03 December 2022

TRUNG SĨ SALVA – Tam Mao | Nguyễn Văn Thực dịch

 沙巴軍曹: SA-BA QUÂN TÀO

三毛: Tam Mao 

(1943- 1991,  nữ văn sĩ Đài Loan)

Lời Người Dịch: Bối cảnh địa lý và lịch sử của bài văn này xin xem chú thích (1); về tác giả Tam Mao xin xem chú thích (2) trong truyện Lạc đà Khóc đã được trước đây. Quý độc giả nên đọc chúng trước khi đọc chính bài văn này. 

Tác giả dùng dấu phẩy nhiều hơn dấu chấm, có lẽ tác giả chịu ảnh hưởng lối hành văn ”hành vân, lưu thuỷ/mây bay, nước chảy” trong văn chương Trung Hoa xưa. Các tác giả hiện đại Trung Hoa cũng hay chấm câu kiểu này, khác người Việt chịu ảnh hưởng lối chấm câu cứng cỏi, rạch ròi của Pháp. Người dịch giữ lại lối chấm câu này của tác giả.

Các nhân vật trong bài văn này, hiểu ngầm là họ nói tiếng Tây Ban Nha khi nói chuyện với tác giả Tam Mao, còn ngôn ngữ nói thường ngày với nhau của dân ở đó, chính là Tiếng Ả rập Hassaniya.

****

Vào một buổi tối mùa hè, tôi và anh José ra khỏi nhà để đi dạo mát, sau một ngày nóng bức, sa mạc thật mát mẻ, khoan khoái và dễ chịu.

Vào thời điểm này, những người láng giềng Sahrawi đang đưa con cái ra ăn ngoài trời, và trời cũng đã khuya lắm rồi.

Khi đến gần nghĩa trang bên ngoài thị trấn, chúng tôi nhìn thấy một nhóm choai choai người Sahrawi đang cùng nhau nhìn cái gì đó dưới ánh trăng, khi vừa đi vượt qua tụi nó, nhìn ngoái lại, chúng tôi  thấy ra một người Tây Ban Nha đang nằm dài trên mặt đất, trông như đã chết, nhưng sắc mặt còn rất hồng hào, râu rậm rạp và chân đeo giày, nhìn bộ quân phục là biết ông ta thuộc Quân đoàn Sa mạc, nhưng trên người không có phù hiệu để biết ông ta cấp bậc gì.

Ông ta có lẽ đã nằm ở đó rất lâu, và nhóm người vây quanh ông ta, nói tiếng Ả Rập rất to, bước lại gần, cười cợt, nhổ nước miếng vào ông, lột đôi giày của ông, đạp lên tay ông, trong khi một thằng Sharawi khác đội chiếc mũ lính mà nó lột khỏi đầu ông ta, làm trò hề một người say rượu. Trước cảnh đó người lính chẳng kháng cự lại, tụi Sahrawi cứ giỡn mặt, làm tới.

“Anh José, anh chạy nhanh về nhà lấy xe lái tới đây!” Tôi thì thào với anh José, rồi lo lắng nhìn quanh xem có một người lính hoặc một người thường dân Tây Ban Nha nào đó đi qua đây không, nhưng rồi chẳng có ai cả. 

Trong khi anh José chạy về nhà lấy xe lái tới, tôi cứ nhìn chòng chọc vào khẩu súng lục treo trên thắt lưng của người lính, nếu ai đó gỡ lấy súng của ông ta, tôi sẵn sàng hét lên, nhưng nghĩ là mình hét thì hét nhưng cũng sẽ chỉ bó tay bất lực.

Những người trẻ tuổi ở Tây Sahara đã thành lập "Mặt trận Nhân dân Giải phóng Polisario", có trụ sở chính ở nước láng giềng Algeria, và hầu như mọi người trẻ tuổi của thị trấn đều hướng về những người trẻ tuổi này, mối liên hệ của người Tây Ban Nha đối với người Sahrawi đã vốn dĩ rất căng thẳng, và đối lại, Quân đoàn Sa mạc thù ghét thậm tệ dân địa phương.

Anh José phóng xe như bay đến, hai chúng tôi đẩy tụi ba trợn ra và kéo người say lên xe. Ông ta to cao và tráng kiện, không dễ dàng gì mà vực ông ta lên xe được, chúng tôi toàn thân toát mồ hôi đầm đìa mới vực ông ta vào được ghế sau, đóng cửa xe, chẳng nói năng gì, từ từ lái xe ra khỏi đám choai choai, và tụi nó cứ đập đập rầm rầm lên mái xe. 

Khi đến gần cổng của Quân đoàn Sa mạc, mà anh José vẫn phóng xe như bay, và doanh trại tứ phương tám hướng thanh vắng như tử địa. 

"Anh José, anh cứ chớp đèn, bấm còi, chúng ta không biết mật khẩu, dễ bị hiểu lầm, anh đậu xe dang ra một chút.”

Xe của anh José dừng lại cách xa mấy người lính canh, chúng tôi mở ngay cửa xe, bước xuống và hét lên bằng tiếng Tây Ban Nha: "Chúng tôi đưa người say rượu đến cho đồn, các ông hãy đến mà xem!"

Hai tên lính canh chạy tới, súng lên đạn lách cách, chĩa vào ngực chúng tôi, chúng tôi không nhúc nhích, chỉ vào bên trong xe.

Hai anh lính gác nhìn vào trong xe, đương nhiên là họ biết nhau, lập tức họ trèo lên xe và khiêng anh lính say xuống, và nói: "Lại cái thằng cha này!"

Lúc này, đèn rọi từ trên tường cao quét vào chúng tôi, tôi sợ quá, chui ngay vào xe. 

Khi anh José lái xe đi, hai lính canh kính cẩn chào chúng tôi với kiểu chào nhà binh, và nói: "Cảm ơn người đồng hương!"

Trên đường về nỗi sợ hãi vẫn cứ đeo đẳng, lần đầu tiên trong đời bị người khác chĩa súng sát người như vậy, dù là quân ta đi nữa tôi vẫn rất kinh hoàng.

Trong nhiều ngày, tôi cứ nghĩ về đồn lính được canh gác nghiêm ngặt vào ban đêm và về người lính say như chết đó.

Chẳng bao lâu sau, đồng nghiệp của anh José đến chơi, để tỏ lòng hiếu khách, tôi đã rót mời họ uống một bình sữa đá lớn.

Mấy người này nhìn thấy sữa bò có đá, uống một hơi hết cả bình sữa, tôi vội vàng đi vào bếp mở thêm hai hộp nữa.

“Chị Tam Mao chúng tôi uống hết sữa, còn hai anh chị thì sao?” Hai người buồn buồn nhìn xuống ly sữa và có vẻ ngượng ngùng, nhưng rồi họ cũng uống cạn hết sữa. 

"Cứ thoải mái mà uống! Không phải ngày nào cũng có sữa mà uống như thế!”

Đồ ăn đồ uống là chủ đề mà mọi người sống trong sa mạc đều quan tâm, chính người được chiêu đãi sẽ không hoàn toàn hài lòng nếu không hỏi đượcchủ nhà đồ ăn đồ uống ngon, mà họ được mời, từ đâu mà có.

Khi đồng nghiệp của anh José uống hết mấy hộp sữa tươi của tôi vào chiều hôm đó, mà vẫn thấy tôi mặt tỉnh bơ, họ bèn hỏi tôi mua chúng ở đâu.

"À, tôi có đầu mối." Tôi khoái chí khoe.

"Làm ơn cho chúng tôi biết đầu mối ấy ở đâu!"

"À, các anh không mua được, các anh cần uống thì cứ đến đây!"

"Nhưng mà chúng tôi muốn có thật nhiều sữa, chị Tam Mao, chị hãy nói cho chúng tôi tôi biết chị mua chúng ở đâu!"

"Tôi đã mua chúng ở trong cửa hàng Quân tiếp vụ thuộc Quân đoàn Sa mạc."

"Cửa hàng Quân tiếp vụ trong trại lính? Đàn bà như chị mà một mình đi mua hàng trong trại lính được à?" Cả hai anh nói mà như hét, như những anh ngố.

“Chẳng lẽ các amh không biết vợ con quân nhân cũng mua được hàng hoá ở đó? Nếu họ mua được, tất nhiên tôi cũng mua được.”

“Nhưng chị đâu có phải là vợ lính? Chị là thường dân thôi mà!” 

“Thường dân ở giữa sa mạc khác với trong thường dân khác với dân thị thành, nhưng quân với dân sống giữa sa mạc không có gì khác nhau.” Tôi cười nói một cách vui vẻ .

"Lính tráng họ có đối xử đàng hoàng với chị không?"

"Rất lịch sự, tốt hơn nhiều so với dân thường trong thị trấn."

"Thế thì nhờ chị mua sữa giùm chúng tôi, nhưng như thế có bất tiệncho chị không?”

"Đâu có gì đâu! Ngày mai, tôi sẽ đặt hàng cho."

Ngày hôm sau, anh José đi làm về và đưa cho tôi một danh sách sữa cần mua, danh sách liệt kê tên của tám anh chàng độc thân, mỗi chàng ước mong tôi sẽ cung cấp cho họ 10 hộp sữa mỗi tuần, tổng cộng là 80 hộp.

Tôi cầm lấy danh sách và cắn chặt môi, đã bốc đồng lỡ miệng, 80 hộp sữa, và tôi phải đi vào trại lính mà mua, thiệt là dở khóc dở cười. 

Bị kẹt vào tình cảnh này, tôi thà muối mặt một lần, chịu xấu chịu hổ mà mua một lúc 80 hộp, rồi không bao giờ chường mặt ra nữa, còn hơn mua 10 hộp một ngày.

Ngày hôm sau, tôi đến cửa hàng Quân tiếp vụ mua một thùng lớn 10 hộp sữa tươi, nhờ người mang đến để một góc, xoay người chạy vào, mua thêm một thùng khác, rồi lại khuân vào trong góc, một lúc sau, lại vào mua, sau bốn lần đi tới đi lui như gà mắc đẻ, anh lính đứng ở quầy tính tiền đâm ra chóng cả mặt.

“Chị Tam Mao, chị sẽ phải đi tới đi lui như thế này bao nhiêu lần nữa?"

"Bốn lần nữa, anh làm ơn kiên nhẫn giùm tôi."

"Tại sao chị không mua liền một lần? Lần nào thấy chị cũng mua sữa cả mà!”

“Mua luôn một lần thì không đúng quy định, vì mua nhiều quá!” Tôi lúng túng, ngại ngùng trả lời.

"Không sao đâu, bây giờ tôi sẽ cung cấp cho chị đủ số sữa chị cần, mà sao chị lại phải mua nhiều sữa trong một lần như vậy?” 

Khi tôi chất hết 8 thùng sữa trong góc, định gọi taxi thì một chiếc xe jeeptrờ tới và dừng ngay bên cạnh tôi, tôi giật mình nhìn lên, giật thoắt người, người lính ngồi trong xe chẳng lẽ không phải là gã say mà chúng tôi đã chở về doanh trại? 

Người đàn ông này cao lớn, cường tráng, quân phục rất vừa vặn, vì có râu rậm che cả mặt, nên không thể biết được ông ta già hay trẻ, cứ lấy mắt mà nhìn, thì thấy ông ta có cái khí phách cao ngạo sao đó, rồi còn có cái nhìn nhíu nhíu đăm đăm thiệt khó ưa, cúc áo sơ mi trên ngực mở cho đến cúc thứ ba, tóc đầu đinh, và đầu đội một chiếc mũ beret màu xanh lá cây có gắn cấp hiệu... trung sĩ.

Bởi vì đêm đó không thể nhìn rõ ông ta, nên bây giờ tôi cố ý nhìn lên nhìn xuống, nhìn ngang, nhìn dọc ông ta thật kỹ.

Không đợi tôi nói, ông ta nhảy xuống xe, lần lượt chất cả núi hàng của tôi lên xe, thấy sữa đã chất lên rồi, tôi không còn ngần ngại gì nữa mà không leo lên ghế trước. 

“Thưa ông, tôi sống ở khu nghĩa trang.“ Tôi nói với ông ta  một cách lịch sự.

"Tôi biết chị sống ở đó mà." Ông ta trả lời giọng khào khào, và mở máy xe.

Cả đoạn đường chúng tôi không nói năng gì, xe ông ta lái êm ru, hai tay nắm chặt vô lăng, vừa khi xe lái qua nghĩa trang, tôi xoay mặt ra hướng khác nhìn phong cảnh vì sợ rằng có thể ông ta sẽ nhớ lại đêm hôm đó ông ta say khướt, bộ dạng thê thảm, được chúng tôi đưa về đồn, mà ngượng ngùng chăng.

Khi xe đến nhà tôi, ông ta từ từ phanh xe lại, xe ngừng mà ông ta vẫn chưa xuống xe, tôi nhảy xuống xe thật nhanh vì cứ sợ ông ta sẽ đâm ra cằn nhằn cửi nhửi khi bưng sữa xuống, và gọi lớn anh Salun, một người bạn của tôi, bán hàng trong một quán tạp hóa nhỏ gần nhà đến giúp. 

Khi anh Salun nghe tôi gọi, anh ta lập tức xỏ dép chạy ra, mỉm cười khiêm tốn.

Khi anh ta chạy đến chỗ xe jeep và thấy có một người lính đứng cạnh bên tôi, anh ta dừng lại cái rụp, rồi cúi ngay cái đầu và lẹ làng bưng những thùng sữa xuống, với vẻ mặt của một kẻ vừa thấy một hung thần.

Lúc này, anh trung sĩ, kẻ đưa tôi về, nhìn chăm vào anh Salun đang bưng sữa thay tôi, rồi lại nhìn vói về cái quán đang mở của anh, rồi lại phóng tia mắt nhìn tôi như nhìn một ả man di mọi rợ, tôi bén nhạy nhận ra ngay, chắc chắn ông ta đã hiểu lầm tôi, tôi thẹn đỏ chín cả người, đứng thộn mặt ra đó, vụng về chống chế: 

"Sữa này tôi không mua để bán lại. Tôi nói thật đó! Ông cứ tin tôi đi, tôi chẳng qua...”

Ông ta sải bước, leo lên xe, tay dộng cái rầm vào vô lăng, lầm bầm chi đó, rồi mở máy chạy. Tôi sực nhớ ra, chạy lại xe và nói:

“Cảm ơn ông trung sĩ, và xin ông cho tôi biết quý danh của ông là gì?” 

Ông ta nhìn trừng trừng vào tôi, có cái vẻ kìm hãm dữ lắm, rồi nói xì xào:

“Đối với các bạn Sahrawi, tôi là người không tên.” Nói rồi, ông ta đạp ga, phóng xe chạy như bay.

Tôi ngớ ngẩn trông theo làn bụi đường, lòng cứ ấm ức, bị người ta xem thường, mà không thể biết tại sao mình lại bị xem thường như thế, hỏi tên ông ta, thế mà lại bị ông ta từ chối xưng tên một cách thật lỗ mãng.

“Anh Salun, anh có biết ông ta là ai không?” Tôi quay qua hỏi anh Salun.

“Thưa, biết.” Anh Salun thì thầm trả lời.

“Sao mà anh sợ lính quân đoàn Sahara đến như thế? Anh đâu có phải là du kích, đúng không?”

“Thưa, tôi không phải là du kích, ông ta ghét hết mọi người Sahrawi.”

"Làm sao anh biết ông ta ghét mọi người Sahwari?"

"Tất cả mọi người đều biết, chỉ có chị là không biết đó thôi."

Tôi cố ý liếc nhìn anh Salun, một con người thành thật, không bao giờ dây dưa vào chuyện người khác, ông trung sĩ vô danh ấy, phải có sao, anh Salun mới nói như vậy.

Sau lần tôi bị hiểu lầm khi mua sữa ấy, tôi xấu hổ quá, nên đã lâu lắm rồi không dám muối mặt đến cửa hàng Quân tiếp vụ để mua rau quả bình thường như hồi trước. 

Sau một thời gian dài, tôi gặp anh lính bán hàng Quân tiếp vụ khi tôi đi ra phố. Anh ta nói với tôi rằng tiểu đội bán hàng Quân tiếp vụ cứ nghĩ tôi đã bỏ xứ mà đi, và hỏi tôi tại sao tôi không tới cửa hàng Quân tiếp vụ mua rau quả nữa. Anh ta nói rằng các anh lính trong tiểu đội bán hàng ấy hiểu việc tôi làm, tôi chào anh ta rồi tiếp tục đi mà lòng phơi phới. 

Thật là xui xẻo, ngày đầu tiên tôi trở lại trại lính mua hàng Quân tiếp vụ, lại đụng phải cái ông trung sĩ hôm nọ, chân ông mang đôi ủng-cỡi-ngựa, đang sải bước, tôi cắn môi hồi hộp nhìn ông ta, ông ta gật đầu chào tôi, nói: “Chào chị!”, rồi đi thẳng đến quầy.

Đối với một kẻ không thích người Sahrawi như ông ta, tôi cho ông ta là một kẻ "kỳ thị chủng tộc", và tôi không thèm để ý đến ông ta nữa, đứng cạnh ông ta, tôi chăm chú nhìn anh lính đứng quầy và nói loại rau mà tôi muốn mua, và tránh nhìn cái ông trung sĩ ấy.

Vừa khi trả tiền, tôi thấy, trên cánh tay với tay áo xăn lên của ông trung sĩ đang đứng cạnh tôi, có một hàng lớn những hình xâm, và đặc biệt dưới hình xâm trái tim có xâm hình người yêu sến màu chàm đậm, còn có một hàng chữ với co chữ lớn trung bình: “Don Juan của Áo quốc ”.

Tôi rất ngạc nhiên vì lâu nay tôi cứ nghĩ dưới hình xâm con ghệ thì chắc phải xâm một tên của người đàn bà nào đó, nhưng đây lại xâm loại tên đàn ông.

"Này! 'Don Juan của Áo quốc' là ai? Ý nghĩa gốc gác ra làm sao?” Khi ông trung sĩ đi rồi, tôi hỏi anh lính thuộc Quân đoàn Sa mạc đang đứng quầy.

"À! Đó là tên của một trại lính cũ thuộc Quân đoàn Sa mạc."

"Như vậy không phải là tên người?"

"Đó là tên riêng của một người trong lịch sử, vào triều đại Vua Carlos I. Vào thời điểm đó, Áo và Tây Ban Nha vẫn chưa tách nhau ra. Sau này, quân đoàn đã sử dụng danh xưng này làm tên cho trại lính. Chuyện đã lâu lắm rồi."

"Nhưng mà cái ông trung sĩ vừa mới đứng cạnh tôi đây, trên cánh tay còn xâm những chữ như thế là sao!" Tôi lắc đầu nói, nhận số tiền thối rồi bước ra khỏi cửa hàng Quân tiếp vụ.

Nơi cửa của cửa hàng Quân tiếp vụ, tôi không ngờ thấy ông trung sĩ đang đứng đợi tôi, ông ta nhìn thấy tôi, cúi đầu, sải theo tôi vài bước rồi mới nói: 

"Cảm ơn vợ chồng chị đêm đó."

“Cảm ơn về điều gì?” Tôi ngỡ ngàng hỏi.

“Anh chị đã chở tôi về, tôi... bị say.”

“Ồ, chuyện đã lâu rồi!”

Cái con người này thiệt là lạ, bỗng nhiên lại cảm ơn tôi về một chuyện mà tôi đã quên bẵng từ lâu, và tại sao ông ta lại không cảm ơn tôi cái lần ông ta chở tôi về nhà từ cửa hàng Quân tiếp vụ?

“Xin phép cho tôi được hỏi ông: vì cớ làm sao mà lại có cái tin đồn thổi là ông rất ghét người Sahrawi?” Tôi hỏi liều.

“Đúng rồi, tôi rất ghét tụi nó.” Ông ta trừng trừng nhìn tôi, và câu trả lời thẳng thừng của ông ta làm tôi cứng cả miệng.

 “Trên đời này có kẻ tốt, người xấu, không làm gì có cái chuyện có một dân tộc đặc biệt xấu.” Tôi ngây thơ nói một câu xưa như trái đất. 

Ông trung sĩ nhìn quét một đám người Sahrawi đang ngồi xổm trên cát, sắc mặt và cái nhìn gằm gằm của ông ta trong một thoáng trở nên thậtdễ sợ, như thể sự căm thù vô cớ của ông đang sôi sục trong lòng ông. Tôi khép miệng lại sau những lời nói chẳng đâu vào đâu của mình và ngu ngơ nhìn ông ta.

Phải mất vài giây ông ta mới bình tĩnh lại được, rồi trang trọng hướng về tôi cúi đầu chào và sải bước ra đi.

Ông trung sĩ xâm mình này vẫn chưa cho tôi biết tên của ông ta. Trên cánh tay của ông ta xâm danh xưng của trại lính, và tại sao lại xâm như thế, mà đây lại là một trại lính từ rất lâu đời?

Một ngày nọ, người bạn người Sahrawi của chúng tôi, anh Ali, mời chúng tôi đến một nơi cách thị trấn hơn 100 dặm, nơi cha của Ali sống trong một căn lều lớn, Ali lái xe taxi trong thị trấn, và anh ấy chỉ có thể về nhà thăm cha mẹ vào cuối tuần. 

Nơi cha mẹ Ali sinh sống có tên là Lemseyed, có thể, cách đây cách đây hàng nghìn năm, từng là một con sông rộng, sau này trở nên khô cạn và bây giờ trở thành một hẻm núi lớn với hai bên là triền đá nứt nẻ, có một vài cây chà là mọc ở giữa lòng sông khô cạn, nhưng vẫn có một dòng nước chảy ra giàn giụa không ngơi, tạo thành một ốc đảo sa mạc không lấy gì làm lớn. Ở một nơi rộng bao la bát ngát với nguồn nước ngọt ngon lành như thế mà chỉ có một vài cư dân sống trong lều, thiệt tôi hoàn toàn không thể hiểu nổi.

Trong làn gió chiều hôm mát lạnh, chúng tôi ngồi ngoài lều với cha của Ali, ông lão đang nhàn nhã hút một chiếc tẩu dài, vách đá đỏ hùng vĩ trong ráng chiều, và một ngôi sao đầu tiên cô đơn nhô lên trong trời. Mẹ của Ali mang đến cho chúng tôi một đĩa lớn bo bo hạt nhỏ và trà ngọt đậm đà. Tôi dùng tay vê bo bo hạt nhỏ thành một cục bột màu xám rồi cho vào miệng, dưới khung cảnh như vậy mà ngồi dưới đất mà ăn thức ăn của người vùng sa mạc thì thiệt là hợp cảnh, hợp tình.

“Ở một nơi có nguồn nước trong lành như vậy, tại sao hầu như không có ai sống ở đây? “ Tôi ngạc nhiên, hỏi lão nhân.

“Trước đây đây là một nơi náo nhiệt đông người, và có tên là Lemseyed. Sau khi có một cuộc thảm sát xảy ra, những người cũ đều bỏ đi, và tất nhiên chẳng có ai là người mới vì chẳng ai muốn dọn đến ở, chỉ còn một vài gia đình như gia đình chúng tôi còn gồng mình ở lại đây."

"Thảm sát là thảm sát nào? Tại sao tôi không biết? Đấy có phải là vụ dịch lạc đà không?" Tôi hỏi ông lão.

Ông già liếc nhìn tôi, phì phèo điếu thuốc, tâm hồn bỗng như không còn nơi đây, và tưởng như ông đang nhìn về phía xa xăm nào đó.

"Giết! Bọn giết người! Khi ấy máu chảy nhiều đến nổi không ai dám uống nước từ dòng suối ấy."

"Ai giết ai? Chuyện gì đã xảy ra?" Tôi không thể không gập người tựa vào anh José, giọng nói của ông già đầy bí ẩn và thiệt dễ sợ, đêm, đột ngột phủ chụp xuống. 

“Người Sahrawi đã giết lính tráng thuộc Quân đoàn Sa mạc.'' Ông già vừa trầm trầm nói vừa nhìn vào anh José và tôi. "Mười sáu năm trước, Lemseyed là một ốc đảo xinh đẹp. Ở đây, lúa mì mọc tốt tươi, chà là trái rụng đầy mặt đất, và nước uống có sẵn, người Sahrawi đã lùa lạc đà và dê đến đây để chăn,người ta hạ trại hàng nghìn lều...”

Khi ông cụ đang kể về sự thịnh vượng của ngày xưa ấy, tôi nhìn mấy cây chà là còn sót lại, tôi khó có thể tin đượcrằng vùng đất khô cằn này đã từng có một thủa xuân xanh. 

"Về sau Quân đoàn Sa mạc Tây Ban Nha cũng đến hạ trại và ở lại đây." Ông già tiếp tục nói.

“Tuy nhiên, sa mạc Sahara lúc đó không thuộc về bất cứ ai, ai đến ở cũng được mà.” Tôi ngắt lời ông.

“Đúng vậy, đúng vậy, nhưng xin anh chị hãy nghe tôi cái đã..." Ông già giơ tay ra hiệu. "Quân đoàn Sa mạc đến đây, và người Sahrawi không cho phép họ sử dụng nước. Hai bên thường xuyên xung đột về nước, và sau đó..."

Thấy ông cụ không còn nói thêm gì nữa, tôi liền hỏi ông: "Sau đó thì xảy ra chuyện gì vậy?"

"Sau đó, một đoàn đông đảo du kích Sahrawi đã tấn công trại lính và trong một đêm giết sạch không còn một mống quân lính khi họ đang ngủ. Tất cả họ đều bị giết bằng dao."

Tôi trừng mắt, nhìn vào ông lão ngồi phía bên kia đống lửa, và thì thầm hỏi nhỏ ông ta: "Ông muốn nói là tất cả họ đều đã bị giết? Một tiểu đoàn lính đã bị người Sahrawi giết bằng dao?”

“Chỉ còn sót lại một trung sĩ. Đêm đó ông ta say xỉn, ngã xuống nằm ngoài trại lính, và khi ông ta tỉnh dậy, thì thấy tất cả đồng đội đều đã chết, không còn một ai cả.”

«Lúc đó ông sống ở đây?" Tôi hỏi và trong lòng tôi những muốn hỏi ông ta: Ông có tham gia vào vụ giết người đó không?

“Quân đoàn Sa mạc là Quân đoàn nổi tiếng có tinh thần cảnh giác cao, làm sao có thể có chuyện như thế xảy ra?” Anh José nói.

"Đâu ngờ có chuyện như thế, ban ngày họ đã phải tập chạy trối chết, rồi chuyện bố trí lính gác không đượcchu đáo cho lắm, và họ không ngờ rằng người Sahrawi sẽ xông vào tấn công bằng dao."

“Lúc đó trại lính đóng ở  đâu?” Tôi hỏi ông già.

"Nó ở đằng kia kìa!" Ông lão chỉ tay về phía đầu thượng nguồn con suối, ở đó ngoại trừ sa mạc ra, không có dấu vết người dân sinh sống nào. “Kể từ đó, không còn ai thích sống ở đây, và tất nhiên những kẻ sát nhân đã trốn biệt, một ốc đảo tốt lành đã trở thành hoang phế như thế này đây.”Ông lão cúi đầu hút thuốc, trời đã nhá nhem tối, gió đột ngột thổi gắt gao và lạnh buốt, kèm theo tiếng khóc thút thít, hàng cây cọ đung đưa, cột lều kêu ken két.

Tôi nhìn lên nơi đóng trại trong bóng tối của Quân đoàn Sa mạc 16 năm trước, và tôi dường như thấy các nhóm lính mặc quân phục Tây Ban Nha đang đánh xáp là cà với người Sahrawi trùm đầu tay nắm những con dao lớn, bọn họ đang ngã xuống dưới ngọn dao trong tư thế chuyển động chậm chậm như trên màn ảnh, hàng đống người bò trên cát đẫm máu, hàng ngàn cánh tay bất lực dang lên trời, tiếng khóc gào trong câm lặng trên những khuôn mặt đầy máu, trong gió đêm đen kịt, chỉ còn tiếng cười hư huyễn của sự chết vang vang lên trên trái đất cô đơn...

Tôi sửng sốt, tôi chớp mắt thật mạnh, chẳng thấy gì cả, xung quanh vẫn bình yên như trước, chúng tôi đang ngồi trước đống lửa, không ai nói lấy một lời.

Tôi chợt cảm thấy lạnh cả mình, lòng buồn dã dượi, đây không phải chỉ là vụ thảm sát mà ông lão nói, mà là một vụ tàn sát đẫm máu!

 

“Ông trung sĩ duy nhất còn sống... có phải đó là cái ông có hình xâm trên cánh tay, và lúc nào cũng nhìn trừng trừng như một con chó sói vàongười Sahrawi?” Tôi nhẹ nhàng hỏi.

"Họ từng là một tiểu đoàn đầy tình huynh đệ chi binh, và tôi vẫn còn nhớ ông trung sĩ khi tỉnh rượu, đã nằm sấp trên mặt đất và run rẩy như một kẻ mất trí bên xác người em trai của mình đã chết.”

Tôi chợt nghĩ đến hình xăm tên trại lính trên tay người đàn ông ấy.

“Ông có biết ông trung sĩ ấy tên gì không?” Tôi hỏi.

"Sau vụ đó, ông ta chuyển vào trại lính ở trong thị trấn, từ đó không chịu nói ra tên mình, và nói là anh em đồng ngũ đều chết hết và làm sao mà ông còn xứng đáng có danh xưng trong trời đất này nữa. Thế là mọi người cứ gọi ông là ông trung sĩ." 

Chuyện thảm sát cũ ấy đã nhiều năm trôi qua, nhưng khi nghĩ lại vẫn khiến tôi ớn lạnh, bãi cát đằng xa dường như đang quằn quại mình.

“Chúng ta phải đi ngủ thôi! Trời tối rồi.” Anh José nói oang oang rồi im ỉm quay về lều.

Sự kiện này đã trở thành bi kịch lịch sử, trong thị trấn hầu như không ai nhắc nhở đến nữa, mỗi lần nhìn thấy ông trung sĩ đó, tim tôi cũng giật thốt, bao giờ thì ký ức đau thương đến như thế mới phai nhạt trong lòng ông?

Vào thời điểm này năm ngoái, trong vùng sa mạc vốn dĩ bị thế giới lãng quên, đột nhiên tình hình trở nên phức tạp. Ma rốc ở phía bắc biên giới và Mauritania ở phía nam muốn chia cắt Tây Sahara thuộcTây Ban Nha, trong khi các bộ lạc của sa mạc này đã thành lập quân du kích, họ sống lưu vong ở Algeria, và họ muốn độc lập. Chính phủ Tây Ban Nha tỏ thái độ thiếu quyết đoán, thái độ mập mờ, bỏ thì thương mà sương (gánh) thì nặng cái vùng lãnh thổ họ đã bỏ ra nhiều tâm huyết này.

Trong lúc này đây, lính Tây Ban Nha bị giết khi họ đi ra ngoài đồn một mình, giếng sâu bị thả thuốc độc, người ta tìm thấy bom định thì trong xe của các trường tiểu học, băng chuyền tại các công ty khai thác phốt phát bị đốt cháy, công nhân gác đêm trong hãng bị treo ngược trên đường dây điện, và trên những con đường bên ngoài thị trấn, mìn làm nổ tung xe cộ qua lại...

Những cuộc bạo loạn không ngừng xảy như vậy khiến cả trong thị trấn gió rên hạc khóc, chính quyền lập tức đóng cửa trường học và di tản bọn trẻ về Tây Ban Nha, đến tối thì thiết quân luật toàn diện, xe tăng chạy rảo trên đường phố, kẽm gai vòng trong vòng ngoài bủa quanh các cơ quan quân sự. 

Điều đáng sợ là Tây Ban Nha bị ba mặt thọ địch ở biên giới, và ở trong thị trấn này, không rõ bên nào đã gây ra những xáo trộn.

Với tình hình này, phụ nữ và trẻ em trở về Tây Ban Nha gần như ngay lập tức, tôi và anh José thì cứ án binh đất động, anh ấy đi làm như bình thường, còn tôi cứ ở nhà, ngày thường, ngoài đi gửi thư, mua rau, tôi ít khi đến nơi công cộng vì sợ những vụ ném lựu đạn, nổ mìn...

Ở một nơi vốn luôn yên tĩnh trong thị trấn, một số người đang bán tống bán tháo đồ đoàn, ngày ngày người người xếp hàng dài thật dài trước cổng công ty hàng không, tranh giành mua vé, rạp chiếu phim và cửa hàng đều đóng cửa, công chức nhân viên của các nước phương Tây còn ở đây đều được phát súng lục. Thị trấn đã trở nên hỗn loạn, bất an.

Một buổi chiều, tôi đến thị trấn để mua tờ báo tiếng Tây Ban Nha trong ngày, tôi tự hỏi chính phủ sẽ làm gì với mảnh đất này, trên báo không nói gì nhiều, nhưng ngày nào cũng nghe nói chừng đó chuyện. Tôi lầm lũi bước về nhà. Trên đường đi, tôi nhìn thấy rất nhiều xe vận tải quân sự chở quan tài tiến về nghĩa trang, và tôi sửng sốt, cứ nghĩ rằng nơi biên ải đang nổ ra những cuộc giao tranh với người Ma rốc.

Trên đường về nhà, tôi phải đi qua hai cổng sắt của nghĩa trang. Người Sahrawi có hai nghĩa trang lớn của riêng họ, nhưng nghĩa trang của Quân đoàn Sa mạc được bao quanh bởi một bức tường trắng như tuyết, được đóng kín bằng một cánh cổng sắt đen trang trí hình hoa hư huyễn, phía trong hàng hàng thập giá đã được cắm lên từ thủa nào, bên dưới thập giá là nấm mộ, và trên nấm mộ nằm trải một tấm bia tầm thường.

Khi tôi bước đến đó, cổng sắt của nghĩa trang đã mở, những ngôi mộ có bia đá ở hàng đầu tiên đã được đào lên, và rất nhiều binh lính của Quân đoàn Sa mạc đang lần lượt dời xác những người đồng đội đã chết, rồi đặt vào trong những chiếc quan tài mới.

Khi tôi nhìn thấy cảnh này, tôi hiểu ngay lập tức là chính phủ Tây Ban Nha đã từ lâu không muốn công bố quyết định rút lui khỏi Tây Sahara, Quân đoàn Sa mạc là loại binh chủng khi sống, sống trong sa mạc, khi chết, thì được chôn luôn trong sa mạc, và bây giờ người ta đã đào xác của họ và sẽ đưa tất cả về cố hương, thì rốt cuộc Tây Ban Nha cũng sẽ từ bỏ mảnh đất này mà thôi!

Điều kinh hoàng là khi những xác chết đã bao nhiêu năm, khi được đào lên khỏi cát khô, chúng không phải là những đống xương mà là những xác chết khô khốc, nhăn nheo như xác ướp.

Những người lính Quân đoàn Sa mạc cẩn thận khiêng ra những xác ấy ra, nhẹ nhàng đặt vào chiếc quan tài mới dưới cái nắng như thiêu như đốt, đóng đinh hòm thật kỹ, dán miếng giấy định danh, rồi chất lên xe.

Vì có một chiếc quan tài đang được khiêng ra, và thấy là đám đông đang nhường đường, tôi bị ép buộc phải lách vào trong nghĩa trang, lúc đó tôi mới phát hiện ra có ông trung sĩ vô danh ấy đang ngồi dưới bóng râm của bức tường.

Chuyện nhìn thấy người chết không làm tôi khó chịu, nhưng tiếng đóng đinh vào quan tài làm buốt óc tôi, chợt thấy ông trung sĩ làm tôi nhớ lại cái cảnh đêm hôm ấy đụng phải ông ta say mèm nằm trên đất, cũng ở gần nghĩa trang này. Chẳng lẽ cái thảm hoạ ấy đã xảy ra bao nhiêu năm rồi, mà tới nay vẫn chưa khiến nỗi đau của ông nguôi ngoai đi được hay sao?

Khi tấm bia mộ ở hàng thứ ba trong nghĩa trang được giở lên, ông thượng sĩ đứng phắt dậy như thể ông đã từ lâu đợi chờ giây phút này, ông sải bước tới, nhảy xuống huyệt rồi tự tay ôm lấy cái xác chưa phân hủy như ôm một người yêu, rồi ông rời ra khỏi xác chết, đặt nhẹ xác vào cánh tay ông và lặng lẽ nhìn chăm chăm vào khuôn mặt khô khốc của tử thi, ông không hề để lộ ra sự căm ghét hay tức giận nào, tôi chỉ thấy nơi ông một nỗi buồn thân mật, nhẹ nhàng và đẫm màu âu yếm.

Tất cả mọi người đều chờ đợi để đặt thi thể ấy vào quan tài, nhưng ông trung sĩ, đứng dưới cái nắng như thiêu đốt, dường như đã quên đi tất cả thiên hạ.

“Đó là em trai của ông ta, ông em đã bị giết cùng cả tiểu đoàn lần đó.” Một người lính đứng cạnh thập giá bằng sắt khe khẽ nói. 

Thời gian chờ đợi tưởng chừng dài như thế kỷ trước khi ông trung sĩ tiến về phía quan tài và nhẹ nhàng đặt người thân đã mất 16 năm vào trong đó như đặt một đứa trẻ vào giường ngủ ngủ giấc muôn đời. 

Khi người trung sĩ đi ngang qua cửa, tôi quay mặt tránh nhìn ông, tôi không muốn ông ta nghĩ rằng tôi chỉ là một người tò mò vô tích sự, khi ông ta đi ngang qua những người Sahwari đang tụm ba tụm bảy đang theo dõi vụ bốc xác người, đột nhiên ông ta dừng phắt lại, những người Sahrawi và đám trẻ em đang đứng đó liền bỏ chạy. 

Hàng hàng quan tài được chở ra phi trường, anh em bấy nay nằm trong lòng đất vừa mới được chở đi, chỉ còn lại những cây thánh giá còn đứng chỉnh tề ngay ngắn, trắng loá dưới trời nắng chang chang.

****

Sáng hôm ấy, anh José đi làm sớm và phải ra đi lúc 5g30, phần tôi, tình hình đã trở nên tồi tệ đến mức tôi cần một chiếc xe để chở một số thùng đồ đã được đóng và gửi chúng khỏi sa mạc, chúng tôi thoả thuận với nhau là hôm đó anh José sẽ đi xe bus đi làm và để xe ở nhà cho tôi dùng,tuy nhiên sáng sớm tôi vẫn chở anh José đi đến bến xe buýt.

Trên đường về, vì sợ mìn nên tôi không dám chạy xe đường tắt, mà chỉ lái dọc theo con đường nhựa lớn. Khi rẽ vào thị trấn trên dốc, thấy kim báo xăng chỉ gần đến số 0 nên tôi muốn ghé vào cây xăng, rồi nhìn đồng hồ đeo tay, thấy chỉ mới sáu giờ kém mười, tôi biết là chưa tới giờ trạm xăng mở cửa, vì vậy tôi quay xe lại để chuẩn bị về nhà. Ngay lúc đó, trên con đường cách chỗ tôi ở không xa lắm, bất ngờ có tiếng trái phá nổ một cái ầm rất lớn, sau đó là một cột khói đen cuồn cuộn bốc lên trời.

Tôi đang ở rất gần, dù đang ngồi trên xe tôi cũng sợ đến mức tim đập loạn xạ, tôi nhanh chóng phóng xe về nhà, đồng thời tôi nghe thấy xe cứu thương trong thị trấn vừa hú kèn inh ỏi vừa phóng như bay.

Đến chiều, anh José về nhà và hỏi tôi: "Em có nghe tiếng nổ không?"

Tôi gật đầu và hỏi: 

"Có ai bị thương tích gì không?"

Anh Joségấp gáp nói: 

"Ông trung sĩ đó đã bị giết chết."

“Có phải đó là ông trung sĩ thuộc Quân đoàn Sa mạc?” Hỏi cho có hỏi thôi vì tôi tất nhiên biết chính là ông ta chứ không ai khác. “Ông ấy bị làm sao mà chết?”

"Ông ta lái xe ngang qua địa điểm có vụ nổ sáng nay. Có một đám con nít người Sahrawi đang chơi với một chiếc hộp, mà trên đó có cắm một lá cờ quân du kích. Có lẽ ông trung sĩ nghĩ rằng chiếc hộp ấy có gì đó đáng nghi ngờ, nên ôngta đã xuống xe và chạy nhanh về phía tụi nó, tính xua chúng dang ra, nhưng một đứa đã kéo lá cờ ra khỏi hộp, và chiếc hộp phát nổ... "

"Bao nhiêu trẻ em Sahrawi đã bị giết chết?"

"Ông trung sĩ nhào tới lấy thân mình đè lên chiếc hộp trước khi ông ta bị nổ tung thành từng mảnh, và chỉ có hai đứa trẻ bị thương."

Tôi vừa thẩn thờ vừa bắt đầu nấu ăn cho anh José, nhưng tôi cứ nghĩ mãi về chuyện xảy ra vào sáng nay, một người đàn ông bị hận thù gặm nhấm suốt 16 năm, nhưng vào cái tích tắc tối nguy cấp ấy, đã lấy mạng sống của mình mà ném vào chỗ chết để đổi lấy mạng sống của một vài đứa trẻ dân Saharawi, mộtgiống dân mà ông luôn luôn coi là kẻ thù. Tôi tự hỏi: Tại sao? Và tôi không bao giờ nghĩ rằng ông ta sẽ chết một cái chết như thế.

Ngày hôm sau, thi thể của ông trung sĩ được đặt trong quan tài và được chôn cất lặng lẽ trong cái nghĩa trang đã bị đào rỗng, những người anh em đồng ngũ của anh đã sớm ra đi và ngủ yên trên mảnh đất khác, nhưng ông, ông không theo kịp họ trở về cố hương, mà phải âm thầm vùi thân trong sa mạc Sahara, một vùng đất mà ông giận thì giận mà thương thì thương, mà ông coi như cố hương vĩnh viễn đời mình.

Bia mộ của ông đơn sơ. Phải sau một thời gian lâu lắm tôi mới bước vào để xem, trên mặt bia mộ có khắc dòng chữ:

SALVA SANCHEZ DORE

1932-1975

Trên đường về nhà, tôi thấy có những đứa trẻ Sahrawi vỗ vào những thùng rác ở trong công viên và hát những bài hát có nhịp có nhàng, trong chạng vạng tối thật yên bình, như không hề biết chiến tranh sắp ập đến.

三毛: Tam Mao 

(1943- 1991,  nữ văn sĩ Đài Loan)