Huy lết được tới căn nhà hoang này vào lúc trời đổ tối. Nó
đi không biết được bao nhiêu đường đất, nhưng nghe hai chân rã rời… Giá chỉ mệt
mỏi về thể xác thì còn dễ chịu đôi chút, đằng này thêm vào đó, Huy canh cánh mối
lo ngại ghê gớm về gã Thổ Mừ… Huy không may đã có mặt ngay tại chỗ tên cướp rừng
vừa ăn hàng… Gã Thổ chém ngã ngựa viên quản lý đồn điền, đâm ông ta hai dao,
vào giờ này chắc ông ta chết rồi, Huy nghĩ vậy, để cướp túi bạc… Cậu bé mười bốn
tuổi này đi kiếm nấm hương tình cờ chứng kiến trọn vẹn thủ đoạn sát nhân của gã
Thổ. Ðó là một điều không may… Nguy hiểm hơn nữa là Huy lại biết mặt biết tên
gã Thổ, mới thực là xui xẻo!
Huy biết gã ở tận bản Sà Lao, trước làm phu đốn gỗ, nhưng cờ bạc lắm nên túng quẫn, đâm làm liều… Thấy gã ra tay tàn nhẫn quá, Huy thét lên:
– Chú Mừ!… Chú giết người hả!
Thật là dại dột… Giá khôn lớn chút nữa, chắc Huy sẽ nín hơi,
ngậm miệng, núp cho kín một nơi mới phải!…
Ðối với gã Thổ, thì chuyện dễ giải quyết lắm: Huy đã biết việc
gã làm, Huy phải chết gã mới yên tâm sử dụng món tiền phi nghĩa ăn cướp được!
Nhưng tới lúc gã phóng lại, Huy đã lẩn mất. Cậu bé luồn hết
bụi rậm này sang bụi rậm khác, gai góc cào xước cả da thịt. Rừng mỗi lúc một rậm
rạp thêm, khó đi thêm; những dây mơ rễ má như níu Huy lại. Những khóm tre chà
chạnh như chắn lối Huy đi… Trải bao nhọc nhằn Huy mới tới được khoảng rừng thưa
và tìm ra căn nhà hoang…
Thực ra kiến trúc này có vẻ là một miếu thờ hơn là nhà ở. Một
cây đa cổ thụ mọc từ đời nào không rõ, xòe tàn lá mênh mông phía trên, rủ xuống
vô vàn rễ phụ chằng chịt cuốn quanh nền đá, giống như một thứ bạch tuộc quấn mồi.
Cũng nhờ vậy, ít thợ rừng nhận ra… Trong mùa mưa hồi nào, sét đánh cháy một khoảng
cành lá, hé lộ một mảng tường loang lổ, khiến Huy tinh mắt trông thấy…
Bây giờ ngồi trên thềm gạch, Huy thở dốc cho đỡ mệt, đưa mắt
nhìn quanh… Ðiều làm Huy chú ý ngay là đôi cột đá vươn cao, đỡ phía mặt tiền.
Ðám rễ cây ăn sâu vào kẽ đá, chừng như muốn tách rời một chân cột khỏi nền. Huy
lắc đầu:
– Cột chỉ nghiêng chút nữa là tường sập, hà!
Rồi cậu chợt nghĩ ra:
– Nó mà tới…mình đẩy đổ cột là nó chết bẹp.
“Nó” đây là gã Thổ Mừ. Tuy còn ít tuổi, Huy cũng biết gã Thổ
thuộc đường ngang ngõ tắt trong rừng như trên lòng bàn tay… Trước sau gì gã
cũng mò tới. Phải nghĩ cách thoát thân trước là hơn… Huy thử ghé vai vào cột
đá, hết sức đẩy mạnh xem sao… Vô ích! Cột chắc như đá tảng vậy!
Có tiếng nai kêu “bé…é…p!” kéo dài phía ngoài.
Như vậy là đã tới lúc hổ đi săn mồi rồi đó!… Nghĩ đến hổ, cậu
bé rùng mình… Huy còn nhớ mãi thảm kịch đã làm Huy thành đứa trẻ mồ côi: ngày
đó, Huy thấy rõ con mèo khổng lồ vàng óng, vằn vện, chồm tới vồ mẹ. Cha Huy
đang nhốt than, nghe tiếng kêu thét của vợ vội chạy lại cũng bị con vật bấu chết
luôn… Chẳng hiểu sao nó không tạt hàng móng vuốt sắc bén vào Huy một thể. Có lẽ
điều đó không cần thiết, con hổ ăn hai người cũng đủ no chán!
Huy nhặt ít lá khô với cành vụn, vun thành đống đốt lên. Có
lửa, Huy yên dạ hơn… Ít ra, thì hổ cũng phải tránh xa đã!
Bây giờ dưới ánh lửa, Huy mới nhận thấy ngay trên mái nhà,
trong khoảng vách đá liền với cột có hàng dãy tổ ong rừng dính vào đó.
Có ong là có mật…
Thứ mật ngọt lịm, say nồng… Mới nghĩ tới đó, Huy đã thấy thèm nhỏ dãi!… Cái
thèm thuồng bất ngờ này nhắc nhở Huy nhớ tới bữa ăn tối. Nhưng ăn gì đây?… Ăn mật
thì phải hạ được tổ ong xuống đã.
Kể ra cũng chẳng
khó. Huy đã học được cách săn ong của vài người Thượng: họ kiếm một thứ nấm
thơm ở gốc thông đem đốt phía dưới tổ ong. Làn khói trắng, mảnh như sợi tơ, bốc
ra từ cánh nấm, có tính chất đặc biệt làm đàn ong ngửi phải là xếp cánh, ngủ mê
man… Họ chỉ việc trút lấy mật, dễ như bỡn.
Nhưng ai dám ra rừng
kiếm nấm thơm vào lúc này!
Huy tính chuyện
chọc rớt một tổ xem sao. Ong rừng xây tổ bằng thứ đất xốp, dễ vỡ lắm… Lấy mật
được ngay, nhưng phải chờ ong bay hết đã. Bén mảng tới đó chúng đốt chết có khi!…
“Muốn béo ghẹo ong” mà ghẹo ong rừng thì ít người sống thoát, Huy biết vậy.
Chính vì nghĩ về
ong rừng Huy chợt tìm được cách đối phó với gã Thổ Mừ. Ý kiến thần tình này vụt
nảy ra, giản dị, lóe lên như ánh chớp, khiến cậu bé cất được mối lo nặng trĩu trong
lòng. Huy cười thầm:
– Ừ nhỉ!… Sao
mình không kéo bầy ong về với mình? Cả ngàn con ong mà đốt thì gã Thổ Mừ có dao
găm, súng kíp cũng phải thua!
Huy ngẩng đầu đếm
được mười hai tổ cả thảy. Chỉ cần kéo rớt một tổ là bầy ong thấy động tuôn ra
ngay.
Rồi đàn nọ kéo
đàn kia, cứ thấy cái gì động đậy là chích cho tới chết mới thôi… Giống ong rừng
dữ vậy đó.
Giá không sợ hổ,
Huy có thể mò ra kiếm sợi mây hay ít dây leo… Nhưng giữa lúc trăng lên cao, hổ
đi săn mồi, mò mẫm ngoài rừng sao được… Huy đành nghĩ cách khác: cậu cởi chiếc
áo vải đang mặc xé thành mảnh vụn rồi kết lại, làm được đoạn khá dài, dẻo dai
như sợi thừng.
Như vậy được rồi…
Chỉ còn việc buộc dây vào tổ ong nữa là xong. Huy dắt sợi dây lên vai, bám vào
kẽ đá, nhích từng chút lại phía mấy bọng ong. Lúc choàng thòng lọng buộc chặt lấy
núm đất sét dính tổ ong vào thân tường là lúc nguy hiểm nhất… Huy vừa làm vừa
run, mồ hôi vã đẫm trán… Chỉ một con ong thấy động cũng đủ chết rồi!…
Có lẽ nhờ đêm tối,
đàn ong thợ mãi quạt hơi trong bọng nên Huy nghe rõ tiếng vỗ cánh vù vù, mà chẳng
thấy con nào bay ra… May ơi là may!
Huy vòng dây theo
thân cột, như vậy chẳng ai để ý tới… Huy ngồi núp đó, trong bóng tối lờ mờ… Tên
Thổ Mừ có tới, Huy chỉ giật nhẹ tay đủ làm rớt hai bọng ong… Nghĩ tới cảnh gã
Thổ hung tợn bị đàn ong bu kín người, Huy thích thú cười thầm một mình… Rồi cậu
ngủ thiếp đi lúc nào không hay.
Vài tia nắng nhạt
ve vuốt đỉnh núi phía xa. Nền trời từ màu xám đậm chuyển sang màu xà cừ, rồi
xanh nõn tới màu lơ nhạt, nhẹ như nét vờn tuyệt vời của một họa sĩ khéo tay… Có
tiếng chim rừng ríu rít trên cành đa. Huy nửa tỉnh nửa mê, hé mắt rồi lại tiếp
tục giấc ngủ ngon. Huy vẫn là đứa bé ngại dậy sớm xưa nay… Nhưng thoáng nhớ tới
chuyện xảy ra, tự nhiên Hủy tỉnh hẳn. Hình ảnh gã Thổ hung dữ, lưỡi dao rướm
máu của gã, và chuyến băng rừng bữa qua khiến Huy rùng mình… Vì sợ cũng có, vì
lạnh cũng một phần… Sương đêm tắm ướt nền đá phía ngoài, một thoáng ẩm ướt lướt
vào với gió đêm làm căn đền giá băng.
Huy đưa tay xoa nắn
khắp người, cảm giác tê cứng bớt dần. Trời càng ngày càng sáng, ánh nắng xuyên
qua cành lá, đem lại cho ngôi đền ít nhiều màu sắc huy hoàng thuở nào.
Nền gạch cũ ửng hồng,
vành cột đá hằn lên nét đục chạm thô sơ… Chợt có cái gì rung động trong nắng
làm Huy giật mình… Nhưng đó chỉ là chú chuột đồng. Loại chuột đồng lớn bằng nắm
tay, lông nhợt màu lá úa, có cặp chân sau dài lê thê giúp chúng nhảy thực nhanh
trong cỏ.
Con chuột ngồi sưởi
nắng, chễm chệ như loài đại thử, ve vuốt mấy sợi ria mép bằng đôi chân trước…
Giây lát sau, nó rít khẽ một tiếng… Tiếng “chí…ít” ngắn, ròn như tiếng gọi vừa
dứt, từ tứ phía, chuột kéo ra cả đàn…
Huy tưởng chừng
không tin ở mắt, ở tai mình chắc!… Làn không khí êm ả mới mười giây trước đây
trầm trầm tiếng dế, tiếng vo ve của ong rừng, giờ đây vang lên tiếng chí chí, sắc,
gọn, của hàng trăm chuột đồng… Chúng chạy nhảy, nô giỡn trong ánh nắng, ồn ào tới
độ giá gã Thổ Mừ có tới, vị tất Huy đã nghe tiếng.
Cậu bé chưa biết
mình nên làm gì. Nhưng cậu vừa giơ tay vịn vào cột, một hiện tượng lạ lùng đã xảy
ra: cả đàn chuột tung tăng thoắt biến thành hàng trăm pho tượng đá tí hon,
giương cặp mắt tròn xoe, lấp lánh, đăm đăm nhìn Huy…
Xưa nay chẳng bao
giờ Huy ưa loài chuột, nhưng lúc này thực sự Huy đâm ra sợ chúng. Niềm lo ngại
vẩn vơ chợt nảy nở:
– Giá bây giờ đàn
chuột tấn công mình nhỉ!… Cả trăm con cùng cắn một lúc, chắc chết quá!
Rồi Huy cố gắng
không nhúc nhích. Ðàn chuột ngó chán, thấy chẳng có gì lạ, lại bắt đầu chạy
loăng quăng… Tiếng chân sột soạt, tiếng cắn nhau chí chóe, làm cậu bé chẳng còn
nghe thấy gì phía ngoài. Ðiều này khiến Huy lo ngại lắm.
Không nghe lão Thổ
Mừ tới thì làm sao giật dây cho kịp… Ðể gã vào trong đền thì mọi chuyện hỏng hết,
gã sẽ đâm chết mình trước đã… Biết đâu gã chẳng cướp được khẩu súng của lão quản
lý, gã bắn mình cũng nên!…
Trí tưởng tượng
đưa Huy đi xa… Cậu thấy trước xác mình nằm đó, làm mồi cho lũ chuột đồng…
– Hừ!… Rồi đàn
chuột phải gặm nhấm cả tháng mới hết được… Khổ thân mình quá!
Huy cố lắng tai
nghe… Hình như có tiếng xào xạc đâu đây… Bỗng đàn chuột vụt ngồi im như phỗng,
Huy nghĩ thầm:
– Ðúng gã Thổ tới…
Ðàn chuột thính tai hơn mình!
Tay Huy nắm chặt
sợi dây, tim đập thình thịch:
– Giá mình áp tai
xuống đất thì nghe rõ lắm đây!
Huy vẫn nghe nhóm
thợ săn nói vậy; nhờ cách đó, họ đoán được thú rừng tới phía nào để đón… Nhưng
thay vì tiếng chân bước, Huy chỉ nghe thứ tiếng cọ xát khô lạnh của một vật gì
đó trên nền gạch… Thời gian chờ đợi sao mà nặng nề!… Huy có cảm tưởng sự tịch mịch
quanh mình như dày lên, đặc lại… Cho cả tới tiếng vo ve của đàn ong cũng biến mất,
mới kỳ!
Huy nghểnh người,
nhìn ra khoảng sàn gạch chói nắng. Thoạt tiên, Huy chỉ thấy đàn chuột đồng
trong những dáng điệu ngộ nghĩnh: con nằm, con ngồi, con giơ chân, nghiêng đầu…
Chúng như bị một nàng tiên dùng chiếc đũa thần làm tê liệt giữa lúc đang nô giỡn;
có điều hàng trăm cặp mắt đen láy đều hướng về một phía… Huy nhìn theo chúng và
chợt cảm thấy ghê rợn tới nghẹt thở: ngay trước mặt Huy, một con rắn lớn đang
trườn mình, những chiếc vảy cứng của nó cọ xuống gạch nghe rào rạo… Ðó là một
loại mang hoa, thứ rắn độc nhất trong vùng sơn cước, mà lại là con rắn lớn, dài
tới gần ba thước…
Bây giờ thì Huy
cũng sợ đến cứng người như đàn chuột đồng. Ðôi chân cậu bé dính chặt vào nền gạch,
dù muốn chạy cách mấy, Huy cũng không nhích được tới nửa bước…
Con rắn bò thực
thong thả, chiếc mình dài, điểm chấm vàng nâu, đốm vàng, quằn quại, lấp lánh
trong ánh nắng… Nó cất cổ lên chừng non thước, đu đưa cái đầu nhỏ tam giác làm
cho lớp da cổ phồng lên, bạnh đầu ra… Ðó là dấu hiệu đặc biệt của loại mang
hoa, Huy biết như vậy là con rắn đang chọn mồi… Mồi của nó lúc này là chú chuột
đồng mập mạp, tròn xoe. Con mang hoa không táp mồi ngay, nó thong thả lắc lư phần
thân thể vươn trên mặt nền gạch, nhịp nhàng như một vũ khúc, thứ vũ khúc ghê rợn
của tử thần…
Con chuột đồng bị
cặp mắt vàng khè, trong vắt, có một khía đen láy, long lanh như tóe lửa của con
rắn thôi miên. Nó cũng đu đưa cái đầu nhọn, xinh xắn, với hàng ria mép trắng
nõn, theo nhịp con rắn múa… Nhưng phút vui giả tạo này không kéo dài bao nhiêu…
Con rắn bất ngờ chồm tới như một ánh chớp, ngoạm đôi nanh nhọn vào cổ con chuột.
Huy biết rõ những nanh này lắm: nó nhọn như mũi kim chích, lại ăn thông với túi
nọc. Khi rắn cắn, chân răng thụt vào lợi, đè lên túi nọc; thứ nước giết người
đó, theo lỗ nanh thấm vào vết thương…
Con rắn cuộn tròn
thân chuột trong vòng quấn chắc nịch của nó. Huy nghe như lớp xương mỏng manh của
con chuột gãy vụn, giòn tan… Cậu bé rùng mình tưởng chừng có ai đặt cục nước đá
lên làn da nóng bỏng phía gáy… Ðàn chuột vụt tỉnh táo, chúng chạy tán loạn, xô
đẩy nhau chui vào hang cho mau. Chỉ trong vài giây, sàn gạch vắng hoe, còn trơ
lại con mang hoa ghê gớm đang nghển chiếc cổ bạnh, ngắm nghía miếng mồi ngon
lành, trước khi nuốt…
Ðúng vào lúc đó,
gã Thổ Mừ xuất hiện. Tay y lăm lăm khẩu súng săn cướp được của viên quản lý, gã
len lỏi qua chùm rễ đa, rồi len lén bước lên thềm gạch…
Có lẽ con rắn
đoán ra sự có mặt của gã, chắc nó nghe lớp đất rung lên dưới chân bước chăng!…
Con vật quay phắt lại, chiếc cổ đang vươn cao lại bạnh thêm, ghê rợn tới độ làm
gã Thổ đứng sững lại, không dám nhúc nhích.
Trong này Huy
cũng ngạc nhiên không kém gì gã Thổ và con rắn. Từ lúc thấy con mang hoa, Huy
quên phắt kẻ thù là gã Thổ… Huy quên cả sợi dây vải nắm trong tay… Bây giờ thì
trễ rồi, gã Thổ đã đứng trong hiên rồi…
Gã hết sức thận trọng
khi tiến lại gốc đa, thầm nhủ ngay từ lúc tìm ra dấu chân Huy trên mặt đất:
– Phải hạ thằng
nhỏ ngay mới xong… Chỉ một phát súng vào đầu là yên!
Cũng vì vậy nên
gã nạp đạn sẵn, ngón tay hườm sẵn trên cò súng, chỉ trong một giây, gã dư thì
giờ giơ súng lên, ngắm, bắn…cất được gánh lo âu trĩu nặng trên lòng!
Gã tính trước được
hết, trừ có sự can thiệp bất ngờ của con rắn.
Con mang hoa và
gã Thổ Mừ gườm gườm nhìn nhau trong một khoảng thời gian mà Huy tưởng chừng như
vô tận… Nhưng rồi con rắn ra đòn trước: nó vươn người lên, lao đi, trong một thế
tấn công dữ dằn. Chỉ nháy mắt, nó đã tới sát gã Thổ… Huy thầm mong:
– Giá con mang
hoa hạ gã Thổ cũng gọn gàng như lúc bắt chuột đồng thì hay quá!
Nhưng lần này nó
gặp phải địch thủ khôn ngoan hơn chuột nhiều!
Gã Thổ phản ứng
nhanh tuyệt vời: Huy tưởng chừng như khẩu súng nhảy lên vai gã, rồi một tiếng nổ
dữ dội làm Huy choáng người, nhắm nghiền mắt lại… Mùi thuốc súng khét lẹt tỏa đầy
căn nhà.
Lúc Huy mở mắt
ra, con rắn đã quằn quại trên nền gạch… Nhưng cũng đúng vào lúc đó, hai bọng
ong từ trên mái hiên rớt xuống, ngay sau lưng gã Thổ. Thì ra trong lúc hốt hoảng,
Huy vừa nghe tiếng súng, đã vô tình giật sợi dây nắm trong tay hồi nào không
hay!
Tổ ong rừng vốn
là thứ đất sét mỏng và xốp, nên rớt là vỡ tan từng mảnh… Gã Thổ chưa hiểu chuyện
gì xảy ra, vội nhảy lùi lại, thành thử giẫm ngay giữa đàn ong. Thật ra y có thấy
vật gì rớt xuống và nghe tiếng “bộp” phía sau nhưng chẳng nghĩ tới chuyện ong rừng
chút nào…
Tiếng vo ve của
hai đàn ong mất tổ mỗi lúc một vang thêm, rồi con ong đầu tiên bám vào cổ gã Thổ…
Y đập chết con đó, nhưng liền một lúc bốn năm con khác đốt vào chân, vào tay
gã… Lần này gã Thổ mới nhận rõ mối nguy cơ ghê gớm: nếu gã không thoát thân cho
nhanh, hàng ngàn con ong sẽ chích gã tới chết người sưng lên như con bò mộng…
Gã quẳng súng xuống
đó, kéo vội vạt áo chàm trùm lấy đầu rồi quay phắt ra ngoài… Gã chạy như bị ma
đuổi: loại ma này không nhát, không vật gã, nhưng châm vào da thịt gã những mũi
chích buốt tới xương tủy!…
Huy nghe tiếng gã
Thổ thét lên phía ngoài… Rồi tiếng nguyền rủa tục tĩu của gã. Cậu bé cười thầm:
– Chắc gã chạy vội
nên vấp phải rễ cây, không sai được!
Ðàn ong bay đuổi
theo gã Thổ, một số còn nán lại trong đền, bu vào xác con rắn. Mỗi lần thân rắn
hơi quằn quại cả trăm ong lại sà xuống… Huy biết thân phận nên ngồi yên như pho
tượng. Nhóm thợ săn đã dạy Huy điều đó:
– Gặp ong rừng,
chớ có chạy… Nó đuổi tới cùng, cà! Cứ nhắm mắt ngồi im đó là thoát chết… Dù có
bị đốt vài cái cũng cố nhịn đau, ngồi yên, mới xong!
Phải hàng giờ sau,
đàn ong mới đi hết. Huy nhích lại chỗ bọng ong vỡ, nhặt những ngăn mật óng ánh
vàng, trong như hổ phách, ngát hương say nồng của hoa rừng… Với món lương thực
quý báu này, Huy có lạc trong rừng vài bữa cũng không ngại. Nhưng Huy biết chắc
mình tìm được đường về.
Cậu nhặt khẩu
súng của gã Thổ, khoác lên vai, ra khỏi đền, thầm tính:
– Chỉ khoảng xế
trưa là mình tới đồn kiểm lâm thôi. Thế nào gã Thổ Mừ cũng bị bắt!… Ðáng đời gã
quá!