Tôi có một người anh cá tính, hoang nghịch trổ trời mà lên.
Từ nhỏ, thích trèo cây trong vườn. Có bữa leo phải cành ổi giòn bị gãy, thế là
anh rớt xuống nghe uỵch một cái như trái mít rụng. Anh đau điếng cảm giác rêm
ram cả mạng sườn. Anh sợ quá nằm im một lúc, nghĩ bụng chắc mình chết rồi! Mở mắt
ra, giơ chân tay thấy còn ngọ nguậy được. Vậy là chưa chết lại phủi đất lò mò
ngồi dậy (như chưa hề có cuộc chia ly). Anh chạy vô nhà thấy tôi ngồi chơi đồ
hàng bên cửa sổ hỏi:
- Ê lúc nãy mi thấy tau té không?
- Anh có té à, em nghe bịch một cái, tưởng trái mít rụng chơ!
- Mít mô mà rụng tau té đó, đừng méc mạ nghe!
Trẻ con trong xóm có trò chi là anh tham gia trò nấy như thả diều, rượt nhau, bắn
bi…Nghe nói bắt chuồn chuồn cho cắn rốn để biết bơi, vậy là anh cùng tụi bạn bắt
chuồn chuồn rồi vén bụng lên cho cắn xong rồi cùng cả nhóm trong xóm ùa xuống bến
sông nhưng chưa bơi được sải nào đã chìm nghỉm. Nhờ có anh bạn chụp tóc kéo vô,
may không thôi chết. Sau về nhà ngồi ngẫm nghĩ chắc tại con chuồn chuồn kim cắn
nên chưa hiệu nghiệm. Phải là con chuồn chuồn voi mới được. Vậy là trưa trời nắng
gắt thế mà cũng lội từ vườn cây ra đến biền mà bắt cho được con chuồn chuồn
voi. Cho cắn rốn sao mà nó ngoạm cho một miếng tươm máu rồi tự động viên không
hề hấn chi miễn biết bơi là ok. Sau đó rủ tụi bạn xuống bến bơi nhưng vừa thả
chân, thả tay ra khoát khoát vợi vợi vài cái cũng lại cũng chìm nghỉm. Nhưng lần
này rút kinh nghiệm chỉ bơi chỗ nước ngang bụng nên không sao!
Suốt ngày giỡn nhau, chạy đuổi khắp xóm, khắp làng. Đến giờ cơm, tôi có nhiệm vụ
đi tìm anh về ăn mà kêu như kêu đò vậy. Đi coi đá banh thì về tận làng bên gặp
trời mưa chạy về bao nhiêu lần ướt lóp ngóp như chuột lột. Mẹ tôi nói: “Anh mi
trên đầu có cái xoáy trâu nên hoang nghịch rứa chơ tình cảm lắm”. Quả vậy. Ai
mà chọc em là không được với anh mô nghe! Thương em lắm! Mà tui thì chúa nhõng
nhẽo vì con út mà! Biết trong nhà ai cũng cưng, suốt ngày đòi anh làm đồng hồ
lá chuối, lá dừa... rồi bắt anh hái dâu, hái ổi hay thanh trà vào gọt ăn. Lúc thì
bảo bắt cào cào, châu chấu, chán rồi thì bảo anh làm thuyền giấy, múc thau nước
bỏ vào cho thuyền trôi. Nhiều lúc anh nổi cáu:
-Tau phát mệt với mi rồi nghe con tê!
-Mạ ơi chơi với hắn con mệt quá! Con chạy đi chơi đây!
Nói rồi dông thẳng một mạch nhưng đi đâu, kiếm được cái gì hay, trái gì ngon
cũng để dành cho em:
-Tau trèo cây té, đừng méc mạ nghe!
Có bữa, anh tui bị mấy đứa xóm bên bao vây. Thằng mặc áo bun xanh nói:
-Ê mi có đứa em mũm mĩm giống con búp bê, mai mốt lớn gả cho tau nghe! Hứa đi
tau khỏi kêu tên ba mạ mi là K V, không thôi tau réo nì.
Thế là anh giơ nắm đấm lao vào thằng mặc áo bun xanh bớp hắn mấy phát nhưng
cũng bị nó quần lại tơi tả không kém. Khi tôi chạy tới la lên méc mạ mới buông
nhau ra mà chạy về. Đầu sưng cả cục u to như trái chanh. Về mẹ tôi lấy xác chè
xanh, thêm ít muối bóp trán cho. Vừa làm vừa giảng giải thế nọ thế kia được vài
ngày cũng chứng nào tật nấy. Trời mưa thì chạy đi tắm mưa, đi giẫm nước mưa về
nước ăn chân ngứa khóc ỏm tỏi, mẹ tôi phải nướng trái khế chua cho ấm rồi biểu
anh đạp chân vào, vài ngày là khỏi.
2. Anh học giỏi đều các môn. Mẹ tôi bảo anh kèm cặp em kẻo mạ bận việc quá
không coi sóc được việc học của em.
Lúc bắt đầu học chữ, anh viết mẫu rồi bảo tôi viết theo. Tôi lóng ngóng đưa nét
bút cong quẹo không ra chữ. Anh tôi phải cầm tay tôi đưa từng nét. Sau thời
gian hai tháng hè tôi biết đọc biết viết trước khi tới trường. Những lần anh dò
bài, tôi đọc không thuộc là bị cốc một cú trên đầu kèm theo câu mắng:
-Học dốt như mi mai mốt lớn không có thằng mô rước.
Bị cốc một cú trên đầu, thực ra thì cũng không đau mấy. Nhưng tôi cố tình khóc
ít mà ré thật to để cho mạ biết, thế nào anh cũng bị la.
- Dạy em mà cứ mắng hắn rứa con. Phải chỉ vẽ em từ từ, đừng để em khóc mà mạ
xót.
Rồi anh đổi giọng ngọt như đường:
- Thôi, học đi chút nữa anh dò lại, nếu thuộc mai anh về ghé chợ Đông Ba mua
cho em cái kẹp nơ hồng. Cài lên tóc e em tui xinh lắm!
Khi anh vào học trường Hàm Nghi trong Thành Nội, ở nhà hoang nghịch là vậy chứ
tới trường cũng được bầu làm lớp trưởng như ai. Anh học rất tốt các môn tự
nhiên. Rồi anh thi đậu vào Quốc Học. Lúc anh mới nhập trường, nhận bảng tên về
đeo đi lui đi tới mấy vòng trong sân rồi hỏi tôi:
- Thấy bảng tên Quốc Học oai không? Mi lo học đi mai mốt phải thi đậu Quốc Học
như anh rứa nghe không?
Lên đệ nhị cấp rồi anh bớt hoang nghịch hơn, chú tâm vô bài vở của mình và kèm
cặp em út học hành.
Thế rồi anh được du học ở Hoa Kỳ theo chuyên ngành vận tải hoa tiêu. Hết thời
gian học tập, anh về nước làm phi công thuộc bộ phận vận tải hàng không ở Tân
Sơn Nhất, rồi anh cưới vợ, chị là người miền Tây.
Ba năm sau, do những biến cố khách quan nên anh đưa vợ con qua định cư ở
Tiểu bang Illinois, Hoa Kỳ. Số là trước khi đi du học anh tôi được học tiếng
Anh 1 năm tại Gò Vấp nên quen bạn gái người miền Tây. Anh nói với mẹ tôi là lấy
vợ xa cho chắc, chứ ở nhà cứ đi ra ngõ là gặp bà con. Trong phường xóm dính vô
ai nghe nói cũng họ hàng hết. Bởi vậy cứ ra đường gặp ai cũng phải chào: Thưa
anh, thưa o, thưa chú…Mà không biết họ có nghe không. Cũng chẳng đợi họ trả lời.
Nhưng nếu không chào là sẽ có có người nhắn về với mẹ tôi ngay.
Thế rồi, khi tôi lập gia đình, anh tôi cũng đưa mẹ tôi qua ở với anh để phụ
chăm cháu. Lúc này anh chị sinh bé Đan Thanh.
Anh xin làm ở nhà máy sản xuất máy cày tại TP Chicago (thuộc tiểu bang
Illinois).
Nhà máy này mỗi ngày sản xuất 150 chiếc. Nhân viên khoảng 40 nghìn người, trong
đó người Việt khoảng 100 người. Anh làm việc trách nhiệm và có nhiều sáng tạo
nên được trả lương gấp rưỡi so với đồng nghiệp của anh. Ngoài ra còn thưởng và
các phụ cấp khác. Cứ 2 tuần anh lãnh lương 1 lần, tiêu chuẩn 4 giờ bệnh, 1
tháng có 8 giờ bệnh và 1 năm có thêm kỳ nghỉ…Công việc đang thuận lợi, anh làm
được 5 năm ở đây thì nghiệp đoàn cứ đòi tăng tương 3 tháng 1 lần, nên nhà máy
phải tăng lương cho họ, vì nếu không tăng họ sẽ đình công. Lúc đầu sản xuất 150
chiếc/ngày, sau hạ xuống 100 chiếc/ ngày… rồi chỉ còn 50 chiếc/ ngày. Sau này
nhà máy tính toán thấy thua lỗ không đủ chi phí nên đóng cửa. Anh tôi phải ăn
lương thất nghiệp nhưng cũng đủ sống.
Ở hiền gặp lành, có một chị người Việt có chồng là người Mỹ ở gần nhà anh không
biết lái xe (có biết lái nhưng ra đường cứ quẹo trái, quẹo phải tùy thích) nên
anh chồng sợ quá liền nói anh rảnh thì nhờ anh qua kèm cho chị ấy. Sau 2 tuần,
chị ấy lái xe được ngon lành. Chồng chị ấy mừng lắm! Anh chồng bảo anh viết đơn
anh ấy sẽ tiến cử đi làm ở chỗ cơ quan anh ấy. Và may mắn thay, anh đã được vào
làm việc ở một nhà máy của bộ quốc phòng đóng tại một hòn đảo thuộc bang này.
Nhà máy có số lượng nhân viên là 20 nghìn người nhưng người Việt chỉ có duy nhất
một mình anh. Ở nhà máy này sản xuất xe tăng 113, súng M15 (súng trường), mặt nạ
chống ngạt. Lương hướng ở đây và phụ cấp cũng khá, ngoài ra còn có phụ cấp thêm
cho vợ anh $1000/ tháng. Chị xin đi làm thợ may ở hãng chỉ là đi làm cho vui,
lương mỗi tháng chẳng là bao, với khoảng $ 500/ tháng gọi là làm cho có. Đó
cũng là lý do ra ngoài để giảm tiếp xúc với mẹ chồng. Mẹ tôi sinh trưởng trong
gia đình nề nếp xưa, thấm nhuần tư tưởng Nho giáo nên chuẩn mực từ lời ăn tiếng
nói cho đến việc làm. Hai thế hệ sống cùng nhà, mẹ chồng – nàng dâu là vấn đề
muôn thuở khó dung hòa. Tuy nhiên ở đời vẫn có những cặp mẹ chồng, nàng dâu
quan hệ rất tốt, rất thuận hòa nhưng quả thật càng ngày càng thấy hiếm. Bên
tình bên hiếu, anh đứng giữa thật khó xử. Anh hiếu thảo với mẹ và cũng rất yêu
thương vợ con, chiều vợ hết mực. Tiền bạc làm ra anh cho vợ con xài thoải mái,
không tiếc với vợ thứ gì nhưng sự đời nhiều khi không như ý muốn.
Năm 1989, chị dâu tôi bỏ nhà đi theo tiếng gọi tình mới. Anh lâm vào cảnh gà trống
nuôi con. Anh đau khổ tột cùng, tưởng như sẽ gục ngã, nhưng anh hiểu là mình phải
sống không phải cho mình mà sống vì con. Nên anh gắng gượng làm lụng và nuôi
con. Lo cho con đầy đủ, một gánh hai vai thay thế cả mẹ nó. Làm sao cho con đỡ
thiệt thòi nhất khi thiếu mẹ. Anh dành hết tình thương cho con.
Thời gian trôi đi, bé Đan Thanh vào đại học, cháu đề nghị ba về Hawaii sống để
tìm, thuyết phục mẹ về. Năm 1991, anh thương con, nghe lời con xin nghỉ việc ở
nhà máy của bộ quốc phòng – một công việc không dễ gì kiếm được ở Chicago. Anh
về Hawaii xin vào làm ở một nhà hàng. Như vậy là bỏ một công việc ổn định ở
Chicago mà về đây để lao động tự do là một việc mạo hiểm. Công việc vất vả
nhưng anh hi vọng có cơ hội để gần chị, thuyết phục chị trở về. Lúc này, thì
anh cũng hiểu tình cảm như ly nước đã đổ đi khó lòng hàn gắn nhưng vì con mà
anh gắng gượng níu kéo. Lại nói về anh tình nhân của chị thì khi thấy anh tôi,
anh ta rất ngạc nhiên và nói với anh tôi rằng:
- Tôi hoàn toàn không biết cô ấy đã có gia đình.
- Vì cô ấy nói với tôi là độc thân nên mới ra cơ sự này.
Nhưng chị vẫn không lay chuyển, không nhớ con, cũng không vì nghĩa tào khang vợ
chồng dù “một ngày nên nghĩa” huống gì đã có với nhau một mặt con, lòng chị lạnh
băng khi gặp anh. Thậm chí chị không thèm đến dự đám tang mẹ chồng (khi chưa ra
tòa ly hôn thì chị vẫn là dâu con nhưng chị đã không xem “nghĩa tử là nghĩa tận”
để làm tròn phận sự lần cuối với mẹ chồng). Sau bốn năm vô vọng, năm 1993 anh
làm giấy li hôn với chị. Lúc này anh nuôi cháu Đan Thanh đã học xong đại học
tài chính kế toán và đã có việc làm nơi đây.
Anh một mình khăn gói về Texas. Nơi này, thời trai trẻ, lúc đi du học đã có thời
gian anh thực tập ở đây. Bước đầu chân ướt chân ráo, anh thuê một phòng trong
khách sạn để sống một thời gian ngắn rồi tính tiếp. Tại đây có một chị phục vụ
và đứa con trai của chị là người Việt. Hàng ngày qua câu chuyện, biết em ấy cần
học tiếng Anh. Thế là anh dạy tiếng Anh cho em ấy. Mỗi ngày, lúc rảnh em trai ấy
chở anh đi chơi đây đó cho biết, tìm lại những người bạn. Anh cũng đã liên lạc
lại được với một số bạn bè. Rồi anh ra ngoài thuê tạm một căn hộ để sống và bắt
đầu cuộc sống mới ở đây. Làm lụng, tích cóp rồi anh cũng mua được nhà. Về
Texas, anh thấy khí hậu ở đây ít lạnh hơn ở Chicago. Anh bảo bé Đan Thanh về sống
dưới này nhưng cháu nói cháu quen ở Chicago rồi với lại công việc đã ổn. Nay
cháu đã lập gia đình và đã có một cháu trai kháu khỉnh. Như vậy anh cũng đã yên
tâm phần nào về con cái.
Trong một lần anh dự đám cưới tại nhà người anh ở Oregon, cậu của người chị dâu
thấy anh sống đơn chiếc nên đã giới thiệu cho anh một người bà con của ông ấy.
Anh lập lại gia đình với chị (chồng chị đã mất, nay chị sống với đứa con trai).
Anh rất chiều chuộng chị. Mọi việc trong nhà từ A đến Z một tay anh đảm nhận.
Lúc chị ngủ, anh cũng buông mùng, đắp mền cho chị rồi anh mới đi lo việc của
anh. Bà con của chị, ai cũng mừng cho chị là gặp anh nửa sau cuộc đời nhưng thật
quý hóa. Anh xem con riêng của vợ như con mình, chăm chút, nuôi nấng cháu cho đến
khi cháu vào đại học, lập gia đình và ra riêng.
Lại nói về người vợ cũ của anh, mặc dù ly dị rồi, nhà nước vẫn báo cho anh biết
là vẫn phụ cấp cho vợ cũ ăn theo anh mỗi tháng $1000. Bây giờ về già, bà ấy
cũng sống một mình, anh nhân tình sau cũng đã bỏ đi vì cho rằng người thiếu
chung thủy đã từng bỏ chồng để sống với ông ta thì không chắc là sẽ lại không bỏ
ông ta lần nữa.
Hơn 30 năm, không hiểu do hối hận hay là so sánh lại và thấy không ai chiều chuộng
vợ như anh tôi (mà chị đã từng biết tới). Có lẽ cũng là lúc về già rồi cần có
người nâng khăn sửa gối nên đã đánh tiếng nhờ bé Đan Thanh gọi điện với ba cho
mẹ nó về lại sống cùng anh tôi. Bé nói:
-Nếu mẹ về sống với ba thì sẽ tốt cho con hơn. Nhưng con cũng hiểu là không dễ
gì nên tùy ba thôi!
Nhưng anh không đồng ý. Muộn quá rồi! Tình xưa đã hết và lửa lòng đã nguội.
Anh đã đi qua sóng gió cuộc đời, từng tan nát lòng và gặm nhấm nỗi buồn như thế.
Bây giờ muốn bình yên. Anh nói với tôi là đời anh như bị sao quả tạ chiếu vào.
Chuyện học hành, công việc thì hanh thông mà duyên tình lận đận, có lẽ là những
gì thử thách cam go của một kiếp người. Giờ đây anh sống khép kín, ít giao du với
ai. Hàng ngày lui cui với mảnh vườn và dăm ba người bạn trong xóm. Cảm thấy an
bài với số phận vui ít buồn nhiều của anh. Anh em giờ ở cách xa nhau, ai có gia
đình nấy và những bận bịu riêng. Không thể có những tháng ngày vui vẻ bên nhau
như thời thơ ấu. Nghĩ về anh tôi xót xa lòng. Nước mắt lại tuôn trào. Thương
anh, chỉ biết cầu mong anh luôn được an lành, sức khỏe với cuộc sống bình yên!
Hoàng Thị Bích Hà