thường thấy tại các làng mạc miền Bắc ngày xưa, và nhiều nhà văn đã cho Thằng Còm của họ thành những nhân vật trở nên anh hùng, dũng cảm trong những tác phẩm. Riêng Thằng Còm trong truyện này chỉ làm công việc chăm lo đàn trâu, lớn nhỏ trên một chục con, của ông Cửu Thịnh.

*

*     *

Thế rồi thời gian trôi, Miếu Bà vẫn có người chăm lo săn sóc, giếng Hoan Lạc lâu lâu cũng bị động, và chim nhạn hằng năm vẫn theo thời tiết mùa Xuân trở về đỉnh Núi Chim Cao. Cô Thắm đã hai mươi hai tuổi, Cậu Đạt mười bốn và Thằng Còm đã trên mười tám. Nhờ cơm gạo của nhà phú nông, Còm lớn lên như thổi, sức vóc vạm vỡ, da ngăm đen giòn mạnh khỏe vì ở ngoài trời chăn trâu. Đúng lúc đó thì Cô Hầu già nua của Miếu Bà trước khi từ trần có nói với dân làng là được  báo mộng cho Cô Thắm kế nhiệm làm công việc phụng sự nhang đèn tại Miếu. Thắm có thêm công việc mới, mỗi ngày rằm, mùng một lại lo việc săn sóc nơi Miếu Bà. Khi phụng sự việc hương khói, Thắm thường mở cánh cửa gỗ lim vững chắc, hằng che dấu những bí mật bên trong miếu, để lau chùi tượng Bà và thắp nhang. Dân làng ai cúng kiếng nải chuối đĩa xôi, Thắm lại đem về cho Thằng Còm, có khi nàng đưa cho nó ăn lúc nó còn đang chăn trâu ngoài đồng.

Cậu Đạt tuy đã mười bốn tuổi, nhưng là con nhà giầu, cứ mải chơi diều, đánh khăng, câu cá với các bạn đồng tuổi, chưa làm gì đến chuyện vợ chồng với Thắm. Trong khi đó thì Thắm và Thằng Còm, lúc này đã là một thanh niên cường tráng, cả hai người đang độ sung sức của tuổi xuân lại ở gần nhau và gặp nhau mỗi ngày. Mới đầu chỉ có sự cảm mến giữa chủ tớ khi Còm còn nhỏ, sau thành tình yêu nồng nàn và kín mật của đôi nam nữ. Ðúng như câu sáo ngữ "Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén".

Câu chuyện tình của Thắm và Còm bắt đầu khi cuộc chiến Việt Pháp bùng nổ mạnh mẽ nơi các thành thị như Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng và cả Ninh Bình ... Một ngày có đoàn Văn Nghệ Kháng Chiến đến lưu diễn tại làng Nhân Ái. Nhà của Cửu Thịnh rộng lớn, nên cho đoàn kịch nghệ tạm trú. Buổi tối họ diễn những vở kịch tuyên truyền, trong đó có những diễn viên đóng giả Tây làm Đô Đốc D'Argenlieu, làm Tướng Bolert, rồi sau này là tướng De Lattre ... của thực dân Pháp bị dân quân du kích kháng chiến phục kích đánh cho tử thương dễ dàng trên sân khấu. Kịch được trình diễn tại đình làng vào buổi tối vì ban ngày mọi người phải lo việc đồng áng, chài lưới và nếu tụ tập đông sợ máy bay Pháp tới bắn hay dội bom.

Buổi tối hôm đó, Thắm dắt Cậu Ðạt chồng nàng đi coi diễn kịch. Còm cũng đi theo. Dân làng chen chúc đứng chật ních trước sân khấu thiết lập trong đình. Thắm đứng ôm vai Cậu Ðạt còn thấp bé ở phía trước nàng. Tự dưng Thắm cảm thấy một sức đè ép khá nặng sau lưng. Nàng quay lại, thấy Còm ngay phía sau. Hơi thở nóng ấm từ người con trai gây một cảm giác dễ chịu, thích thú nơi gáy cổ của Thắm. Nhưng bị sức ép từ phía Còm nhiều quá, nàng nói:

- Mày làm cái gì thế Còm.

Còm tỉnh bơ trả lời:

- Đằng sau họ chen lấn, đẩy tôi quá Cô Thắm.

Trong khi đó thì Cậu Đạt mải mê coi diễn kịch. Nam diễn viên đóng giả tướng Pháp Bolert đang bị dân quân du kích đâm chảy máu bằng mực đỏ nơi bụng, nằm dẫy chết trên sân khấu. Dân làng vỗ tay nhiệt liệt. Thắm giả bộ như chăm chú theo dõi màn kịch, dễ dãi để kệ cho Còm tự do muốn đụng chạm sao cũng được. Và từ đó nàng và Còm thân thiết nhau.

Một hôm ngày rằm, sáng còn sớm tinh mơ, Thắm đem tơ tằm đi bán nơi chợ của làng bên. Trên chuyến đi, nàng rẽ vào con đường nhỏ từ lộ cái để vào Miếu Bà, trong tâm dự định lo phận sự cúng kiếng vài phút. Còm chăn trâu ở gần, nó lén đến cạnh miếu lúc nào nàng không hay. Còm vào luôn trong miếu, nơi được coi là bí mật và tôn nghiêm cả trên trăm năm nay, nó làm Thắm hết cả hồn vía. Thấy Còm, nàng vừa thở, vừa sợ, lo bị Bà vật, nhưng có lẽ cũng thấy vui và sung sướng. Còm tò mò nhìn lên hương án nơi bàn thờ. Còm thấy một bát hương đỏ, hai bên cạnh là hai cây đèn bằng đồng sáng bóng, và chính giữa kệ thờ là một tượng gỗ sơn son thiếp vàng tạc hình một nam nhân và một phụ nữ trẻ bị trói vào nhau phía thân dưới, nhưng bốn cánh tay còn tự do quấn quít ôm lấy nhau như đang say sưa trong tình yêu. Có lẽ Còm là người đàn ông duy nhất từ nhiều thế hệ được thấy tượng Bà, bây giờ nghĩ phải gọi là tượng Ông và Bà mới đúng.

Đàn trâu được thả, thanh bình ăn cỏ phía xa. Thấy hình tượng Ông Bà đang ôm nhau, Còm cũng nổi hứng yêu đương. Còm ôm lấy Thắm, hôn lên khắp mặt nàng. Thắm chỉ ú ớ, không chống cự. Cũng chẳng thấy Bà trừng phạt, vật sống vật chết gì. Có lẽ trong tiền kiếp, Ông Bà đã từng đau khổ vì yêu đương nên thông cảm cho đôi trai gái chăng. Rồi Thắm vừa thở vừa nói:

- Anh Còm, phải tội chết.

Trời còn sớm mai, cảnh vật nơi đồng quê còn mờ hơi sương, nhưng Còm cũng sợ có người đến cúng lễ, sẽ thấy lục cục bên trong, nó bảo Thắm:

- Mình xuống bụi chuối dưới gò. Tôi đi trước, Cô Thắm xuống sau nhé!

Còm vẫn quen miệng gọi Thắm bằng Cô. Anh nhìn trước nhìn sau, không thấy ai, từ từ đi xuống một phía chân gò khuất bên kia, và chỉ ít phút sau Thắm cũng tìm ra bụi chuối chỗ Còm đang nôn nao chờ đợi.

Bầu trời buổi sáng trong mát, mặt trời chưa ló dạng, ánh sáng còn mờ ảo. Những giọt sương trong suốt đọng trên cỏ non lóng lánh. Bầy chim trên đỉnh Núi Chim Cao mới thấp thoáng vài con rời tổ bay lượn. Những làn gió Xuân làm lá bụi chuối lay động rạt rào lấp đi những tiếng rên khẽ trong sung sướng của Thắm. Cỏ non dưới đất và những đùm lá xanh mượt mà của bụi cây chứng kiến đôi tình nhân say sưa hưởng lạc thú yêu đương lần đầu trong đời.

*

*     *

Khi người con trai và người con gái đã gần gũi nhau một lần thì mọi chuyện liên hệ tình ái tiếp theo trở nên dễ dàng và thành thói quen cho thèm muốn. Từ lần thân mật dưới bụi chuối bên gò Miếu Bà, Còm và Thắm tiếp tục tư tình với nhau. Khi thì ban đêm dưới chõng tre bên hè vắng, khi thì ban ngày trong kho lúa đóng kín, lúc thì ở bên những luống khoai lang nơi vườn của khu trang trại rộng lớn. Trước mặt mọi người, lúc cần xưng hô, Thắm vẫn gọi tên Còm hay Thằng Còm, và Còm vẫn kêu nàng là Cô Thắm. Lúc chỉ có hai người và trong những giây phút yêu đương lén lút vội vàng, cách xưng hô cũng đã bắt đầu đổi khác đi. Còm thì càng lớn càng sung sức, và Thắm từ ngày có tiếp xúc tình ái sâu đậm với người khác phái, sắc da vóc dáng càng tươi mát hơn.

Thế rồi chuyện phải đến đã tới. Một hôm bên vựa thóc, Thắm nói với người tình:

- Anh Còm, Thắm bị tắt kinh, buồn nôn, chắc có thai mất.

Còm lo lắng:

- Tắt kinh bao lâu rồi?

- Mới trễ chừng hơn nửa con trăng.

Còm suy nghĩ, xong anh ta bàn với Thắm:

- Hay là Thắm "ấy" với Cậu Đạt đi.

Thắm lắc đầu:

- Cậu Đạt chỉ ham chơi, mới mười bốn tuổi, biết gì mà "ấy".

Còm không chịu:

- Phải được chứ. Hồi Còm mười ba mười bốn tuổi, mỗi lần giếng bị động, khi đánh trâu về, thấy đàn bà con gái tắm ở ao làng, nhìn họ cũng đã thấy thích rồi. Cậu Đạt chắc cũng vậy. Cậu ấy gần mười lăm còn gì nữa.

Chỉ trong vòng nửa tháng sau, Cậu Đạt được Thắm chỉ bảo hướng dẫn cũng hơi quen việc yêu đương. Rồi chuyện Thắm mang thai, nhà ông Cửu Thịnh biết và mừng. Dân làng hay tin này, ít ai nghi ngờ hoặc lạ lùng gì, vì với tục tảo hôn đã có hàng trăm năm nay, chuyện vài cậu bé con nhà phú nông mới mười lăm mười sáu được lên chức làm cha đã xảy ra nhiều lần. Những người mừng nhất vẫn là Thắm và Còm. Chuyện tư tình không bị bại lộ. Hai người cũng cố giữ kín đáo, lâu lâu mới tìm cách lén gặp và gần gũi nhau.

*

*    *

Thời gian cứ trôi, đứa con trai của Thắm và Cậu Đạt, phải nói là của Thắm và Còm mới đúng, đã gần hai tuổi, rất kháu khỉnh, có những bước đi khá vững, bập bẹ nói rất đáng yêu. Nó có tên là thằng Cu Vượng. Cửu Thịnh đặt cho cháu đích tôn cái tên này, với ước mong gia thế sẽ thịnh vượng, phát đạt nhiều thế hệ. Cậu Đạt cũng đã trên mười bảy tuổi và bắt đầu trở thành một thanh niên sung sức. Cậu không còn ham chơi thả diều, câu cá như mấy năm trước. Bây giờ Cậu ham làm phận sự của người chồng Cô Thắm thường hơn.

Bắt đầu từ cuối năm 1953, khi cuộc chiến tranh kháng chiến giữa Việt Minh và quân viễn chinh Pháp ngày càng nặng nề. Làng Nhân Ái cũng như hầu hết các làng xã khác trong vùng có phong trào cải cách ruộng đất và tố khổ. Những bần cố nông được kích động để đấu tố các phú nông, địa chủ của mọi thập niên về trước. Những buổi đấu tố tiếp diễn nhiều ngày trong mỗi tháng, và tất nhiên gia đình của Cửu Thịnh cũng là một trong những mục tiêu của phong trào tố khổ có tính cách toàn quốc này. Một ngày vào mùa Xuân, dân làng được thúc đẩy tập họp thật đông trước sân đình khi mặt trời ngả bóng, còn chừng vài con sào trên chân trời hướng thôn Đoài. Tòa án Nhân Dân được thiết lập với một cán bộ cải cách ruộng đất cấp huyện làm Chủ Tọa. Hai cán bộ khác cùng sáu bần nông đại diện cho đủ thôn xóm của làng làm phụ thẩm. Họ ngồi trên những ghế đẩu, sau một chiếc bàn dài. Ở trên cao phía sau của họ là bàn thờ Tổ Quốc. Một lá cờ lớn, treo theo chiều dọc. Trên bàn thờ Tổ Quốc có nến, nhang và đỉnh đồng tỏa nhẹ khói thơm của trầm hương. Cửu Thịnh, cùng mấy bà vợ, các con gái và tất nhiên cả Cậu Đạt bị tố, bắt ngồi trên nền gạch đỏ của sân đình. Riêng Cửu Thịnh, có lẽ bị coi là trọng tội nhất, thì bị trói vào cột cờ, ngay cận bên chỗ các tội nhân khác. Mọi người để ý, thấy Thắm và Còm được đứng trong hàng ngũ nhân dân vì xuất thân từ giai cấp bần nông, và được coi là thuộc giai cấp bị bóc lột nặng nề. Sau nghi lễ đã trở nên quá quen thuộc là chào cờ, mặc niêm và suy tôn "Bác", viên Chánh Thẩm nghiêm trang tuyên bố khai mạc phiên tòa. Người cán bộ như đã thuộc bài kể tội chung những cường hào ác bá, phú nông địa chủ và hôm nay mục tiêu đấu tố là tên Cửu Thịnh và gia đình. Không biết từ đâu, anh ta đã thu thập được nhiều chi tiết đúng cũng như sai về quá khứ của Cửu Thịnh. Hắn hùng hồn lên tiếng hô hào nhân dân trong làng ai có những gì uất ức do bị đàn áp từ bao nhiêu năm nay hãy ra tố cáo để nghị tội và trừng trị các tội nhân.

Khởi đầu của phiên tòa nhân dân, vợ con của Cửu Thịnh bị tố khổ và hạch hỏi trước. Như đã được đề cập ở những đoạn trên, dân làng Nhân Ái thường có liên lạc họ hàng vơíù nhau từ nhiều thế kỷ và truyền thống của làng là thân ái, yêu đương, hòa bình và dễ khoan hồng. Cũng như những lần trước, các cán bộ cấp huyện đều tỏ ra thất vọng vì những cuộc đấu tố tại làng này không có gì là sôi nổi và chẳng bao giờ sắt máu.

Một cô thợ cấy đứng ra tố cáo vợ hai của Cửu Thịnh thường bắt cô làm việc cực nhọc quét dọn cả mấy căn nhà rộng lớn đến quá nửa đêm, sau khi cô đã phải làm việc ở ngoài đồng rất là mệt mỏi mỗi ngày đến nhá nhem tối mới về. Tội ác này kể ra không có gì trầm trọng. Một tá điền, có lẽ đã tốt nghiệp lớp i-tờ, cầm một miếng giấy, cố đọc một cách chậm chạp những tội trạng của cả gia đình Cửu Thịnh đã bóc lột công sức lao động của anh. Một cô bần nông khác, còn trẻ chưa chồng và diện mạo có vẻ lẳng lơ, tố cáo sự ép liễu nài hoa của Cửu Thịnh. Cô nói hai lần khi giếng làng bị động, Cửu Thịnh đã bắt cô phải ăn nằm với hắn. Cô khai thêm Cửu Thịnh chỉ cho cô mỗi lần mười đồng bạc Đông Dương và còn dụ dỗ là hành động ăn nằm cốt để thêm sức làm việc cho cô. Nhiều người chứng kiến phiên tòa cười ồ, làm chánh thẩm phải gõ bàn, yêu cầu mọi người giữ trật tự.

Đến lượt Thắm được mời ra để tố cáo gia đình Cửu Thịnh. Cô bồng đứa con là Cu Vượng hai tuổi trên tay. Như đã được học tập từ trước, Thắm tố cáo là lúc cô mới mười bảy tuổi, vì nghèo bị ép buộc phải lấy Đạt, một đứa trẻ còn bé dại và là con địa chủ, để trừ nợ cho cha mẹ, như vậy cô bị uổng phí tuổi xuân. Cô bị bóc lột làm việc như một người đầy tớ không công cho gia đình Cửu Thịnh. Cô không kể ra được một chi tiết bị đàn áp hay ức hiếp tàn nhẫn nào khác. Thắm nhìn vào đám tội nhân, và nhìn chồng nàng là Đạt, người sau này đã cùng chung sức với Còm cho nàng những giây phút hoan lạc tại ngôi làng thân thuộc này. Nàng bỗng cảm thấy tội nghiệp Đạt hơn là giận ghét một người con của địa chủ. Bị khuyến khích , bị kích động phải tố cáo thì nàng làm vậy thôi. Và chắc là Thắm cũng có chút lương tâm tự trách tội ngoại tình của mình nhưng không dám nói ra.

Rồi tới phiên Còm được yêu cầu làm công việc đấu tố. Còm lúng túng, chậm chạp vì chưa khi nào phải ăn nói trước công chúng. Thực ra anh ta lại thấy rất hạnh phúc được chăn đàn trâu của chủ. Mỗi con trâu đã được anh đặt cho một tên, và mỗi một con vật to đen khỏe mạnh kia thân thiết với anh như một bạn hiền. Anh thuộc lòng vị trí từng cái khoáy của mỗi con trâu, cũng như đã nhớ rõ một vài nốt ruồi kín đáo trên người của Thắm. Còm từ trước tới nay chưa thấy bị bóc lột hay thấy đời anh bị đầy ải cực nhọc. Ðúng như sáo ngữ "Ai bảo chăn trâu là khổ". Bầu trời và đồng ruộng thênh thang là bạn của Còm. Lúa thơm, hoa dại, cỏ non là chỗ anh được gần cận nằm nghỉ trưa, nhìn trời mây. Và Cô Thắm là chỗ anh thân ái trao đổi cho hết ân tình. Có gì để anh phải than thở và đấu tố đâu. Một cán bộ đứng cạnh anh thúc đẩy:

- Đồng chí Còm, hãy tố cáo những gì đồng chí bị áp bức.

Còm lúc đó cố nhớ, anh chỉ nói được một phần nhỏ những câu đã được dặn dò từ trước:

- Thưa đồng bào, thưa các đồng chí. Tôi là Còm...

Anh ta còn ấp úng chưa dứt câu thì vài cô thôn nữ chưa chồng, có lẽ cũng đã để tâm và mến thích anh, nói:

- Bây giờ lớn rồi.

- Hết Còm rồi.

Lại một màn yêu cầu trật tự của chủ tọa. Còm tiếp:

- Tôi bị ông Cửu Thịnh bắt đi chăn trâu từ lúc mới chín mười tuổi, không cho đi học...

Còm vẫn quen miệng, đáng lẽ theo học tập phải nói tên Cửu Thịnh, nhưng vì kính nể chủ từ bao nhiêu năm nay, anh vẫn gọi Cửu Thịnh bằng ông. Anh ta nói tiếp:

- Một mình tôi phải chăn mười bốn con trâu. Lúc trâu không đi cày bừa, tôi phải cho trâu ăn cỏ và phải tắm trâu, vất vả. Tôi bị bóc lột, không được trả công. Mỗi năm chỉ được hai bộ quần áo vải thô và mười gạt lúa, bán được thì mua thuốc lào, chỉ đủ hút thuốc bằng điếu cày lúc ở ngoài đồng, gió lạnh. Cơm ăn hằng ngày tôi chỉ có gạo đỏ, cà muối, canh cua, cá khô mặn ...

Có lẽ mấy món Còm vừa kể có vẻ ngon miệng hơn là bây giờ đã vài nhà bắt đầu phải ăn độn khoai sắn vì cảnh tiêu thổ kháng chiến, cày cấy bị giới hạn do chiến tranh, gạo thóc một phần phải chuyên chở đi bán với tính cách thu mua cho quân đội kháng chiến. Một bà nói với mấy người đứng bên:

- Có đủ mấy thứ đó ăn cũng đỡ.

Rồi đến lượt "Cậu Đạt" bị đem ra hạch tội. Nhưng không có một tá điền, một thợ cấy nào có thù oán gì với Đạt. Chỉ riêng vợ cậu là Thắm, đã vì bắt buộc, phải tố khổ vì cậu mà nàng phải phí tuổi xuân, lấy cậu bé chín tuổi, gần mười năm về trước. Cả tòa lẫn dân làng đều ngầm hiểu rằng đây không phải là lỗi tại cậu này mà là do cha mẹ sắp xếp tính toán.

Đến lúc tòa cho phép các tội nhân biện hộ. Hai bà vợ của Cửu Thịnh không biết nói gì, coi như nhận tội về những lời tố giác đã cư xử bạc đãi bóc lột các bần nông. Cửu Thịnh không chối tội nào kể cả tội tư tình với cô thợ cấy và đã chi phí, ông ta cho là rất sòng phẳng, mỗi lần tới mười đồng bạc Đông Dương. Cửu Thịnh bào chữa yếu ớt, nói là mang tội phú nông vì cha mẹ ông bà hắn để lại ruộng vườn, tội không phải do hắn gây ra, mong được nhân dân tha thứ. Riêng Đạt vì còn trẻ tuổi, cậu ta chẳng biết sợ là gì. Những người phụ thẩm ngồi trên kia một thời là tá điền vẫn nuông chiều cậu. Có người trước kia hay nặn đất sét đem nung làm những con giống, hay dùng lá chuối đan thành những con cào cào cho cậu. Đạt tỏ ra bình tĩnh, nói biện hộ cho cả gia đình:

- Thưa tòa, thưa các đồng chí và nhân dân ...

Chưa kịp nói tiếp, Đạt bị người cán bộ huyện át giọng quát ngay:

- Mày là con của địa chủ, con của phú nông phản động, không được phép gọi ai là đồng chí.

Đạt phải nói lại:

- Thưa tòa và nhân dân , cả nhà tôi tuy là địa chủ nhưng cũng đã nuôi cơm gạo cho nhiều người. Riêng tôi còn rộng rãi cư xử tốt với anh Còm, coi như có công nhiều giúp đỡ bần nông...

Mọi người hồi hộp muốn nghe xem Đạt đã giúp bần nông ra sao ngoài việc gia đình cậu ta chỉ cho họ ăn cơm gạo đỏ và bóc lột sức lao động. Người cán bộ cũng muốn tỏ ra có công tâm, nói dõng dạc :

- Mày có công trạng gì nói rõ.

Đạt tiếp:

- Tôi biết anh Còm ăn nằm với vợ tôi.

Nhiều người dân làng ngơ ngác vì lời khai bất ngờ này. Vài tiếng  đây đó. Một hai người cán bộ cải cách nói át ngay "vu cáo, vu cáo". Viên chánh tòa lớn tiếng:

- Mày nói sai, vu khống sẽ bị trừng trị nặng. Có bằng cớ nào?

Đạt nói:

- Một buổi tối sau vụ gặt, lúa đã vào vựa, tôi đi thả diều về thấy có tiếng động trong kho thóc, tôi sợ có chuột hay có người xúc trộm lúa, vào coi thì thấy anh Còm nằm phủ lên người vợ tôi, hai người ăn ở với nhau ...

Lại một tràng tiếng  nữa và tiếng vài người thở ra sau khi nín thở giây lát, kể cả Cửu Thịnh và mấy bà vợ. Dám dân làng nhìn Thắm. Nàng đỏ ửng cả đôi má, úp đầu vào đứa con trai nhỏ đang bồng trên tay. Mọi người cũng nhìn về phía Còm. Anh ta đứng xa Thắm mươi thước, cúi mặt bẽn lẽn.

Đạt lại tiếp:

- Tôi có công hy sinh không tố cáo anh Còm, hồi đó tôi còn nhỏ, lại cũng sợ nói ra anh Còm sẽ không làm diều sáo cho tôi nữa.

Cán bộ chánh tòa ra lệnh:

- Xin anh Còm và chị Thắm ra trước tòa.

Còm và Thắm đành phải ngượng ngùng bước ra.

- Anh chị cho biết lời tố cáo của con tên địa chủ phản động có phải là vu khống?

Còm ngần ngừ, sau đó trả lời rất khẽ:

- Tôi có ...

Thắm, tay bồng con, hai hàng nước mắt chảy hai bên má:

- Tôi nhà nghèo phải lấy Cậu Đạt khi cậu còn nhỏ. Nhưng tôi yêu và giải quyết công tác với anh Còm. Thằng Cu Vượng này là con của anh Còm...

Lại thêm một tràng tiếng  của đám đông người dự kiến. Phiên tòa cải cách ruộng đất, tố khổ tự nhiên biến thành tòa tố cáo và phân xử về ngoại tình.

Lúc đó đã hơi ngả tối, vài thiếu niên cứu quốc đang sửa soạn những bó đuốc lớn làm bằng những bó tre nứa. Chợt có những tiếng gió rào rào trên không. Mọi người nhìn lên thì thấy hàng ngàn con chim nhạn rợp trời, từ phương Nam bay về đỉnh Núi Chim Cao, báo hiệu mùa Xuân đang nở rộ, một mùa của yêu đương, của thân ái mà thiên nhiên dùng đàn chim như muốn nhắc nhở dân làng. Nhiều người cả thanh niên lẫn phụ nữ reo lên "Nhạn về, nhạn về..."

Phải hơn mười phút sau, khi đàn nhạn chỉ còn vài đám nhỏ, muộn màng bay đến ngang bầu trời của sân đình, người cán bộ chủ tịch phiên tòa nhân dân mới lấy lại được sự chú ý phần nào của đám người đấu tố. Hắn ta biết rõ Còm bây giờ đã lên chức Tiểu Đội Trưởng du kích làng Nhân Ái. Hắn muốn làm một cái gì để bênh vực và ân nghĩa cho một đồng chí yêu nước của hắn. Hắn nói:

- Đồng chí Còm, đồng chí Thắm, hai đồng chí có thực sự yêu nhau không?

Cả Thắm và Còm cùng trả lời khẽ trong ngượng ngập:

- Có.

- Thưa có.

Chủ tọa phiên tòa lại nói:

- Anh Đạt, anh là con của địa chủ, có tội với nhân dân. Anh chưa thể nào đứng trong hàng ngũ bần nông cứu quốc được. Thằng Cu Vượng cũng không phải là con của anh. Anh cần hy sinh cho chị Thắm lấy anh Còm.

Đạt đã từng nhìn trộm mấy cô diễn viên của đoàn ca kịch kháng chiến ngày trước, khi họ lưu diễn và tá túc tại khu nhà của cậu. Cậu ta thấy mấy cô đó còn trẻ và đẹp hơn Thắm nhiều. Đạt chỉ ao ước một ngày nào được theo đoàn kịch nghệ, dù là làm một chân kéo màn cũng được. Đạt lại kém Thắm tới tám, chín tuổi. Tuy Thắm đã chỉ dạy cho cậu hưởng lạc thú xác thịt từ khi mới lớn, cậu thực sự đâu muốn ăn đời ở kiếp với người vợ hơn tuổi mình nhiều và do cha mẹ sắp đặt. Có lẽ đây là dịp tốt để cậu một lần nữa hy sinh. Cậu nói:

- Tôi bằng lòng.

Nhiều tiếng vỗ tay nổi lên hoan hô tinh thần của Đạt. Có lẽ biết phong tục của làng Nhân Ái, và biết đám dân đang hồ hởi không phải vì đấu tố mà vì thấy chim nhạn mới bay về ngày hôm nay, hội xuân và mùa cưới đã tới, cán bộ chánh tòa sau khi tham khảo ngắn với các phụ thẩm nhân dân, tuyên đọc bản án:

- Tòa án nhân dân hôm nay tuyên bố: Tước bỏ hết ruộng đất của tên địa chủ Cửu Thịnh. Một ủy ban sẽ phân phát sản nghiệp của tên địa chủ này cho bần nông ái quốc. Cửu Thịnh chỉ được phép ở với một vợ và phải lao động vinh quang, tự túc sinh tồn. Cho con của Cửu Thịnh là Đạt nếu hối cải, có thành tích tốt sẽ được cứu xét sau này ra nhập đoàn dân quân du kích làng Nhân ái, góp phần vào công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Cho chị Thắm được ly dị ngay với chồng cũ là Đạt vì lý do hôn nhân bị áp bức, và được phép làm đám cưới kiểu đời sống mới với anh Còm.

Mọi người của làng Nhân Ái thoải mái và hài lòng với bản án khá nhân đạo. Khác với những cuộc đấu tố tại các làng xã khác thường là rất tàn bạo và sắt máu. những phiên tòa đấu tố tại làng này thường chỉ có tố khổ, kể tội, mạt sát, tịch biên tài sản, không có cảnh đánh đập tàn nhẫn, địa chủ gục ngã trước mặt dân làng.

Làng vẫn xứng đáng với tên được tạm đặt là Làng Nhân Ái. Nhất là hôm nay, thấy chim nhạn hồi hương, người ta càng dễ tha thứ cho nhau. Nhiều người ra về, hướng mắt nhìn lên đỉnh Núi Chim Cao. Những con chim nhạn như đang vui mừng về lại tổ cũ sau nhiều tháng trốn lạnh tại một phương trời nào xa xăm tận miền nam. Chúng về đây, ríu rít bay, vui lượn quanh ngọn núi, như thúc dục mọi người quên hận thù, hãy thương yêu nhau và thực hiện những hành động thân ái chứng tỏ tình yêu vào mùa Xuân lúc nhạn về.

Trần Văn Khang

(Trích trong Tập Hai Bên Chiến Tuyến)