28 February 2023

CHUYỆN LỈNH KỈNH - Lê-văn-Phúc

Người Việt Nam ta, từ ngày đến xứ Mỹ cũng đã có nhiều cái thay đổi lắm. Bạn đọc không để ý tất không thấy, còn nếu để ý thì cũng thấy đấy nhưng nghe qua rồi bỏ! Bởi lẽ ta đã quá quen nghĩ, quen nói, quen miệng mất rồi. Lại nữa, ta vốn có đức tính là mọi chuyện cứ "chín bỏ làm mười", sính sái cho vui vẻ cả làng, nhằm nhò chi dăm ba cái lẻ tẻ, vặt vãnh ấy mà sinh chuyện!

Như chuyện nói ngược này là một thí dụ nhỏ.

Chả cứ sang Mỹ mới nói sai nói ngược mà ngay khi ở trong nước, ta cũng đã nói thế rồi! Lâu dần không ai để ý thành thói quen, tuy không đúng nghĩa nhưng ai cũng chấp nhận.

KHÁM BÁC SĨ

Chẳng hạn, mỗi lần bị đau cần đi bác sĩ để khám bệnh thì ta nói "Đi khám bác sĩ". Thành thử ra, mỗi ngày bác sĩ bị bệnh nhân khám bệnh ít nhất cũng cả chục lần. Mà nào bác sĩ có bệnh tật gì đâu? Thói quen nói như thế í mà!

Rồi gọi người hôn phối của bác sĩ cũng là "Bà bác sĩ" mà thực ra chỉ có ông chồng hành nghề này thôi, còn bà vợ thì chưa hề bao giờ học trường y khoa cả mà làm nghề khác hoặc chỉ lo nội trợ hay cùng lắm làm lo công việc văn phòng bác sĩ. Phần nhiều, ta lại cứ gọi "Ông bà bác sĩ" coi như cả hai vợ chồng nhà này đều hành nghề y khoa vậy.

Dĩ nhiên, không có ai lên tiếng phản đối hay cải chính gì sốt cả. Vì gọi như vậy nghe cũng mát tai, mát mặt chứ có thiệt hại, suy suyển gì đâu?

Có lần tôi húng hắng ho hen, nhức đầu cảm mạo, lại phòng mạch hỏi bà vợ bác sĩ vốn là chỗ thân quen:

- Thưa bà bác sĩ, tôi muốn khám bác sĩ!

Bà vợ tỉnh queo đáp:

- Tôi không phải bác sĩ. Còn anh muốn khám bác sĩ Minh hả? Anh khỏi khám. Tôi đã khám bác sĩ tối hôm qua rồi. Còn tốt lắm!!!

RA HAY VÀO?

Sang đến bên Mỹ, ta cũng có thói quen là khi xe đang chạy trên xa lộ, trên đường cái mà muốn ra khỏi con đường này thì ta bảo là "Vào exit" chứ ít ai gọi là "Ra exit", dù thực tình mà nói theo sách vở, chữ nghĩa thì "Ra" mới đúng! Nhưng ta gọi quen miệng đi rồi thì cho nó qua luôn, tiện việc sổ sách!

Ai có sửa sai kệ họ, hơi đâu mà đôi co mấy cái lẻ tẻ ấy! Có khi còn bị chê là bầy đặt, khó tính, "bới bèo ra bọ"ï nữa không chừng!

THEIR or OUR?

Trong thiệp cưới của ta ở Mỹ, thường ghi bằng hai thứ tiếng để tiện mời cả quan khách ngoại quốc. Trong tiếng Việt thì ghi rằng:

...lễ thành hôn của con chúng tôi", còn tiếng Mỹ thì nói theo người Mỹ là :"...the marriage of their children".

Nhưng phe ta nhất định không chịu vậy, "con chúng tôi " thì phải là "our children" chứ không thể nào lại "their children" được! Dứt khoát là thế! Mỹ hiểu thế nào, viết thế nào kệ họ!

Lý luận theo lối ta vậy mà hiệu nghiệm và hiệu quả: Rất nhiều đám cưới Việt Nam đã theo mẫu mực đó để in thiệp. Cho dù phía thông gia bên kia là người Mỹ thì họ cũng phải đành cười trừ chịu lép vế, chịu thua. Vì so ra hai nền văn minh thì đất nước chúng ta đã có hơn 4 ngàn năm văn hiến! Còn nước Mỹ mới lập quốc được hơn 200 năm, có nhằm nhò gì mà lên mặt vặn vẹo chữ nghĩa với bổn quốc!

Có kẻ thì lại nói ngược rằng, đừng có mà dương dương tự đắc, tự hào về văn hiến nước ta. Cứ xem như nước Mỹ mối lập quốc trên 200 năm mà họ đã lên cung trăng rồi! Còn ta thì cứ ôm cái dĩ vãng nghìn năm, lại thêm hiểm họa cộng sản nữa nên chưa thể nào nở mày nở mặt được. Bèn có thơ rằng:

Bốn nghìn năm văn hiến nước ta

Từ trong hang đá chui ra

Vươn vai một cái

Rồi ta...chui vào!!!

THIỆP CƯỚI

Vẫn nói chuyện về đám cưới, ta tản mạn thêm một tí về...thiệp cưới. Đôi bên nhà trai nhà gái thường góp ý để in thiệp.

Có đám muốn thừa lệnh tứ thân phụ mẫu, có đám muốn thừa lệnh nhạc mẫu, thân phụ, có đám muốn in địa chỉ, có đám không muốn in địa chỉ, có đám muốn in chức tước, học vị của cô dâu, chú rể, có đám không đề gì cả...

Tất cả đều tùy hai họ bàn tính, đồng ý với nhau thế nào cũng được. Còn như nếu không đồng ý thì có thể đi đến giằng co, tranh luận, cãi nhau còn hơn mổ bò. Nói "mổ bò" còn là rát nhẹ vì khi có lễ lạc thì mổ một con bò là chuyện trọng đại. Ai cũng bàn ra tán vào, lắm thầy nhiều ý. Nhưng tuyệt nhiên không sinh sự, không thù hằn hay có ác ý gì sốt cả. Nên tuy "cãi nhau như mổ bò" mà vui như tết.

Đằng này nói về đám cưới, sự khác nhau về chi tiết tuy rất nhỏ nhưng cả hai bên thông gia đều bảo thủ, tự ái rồi đâm ra rạn nứt, tranh cãi lấy được để bênh vực ý kiến của mình, nhiều khi đi đến tuyệt giao sau đám cưới hoặc làm tan vỡ một cuộc hôn nhân mà các nạn nhân là đôi trẻ. Tự ái quá cao hay tự ti quá thấp cũng làm hỏng việc của con cái trong nhà. "Chuyện bé xé ra to" là vậy!

Điều ngộ nhất là hai bên thông gia đều là những người đứng tuổi, tức nhiên cũng hiểu biết, cũng có nhiều kinh nghiệm ở đời. Vậy mà chỉ vì chút tự ái làm mờ lương tri đến nỗi sinh chuyện thâm thù nhau như quân thù quân hằn không đội trời chung!!!

Bạn đọc có muốn cười người thì cũng nên ngẫm đến ta, xem đã dựng vợ gả chồng cho con cái chưa? Đã bị cái cảnh như trên chưa? Đã xích mích, cãi nhau với thông gia chưa?

Nếu bạn không vướng vào chuyện nào cả thì bạn chính là người có phước, may mắn và rất khôn khéo vậy!

Trong thiệp cưới, đôi khi bạn đọc cũng thấy hàng chữ "...lễ thành hôn và vu quy của con chúng tôi".

Trên nguyên tắc thì lễ thành hôn là được rồi vì diễn tả đầy đủ ý nghĩa một cuộc hôn phối. Thêm chữ "vu quy" hình như hơi thừa. Nhưng nếu bên nhà gái nhất quyết phải có hai chữ "vu quy"thì con gái mình mới lấy được chồng, thì nhà trai cũng đừng hẹp hòi, câu nệ gì mà nhất định giữ vững lập trường bỏ hai chữ "vu quy", khiến mất vui và chỉ tội nghiệp cho đôi lứa đầu xanh đã tội tình gì?

Nhân nói đến đám cưới, Cai tôi xin phụ đề Việt ngữ một tí, góp ý về tiệc cưới.

KHÔNG ĂN "CHÍP" KHÔNG PHẢI LÀ MỄ..

Không biết nguyên do từ đâu, người Việt đi dự đám cưới thường đi rất trễ. Cc cụ nhà ta đã dặn dò là "Aên đi trước, lội nước đi sau" mà chả ai nghe khi đi dám cưới sốt cả. Có lẽ nhiều người đã có kinh nghiệm não nề về vụ đi ăn đám cưới rồi. Nếu đi đúng giờ theo như lời mời trong thiệp thi ngồi dài người ra, chờ ít nhất 2 tiếng cho đông đủ bà con tới mới khai mạc. Nên bà con ta học tập kinh nghiệm ấy, lui lại vài tiếng cho ăn chắc.

Ta ở miền Maryland, Virginia mà ăn cưới theo giờ bên Cali là vậy!

Lại có kẻ ngứa miệng bảo rằng:"Không ăn "chíp" không phải là Mễ, không đi trễ không phải Việt Nam". Đau thật ấy chứ! Nhưng hình như cũng đúng chứ chả oan ức gì đâu.

Nói vậy, thế ta có phương pháp nào, có phương thuốc nào chữa trị không cà?

Tưởng là không mà có đấy bạn đọc ạ! Cai tôi thấy ít nhất có 2 đám coi như thành công.

Đám thứ nhất loan báo trước trong thiệp rằng thì là: 6 giờ 30 đến 7 giờ 30 tối: Gặp gỡ, tiếp tân. 7 giờ 30: Nhập tiệc - Khai mạc đúng giờ. Đến giờ nhập tiệc, khách khứa đã ngồi vào bàn được khoảng 80%, coi như mở màn vui vẻ.

Một đám khác, ngoài việc nhắc nhở trên, 1 tuần lễ trước tiệc cưới còn gửi mỗi nhà một bức tình thư, trong đó tả oán cái cảnh ngồi chờ ăn tiệc và những nỗi bực mình không tỏ cùng ai. Kết luận, khổ chủ thiết tha, tha thiết khẩn cầu bạn bè làng nước làm ơn làm phúc đến đúng giờ. Đúng giờ là khai mạc, không chờ không đợi ai. Ít khách cũng ra quân mà đông khách cũng trình diễn. Không "oong đơ toa cát" gì cả!

Quả y như rằng, bà con đến trước giờ chừng 15 phút là trễ nhất.

Tuy thế, Cai tôi làm MC cũng phải có đôi lời cảm tạ và xin lỗi quý khách, vì buổi tiệc đã trễ mất...5 phút! Lý do: Cô dâu ra sân khấu hơi chậm!!!

NHỨC ÓC, ĐIẾC TAI...

Bà con đi ăn cưới thường muốn ngồi gần nhau để đấu hót tưng bừng hoa lá, kể lể tâm sự nỗi niềm líp ba ga. Nhà trai, nhà gái cũng biết ý như thế nên thường sắp xếp theo chiều hướng ấy cho vui vẻ cả làng.

Tiệc cưới càng đông vui, ồn ào bao nhiêu càng tạo được một không khí tưng bừng nhộn nhịp bấy nhiêu.

Nhưng bà con ta thường hay than phiền là ban nhạc đánh trống thỏi kèn ca hát lớn tiếng quá nên át cả tiếng nói của họ đi. Muốn người bên cạnh nghe rõ, phải gào lên mới nghe được.

Cũng có người lên rỉ tai năn nỉ ban nhạc làm ơn chơi kèn, nện trống nhẹ bớt đi dùm nhưng chỉ dăm ba phút sau, âm thanh lại chát chúa, điên dại.

Đám cưới thường dùng ban nhạc để ca hát giúp vui và nhất là để nhảy đầm. Nhưng cũng có đám cưới chỉ mở nhạc đĩa. Có đám chỉ nhờ một nhạc sĩ chơi đàn ghi-ta hoặc sang hơn nữa thì với chiếc dương cầm hay vĩ cầm, hồ cầm hợp tấu thật nhẹ, thật êm. Như chỉ để làm nền cho những ai đang dồn mọi nỗ lực vào việc giãi bày tâm tư thầm kín, bấy lâu không biết tỏ cùng ai...

Vậy tiệc cưới xử dụng ban nhạc, âm thanh như thế nào cũng còn tùy thuộc vào cô dâu chú rể và các giới chức thẩm quyền hai họ.

CHUYẾN TÀU HOÀNG HÔN...

Nói đến đám cưới thì cũng nên bàn về...đám tang một tẹo. Khác với đám cưới vui vẻ bao nhiêu thì đám tang coi bộ âu sầu phiền não bấy nhiêu vì ít ra cũng có một người nằm ngay đơ trong xe "li mu zin" sơn đen sắp về bên kia thế giới! Dù ai dang vui sướng trong lòng như vừa mua nhà mới, vừa trúng số, vừa đi chơi với đào, vừa ăn lớn ở Las Vegas về thì cũng bắt buộc phải theo lễ nghi, làm ra cái bộ mặt u buồn khi tiễn người đi. Người đi về mô không biết: Về nước Thiên Đàng, về miền Địa ngục, về bên kia thế giới hay về chốn không tên xa xôi thì cũng một lần đi là một lần vĩnh biệt, một ra đi là không hẹn trở về. Vé đi tàu suốt, một lượt tặng cho mọi người, không ai có quyền từ chối, chỉ khác nhau chuyến đi thôi. Sớm hay trễ cũng phải chờ, đừng vội vàng, đừng chen lấn, la lối om sòm làm mất trật tự nơi công cộng.

Tùy theo phong tục tập quán, có người đeo khăn đen, có người đội khăn trắng. Trắng hay đen cũng biểu lộ sự chia sẻ, đau buồn với thân nhân, với người ở lại. Chứ người đã hai tay buông xuôi rồi thì còn biết mô tê ất giáp gì đâu!

Nhưng có điểm đặc biệt này là đám tang thường cử hành đúng giờ, không chờ không đợi ai cả. Chính vì biết thế nên họ hàng thân hữu thường túc trực tại nhà đòn sớm sủa để vẫy tay chào người đi, kẻo về sau ân hận.

Đám tang của ta thường khóc lóc, kể lể um sùm. Ngày xưa, còn có tục lệ thuê người khóc mướn nữa cơ! Vui lắm. Bi chừ, người Việt chúng ta hình như ít khóc hơn người ở bên nhà, ít kể lể con cà con kê con dê con ngỗng.

Còn người ngoại quốc hầu như dành sự im lặng trong tang lễ. Sự im lặng đến lạnh người, suốt từ khi người bị khiêng đi đến lúc nằm yên dưới lòng đất lạnh.

Cai tôi nhớ hồi ở Saigon, đám tang của ông bác...vui lắm cơ! Đoàn tang, đi đầu là mấy chục lá cờ phướn bay phấp phới như reo mừng. Rồi đến đội kèn "mú-dích" Tây nào kèn đồng, trống phách đánh thùng thình rất náo nhiệt. Rồi đến đội rước hình Phật, nến nhang ngào ngạt. Xong đến đội kèn phường bát âm làm chủ điểm cuộc lễ, với những kèn tầu, kèn ta, nhị, trống rất xôm tụ. Đội này mà cất tiếng lên là ai cũng phải cảm thấy não lòng người.

Rồi đến đoàn tăng già, cờ phướn vây quanh, vừa đi vừa tụng kinh gõ mõ. Theo sau đó là xe tang, áo quan lớn nhỏ tốt xấu do gia chủ tùy tiền biện lễ. Sau xe tang là thân nhân, họ hàng, bạn bè, lối xóm xa gần tiễn đưa. Ngoài thân nhân ra, bạn bè lối xóm thường trò chuyện rỉ rả trong khi cuốc bộ đến nghĩa trang.

Tại nghĩa trang, lại có màn biểu diễn kèn Tây so tài mí lị kèn Tầu, trình diễn múa trống. Rồi mới hạ huyệt, đốt nhà táng, xong tan hàng, ai về nhà nấy.

So với đám ma Tây thì quả nhiên đám ma ta …vui hơn nhiều.

Ấy là chưa nói ở miền quê trong Nam, nhà ai có người ra đi thì tổ chức ân uống mấy đêm, ca hát vọng cổ thâu đêm suốt sáng. Như tỏ ý cho người đi được thưởng thức thêm mươi bản vọng cổ thiệt mùi, kẻo xuống dưới âm không có ai đàn hát cho nghe giọng ca của Út Trà Ôn, Hữu Phước, Thành Được; nào là Ngọc Giàu, Bạch Tuyết, Thanh Nga,

Sự cẩn thận, lo xa như thế thật là chí tình và chí lý!

Bạn đã có lần nào đi về miền Tây, xuôi theo kinh Ba Thê chưa nhỉ! Một vùng bao la vườn cây trái ngọt thơm lành, dừa cao lả bóng, những con kinh con lạch chằng chịt quyện lấy nhau nom thật êm đềm hiền hòa thơ mộng. Những chiếc ghe nhỏ, bơi chèo bì bõm ngược xuôi. Bất chợt bạn nghe tiếng đàn giọng hát vọng cổ mùi mẫn vang vọng đâu đây. Gần đến chỗ có nhiều âm thanh dục dã ấy, bạn thấy bà con quây quần ăn nhậu vui vẻ trong nhà, ngoài sân.

Hỏi ra thì đó là một đám tang. Vui thật đấy!

Không biết người nằm xuống là trẻ hay già, nam hay nữ? Nhưng cứ vui cái đã! Vì như vậy là mừng cho kẻ ra đi thoát nợ trần gian, về miền lạc cảnh...

Miền nào cũng là cõi không tên xa xôi, cõi vô hình, thiên thu vĩnh biệt!

Trên đây là những chuyện vui chuyện buồn trong cuộc đời. Còn chuyện này, bạn đọc muốn gọi là vui buồn hay buồn vui, thế nào cũng được. Tùy ý mỗi người.

ĐÁNH GHEN!

Đánh ghen là một đề tài thường xảy ra khắp nơi trên thế giới. Nó ám chỉ rằng: Của tui, không ai được quyền sở hữu, sờ mó. Đụng vào là ốm đòn với tui đó! Nghe chưa?

Ghen được diễn ra dưới nhiều hình thức. Khi người con gái chưa thuộc về ai thì có cả tá thanh niên muốn chiếm em làm riêng kỷ vật. Mỗi anh đều có quyền bày tỏ lập trường, ý kiến. Điển hình cho kiểu này là bài "Ghen":

Hỡi cô nhân tình bé của tôi ơi!

Tôi muốn môi cô chỉ mỉm cười

Những lúc có tôi và mắt chỉ

Nhìn tôi trong lúc tôi xa xôi...

Tôi muốn mùi thơm của nước hoa mà cô thường xức chẳng bay xa

Chẳng làm ngây ngất người qua lại

Dẫu chỉ qua đường, khách lại qua...

Nghĩa là yêu quá đấy mà thôi,

Thế nghĩa là yêu quá (đi) mất rồi

Và nghĩa là cô là tất cả

Cô là tất cả của đời tôi.

Ghen mà tẩm ngẩm tầm ngầm, cạy miệng cũng không nói ra, rồi xuất thần bất ý ra chiêu khiến địch thủ bó giáo quy hàng, bó tay tay chịu trận thì đó là một tuyệt chiêu vì hoàn toàn bảo mật. Gọi là "đòn ghen ngầm".
Ghen mà đểû cho đối phương hay đối tượng biết nhưng chỉ ghen phất phơ, ghen qua loa chiếu lệ tượng trưng thôi chứ không có hành động tích cực gì thì gọi là "ghen bóng ghen gió".

Ghen mà cho đối phương biết là ta đang ghen đây, tức là "ghen ra mặt" thì phải dè chừng. Có thể là màn xáp lá cà chửi nhau, túm xé nhau, nắm tóc, xé áo, tụt quần. Cảnh này thường có vai phụ diễn để giúp vai chính thêm lực lượng trừ bị và cảnh cấu xé la lối mới náo nhiệt đông vui. Đây là phương thức cổ điển.

Tân tiến hơn, từ ngày văn minh có xe hơi, dùng xăng thì các bà được cố vấn hoặc sẵn có sáng kiến xử dụng nhiên liệu này để đốt chồng! Chỉ cần nửa lít xăng thường 87 chứ không cần đến xăng Super 93 octane, cũng đủ cho đối thủ tiêu ma sự nghiệp, phút chốc thành phế nhân. Như vụ cô Quờn đốt chồng chẳng hạn.

Hoặc ghen đến cái độ ghê gớm, rùng rợn, kinh hồn thì phải kể đén vụ dùng át-xít tạt vào mặt đối phương như trường hợp vũ nữ Cẩm Nhung ở Saigon năm xưa! Tất nhiên hung thủ không phải là chính phạm mà là kẻ thừa ủy nhiệm, thi hành xong là rút lui liền vào bóng tối.

Khi nội vụ được lôi ra ánh sáng thì Cẩm Nhung đã tàn một kiếp hoa. Tàn đây là tàn phần trên cùng của thân thể thôi, tức là dung nhan đã bị hủy hoại, chứ hai phần kia vẫn không suy suyển.

Thế mới biết, các cụ nói là "máu đẻ, đòn ghen" nó nguy hiểm như thế nào. Nếu ai cũng biết thế, hiểu thế, nhớ như thế thì làm gì có chuyện đốt chồng, tạt át-xít, cắt chim kiểu "Bóp-Bít"?

***

Đến đây cũng coi như tạm đủ một kỳ. Vậy Cai tôi xin hẹn mí lị bạn đọc đến tuần sau sẽ kể tiếp.

Thôi nhá! "Bai" hỉ!

Lê-văn-Phúc