Sau nhiều ngày, với nhiều “phương án cứu hộ” rất nặng phần
trình diễn của nhà nước Việt Nam, chung cuộc, giới truyền thông của xứ sở này
đã đồng loạt (và ái ngại) loan tin: “Bé Hạo Nam đã tử vong!”
T.S Nguyễn Phương Mai đặt câu hỏi (“Có bao nhiêu Hạo Nam còn
sống?) và trả lời luôn:
“Bé Hạo Nam thuộc tổng số hơn 5 triệu trẻ em Việt Nam
nghèo đa chiều (nghèo ở ít nhất 2 khía cạnh, theo thông tin và định nghĩa của
UNICEF).
Bé 10 tuổi mà chỉ nặng có 20kg, nhỏ và có thể là thiếu
dinh dưỡng đến mức nhiều người cho rằng việc bé lọt chân vào miệng ống có đường
kính 25cm là điều không thể.
Bé cũng nghèo về mặt “cơ sở nhà ở”, nếu nhìn vào cái chòi rách tươm mà gia đình bé đang trú ngụ. Bé cũng nghèo về mặt “tiếp cận thông tin” khi những chương trình miễn phí tiền học, trợ giúp xã hội, những khoản thu“vì người nghèo” ta vẫn đóng cho tổ trưởng dân phố đã không đến đúng đối tượng, giải quyết đúng việc cần làm.
Đó là ta còn chưa biết liệu bé có nghèo về mặt y tế (được
khám chữa bệnh, được tránh ảnh hưởng từ chất kích thích và việc hít khói thuốc
thứ cấp từ người lớn), liệu bé có nghèo về mặt môi trường (có hố xí hợp vệ
sinh, được dùng nước sạch, sống xa nơi xả rác thải, không hít khí ô nhiễm từ
các công trình xây dựng và giao thông…), liệu bé có nghèo về mặt lao động (bé
có phải góp công sức vào việc kiếm tiền trong tổng thu nhập của gia đình
không).”
Câu hỏi cuối (“liệu bé có phải góp công sức vào việc kiếm tiền
trong tổng thu nhập của gia đình không?”) khiến tôi nhớ đến những đứa trẻ Việt
choắt cheo, đen đủi khác, quanh năm phơi thân giữa Biển Hồ lo phụ giúp bố mẹ
trong mọi việc để kiếm ăn.
Tuổi thơ là món quà tặng quí giá của thế kỷ XX. Trước đó,
nhân loại phải dồn hết nỗ lực vào việc mưu sinh nên phần lớn trẻ con chỉ là một
người lớn thu nhỏ (miniature adult) với trách nhiệm đè nặng lên vai gần như bố
mẹ. Món quà này, cho đến nay (tiếc thay) vẫn không đến được tay nhiều đứa bé Việt
– trong đó có Hạo Nam.
Về hoàn cảnh của cháu, BBC cho biết thêm đôi ba chi tiết rất
thương tâm:
“Bé Thái Lý Hạo Nam, 10 tuổi bị rơi vào bên trong cột bê
tông rỗng tại một công trường xây dựng ở tỉnh Đồng Tháp vào trưa ngày 31/12 khi
đang cùng các bạn đi nhặt phế liệu. Cậu bé đã rơi xuống cây cột bê tông hẹp, thẳng
đứng có đường kính 25cm đã được đóng sâu xuống lòng đất.
Cha của cậu bé cho biết ông có nghe thấy tiếng kêu cứu của con mình khi lần đầu tới tìm kiếm ở khu vực này, nhưng sau đó âm thanh đã im bặt. Là con trai lớn trong gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn nên cậu bé phải đi nhặt sắt vụn để phụ giúp cha mẹ.”
Cách đây chưa lâu, TS Trần Đăng Tuấn (người chủ trương “Bữa
Cơm Có Thịt” cho trẻ em ở vùng cao) cũng đặt một câu hỏi khác: “Nước mình
nghèo, nhưng có đến mức này không?”
Câu trả lời có thể tìm thấy ngay được qua vài dữ kiện, cùng
những con số:
- Việt Nam: Một quả trứng chịu 14 loại phí, một con lợn cõng
51 thuế phí.
- Việt Nam gánh chịu tỷ lệ thuế phí GDP cao gấp từ 1,4 đến 3
lần so với các nước khác trong khu vực.
- Trong 20 năm qua, Việt Nam đã huy động được hơn 74 tỷ USD
ODA đến từ nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế.
- Theo công bố từ Ngân hàng Thế giới, năm 2019, lượng kiều hối
về Việt Nam ước đạt 16,7 tỷ USD.
- Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới, lượng kiều hối của
Việt Nam năm 2021 dự báo tăng khoảng 4,5% so với năm 2020 (khoảng 18 tỷ USD),
là quốc gia nhận kiều hối cao thứ ba ở châu Á với tổng giá trị chuyển về đạt 18
tỷ USD…
- Gần 19 tỷ USD là lượng kiều hối ước tính
đổ về Việt Nam trong năm 2022, cao hơn khoảng 1 tỷ
USD so với năm trước đó.
- Việt Nam: Xuất khẩu lao động mang về hàng tỷ USD.
Những “hàng tỷ” này cứ như từ trên Trời rớt xuống (ròng rã từ
thập niên này/sang thập niên khác) đã được giới lãnh đạo Việt Nam chi tiêu ra
sao cho an sinh xã hội, và cho phúc lợi của người dân – nhất là những công dân
lão hạng?
Báo Điện Tử Của Đảng Cộng Sản Việt Nam long trọng thông báo:
“Từ ngày 01/7/2021, người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên, không có lương hưu,
trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng sẽ được hưởng trợ cấp xã hội là 360.000 đồng/tháng.”
Số tiền này có lẽ đủ để ăn 10 tô phở nhưng nhỡ cụ cao tuổi
nào (buột miệng) gọi thêm một ly trà đá hay cái bánh quẩy nữa thì chắc thiếu,
thiếu chắc. Tuy hưu bổng chỉ khiêm tốn (đến mức thảm hại) thế thôi nhưng không
phải ai cũng được nhận đâu. Vnexpress (số ra ngày 16/11/2021) cho biết: “Trong
số 13,4 triệu người già, khoảng 64,4% không có lương hưu và trợ cấp, phải sống
dựa vào con cháu, người thân hoặc tiếp tục lao động mưu sinh.”
Tiếp tục cách nào?
Từ Sài Gòn, bỉnh bút Song May (BBC) tường thuật: “Người
già ở Việt Nam được tạo mọi điều kiện trên giấy… nếu không nương tựa được
con hay cháu thì thường phải bán vé số, lượm ve chai, bán hàng rong, giữ trẻ em
cho nhà khá giả. Khá hơn thì họ có xe bán bánh mì, bán đồ ăn sáng, hoặc
bán chè, cháo, đồ ăn vặt… vào chiều tối.
Không chỉ người độc thân mới tự bươn chải khi về già,
ngay cả những người già có con/cháu vẫn phải mưu sinh, vì đa phần người trẻ nếu
có đi làm thì cũng không đủ nuôi thân (mức lương trung bình 5 - 6 triệu đồng/tháng,
trên dưới 200 USD) lấy đâu ra mà cưu mang cha mẹ già?”
Người già, tất nhiên, không phải là thành phần duy nhất phải
“tự bươn chải” để “nuôi thân,” ở xứ sở này.
Phóng viên Mộc Lam (Tuổi Trẻ Online) tường thuật:
Trưa. Nắng gắt gỏng. Ngô Quốc Thống (học sinh lớp 5 Trường
tiểu học số 1 Hòa Phú, H.Tây Hòa, Phú Yên) tay cầm xấp vé số rảo bước dọc đường
Hồ Xuân Hương (Q.3, TP.HCM). Cứ thấy đông người là Thống ghé lại.
"Chú ơi, chú mua vé số giúp cháu đi chú", "Cô ơi, cô mua giúp
con tờ vé số nghen cô".
Thống kể không nhớ đây là lần thứ bao nhiêu được vào
TP.HCM. "Chắc 5 hay 6 lần gì đó. Vì cứ hễ hè là vô đây bán vé số với mẹ. Mẹ
cháu bán vé số trong này được 10 năm rồi. Mỗi lần cháu vô được vài tháng, nhưng
chỉ đi bán vé số thôi chứ không có đi chơi đâu cả", Thống nói.
Thống không phải là ngoại lệ. Bởi những đứa trẻ như Thống,
hè là vào thành phố để mưu sinh, có rất nhiều. Vì lẽ đó mà vào lúc hè chưa đến,
tuyến đường Hồ Xuân Hương hay các nẻo đường khác ở TP.HCM không nhiều trẻ em
bán vé số. Đến thời điểm này, hằng ngày, những tiếng rao "vé số
đây!", những lời mời mọc "mua vé số giùm con" xuất hiện rất nhiều.
Đồng hương với Thống là Nguyễn Đình Phú (học sinh lớp 7
Trường THCS Trường Chinh, H.Đông Hòa, Phú Yên). Phú 13 tuổi mà người nhỏ thó, gầy
gò. Phú cũng "được" vào TP.HCM để phụ gia đình kiếm thêm bằng việc
bán vé số.
Không chỉ ăn bớt (ăn xén, ăn hớt, ăn giựt, ăn lường, ăn quỵt,
ăn gian) phần của những người già ở Việt Nam, quý vị lãnh đạo ở xứ sở này còn
cướp luôn miếng bánh trong tay của vô số trẻ thơ khác nữa mà bé Hạo Nam chỉ là
một trong số hơn 5 triệu đứa – theo thông tin của UNICEF.
Ăn như thế mà không ai thấy ngượng (hoặc bị nghẹn) sao?