Tiến sĩ Nguyễn Văn Trần đã nhận định: “Cũng như chữ Hán, chữ Nôm là kho tàng gìn giữ một phần quan trọng văn hóa dân tộc. Muốn tiếp xúc với văn hóa dân tộc, phải biết chữ Hán và chữ Nôm. Muốn học chữ Nôm, phải biết chữ Hán. Nhưng chưa đủ, mà còn phải biết lịch sử, đời sống xã hội, cách cấu tạo chữ Nôm qua các thời kỳ…
Cách nay vài năm, cứ mỗi năm vào mùa thu, Giáo sư Hán Nôm
Nguyễn Văn Sâm vẫn đều đặn qua Paris một tháng, dành nhiều thì giờ vào thư viện
tìm những bản văn Nôm của tác giả xứ Nam kỳ để diễn dịch ra quốc ngữ với thêm
chú giải. Cách nay hai năm, vì không kịp đọc tại chỗ, ông in lại hơn 3000 trang
ôm về Huê Kỳ đọc và phiên dịch. Ông nói thấy ham quá nhưng bây nhiêu đây cũng
phải mất nhiều thì giờ mới làm xong. Năm rồi ông không qua Paris được vì dịch
Vũ Hán. Người nghiên cứu, phiên âm, chú giải chữ Nôm ra quốc ngữ để phổ biến là
Người Giữ Hồn Dân Tộc. Giữ Hồn Nước!
Giáo sư Nguyễn Văn Sâm là người trong số rất hiếm quí làm
công việc không còn mấy người làm này. Nhưng trong hoàn cảnh hiện nay tre đã
già đang chờ măng mọc!”
Thử nhìn khắp trong và ngoài nước, chúng ta có thể đếm thấy
nhiều ngàn nhà văn, hàng trăm ngàn nhà giáo… nhưng không có bao nhiêu người gọi
được là học giả Chữ Nôm. Và trong các học giả Chữ Nôm, Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm
đã nổi bật như một ngọn núi khổng lồ, nhờ các công trình dịch và chú giải các
tác phẩm chữ Nôm, đặc biệt là “những tác phẩm chữ Nôm là những gia tài cổ có một
không hai của văn học Việt Nam” – như cách nhà nghiên cứu Hoàng Kim Oanh ghi nhận
qua bài viết nhan đề “Nguyễn Văn Sâm và dòng chảy văn chương Nam Kì Lục Tỉnh”
trích như sau:
“Ngoài tuồng, cải lương, truyện thơ bình dân, truyện ngắn,
giai đoạn sau này, thơ Nôm là một thể loại được ông quan tâm đặc biệt. Ông cho
rằng chữ Nôm và những tác phẩm chữ Nôm là những gia tài cổ có một không hai của
văn học Việt Nam, ra đời trong một bối cảnh đặc biệt của đất nước và có giá trị
giáo dục rất cao song đang dần bị mai một. Đó là các tuồng hát bội, truyện thơ
viết bằng chữ Nôm chưa từng được phiên âm mà nguyên bản hiện còn đang nằm trong
các thư viện lớn ở Âu Châu... Gần 20 năm nay, tác giả đã lặng lẽ đi tìm ở các
thư viện trên các nước Mỹ, Pháp, kết hợp với những chuyến về thăm quê, lùng
tìm… Có khi ngẫu nhiên nhặt được trên bệ thờ một gia đình xứ Huế, có khi trên
gác bếp một căn nhà nông thôn Nam Bộ do con cháu biết là của ông cha để lại
nhưng không hiểu nội dung viết gì đành giữ đó như một di vật của tổ tiên… Có
khi được tặng không, có khi phải mua cả mấy cây vàng… Công cuộc tìm kiếm tôn tạo
giữ gìn vốn cổ ấy cho đến nay nhà văn của chúng ta vẫn chưa dừng bước.”
Để hình dung được những chặng đường học và nghiên cứu rất mực
đa dạng của Người Giữ Hồn Nước đó, nơi đây chúng ta ghi ra sơ lược tiểu sử của
GS Nguyễn Văn Sâm.
GS Nguyễn Văn Sâm sanh ngày 21/3/1940 tại Sài Gòn. Tốt nghiệp
Cử Nhân Giáo Khoa Triết Học (Tây Phương) năm 1965, Cao Học Văn Chương (Việt
Nam) năm 1972, và Năm Thứ Nhứt Tiến Sĩ Văn Chương Việt Nam (Khóa độc nhất trước
1975). Từng dạy Trung học (Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho, Pétrus Ký, Sài Gòn), Đại
học (Sài Gòn, Cần Thơ, Hòa Hảo, Cao Đài, Vạn Hạnh). Vượt biên đến Nam Dương
tháng 03/1979, vào Mỹ tháng 09/1979. Dạy học từ đó đến khi về hưu năm 2006. Viết
cho các tạp chí Văn, Văn Học, Đi Tới, Chánh Pháp…
Thành viên Ban Biên Tập Tự Điển Chữ Nôm Trích Dẫn. Giáo sư
Viện Việt Học, California, Hoa Kỳ.
TÁC PHẨM IN TRƯỚC 1975:
1. Văn Chương Tranh Đấu Miền Nam (Kỷ Nguyên, Sài Gòn, 1969);
2. Văn học Nam Hà (Lửa Thiêng, Sàigòn, 1972, 1974);
3. Văn Chương Nam Bộ và Cuộc Kháng Pháp 1945-1954 (Lửa Thiêng,
Sài Gòn, 1972, Xuân Thu, CA, 1988).
SAU 1975:
A. Sáng tác:
1. Miền Thượng Uyển Xưa, tập truyện (Bách Việt, CA 1983, in
chung với Đặng Phùng Quân);
2. Câu Hò Vân Tiên, tập truyện (Gió Việt, TX, 1984);
3. Ngày Tháng Bồng Bềnh, tập truyện (Gió Việt, TX, 1987);
4. Khói Sóng Trên Sông, tập truyện (Văn, CA, 2000);
5. Quê Hương Vụn Vỡ, tập truyện (Viện Việt Học, CA, 2012);
6. Giọt Nước Nghiêng Mình, tập truyện (Viện Việt Học, CA,
2018);
7. Ước Vọng Bay Tan, kịch thơ (Tiếng Quê Hương, Virginia,
2016).
B. Phiên âm từ sách Nôm:
1. Trương Ngáo (Viện Việt Học, 2008);
2. Tội Vợ Vợ Chịu (Viện Việt Học, 2010);
3. Người Hùng Bình Định (Viện Việt Học, 2012);
4. Mà Lòng Tôi Thương (Viện Việt Học, 2013);
5. Tỉnh Mê Một Cõi (Viện Việt Học 2015);
6. Báo Ứng Nhân Quả (Gió Việt, 2016);
7. Nữ Tắc Diễn Âm (Lời Dạy Đàn Bà – Con Gái);
8. Tam Quốc Diễn Nghĩa Ca. (Viện Việt Học, 2020);
8. Tuồng Kim Vân Kiều Nam Bộ (Viện Việt Học, 2021);
9. Quan Âm Tế Độ (Viện Việt Học, 2022).
C. Chú giải sách xưa:
1. Kể Chuyện Tình Buồn (Chú giải “U Tình Lục” của Hồ Văn
Trung, 2014);
2. Chuyện Đời Xưa (Chú giải “Chuyện Đời Xưa” của Trương Vĩnh
Ký (Ananda Viet Foundation, 2017).
Những người sinh hoạt trong học giới nghĩ gì về Giáo Sư Nguyễn
Văn Sâm và các công trình?
Cư sĩ Tâm Huy Huỳnh Kim Quang, cũng là một nhà nghiên cứu
uyên bác về Phật học và Hán học, nơi Lời Giới Thiệu sách Quan Âm Tế Độ đã ghi
nhận: “Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm là một trong số hiếm hoi các học giả có thẩm
quyền về chữ Hán-Nôm của Việt Nam trong và ngoài nước hiện nay đã nỗ lực không
ngừng để chạy đua với tuổi già sức yếu mà hoản thành việc phiên âm sang chữ quốc
ngữ nhiều tác phẩm văn học chữ Nôm.”
Chúng ta sẽ thấy là, nếu một dịch giả không đủ uyên bác và
nhạy cảm văn học như GS Nguyễn Văn Sâm sẽ không giúp độc giả hiểu và cảm được
tác phẩm, có khi sẽ còn ngộ nhận hay hiểu sai lệch. Đặc biệt là nhiều tác phẩm
cổ thường pha trộn tư tưởng tam giáo đồng nguyên Nho-Lão-Phật đòi hỏi người dịch
và chú giải phải có một nền học vấn rất thâm sâu.
Do vậy, GS Trần Huy Bích nhận định rằng GS Nguyễn Văn Sâm đã
rất công phu khi phiên âm và chú giải bản Quan Âm Diệu Thiện (Quan Âm Tế Độ Diễn
Nghĩa Kinh). Dựa theo bản khắc năm Mậu Thân 1908 năm thứ 34 niên hiệu Quang Tự
(nhà Thanh). Phiên âm từ chữ Nôm ra quốc ngữ là: Nguyễn Văn Sâm và Nguyễn Hiền
Tâm.
GS Trần Huy Bích nói rằng GS Nguyễn Văn Sâm đã có những chú
giải rất cần thiết. Bởi vì, nếu, không có chú giải, chúng ta không hiểu được chữ
của tiền nhân.
Thí dụ như câu 87-88 ở sách Quan Âm Tế Độ:
Thiên Tôn Vô Cực tòa tiền
Từ Hàng quì gối phút liền tâu qua.
Chú giải rằng: Vô Cực Thiên Tôn theo dân gian Nam Bộ
là Diêu Trì Kim Mẫu hay Tây Vương Mẫu, nhân vật truyền thuyết của Đạo Giáo. Còn
Từ Hàng là hình ảnh Quan Âm Bồ Tát trong Phong Thần Diễn Nghĩa. Tức là trong
tác phẩm, những niềm tin dân gian pha trộn nhau để thành tiểu thuyết chữ Nôm,
như một phương tiện đem giáo lý nhà Phật tới cho người bình dân Nam Bộ.
Cái pha trộn tam giáo đó cũng hiển lộ ở câu 100, 101:
Chỉ ư chí thiện tiền trình đâu riêng
Lập công phản bản, hoàn nguyên.
Nhóm chữ “Chỉ ư chí thiện” là từ sách Đại Học của Nho Giáo,
trong khi “phản bản hoàn nguyên” là từ sách Thiên Thai Chỉ Quán của nhà Phật. Nếu
không có chú giải, độc giả thời nay sẽ khó nắm ý tác giả.
GS Trần Huy Bích cũng ca ngợi về chỗ chú giải câu thơ
909: Hay đâu cứng cổ việc tu.
Bản Nôm viết là “cheo” (Cheo đâu cứng cổ việc tu) nhưng GS
Nguyễn Văn Sâm nhận ra là in nhầm vì nên là chữ “hay” do cách viết 2 chữ rất gần
nhau. Nghĩa là, chữ nghĩa rất thâm hậu mới nhận ra sách in sai. Có bao nhiêu
người trên đời này dò ra cái in sai của cổ thư? Hy hữu vậy.
Có một phương diện khác của Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm: viết
truyện ngắn, và viết rất độc đáo. Nhà phê bình văn học Trần Văn Nam đã nhìn về
nét phương ngữ qua bài nhan đề “Nguyễn Văn Sâm, nhà văn viết về những lập
nghiệp lên từ sông Bến Nghé” trích như sau:
“Ta thấy các nội dung trong các truyện của Nguyễn Văn Sâm
không ngoài tình đất, tình quê hương, tình người nhân nghĩa, tình gia đình gắn
bó; nhưng những điều đáng kể trong các truyện của Nguyễn Văn Sâm ở chỗ ông tận
dụng phương ngữ của người bình dân Sài Gòn; có lẽ thuộc về phương ngữ Sài Gòn
hơn là phương ngữ Nam Bộ như ta thường gồm chung lại. Do phương tiện đi lại thuận
tiện, giao lưu thường xuyên giữa Sài Gòn và Miền Tây Miền Đông, nên phương ngữ
các vùng ấy không có gì khác, nhưng cũng có những câu nói mà người Sài Gòn bình
dân thường dùng nhiều hơn. Trong các truyện của Nguyễn Văn Sâm, phương ngữ rất
dồi dào; như vậy nhà văn như cũng đã áp dụng phương châm của một số nhà văn coi
“cách diễn tả quan yếu hơn điều muốn diễn tả”. Cách diễn tả muốn cho đậm chất
tình quê hương tình đất thì tận dụng phương ngữ, như vậy làm cho nội dung và
hình thức gắn bó với nhau. Nhưng thiển nghĩ, điều ấy nên áp dụng ở những câu đối
thoại.”
Một văn phong miệt vườn, nhưng đi rất xa… Đó là nhận định từ
nhà phê bình Nguyễn Vy Khanh khi nói về ngòi bút Nam Bộ trong truyện Nguyễn Văn
Sâm qua bài viết nhan đề “Đọc ‘Khói Sóng Trên Sông’ của Nguyễn Văn Sâm”
trích như sau:
“Văn chương Nguyễn Văn Sâm tưởng chừng theo truyền thống
viết-như-nói khởi từ trường phái Trương Vĩnh Ký, qua Hồ Biểu Chánh, Bình Nguyên
Lộc đến Võ Kỳ Điền, Nguyễn Tấn Hưng thời hiện đại. Khởi sáng tác cùng thời với
hai nhà văn sau, nhưng các truyện ngắn của Nguyễn Văn Sâm nếu đọc kỹ mới thấy
ông đi xa hơn: ông viết như nghĩ và dùng ngôn ngữ nói để làm văn chương. Ông hấp
dẫn người đọc bằng các chi tiết ly kỳ xen kẽ với lối nói, lối suy nghĩ của các
nhân vật đa dạng nhưng tiêu biểu cho “miệt vườn”. Cái khiến Nguyễn Văn Sâm
không giống các nhà văn “miệt vườn” khác, là chính trong câu văn mà muốn hiểu
thì người đọc phải hiểu được mạch nổi, mạch chìm và lớp từ ngữ bộn bề, dồi dào,
nhuốm trí thức của ông. Có thể xem Chờ Cho Trăng Lặn và Như Nước Trong Nguồn là
hai truyện ngắn tuyệt tác tiêu biểu của Nguyễn Văn Sâm!”
Tuy nhiên, tận trong gốc rễ, nhà văn Nguyễn Văn Sâm đã viết
truyện như một nhà giáo, với ngòi bút rất mực thần sầu quỷ khốc. Đó là nhận định
của Giáo sư Đàm Trung Pháp, người có giao tình với GS Nguyễn Văn Sâm vì là đồng
nghiệp dạy học ở các đại học Sài Gòn trước 1975, sau qua Mỹ gặp lại và cùng hoạt
động về Việt học. GS Đàm Trung Pháp trong bài viết nhan đề “Giới thiệu tập
truyện Quê Hương Vụn Vỡ của Nguyễn Văn Sâm” đã ghi nhận về người viết truyện
rất mực Nam Bộ này như sau:
“Quý bạn đọc đang cầm trong tay một tuyển tập truyện ngắn
đặc sắc qua ngòi bút Nguyễn Văn Sâm. Tôi có cảm tưởng mỗi truyện anh viết là một
kỷ niệm đậm sâu trong đời anh, hoặc trong đời một người rất thân của anh, mà
khi đọc xong, dù vui hay buồn, tôi còn lưu luyến mãi trong lòng như một nhắc nhở
ray rứt. Anh là một nhà văn gốc nhà giáo có một tâm hồn hướng thượng, một trái
tim nhân ái, một ước vọng chấn hưng đạo đức trong một quê hương đang băng hoại
về lối sống; do đó, mỗi truyện của anh là một bài ngụ ngôn thấm thía. “Văn dĩ tải
đạo” là sứ mệnh văn chương của anh mà anh đã thực hiện một cách ngoạn mục trong
tập truyện. Phương tiện để anh đạt mục tiêu vừa kể là một văn phong truyền cảm,
thành tâm, sâu sắc, quan sát tận tường. Thêm vào đó là những yếu tố bất ngờ kỳ
thú trong các cốt truyện được anh xây dựng mạch lạc, những từ vựng thực vui mắt
của một phương ngữ miền Nam đáng yêu, và những đoạn văn tả chân thần sầu quỷ khốc
của anh mỗi khi anh ra tay hạ xuống. Một bí quyết nữa khiến những truyện ngắn của
anh thành công là chúng đều có một mở đầu gợi cảm kích thích bản chất tò mò của
người đọc (khiến họ không thể bỏ cuốn sách xuống) và một kết luận làm người đọc
xao xuyến trong lòng (khiến họ khó quên được câu chuyện).”
Nhìn chung về truyện ngắn Nguyễn Văn Sâm, chúng ta thấy rằng
tác giả không tách rời mình vào trong tháp ngà của văn chương. Ông hội nhập vào
đời sống, mở mắt lớn ra nhìn những cảnh đời và ghi nhận những điều xấu cũng như
tốt của cuôc đời: Truyện ngắn của Nguyễn Văn Sâm còn gần gũi thời sự với những
chuyện tranh chấp biển đất của Trung-quốc, khiến những hố chưn voi chia cắt những
người Hoa-Việt sống chung từ nhiều đời (Những hố chưn voi trong lòng người).
Hay chuyện người Hoa chế biến thực phẩm, dầu mè ra sao (Chuyện đổi chó), chuyện
hóa chất, chuyện đẻ mướn, chuyện 'tàu lạ' hoành hành ngoài khơi, v.v. đã xảy ra
từ thuở xa xưa rồi! Không lạ, nhưng khi đặt đặt để trong chuyện, thì lạ lẫm hơn
bình thường!
Nhìn về bối cảnh phía sau những trang chữ đó, cần phải nhắc
tới một mối lương duyên đã trở thành nguồn tình cảm rất lớn để cảm thông và hỗ
trợ: là hiền thê và là một tri kỷ của GS Nguyễn Văn Sâm, phu nhân Trần Ngọc Ánh
là một phụ nữ sau năm 1975 đã xông pha vì yêu nước, chịu nhiều năm tù, và rồi
trở thành một nhà văn sau khi kết hôn với GS Nguyễn Văn Sâm và sang Hoa Kỳ cư
ngụ.
Cô Phan Dụy, một học trò cũ của GS Nguyễn Văn Sâm tại Đại Học
Văn Khoa SG trước 1975, ghi lại cảm nghĩ về mối lương duyên của Thầy Sâm: “Nói
về Thầy tôi, không thể không tỏ lòng cảm mến, biết ơn và cảm phục cô Ngọc Ánh,
người phụ nữ này nếu không là con cháu của Bà Trưng Bà Triệu, thì cũng là đồng
đội tâm huyết của Cô Giang Cô Bắc. Theo cá nhân chúng tôi, cô Ngọc Ánh là người
phụ nữ chịu đứng mũi chịu sào cho chuyến đò dọc, chở Thầy tôi, và sự nghiệp của
người đã dày công xây dựng suốt cả một đời người, kể từ tác phẩm “Văn Chương
Tranh Đấu Miền Nam” năm 1969, cho đến ngày nay, một gia tài kếch sù về bộ môn
biên khảo đặc biệt về Chữ Nôm và Chữ Hán, mà tôi có thể rất tự hào thiên vị-chủ
quan để nói rằng khó có ai sánh kịp, đó là chưa kể những tác phẩm sáng tác, tập
truyện, thơ, bày tỏ tình cảm nỗi lòng của mình cũng như nói giùm cho kiếp nhân
sinh trong những ‘Ngày Tháng Bồng Bềnh’…”
Đặc biệt, trong ngày mừng sinh nhật 81 của GS Nguyễn Văn
Sâm, nhà văn Trần Ngọc Ánh cũng là vị hiền thê trăm năm tri kỷ của Giáo sư, đã
làm 4 câu thơ chúc mừng phu quân như sau:
Mừng Sinh Nhật
Cây cổ thụ lâu nay vẫn còn sức
Thầy Đồ Sâm vẫn thức với thời gian
Tám mươi mốt năm tay bút vững vàng
Cố giữ chút hương ngàn Văn Hóa Việt.
(Ngọc Ánh, 21/3/2021)
Và bản thân tôi, người mang ơn những dòng chữ viết của GS
Nguyễn Văn Sâm, xin trân trọng làm mấy dòng thơ kính tặng Thầy Sâm:
Kính Tặng Thầy Sâm
Nửa đêm dò trang chữ cổ
bụi vàng phủ mấy trăm năm
nghe vọng bút nghiên cung kiếm
về khua mở hội trăng rằm.
Triệu mời hồn xưa trong gió
Thầy tìm dịch lại từng trang
so chữ đêm dài cũng ngắn
chép từng dòng thơ mênh mang.
Nghe dây cổ cầm bật khóc
quân binh thúc ngựa hí vang
Thầy ghi lại hồn giấy mực
tóc râu nhuộm trắng mây ngàn.