11 April 2023

LẦN THEO DẤU CHÂN XƯA - Lương Thư Trung

Bạn ơi, tự dưng lòng tôi lại bâng khuâng nhớ về những con lộ tẽ trên quê hương. Những ngã ba, ngã tư đường mà tôi đã có dịp lê những bước chân lang bạt của mình qua những nơi chốn ấy mấy lần. Những ngả rẽ sao mà nhiều quá đỗi, nhiều lúc tôi không biết nên bắt đầu từ những con đường nào...để mời bạn dừng lại với những bước chân quê cho một cuộc lữ hành xa xăm này!
            Thôi thì mời bạn đi từ miền ngoài trở vô Nam với điểm bắt đầu ngã ba lộ tẽ quốc lộ 1 và quốc lộ 19. Nếu bạn từ đây, theo con đường số 1 đi về hướng bắc, các bạn sẽ qua những vùng biển xanh bên tay mặt, núi chập chùng bên tay trái qua các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Tín, Quảng Nam, Thừa Thiên, Quảng Trị với biết bao thắng cảnh hùng vĩ với núi, với sông, với đèo cao, với mây xanh, với biển thẳm ngàn trùng... Nào là đèo Hải Vân đụng đến trời cao, nào là lăng tẩm các vì vua triều Nguyễn, nào là cung đình xưa, nào là con sông Hương, núi Ngự với nhiều giai thoại như những huyền thoại, nào là đất Quảng Trị với những địa danh như một định mệnh của một kiếp nhân sinh, chứng tích một thời của dòng lịch sử như Thạch Hãn, Cỗ Thành, Hiền Lương, Bến Hải, Ái Tử, Gio Linh, Cam Lộ... Đặc biệt, với dòng Bến Hải, bạn cũng sẽ thấy dòng sông chảy như bao dòng sông, nhưng cũng lắm đoạn trường khi dòng nước phải trôi qua mấy nhịp cầu sắt nối liền hai bờ Nam Bắc,  khách lữ hành không khỏi nhớ lại câu ca dao :
            “Đoạn trường nước chảy qua cầu,

             Núi sông gặp lại trở màu đắng cay!”
            Bao nhiêu tên gọi là bấy nhiêu thế hệ đã đến, đã đi và đã để lại những nơi chốn ấy những xương thịt, những trái tim cùng những mảnh đời từ thời kỳ mới khai mở vùng này cho tới những tháng năm cận đại của nòi giống Việt.

            Ngoài ra, khi bạn đi ngang miền đất cằn cỗi này, bạn cũng sẽ có dịp được gặp vài cụ già với tuổi trời đã ngoài chín mươi bảy, chân không dép, đi băng băng trên cát nóng dẫn cháu con đi thăm mồ mả ông bà với lòng hãnh diện của những dòng tộc mấy mươi đời thờ kính tổ tiên, chứ không  phải vì nơi đây là  địa linh nhân kiệt mà nhiều người tự hào. Bạn cũng sẽ được nghe các cụ kể lại câu chuyện tình của cô lái đò nơi "bến cộ" có "cây đa" qua dòng sông Ô-Lâu với chàng nho sinh sang đò về kinh đô ứng thí năm xưa. Chàng đỗ đạt làm quan, không còn nhớ con đò cũ với bao ước nguyền kết tóc xe duyên cùng cô gái chèo đò nghèo ngày nào, mà còn vội trách nàng đã "lỗi hẹn". Nhưng chàng có biết đâu rằng vì thủy chung mong ngóng, nàng ốm tương tư và trước khi chết nàng dặn lại đứa em gái của mình, khi nào gặp chàng trở lại bến sông xưa, hãy nói cho chàng biết rằng:" Vì yêu ông và mòn mỏi đợi chờ ông mà chị tôi đã ra người thiên cổ rồi !"  Câu chuyện tình thương tâm được truyền miệng trong dân gian vùng này qua mấy vần ca dao đầy chất lãng mạn, trữ tình :
Trăm năm dù lỗi hẹn hò,

            Cây đa bến cộ con đò khác đưa !

            Cây đa bến cộ còn lưa,

            Con đò đã thác năm xưa tê rồi!”
Mỗi nơi chốn miền Trung ấy sẽ cho bạn từng món ăn mang đầy chất đậm đà, dịu ngọt. Với Quảng Ngãi bạn sẽ có đường phổi, đường phèn, kẹo gương, mạch nha ngọt ngào và những con chim mía béo mập. Nơi đây còn cho bạn thắng cảnh núi Ấn sông Trà, rồi nào là rẫy mía ngàn trùng. Nhưng nơi đây dân tình cũng cơ cực nhiều phen với bão tố hằng năm từ vùng Phi Luật Tân thổi giạt về mang theo nghèo khó. Tôi có gặp nhiều người quen quê Quảng Ngãi, đôi lần tôi đặt câu hỏi: Sao quê anh nhiều người đi xa, xa tít? Các bạn này chỉ nói với tôi một lời giản dị: "Quê tôi nghèo lắm anh ơi !". Nhưng có một điều họ rất hãnh diện về các lọai đường phèn, đường phổi, kẹo gương, mạch nha, về núi Ấn, về con sông Trà Khúc. Phải chăng ở những cái dù đơn sơ mà quý báu ấy là những nét văn hoá của quê hương xứ Quảng này?
            Với Huế các bạn có những món ăn rặt Huế. Nào là tré, bánh nậm, cơm hến, cơm âm phủ, bánh bột lọc nhưn mặn, bún bò Huế với gia vị ớt cai ơi là cai! Rồi còn món mè xửng nữa chứ, ngọt ơi là ngọt! Chưa hết, nếu bạn hơn một lần dừng lại bên dòng sông Hương, đứng nhìn những cô con gái của trường Đồng Khánh qua đò Thừa Phủ hoặc lướt thướt qua cầu Tràng Tiền với chiếc nón lá nghiêng nghiêng, với tà áo trắng bay bay theo gió, trái tim bạn không làm sao tránh khỏi chập chờn với giọng trầm buồn lãng mạn của bao cô gái Huế xinh xinh...
            Nhưng có lẽ tuyệt diệu nhất để nói đến nét đẹp của những cô gái Huế, không gì bằng mời bạn nhớ lại câu ca dao truyền miệng, mà khắp ba miền Bắc, Trung, Nam, ai ai cũng đều nằm lòng:
“Học trò trong Quảng ra thi,

  Thấy cô gái Huế chân đi không đành.”
Rồi bạn sẽ đi qua vùng Duy Xuyên(Quảng Nam), để thấy ở đây cũng có một thứ lụa không thua gì lụa Hà Đông mà nhà thơ Trần Trung Đạo đã khắc khoải mỗi lần nhớ về :
Ai về qua phố Hội An

 Mua giùm tôi tấm lụa vàng Duy Xuyên."

                                            (Lụa Duy Xuyên) 
            Và chắc chắn bạn phải ăn món mì Quảng, một món ăn mà người Quảng Nam nào cũng lấy làm hãnh diện mỗi lần mời khách phương xa .
            Nếu từ ngã ba hai con quốc lộ này, bạn ngược về vùng Tây nguyên theo con đường 19 lên dốc xuống đèo, bạn sẽ thấy hai bên con đường là cả một vùng đồi trọc với nhà cửa thưa thớt, cư dân nơi đây nghèo lắm, không ruộng, không sông làm sao có những cánh đồng bằng màu mỡ, phì nhiêu. Lên tới đỉnh đèo An Khê, nhìn lui trở lại hướng Qui Nhơn, bạn sẽ thấy xa xa dưới kia là thành phố biển mờ mờ mà một thời trù phú như một hải cảng với nhiều thương thuyền ngoại quốc tấp nập. Qui Nhơn, vào thời Tây Sơn, đã phải chứng kiến năm lần giáp chiến giữa quân lính nhà Tây Sơn với Nguyễn Vương  ròng rã chín năm trời (1792-1801), mà phần thắng nghiêng hẳn về Nguyễn Vương, mở đầu vương triều nhà Nguyễn với vị vua đầu tiên lấy danh hiệu Gia Long vào năm 1802, mà thuở thiếu thời đã phải ghe phen tẩu quốc về miền đất mới tận phương Nam với nhiều dấu tích còn lưu lại rải rác trên từng địa danh, tấc đất...
            Đèo An Khê khúc khuỷu, cao vòi vọi dẫn đưa bạn về quận Lệ Trung với núi, với rừng bạt ngàn. Bắt đầu từ chân đèo về phía Pleiku, bạn sẽ bắt gặp những đồng bào Thượng đi thành hàng một từ trong rừng trở về buôn làng sau một ngày vào rừng tìm kiếm những mục măng le, những con thú rừng như chồn, thỏ, trúc, nhím ...Với thân trần, với da căng tròn màu rám nắng, họ mang trên lưng những chiếc gùi đầy măng, đầy thú rừng như vậy suốt đời, hết tháng, hết năm qua những ngày của chốn rừng già u tịch này. Trong chốc lát, bạn sẽ về Lệ Trung, một quận lỵ, gần bên thủ phủ Pleiku. Pleiku với sáu tháng nắng, sáu tháng mưa, là một thành phố núi. Ban đêm lạnh thấu xương. Ban ngày nóng cháy mặt. Xin bạn dừng lại ngã ba đường vào thị xã Pleiku, đến cà phê Dinh Điền ngồi uống cốc cà phê đen oánh, nghe lại bài hát quen thuộc "Phố núi" phổ từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Vũ Hữu Định : " Phố núi cao, phố núi đầy sương ..." Đưa mắt nhìn ra những cành thông nơi đây mờ mờ dưới lớp sương mù dày đặc vào buổi sớm mai, bạn sẽ cảm nhận giữa nơi heo hút như vùng đất cao này cũng có nhiều điều lý thú khi lòng mình trải rộng khắp cỏ cây, vạn vật ...
            Trước khi từ giã Pleiku nơi ngã ba quốc lộ 19, xin mời bạn qua quốc lộ 14 dẫn về Kontum. Bạn đi ngang qua thành Pleime kiên cố một thời của Quân Đoàn II, dưới con dốc thoai thoải nằm bên tay mặt bạn, cách thành phố Pleiku không xa lắm. Và cũng bên tay mặt của bạn, hướng đi Kontum, nếu bạn lại theo một lối rẽ vào chân núi lửa ngủ yên mấy trăm năm nơi đây, bạn sẽ thấy một hồ nước rộng bao la im phăng phắc như một kỳ tích giữa bốn bề là núi non chập chùng. Hồ nước này có tên là "Biển Hồ" đấy bạn ạ! Bên bờ hồ có tượng Phật Bà Quan Âm với ánh mắt dịu hiền nhìn về mặt hồ xa xăm, làm cho cảnh vật thêm trầm mặc . Bạn có biết, ngày xưa nơi này có một loại trà của mình nổi tiếng khắp thế giới không, đã xuất cảng đến nhiều nước, ngon hơn trà Bảo Lộc nữa đó? Có lẽ nhờ những phún xuất thạch từ trong lòng núi lửa đã làm cho hương trà nơi đây đậm đà hay do mồ hôi của dân tộc Việt tưới lên từng tấc đất vùng sơn khê này mà tạo ra cái mặn mòi trong hương thơm của những nụ trà chăng?
            Bạn khoan đi xa. Xin mời bạn bước xuống dòng suối nơi tay mặt của bạn trên quốc lộ 14 cách Pleiku năm ba cây số, để xem các cô gái Thượng đang đùa giỡn bên dòng suối mát vào những trưa nắng gắt, chẳng khác nào các tiên nữ nơi các chốn thiên thai trong sách vở cổ kim ghi chép lại. Họ đẹp, hồn nhiên, e thẹn, kín đáo như những sắc thái riêng biệt mà núi rừng ban tặng cho họ. Nhưng có một điều nên khuyên bạn, là đừng làm động đậy núi rừng, đừng làm ồn ào dòng nước trong leo lẻo, vì trong khoảnh khắc nếu biết  bạn có mặt nơi này, các cô gái miền rừng núi này sẽ bỏ chạy vào rừng như loài chim quý bay cao, xa hun hút... Và rồi bạn không có dịp gặp lại những nàng tiên mơn mởn này vì họ đi tìm con suối khác xa hơn, vắng vẻ hơn, thơ mộng hơn, khuất sâu trong rừng già dưới chân những đỉnh núi cao vòi vọi...Phải chăng đó là nét đặc thù có một không hai của những nàng sơn nữ miền Tây Nguyên này, mà bạn ít nghĩ đến!?
            Chầm chậm trên con đường 14, bạn sẽ thấy hai bền đường lác đác những chiếc chiến xa M113 ngụy trang bằng những nhánh lá cây rừng nằm cặp bìa rừng già. Bạn có biết họ đang giữ cho con lộ bình yên để bạn đi tiếp những cây số đường về thăm Kontum  không? Cách Pleiku khoảng hơn năm mươi cây số, dòng sông Dabkla chào đón bạn ngay bên ngoài thành phố. Dòng sông chảy cuồn cuộn đổ tràn lên những ghềnh đá ngầm làm dòng nước như giận dỗi lật đật xuôi về miền hạ lưu hoang dã xa xăm ...Mấy bận tôi đứng ngắm dòng sông bên lan can chiếc cầu này, mà hơn một lần ông anh tôi là một trong những người đã đúc những trụ cầu đầu tiên bắt nhịp vào thành phố Kontum. Trái với Pleiku đất đỏ bụi mù, Kontum với cát trắng mịn như một thành phố biển. Hai bên những con đường trong thị xã có những hàng cây cổ thụ cho bóng mát quanh năm. Vài cô sơn nữ lạc loài giữa phố núi tây nguyên như những bông hoa rừng trang điểm thêm cho thành phố cái vẻ núi rừng muôn màu... 
            Để xuôi về Nam, xin các bạn trở lại nhìn ngắm Qui Nhơn với những rừng dừa vùng Hoài Ân, Phù Mỹ, Tam Quan...Rồi giã từ Ghềnh Ráng với nơi chốn mà thi sĩ Hàn Mặc Tử gửi nắm xương tàn ngàn thu; có lẽ trên bầu trời cao xa kia lãng đãng ánh trăng sao như vần thơ của người thi sĩ tài hoa nhưng bạc mệnh này:
" Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt,

            Như đón từ xa một ý thơ."
            Các bạn mang một chút xao xuyến ấy theo con đường quốc lộ 1 về ngang đèo Cù Mông ngoằn ngoèo lẩn khuất trong những đồi núi rậm. Và đây Sông Cầu với rừng dừa xanh mát quanh năm! Thế là bạn bắt đầu vào địa phận Phú Yên. Xin bạn theo con lộ tẻ vào chợ quận miền biển này để thưởng thức các món tôm hùm, cua, ghẹ, cá và cả nước dừa tươi ngọt lịm...
            Bạn đi tiếp theo con đường số 1 vòng vèo uốn cong ôm lấy bờ Thái Bình Dương để rồi bạn sẽ gặp Tuy Hòa với những tầng tháp Chàm cổ kính của nước Chiêm Thành năm xưa. Những ngọn tháp loại này còn rải rác trên các con đường bạn sẽ đi qua các vùng Nha Trang, Phan Rang về đàng Trong, Tuy Hòa với bãi cát sâu hun hút. Vì không có những hòn chặn bước chạy của những ngọn gió biển ưa nổi giận, nên bãi cát nơi đây dường như ít người phơi mình giỡn nắng hoặc lặn hụp như nhiều bãi biển ở Nha Trang, Vũng Tàu . Ra khỏi thị xã, bạn đi qua cầu Đà Rằng dài thườn-thượt về địa phận Hiếu Xương. Vùng đất Hiếu Xương tương đối trù mật, chạy dọc tới tận chân đèo Cả. Ngọn đèo cao lêu nghêu giữa vùng đồng bằng Hiếu Xương, với con đường xe lửa chui ngang ngọn núi như một cái hang khổng lồ của loài cọp nổi tiếng vùng Khánh Hòa này.
            Bạn có thể dừng lại bên kia chân đèo Cả, về phía Nha Trang, để ngâm mình trong nước biển mát lạnh vùng Đại Lãnh. Nơi đây, bạn đang ở vùng đồng bằng với những hạt lúa chín vàng. Trên quốc lộ 1 ở đoạn đường này bạn sẽ bắt gặp những vạt lúa hột phơi đầy mặt lộ. Người nông dân nơi đâu cũng yêu thương hạt lúa như hạt ngọc của Trời và cũng lam lũ suốt đời... Họ lo cho lúa có từng vạt nắng hơn cả lo cho chính đời họ có những tấm áo, tấm quần...
            Nếu bạn muốn ăn nem chua, nem nướng, xin bạn giã từ những cô thôn nữ vùng Vạn Ninh để về ghé ngang chợ quận Ninh Hòa, nơi có nhiều loại nem đặc biệt xin được mời bạn. Con phố nhỏ nhưng bao năm xưa, nhiều chàng trai khắp mọi miền về đây với màu áo chiến binh, rồi nhớ hoài vùng ngã rẻ này. Nếu bạn muốn ngược lên tây nguyên về Buôn Mê Thuột, xin mời bạn khởi hành từ Ninh Hòa theo con đường 21. Phía trước mặt bạn là ngọn núi cao, mây trắng phủ một lớp mờ mờ. Phía tay trái bạn, xiên xiên về hướng nam là con suối nước nóng, cách quốc lộ 21 không xa mấy. Nơi đây bạn có thể vào dạo quanh con suối làm chín hột gà như một trong nhiều thắng cảnh địa phương. Bạn nhìn theo ngọn núi phía tây và từ từ vượt con đường đèo có tên đèo Phụng Hoàng (đèo này còn được gọi đèo Mẹ Bồng Con vì từ xa các bạn nhận ra ngọn núi giống người mẹ ngồi bồng con dầm mưa dãi nắng giữa đất trời) để về Khánh Dương, Phước An trước khi vào thị xã Buôn Mê Thuột. Hai bên con đường 21 này là những bãi cỏ tranh, những rẫy đậu, những cánh rừng già, những vườn cà phê tít mù... Lác đác những làng Thượng với nhiều nhà có nóc lợp bằng tranh cao lêu nghêu. Thảng hoặc, bạn bắt gặp vài ngôi mộ người chết cạnh bìa rừng với túi xách, khăn gói treo lủng lẳng như một tập tục xa xưa của các sắc tộc miền núi. Dù xa lắc, nhưng họ vẫn lưu truyền những tập quán của riêng họ như nét riêng biệt. Bạn có thể vào buôn Eabok  hoặc bất cứ buôn làng nào để uống một ngụm rượu cần bằng cái vòi dài; bạn sẽ được mời ăn những miếng thịt rừng nấu lơ lớ. Bạn cứ ăn tự nhiên, nếu không, bạn sẽ bị những người bạn Thượng buồn lòng vì họ nghĩ rằng bạn chê họ còn man dại, sơ khai.
            Nếu bạn đi miết về hướng tây, bạn sẽ thấy quận Buôn Hô nằm chơ vơ bên tay trái con đường heo hút này. Những đồn điền cao su, những rừng già, những đồn điền cà phê ngào ngạt hương thơm của những nụ hoa rừng vào những tháng mưa. Nói đến cà phê, có lẽ bạn cũng nên nếm thử vài giọt cà phê cứt chồn đặc quánh như nước màu của Buôn Mê Thuột để nghe hương vị độc đáo của loại cà phê này. Và bạn cũng nên ghé qua Đức Lập, một vùng cà phê nổi tiếng của Quảng Đức. Thị xã Gia Nghĩa buồn tênh của tỉnh Quảng Đức này, bốn mùa vắng ngắt. Vài ba chiếc xe đò nằm im nơi bến không buồn khua động. Bạn lần theo những con dốc chung quanh thị xã, hoặc xa xa về vài nơi có cư dân, một loại trái cây quen thuộc mà bạn không thể bỏ qua, đó là mít đấy bạn. Trái đặc gốc, từ nhánh tới ngọn, ngọt ơi là ngọt!
            Quảng Đức với khí hậu ôn hòa không thua gì Đà Lạt. Những ai đã từng lên đây một lần, rồi nhớ hoài chốn cũ, dù lúc đầu như kẻ bị lưu đày... Thỉnh thoảng mỗi tuần vài lần, những chuyến bay của Hàng Không Việt Nam mang từ Sài Gòn lên những hơi ấm chốn văn minh, làm cho những con tim trốn bụi mù của kinh đô chợt nhận lại chính mình giữa vùng cao nguyên quạnh vắng với rừng là rừng...
            Sẵn đây, mời bạn ghé ngang Phú Bổn. Tôi không có dịp biết nhiều về các khu rừng, những vùng núi chốn này, nhưng tôi có mấy bận ghé qua Phú Bổn. Xin mời bạn đứng nhìn bến Mộng. Nơi đây một vùng đất cát mịn con sông Ba chảy ngang qua thật bình lặng với khung cảnh u tịch của rừng núi phủ ngập, làm cho dòng sông trở nên thơ mộng như cái tên gọi có tự bao giờ... Nơi những con phố, lác đác trên đường, bạn sẽ gặp vài cô gái Thượng có lỗ mũi cao, nước da ngăm, mặc robe ngắn cùng những hoa văn trên nền vải áo và nói tiếng Pháp như chim rừng hót líu lo vào lúc bình minh. Họ là những cô gái Thượng lai Pháp và theo học tại các trường Pháp ở Sài Gòn, như trường Marie Curie, mà nhiều lúc bạn không ngờ họ cũng thông thái như vậy. Phú Bổn, bạn đi năm, mười phút là hết mọi ngõ ngách, nhưng ngày xưa cũng có nhiều huyền thoại. Chẳng hạn, có một dạo, một người nông dân đang cuốc rẫy trên rừng, bỗng có máy bay của chính phủ từ Sài Gòn bay lên đón về mời làm Tổng Trưởng Sắc Tộc một thời. 
            Để khỏi lạc đường, xin mời bạn trở lại Ninh Hòa để tiếp tục dọc theo con đường số 1 xuôi về Nam. Bạn cần uống thêm ly nước dừa tươi cho đỡ khát không? Nếu không, xin bạn về ngang Nha Trang thăm lại Tháp Bà, thăm lại vài thắng cảnh mà hơn một lần tôi đã kể bạn nghe về "Nha Trang, những ngày tháng cũ ". Đường còn xa lắc vì cả miền Lục Tỉnh đang chờ bạn. Xin bạn giã từ Nha Trang theo hai ngả rẽ, một qua đèo Rù Rì, hai theo con lộ cũ đi qua Viện Phật Học về Thành. Lối nào cũng đi ngang qua Thành, giống như người xưa đã nói: "Đường nào cũng về La Mã " vậy. Thành còn có tên gọi khác là quận Diên Khánh, một quận lỵ cách Nha Trang không xa. Xin nhắc một chút lịch sử về Thành. "Khi xưa, vào tháng 5 năm 1973, thủy quân của Chúa Nguyễn tiến chiếm Bình Thuận; trong khi ấy Nguyễn Ánh đã ra tới Nha Trang. Tại đây thấy quân nhà Nguyễn mạnh, quân Tây Sơn bèn bỏ chạy hoặc ra hàng nên Diên Khánh lọt vào tay quân nhà Nguyễn. Và Nguyễn Vương cho Olivier tu sửa thành Diên Khánh làm hào, lũy, cất kho chứa binh lương với số dân công 4.000 người làm suốt ngày đêm và mất một tháng. Tháng 10 năm 1794, thành Diên Khánh do Võ Tánh chỉ huy, bị quân Tây Sơn bao vây rất gắt. Tháng giêng năm Ất Mão(1795), quân Tây Sơn do Trần Quang Diệu chỉ huy mang 15.000 lục quân cùng năm đạo thủy quân tiến đánh ào ạt vào Diên Khánh. Tháng 8 năm 1795, quân Chúa Nguyễn mới đánh mạnh, phá được nhiều đồn ải bên ngoài của Tây Sơn, làm cho quân lính Phú Xuân phải rút về kinh đô cố thủ. Tính ra thành Diên Khánh đã bị vây hãm chín tháng liền".(*)

 Ngày nay, mỗi lần ghé ngang Diên Khánh, các bạn thấy vòng thành năm xưa vẫn còn "trơ gan cùng tuế nguyệt", chứng tích một thời nơi đây là bãi chiến trường khốc liệt vào những ngày "Tây Sơn Mạt Điệp Nguyễn Sơ".
            Nếu bạn có thi giờ và muốn nấn ná lại nơi đây để đi vòng quanh thăm thành quách cổ, xin mời bạn ăn thử vài trái thanh long có vị chua chua ngọt ngọt, một loại trái cây ngon nhất miền này. Và chúng ta lại lên đường đi qua những địa danh Cam Lâm, Suối Dầu còn thuộc địa phận Khánh Hòa với hai bên con đường số 1 rải rác theo triền núi là những rẫy chuối xanh lặt lìa, những quày chuối trái lớn không thua gì chuối vùng đồng bằng.
            Con đường xuôi về Nam xa hun hút. Phía trước mặt bạn là quận Bắc, quận Nam của thị xã Cam Ranh, cách Nha Trang tròn sáu mươi cây số. Cam Ranh với cát trắng tinh. Nơi đây là giao điểm của cư dân khắp mọi miền gặp gỡ và dừng gót giang hồ. Như một bến cảng, những tàu thuyền cặp bến để rồi rời bến tiếp tục bước lãng du, cư dân nơi đây, những thế hệ cội rễ đều có những cội rễ khắp bốn phương trời. Họ đến đây vì sinh kế, vì nhiệm vụ, vì dòng đời đưa đẩy hơn là vì họ có cội nguồn từ Cam Ranh. Những ngày tháng trước, tôi nhiều lần đến đây, gặp gỡ nhiều người và họ đã cho tôi có nhận xét như vậy. Nhưng bạn khoan đi vội vì Cam Ranh cũng có những điều làm cho bạn nhớ hoài nếu có một lần nào đó bạn dừng chân lại chốn này. Xin mời bạn theo con đường cát về phía xa kia, hun hút ngoài biển khơi, một bán đảo nằm chơi vơi trên đại dương. Bạn có thể đi bằng tàu nhỏ tới bán đảo này khởi hành ngay trong thị xã cũng tiện. Trên bán đảo nhà cửa chen chúc, quán xá san sát. Mặt trời đã lên cao, nắng gắt, gió biển lùa vội những hương vị rong rêu lướt qua mũi bạn làm bạn nhận ra mình đang hòa vào biển xanh. Da thịt bạn nghe như rít rít với chút muối để lại giữa nắng trưa hè. Bạn có thể dùng món canh chua cá mú rặt hương vị Sài Gòn do chính tay những đầu bếp khéo từ Sài Gòn dọn sẵn mời bạn. Và chính những người Sài Gòn lưu lạc nơi đây mời bạn đi thăm hồ nước ngọt ngay trên bán đảo . Giữa biển khơi ngàn trùng mà có một hồ lớn đầy nước ngọt quanh năm cung cấp nước cho cư dân trên bán đảo, bạn không lấy làm lạ sao?
            Khi bạn rời bán đảo trở lại đất liền, xin bạn ghé ngang ngôi chùa gần thị xã với những bậc thang như những tầng tam cấp. Trước sân chùa cả một rừng hoa khoe sắc ngát hương. Nhưng bạn nhớ đừng say đắm mà ngắt vội một cánh hoa trên khu vườn nơi thiền viện này, vì rải rác, bạn sẽ đọc trên các tấm bảng nhỏ, trên những tảng đá với hàng chữ " xin đừng hái hoa " khắp trong hoa viên.
            Ra khỏi ngôi cổ tự, bạn rời Cam Ranh để đến Ngọc Sương, một loại "quán bên đường", nằm về phía tay trái quốc lộ 1, cách Cam Ranh không xa lắm. Nơi đây có chiếc cầu bằng ván bắc ngang con lạch nhỏ. Khung cảnh trông rất thơ mộng. Bạn có thể ăn những món ăn quen thuộc như tôm hùm, cua, cá đủ loại giữa nơi chốn có vẻ hoang dã này, vì chung quanh Ngọc Sương ngoài những rừng chồi lưa thưa dường như không có nhà cửa của cư dân.
            Chắc có lẽ bạn đang nghe tiếng gió rít qua rừng dừa, cách Ngọc Sương không xa, về  phía tay mặt quốc lộ 1. Nơi đây cũng là một trong những nơi đáng nhớ của Cam Ranh. Bạn muốn làm quà cho người thân, bạn nên mua vài chục đũa mun được mời gọi, mà không phải nơi nào cũng có loại đũa này. " Trước mua vui ", sau bạn cũng giúp được những người nghèo không có vốn liếng gì, chỉ lấy công gò lưng ngày đêm chuốt từng chiếc đũa từ những miếng gỗ cứng ơi là cứng để làm vui cho đời và kiếm chút ít tiền mua vài ba lít gạo sống lay lắt cho hết một kiếp đời nghèo khốn. Bạn uống thêm chút nước dừa tươi không? Những trái dừa vừa mới hái xuống ngọt vô cùng. Tiếng gió thổi rào rào, những tàu lá dừa khua động như chào bạn dừng chân.
            Thế là bạn sắp rời khỏi Cam Ranh khi quận lỵ Du Long hiện ra trước mặt. Những tảng đá nằm bên tay mặt bao vòng chung quanh quận lỵ bé nhỏ này là bắt đầu dẫn bạn vào vùng đất Ninh Thuận, mà thành phố chính là Phan Rang. Nói tới Phan Rang, có lẽ bạn còn nhớ câu   chuyện kể về núi Mặt Quỷ, núi Đao ở làng Ninh Chữ, hoặc câu chuyện kể về một đàn sâu lông dài thườn thượt từ trên núi kéo về bò ngang quốc lộ 1 vào một ngày gần cuối năm 1974. Câu chuyện có thật. Báo chí lúc bấy giờ có đăng tin cùng hình ảnh những đàn sâu tràn qua đường và bị xe đò qua lại cán chết nhiều vô số kể. Không ai giải thích được hiện tượng này. Ngay cả những đồng bào sắc tộc sống ở vùng này quen với núi rừng, họ cũng không giải thích nổi. Trong dân gian xôn xao bàn tán, nhưng tất cả chỉ để bàn tán cho vui. Giống như một hiện tượng khác vào giữa năm 1975, khắp các vùng đồng ruộng miền Nam lại xảy ra tình trạng cá trê trắng và cá trê vàng dùng hai ngạnh chém nhau cho đến chết. Vào thời kỳ ấy, cá trê chết gần hết. Nếu giăng câu được con cá trê nào, con cá đó cũng đầy sẹo. Và rồi, cũng xì xào bàn tán trong dân gian, nhưng không lấy gì làm chắc chắn cho những điều bàn giải. Điều đó cho chúng ta biết rằng, không phải điều gì cũng có thể giải thích được hết dù những điều đó có thật trên đời.
            Đến ngã tẽ Tháp Chàm, bạn theo con đường tay trái đi vào thị xã Phan Rang. Nhưng có lẽ nên mời bạn theo con đường tay mặt qua mấy tầng tháp cổ để về thăm Đà Lạt. Phan Rang có lẽ nổi tiếng một phần là nhờ những ngôi tháp Chàm này. Ai đi qua đây một lần, nếu chưa dừng chân đứng ngắm những ngọn tháp nơi đây để tận mắt nhìn lối kiến trúc như một nền văn minh cổ của dân tộc Chiêm Thành là còn thiếu sót nhiều lắm.  Bỏ lại sau lưng mấy ngọn tháp Chàm, bạn đang đi dần về ngọn đèo cao nhất của vùng này. Đèo Ngoạn Mục đấy bạn ! Ngọn đèo này còn một tên gọi khác là đèo Sông Pha. Đường đèo hẹp. Dốc đèo cao. Biết bao nhiêu là cua quẹo khúc khuỷu dẫn đưa bạn đi từ miền nắng nóng của vùng Phan Rang đến nơi chốn khí hậu ôn đới mát lạnh khi bạn đang ở bên trên đập Đa Nhim nước đổ ầm ầm xuôi về cánh đồng cỏ Đơn Dương. Đơn Dương là một thị trấn nhỏ nằm cách chân đèo không xa nhưng tấp nập. Nơi đây sẽ mang đến cho bạn mùa hoa vàng của những đóa qùy, một loài hoa mỗi lần khoe hương sắc đều quay mặt về hướng mặt trời dù sáng, dù chiều. Đứng từ chợ quận, bạn nhìn ngược lại con đường đèo bạn vừa đi qua, bạn sẽ cảm nhận rằng mình còn quá bé nhỏ trước thiên nhiên với núi non, cây rừng, mây trời quyện chặt vào nhau làm cho cảnh vật hùng vĩ biết dường nào! Bạn sẽ se lòng mình lại khi nhìn về phía xa hun hút dưới thung lũng bóng dáng lẻ loi của người tiều phu đang đi tìm nguồn sống tận nơi rừng thẳm này.  Trước khi bạn rời Đơn Dương để về Đà Lạt, xin mời bạn ăn món cá chép vàng bắt từ hồ nước Đa Nhim. Những con cá chép được bọc những bẹ chuối và nướng chín vàng tươm mỡ sẽ làm bạn nhớ hoài thị trấn nhỏ này cứ mỗi bận hồi tưởng về chốn cũ.
            Tiếp tục cuộc lãng du, bạn sẽ theo con đường đèo cũ ngoằn ngoèo song song với con đường xe lửa Nha Trang - Đà Lạt bị bỏ hoang nằm im lìm giữa vùng rừng thông để về Đà Lạt. Những đoạn đường đèo không cao nhưng khá nguy hiểm sẽ dẫn đưa bạn qua Đập Đất với những giàn trái su đầy trái, những luống cải salad xanh mượt, những rẫy hoa hồng, hoa glaieul màu đỏ thẳm ... Người trồng rẫy, trồng hoa không phải là những người nghệ sĩ nhưng mang đầy chất nghệ sĩ. Họ vui với từng nụ hoa mới nhú và họ tràn trề hạnh phúc với những vườn hoa vào đúng mùa màng. Họ biết chi ly từng loài hoa và họ cũng biết người thưởng ngoạn hoa thích những loài hoa nào vào mùa nào; nên suốt đời họ âm thầm hiến dâng đời những đóa hoa đẹp của vùng cao nguyên mát lạnh này mà không cần tên tuổi gì. Bạn đã nhiều lần khen hoa hồng đẹp; bạn đã nhiều lần trầm trồ những đóa phong lan ngát hương; bạn vui với những cánh anh đào; bạn say với những chùm tygôn, mimosa... Nhưng có bao giờ bạn thương người làm vườn không? Bạn có lần nào ngưỡng mộ những tâm hồn nghệ sĩ thầm lặng ấy không? Nếu chưa, xin bạn một chút tình cảm nhỏ nhoi như một lời cảm ơn họ dù muộn màng!
            Qua khỏi Đập Đất, bạn đang đi qua những biệt thự với những vườn hoa trước sân, những hàng thông suôn đuột để vào thị xã Đà Lạt. Bạn có cảm thấy lạnh không? Sương mù giăng giăng ở đây làm bạn lạnh. Loại sương muối làm đôi má những cô con gái Đà Lạt ửng hồng giống như máu nóng trong tim họ làm lòng họ yêu đời hơn. Những vạt áo len, những chiếc áo khoác mùa đông, những đôi tình nhân nắm tay nhau thấp thoáng nơi nhà thủy tạ trên hồ Xuân Hương, Sân Cù, hồ Than Thở, thác Cam Ly, con dốc Hoàng Diệu, chợ hoa Hòa Bình... như những lời chào hỏi của Đà Lạt dành cho bạn khi bạn vừa đặt chân đến thành phố này.
            Nếu bạn ngược lên hướng tây, qua nhiều khu trồng hoa glaieul, hoa hồng, rẫy rau cải như những đặc sản của Đà Lạt, bạn sẽ đến thăm một quận lỵ nghèo nhất của Đà Lạt, nằm ngay dưới chân núi Lâm Viên cao vòi vọi mây trắng phủ quanh năm. Đó là đất Lạc Dương đấy bạn! Lạc Dương với cư dân phần đông là đồng bào sắc tộc. So với Đơn Dương, Đức Trọng thì Lạc Dương không bằng về nhiều phương diện. Nếu có hơn chăng là nhờ ngọn núi Lâm viên cao nhất vùng, ngay phía sau lưng, Lạc Dương như một tiên ông dựa vào lưng núi nhìn thế sự qua đi bốn mùa, bất cần những miếng đỉnh chung, bon chen trần tục ...
            Trước khi mời bạn về Đức Trọng, xin bạn trở lại Đà Lạt nếm chút cà phê Tùng. Bạn có thể nghe lại bài hát Mùa Thu Chết của Phạm Duy sáng tác vào đầu thập niên 70 để nhớ lại những lần hò hẹn cũ ...Bạn sẽ rời Đà Lạt theo quốc lộ 20, băng qua những đồi thông san sát mé lộ với những tấm bảng ghi hàng chữ " Lửa cháy, rừng điêu tàn !" được gắn rải rác theo các gốc thông già, như một lời nhắc nhở bạn hãy giữ lấy nét đẹp của rừng thông. Đà Lạt không còn rừng thông có lẽ Đà Lạt không còn là Đà Lạt! Không biết tôi có quá cường điệu không? Nhưng không gì bằng hãy để hết lòng mình cho Đà Lạt là qúy rồi, phải không bạn? Theo con đường này bạn không phải trở lại Đập Đất mà đi về cây số 13 với nhiều đèo dốc... Rồi bạn bắt gặp tiếng thác Prenh đổ ào ào bên tay trái cùng với những vườn hoa anh đào chúm chím nụ vào những ngày giáp Tết... Trước khi vào Đức Trọng, bạn sẽ gặp con đường tẽ về phía tay trái. Đó là quốc lộ 20bis chạy về Đơn Dương. Con đường này mới mở băng qua những cánh rừng chồi thưa nên nhà cửa cư dân không đông lắm. Nét hoang vu của rừng núi còn bao phủ cảnh vật. Trên nền trời cao lòa xòa những sợi dây đồng của đường dây điện cao thế chuyên chở dòng điện từ Đa Nhim về Sài Gòn một cách lặng lẽ, âm thầm... Có lẽ bạn nên tiếp tục cuộc hành trình về Đức Trọng để thấy nơi đây như một nơi trù phú nhất của Đà Lạt. Phía trước mặt quận lỵ là dòng thác Liên Khương nhẹ nhàng chảy như bất tận... Những tảng đá ngầm dọc theo lòng thác chỉ đủ làm cho dòng thác như cô con gái đẹp được cưng chiều, chảy thật dịu dàng, thướt tha; trái với thác Gougha về phía chợ Tùng Nghĩa, lúc nào cũng ầm vang tiếng nước đổ từ trên cao với những bọt nước văng trắng xóa như những con kình ngư đang đùa giỡn... Cả một vùng núi rừng với bấy nhiêu dòng thác đủ làm cho thắng cảnh Đức Trọng hào phóng với du khách từ xa lạc bước đến chốn này. Nơi chợ Tùng Nghĩa có các món thịt rừng mà bạn không thể không nếm thử. Đặc biệt có món thịt nhím, thịt trúc xào xả ớt cũng ngon đáo để. Ngoài ra, các bạn sẽ bắt gặp những cô gái Thái trắng vùng cao nơi chợ quận này có nước da trắng, dáng thướt tha, đẹp hồn nhiên nhiều lúc bạn không ngờ. Nhưng có một điều nên khuyên bạn, là đừng bao giờ có ý mang con tim ra đùa với các nàng sơn nữ này nếu bạn chưa muốn lụy với tình. Vì nếu bạn chỉ muốn đùa cho vui thì đó sẽ là một trò chơi nguy hiểm vô cùng. Chẳng biết hư thực như thế nào, nhưng tôi được nghe nhiều người địa phương kể lại, nếu bạn có ý không thành thật trong "cuộc chơi", bạn có thể bị một miếng da trâu hoặc một con gà con nằm trong bụng quậy phá tưng bừng, rồi tiêu đời ... Ở đâu cũng vậy, thời nào cũng vậy, tình yêu không thể giỡn được!
            Cái nắng của Đức Trọng không đủ làm bạn nóng, nhưng làm cho lòng bạn cảm thấy bạn đang xa dần Đà Lạt, ít nữa đã hơn ba mươi cây số qua những đoạn đường khúc khuỷu lên dốc xuống đèo về hướng Sài Gòn. Nếu từ đây bạn tiếp tục cuộc hành trình trên quốc lộ 20, bạn sẽ đi qua Di Linh, một thị trấn nhỏ của tỉnh Lâm Đồng. Đặc sản của Di Linh cũng như Đức Trọng, ngoài các loại cây gỗ, còn có cà phê rất ngon không thua cà phê Đức Lập, cà phê Buôn Mê Thuột. Bạn có thể ghé lại thị trấn Di Linh ăn điểm tâm với món trứng gà chiên và bánh mì do người Pháp làm. Loại bánh mì không trộn bột gạo nên mềm và thơm ngon. Bắt đầu từ Di Linh, ngoài những đồn điền cà phê, bạn sẽ thấy lác đác những đồi trà xanh. Nhưng có lẽ Bảo Lộc mới là nơi tập trung nhiều đồn điền trà hơn bất cứ cao nguyên nào của Việt Nam. Xa xa, bạn sẽ trông thấy các cô gái Thượng đi hái trà giữa những đồi trà xanh thành từng hàng, từng hàng, nhịp nhàng với chiếc gùi trên vai như những cánh chim rừng chấp chới đôi cánh trên những vạt rừng xanh thẳm.
            Với Bảo Lộc, bạn nên để hết cái tâm mà thưởng thức những chung trà xanh hoặc những loại trà đã ướp hương vị hoa sen, hoa lài của Đỗ Hữu. Bạn cũng nên thưởng thức hương vị mít Tố Nữ với những múi mít dính vào cái cùi sau khi bóc vỏ tươm mật ngọt thơm ngát. Bạn có bao giờ ăn những trái bơ của Bảo Lộc chưa? Bơ ở đây không thua loại bơ của Đà Lạt, lúc nào cũng béo ngậy. Bạn có đọc quyển Nẻo Về Của Ý của Thiền Sư Nhất Hạnh chưa? Phương Bối Am trong Nẻo Về Của Ý nằm trong một khu rừng già của Bảo Lộc, cách quốc lộ 20 không xa mấy. Trên con đường xuôi về Sài Gòn, ra khỏi Bảo Lộc, bạn lại bắt đầu vượt qua đèo Bảo Lộc, rồi đèo Chuối với tiếng róc rách của dòng suối cập bên quốc lộ, với dòng nước cuồn cuộn của con sông La Ngà, với những con dốc thoai thoải cho bạn biết bạn sắp giã từ cao nguyên Di Linh về lại đồng bằng miền đông Nam phần. Con đường sẽ mang bạn qua nào là cây số 125 với những lô rừng Giá Tỵ; nào là Phương Lâm, Định Quán với dân thập phương tứ xứ dừng chân lập nghiệp giống như vùng đất Cam Ranh xa lắc ngoài kia mà bạn đã đi qua; nào là Dầu Giây với những hàng cao su trong các đồn điền thẳng tấp bạt ngàn... Và bạn lại đang đứng ở ngã ba lộ tẽ giữa hai quốc lộ 1 và 20 tại ngã ba Xuân Lộc. Vậy xin bạn nên bắt đầu lại từ ngã ba Phan Rang để có dịp mời bạn đi qua vùng Bình Thuận với nhiều điều lý thú. Vì mải mê đưa bạn về Đà Lạt, thành phố với nhiều loài hoa, nhiều sương mù, nhiều mối tình thơ mộng, nhiều huyền thoại, suýt chút nữa lại lạc đường giữa những đồi thông vi vu, giữa tiếng thác âm vang, giữa những ngọn đèo cheo leo cùng những thung lũng sâu hun hút, trầm mặc bốn mùa...
            Khi bạn đi ngang Phan Rang, theo quốc lộ 1, có lẽ bạn sẽ nhìn thấy những quầy tỏi với những tép tỏi khô chắc thịt. Tỏi vùng này là một đặc sản, vừa cay, vừa thơm làm cho những miếng chả lụa, những miếng nem chua thêm đậm đà trong những bữa ăn. Dọc hai bên quốc  lộ là những rẫy tỏi xanh biếc. Rừng Phan Rang còn được trời đất ban cho nhiều loại mai vàng. Đến gần ngày Tết, cư dân túa lên rừng đốn những cây mai đầy hoa mang về để chưng ba ngày Tết hoặc mang ra các chợ để bán. Trên đường phố Nha Trang vào những ngày 29 hoặc 30 Tết những cánh hoa mai vàng của Phan Rang tràn ngập như những cánh chim hoàng - anh từ miền núi rừng bay về thăm thành phố biển, hót líu lo ...
            Ra khỏi thị xã chừng mấy mươi cây số, bạn sẽ giựt mình nhìn thấy trước mặt bạn cả một vùng biển xanh. Nơi đây là Cà Ná. Cái cua quẹo đưa bạn trồi mình ra biển. Bạn nghe lại tiếng sóng biển nhè nhẹ vỗ vào bãi cát, vào vách đá những ngày nắng ráo. Những lúc mưa bão, ôi thôi, biển lại nổi giận ầm ầm. Những bèo bọt trắng dã cuốn theo triền sóng bất tận. Cà Ná cũng nổi tiếng về muối và nghề đánh cá. Bạn có thể ghé lại dùng cơm nếu bạn nghe đói bụng. Cũng có đủ loại hải sản cho bạn cùng thịt heo kho rệu với nước dừa tươi làm cho miếng thịt trong ngần. Bạn không quên lượm vài vỏ ốc trên bãi cát về lưu niệm dù vỏ ốc không đáng giá gì, nhưng bạn không phải lúc nào cũng có dịp trở lại bãi biển ngày xưa mà hơn một lần bạn đã qua đây!
            Khi bạn rời Cà Ná, có nghĩa bạn đang bỏ lại Phan Rang ở phía sau lưng bạn. Phía trước mặt con suối Vĩnh Hảo nằm bên tay mặt của bạn, cách quốc lộ 1 không xa. Có một thời loại nước suối này nổi tiếng cả miền Nam, được chế biến, vô chai bán khắp các nhà thuốc tây như một môn thuốc trời cho vừa tinh khiết, vừa giá rẻ, lại hiệu nghiệm trong nhiều phương cách trị chứng mất nước cho người bịnh nữa.
            Sau khi qua Vĩnh Hảo khá xa, bạn rẽ tay trái theo con đường hương lộ vào thăm Tuy Phong. Tuy Phong một quận nằm về hướng đông bắc của tỉnh Bình Thuận. Ở đây cư dân thưa thớt nhưng có vài đặc điểm làm bạn muốn dừng lại. Trước nhất, gạo ở đây rất ngon cơm, mà nhất là những nồi cơm gạo lúa mới, thơm ơi là thơm! Ban đêm bạn sẽ theo những người bạn Chàm đi săn nai. Nai ở đây không nhiều như Buôn Mê Thuột, nhưng với cách thổi lá cây dụ nai tới gần, bạn sẽ có những đêm săn nai thật lý thú. Nếu bạn chưa nếm qua món thịt nhong xào xả ớt ở Tuy Phong là một thiếu sót. Con nhong thường ở dưới hang sâu nơi bãi cát gần biển, người ta đào hoặc câu nó bằng lưỡi câu. Có lần tôi đã ăn thử thịt nhong, có cảm giác giống thịt rắn, thịt chuột bằm nhỏ xào lá cách trong các vùng đồng quê miệt Long Xuyên, Sa Đéc...
            Xuôi về Nam, bạn sẽ qua Phan Lý Chàm sầm uất nằm cạnh quốc lộ. Còn muốn vào Hải Ninh thăm ga xe lửa Sông Mao gần tận trong chân núi, bạn nên rẽ vào tay mặt. Cư dân nơi đây phần đông là người sắc tộc Nùng. Đời sống của họ còn nghèo lắm, lam lũ với núi non quanh năm. Từ Phan Lý Chàm, con đường thiên lý dẫn bạn về Phan Thiết nhiều đoạn hoang vắng lạ thường. Hai bên đường rải rác những đồi trọc, cây cỏ lưa thưa...Xa xa, bạn bắt gặp những cây điều được trồng lấy hạt đứng lố nhố trên những giồng đất cao về phía bìa ruộng. Thỉnh thoảng các bạn gặp vài người nông dân gánh dưa hấu từ trong rẫy về. Loại dưa hấu này rất ngọt, nhưng người ta chỉ lấy hột để cung cấp cho các nơi chế biến hạt dưa bán vào dịp Tết như Chợ Lớn. Những hột dưa chè bè được phơi đầy trên những tấm đệm bằng nylon cặp hai bên quốc lộ 1. 
            Khi bạn thấy thấp thoáng bên tay trái bạn những ruộng muối màu trắng như tuyết còn phơi mình dưới nắng hoặc được cào gom lại thành những núi muối, bạn sắp đến Phan Thiết rồi đấy. Người nông dân gánh những gánh muối kẽo kẹt trên đôi vai, men theo các con đê giống như ngày xưa làm ruộng gánh lúa về nhà.  Lưng họ ướt mồ hôi. Những giọt mồ hôi của họ cũng mặn không thua gì những hạt muối trên gánh, trên đồng...Có lẽ bạn cũng cảm thông với họ về những nỗi nhọc nhằn mà suốt đời họ đã cam nhận kiếp nghèo để mang đến cho đồng loại một trong những nhu yếu của đời sống. Rồi nào là hột điều, ốc hương, cua, ghẹ, nước mắm tôm, nước mắm cá ngon không thua gì nước mắm Phú Quốc. Tất cả là những gì độc đáo của Phan Thiết, xin được dành cho bạn chọn lựa .
            Con đường xuôi về Nam lại phải xuyên qua thị xã Phan Thiết với hương vị đặc biệt của vùng làm nước mắm nhưng có lẽ hơn một lần bạn nghe nhắc đến những tên gọi Mũi Né, Lầu Ông Hoàng thơ mộng. Những địa danh này nằm về phía biển xa xa ở hướng Đông. Bà Mộng Cầm, một tên tuổi được nhắc tới nhiều như một huyền thoại trong những vần thơ của thi sĩ Hàn Mặc Tử, mặc dù quê của bà ở Quảng Ngãi, nhưng bà đã có một thời gian dài sống với gia đình tại Phan Thiết, cho mãi tới sau năm 1975 bà mới về Sài Gòn cho tới bây giờ. Mấy năm còn ở Nha Trang, tôi thường được gặp bà ra thăm người con gái lớn là chị Mộng Điệp ở đường Trần Qúy Cáp. Bà rất đẹp, nói năng từ tốn, vui vẻ, tính tình rất bình dân nhưng phong cách của bà vẫn phảng phất nét đài các nhẹ nhàng. Các cháu, con chị Mộng Điệp từ Nữu ước về đây học ghé lại chơi với con tôi, tôi có hỏi thăm về sức khỏe của bà; được biết bà Mộng Cầm năm nay đã ngoài tám mươi, vẫn còn mạnh khỏe và đang sống với con cháu ở Sài Gòn.
            Bạn ra khỏi địa danh Mường Mán cách Phan Thiết vài ba cây số, là bạn đang đi qua những cánh rừng dày đặc. Đặc biệt là khu rừng lá tối trời tối đất trước khi  bạn đến căn cứ 4, ngã ba Bình Tuy. Loại lá này không giống lá dừa nước trong Nam, mà là loại lá hình rẻ quạt ; phần lớn dùng để chằm nón. Những chiếc nón lá mà dân quê dùng che nắng che mưa ở các tỉnh vùng Lục Tỉnh cũng mua từ loại lá này. Ở làng quê tôi nhiều người sống bằng nghề chằm nón, nên thường mua lá từ miền ngoài. Sau này có dịp đi ngang rừng lá, tôi mới biết hai chữ  "miền ngoài" là để ám chỉ rừng lá Phan Thiết, Bình Tuy. Lá đốn xuống được phơi cho thật khô, nếu lá không khô sẽ bị vàng. Lá khô màu trắng. Lá khô được người thợ dùng miếng vải gói cám bên trong kéo lá thẳng ra bằng cách đặt những cọng lá lên đít một cái chảo bằng sắt, úp mặt chảo vào bếp lửa và chụm lửa liu riu vừa đủ nóng cho lá thẳng, giống như người ta ủi quần áo bằng bàn ủi vậy. Tùy theo loại nón đi chợ hoặc đi đồng mà người ta chằm lá mỏng hoặc lá dày. Đôi khi để nón chắc chắn xài bền cho việc đồng áng, thường ở giữa hai lớp lá, người ta còn độn thêm bẹ chuối khô và phết lớp dầu chay bên ngoài. Cách chằm nón không khó nhưng đòi hỏi nhiều công phu. Để khỏi lạc đường, xin hẹn dịp khác sẽ trở lại những làng chằm nón tại các làng quê miền Nam mà tôi đã ở hoặc đích thân uốn những chiếc vành, kết những miếng lá rời thành những chiếc nón lá xinh xinh cho đời che nắng, che mưa theo những mùa màng...
            Bây giờ mời các bạn đến ngã ba Bình Tuy, một đi Hàm Tân, một về Đất Đỏ. Phía trước mặt bạn về bên tay mặt là ngọn núi Chứa Chan trên đường về Long Khánh với những con dốc thoai thoải mà nguy hiểm vô cùng. Ngọn núi không cao lắm nhưng làm lòng bạn thấy nhớ về những ngọn núi trên vùng tây nguyên mà bạn đã đi qua vào mấy hôm trước với rừng bạt ngàn.
            Vùng Xuân Lộc cũng nhiều cây ăn trái như mít, chôm chôm tróc, chuối nhiều vô số kể ...

Sau khi bạn qua khỏi Trảng Bom, Hố Nai, xin mời bạn ghé lại Biên Hòa. Bạn ra bờ sông Đồng Nai ngồi nhìn ánh trăng chiếu lấp lánh trên dòng nước và ăn món đầu cá lóc hấp nổi tiếng nơi đây. Biên Hòa còn nổi tiếng là xứ bưởi. Nào là bưởi ổi, bưởi thanh trà ngọt như cam Tàu. Trước kia Biên Hòa còn được gọi là Đồng Nai vì theo tương truyền những cánh đồng vùng này có rất nhiều nai. Đây là một trong sáu tỉnh của miền lục tỉnh gồm: Gia Định, Biên Hòa, Định Tường, Long Hồ, An Giang và Hà Tiên.  Bạn có biết Biên Hòa có loại đất sét hầm gạch ngói đỏ au không? Loại ngói này dù mưa nắng bao mùa gội rửa nhưng không bao giờ bị  đóng rong rêu như các loại ngói vùng châu thổ sông Cửu Long. Trước đây, các tỉnh vùng đồng bằng, những người  giàu có muốn lợp nhà bằng ngói thường mua ngói tại Biên Hòa; đặc biệt ngói vùng Phú Hữu, Tân Vạn là tốt nhất, không đâu bằng.
            Và chắc chắn bạn không thể quên vùng Tân Uyên của Biên Hòa đã sản sanh một nhà văn tiêu biểu cho một dòng văn học về đồng quê miền Nam: Bình- Nguyên- Lộc. Ngay bút hiệu của ông, chúng ta thấy nơi chốn chôn nhau cắt rốn ảnh hưởng rất lớn trong đời văn chương của tác giả truyện ngắn nổi tiếng Rừng Mắm. Bình Nguyên là cánh đồng. Lộc là nai. Do đó cả miền Nam, khởi đi từ Đồng Nai, Biên Hòa là mạch nguồn, là chất liệu làm nên giá trị những tác phẩm của nhà văn Bình Nguyên Lộc một cách lâu bền.
            Trước khi rời ngã ba Tam Hiệp, xin mời bạn ghé ngang trại nuôi trâu bò để làm thịt tại vùng này. Những con trâu, con bò có đến hàng trăm, hàng ngàn con được nơi đây mua về rồi mướn người trông giữ để làm thịt dần dần, nhằm cung cấp thịt cho các chợ trong vùng. Bạn có bao giờ thấy những giọt nước mắt của trâu bò khi chúng bị đem ra làm thịt không? Chúng biết khóc trước khi chết và chúng cũng dễ nổi điên trước khi chết; nhất là chúng biết thù ghét, kinh tởm những người giết bò trâu chuyên nghiệp. Không dễ gì những người này đến gần những con trâu sắp bị giết. Bằng mọi cách chúng phá chuồng làm cho đồng loại chạy tán loạn. Nhớ lại chuyện cũ, hồi tôi còn nhỏ, Tía tôi có nuôi đôi bò có cặp sừng móc vào hai lỗ tai, nên gọi là bò móc. Khi giặc Tây bố, cả nhà tản cư, đôi bò cũng tháo chuồng chạy thoát. Hai ba ngày sau, tình hình tạm êm. Khi Tía tôi trở về, đôi bò đã đứng sẵn trong chuồng và đôi mắt đầy nước mắt. Sau này, đôi bò móc già quá, không còn cày bừa nổi nhưng Tía tôi không bán cho công xi, mà nuôi hoài cho tới khi nào bò già mà chết mới thôi...
            Bạn đang trên đường đến Sài Gòn qua con đường xa lộ với cái nắng chang chang gay gắt vào những ngày tháng ba của miền Nam. Theo lẽ, tôi sẽ mời bạn về Lục tỉnh thăm đồng quê qua hai mùa mưa nắng, nhưng Boston hôm nay đang vào những ngày đầu Xuân, bỗng trời đất nóng lên đến 85 độ F, nên nóng kinh khiếp, làm tôi nhớ cái nắng Sài Gòn... Trong khi đó, những ngả đường miền tây hun hút mời bạn, tôi cũng mệt nhoài vì đã đi quá xa; đành xin bạn một lần gặp gỡ trên những nẻo đường làng quê vào những ngày tháng sắp tới... Và ở đó, có lẽ bạn sẽ gặp lại người bạn nghèo của tôi, mà có một thời chúng tôi đã kiếm sống bằng nghề cắm câu, giăng lưới trên đồng nước lụt mênh mông.  Và bạn sẽ nghe lại giọng hát các trẻ mục đồng vang vang trên bờ kinh về ánh trăng vằng vặc khắp miền như lời bài hát Trăng Phương Nam, của nhạc sĩ Anh Hoa, vừa êm đềm, vừa ấm áp biết dường nào:
"Ai vô Nam, ngơ ngẩn vì muôn câu hò,

Những tiếng đó khơi nguồn mạch sống ấm no.

Trăng phương Nam sáng tỏ khắp bờ Cửu Long,

Nước chảy bóng thuyền xuôi dòng

Vọng tiếng khoan hò ấm lòng ..." 

Lương Thư Trung