09 March 2023

TƯỞNG RẰNG ĐÃ QUÊN - Tôn Kàn

Đang ăn dầm ở dề du hí mút mùa ở Mỹ Tho thì được lệnh di chuyển. Đây là năm 1970, tôi đang làm Y Sĩ Trưởng cho Lữ đoàn B Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) dưới quyền chỉ huy của Đại Tá Tôn Thất Soạn. Tôi chăn 3 ông Trung  Úy Y sĩ ở Tiểu đoàn 1, 4 và 5.

Mấy tuần ở Mỹ Tho thật là phè cánh nhạn. Không hổ danh “Cọp Biển”, tôi nhào vô Quân Y Viện Mỹ Tho, ăn cọp ngủ ké  mấy thằng bạn. Tại đây gặp tên Nguyễn thanh Bình tự Bát Sách,  tên này tới nay còn cằn nhằn là tôi ăn cọp kỹ quá! Riêng Phạm gia Thuần vốn là bạn thân từ nhỏ thì tiếp đãi nồng hậu, gần như ngày nào cũng tổ chức cho xoa mạt chược và ăn nhậu lu bù kèn. 

Xẩm tối chúng tôi lục đục kéo ra bờ sông xuống tầu há mồm LST. Tầu của tôi lại do một người quen làThiếu tá Hải Quân chỉ huy, ông này có cái tên cúng cơm ngộ nghĩnh là ông già Noel!

Ông cười nói với chúng tôi:

- Trên đất liền, ông xếp của toa lon to hơn của moa. Nhưng xuống tầu thì các ông đều dưới quyền chỉ huy của moa hết. Vậy mấy ông căn dặn con cái đừng có lộn xộn, không thì moa phạt cho mờ mắt!

- Ông khỏi lo. Tụi này chỉ ba đá với Việt Cộng thôi. Còn đối với binh chủng bạn thì rất kính nể. 

Rồi tôi hỏi tiếp:

- Mà ông ơi, ông chở tụi này đi mô?

Ông trả lời úp mở:

- Cứ tới nơi thì biết!

Đoàn tầu nhổ neo và chạy trên sông trong đêm tối. Gió thổi lồng lộng, sóng đánh nhấp nhô, tôi ngồi trong phòng bộ chỉ huy tán gẫu với ông già Noel. Ông này xuất thân từ Bordeaux, cũng là một tay đấu hót. Ông cười hô hố bảo tôi:

- Mấy ông tu-bíp làm tôi lộn ruột. Chờ hai tháng mới lấy được hẹn, gặp mặt thì nói: "uổng quá, rất tiếc không đến   gặp tôi ba tháng trước!"

Tôi cười hỏi:

- Làm sao có cái tên ngộ nghĩnh vậy?

Ông nhún vai trả lời:

- Sanh nhằm ngày Noel nên ông già bà già ban luôn tên Noel cho tiện bề sổ sách!

Rồi ông bảo tôi:

- Cậu đi kiếm chỗ đánh một giấc, sáng mai sẽ tới nơi. 

Tôi phân vân tò mò, vì thấy cũng lạ, bộ chỉ huy chẳng cho biết đi đâu, người nào cũng im ỉm trái với mọi cuộc hành quân khác. 

Đoàn tầu chạy qua Châu Đốc rồi vẫn tiến về hướng Tây Bắc. 

Tôi băn khoăn thắc mắc nhưng rồi tôi cững kiếm được một chỗ ngủ qua đêm. 

Sáng hôm sau qủa nhiên tầu ngưng, ngước mắt nhìn xuống thấy một bến phà. Thiếu Tá Noel bảo tôi:

- Bienvenu à Neak Leung, Kampuchea!

Thì ra chiến tranh đã lan tràn qua Cam Bốt. 

Thời đó Căm Bốt dưới quyền lãnh đạo của ông Hoàng Sihanouk theo chính sách Trung Lập. Như thế có nghĩa là ngày lẻ ông chửi Mỹ, ngày chẵn ông chửi Nga, ngày thường ông nhận viện trợ của đôi bên. Ông khéo léo giữ Căm Bốt đứng ngoài vòng chiến, nhưng thực tình ông ngả theo phe Cộng Sản vì Bắc Việt đã ngấm ngầm đặt cả Sư đoàn nằm trong sứ sở của ông rồi. Tháng Ba năm 1970, ông bị tướng Lon Nol lật đổ. Chính phủ Lon Nol yêu cầu Huê Kỳ và Việt Nam đem quân qua Cam Bốt. 

Mục đích của cuộc tảo thanh sang Căm Bốt là phá vỡ hậu cứ của Cộng Sản đặt tại đây. Các tiểu đoàn Bộ Binh  của Sư đoàn 25  cùng các tiểu đoàn Biệt đông quân được tung vô trước, có Thiết giáp và Pháo binh yểm trợ, Lữ đoàn B TQLC theo sau làm lực lượng trừ bị. 

Tôi theo Bộ Chỉ Huy Lữ đoàn đổ bộ xuống Neak Leung. Đây là một thành phố nhỏ giống như bến phà Trung Lương, nhưng có vẻ trù phú hơn. Các xe taxi phần đông là Peugeot 504!

Tôi lang thang trong thành phố vắng teo, chỉ có vài quán nước nhỏ mở cửa đón khách. Tôi nhào vô một quán uống thử bia Tiệp Khắc, thấy cũng khoái khẩu!

Sau đó tôi được lệnh xuống ca nô lên một chiến hạm của Hải Quân Huê Kỳ đậu ở trên sông. Đây là một destroyer loại nhỏ dùng làm soái hạm  do một Đề Đốc Huê Kỳ làm Chỉ huy cuộc hành quân. Người ta cho tôi biết khi nào ông có mặt trên tầu thì thượng cờ trên antenne cao nhất, hách xì xằng như Nữ Hoàng Elizabeth treo cờ khi có mặt tại Windsor Castle!

Lên tầu, tôi được ở chung phòng với một Nha sĩ Đại úy Huê Kỳ tên Roger Smith. Có giường nệm chăn gối đàng hoàng. Ăn cơm có lính hầu người Phi, đĩa dao muổng bóng loáng,  khăn ăn trắng toát. Trong quân đội, Hải quân có lối sống thượng lưu, Không quân nổi tiếng bay bướm hoa lá cành, lính mũ xanh mũ đỏ rằn ri nổi tiếng oai hùng du côn, tiếng tăm thật đúng với thực tế, không oan chút nào!

Tôi bàn với đối tượng của tôi là một Y sĩ Thiếu tá Hải Quân Huê Kỳ về vấn đề tản thương:

- Bình thường chúng tôi có đủ phương tiện để tự lo liệu săn sóc các thương binh của chúng tôi. Chỉ khi nào có quá nhiều chiến thương trong một lúc thì mới nhờ đến các ông. Tôi đề nghị chúng ta thành lập một trạm lựa thương nhỏ trên đất liền, phòng hờ trường hợp khẩn cấp xẩy ra. 

Ông Y sĩ Thiếu tá đồng ý. Tôi gọi máy trình lên Đại Tá Soạn, ông trả lời: ”Tốt!”

Đại tá Soạn là người nổi tiếng trầm tĩnh ít nói. Người ta kể cho tôi nghe là hồi còn cầm Tiểu đoàn, có lần địch quân đánh tới sát Bộ Chỉ Huy, ông lẳng lặng tà tà đứng lên phán: ”Rút!”

Đi hành quân với Đại tá Soạn rất thoải mái, vì ông không bao giờ xía vô chuyện nội bộ của thuộc hạ . Anh chàng Nha Sĩ Smith gặp tôi là chịu đèn liền,vì tôi đấu hót với hắn được. Hắn buồn tình cứ đè tôi ra cạo sửa răng hoài,có lẽ do vậy giờ đây tôi là ông già quá bẩy bó có bộ răng khá tốt! Có ngày buồn tình tôi xin trực thăng  và thuốc men đi làm Dân sự vụ,người ta cũng chiều ý. Tôi đáp xuống các đảo nhỏ ở xung quanh chiến hạm. 

Làng mạc là một vài căn nhà lá nằm lèo tèo giữa các cánh đồng ngập nước.. Trực thăng đáp rà rà bên mé đồng, tôi cho hai tên cận vệ tiến về phía làng trước, họ dơ lá cờ có dấu hồng thập tự từ từ đi về phía mấy căn nhà. Sau khi thấy an toàn,tôi với anh thông ngôn mới lò dò tiến vào. Mấy ông già bà lão và con nít dơ tay vẫy chào,tôi cũng chắp tay xá như đi lễ Phật. Tôi xoa đầu mấy thằng nhỏ, rồi giở mấy gói kẹo Smarties,tôi xé một gói lấy vài cái cho vào mồm ăn trước, sau đó phân phát cho mấy đứa, chúng nó vừa ăn vừa cười toe toét. 

Thế là đã mua được lòng dân. Tôi bắt đầu khám bệnh cho họ, đều là ghẻ lở mụn nhọt. Có một thằng nhỏ có một cái nhọt to tổ bố gần đầu gối, Y tá và bà mẹ nó ghìm nó không cho nó vùng vẫy, tôi lấy scalpel rạch cái nhọt,mủ ộc ra. Tôi lau rửa vết thương, chích một mũi trụ sinh rồi cho nó một gói Smarties, cu cậu vui cười ngay. 

Có một bà già tôi nghi bị sưng phổi. Tôi truyền cho chai nước biển, chích cho mũi trụ sinh và xin di tản về Bệnh viện. Mọi đề nghị đều được chấp thuận, Hải Quân Huê Kỳ cho trực thăng đón cả nhà về Neak Leung, dân chúng đứng xem trầm trồ tán thường. Tôi phân phát rất nhiều thuốc men và bánh kẹo. Đến xế chiều mới xong công tác, tôi lên trực thăng bay về soái hạm. 

Vài ngày sau tôi nổi hứng đi làm Dân sự vụ bằng ca nô máy, theo các đường kinh lớn vào các làng mạc. Hình như dân chúng trong vùng đã kháo nhau về công tác hòa bình của chúng tôi nên họ tiếp đãi rất đông đảo ân cần niềm nở, không tỏ vẻ sợ hãi hoặc thù nghịch chống đối. Dân quê Cao Mên cũng như dân quê Việt Nam hiền hòa chất phác, tiếc thay họ chỉ giao tiếp với nền văn minh Tây phương qua súng đạn cùng những máy móc tân kỳ của chiến tranh. 

Một hôm tôi đứng nhìn một gia đình ăn bữa trưa. Anh chồng bà vợ và đứa con ngồi quay quần quanh nồi cơm và một hũ mắm, ngoài ra không thấy có rau dưa thịt thà cá mú chi hết! Trông họ ăn uống mà thấy thương họ hết sức. 

Một hôm khác, sau khi đi công tác,  trên ca nô đến đón về, tôi gặp một Đại úy Huê Kỳ trẻ tuổi đẹp trai trông hơi giống Robert Redford. Ông này nói với tôi:

- Trên soái hạm cho tôi biết Bác Sĩ nói tiếng Anh rất sõi. Tôi muốn nhờ Bác Sĩ một việc. 

Tôi ngạc nhiên trả lời:

- Có chuyện gì, Đại úy cứ nói. 

Ông này giải thích:

- Người ta cho tôi biết có một chiếc phà bị đánh đắm ở một khúc sông gần đây. Tôi muốn nhờ Bác Sĩ theo tôi đến phỏng vấn mấy người dân ở quanh vùng đó, để họ chỉ cho tôi biết đích xác chỗ chiếc phà bị đánh đắm. Bác sĩ có thông ngôn nên mới có thể giúp tôi việc này. 

Tôi bằng lòng và ra lệnh cho ca nô chạy về khúc sông mà ông Đại úy Mỹ muốn tới. Chúng tôi  thẩm vấn mấy người Miên ở vùng này, họ cho biết là phà không bị đánh đắm mà bị kéo về một chỗ gần đây. Ông Đại úy Mỹ mừng húm và cám ơn tôi rối rít. Ông cho tôi địa chỉ ở Saigon và hứa thế nào cũng bắt liên lạc với tôi. 

 

Sau này tôi được biết ông thuộc một dòng họ lớn ở Boston. Chúng tôi có người bạn chung là viên Chef de Bureau của Newsweek ở Saigon. Hai người này mời tôi dùng cơm tối và giới thiệu tôi với cô Frances S. Fitzgerald, một nhà báo khá nổi tiếng tác già cuốn FIRE IN THE LAKE - tên một quẻ trong Kinh Dịch. 

Cô Fitzgerald bảo tôi:

- Anh hãy đọc cuốn sách này và cho tôi biết ý kiến. 

Phải đợi đến  khi tôi nằm dưỡng thương mới “gặm” nổi cuốn sách này!

Đây là cuốn sách của phe phản chiến, vớí lý luận được tóm tắt nôm na là: Better RED than DEAD! Lý luận cạn tầu ráo máng như thế thi còn bàn cãi làm chi nữa cho phí nước miếng? Tôi không có dịp gặp lại cô Fitzgerald nên cũng đỡ mỏi mồm. 

Trở về Neak Leung. Một buổi sáng, mới mở mắt ra đã thấy Nha Sĩ Smith đứng bên đầu giường cười toe toét:

- Hôm nay tao xin được trực thăng đi Phnom Penh. Mày muốn tháp tùng không?

Tôi bật nhổm dậy miệng liến thoắng:

- Of course I do! Of course I do!

Chỉ độ 10 phút sau là tôi đã quần áo chỉnh tề, chạy theo Smith lên boong soái hạm có trực thăng đang chờ cất cánh. Chẳng hiểu Smith  đã bịa ra công tác gì mà xin được trực thăng. Khoảng  gần một tiếng đồng hồ là đã đáp xuống phi trường Phnom Penh, bay trên cao nhìn xuống mới thấy Căm Bốt là một bãi ruộng bao la.  Hai đứa đi bộ ra cổng phi trường thuê một chiếc taxi đi vào trung tâm thành phố. 

Phnom Penh cũng như Saigon một thời nổi tiếng là  Hòn Ngọc Viễn Đông. Smith và tôi băng qua các đại lộ lớn rồi ra bờ sông, thăm vài thắng cảnh rồi lang thang ngoài chợ. Sau đó hai đứa chui vô bar của Khách sạn Le Royal. Khách sạn này xây cất từ năm 1929 và là chỗ xum họp được giới ngoại quốc ưa chuộng, giống như Continental ở Saigon. Tôi đang ngồi nhâm nhi một ly Whisky soda thì có ai đập nhẹ vào vai. Quay lại tôi thấy một thiếu nữ Tây Phương đang nhìn tôi nhoẻn miệng cười. Nàng nói tiếng Pháp:

J’ai entendu que vous parlez francais au bartender

Tôi trả lời cũng bằng tiếng Pháp:

- Tất nhiên tôi nói tiếng Pháp. Tôi có thể giúp cô được chuyện gì?

Nàng hớn hở và không đợi mời ngồi xà vào bàn chúng tôi:

- Thiệt là hên. Các ông là những người lính chiến đầu tiên mà tôi gặp. Tôi nói tiếng Anh dở ẹc!

Nàng vừa dơ tay cho chúng tôi bắt vừa liến thoắng:

- Tôi tên là Diane, làm phóng viên nhiếp ảnh cho một hãng săn tin ở Paris. Tôi xin phép chụp các ông một vài tấm hình được không?

Bây giờ tôi mới ngắm kỹ cô nàng. Mặt tráI soan,da trắng má hồng môi đỏ tươi, răng trắng ngà có nụ cười thật duyên dáng vì có một răng hơi khểnh và má lúm đồng tiền. 

Mặc áo sơ mi kẻ ca rô, khoác một gilet rộng bốn túi, cổ đeo hai chiếc máy hình to tổ bố,quần kaki rộng thùng thình, chân đi giầy bốt rừng. Trông nàng như một garcon manqué. 

Tôi giới thiệu Smith với nàng:

- Đây là Đại úy Nha sĩ Smith, thuộc Thủy Quân Lục Chiến Huê Kỳ. Còn tôi là Y sĩ Trung úy Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam. 

Nàng loay hoay bấm mấy tấm hình, rồi tỉnh bơ hỏi tôi:

- Mày không mời tao uống nước à?

Nàng đã bắt đầu tutoyer  tôi một cách sưng hô thân mật. 

Tôi líu ríu xin lỗi:

- Cô uống gì?

- Xin một ly cà phê đá. Cà phê ở đây thật là tuyệt vời!

Thấy  nàng và tôi quấn quýt lấy nhau qua tiếng Pháp, Smith tìm cách phú lỉnh:

- Tao có chút công chuyện phải đi. Hẹn nhau ở phi trường 5 giờ chiều nay!

Tôi OK và hắn dọt luôn. Lát nữa đã thấy hắn cặp kè ở dưới phố với một em người Miên. 

Diane nhìn tôi hóm hỉnh hỏi:

- Nó nhường mày cho tao hả?

Tôi cũng bông đùa:

-Hình như vậy. Thế có chịu không?

Nàng cười tít mắt:

- Chịu quá đi chứ! Mày cho tao phỏng vấn vài câu nhé?

- Vấn viếc cái mẹ gì, cô làm như tôi là một chính khứa. Cô muốn hỏi cái gì?

- Có vợ con chưa?

Câu hỏi đột ngột làm tôi nhột. Tôi ấp úng:

- À. . . À. . . Có một đời vợ, nhưng tanh banh rồi. Tôi có một đứa con gái nhỏ, đang ở với mẹ tôi. 

Nàng nhẩy cẫng lên:

- Tốt! Như vậy có nghĩa là mày disponible! Tao thích những đàn ông disponilble

Lâu lắm tôi không gặp một cô gái nhí nhảnh vui nhộn như cô này. Tôi trả đũa:

- Thế còn cô? Có mấy bồ rồi?

Diane cười trả lời:

- Đá hết rồi. Tao chán ngấy mấy thằng Tây con trưởng giả ở Paris. Chỉ biết du hí hưởng thụ, chẳng làm nên cơm cháo gì cho tao kính phục. 

Nàng hỏi tôi:

- Mày có biết gì về Phnom Penh không?

- Không. Tôi đi hành quân chứ đâu có đi du lịch. 

- Nếu vậy mày nên đi chơi với tao hôm nay. Tao sẽ cho mày biết cái hay cái đẹp của thành phố này. Trước khi sang đây tao đã nghiên cứu kỹ lưỡng.. Mà mày ăn gì chưa? Tao đãi mày lunch. 

Tôi tán thành ngay. Được gái đẹp bao ăn thì còn gì thú vị bằng?

Chúng tôi ngồi trong hotel ăn bánh mì sandwich và uống bia Tiệp Khắc. Sau đó hai đứa lang thang, la cà ngoài chợ rồi đi thăm Wat  Phnom và tượng bà Penh, ghé qua Viện Bảo tàng 

Quốc gia, thành phố im lìm thanh bình như chưa  hề nếm mùi chiến tranh Chúng tôi tung tăng như một cặp tình nhân, cô nàng nói cười luôn miệng. Nàng giảng giải tỉ mỉ cho tôi lịch sử của các di tích đền đài, tôi thấy là nàng học  nhiều biết rộng, tâm hồn bao dung cởi mở. Khi ngồi nghỉ uống nước, tôi hỏi nàng:

- Cô quê quán ở đâu?

- Tao sinh trưởng ở Paris. Bố tao là một duợc sĩ, ông làm chủ một tiệm thuốc. Mẹ tao mất sớm, tao là con một nên bố tao cưng tao lắm. Tao theo học Văn khoa và Báo chí tại Sorbonne. Thế còn mày?

Tôi trả lời:

- Tôi sinh đẻ ở Hà Nội,di cư vào Nam  năm 54,theo học chương trình Pháp từ nhỏ, học Y ở Saigon rồi nhập ngũ, theo TQLC đã gần 2 năm. 

- Mày đã qua Paris lần nào chưa?

Tôi cười:

- Ngoài Cao Mên, tôi chưa hề bước chân ra khỏi Việt Nam. Cũng mong có ngày đi đây đi đó, nhưng chắc còn lâu!

Nàng tư lự một lúc, rồi nói:

- Tao mong có ngày mày qua Paris đi chơi với tao. Tao nghĩ rằng mày sẽ thích lắm. 

Tôi thở dài:

- Tôi cũng nghĩ như vậy. 

Đến 4 giờ chiều,chúng tôi thuê xe ra phi trường. Trên xe bỗng nhiên Diane hỏi tôi:

- Tao đi với mày xuống Neak Leung được không?

Tôi ngần ngừ:

- Vụ này ngoài thẩm quyền của tôi. Để tôi thử hỏi Smith xem sao. 

Lát sau gặp Smith, tôi trinh bầy vấn đề và dở giọng năn nỉ. Smith cười hề hề:

- Tao không bao giờ từ chối lời yêu cầu của một cô gái đẹp. Để tao nói khó với thằng pilot, nó là bạn thân, tao thường chữa răng cho nó. 

Tên pilot đồng ý chở cả 3 chúng tôi về Neak Leung và sẽ thả chúng tôi tại đó. Smith và tôi sẽ phải đón ca nô trở về soái hạm. 

Nghe tin, Diane bá cổ hôn tôi vào má và nói:

- Tu es un ange!

Đáng lẽ nàng phải mi Smith mới đúng! Nhưng tôi không bao giờ phản kháng khi bị gái đẹp mi. Đến Neak Leung, tôi đi theo Diane kiếm hộ chỗ ở cho nàng. Sau một hồi, nàng thuê được một căn phòng  trong một khách sạn nhỏ ở gần chợ. 

Tôi sửa soạn trở về soái hạm. Nàng cầm tay tôi bịn rịn:

- Ngày mai mày có ra đây đi chơi với tao được không?

- Chắc được. Để tôi cố gắng thu xếp. 

Tôi lững thững đi ra bến đò. 

Sáng hôm sau, tôi gọi máy xin Đại tá Soạn cho tôi lên đất liền vài ngày. Ông chấp thuận vì tình hình yên ổn, các tiểu đoàn không  có đụng chạm gì cả. Ông dặn tôi sáng mốt lên họp ở Bộ Chỉ Huy Lữ đoàn. 

Tôi vù ra ca nô và dọt lên bến phà,rồi lò dò đến gõ cửa phòng Diane. 

Nàng mới ngủ dậy và đang mặc một bộ đồ ngủ mà nàng mới mua tại chợ chiều hôm qua. Trông nàng xinh xắn ngộ nghĩnh nhưng rất sexy. Tôi nói với nàng như vậy và cô ả có vẻ khoái lắm, cười tít mắt:

- Mày chỉ khéo nịnh đầm. Tao sẽ mang bộ này về Paris trưng làm mẫu!

Tôi bảo với nàng là  hôm nay tôi sẽ đưa nàng đi những nơi nàng muốn nhưng chỉ ở các vùng quanh đây có bảo đảm an ninh. Rồi tôi giục nàng tắm rửa sửa soạn đi ăn sáng. Tôi đưa nàng đến một tiệm mì chú Ba ở đầu chợ, uống cà phê bí tất và ăn hủ tiếu. Diane ăn uống tự nhiên, không nề hà chi cả, lại còn xuýt xoa khen ngon loạn lên!

Sau đó chúng tôi lang thang trong thành phố và một vài xóm nhỏ. Diane chụp hình người này cảnh kia, đi dến đâu trẻ con cũng bu theo, nàng đùa rỡn với chúng và có vẻ thích thú lắm. Còn tôi thì trong lòng cảm thấy ấm áp yêu đời. 

Đến xẩm tối,chúng tôi vào một tiệm cơm nhỏ ăn cơm đĩa và uống trà. Tán  gẫu một lát,hai đứa quàng vai nhau về phòng. 

Trước cửa phòng,Diane thì thầm vào tai tôi:

- Tối nay, mày ngủ lại đây với tao không?

Tôi giả vờ ngây thơ hỏi:

- Có cái giường nhỏ xíu này sao mà nằm hai người được?

Nàng  vừa cười vừa cắn vào tai tôi trả lời:

- Tao cho mày ôm nhưng cấm không được lộn xộn!

Tối hôm đó,  tôi ôm nàng vào lòng,người nàng mềm mại và trắng muốt. Ngây ngất ngửi hương thơm từ thân thể nàng toát ra, tôi thiếp đi lúc nào không hay. 

Mới tờ mờ sáng hôm sau, tỉnh dậy không thấy nàng đâu. Ngước mắt lên thấy nàng đang đứng bên cửa sổ trông ra ngoài đường. Tôi nhẹ nhàng tiến lại ôm vai nàng:

- Sao em dậy sớm vậy? Đang suy nghĩ gì thế? 

Vẫn là “TU “, nhưng lần đầu tiên trong óc  tôi, tôi gọi nàng là em. 

Nàng quay người lại và tôi ngạc nhiên thấy mắt nàng đẫm lệ. Tôi vội vã hỏi:

- Sao em lại khóc? Anh có làm  điều gì phật lòng em chăng?

Nàng thổn thức:

- Không... không... Anh không có lỗi gì hết. Trái lại, anh đã cho em một ngày tuyệt vời. Nằm bên anh, tự nhiên em nhớ lại chuyện xưa và em buồn vô tả...

Ngưng một lúc, nàng tiếp:

- Có một lần,em cũng đã yêu cuồng nhiệt. Nhưng rồi tan vỡ... Cãi nhau, chửi rủa, đánh đập... Rồi phá thai... Đau đớn tủi nhục... Em đã thề với chính em là không bao giờ... không bao giờ qua cái cảnh ấy nữa...

Càng nói nàng càng nức nở:

- Hôm qua  tình cờ gặp anh, tự nhiên em cảm thấy như tìm lại được sự thơ ngây của mình, em thấy quyến luyến anh lạ lùng, giống như người ta nói là coup de foudre... Em muốn yêu anh như em đã yêu, nhưng trong thâm tâm em lại ngại ngùng sợ hãi...

Tôi nhẹ nhàng vuốt tóc nàng và từ tốn nói:

- Anh cảm ơn tình cảm đặc biệt mà em dành cho anh. Anh thề sẽ không bao giờ gây buồn phiền đau khổ cho em. Nhưng...

Tôi ngập ngừng. Diane khẽ hỏi:

- Nhưng sao?

- Nhưng, Diane ơi, giữa em và anh là cả một đại dương mênh mông. Rồi chủng tộc mầu da... Rồi chiến tranh... nghề nghiệp... Tất cả những chướng ngại thử thách khó mà giải quyết. Anh kính trọng và yêu em, nhưng anh biết chắc là không thể đem lại hạnh phúc cho em được. 

Nàng cãi:

- Sao anh lại nói thế? Em sẽ đem hạnh phúc lại cho anh, và đó chính là hạnh phúc của em vậy. 

Hai đứa đứng yên lặng ôm nhau trước cửa sổ một lúc lâu, sau đó tôi nói với nàng:

- Bây giờ hãy còn sớm, em nên đi ngủ lại,chờ anh đi họp về. 

Nàng ngoan ngoãn vâng lời, leo lên giường nằm ngủ. Tôi mặc quần áo, mi lên trán nàng rồi  hé cữa lách mình  đi ra phố. 

Tới Bộ Chỉ huy Lữ đoàn là bắt đầu họp. Đại tá Soạn cho biết được lệnh rút về Mỹ Tho, trưa nay khởi hành. Tôi vội chạy về phòng Diane báo cho nàng biết tin. Nàng tỏ ra rất bình tĩnh và bảo tôi:

- Anh cứ lo chuyện của anh. Em sẽ tìm cách trở về Phnom Penh rồi về Paris. Sau đó em sẽ qua Saigon gặp anh. 

Nàng mở bóp lấy  địa chỉ đưa cho tôi. Tôi cũng ghi địa chỉ của tôi cho nàng. Nàng căn dặn:

- Khi về tới Saigon, anh nhớ biên thư hoặc điện thoại cho em. 

Tôi ôm hôn nàng rồi chạy vội về BCH Lữ đoàn. Cuộc chia tay thật là hấp tấp ngắn ngủi. 

Về Mỹ Tho mới được hai ngày thì tôi đã nhận được lệnh bay vô Chương Thiện thay thế cho Y Sĩ Tiểu đoàn 1 mới bị thương nặng. Thật như sét đánh ngang tai, tôi choáng váng cả người. 

Y sĩ Tiểu đoàn 1 là Lê Tấn Huỳnh Long, tôi không quen biết lắm. Tôi ngán ngẩm cho số phận hẩm hiu của mình, chưa được nghỉ ngơi thì đã phải đi lội. Ngoài ra,còn lo lắng thương xót cho tình cảnh của một đồng đội. 

Buổi chiều, trực thăng thả tôi xuống chỗ đóng quân của Tiểu đoàn 1. Tôi trình diện Đại tá Nguyễn thành Trí, Tiểu đoàn trưởng. Đại tá cho tôi biết là hôm trước, Long mò lên đánh cờ tướng với ông rồi ngủ lại tại căn nhà chỗ ông ở. Ban đêm, Việt Cộng pháo kích trúng căn nhà, Long bị một mảnh đạn bắn trúng xương sống, thương tích khá nặng có thể bị tàn phế cả đời. Hiện Long đã được đưa về Saigon chữa trị. 

Ngày kế, Tiểu đoàn tiếp tục lên đường. 

Đây là một ngày có vẻ bình thường,không có gì báo hiệu những biến cố sẽ làm xáo trộn cuộc đời của tôi sau này.

Tôi còn nhớ rõ đó là một ngày đẹp trời, đoàn quân hăng hái lội qua đồng ruộng, thỉnh thoảng được nghỉ dưới gốc dừa bên một con đường đất rộng. Hai người cố vấn Mỹ vui vẻ bắt chuyện với tôi  pha lẫn lộn một chút kính nể,tôi cũng không rõ tại sao hay có thật như thế không. 

Xế chiều vào khoảng 4 giờ thì dừng quân ở một bãi trống. Bộ Chỉ huy đóng tại một mô đất có vài cây thấp lè tè, xung quanh là đồng ruộng. Tôi đứng ngắm địa thế, và để ý thấy một đám lính đang tranh giành nhau một lùm cây nhỏ để lấy chỗ mắc võng. 

Bỗng nghe một tiếng nổ chát chúa. 

Tôi cảm thấy bàn chân bên trái như bị điện giựt, và một sức mạnh vô hình quật tôi té vật xuống đất. Chung quanh tôi mọi người nhốn nháo. Một người la lớn: ”Cẩn thận!Chúng nó gài mìn claymore!”

Anh Y tá trưởng lại gần giúp tơi xem xét vết thương. Kéo quần xuống, tôi thấy một vết thương nhỏ ở bẹn bên phải. Tôi nghĩ thầm:

- Bỏ mẹ rồi! Đạn vào bên phải mà lại đau chân bên trái, như thế là nó đi xuyên chéo qua bụng dưới. Bọng đái và ruột già chắc nát như tương. Tuy nhiên mình vẫn cử động hai chân được,như vậy chứng tỏ các giây thần kinh còn tốt, không đến nỗi bị què quặt. 

Từ khi đi hành quân, tôi luôn luôn đeo bên người một khẩu Beretta nhỏ. Nếu thương tích đưa đến một tương lai vất vưởng sống lây lất nhờ vào kẻ khác thì tôi sẽ không ngần ngại gì mà không đưa một phát vào màng tang  cho rảnh nợ đời. Do vậy tôi thẩm định thương tích của mình rất thận trọng. 

Tôi thấy bụng dưới từ từ phình lên một mầu hồng hồng chứng tỏ đang xuất huyết, cơn đau kéo đến làm toát mồ hôi hột. Tôi ra lệnh cho y tá truyền nước biển, chích một mũi Demerol cho đỡ đau, một phát Penicillin để ngăn nhiễm trùng và một mũi chống tê đòn gánh (Tetanus). Tôi nghe cố vấn Mỹ gọi máy 25 xin trực thăng tản thương gấp nên tôi cũng yên lòng. Khi trực thăng đến, người ta vội vã khiêng các thương binh lên, có ba người kể cả tôi. Đại tá Trí cho một Y tá đi theo tôi để săn sóc. 

Độ nửa tiếng sau thì trực thăng đáp xuống. Tôi nhận ra đây là phi trường Cần Thơ. Người ta bắt đầu chuyển các thương binh xuống. Đến phiên tôi thì hai người lính xạ thủ Mỹ ngăn lại. Họ lôi anh Y tá theo tôi lên, rồi trực thăng lại cất cánh. Tôi đoán có lẽ họ đưa tôi về Saigon. Nhưng chỉ 10 phút sau thì trực thăng lại đáp xuống. Tôi nhìn ra và không biết chỗ này là chỗ nào. Tôi thấy mấy người chạy lại đều là lính Mỹ.. Họ khiêng tôi vào một phòng có máy lạnh chạy ào ào làm tôi rét run cầm cập. Tôi nhờ một anh y tá Mỹ thông bọng đái và đưa nước tiểu cho tôi xem. Anh làm theo ý tôi. Khi thấy nước tiểu của mình trong vắt không có máu,tôi mừng quá xỉu luôn. Bọng đái mà bể thật là khó chữa trị. 

Giới Quân Y ở Saigon sửng sốt vì tin hai Y sĩ bị trọng thương trong hai ngày liên tiếp. 

Nhưng quái đản nhất là trong ngày đầu, không ai biết tôi nằm ở đâu. Bộ Tư Lệnh Sư đoàn đánh điện hỏi các Quân Y Viện đều không thấy tên tuổi tôi đâu hết. Có người đoán là Mỹ đã đưa tôi ra Hạm Đội 7 và không chừng tôi đang nằm trong bụng cá mập rồi. Sau cùng người ta nhờ Cố vấn Mỹ liên lạc với người lái trực thăng tản thương hôm trước,hỏi xem hắn đã đưa tôi về chỗ nào. Hắn trả lời là theo lệnh -của ai thì tôi không rõ- hắn đã đưa tôi về Bệnh Viện Dã Chiến của Huê Kỳ ở Bình Thủy. 

Khi tôi tỉnh dậy, thấy mình nằm trong phònh lạnh, dây ống chạy tùm lum từ lỗ mũi, cánh tay,bọng đái. Một khuôn mặt có đôi mắt nâu hiền từ đang nhìn tôi mỉm cười. Người này tự giới thiệu:

-Tôi là Thiếu tá Y sĩ Boese. Tôi đã giải phẫu cho ông. Ông thấy trong người như thế nào?

Tôi ngắm nhìn vị ân nhân của mình, trạc 30 tuổi, tóc nâu đậm thưa thớt, đầu hơi hói, đeo kính cận. Dáng người vừa vặn, không to lớn kềnh càng như phần đông những người Huê Kỳ. Ông khuyên tôi nằm nghỉ rồi sang mai sẽ lại thăm tôi nữa. 

Tôi nửa tỉnh nửa mê thêm một ngày. Hôm sau thấy sảng khoái hơn. Bác sĩ Boese đến thăm bệnh tình của tôi rồi nói:

- Tôi đã phải cắt gần nửa thước ruột non của ông. Mảnh mìn đi xuyên qua ruột, cắt đứt một mạch máu nhỏ,nhưng các bộ phận khác đều không hư hại chi cả. Tôi đã mất rất nhiều thời giờ để nhặt những hạt cơm văng vãi tung tóe trong bụng của ông. 

Ông vừa cười vừa nói câu sau. Tôi cũng mỉm cười theo.. Cũng may hôm bị thương mãi tới 2 giờ chiều mới ăn trưa, và tôi lại ăn rất ít. 

Bác sĩ Boese hỏi tôi:

- Có phải anh đang nhức ba ngón chân phía trái không?

Tôi gật đầu. Ông ta giảng tiếp:

- Ấy là bởi vì mảnh mìn chạm vào dây thần kinh S1. Hiện giờ còn nằm đó, chưa lấy ra được. Ông cứ nằm ở đây mấy ngày để tôi chăm sóc vết thương bụng của ông. Sau đó sẽ chuyển ông về Saigon mới tính chuyện lấy mảnh mìn ra được. 

Vài ngày sau mẹ tôi lặn lội xuống thăm.. Tôi nhìn mái tóc bạc trắng của bà mà nước mắt chạy quanh. Tôi biết đã làm bà buồn long rất nhiềuvì cái tính hoang tang của tôi. Tôi ngầm tự nhủ nếu qua khỏi tai nạn này, tôi sẽ sống có chừng mực hơn, tôi sẽ lấy vợ đẻ con để bà có cháu bế,tôi sẽ làm tất cả những gì có thể làm đượcđể bà vui lòng. Tôi nằm ở phònhg hậu giải phẫu cả tuần lễ, suốt ngày đọc sách báo. Vết thương bụng từ từ lành nhưng ngược lại chân trái càng ngày càng nhức nhối khó chịu. 

Anh y tá đi theo săn sóc tôi ngày ngày vào thăm hỏi nói chuyện vẩn vơ nên tôi cũng đỡ buồn. 

Ít ngày sau có phi cơ Caribou chở tôi về Bệnh viện Dã chiến Long bình của Huê Kỳ. Tại đây tôi gặp anh Long, người Y sĩ bị thương trước tôi. Tôi nhìn anh, hai đứa nhìn nhau, một thằng lủng ruột, một thằng gẫy lưng, nghẹn ngào không nói lời. Thấy cô vợ trẻ săn sóc anh, tôi tủi thân, nhưng nhiều khi thương hại chị ta khôn tả. Đôi khi tôi thấy chị thẫn thờ ngơ ngác, như xua đuổi một cơn ác mộng. 

Độ một tuần sau thì có hai y sĩ Huê Kỳ đến bàn bạc với tôi. Họ bảo tôi là họ có thể lấy mảnh mìn ra được, nhưng cuộc giải phẫu có thể gặp khó khăn. Tôi ngẫm nghĩ:

- Hiện giờ vết thương sắp lành, khi thành sẹo chắc chân cũng hết đau. Lấy mảnh mìn ra,mổ xẻ lại đau nhức một thời gian nữa. Vô phúc mấy ông xê lô cố này đưa lưỡi dao cắt đứt dây thần kinh thì mình tàn một đời cô Lựu. Thôi dẹp

Thế là tôi quyết định không giải phẫu nữa. Người ta đưa tôi về bệnh xá Lê Hữu Sanh ở Thị Nghè. 

Những ngày nằm ở đây là những ngày đen tối nhất trong đời tôi. Tôi không ăn uống gì được, đi tiêu chảy hoài hoài. Khổ hơn nũa là cái chân trái càng ngày càng nhức nhối khó chịu, phải chống gậy mới đi lại được. Tôi xin chích Demerol hàng ngày. Sau khi chích thì cái đau không ở trong người mà lâng lâng ở bên ngoài. Nhiều đêm không nhắm mắt được phải xin truyền penthotal mới ngủ nổi. Cứ như thế tới 2 tuần lễ, người tôi rạc hẳn đi, trông như xác một anh Do Thái trong trại giam của Đức quốc xã hồi đệ nhị thế chiến. Một hôm tôi tự nhủ:

- Mình đã bị thương gần như què cẳng,nay lại thêm chích choác nữa thì không khá được. Nhất định phải chống lại!

Hôm đó tôi quyết định bỏ chích Demerol. Khi cữ ghiền lên,chân tay tôi co quắp lại, người lạnh run lên. 

Tôi ra sức chống đối với cơn ghiền. Và tôi đã thắng. Từ đó không bao giờ chích Demerol nữa. Khi bỏ thuốc lá cũng vậy, tôi bỏ cái rụp. Những dân ghiền bây giờ -ghiền ma túy xì ke, ghiền rượu, ghiền thuốc lá- tìm những xảo thuật để từ bỏ cái ghiền của mình, tôi cho là láo khoét hết. Muốn thành công chỉ cần có ý chí cương quyết mà thôi. 

Trong khi nằm dưỡng thương ở bệnh xá Lê Hữu Sanh, có ba người đàn bà vào thăm tôi. 

Người đầu tiên là em gái một người bạn rất thân. Nàng dẫn theo  anh chồng người Huê Kỳ, đang là một nhân viên khá cao cấp trong tòa Đại sứ Huê Kỳ ở Saigon. Việc nàng vào thăm làm tôi hơi ngạc nhiên. Tưởng rằng đã quên...?

Người thứ hai sau này là hiền thê của tôi. Thật ra nàng chở bà cụ đến thăm tôi. Bà cụ chơi  thân với mẹ tôi, cụ vào dấm dúi cho tôi ít tiền để tiêu xài. Cô nàng lỉnh sang thăm một anh bạn sĩ quan TQLC cũng đang dưỡng thương như tôi. Hồi đó, cô chưa biết là tôi đã để ý đến cô. 

Người thứ ba là Diane. Nàng từ Paris bay qua sau khi nhận được thư của tôi. Nàng ôm tôi sụt sịt khóc và hỏi ngay:

- Anh có thể bỏ chỗ này và về nhà với em vài ngày được không?

Tôi gật đầu rồi thu xếp quần áo theo nàng ra xe. Nàng đưa tôi về chung cư mà nàng đã mượn được của một người bạn. 

Trong mấy ngày,nàng chiều chuộng tôi hết mình. Nàng làm cho tôi ăn những món ngon của Pháp, nàng chỉ dẫn cho tôi cách thức uống rượu vang, nàng mua cho tôi mấy chai Courvoisier vì thấy tôi thích loại Cognac này, mỗi tối sau khi uống chân tôi bớt đau. Chiều chiều nàng dẫn tôi đi dạo công viên. Tuy thân mật, chúng tôi không có liên hệ xác thịt vì tôi còn yếu. Ban đêm, Diane vẫn để tôi ôm ấp nhưng không thúc dục gì cả. 

Đến ngày thứ năm, nàng nói với tôi:

- Tối nay, chúng mình đi ăn tiệm. Chiều mai em phải về Paris. Tuần tới em có hẹn với Bác sĩ. Sau đó em sẽ thu xếp qua ở với anh lâu hơn. 

Tôi ầm ừ, nhưng trong thâm tâm, tôi nửa muốn nửa không muốn nàng trở lại Saigon. Tôi làm sao cưu mang một cô đầm trẻ đẹp con nhà giầu, tôi,một thương phế binh nghèo rớt mùng tơi, tương lai mù mịt? Tôi thầm nghĩ như thế nhưng không nói ra. 

Sau khi đưa nàng ra Tân sơn Nhất, trên đường về, tôi thấy tâm hồn trống trải cô đơn vô ngần. 

Mãi đến mấy tháng sau vẫn không có tin gì của Diane. Rồi một hôm nhận được một lá thư từ Paris. Trong thư chỉ vỏn vẹn có vài câu:

Anh yêu,

Bác sĩ cho em biết là em bị ung thư vú, thuộc một loại hung dữ nhất. Em cần phải mổ và dùng chemo. Chưa biết tương lai ra saoSẽ cho tin anh sau. Hãy nghĩ tới em. Hôn anh và yêu anh nhiều. D. 

Thư không đề ngày. Tôi thẫn thờ cầm lá thư ra nhà Bưu điện gọi điện thoại qua Paris. Số điện thoại không còn sử dụng nữa. Từ đó biệt âm vô tín. Tôi gấp cất lá thư trong một cuốn sách. Đến tháng Tư 75 thì thất lạc luôn. 

Trước năm 75, tôi đi du học Huê Kỳ, rồi giải ngũ, rồi đi làm cho Bộ Y Tế, rồi lập gia đình. 

Khi viết bài này, hiền thê tôi có nói:

- Anh tưởng rằng đã quên, nhưng em mong rằng anh đừng quên hết. Hãy giữ chút ít kỷ niệm để làm duyên với đời. Riêng em, em rất hãnh diện có một người chồng đa tình và lãng mạn như anh. 

Viết với sự bao dung và thông cảm của hiền thê. 

Tôn Kàn

Cuối Thu 2012