Cô bé tên là Anna, cô vừa là chị cả vừa là mẹ của tôi. Trên
tấm hình này, cô bé lên mười hai tuổi. Còn tôi là con bé mặc áo đầm nhung có
hai dây đeo, tôi bám theo cô ấy giống như bám vào phao cứu đắm.
Tấm hình được chụp vài tháng sau "thảm kịch",
theo như mọi người trong làng nói. Hôm đó, tôi đang chơi tại gia đình Labbé,
cách nhà tôi hai khối nhà. Họ có hai con trai, đứa lớn là François và đứa nhỏ
là Emmanuel, cũng lên sáu giống tôi. Mọi người gọi nó là Manu. Nó là bạn trai
yêu dấu của tôi, nó rất đẹp trai, và nó còn có hai quả banh cao su màu đỏ mà
tôi thường lấy để tập tung hứng.
Chúng tôi đang chơi trên phòng của ba mẹ nó, ở tầng lầu có nhiều ánh sáng nhất. Bỗng dưng bà Labbé hét to lên, bảo chúng tôi nằm úp xuống sàn. Manu và tôi liền chui xuống gầm giường. Chúng tôi rất vui, còn có những đám bụi xốp mà chúng tôi cố hết sức để thổi vào mắt nhau. Tôi nhìn thấy đôi dép nhẹ của ông Labbé, khi tôi nhắm một mắt thì thấy chúng to lớn như thể có họ hàng với đôi hia bảy dặm của chú bé Tí Hon mà đêm nào tôi cũng bị ám ảnh.
Sàn nhà rất thơm mùi gỗ và hình như tôi sắp ngủ gục khi tưởng
tượng Manu đang mang đôi dép to rộng của ba nó để leo núi. Nhưng rồi sao có quá
nhiều tiếng động bên ngoài vầy nè: Nào là còi hú của xe chữa lửa, nào là máy
bay gầm rú vang còn to hơn cả tiếng ngáy của ba tôi. Tiếng bom xé trời rồi nhỏ
dần, làm cho thời gian qua đi rất nhanh khi tôi kịp đếm đến hai mươi, rồi lại
tiếp tục kêu eo éo.
Bom đạn thì tôi quá biết rồi. Chúng rơi xuống đều đều như
mưa từ bụng của máy bay, như đàn cá mà ta ném xuống biển vậy.
Bỗng dưng nguyên cái nhà rung lên giống hệt như đôi tay của
Ngoại khi bà uống bột rễ diếp xoăn vào buổi sáng. Chỉ trong vài phút tôi bỗng bị
điếc đặc. Bị điếc thì buồn cười lắm bạn ạ, ta không thể nghe gì nữa cả, ngay cả
tiếng thở của chính mình cũng không nghe được, như thể ta chết vậy, nhưng là chết
giả vờ. Chắc là Manu cũng chết luôn rồi, bởi vì nó siết tay tôi chặt ơi là chặt.
Thật lâu sau đó, không biết bao lâu, bởi vì tôi đã không còn
đếm nữa, có người đến gọi chúng tôi ra.
Ôi, thật đúng lúc, vì tôi cũng không còn biết phải mơ điều
gì để khỏi âu lo nữa.
Nhìn thấy mọi người ai cũng có vẻ gì bất thường, kỳ quặc, có
vẻ như bọn cá gây bao nhiêu là thiệt hại khi vỡ ra trên nền đất như thế
này.
Khi bước ra đường, tôi nhận biết ngay rằng mọi thứ không còn
như trước kia nữa. Nhưng cho dù tôi cố nhíu mày để suy nghĩ cho kỹ, tôi cũng
không biết có điều gì mất mát, có cái gì thiếu sót. Bà Labbé ôm tôi thật chặt
vào lòng và nói:
– Bé cưng tội nghiệp của bác ơi, kinh khủng quá, bây giờ con
sẽ ra sao đây?
Ngày thường thì bà ấy luôn dễ mến, tử tế đối với tôi, nhưng
hôm nay, bà ghì tôi chặt quá, và cái tạp dề của bà rất thơm mùi hành.
Xém tí nữa là tôi trượt té vì giẫm lên cái bánh của xe hẩy (xe
chòi của trẻ con). A, cái bánh xe này, tại sao nó lại nằm đây, mà sao có một
bánh thôi nè? Tôi nhớ là đã cẩn thận xếp nó gọn ghẽ vào hiên trước nhà rồi kia
mà.
Ôi, thôi, tôi biết rồi, đó là căn nhà! Không được rồi. Đó là
điều không bình thường. Căn nhà không còn hiện hữu ở đó nữa. Giống hệt như
trong truyện thần tiên, chỉ đơn giản là nó đã biến mất. Và ngay chỗ đó là một
cái hố to sâu hoắm, đen thui, và khói đang bay ra như từ một cái nồi hầm vĩ đại.
Rồi sau đó tôi hét lên, hét thật lâu, và cố hết sức lực để
hét, rồi tôi trở nên điếc thật, và chết thật sự. Nhưng điều đó đã không xảy ra,
tôi chỉ không thể nói được trong rất nhiều tuần lễ.
Chính Anna là người đã tập cho tôi có thể nói trở lại, cười
trở lại, rồi chạy nhảy, vui đùa. Cô bé đã có hai chị và một anh, tất cả đều có
tóc vàng óng giống cô bé, thế thì bạn biết không! Không phải vì có thêm một bé
tóc nâu nữa sẽ làm cho cô bé sợ hãi như cô nói đâu.
Chính nhờ cô bé ấy mà hôm nay tôi có thể kể chuyện về bức
hình cho con gái tôi nghe. Tôi đặt tên cho con gái là Anna...
Yves Brard