Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh
Từ khi có trí nhớ tôi đã nghe được câu hát ru ấy của Mẹ tôi.
Và suốt thời thơ ấu thỉnh thoảng tôi lại hỏi Mẹ phố Kỳ Lừa ở đâu. Mẹ tôi thường
trả lời qua quắt rằng Phố Kỳ Lừa ở xa lắm, tận ngoài Bắc cơ.
Thời học trò một đôi lần tôi nghe thầy dạy Việt Văn đọc hai
câu ấy. Tôi rụt rè không dám hỏi cái câu thuở bé vẫn thường hỏi Mẹ mình. Nhưng
một cô bạn học (cái cô tên Ngọc nhanh nhảu ấy) hỏi dùm tôi và dùm luôn cả lớp.
Thày bảo phố Kỳ Lừa ở Lạng Sơn và chùa Tam Thanh dựng trong lòng vách núi gần
ba hang sâu, gọi là động. Thầy còn bảo đứng ở cửa động nói thật to, tiếng của
mình sẽ vang và dội lại ba lần từ ba lòng hang sâu, vì vậy mới có tên Tam
Thanh.
Từ đó, tôi luôn mơ tưởng một ngày quê hương hết chiến tranh, được về xứ Bắc, thăm phố Kỳ Lừa, chuyện trò với nàng Tô Thị và đứng ở cửa động Tam Thanh, gọi lớn tên Việt Nam, để nghe những chữ Việt Nam vang động không gian.
Năm 1975, súng ngưng nổ, đạn thôi bay nhưng chiến tranh chưa
thực sự chấm dứt trên mảnh đất hình chữ S. Một ngày nghe tin nàng Tô Thị đã bị
đám người được mệnh danh là “bọn xấu” đục đẽo lấy đá vôi đem bán, tôi buồn, như
đã buồn khi nghe tin mất Đã Nẵng những ngày cuối tháng Ba năm xưa.
Cái tên Đồng Đăng với Kỳ Lừa chìm dần vào quên lãng, mãi đến
lúc gần đây Đồng Đăng, Kỳ Lừa với chùa Tam Thanh bỗng ùa về trong trí nhớ.
Tất cả cũng từ cái chuyện năm xưa:
Cái chuyện xa xưa ấy như thế này: Tháng 01 năm 1978, trong
chuyến viếng thăm chính thức Thái Lan, Malaysia, Singapore nhằm thăm dò và tìm
hậu thuẫn, Đặng Tiểu Bình - bạn còn nhớ cái tên này chứ? Lãnh tụ tối cao của nước
Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ở thời điểm 1979 đấy - Đặng Tiểu Bình tuyên bố “Việt
Nam là côn đồ, phải dạy cho Việt Nam bài học.”
Ngày 17 tháng Hai, 1979, Trung Cộng xua quân, vượt
qua biên giới, tràn vào sáu tỉnh phía bắc của Việt Nam để chém giết và hãm
hiếp phụ nữ; cắt cổ, chặt tay chân trẻ con quăng xuống giếng; để san bằng mọi
thứ... Và họ gọi những hành vi man rợ ấy là “cuộc chiến tranh phản kích tự vệ
chống Việt Nam.”
Tôi còn nhớ vào thời kỳ căng thẳng ngoại giao giữa Trung Cộng
và Cộng Sản Việt Nam những năm từ sau 1975, những buổi học chính trị trong
khuôn viên trường đại học, những tay lớp trưởng, lớp phó luôn miệng huyênh
hoang “Trung quốc sẽ không bao giờ dám đánh Việt Nam chúng ta.”
Bọn sinh viên chúng tôi biết những con vẹt ấy tin chắc như
thế bởi vì thời điểm ấy bộ đội Cộng Sản Việt Nam vừa mới đọ sức với quân đội Việt
Nam Cộng Hòa và các nước Đồng Minh; sau chiến tranh, vũ khí chiến cụ Mỹ để lại
còn nhiều; thêm vào đó, tháng 11, 1978 Cộng Sản Việt Nam ký với Liên Xô hiệp ước
hữu nghị hợp tác, đồng thời gia nhập Hội Đồng Tương Trợ Kinh Tế và được Liên Xô
tấn phong là “Tiền đồn đáng tin cậy của các nước Xã Hội Chủ Nghĩa ở Đông Nam Á.”
Chẳng những thế, cộng sản Việt Nam còn mở hải cảng Cam Ranh cho Hạm Đội Thái
Bình Dương của Liên Xô ra vào thoải mái. Trước những chuyện được xem là chướng
tai gai mắt ấy, trước mối tình càng lúc càng keo sơn giữa Cộng Sản Việt và đàn
anh (số 1) Liên Xô, Cộng Sản Tầu (đàn anh số 2) nóng máu bèn cắt đứt hoàn toàn
viện trợ cho đàn em và gọi ngay Việt (Nam) là “tiểu bá” và Liên Xô là “đại bá”.
Những màn minh xác quan hệ toàn diện giữa hai đảng Cộng Sản
Nga và Việt ấy khiến các ông trùm cộng sản Việt ở cả hai miền Nam & Bắc
cùng tin là nếu có chuyện va chạm giữa Tàu và Việt thì ông anh có cái tên rộn
rã là Liên Bang Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Xô Viết sẽ nhảy vào bênh vực ngay.
Họ đã lầm to!
Dưới tầm đại pháo của kẻ láng giềng phương bắc, người dân
kéo nhau chạy giặc. Người sống sót - ở Cao Bằng chạy giặc xuôi về Bắc Kạn - kể
chuyện về một người phụ nữ có tên Dén. Cô Dén cùng người làng lũ lượt níu kéo
nhau cố chạy sao cho càng xa tầm đạn của quân Tàu càng tốt. Họ len lỏi trên những
lối mòn, qua khúc đường có trạm đóng quân của lính Trung Cộng. Đứa bé trên tay
cô Dén khóc vì đói, vì khát, vì những tiếng nổ inh tai, vì khói cay mù con mắt.
Những người cùng chạy giặc với cô gầm gừ bắt cô dỗ cho thằng bé nín khóc. Đồn
lính Trung Cộng nằm ngay bên lối mòn. Chỉ một tiếng động khả nghi là cả đoàn sẽ
mất mạng. Suốt mấy ngày qua họ còn nhớ như in hình ảnh những đứa bé bị lưỡi lê
đâm xuyên thân thể, những người đàn bà quê mùa lam lũ bị quân Tầu nắm tóc kéo
lê lết trên đường, những tiếng phụ nữ hét thất thanh khi bị lưỡi lê đâm xuyên
sau khi bị hãm hiếp. Những hình ảnh ấy còn đặm nét trên võng mạc đoàn người chạy
giặc. Vì vậy người thiếu phụ vừa chạy vừa bịt miệng, bịt mũi thằng con để nó
không khóc được, để đoàn người chạy giặc không bị chết oan. Thằng bé càng giẫy
giụa, bàn tay mẹ nó càng bịt chặt. Đoàn người nín thở lom khom chạy thoát khỏi
khu vực có lính Tầu trấn giữ. Khi lẩn vào được dưới những tàng lá xanh rậm rạp,
cô Dén rời bàn tay tê dại khỏi miệng, khỏi mũi thằng bé. Và cô chỉ thấy cái mặt
tím bầm, chỉ thấy hai còn mắt trợn trừng và dấu vết những ngón tay cứng như những
thanh sắt của cô bầm tím trên má, trên môi thằng bé. Nó không còn khóc nữa. Nó
không bao giờ khóc nữa!
Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa.
Mãi sau này tôi mới được biết thêm về cái địa danh đi lạc
vào ca dao ấy. Khi – đã không thể bưng bít thêm – nhà cầm quyền Hà Nội nới lỏng
những vòng dây siết cổ dư luận, người ta mới có dịp nghe kể lại những chuyện tưởng
chừng chỉ xảy ra ở đất Miên năm 1975, nơi những Cánh Đồng Chém Giết có bọn Khờ
Me Đỏ một thời làm mưa làm gió. Mãi sau này tôi mới để ý tới hai câu còn lại của
bài ca dao ngắn ngủn về Đồng Đăng, về phố Kỳ Lừa, về Nàng Tô Thị, về chùa Tam
Thanh:
Ai lên xứ Lạng cùng anh
Tiếc công bác mẹ sinh thành ra em.
Nếu hồi xưa để ý hai câu sau ấy, tôi đã không phải hỏi mẹ
tôi Kỳ Lừa ở đâu. Và nếu nhà cầm quyền Hà Nội không bưng bít thông tin thì tôi
và bao nhiêu người Việt Nam khác đã biết hơn bốn mươi năm trước, sau chuyến
công du thủ đô Washington, được tổng thống Mỹ Jimmy Carter tiếp kiến (và bật
đèn xanh?), 5 giờ sáng ngày 17 tháng Hai, 1979, Đặng Tiểu Bình chính thức
xua 120,000 quân với xe tăng, thiết giáp tấn công sáu thành phố Việt Nam dọc
theo biên giới Việt Hoa: Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng
Ninh. Vậy là Đồng Đăng trong câu hát ru của Mẹ tôi nằm trong tầm đại pháo của
quân Tầu. Những đỉnh đồi xanh biếc như nguồn sống của người dân miền cao bỗng
biến thành sân tập của bọn pháo thủ Trung Cộng. Những ngọn đồi mất tên, chỉ còn
là những cao điểm mà trong đó hai cao điểm quen tên với những người bộ đội Cộng
Sản Việt Nam thời đó là Cao Điểm 685 và Cao Điểm 772. Những núi, những đồi tan
tác dưới mưa pháo của quân Tầu tới mức những người có mặt trong chiến trận nơi ấy
đặt cho địa danh cái tên “Lò Vôi Thế Kỷ”.
Cuộc xâm lăng biến thành cuộc thảm sát kinh hoàng. Quân xâm
lăng không chỉ thực hiện những hành vi dã man trên con người mà trên cả những vật
vô tri giác. Những người sống sót kể rằng ngay cả những cột điện ở Cao Bằng
cũng bị lính Tầu gài chất nổ cho gẫy gập, tới xe cộ cũng bị trả thù; xe của Tầu
được tha, xe của Nga thì bị đặt mìn nổ tung. Trâu bò không kéo về Tầu được thì
bắn chết sạch. Cao Bằng cũng là nơi mà hôm trước ngày bị tấn công, Thượng Tướng
Đàm Quang Trung của Quân Đội Nhân Dân Cộng Sản Việt Nam còn tuyên bố “Có cho kẹo
Trung Quốc cũng không dám đánh ta... Đánh không được đâu!” Và cũng chính ở đất
Cao Bằng ấy 43 thi thể phụ nữ và trẻ em Việt bị quăng xuống giếng sau khi bị giết
bằng búa và lưỡi lê.
Cuộc chiến tranh chìm vào quên lãng. Người ta tránh nhắc tới
những ngày tháng ấy. Những mộ bia ghi nhận những địa danh, những trận đánh bị đục
bỏ, những tấm bia tưởng niệm bị tháo gỡ. Không một chi tiết nào được nhắc tới.
Người ta lập danh sách những “Liệt sĩ chiến tranh chống Pháp”, những “Liệt Sĩ
chiến tranh chống Mỹ” nhưng những người gục ngã trong cuộc chiến với quân Tầu
thì chỉ được ghi nhận một cách mơ hồ là “Liệt Sĩ chiến tranh biên giới”. Trong
chương trình học của học sinh từ tiểu học lên đến đại học hầu như không có dòng
nào trong cách sách sử nhắc đến cuộc chiến tranh biên giới.
Bốn mươi năm sau, một nông dân đi cày ở thuở ruộng cằn ven
biên, nhặt được cái nón sắt đầy lỗ đạn, định đem bán đồng nát lấy ít tiền mua gạo,
nhưng nghĩ sao anh lại đem cất đi. Khi được hỏi lý do, anh trả lời đại khái là
cứ giữ đấy, để mai sau khi kể cho con cháu nghe về những ngày chinh chiến, còn
có chút bằng chứng đưa ra cho chúng nó xem.
Tôi mến phục người đàn ông quê mùa ấy. Một con người cày cuốc
vô danh còn thấy mình có trách nhiệm với lịch sử. Trong khi bọn cầm quyền không
bao giờ nhắc tới những gì đã xảy ra ở những thành phố, những thôn xóm, những bản
làng vùng biên giới Việt Hoa năm 1979 và bao nhiêu năm sau đó.
Và bạn có đồng ý với tôi là từ cuộc chiến tranh biên giới ấy,
có thể rút ra một bài học cho người Việt nói chung, đó là chẳng nên tin tưởng bất
kỳ ngoại bang nào. Trước khi tấn công Cộng Sản Việt Nam năm 1979, Trung Cộng
cũng lo lắng là Liên Xô có thể can thiệp vì Việt Nam đã ký với Liên Xô một hiệp
ước gì đó, nghĩa là Liên Xô sẽ can thiệp nếu Việt Nam bị kẻ nào đó tấn công, thế
nhưng Liên xô đã chẳng làm gì hết khi quân Trung Cộng tấn công qua biên giới,
gây máu lửa khắp nơi!
Năm 2019 tức là bốn mươi năm sau những ngày tháng kinh hoàng
ấy, lúc sắp đến ngày kỷ niệm đau thương của cuộc chiến tranh biên giới 1979, một
tay giáo sư nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đưa ra những lập luận cho rằng
Tầu và Ta cần phải ngồi xuống với nhau để thảo luận, để trình bày, để thống nhất
về những sự kiện lịch sử liên hệ đến cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 (và
liên tục nhiều năm sau đó) để viết ra một thứ tạm gọi là “chính sử”, cho học
trò Việt bên này biên giới có bài học lịch sử giống hệt bài học lịch sử của học
trò Tầu bên kia biên giới. Tay giáo sư này còn đưa ví dụ sau Thế Chiến I, Pháp
và Đức cũng tìm cách ngồi lại để cùng thảo luận việc ghi chép các sự kiện lịch
sử, nhưng hai nước ấy đã không đi đến được kết luận chung, kết quả là Thế Chiến
II lại bùng nổ. Tay giáo sư đề nghị Việt Nam không nên vội vã ghi những biến cố
lịch sử vào sách sử mà phải bàn bạc với Trung Cộng hầu tìm ra những điểm chung
trong cuộc chiến ấy mà cả hai nước đều có thể đồng ý.
Nghe cái đề nghị ngây ngô của anh giáo sư sử học kia, những
người có chút suy nghĩ hẳn sẽ ngạc nhiên ghê lắm. Bởi sự kiện lịch sử thì đứng ở
đâu nhìn vào cũng vẫn là sự kiện lịch sử. Đặng Tiểu Bình phán “Dạy cho Việt Nam
một bài học” thì tường trình từ góc nào cũng vẫn là “Dạy cho Việt Nam một bài học”.
Chuyện quân Tầu ném lựu đạn vào hầm trú ẩn đầy những đàn bà và trẻ con Việt
Nam, rồi chờ ai chạy ra thì bắn chết... thì nhìn từ bên này hay bên kia biên giới
cũng vẫn là quân-tầu-ném-lựu-đạn-vào-hầm-trú-ẩn-đầy-những-đàn-bà-và-trẻ-con-Việt-Nam-rồi-chờ-ai-chạy-ra-thì-bắn-chết.
Chẳng lẽ phải ngồi xuống chờ đám viết sử Trung Quốc phán
chuyện này quả là có xảy ra thật nhưng kể lại sẽ gây mất đoàn kết, các đồng chí
phải xóa bỏ vân vân và vân vân rồi mới quyết định nên kể hay không nên kể lại
cho đám con Rồng cháu Tiên?
Anh giáo sư còn dạy rằng chúng ta phải học hỏi từ những nước
khác. Nhưng mà những nước khác là những nước nào? Giáo sư muốn nói tới Tây Tạng,
Tân Cương, Mông Cổ chăng?
Bạn thân mến. Tôi viết những dòng này vào tháng Hai năm 2019
khi ở quê nhà bên kia bờ biển Đông, cái gọi là “ban tuyên giáo” ra thông báo số
78 chỉ thị cho báo giới “không được dùng từ ‘chiến tranh xâm lược’, không phân
tích nguyên nhân cuộc chiến, không chỉ trích Đặng Tiểu Bình, không dùng các từ
ngữ như ‘đẫm máu, tội ác’, không dùng ngôn ngữ kích động việc tưởng nhớ những
người lính đã chết trong cuộc chiến 1979 và nhất là tuyệt đối không chỉ trích
nhà cầm quyền Trung Quốc.”
Vậy là bài viết này đã vi phạm toàn bộ những điều cấm đoán của
bọn cầm quyền Hà Nội; vi phạm từ A đến Z.
Bạn thân mến, khơi lại chuyện xưa tôi không muốn nuôi mãi sự
thù hận, nhưng tôi cũng không thể đưa bàn tay hiền hòa (người Việt Nam rất hiếu
hòa) ra để bắt tay với kẻ đang cầm trong tay lưỡi dao mà ngàn năm trước tổ tiên
gã đã dùng để cắt cổ mổ bụng những đồng bào tôi. Bắt tay làm sao được khi tôi
còn nhìn thấy vết máu những người dân miền núi đất nước tôi dính cứng trên mũi
dao nhọn, bởi lưỡi dao hung hãn ấy là thứ cái gã đang muốn bắt tay tôi kia đã sử
dụng ở Đồng Đăng, ở Thanh Thủy, ở Thanh Đức, ở Lao Chải, ở Cao Điểm 685, ở cao
điểm 772, ở Tổng Chúp... cách đây mới chỉ 40 năm. Bọn cầm quyền Hà Nội chắc đã
quên nhưng những người Việt Nam khác sẽ không quên.
Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa.
Một ngày không xa Đồng Đăng với Kỳ Lừa sẽ có tên tiếng Tầu.
Tuy nhiên Đồng Đăng với Kỳ Lừa, với chùa Tam Thanh sẽ không bao giờ bị đổi tên
trong trí nhớ tôi và trí nhớ những người Việt Nam tha thiết với từng vuông đất
quê nhà đang dần mất vào tay kẻ thù phương Bắc.
Tháng 2, 2019