Có lẽ, đã nhiều lần tôi viết về thơ văn cũng như chân dung
thi sĩ Trần Mạnh Hảo. Và lần nào cũng vậy, viết xong đều cho tôi một cảm giác,
như mới chỉ làm được cái công việc gãi ngứa vào khối kiến thức, với những tác
phẩm thật sâu sắc, đa tầng ở mọi thể loại của Trần Mạnh Hảo mà thôi. Cho nên,
vài tuần trước Trần Mạnh Hảo gửi tặng Tuyển tập thơ, tôi đọc ngay, đọc một cách
chậm rãi, ngâm nga. Vâng, một món ăn khoái khẩu. Một Tuyển tập thơ đồ sộ cho tôi
nhiều cảm xúc khi đọc.
Khi đi sâu vào đọc, và nghiên cứu Trần Mạnh Hảo, có thể thấy, không chỉ ở trong thơ, mà ở văn xuôi, hay phê bình vẫn hiển hiện lên những trăn trở, đớn đau của ông, của tha nhân. Với tài năng phát tiết cả ba mảng: thơ, văn và phê bình làm tôi chợt nghĩ, bác Trần Mạnh Hảo hiện lên giữa sóng gió cuộc đời, sóng gió văn học cứ như thể kiềng ba chân vậy.
Trần Mạnh Hảo họ Phạm, sinh năm 1947 tại Nam Định. Năm 1968,
tốt nghiệp trung học (cấp 3), nhưng ông không thể vào đại học. Bởi, cái lý lịch
nhọ như đít chảo (của gia đình), dù Trần Mạnh Hảo vừa thi học sinh giỏi văn và
đạt giải nhất miền Bắc ở thời điểm đó.
Bi đát và chán chường, ông hối lộ để được đi lính. Và đi vào
chiến trường, nghĩa là đã cầm sẵn giấy báo tử trên tay. Song với Trần Mạnh Hảo
ra trận, tôi tin đó là một sự giải thoát. Giải thoát bế tắc cuộc sống, và buộc
phải chôn vùi mối tình đầu văn học: “Nàng thơ hỡi của mối tình đầu văn
học/ Phủ vàng thu lên mắt biếc ban đầu“ (Vàng xưa ơi). Buộc phải lấy chiến
tranh thay cho cuộc tình ấy. Chẳng vậy, mà cho đến nay ở cái tuổi thất thập,
ông vẫn còn đau đớn thốt lên: “Em bỏ lại tuổi xuân anh chùa Hưng Lộc/ Gió
lên trời mây đại học em sâu/ Không còn em tuổi mưa ngâu trúng độc/ Lấy chiến
tranh làm cuộc tình đầu.“ (Ai đền anh tuổi hai mươi đã mất).
Có thể nói, Trần Mạnh Hảo đã thành công và ghim vào lòng nhiều
tầng lớp người đọc ở cả ba lĩnh vực: thi ca, văn xuôi và phê bình văn học. Với
sáu mươi năm cầm bút, và trên (dưới) ba chục tác phẩm đã in ấn, phát hành chứng
minh bút lực, tài năng, cũng như tình yêu đất nước, con người của Trần Mạnh Hảo: “Ôi
đất nước, anh yêu em đến băng hoại cả đời“. Tuy nhiên, trong khuôn khổ
bài viết này, tôi chỉ đi sâu vào khía cạnh thơ ca. Và đây cũng là mảng chính
làm nên tên tuổi, chân dung thi sĩ tài hoa Trần Mạnh Hảo.
Cũng như các thi sĩ cũng thời ở hai bên chiến tuyến, thơ ca
Trần Mạnh Hảo đi sâu thân phận người lính, cùng nỗi buồn chiến tranh. Song mảng
đề tài về tình yêu quê hương, đất nước con người sâu sắc và quan trọng bậc nhất
trong sự nghiệp sáng tạo của ông. Những năm gần đây thơ thế sự, xã hội đã góp
phần không nhỏ làm nên khí phách, hồn thơ Trần Mạnh Hảo.
Gần đây, trong lúc khật khừ, có vài bác sâu rượu hỏi: Đỗ Trường
khoái đọc nhà thơ đương đại nào nhất? Một câu hỏi thật khó trả lời. Bởi, nhà
thơ tài năng từ trong nước ra đến hải ngoại, khoái và yêu thì nhiều lắm. Song
nhà thơ nào cũng vậy, đã có hay chắc chắn phải có dở. Gu của mỗi người đọc cũng
như thưởng thức món ăn. Ngon với người này, chưa hẳn đã hợp khẩu vị của người
khác. Tuy nhiên, nếu buộc phải đưa ra một nhận định, sau hồn thơ Huy Cận tôi
nghĩ ngay đến Trần Mạnh Hảo.
Có được như vậy, có lẽ bởi tài năng (đặc biệt) sử dụng biện
pháp tu từ trong thơ ca của Trần Mạnh Hảo. Với hình ảnh, trí tưởng tượng phong
phú, và sự liên tưởng độc đáo, cùng từ ngữ giản dị, hoán đổi ngữ nghĩa, do vậy
thơ ông sắc, nhọn, hồn khí ấy đi thẳng vào lòng người. Và đó cũng là nghệ thuật
chính làm nên thi ca Trần Mạnh Hảo.
*Lấy chiến tranh làm cuộc tình đầu.
Chủ nghĩa lý lịch đã bịt kín tương lai, cuộc sống Trần Mạnh
Hảo. Do vậy, ngay từ thuở hoa niên cho đến khi bước vào đời, nhất là những năm
tháng khói lửa nơi chiến trường đã giết chết tâm hồn ông. Sự bi quan, chán chường
ấy, được Trần Mạnh Hảo khái quát bằng câu thơ với hình ảnh hay đến rợn cả người:
“ Tôi đã chết với tâm hồn bia mộ“. (Gió thổi tôi đi). Và tôi xin mượn nó để làm
lời tựa cho bài viết này.
Vịn vào thi ca để đứng dậy và bước đi ngay từ năm tháng đói
khát, khổ đau đầu đời Trần Mạnh Hảo. Do vậy, với ông văn học ví như (mối) tình
đầu vậy. Và chính mối tình đầu (văn học) ấy đã khước từ tuổi xuân, an táng linh
hồn Trần Mạnh Hảo ngay nơi chùa Hưng Lộc quê hương, để hình hài ông lao vào:
“Anh khói lửa phóng mình yêu viên đạn/ Máu xanh rơi khổ nạn chết trong rừng?“.
Có thể nói, “Ai đền anh tuổi hai mươi đã mất“ là bài thơ mang tâm trạng đầu như
vậy, và nó cũng là một trong những bài thơ hay nhất trong Tuyển tập thơ Trần Mạnh
Hảo. Đọc bài thơ này, tôi bị ám ảnh. Sự ám ảnh ấy không hẳn vì chiến tranh chết
chóc, mà bởi cái rung động, ước mơ hẹn hò thi ca ấy đã được hình tượng hóa, so
sánh trong biện pháp tu từ một cách lạnh tanh, rờn rợn: “Anh hẹn hò cùng lưỡi
lê đại bác/ Rung động đầu đời ôm xác bạn bè chôn“. Để rồi linh hồn người lính
Trần Mạnh Hảo dường như: “Ta đã chết ở hai đầu trận chiến“. Và vẫn là em (một
hình tượng thi ca) từ một phép nhân hóa đã cứu rỗi linh hồn người lính trận:
“Em chợt lẻn vào giấc mơ giải thoát/ Mắt em sâu chết khát cả tâm hồn“. Vẫn biết,
tình yêu và lối đi đầu đời ấy mịt mùng, tối tăm, song Trần Mạnh Hảo buộc phải
bước. Thật vậy, đọc “Ai đền anh tuổi hai mươi đã mất“ làm cho tôi không thể
phân biệt được tiếng khóc của thi sĩ Trần Mạnh Hảo hay nỗi đau Lê Lựu với Giang
Minh Sài, sống và yêu buộc phải theo suy nghĩ sắp đặt của kẻ khác. Và trích đọan
dưới đây sẽ cho ta thấy rõ nỗi đau, sự bất lực ấy của người lính Trần Mạnh Hảo:
“Anh phải yêu một bóng hình man rợ
Không chân dung xin món nợ tử hình
Ai đã ước cưới cơn mơ làm vợ
Em xa mờ xin nấm mộ cầu kinh“.
Và con đường ấy, không chỉ riêng Trần Mạnh Hảo, mà cả thế hệ
ông buộc đi vào nơi cửa tử: “Những con đường của thế hệ tôi/ Lao thẳng vào cái
chết“. Lời thơ tự sự, với những câu hỏi tu từ, “Một mình tôi một đường“ là bài
thơ điển hình như vậy. Đọc nó, không hề thấy kẻ thù, cùng bom rơi đạn nổ, song
ta vẫn thấy sự tàn khốc của chiến tranh. Bởi, tài năng, trí tưởng tượng với những
hình ảnh mang tính ẩn dụ sâu sắc, độc đáo của Trần Mạnh Hảo: “Chôn sống tôi hỡi
cánh rừng khốc liệt/ Đất nhú bàn tay bia mộ lỡ thì?“. Và con đường nào, chủ
thuyết nào đã đưa con người, đất nước xuống vực sâu, ngõ cụt. Đứng trước sự sống
và cái chết đó, mà dường như Trần Mạnh Hảo vẫn còn bâng khuâng tự hỏi: “Đất nước
tôi cháy nhà/ Dù nghìn lần bị giết/ Biết lối nào tôi đi“. Nhẹ nhàng, nhưng đau
như những ngọn roi quất vào lòng người vậy. Có thể nói, đây là những câu thơ bất
hủ được viết trong nỗi xúc động tột cùng của Trần Mạnh Hảo. Và có lẽ, lịch sử
văn học nước nhà, không có nhiều câu thơ với những hình ảnh so sánh hay đến vậy:
“Những con đường như những lằn roi/ Lịch sử quất lên mình đất nước/ Những nẻo
đường trên xứ sở tôi/ Như nước mắt của người yêu chảy suốt“.
Giữa sống và chết nơi khói lửa chiến tranh, lời thơ của người
lính Trần Mạnh Hảo vẫn nhẹ nhàng. Nếu đặt trang thơ này, bên cạnh những tiểu luận
phê bình mạnh mẽ, quyết liệt đến tận cùng của Trần Mạnh Hảo, thì có lẽ không ai
nghĩ, nó được viết ra từ cùng một tác giả. Với tôi, “Khi chưa có mùa thu“ là một
bài thơ điển hình nhất của Trần Mạnh Hảo viết ở nơi chiến trường. Và nó cũng là
một trong những bài hay nhất ở thể ngũ ngôn của Văn học Việt. Cùng viết về sự
tàn khốc, cũng như cái chết của người lính, song không gian, hình ảnh, lời thơ
Trần Mạnh Hảo rất đẹp, và nhẹ nhàng: “Chưa ai yêu mùa thu/ Như bạn mình mơ mộng/Ai
xui tiếng chim gù/ Kéo trời lên xanh thẳm“. Sợ bạn mình đau chăng? Nên tuyệt
nhiên, người đọc không thấy từ ngữ chết chóc nặng nề kia. Và nhà thơ đã mượn cảnh
vật, thiên nhiên bộc lộ tâm trạng, diễn tả sự ra đi của bạn mình: “Khi chưa có
mùa thu/ Hoa phượng còn dang dở/ Bạn nằm xuống lưng đồi/ Mùa thu dừng lại đó“.
Tuy vậy, nỗi đau, tình thương yêu bạn bè ấy của thi nhân làm tôi phải ứa nước mắt
khi ngồi viết lại những câu thơ làm dẫn chứng này: “Có ai ngờ đêm ấy/ Bạn không
về liên hoan/ Vắt cơm nhòa nước suối/ Viếng bạn mình không ăn“.
Và chiến tranh kết thúc, người lính Trần Mạnh Hảo may mắn
còn sống sót trở về, nhưng linh hồn dường như đã chết. Đất nước liền một dải,
núi xương chồng chất, lòng người ly tan, với Trần Mạnh Hảo đó là cuộc chiến vô
nghĩa. Gió thổi tôi đi, tuy không phải là bài thơ hay nhất trong Tuyển tập của
Trần Mạnh Hảo, nhưng nó như một lời tổng kết thân phận của cả dân tộc trong thế
kỷ khổ đau vậy. Đọc nó, những người thế hệ tôi trở lên, có lẽ ai cũng phải nghẹn
ngào, và tìm thấy mình ở trong đó:
“Thế kỷ hai mươi núi xương oan khổ
Người với người chém giết để thành ma
Tôi đã chết với tâm hồn bia mộ
Cuộc chiến tang thương thống nhất sơn hà“
Do vậy, đứng giữa Saigon Trần Mạnh Hảo vẫn cảm thấy bơ vơ, lời
thơ ông nghẹn đắng: “Tôi sẽ về thành phố/ Ai nói với tôi lời trăn trối cuối
cùng/ Chiến tranh xóa tên làng, tên đất“ (Tôi sẽ về). Và không chỉ những ngày đầu
về thành phố, mà nửa thế kỷ sau nỗi ám ảnh, khổ đau, hiu quạnh đó vẫn giày vò
Trần Mạnh Hảo. Nỗi buồn đó, đưa ông trở lại Long Bình tìm về những hoài niệm
xưa. Song mảnh đất không thể hồi sinh, và cái chết chực chờ trong hành trình
khép lại, càng cho ông bi quan, chán nản hơn: “Năm mươi năm gặp lại/ Bạn bè
thành cỏ cây/ Trên đầu mình phơi muối/ Sống chết ồ đâu đây“.
Viết về hậu phương, về những người vợ, người mẹ của người
lính, thì rất ít người viết sâu sắc được như hai thi sĩ ở hai đầu chiến tuyến
Tô Thùy Yên, và Trần Mạnh Hảo. Nếu ta đã đọc những câu thơ về người Góa Phụ
trong bài thơ cùng tên của Tô Thùy Yên: “Ngọn đèn hư ảo chong linh vị/
Thắp trắng thời gian mái tóc em.” thì mới thấy hết được cái bi kịch thân phận
người vợ trong thi phẩm Làm Dâu của Trần Mạnh Hảo. Và ở đó, ta cũng thấy được
tính nhân bản, sự cảm thông của người thi sĩ: “Mỗi khi chim lợn kêu dồn/
Khói hương khấn gió Trường Sơn tìm mồ/ Đêm về đội lén khăn xô/ Thương người nằm
khoác ba lô mối đùn…/ Gọi thầm nấm đất bằng anh/ Chị xin nhận tấm cỏ xanh làm
chồng”.
Trần Mạnh Hảo đến với thi ca rất sớm. Tuy nhiên, phải đến đầu
thập niên bảy mươi (thế kỷ trước) thơ ông mới đạt đến độ chín. Giai đoạn
1968-1975 như trụ móng đã xây, từ đó để Trần Mạnh Hảo viết nên những trường ca,
thi phẩm về Tổ quốc và tình yêu đầy cảm xúc và trí tuệ.
*Tổ quốc và tình yêu.
Mỗi thể loại văn học đều có đặc tính riêng. Và các văn nghệ
sỹ cũng vậy, mỗi bác có cái tạng viết của mình. Cho nên, không phải cứ bác nào
viết được truyện ngắn, thì có thể viết được tiểu thuyết, hoặc viết được tiểu
thuyết, sẽ viết được tùy bút, tâm bút hay. Bằng chứng, tài văn như Nguyễn Huy
Thiệp đang ngon lành với truyện ngắn, ấy vậy mà đảo bút sang tiểu thuyết là thất
bại ngay. Thi ca cũng vậy. Không phải nhà thơ nào cũng viết được trường ca. Đây
là một thể loại tương đối đỏng đảnh, khó nhằn. Nếu người viết không đủ
tài, vốn liếng dài hơi, thiếu cái tôi trữ tình, câu thơ trở nên nhàn nhạt,
như canh thiếu mắm muối, gia vị vậy. Cho nên, những năm gần đây có nhiều
người viết trường ca, song không phải ai cũng thành công. Tôi đã tìm đọc
khá nhiều trường ca. Tuy nhiên, cho đến lúc ngồi viết những dòng chữ này, với
riêng tôi, thành công nhất ở thể loại này là hai trường ca: Mặt Trời
Trong Lòng Đất và Đất Nước Hình Tia Chớp của Trần Mạnh Hảo. Và hai
tác phẩm duy nhất này, tôi đều không phải đọc nhảy cóc.
Đem đến cho người đọc sự rung động, với cảm xúc luôn mới mẻ
như vậy, bởi ngoài kiến thức, trường ca Trần Mạnh Hảo có nhân vật. Dù (nhân
vật) mang tính ước lệ tượng trưng, song sự hóa thân vào nhân vật của cái tôi trữ
tình (Trần Mạnh Hảo) thật đa dạng, phong phú. Cho nên, ta có thể thấy, trường
ca Trần Mạnh Hảo giàu trí tưởng tượng với nghệ thuật nhân hóa, ví von gần
gũi, dân dã, song tạo ra hình ảnh mới, gây bất ngờ cho người đọc: “Chắc mẹ rửa
tay con bằng mồ hôi từ bé/ Mà bàn tay khoẻ tựa lưỡi cày“ (Đất nước hình tia chớp).
Nếu tiểu thuyết, hay trường ca tình tiết, tâm lý, hành động
nhân vật luôn được mở ra, thì đọc trường ca Trần Mạnh Hảo cho tôi cảm giác
dường như nhà thơ đang muốn cô lại. Do vậy, trường ca Trần Mạnh Hảo không chỉ
từ ngữ, hình ảnh súc tích và cô đọng, mà ta còn thấy được sự hoán đổi ngữ nghĩa
do từ hay cụm từ mới tạo ra. Từ mới, hay cụm từ này không có nghĩa tự sáng tạo
ra, mà do tài năng sử dụng từ ngữ của nhà thơ. Nhiều từ, cụm rất cũ, nhưng
Trần Mạnh Hảo đặt hoặc ghép trong câu đúng văn cảnh, gây bất ngờ cho người đọc,
nó trở thành câu mới, nghĩa mới. Đất Nước Hình Tia Chớp tiêu biểu nhất cho
đặc điểm này của trường ca Trần Mạnh Hảo. Và ông có nhiều hình ảnh, câu hoặc
khổ thơ hay. Nhưng với tôi, khổ thơ dưới đây có thể nói, hay (toàn bích) nhất
trong trường ca của Trần Mạnh Hảo: “Thương bàn chân mẹ, chân em/ Sánh phù sa
có in lên chân trời/ Chỉ nhìn vào móng chân thôi/ Biết em đã lội qua thời trẻ
trung“ (Chương 5- Đất nước hình tia chớp). Vâng, chỉ nhìn vào móng chân thôi,
cái móng chân vàng màu váng đồng ấy, biết được cái gian nan đã trải qua của người
mẹ, người em, những nông dân đặc quánh bùn đất. Lội là động từ chỉ hành động,
song trong câu thơ trên lội đã hoán chuyển thành tính từ, lột tả sự nghèo khó,
và lam lũ.
Và nếu Đất Nước Hình Tia Chớp dành cho những người mẹ,
người em đất Bắc, thì Mặt Trời Trong Lòng Đất gói trọn cái gian nan, vất vả
ấy của các má, các em đất trời phương Nam. Vẫn những hình ảnh so sánh, ẩn dụ,
Trần Mạnh Hảo như cho ta ngửi được hương đất, ngơ ngẩn trước dáng hình em,
và chạm được vào bàn tay chai sạn, uống mồ hôi mặn chát của của má, của ba:
“Đồng bọc lấy làng như kén bọc
Má ra đồng bạc tóc vẫn chưa hay
Mồ hôi má chỉ luống cày đếm được
Khăn rằn như dòng kinh phơ phất sau nhà
Má cuốc đất như chèo thuyền trước bão
Đám mây nào bạc phếch áo bà ba“ (Mặt Trời Trong
Lòng Đất)
Những câu thơ trích ở trong hai trường ca này, tôi đã viết,
và nhắc nhiều lần trên các bài viết khác nhau gần đây. Bởi, ngoài nghệ thuật,
thẩm mĩ, ta còn thấy giá trị hiện thực, và giá trị giáo dục. Nhất là đối với cuộc
chiến chống giặc phương Bắc. Do vậy, mỗi lần đọc những câu thơ trên của Trần
Mạnh Hảo, tôi lại nghĩ đến sách giáo khoa, nghĩ đến giá trị truyện ngắn Tôi
Đi Học của Thanh Tịnh, thuở còn đến trường.
Có được cái nhìn sâu sắc, nhân bản, cảm thông như vậy, bởi
Trần Mạnh Hảo sinh ra, và lớn lên trong chiến tranh. Tuổi thơ ông phải trải
qua những đắng cay, gian khó, dưới một xã hội không bình thường. Với tài năng bẩm
sinh, tâm hồn mẫn cảm, cùng sự học, nghiên cứu độc lập, nên Trần Mạnh Hảo có
cái nhìn sự vật, con người cùng sự liên tưởng rất độc đáo, khác lạ. Thật vậy, sự
hoài thai, sinh nở cùng nỗi đau của mẹ dưới màn đêm bão bùng ấy, được Trần
Mạnh Hảo liên tưởng với những hình ảnh, từ ngữ rất gần gũi, mộc mạc. Song nó
không chỉ toát lên hình tượng mẹ vĩ đại, mà còn gây cho người đọc sự xúc động
trong nỗi ám ánh sâu sắc. Đêm mẹ sinh con là một trong những bài thơ điển hình
như vậy. Đọc nó, ta thấy, dường như Trần Mạnh Hảo đang quyện con người vào với
tổ quốc, với vũ trụ thiên nhiên, hồi sinh cho thế giới lụi tàn bởi chiến tranh:
“Mẹ xé đêm đen làm tã lót
Cột con vào vũ trụ cuống nhau thai
Mẹ cắt rốn cho con bằng tiếng khóc
Đau xé mình cho thế giới hình hài“ (Đêm mẹ sinh
con)
Với Trần Mạnh Hảo, không chỉ mẹ lồng vào tổ quốc, mà từ vật
dụng nhỏ nhoi, hay một làn gió bấc vẫn cong hình dáng mẹ tổ quốc, cùng cất lên
tiếng gọi thiêng liêng. Và nếu Đêm mẹ sinh con, mới dừng ở: “Mẹ xé đêm đen làm
tã lót“ thì đến thi phẩm Tổ quốc của tình yêu, vẫn mạch thơ ấy, song với phép
hoán dụ, dường như Trần Mạnh Hảo đang muốn cuộn tròn đất nước, con người vào
câu thơ của mình, trong cái đêm đen bão tố, chiến loạn chăng: “Bằng tiếng khóc
chào đời như súng nổ/ Tôi gọi tên Tổ quốc lần đầu/ Lấy gió bấc làm tã lót/ Người
cuốn cho tôi trong một đêm thâu“. Có thể nói, Tổ quốc của tình yêu, một bài thơ
đầy ăm ắp hình ảnh gợi cảm, sinh động, sắc như cứa vào lòng người đọc. Nếu ngồi
một mình, nghe Trần Mạnh Hảo rút ruột ra để đọc bài thơ này, lần nào người
tôi cũng sởn sởn, gai gai, nước mắt như muốn trào ra:
“Tôi mở mắt đã thấy vầng trăng vỡ
Gấu đã ăn hết nửa mảnh trăng trời
Gió mùa đông đập cửa hoài xin núp
Thấy mẹ gội tóc bằng mồ hôi
Thấy ngọn lửa rét run trên củi ướt
Cháy lem nhem một dáng dấp con người“
Có một điều thú vị, gần đây nhất tôi có được đọc Tuyển Tập
Thơ Phương Tấn, và Tuyển Tập Thơ Trần Mạnh Hảo. Cả hai tuyển tập này đều có
những bài thơ về mẹ rất hay và cảm động. Nếu bài thơ Thưa Mẹ của Phương Tấn có
hình ảnh, cụm từ thật mới lạ: “Mẹ so đũa gắp lòng reo trong mắt/ Gắp một đời
rót xuống chén cơm con” thì từ ngữ, hình ảnh mẹ trong thơ Trần Mạnh Hảo dân
dã, mang mang hồn vía ca dao. Song cả hai vẫn toát lên cái gian khó, sự hy sinh
thầm lặng, cùng tình yêu của mẹ: “Con đã ăn bầu vú mẹ canh trường/ Ngày đói
khát mẹ ru bằng nước mắt/ Mẹ gánh con chạy vòng quanh đất nước/ Đất nước là
chăn đụp mẹ trùm con“ (Hỡi mưa phùn quê mẹ bạc đầu con).
Rồi khi bóng hình mẹ đã chập chờn trong sương khói, thơ
Phương Tấn nhẹ như một lời ru: “Mẹ cười bưng bát cơm thiu/ Ầu ơ, móm mém hắt
hiu phận bèo/ Mặc lòng trời đất cheo leo/ Ầu ơ, con ẵm bóng theo tạ đời.“. Và
thơ Trần Mạnh Hảo cất lên lời khẩn cầu da diết: “Hỡi mưa phùn quê mẹ bạc đầu
con/ Nhớ mùi ổ rơm thơm lừng gió bấc/ Mẹ đang nằm ngoài trời xin cỏ đắp/ Đêm cơ
hàn ngọn nến thắp mùa đông“. Có thể nói, cùng một cảm xúc, một tình yêu về mẹ,
nhưng mỗi nhà thơ có bút pháp, cách thể hiện khác nhau. Từ phép so sánh này cho
ta thấy, thơ Trần Mạnh Hảo thường đi vào đi vào sự vật, hiện tượng cụ thể, gần
gũi nhất như: một cơn mưa phùn, hay nắm cỏ xanh… Từ đó, với tài năng của mình
nhà thơ nhào nặn nên một nhân vật, một hình tượng văn học, rất độc đáo. Nó đi
sâu vào lòng mọi tầng lớp người đọc. Được như vậy, bởi, thi ca Trần Mạnh Hảo đầy
ăm ắp hình ảnh, cùng sự liên tưởng, với nhiều tầng ngữ nghĩa. Cho nên có thể
nói, thơ ông, từ bác lao công, đến ông giáo sư đều có thể đọc, cảm nhận theo
suy nghĩ của riêng mình.
Đi sâu vào văn học sử, ta có thể thấy, Trần Mạnh Hảo là một
trong những nhà thơ viết nhiều, và viết hay nhất về quê hương đất nước của nền
Văn học Việt. Không chỉ Nam Định quê hương, với sông Đào, sông Đáy, Ninh Cơ, mà
Trần Mạnh Hảo viết hầu hết về sông núi, đất và người, những nơi ông đã từng đi
qua. Tuy nhiên, với tôi: Sông Lam, và Gửi Lai Châu là hai bài thơ hay, và điển
hình nhất về đề tài này của Trần Mạnh Hảo. Và cũng chính các tác phẩm này của
Trần Mạnh Hảo đã phủ nhận những lập luận từ trước đến nay: Chỉ có các nhà
thơ, nhà văn viết về chính quê hương của mình mới có những tác phẩm
hay, và chân thực.
Thật vậy, Trần Mạnh Hảo có những bài viết về Nam Định như: Hỡi
kẻ chôn chân xuống đất hóa quên nhà, Nhớ Nghĩa Hưng quê nhà, hoặc Nhớ con rạm
sông Ninh Cơ… hay. Song với tôi, không bài nào vượt qua được Sông Lam và Gửi
Lai Châu. Do vậy, có thể nói, nếu sinh ra, và lớn lên ở Nghệ Tĩnh, hoặc
Lai Châu chưa chắc ông đã viết được Sông Lam, và Gửi Lai Châu hay, và rung
động đến vậy.
Và xin nhắc lại trích đoạn trong bài “Lai Châu đó, để cả đời
anh mắc nợ“ của tôi viết trong thời gian gần đây, nhằm sáng tỏ cho nhận định
này, và chứng minh thêm tài năng của thi sĩ Trần Mạnh Hảo: Thật vậy, nếu không
có sự tìm tòi, khám phá, để rồi hóa thân vào đó, thì chắc chắn Trần Mạnh Hảo
không thể viết được những câu thơ có tính đặc trưng núi rừng Tây Bắc đến vậy. Sự
quan sát tỉ mỉ ấy của thi sĩ, Lai Châu hiện lên sinh động, chân thực, song vô
cùng kỳ bí, mờ ảo như một bức tranh chiều hoài cổ vậy. Bức tranh động trong
tĩnh này, chợt làm tôi nhớ đến nghệ thuật lấy động tả cái tĩnh (trời thu) của cụ
Nguyễn Khuyến:“Cá đâu đớp động dưới chân bèo”. Vậy tiếng gõ ngựa kia, phải
chăng đó là sự tĩnh lặng, cô liêu trong lòng nhà thơ, tĩnh lặng của núi rừng:
”Tiếng ngựa thồ gõ vào mây rậm rịch“. Và với khổ thơ dưới đây, có thể nói, phép
liên tưởng của Trần Mạnh Hảo đã đạt đến đỉnh cao nghệ thuật. Khổ thơ này, nếu
tách ra, nó hoàn toàn có thể trở thành một bài thơ bát ngôn (độc lập), với những
hình ảnh, cùng lời thơ tuyệt đẹp, tuy dân dã, song cũng rất sang trọng:
“Nơi ngủ dậy núi đã đầy trong mắt
Trong chiêm bao còn vọng tiếng nai chiều
Tiếng ngựa thồ gõ vào mây rậm rịch
Em gội đầu để suối suốt đời reo.”.
Tôi đã tìm tòi, đọc thơ tình yêu đôi lứa ở trong cũng như
ngoài Tuyển tập, song chắc chắn mới được một phần nào đó ở mảng đề tài này của
Trần Mạnh Hảo. Có một điều đặc biệt, ở mảng quê hương đất nước, Trần Mạnh Hảo
thường đi vào cái cụ thể, hay hình ảnh giản dị nhất như: thúng, mủng, nong,
nia, dần, sàng, thì ở mảng tình yêu đôi lứa ông đưa người đọc đến gần hơn với
triết lý và mang tính trừu tượng hơn: “Thức đêm mới biết đêm thật ngắn/ Chỉ có
em thôi mới thật dài/ Hôn em từ gót hôn lên trán/ Hôn đến nửa chừng đã sớm mai”
(Thức đêm). Thật vậy, đọc thơ tình Du Tử Lê, hay Nguyễn Tất Nhiên, ta có thể thấy,
các tên gọi Thụy, Duyên, Thủy với những mối tình cuồng si cụ thể: “hãy cho anh
được ôm/ em, ngang bằng sự chết/ tình yêu như ngọn dao/ anh đâm mình, lút cán/
thuỵ ơi và thuỵ ơi” (Khúc thụy du). Ở Trần Mạnh Hảo tình yêu ấy, dường như được
ủ rấm ở đâu đó. Không cuồng si, ngang bằng sự chết như Du Tử Lê, nhưng sự ủ rấm
đó bất chợt bùng cháy: “Lửa dẫu tắt tình than còn nghi ngút” để (mắt) em ấm lại
giữa giá lạnh mùa đông chăng? Nhưng dường như không phải vậy. Trần Mạnh Hảo vẫn
chưa thể cời lên được ngọn lửa ủ trong tro (trấu) đó. Do vậy, sự cô đơn lạnh lẽo
hay sắc cầu vồng vẫn để lại mãi trong lòng thi nhân:
“Ai cất mắt em vào trong đống rấm
Lửa vùi vào tro trấu trốn mùa đông
Anh đã khoác mưa phùn làm áo ấm
Đi tìm thương sao chỉ gặp cầu vồng.” (Anh cất giấu một
khoảng trời miền Bắc)
Không điên cuồng như Đinh Hùng: “Thu ơi! Đánh thức hồn ma dậy/
Ta muốn vào thăm nấm mộ sâu” hay mãnh liệt, ám ảnh như Đinh Thị Thu Vân:
“những câu thơ em viết mất linh hồn”, nhưng yêu đến độ không còn gì nữa, tận
cùng của tận cùng, thì quả thật, sự liên tưởng, ví von độc đáo đó chỉ có trong
thơ Trần Mạnh Hảo: “Yêu như đào huyệt để chôn nhau”. Và Nghi ngút là một bài
thơ lửa tình như vậy của Trần Mạnh Hảo. Bài thơ này Trần Mạnh Hảo viết vào nửa
đêm ngày 26-1-2018 tức cách nay tròn 5 năm, cũng rất ngẫu nhiên thôi, khi tôi
ngồi viết những dòng chữ này cũng nửa đêm 26-1-2023. Trần Mạnh Hảo viết bài thơ
Nghi Ngút, khi ông đã ngoài bảy mươi tuổi. Tuy không đề viết tặng ai, cảm xúc đến
từ đâu, nhưng tôi nghĩ, bài thơ có tính trải nghiệm sâu sắc này, có lẽ thi sĩ
viết cho vợ mình. Tôi cho rằng, cùng với Anh cất giấu một khoảng trời miền Bắc,
đây bài thơ tình yêu đôi lứa hay nhất ở Tuyển tập này:
“Yêu đến độ hai ta cùng mất hút
Gió cuốn đi không còn chút áo quần
Như sao trời quên để lại dấu chân
Ta cứ thế xoay vần theo nhật nguyệt” (Nghi ngút)
Có thể nói, tổ quốc và tình yêu là mảng viết quan trọng, độc
đáo nhất trong sự nghiệp sáng tạo của thi sĩ Trần Mạnh Hảo. Sự độc đáo ấy, ta
không chỉ thấy ở giá trị nghệ thuật, mà còn thấy được cái giá trị nội dung, tư
tưởng của nhà thơ. Những yếu tố này, đã làm nên chân dung thật vạm vỡ, và tài
hoa Trần Mạnh Hảo. Và chính nó là nền tảng cũng như điểm tựa cho ông chí khí, sự
can đảm đến với hồn thơ thế sự, xã hội một cách sâu sắc, và thẳng thắn.
*Trần Mạnh Hảo với hồn thơ thế sự, xã hội.
Nhiều người cho rằng, mãi đến năm1989 với tiểu thuyết Ly
Thân, Trần Mạnh Hảo mới cởi được chiếc vòng kim cô bấy lâu siết chặt ở trên đầu.
Với tôi, có lẽ không phải vậy. Khi đi sâu vào đọc một cách có hệ thống, cho tôi
thấy, ngay từ tháng 4-1975, khi Trần Mạnh Hảo bước chân vào tới Saigon, chiếc
vòng kim cô ấy, dường như chẳng còn tí tẹo ma lực nào nữa. Cho nên, Trần Mạnh Hảo
thấy rõ hơn cái ngõ cụt, đường cùng cho thế hệ ông, và cho cả đất nước ông.
Trong cái hỗn loạn ấy, không ngồi bệt xuống đường phố Saigon mà khóc như Dương
Thu Hương, nhưng nỗi buồn chợt nhói lên, làm cho lời thơ Trần Mạnh Hảo thật
chua xót: “Cháu vào tìm ông, sao ông nội vội lên tàu chạy trốn?/ Chưa giải
phóng nổi mình, đòi giải phóng cho ông” (Vào Saigon tìm ông nội). Từ nhận thức,
tư tưởng như vậy, cho nên thơ văn Trần Mạnh Hảo luôn gắn chặt thân phận đất nước
và con người. Và ông cũng nhận ra, đất nước liền một dải, song lòng người càng
phân ly. Nhìn những con dân đất Việt buộc phải trốn chạy, xác chết chìm, chết nổi
kín cả biển Vũng Tàu, làm cho Trần Mạnh Hảo xúc động mạnh. Sự đồng cảm, và xót
thương ấy đã cho người thi sĩ đủ can đảm viết: Cho Một Nhà Văn Nằm Xuống. Một
bài thơ rất hay và cảm động. Bởi, ông đã mượn cái chết của nhà văn Nguyên Hồng,
để nói về nỗi đau của đồng loại, khi xã hội ngoảnh mặt, hay chính các văn nghệ
sĩ cũng quay lưng. Đây là đề tài cấm kỵ, nhạy cảm, vô cùng nguy hiểm của năm đầu
thập niên tám mươi. Và Trần Mạnh Hảo là một trong số rất ít các nhà thơ dám viết:
“Bãi biển Vũng Tầu đầy những xác chết trôi
Những người Viêt Nam vượt biên chết chìm trên biển
—
Chết rồi còn giơ tay cầu cứu
Chết rồi còn quờ tay tìm lối thoát
Đâu nhà văn, đâu người cầm bút
Sao nỡ để nhân vật của mình
Chết trôi chết dạt
Biển ơi! Nỡ vô tình
Như ngàn trang sách
Những tay sóng kia, sao không vuốt mắt
Cho những nhân vật của chúng ta?”
Và như lời chất vấn, hay một bản án dành cho mỗi con người
và xã hội này. Một xã hội vô trách nhiệm, giả dối, vắng tình người: “Biển không
nhận/ Bờ không nhận/ Những trang sách không nhận/ Không ai nhận những con người/
Ở thời đại mình đang sống?”.
Trần Mạnh Hảo có tài lục bát, sở trường tứ tuyệt, song tôi
khoái đọc thơ tự do của ông hơn cả. Bởi, dường như ở đó tôi mới thấy hết được
những bộc bạch, tư tưởng, và cái chất tinh tế, tài hoa Trần Mạnh Hảo. Và Con
trai tôi và bức tranh tĩnh vật, tuy không phải nằm trong nhóm những bài thơ hay
nhất, nhưng nó điển hình cho đặc điểm này trong thơ thế sự, xã hội của Trần Mạnh
Hảo. Thật vậy, với lời thơ tự sự, ta không chỉ thấy cái khốn khó về vật chất,
mà còn thấy nỗi đau trong tâm hồn, cùng thân phận bọt bèo của thi nhân. Để từ
đó, hiển hiện lên chí khí, lương tâm của một con người, một nhà thơ chân chính:
“Bữa cơm nghèo rau dưa muối mắm
Con còi xương, bụng ỏng nhô đầu
Cha còn cái cuối cùng không thể đem ra bán
Là lương tâm mình là một trái tim đau
Cha đã xỉu bao lần trên bản thảo
Mà câu thơ còn hồi hộp lo âu
Lương tháng cha đây chưa đủ mua ký thịt
Ngòi bút cha đây thơ rẻ hơn bèo
Cái nghề văn chương tai ương bất chợt
Bút cha cầm, khi được viết khi treo”
Đọc thơ thế sự, xã hội Trần Mạnh Hảo, không hiểu sao, tôi
thường nghĩ, liên tưởng đến nhà thơ Bùi Minh Quốc. Có lẽ, hai bác này có cái “tật”
rất thật, giống nhau không chỉ trong thi ca, mà còn trong cả cuộc sống nữa
chăng? Và nếu Bùi Minh Quốc phải rùng mình, để rồi vẽ nên bức tranh chân thực,
Tổ quốc rùng mình trong cơn nhậu nhoẹt, làm cho người đọc xót xa, căm phẫn:
“Chúng nó nhậu từng cánh rừng dải núi/ Từng khoảng trời miệt đất lòng khơi/ Nhậu
tất cả từ Vua Hùng để lại/ Nhậu đến nàng Tô Thị hóa thành vôi/ Chúng nó nhậu
trên thân em trinh bạch/ Trên lưng mẹ già còm cõi một đời bom” thì Trần Mạnh Hảo
đi tìm nguồn gốc, căn nguyên và cất lên Bài ca sự thật: “Bệnh hình thức gọi sai
tên sự thật/ Người đói phải nói lời no/ Vị đắng sao lại kêu là mật?”. Có thể
nói, Bài ca sự thật là một bài thơ viết về xã hội, song rất sâu sắc, nhẹ nhàng,
hay về cả nội dung, tư tưởng, nghệ thuật. Nó không chỉ được viết bằng cảm xúc,
còn bằng cả trí tuệ của Trần Mạnh Hảo. Nhưng thật đáng tiếc, bài thơ này không
có trong Tuyển tập:
“Nhân loại có bao thời
Sự thật bị thiêu trên giàn lửa
Bruno ơi trái đất vẫn tròn
Mà chân lí nghìn sau còn trả giá
Lịch sử quê hương tôi
Người nói thẳng đã có thời chết chém
Nhưng đất nước
Vẫn đi tìm sự thật
Trong câu hát có mồ hôi nước mắt” (Trích đoạn
Bài ca sự thật)
Do vậy, từ hai bài thơ trên của Bùi Minh Quốc và Trần Mạnh Hảo
đã gây cảm hứng cho tôi viết bài: Những nhà thơ không thể bóp méo linh hồn,
cũng khá lâu rồi, ngay sau Đại hội nhà văn, nhà veo gì đó. Chúng ta hãy đọc lại
một trích đoạn dưới đây để rõ tính khí, và cái món sự thật này có khác gì trong
thơ của bác Trần Mạnh Hảo hay không:
Kỳ đại hội nhà văn vừa rồi, không hiểu sao, những bài diễn
văn, dạng xã luận báo nhân dân, Micro nghe cứ sang sảng làm nhức cả tai người
nghe. Ấy vậy mà đến lúc bác Bùi Minh Quốc và Trần Mạnh Hảo phát biểu là cái
Micro giở chứng tắc tị, làm hai bác đứng như phỗng, tịt ngòi luôn. Khùng lên,
hai bác đổ nghiến cho cái đại hội nhà văn là đại hội bịt miệng. Dù Hữu Thỉnh có
giải thích, do trục trặc kỹ thuật, sẽ nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm.
Nhưng hai bác lại cho đây là chủ trương của Hữu Thỉnh và ban tổ chức. Nói như vậy
có lẽ oan cho Hữu Thỉnh. Cùng đồng đội, nhà văn với nhau, hơn nữa bác Thỉnh là
đảng viên ưu tú, lẽ nào đê tiện, bẩn thỉu đến như vậy?
Nghe nói, sau đó bác Quốc, bác Hảo tuyên bố giã từ đại hội bịt
mồm, giã từ Hội viên của hội nhà văn. Mấy thằng chúng em ở bên này xin kiến nghị,
hai bác đừng tự vất bỏ cái danh hiệu này. Bởi, cái thẻ nhà văn nhiều thằng rất
thèm. Cùng bất đắc dĩ, các bác cà thằng nào rửng mỡ, hám danh, bán lấy tiền ăn
chơi dối già. Vứt đi uổng lắm. Nếu ở lại, lần đại hội tới các bác cứ việc tham
dự và xung phong phát biểu. Chúng em đã bàn nhau mua tặng hai bác cái Micro và
âmly. Phòng khi các bác đang phát biểu, Micro của bác Thỉnh, bác Thiều giở chứng
như lần trước, các bác chỉ việc rút Micro này ra, bấm và tiếp tục đăng đàn như
thường. Chắc các bác cũng biết, loa và âmly của thằng Đức tốt nhất thế giới. Nhỏ
như cái Camera thôi nhưng cũng đủ cả hội trường nghe rõ ràng. Dẫu biết rằng, ý
kiến của các bác cũng như đàn gảy tai trâu, nước đổ đầu vịt mà thôi, nhưng nó sẽ
thoát được cái ấm ức lâu ngày ở trong người. Chứ để lâu ngày dồn nén, đóng cục
xộc huyết áp lên đỉnh đầu chứ chẳng chơi.
Trước tổ quốc, thái độ, nhân cách của con người, một đề tài
dường như không bao giờ cạn trong ngòi bút Trần Mạnh Hảo. Nếu ở Bài ca sự thật,
Trần Mạnh Hảo đi tìm nguyên nhân, thì đến Tổ quốc con âm thầm yêu mẹ là kết quả.
Với những khổ thơ, hình ảnh so sánh gần gũi, nhưng rất sâu sắc, ông đã điểm mặt
chỉ tên thật rõ ràng. Và từ phép so sánh ấy, ta thấy được bộ mặt tráo trở, lưu
manh của những kẻ chức quyền: “Có ai đó hay bàn về Tổ Quốc/ Nằm trong vỏ ốc nói
hy sinh/ Ai mặc ấm mà ngồi thương Mẹ rét/ Trước khi yêu Tổ Quốc họ yêu mình/ Có
kẻ một thời từng nhân danh Mẹ/ Bán quê hương đổi lấy sang giàu”. Và ở đó, hiện
lên tâm hồn giản dị, âm thầm, yêu quê hương, đất nước nồng nàn của những người
dân chân lấm, tay bùn: “Mẹ ơi, bao người chưa từng nói về Tổ Quốc/ Lấy mồ hôi
gieo hạt lúa nhọc nhằn/ Tâm hồn họ như khoai vùi trong bếp/ Lúc đói lòng, xin
được bới ra ăn”. Có thể nói, Tổ quốc con âm thầm yêu mẹ là bài thơ có bố cục rất
lạ. Lạ bởi có sự so sánh đối lập của các khổ thơ làm nên những nét riêng biệt,
mới lạ đó.
Đọc phê bình, đôi khi cả văn xuôi cho tôi cảm giác bác Trần
Mạnh Hảo cứ như trái bom chùm vậy. Người không có kỹ thuật, nghiệp vụ táy máy động
vào, nổ liền tù tì ngay tức khắc. Nhưng quái lạ, trong thơ hồn khí bác lại khác
hẳn. Kể cả thơ thế sự, xã hội đôi khi nhẹ nhàng, mềm mại, làm người đọc cứ ngỡ
thơ tình. Đến đất Hàn, Trần Mạnh Hảo bị thôi miên ngay lắp lự, bác đứng nghiêm
Chào Seoul. Sự liên tưởng vắt hồn thi sĩ ngược về đất Việt quê nhà. Và trong
cái mơ màng ấy, chợt bật ra cho nhà thơ một cảm xúc, một thi tứ. Có thể nói,
Chào Seoul một bài thơ lục bát (tứ tuyệt) điển hình cho đặc trên, được Trần Mạnh
Hảo viết trong hoàn cảnh như vậy. Với phép so sánh, hoán dụ, hiển hiện lên
trong lòng thi sĩ một giấc mơ Seoul cho chốn quê nhà chăng? Hay nỗi đau Việt
đang chìm trong cơn ác mộng của thi nhân:
“Seoul năm độ mù sa
Máu xương nghìn thuở bừng hoa anh đào
Chợt nhìn mây Việt trên cao
Đi đâu cũng có chiêm bao che đầu” (Chào Seoul)
Với tình yêu đất nước và con người, cho nên Trần Mạnh Hảo
luôn đứng về lẽ phải, ngòi bút ông chọc thẳng vào cái ung nhọt của xã hội. Ông
viết nhiều, bài thơ nào cũng nóng hổi tính thời sự. Dù thơ thế sự, nhưng do tài
năng sử dụng các biện pháp nghệ thuật, nên một số bài của Trần Mạnh Hảo có giá
trị văn học lâu dài. Rất tiếc, những bài như: Tôi yêu tổ quốc mà tôi bị bắt,
hay Nếu Tổ Quốc Tôi Không Còn Biển…không được tuyển chọn. Và Ở Cần Thơ, viết về
thân phận của văn nghệ sĩ, song (với riêng tôi) không phải là bài thơ hay của
Trần Mạnh Hảo, tuy nhiên vẫn có trong Tuyển tập. Dường như, đây là một trong những
bài thơ ứng khẩu trong lúc vui đùa của thi sĩ chăng: “Ở Cần Thơ ít ai cần thơ/
Văn chương phải lũ cá trong lờ?/ Thà đến Ninh Kiều dòm gái gú/ Hơn mò chữ nghĩa
viết vu vơ”.
Vấn đề này, tôi không rõ, do khâu tuyển chọn, hay do kiểm
duyệt?
Có lẽ, sinh ra và lớn lên từ biển, nên Trần Mạnh Hảo hiểu
giá trị, yêu biển hơn ai hết. Hầu như bài nào viết về biển của ông cũng hay.
Trong thơ như có ngọn lửa hun đúc hồn khí cha ông vậy. Từ những nhận thức: “Nếu
Tổ Quốc không còn biển/ Dân tộc tôi sẽ chết đuối trên bờ/ Chết đuối trên cao
nguyên/ Chết đuối trong bùn boxit” đã cho Trần Mạnh Hảo can đảm để viết: Người
Anh Hùng Họ Ngụy. Đây là bài thơ thế sự, xã hội rất đặc biệt. Đặc biệt bởi, có
rất ít nhà thơ ở trong nước đủ dũng khí viết ngợi ca, và tạc chân dung người
lính Việt Nam Cộng Hòa sừng sững giữa biển cả như vậy. Dù rằng, người người
lính ấy, can đảm hy sinh chống giặc Tàu. Hơn thế nữa, tác giả đã từng là bộ đội
ở bên kia chiến tuyến. Có lẽ, ngoài lòng can đảm, còn phải nói đến bút lực của
Trần Mạnh Hảo nữa:
“Người yêu nước không thể nào là ngụy
Người chết vì nước như anh không thể nào là ngụy
Nhưng anh: Là Ngụy Văn Thà
Anh – hạm trưởng chiến hạm Nhật Tảo
Lao thẳng vào tàu giặc cướp
Tên anh còn mãi với Hoàng Sa
Biển vật mình thét đại bác
Giặc bủa vây chiến dịch biển người
Lửa dựng trời dìm tàu giặc
Máu anh cùng đồng đội ngời ngời
Ôm chặt tàu
Ôm chặt đảo
Anh hóa thành Tổ Quốc giữa trùng khơi“
Tôi rất khoái đọc những bài thơ chiêm nghiệm, liên tưởng với
mối quan hệ thống nhất, hoặc đối nghịch, dưới cái quan sát tỉ mỉ của Trần Mạnh
Hảo. Những bài thơ ngũ ngôn này, thường từ bốn đến sáu câu ngắn gọn, song có
tính triết lý về vũ trụ, tự nhiên. Với góc nhìn sâu sắc của mình, nhà thơ đã
cho ta thấy được giá trị thực khác nhau của mỗi sự vật, con người ở đằng sau hiện
tượng ấy: “Mặt trời quá vĩ đại/ Hạt sương quá nhỏ nhoi/ Mặt trời không mang nổi/
Dù một hạt sương rơi/ Nhưng trong hạt sương ấy/ Có bao nhiêu mặt trời?” (Mặt trời
và hạt sương). Và ở đó cho ta thấy, tính triết luận, liên tưởng về con người,
cùng giá trị của tâm hồn và lẽ sống. “Đâu dám chê bùn đen/ Từ bùn sâu sen nở/
Khi em ngắm hoa sen/ Có nghe bùn nín thở?” (Bùn và sen). Rồi như để lại cho ta
một sự trải nghiệm về mối quan hệ cuộc sống trong quy luật tự nhiên ấy: “Ta đã
ngủ triệu năm/ Trước ngày oa oa khóc/ Ta còn cả triệu năm/ Để ngủ hoài trong đất”
(Đừng sợ mất ngủ).
Là người nghiên cứu, am hiểu sâu sắc về tôn giáo, do vậy cuộc
sống, cũng như thi ca Trần Mạnh Hảo đến gần hơn giáo lý Nhà Phật. Với nền tư tưởng
đó, Trần Mạnh Hảo viết nên Sát Phật. Một bài thơ ngũ ngôn rất hay, với cái nhìn
khác lạ, ở mảng xã hội của ông. Ngoài cái tâm, Trần Mạnh Hảo còn có cái nhìn
ngược lại với những quan niệm cuộc sống, tu hành cũ kỹ từ bấy lâu nay. Cái sự cảm
thông, nhân bản ấy: “Thuý Kiều vừa thành Phật/ Mười lăm năm tu hành” làm cho
tôi liên tưởng đến cái đẹp, sự trinh tiết tâm hồn, chứ không phải ở thể xác
trong tiểu thuyết: Bàn tay nhỏ dưới mưa của nhà văn Trương Văn Dân. Có lẽ, bài
thơ này ra đời trước đây dăm, bảy chục năm, Trần Mạnh Hảo bị nọc ra giữa sân
đình, đánh cho toét đít là cái chắc:
“Thuý Kiều vừa thành Phật
Mười lăm năm tu hành
Cõi tâm thành cõi Phật
Lầu không lầu không xanh“ (Sát Phật)
Có thể nói, cả cuộc đời Trần Mạnh Hảo gắn chặt với văn học
nghệ thuật, kể cả khi sự nghiệp, và cuộc đời bị vứt bỏ ra ngoài xã hội. Tình
yêu văn học ấy, đã cho ông nghị lực sống, và viết. Đọc Trần Mạnh Hảo, có những
lúc, tôi cứ ngỡ ông đang tự vắt kiệt mình cho văn học. Do vậy, khi Trần Mạnh Hảo
viết về Nguyễn Bính, mà như viết về chính mình vậy: “Đêm sao sáng cạn
hoàng hôn/ Bút đào huyệt giấy mà chôn mình dần”
Leipzig ngày 31-1-2023